Những góc nhìn Văn hoá

Bùi Duy Tân như một SỐ THÀNH

Ông thuộc thế hệ đầu tiên của những người nghiên cứu văn học thời hiện được đào tạo, được đòi hỏi trở thành những chuyên gia, làm loại công việc mang tính chuyên nghiệp.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của các khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, dễ nhận thấy rằng sự xuất hiện những ngành và chuyên ngành khoa học xã hội độc lập, được cấu trúc hoá thành những thiết chế trong các trường đại học và trong các viện nghiên cứu, có muộn hơn một cách tương đối so với các ngành và chuyên ngành của khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Vừa tròn nửa thế kỷ trước, Ban Văn Sử, rồi sau đó mở rộng hơn, Ban Văn Sử Địa mới chỉ là một "cơ quan trẻ" thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Cũng vào thời điểm ấy, ở môi trường đại học, "Sư phạm" với "Tổng hợp" mới bắt đầu chia tách, "Khoa Văn" với "Khoa Sử" vẫn chung nhau nhiều môn học, có chung nhiều bậc "sư phụ". Dăm năm tiếp theo người quan sát lịch sử khoa học ở Việt Nam, đúng hơn, ở miền Bắc, mới chứng kiến sự trưởng thành nhanh chóng của cơ cấu tổ chức khoa học, của đội ngũ những nhà chuyên môn do chính "nền khoa học nội địa" đào tạo và quy hoạch. Nếu đồng ý rằng đội ngũ đó là "hàng nội đời đầu", thì dĩ nhiên Bùi Duy Tân có mặt trong số họ.
Với thời gian, cho đến nay khoa học về văn chương đã có những bước tiến bộ trên mọi bình diện làm nên diện mạo của một ngành học. Ở các trường đại học lẫn viện nghiên cứu, hai phân ngành chính của công việc nghiên cứu văn học là lý luận và lịch sử văn học cùng song song phát triển, thu hút nhiều nhất nguồn lực của ngành. Riêng trong phân ngành lịch sử văn học, sau lần "bổ đôi" một cách nôm na thành hai bộ phận : "văn học Việt Nam" và "văn học nước ngoài", chỉ trong vài thập niên, ở viện nghiên cứu đã hình thành các "ban", ở các khoa ngữ văn của các trường đại học đã kiến thiết nên hàng loạt "bộ môn" bề thế : ở viện văn học, đó là ban Văn học dân gian (cho tới nay thì lại đã có nhiều người không bằng lòng coi văn học dân gian là một bộ phận cấu thành của văn học viết dân tộc, mà khẳng định đó là một lĩnh vực khoa học độc lập, có đối tượng và phương pháp riêng, có lí luận và hình thành lịch sử riêng, có quan hệ đặc thù với nền học thuật quốc tế và các lĩnh vực khoa học chuyên ngành khác ! Đúng vậy, tôi không có gì phản biện quan niện đó, chỉ đơn giản là đang thuật lại điều gì từng diễn ra trong lịch sử), Ban Văn học Việt Nam Cổ – Cận (hay Trung đại, sau một thời dao động về danh xưng, tới nay thì đã tách bạch thành hai Ban có "trụ sở" riêng là Ban Trung đại và Ban Cận đại), Ban Hiện đại (lại cũng "phát sinh" thêm Ban Đương Đại rồi) ; ở các Khoa Văn (hoặc Ngữ văn) của các trường Đại học thì là các Bộ môn được định danh tương ứng. Việc nghiên cứu và truyền bá thành tựu nghiên cứu văn học nước ngoài cũng được mở rộng "hoành tráng".
Khác với tình hình diễn ra trong giới sử học, nơi mà ngay từ rất sớm trong cơ cấu ngành đã xuất hiện bộ môn Phương pháp luận sử học với tư cách là một bộ môn vừa có nhiệm vụ cung cấp tri thức lý thuyết vừa tổng kết, cập nhật những thành tựu nghiên cứu, hệ thống hoá tri thức và kinh nghiệm nghiên cứu, trang bị cho cán bộ và sinh viên những tấm biển chỉ đường và kỹ năng hành tiến, bộ môn Lý luận văn học trong một nửa thế kỷ vừa qua hầu như chỉ làm việc biên soạn và trình bày lại những điều đã có trong các giáo trình lý luận văn học ra đời ở các nước phương Tây, chủ yếu là giáo trình lý luận văn học của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô cũ. Giới nghiên cứu văn học, sau khi "khoanh vùng định thửa", cơ hồ ai cũng bình thản "canh tác" trong giới hạn những "mảnh đất phần trăm" mà mình đã được chia, không mấy người băn khoăn về "ruộng vườn hàng xóm", trong khi một sự thật ngày càng tỏ ra hiển nhiên, là lý luận văn học và rộng hơn, mọi khái quát về văn học ở phương Tây không hoàn toàn tương thích khi vận dụng một cách rốt ráo vào các nền văn học phương Đông, trong đó có văn học Việt Nam.
Rất nhiều hệ quả đã nảy sinh từ một thực tế như thế. Một số lượng đông đảo, nếu không nói phần lớn, những người làm văn học sử Việt Nam trong một thời kỳ khá dài đã cơ hồ không quan tâm tới những gì mà giới làm lý luận viết ra và truyền giảng. Công khai chối bỏ "lý luận" thì không nên, không thể và cũng không đúng, nhưng "vận dụng" thứ lý luận ấy vào công việc của mình, thì ít nhà nghiên cứu văn học sử tỏ ra thực sự "tích cực và tâm huyết".
Ở thời điểm cách nay nửa thế kỷ, nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu lịch sử nói riêng mới trở nên là một công việc khoa học mang tính quốc gia, ở tầm quốc sự. Trong buổi ban đầu mang tính chất kiến tạo nền móng ấy, cách thức phân chia địa hạt công việc cho thế hệ các nhà nghiên cứu mới (chủ yếu là những người trẻ tuổi) thiếu đi một sự liên kết, hô ứng và tương tác nội tại. Có lẽ ai trong họ cũng đều cố gắng rất mực, nhưng chỉ mới để hình dung nên hệ vấn đề của và cho riêng mình. Nhà khoa học tự nhiệm thì thường tự mình đặt ra và giải quyết những vấn đề manh tính bao sân, trong thực tế khi triển khai thì thường đụng tới những lĩnh vực tri thức cần xử lý nhưng vượt ra ngoài năng lực của một cá nhân. Ngược lại, những nhà khoa học được "giao việc từ trên xuống" thì lại thường bỏ qua những vấn đề mang tính chiến lược, hành xử theo lối "chỉ đâu đánh đấy". Người ta thường yên chí với tâm lý "đại sự đã có người thu xếp". Thực ra, ngay giữa các bậc đại nhân mà tên tuổi chủ yếu đã được tạo lập cả từ trước Cách mạng tháng Tám, vẫn còn tồn tại khá nhiều bất đồng về những vấn đề tưởng như sơ đẳng. Cuộc thảo luận kéo dài về vị trí vai trò và ý nghĩa của bộ phận văn chương viết bằng chữ Hán trong lịch sử văn học viết Việt Nam (xem bài tổng thuật trong Tuyển tập này) phần nào nói lên điều đó. Lý luận văn học trong vài thập kỷ đầu sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc đã được tiếp nhận chủ yếu từ "nguồn Liên Xô, nguồn Trung Quốc" hay từ các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa thì cũng đều được diễn đạt lại, truyền bá cho người học trong tâm thế tương tự như đối với những "chân lý ứng dụng" từ các Kinh sách, chỉ có khác là của các "thánh hiền đời nay", không thấy có mấy người băn khoăn trước một thực tế là hàng nghìn năm lịch sử văn học của dân tộc, rộng hơn, của khu vực, không tương thích một cách giản dị với những luận đề thiên kinh địa nghĩa "mới" ấy.
Trong hoàn cảnh đó, có lẽ cách thức mà các nhà nghiên cứu văn học dân tộc (nhất là văn học từ 1900 trở về trước) đã lựa chọn cho mình khi trình ra những sản phẩm hệ thống hoá các bộ giáo trình Đại học đầu tiên cần được coi là một lối ứng xử "thực thi nhiệm vụ" ở mức an toàn.
