Thế giới đó đây

Lenk

Lần đầu tiên tôi lên núi: Lenk. Ở đó có căn nhà nghỉ cuối tuần của bạn. Lên lần đầu rồi muốn lên lần thứ hai. Muốn lên lần thứ ba. Muốn lên lần thứ tư. Muốn lên nhiều lần nữa. Tham lam quá. Tôi nghĩ vậy. Nhưng vẫn cứ muốn lên.

Trong đời mình, tôi đã được đi đó, đi đây hầu khắp non sông đất Việt. Tôi đã được đi Mỹ, đi Pháp, đi Anh, đi Canada. Nhưng không đâu lại làm tôi tương tư như ở “phố núi” này. Lenk với Thụy Sĩ như Sa Pa của Việt Nam. Nằm ở độ cao 1068m, trung tâm Lenk là thung lũng của vành đai đá. Trắng những tuyết. Các đầu núi cao bao quanh Lenk là vậy.

Xin kê ra đây một số đỉnh tuyết giữa trưa lung linh nắng dưới ánh mặt trời. Bluemlisalp, 3664m; Doldenhorn, 3643m; Balmhorn, 3698m; Altels, 3629m; Rinderhorn,3448m;Tierhôrnli, 2894m;Steghorn, 46m;Wildstrubel/Grossstrubel, 3243m; Mittlerer Gipfel, 3244m; Wildstrubel, 3244m; Gletscherhorn, 2943m; Laufbodnhorn, 2701m; Rohrbachatein, 2950m; Mittaghorn, 2686m; Wildhorn, 3248m...
 
Lenk nằm giữa vòng tay núi hay núi bao vây Lenk. Nghĩ thế nào cũng phải. Cửa duy nhất vào Lenk nhìn về hướng thủ đô Bern cũng có nghĩa là nhìn về hướng bắc. Xe bạn tôi lăn bánh tại sân nhà ở Grenchen vào lúc 10giờ sáng thứ 7, ngày 27 tháng 8, dừng trước sân nhà trên núi vào lúc 11 giờ 25 cùng ngày. 85 phút chạy, với tốc độ 100km/giờ. Như vậy là từ nhà dưới phố lên nhà trên núi có khoảng cách trên dưới 145km. Nhà núi nằm ở độ cao 1.260m lộng bốn phương gió trời. Đứng giữa sân cũng đủ thu giang sơn vào tầm mắt. Giang ở đây chỉ là một con suối nhỏ. Sơn ở đấy thì trùng trùng điệp điệp. Tuyết phủ hầu như quanh năm.
 
Gọi là phố núi nhưng nhà cửa không chen chúc xếp hàng, tòa ngang dãy dọc, đường thẳng góc vuông như sự thường của phố phường mà nép vào từng khoảng không gian cho phép hợp với thế đất, thế đá, thế cây và thế cỏ. Điểm xuyết vào chỗ đáng điểm là cái tài của những người quản lý Lenk. Khi chúng tôi đến cũng vừa có thông báo quỹ đất dành cho thổ cư để xây dựng đã khóa sổ. Đất trống còn lại là của cỏ cho chăn nuôi. Của ngô, rau, nho, táo cho cây trồng. Suy ra cũng là cho sự sống của con người.
 
Nhà cửa choán hết lấy đất đai đâu mà dành cho lương thực, thực phẩm. Sống cho mình và cho con cháu mai sau như là bổn phận của lớp người hiện tại. Lãnh đạo cao cấp đến mấy (nơi đây không có bí thư) cũng không đứng bên trên luật pháp và quy chế vùng. Tôi nhìn thấy còn nhiều thửa đất vuông nghiêng nghiêng bên sườn núi. Một ngôi biệt thự đứng ở đó hẵn là đắc địa lắm. Nhưng không. Theo chỗ tôi biết những mãnh đất này đã có quy hoạch dành phục vụ dân sinh như làm vườn chơi cho các cháu nhỏ, làm chỗ giải trí cho các người già. Tương lai là của tương lai. Người có quyên hiện tại không ăn bẩn. Vả lại không ai để cho kẻ ăn bẩn cầm quyền bao giờ. Nhà cầm quyền của họ là người thực tâm làm cho dân giàu, làm cho dân sướng, làm cho dân vừa ý. “Ăn cơm nhà vác ngà voi”. Chính quyền là những người như thế. Lenk không có buillding xi măng cốt sắt cao tầng. Lenk chỉ chơi nhà gỗ. Một trăm phần trăm nhà gỗ. Đương nhiên là trừ tấm lợp. Nhà nào nép được vào đá, vào cây không phá vở cảnh quan có thể được phép vươn lên tầng ba. Cũng vẫn là gỗ. Làng Lenk. Tôi nghĩ thế khi đứng trên ban công nhà bạn thả tầm nhìn quan sát toàn cảnh. Những con đường bò theo hình thế. Những ngôi nhà không xếp thành hàng dọc hàng ngang. Nhà nép theo thế núi. Điều chung nhất là mái đua đầu hồi mỗi nhà đều vươn ra thật xa. Có nơi gần 2m. Chưa ở đâu mà tôi biết, đầu hồi tạo thành mái đua vươn ra xa như ở đây. Quảng đại là hữu ý chăng. Che nóng khi nắng. Tránh ướt khi mưa. Khách bộ hành nhỡ đường nép tạm cũng là một cách làm vui cho người khác. Đòn tay mái đua thu vào từng nấc như dạng con sơn làm nên tính thẩm mỹ của mỗi căn nhà. Cái tình trong thớ gỗ là cái tình của cây rừng, cái tình của gia chủ bay ra với mọi người. Không đâu như Lenk. Tôi nghĩ thế. Và, vì thế tôi tương tư Lenk. Nằm một đêm nhà núi của bạn tôi như mơ nằm giữa cõi thiên đường. Trong lành của môi trường. Mát mẻ của khí hậu. Hương thơm của rừng già. Cao sang của điệp núi. Yên tĩnh của không gian. Ru tôi chìm vào giấc ngủ thật sâu. Sáng hôm sau thức dậy mỏi mệt của những ngày qua không cánh mà bay ra khỏi cơ thể chẳng lấy gì làm cường tráng của tôi. Bạn tôi chọn nơi nghĩ cuối tuần thì ra là thế.
 
