Đất Nghệ
Có một đoàn thuyền mang tên một dòng sông
Ở vùng sông nước Nghệ Tĩnh những năm trước 1975 chắc ai cũng biết đoàn thuyền này - ĐOÀN THUYỀN VẬN TẢI SÔNG LA.
Ở quê tôi Đức thọ, Hà tĩnh nói đến dân Sông la mọi người hiểu đang nói về những con người trong hợp tác xã vận tải này.
Tiền sử có từ những thuyền đò dọc chuyên chở sản vật: chè xanh, trầu, cau, cam, bưởi… cá, mắm, muối từ miền ngược nối miền xuôi và ngược lại. Là phương tiện đi lại các bà buôn, khách nơi xa về quê, từ quê xuống Vinh đi các nơi. Bởi vùng quê tôi Đức Thọ, Hương Sơn, Phố Châu, Chợ Bộng, các xã phía bắc Hương Khê từ Chu Lễ dến Thanh Luyện, không gì thuận tiện bằng đò dọc. Con đò có lẽ có lẽ có từ ngàn xưa ở đất này. Loại phương tiện phổ biến vào thời buổi giao thông bộ còn sơ khai cả vùng chỉ có đường quốc lộ 1 đi qua phía dưới và đường 8 sang Lào chủ yếu qua vùng dân cư trong đê.
Đức thọ trù phú, sầm uất có lẽ là đôi bờ ven sông La. Trên dòng La đó các con thuyền xuôi ngược như nốt nhạc không thể thiếu trên dòng nhạc. Thuyền và sông một mối lương duyên kỳ ngộ.
Từ 1958 nhóm thuyền này tập trung thành hợp tác xã: HỢP TÁC XÃ VẬN TẢI SÔNG LA.
Hợp tác xã có hẳn trụ sở hẳn hoi ở trên bờ, bao giờ cũng gần sông. Trụ sở ngày đầu ở bến ông Định phía trên chợ thị trấn, bến đó có đò ngang sang bên thượng, Đức Tân, Đức Trường (nay là Trường sơn). Thuyền được đóng bằng gỗ tốt (lim, táu, dổi...). Ban đầu chỉ là thuyền cỡ nhỏ vận chuyển khách và hàng nhẹ, khi vào hợp tác chuyên chở hàng nặng thuyền được đóng lớn, nơi đóng các con thuyền là Đức tân, nơi đó thợ rất lành nghề chỉ nói chở bao nhiêu là họ dựng được con thuyền ưng ý. Thuyền kết thành nhóm, thường gọi theo tên của người già nhất hoặc người biết giao dịch ký hợp đồng, nhận việc từ ông chủ nhiệm hoặc khách hàng. Nhóm thuyền tụ lại đi với nhau gần như họ hàng hoặc rất thân quen nhau. Hợp tác xã vận tải Sông La có chừng sáu, bảy nhóm như vậy, mỗi nhóm có chừng ấy thuyền.Thuyền vận tải đường sông nên mức trọng tải cũng chỉ chừng mười tấn trở lại, lớn lắm cũng mười lăm tấn là cùng. Lượng hàng chở tùy thuộc vào luồng lạch nông, sâu của tuyến sông. Hàng vận chuyển đủ loại muối, gạo, lạc… đến sắt thép, xi măng. Xa nhất là những chuyến đi như ra bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, theo sông Hồng lên tận Việt Trì, theo sông Đà đến tận núi Chẹ - Ba Vì, lên miền ngược theo sông ngàn Cả tới Thanh Chương, Đô Lương …
Thuyền là nơi sinh sống cả gia đình, có khi hai, ba thế hệ. Đối gia đình trẻ thường tách thuyền riêng, có hỗ trợ của hợp tác với hình thức vay trả góp. Nghề vận tải vất vả, nặng nhọc, thức khuya, dậy sớm theo con nước. Việc chống, chèo cần nhiều người mới đẩy nổi con thuyền chở nặng ngược dòng, vì thế hai, ba thế hệ cùng một con thuyền là chuyện thường tình. Khi tôi biết, cả hợp tác xã chẳng ai có thể gọi là giàu. Của cải là chính con thuyền. Người ta chăm chút nó như con đẻ, thỉnh thoảng phải cho thuyền lên bãi để hui (dùng loại cây có nhựa đắng đốt) diệt các loài ký sinh bám vỏ thuyền, mùa hanh khô ngày mấy lần vỗ nước khắp mạn thuyền tránh nứt. Khốn khổ nhất là lúc thuyền nát cũ nước vào, suốt đêm canh chừng tát nước không thì ngập chìm. Lại nói chuyện cái che mưa, che nắng được gọi là mai. Mai được đan bằng nứa hai lớp giữa lót lá tro (cọ) che lên các khoang thuyền. Thật khổ vô cùng khi mai bị dột không có chỗ mà nằm, không còn chỗ mà tránh với khoảng không chật chội như vậy. Nhưng ở thuyền cũng có cái thú. Mùa hè gió lộng nằm trên mai thuyền sau khi nhảy ùm tắm mát không gì bằng. Mùa đông hơi nước rất ấm, tôi chả thấy nhà nào có chăn bông như bây giờ, lạnh quá thì sưởi củi, quạt than. Chỉ khổ tụi trẻ ít được chạy nhảy, chơi bời vì sợ té sông. Những dịp thuyền đậu, được lên bờ là cả một cuộc du lịch, khám phá của chúng. Còn một điều kỳ thú nữa là được đến nhiều vùng, đến nhiều nơi xa lạ, tất nhiên trên những dòng sông. Những ký ức ấy ghi đậm trong đầu óc trẻ thơ chúng tôi.
Đa phần dân sông nước ít học. Muốn học thì phải lên bờ và đó là cả một cuộc chia ly đầy nước mắt. Đến tuổi đi học lắm người lên bờ nhưng rồi lại quay về thuyền... Bạn tôi sau khi học hết a,b,c... thì bỏ. Bây giờ gặp lại, bạn tôi quên hết chữ, đọc tờ báo không nổi. Thật khổ. Gặp nhau mi giỏi hè, giỏi hè. Tôi chỉ hai đứa con, còn nó tám đứa, chẳng biết lấy gì nuôi con nói gì đến đại học. Những ai lên bờ theo học thì học cũng ra trò. Sống thiếu thốn vậy nhưng bọn trẻ đến trường học rất giỏi, có người luôn đứng đầu lớp, thi học sinh giỏi huyện, tỉnh đều giành giải. Chắc là “đói chữ” nên đứa nào cũng cố học. Chỉ có mấy chục gia đình mà con đi học đủ mọi trường Bách khoa, Tổng hợp... Có người còn đi học nước ngoài, chuyên văn, chuyên toán. Ôi thương nhớ biết bao những phận người từ sông nước bước vào đời.
Nhớ con sông quê, nhớ tuổi thơ, nhớ biết bao nỗi vất vả những người làm nghề vận tải. Ta lớn khôn từ dòng sông đi xa, thấm đẫm nước dòng La linh kiệt. Trong mỗi bát cơm canh, quả cà, tương, nhút, đọi chè xanh thơm, mát ngọt câu mời. Ôi cái mát trưa hè bơi lội, trang vở đầu đời là bãi cát bên sông.
*
Thời những năm 1958 đến trước chiến tranh phá hoại 1964, nghề vận tải thủy người ta coi trọng lắm, đại hội xã viên còn có cán bộ trên về phát biểu ca tụng, tổ chức liên hoan có khi trên bờ, có lúc vài ba thuyền kết lại. Lắm người cũng từ đây ra đi làm cán bộ này cán bộ nọ mà trình độ cũng chỉ thuộc loại dưới cấp hai, nghĩa là chưa thể giải nổi phương trình bậc hai, về lúc nào cũng đi xe đạp (dân sông nước lên bờ đi được xe đạp oách lắm).
Chiến tranh phá hoại nổ ra, tuyến đường sông là mục tiêu đánh phá ác liệt nhất. Vận chuyển hàng phục vụ cuộc chiến từ Vinh đến phía thượng nguồn sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, giáp vùng tây bắc Quảng bình, đêm di chuyển, sáng nấp vào bờ che lá ngụy trang. Nhiều người của đoàn thuyền sông La người đã chết trong những chuyến hàng như vậy. Nguy hiểm nhất vận chuyển đạn và xăng dầu. Bom đánh trúng thì chỉ có nổ và cháy tan tành cả thuyền và người. Có lần bố tôi suýt mất mạng khi ra tận Thanh Hóa vận chuyển hàng về khi qua kênh nhà Lê, đoạn gần cầu Cấm.