Các học thuyết triết học, hệ tư tưởng hay tôn giáo trong truyền thống đều không được khuyến khích nghiên cứu. Mà một khi vị trí, vai trò của những học thuyết như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo hay tư tưởng Lão – Trang,
chưa nói các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa, vốn là những học thuyết hay truyền thống tư tưởng từng giữ địa vị chi phối quyết định nội dung và tính chất của đời sống tinh thần trong hàng ngàn năm bị nhất loạt coi là "vùng nhạy cảm" lâu dài, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên rằng trong các công trình được coi là quan trọng hàng đầu về lịch sử văn học dân tộc, hai loại hình lớn của đội ngũ tác giả văn học là nhà sư và nhà nho đã không hề được đồ thức hoá đúng với thực chất của họ là hai bộ phận cấu thành nền tảng của lực lượng sáng tác.
Bùi Duy Tân và những người nghiên cứu văn học sử truyền thống cùng thế hệ với ông (có thể kể những tên tuổi như Nguyễn Đình Chú, Đặng Thanh Lê, Phạm Luận ở Đại học Sư phạm Hà Nội ; Nguyễn Lộc, Mai Cao Chương ở Đại học Tổng hợp ; Đỗ Văn Hỷ, Nguyễn Huệ Chi, Trần Nghĩa, Trần Thị Băng Thanh ở Viện Văn học,...) là cả một thời kỳ dài có vẻ như "nhịn" bàn tới những vấn đề mang tính lý thuyết khái quát, ít ra là trong khoảng vài chục năm (kể từ lúc mới vào nghề). Cho tới mãi năm 1975, những hoạt động chuyên môn chủ yếu của đa số trong họ dường như nghiêng rõ rệt vào cụm vấn đề về các tác giả, tác phẩm, văn bản cụ thể. Mà có khi chính nhờ thế, phần lớn trong số họ lại có những thành tựu chắc chắn có ích cho đời, cho việc tiếp tục của các thế hệ sau.
Đầu thập kỷ bảy mươi (thế kỷ XX), sau một thời gian tiếp thu và truyền bá, một số tác giả thuộc chuyên ngành lý luận (và cả nghiên cứu văn học hiện đại) quyết tâm bắt tay vào việc "vận dụng" hệ thống lý luận đó để "giải mã và giải quyết" những vấn đề của văn học sử dân tộc. Nói gì thì nói, với người nghiên cứu khoa học xã hội, nhất là nghiên cứu văn học, không làm được cái công việc "hát cho đồng bào tôi nghe", mà phải bằng thứ ngôn từ trên thông dưới suốt, thì không hòng gì gây dựng được thanh danh. Một trong những "bãi thử" được nhiều người chọn là mảng văn học Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XVIII (bởi tới thời điểm đó thì những tác phẩm văn học Nôm quan trọng nhất đều đã được phiên âm, cũng bởi từ thế kỷ XVIII trở đi văn chương bằng chữ Nôm đã có thành tựu nổi bật đủ để đại diện toàn quyền cho văn học dân tộc), vấn đề "ưu tiên" là vấn đề chủ nghĩa hiện thực, tác giả hàng đầu là Nguyễn Du, tác phẩm được chọn trước hết là Truyện Kiều.... Vậy nhưng chính những người nghiên cứu văn học sử mà "đất canh tác được giao" nằm chính vào giai đoạn ấy, tác giả ấy, tác phẩm ấy... thì lại tỏ ra khá dè dặt, thận trọng. Phải trên dưới một thập kỷ sau, họ mới lên tiếng. Rồi tới giữa những năm 80, cụm vấn đề đó được Trần Đình Hượu chính thức đặt lại dưới một ánh sáng khác và một định hướng nghiên cứu khác. Cho đến thời điểm hiện nay, thì hầu như người trong nghề ai cũng thấy việc vận dụng một cách "thật thà" lý luận phương Tây để nghiên cứu văn học truyền thống phương Đông càng ngày càng bị đặt trước những thách thức không nhỏ.