Đứng trên ban công nhà bạn, Lenk được thu gọn vào tầm nhìn. Với tôi thế là thỏa mãn lắm. Nhưng. Vâng! Nhưng bạn tôi còn muốn đưa tôi lên cao hơn. Tôi không từ chối. Ai lại từ chối những dây phút hưởng thụ hiếm hoi của cả đời người. Xong bữa điểm tâm sáng, chúng tôi bò lên đỉnh núi Metschstand, cao 2100m. Ở đó có nhà hàng ăn uống và đài vọng cảnh nhìn qua ống kính tầm xa. Sân đậu xe ôtô dường như kín chỗ. Tôi thích thú được nhìn ngắm những chiếc xe cổ ra đời cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bạn tôi nói nhỏ chỉ vừa đủ cho tôi nghe. Nhà giàu đó. Xe càng cổ càng giàu. Nhà giàu leo lên núi làm nên trào lưu “phô trương” xe cổ. Sân xe cổ như một sưu tập phương tiện giao thông thuở cha tôi chưa ra đời. Ý, Pháp, Đức, Mỹ như là những nhà tiên phong trong lĩnh vực này. Lên vọng cảnh đài ngắm phố lại say sưa ngắm xe. Vài ba lần bạn nhắc, tôi mới nâng cái ống nhòm lên đặt vào mắt mình. Bạn đố tôi xác định vị trí nhà bạn. Tôi cho ống nhòm men theo con đường vòng vèo quanh co lên phía mái núi có vệt trắng dựng đứng và nhận ra nhà bạn to như một cái quạt giấy. Bạn tôi đưa một ngón tay cái lên lắc lắc. Ý khen mắt tôi còn sáng lắm. Chúng tôi cùng cười. Cái cười hòa tan giữa đỉnh núi tuyết. Và, trên không trung cao xanh kia bổng dưng xuất hiện từng chấm xanh đỏ trắng vàng. Dù. Người nhảy dù thoát ra khỏi máy bay ở một tầm cao đang lượn tìm bãi đáp. Chung quanh là núi. Một sân cỏ trống giữa lòng chảo xanh không rộng hơn sân chơi bóng chuyền là bao. Điểm rơi của họ là chỗ đó. Dù một cho người sành điệu. Dù đôi để người biết lái kèm du khách bay. Không biết máy bay cất cánh từ sân bay nào mà đến gần Lenk là nhảy ra chao lượn rồi từ từ đáp xuống sân cỏ duy nhất bên con suối nhỏ cũng duy nhất giữa lòng Lenk.
 
Tôi tương tư với Lenk còn có cả điều như thế.
 
Xuống núi. Chúng tôi thả bộ đến chân thác đầu ghềnh. Thác Rothenbach dựng nên một dải nước trắng xóa. Nước từ tuyết trên đầu núi hóa thành mới tinh anh như thế. Tuyết sinh ra nước. Nước làm nên con suối Simme chảy dọc thung lũng Lenk. Những mảng có xanh sánh với da trời trải dài hai bên suối. Suối ra cửa Lenk như một đạo sĩ lâu ngày xuống núi thầm lặng men ra ngả ba Zwelsime làm nên sầm uất của một thành phố chung tên. Từ đây Simme hóa thành Simmelalo uốn cong như một cánh cung đưa nước Lenk nhập vào hồ Thuner See qua cửa suối nằm giữa Einigen - Gwatf cuối bờ tả ngạn.
 