Thời kỳ chiến tranh, đoàn thuyền chỉ còn lại đàn ông và lớp thanh niên. Trẻ con, người già, phụ nữ lên bờ. Đoàn thuyền lúc này được gọi là “đoàn thuyền thanh niên xung phong” làm vận chuyển. Chiến tranh nổ ra, đoàn thuyền chuyển hậu cứ từ thị trấn Đức Thọ lên Ghềnh Tàng - Đông Hòa. Về sau lại chuyển lên Đức Ân (nay Ân phú), rồi rú Chùa, Đức giang (huyện Vũ quang). Tài sản của "dân sông La" không có gì ngoài con thuyền đi chở hàng cho chiến trường, một vài nồi niêu, vật dụng không thể không có và một cái nhà bên cạnh bờ sông. Gọi là nhà nhưng chỉ là cái lều được dựng lên bởi mấy cây tre chôn xuống đất, trên lợp lá tro (thuộc loại cọ, cách gọi ở quê tôi), dăm miếng ván ghép lại làm gường, bên dưới là hầm.
Cứ như vậy, trong suốt cả cuộc chiến, bao tấn hàng đã được vận chuyển vào Nam bằng đường sông trên những con thuyền bằng chính sức lực của "dân sông La" bởi thời ấy làm gì có máy móc. Thời bình còn có thể dùng buồm nhờ sức gió, thời chiến hầu như phải đi ban đêm, cực nhất chèo, chống ngược dòng. Rồi bao hiểm nguy luôn rình rập cha anh chúng tôi. Bom từ trường, thủy lôi... thả dọc các luồng lạch. Thuyền, người và hàng hóa phơi giữa hiểm nguy suốt gần chục năm trời chiến tranh. Thế mà "dân sông La" không một ai bỏ thuyền, bỏ sông, bỏ nhiệm vụ.
Công trạng là vậy nhưng những người ngã xuống chưa ai được coi là liệt sỹ, nói gì đến huân, huy chương. Khi bố mất, tôi lục tìm mãi cũng chỉ có mấy tờ giấy dũng sỹ Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Trỗi và chứng nhận có tham gia … đợt gì gì đó.
Sau 1975, việc vận chuyển đường sông đi vào lịch sử.
Số phận những con thuyền vận tải, những con người trên nó lùi vào dĩ vãng. Không ai thuê mướn họ nữa, hợp tác tan rã, mỗi người kiếm sống một kiểu tùy theo vốn và khả năng. Thuyền to giờ bé lại, chủ yếu buôn bán nhỏ hoặc lên rừng chặt củi chở xuôi Vinh kiếm sống. Người bám trụ sông, xuôi ngược buôn bán cầm chừng. Con cái họ thất học, chèo thuyền tận Hương khê buôn đủ loại, lấy cát dưới sông làm kế sinh nhai.
Tôi nhớ những lần về quê, gặp người già sống nghèo khổ phàn nàn: chẳng ai nhớ đến công lao của những người làm vận tải Sông la. Các cụ sống cả cuộc đời trên sông nước, nay lên bờ ở tạm những nếp lều không thể gọi là nhà so với dân trên bờ. May mắn cho gia đình nào có con học hành thoát ly còn có tiền, quà gửi về, còn đa số phiêu dạt vào Tây nguyên, người ở lại sống lay lắt nghèo khó.
Một thời vinh quang của ĐOÀN THUYỀN VẬN TẢI SÔNG LA giờ chỉ còn lại trong ký ức. Một ký ức buồn cho những người đã cống hiến trọn cuộc đời vì sông nước, vì cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của dân tộc.
Hỡi trời cao! Xin hãy biết đến đã có một ĐOÀN THUYỀN VẬN TẢI SÔNG LA trong những năm chống giặc gian khổ và ác liệt nhất của dân tộc.
10/2011
tin tức liên quan
Videos
Bảng tra Các chức quan, phẩm tước, học vị thời phong kiến Việt Nam
Bác Hồ với quê hương, quê hương với Bác Hồ
Ký ức trường xưa và chuyện di dời các ngôi trường
Internet và sự tác động đến văn hóa Việt Nam
Hồi sinh trang phục truyền thống người Ơ Đu
Thống kê truy cập
114521288
Hôm nay
262
Hôm qua
2303
Tuần này
262
Tháng này
219227
Tháng qua
121009
Tất cả
114521288