Bùi Duy Tân được phân công nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam cả một giai đoạn lớn, gần tám thế kỷ văn học sử (từ thời điểm hình thành văn học viết dân tộc đến giữa thế kỷ XVIII), ở một môi trường được mệnh danh là "máy cái" nghiên cứu và giảng dạy văn học của cả nước. Đến đầu thập kỷ tám mươi khi các thầy Đinh Gia Khánh, Mai Cao Chương được điều chuyển tới những cương vị công tác khác ở các cơ quan mới, thì chỉ còn một mình ông "độc lập tác chiến" phần việc này, và "tình hình tạm thời" ấy kéo dài tới ngót hai mươi năm !
May mắn cho Bùi Duy Tân cùng các đồng nghiệp thế hệ ông là trước đó đã kịp tham gia một khoá học Hán Nôm đặc biệt vào thời điểm miền Bắc bắt đầu bước vào cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Học viên của lớp học này chủ yếu là các nhà khoa học trẻ đến từ các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy Đại học ở Hà Nội. Có thể khẳng định nhờ khoá học này mà sự đứt gãy với nền học vấn truyền thống mới không trở nên quá nghiêm trọng.
Trải hơn bốn mươi năm "vừa học vừa làm", vừa trao vừa nhận, vừa truyền bá vừa tích luỹ, ông trở thành một tên tuổi khả kính trong nghiên cứu văn học, rộng hơn giới nghiên cứu văn hoá truyền thống Việt Nam.
Cũng có người nhận xét với tôi, rằng "đọc Bùi Duy Tân ít thấy những vấn đề đặt ra mang tính lý thuyết thực sự". Một nhận xét như thế không có gì đáng gây ngạc nhiên. Đã không được nhắm chọn để được đào tạo làm lý luận, bản thân ông do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, không cố tỏ ra là người sính lý thuyết, có tham vọng lập thuyết. Nhưng, xét cho kỹ và nói cho cùng, lý luận vốn không phải là sở trường của trí thức Việt cả từ trong truyền thống, và cho tới nay, khi số lượng các nhà khoa học Việt Nam, nếu chỉ tính những người có bằng cấp từ tiến sĩ trở lên đã tới con số trên
15 000, thử hỏi đã mấy ai đủ tư chất và nhất là tạo nên được thành tựu để được định danh là nhà lý luận, hơn thế, nhà tư tưởng ? Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại một cuộc trò chuyện diễn ra gần ba mươi năm trước về chuyện này.
Một thầy giáo chuyên sâu về lý luận văn học mà tôi vẫn hằng yêu mến và kính trọng, từng chủ biên một số giáo trình lý luận văn học, viết riêng những công trình nghiên cứu theo lối "vận dụng lý luận" có tiếng vang, tính tình khá độc đáo và nghệ sĩ. Bởi được ông quý mến, tôi thường có dịp phiếm đàm với ông không ít chuyện giời ơi đất hỡi. Có lần, khi chỉ có hai thầy trò, ông bỗng nhiên lại tỏ ra nghiêm trọng, ngập ngừng mãi rồi cũng buột ra
câu hỏi :
– Cậu nói cho thật sự đánh giá của mình nhé ! Tôi có phải là nhà lý luận Việt Nam không ?
Hơi ngỡ ngàng về sự tự định vị đó, sau một chốc lưỡng lự, tôi đánh bạo trả lời :
– Cũng có thể nói thế, nhưng phải mở ngoặc đơn…
– Là ?...
– Rằng là ở Việt Nam không có lý luận văn học thực sự.
Ông đột ngột nổi xung, đến lạc cả giọng :
– Cậu... ! Cậu... ! Sao ở Việt Nam lại không có lý luận ? Nói thật hàm hồ !
Tôi cũng bất ngờ chì chiết :
– Thế thầy có thể chỉ ra câu nào, mệnh đề nào, chữ nào, luận điểm, luận đề nào về lý luận văn học mang tên thầy, gắn với tên tuổi của thầy ? Theo em, là nhà lý luận thì phải có cái gì tương tự thế !
Có lẽ tôi đã gây ra cho lòng tự ái của ông chịu một thương tổn nặng nề. Phải mất vài năm sau ông mới cho phép tôi "bình thường hoá quan hệ".