Nhìn suối chạy hối hả mới chia sẻ với nơi đây khan hiếm những dải đồng bằng châu thổ phì nhiêu.
 
Qua suối chúng tôi đưa nhau đến Godelbahn để lủng lẳng trong thùng cáp treo bồng bềnh lên Stoss, ở độ cao 1634m. Đứng trên đỉnh Stoss nhìn xuống trung tâm Lenk đã ngợp. Từng bầy xe, bò dọc, bò ngang như những con bọ vừng đi tìm nhụy hoa. Nắng vàng phả xuống thung lũng. Đỉnh Stoss phảng phất hơi sương. Người. Rất nhiều người ra khỏi thùng treo đi bách bộ, đi picnic, đi ngắm cảnh. Chúng tôi theo họ dạo một vòng trên đỉnh núi này rồi trở lại thùng treo tiếp tục bồng bềnh lên đỉnh Leiterli, có độ cao 2001m. Leiterli là sân trước của Iffighorn. Iffighorn cao 2378m là bậc thềm của đỉnh tuyết Wildhorn, 3248m. Mây trời lồng lộng. Tinh anh trắng giữa mầu xanh bao la. Từ mái nghiêng Iffighorn người ta đặt một hệ thống trượt quanh co khúc khuỷu mà nửa trên là ống tròn kín, nửa dưới là máng lộ thiên. Bạn rủ, tôi không chối từ. Cả hai chui vào ống. Độ dốc của núi, độ trơn của nhựa, sức hút của đất, tôi theo bạn như hai viên đạn phóng nhanh xuống phía dưới. Cười. Bạn cười. Tôi cười. Vợ và con tôi cũng cười. Ngồi vào ghế cạnh bàn ăn dưới chân đỉnh tuyết vẫn còn cười. Mấy cô gái núi trẻ đẹp mang nước và bảng kê thực đơn đến - gái núi ở đâu cũng đẹp, nhất là núi tuyết Thụy Sĩ. Tôi nghĩ thế. Một phút hồi xuân dấy lên trong tôi. Giá mà nửa thế kỷ trước tôi đã có mặt nơi đây! Tôi ngẩn ngơ để tầm hồn lan man trên tuyết. Khoai tây chiên. Thịt nướng theo trục quay thẳng đứng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ bốc lên một mùi thơm giữa bao la trời đất. Thịt như thế mới đúng là quay. Vừa nhâm nhi thức ăn Thụy, Thổ, Pháp, Đức vừa nhâm nhi cảnh quan nơi hạ giới. Thì ra Lenk là “trại tập trung” các hệ thống cáp treo. Mùa đông người tứ xứ ngoài Thụy Sĩ, ngoài châu Âu lũ lượt về đây thả thân mình tự do trôi trên tuyết. Lên bằng cáp. Xuống bằng xuồng. Mặc sức lên. Giống như Hồ Xuân Hương đã viết (Mặc sức cây đu nhiều chị nhún). Lên đến đỉnh rồi lao xuống như bay. Lại lên. Đương nhiên là “nhà cáp” đành phải xuất phiếu thu tiền lên. Thùng không lại trở xuôi để nhận khách vào thùng. Trượt ngắn, có. Trượt dài, có. Trượt dốc góc hẹp, có. Trượt dốc góc rộng, có. Mỗi điểm trượt băng là một hệ thống cáp treo mang người lên điểm xuất phát “bay”. Những nơi mái trượt góc hẹp dưới chân đều có ba chữ SOS. Lenk không đủ đất làm giàu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Loại hình kinh tế đó dường như còn ở dạng tự sản tự tiêu. Lenk có tuyết, có mái núi. Tuyết giàu nên dân cũng giàu theo.
 
Lên núi cao hình như ngày ngắn lại. Mới “giập miếng bã trầu” mà mặt trời đã ngả sang chiều. Nấn ná thế nào cũng phải xuống núi. Lại đung đưa, bồng bềnh. Ngồi vào xe tạm biệt ngôi nhà trên núi của bạn, tôi lưu luyến bâng khuâng không muốn ra khỏi lòng chảo đá núi chỉ mới bén duyên 29 giờ.
 
Thụy Sĩ lắm ngân hàng. Bởi trước hết được bảo đảm an toàn bằng chữ tín. Điều đó là dĩ nhiên. Thụy Sĩ còn biết tìm cách làm giàu cho dân bằng nhiều loại hình trong ngành công nghiệp không có khói.
 
Đất đai hẹp. Núi non nhiều. Họ biết vì nhau nên đã làm được nhiều điều kỳ diệu.
 
Như đầu bài đã viết. Tôi muốn đến Lenk những lần sau. Và, những lần sau nữa.
 
                                                 ImKornfel, tối 29 tháng 8 năm 2011
                                                                   
   

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511552

Hôm nay

2215

Hôm qua

2336

Tuần này

21926

Tháng này

218425

Tháng qua

121356

Tất cả

114511552