Nhưng ý kiến đã nói ra thì tôi vẫn bảo lưu, và bảo lưu cho đến bây giờ, rằng do toàn bộ những tính quy định của sự phát triển, điều đó dường như cơ hồ làm nên một "đặc điểm", đúng hơn, một hạn chế lịch sử của đội ngũ trí thức dân tộc. Việc trở thành một nhà lý luận, trong bất cứ lĩnh vực tri thức nào, ở Việt Nam là một thách thức to lớn, và chắc chắn là ít người có thể vượt qua. Tôi không đến mức bi quan, như một số người cho rằng điều đó cơ hồ đã thành "não trạng" của dân tộc, nhưng đương nhiên không hề có ảo tưởng về khả năng nhanh chóng thay đổi thực tế.
Nhưng ở đâu thì cũng vậy thôi, không phải người nghiên cứu nào cũng có thể trở thành lý thuyết gia, song để làm nhà khoa học, để được coi là nhà khoa học thì phải trang bị tri thức lý luận và phải hun đúc trong mình cảm quan lý luận. Chắc chắn rằng Bùi Duy Tân đã dành nhiều tâm lực cho công việc này, mất nhiều thời gian cho việc tiếp thu, đồng hoá nhiều vấn đề thuộc lý luận văn học, lịch sử và văn hoá. Cũng do điều kiện và cương vị công tác mà ông đảm nhận trong suốt cả một thời gian dài, ông không thể là người kinh nghiệm chủ nghĩa. Nhiều bài viết, nhất là những bài tổng luận, tổng thuật, của ông về các đề tài khoa học, sự khái quát những đặc điểm và tính khuynh hướng của các thế kỷ văn chương minh chứng cho nhận xét đó.
Dễ đồng ý rằng, ấn tượng nổi bật mà Bùi Duy Tân tạo ra qua các công trình và bài giảng của mình là ấn tượng về độ tin cậy, chắc chắn toát lên từ một người có thực học, thực lực. Hơn bốn mươi năm theo nghề, ông đã viết, đã công bố dăm ngàn trang biên soạn, dịch chú và chủ yếu là khảo luận. Cũng không phải quá nhiều, nhưng không ít nữa. Dễ dàng nhận ra vùng "thâm canh" của ông là những tác giả, tác phẩm thuộc các thế kỷ văn học XV - nửa đầu thế kỷ XVIII của văn học viết dân tộc. Ông đã góp phần không nhỏ làm sáng tỏ đóng góp, minh định vị trí của hàng loạt tác giả trong các thế kỷ văn học này. Đặc biệt, với các tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Thái Thuận, Nguyễn Bảo, ông đã dành nhiều tâm huyết để tạo nên những công trình có giá trị sử dụng khá bền vững. Với lối viết không chuộng hoa mỹ, không á khẩu theo "thời ngữ, thời văn", Bùi Duy Tân đã cung cấp được cho bạn đọc một lượng thông tin phong phú, thiết thực, những nhận định và luận đàm, đánh giá có độ tin cậy khoa học cao.
Có lẽ, nhờ sớm nhận ra thế mạnh lẫn điểm yếu của chính mình, để rồi khai thác sở trường, khắc chế sở đoản, Bùi Duy Tân đã từng bước, từng bước kết tinh. Nhiều thành quả lao động của nhà nghiên cứu, Nhà giáo ưu tú Bùi Duy Tân chắc chắn sẽ chịu đựng được thử thách khắc nghiệt của thời gian để đồng hành với nhiều thế hệ độc giả mai hậu.
Ông là thầy tôi, một trong những người thầy mà số phận khiến tôi gắn bó lâu dài, trải qua cơ hồ đủ mọi cung bậc tình cảm. Sắc độ chính của mối quan hệ mà tôi hướng tới ông là tình thân thiết và sự yêu kính, gần như một quan hệ thân tộc. Dăm bảy năm trước, ông trải qua một thời kỳ khó khăn về sức khoẻ. Cũng khá lao đao. Nhưng rồi mọi chướng ngại đã lùi lại đằng sau, chúng tôi đã có thể tổ chức cho ông một lễ mừng thất tuần đầm ấm, vui vẻ. Vượt qua ngưỡng cổ lai hy, mấy năm nay ông dường cũng cố theo cảnh giới "tòng tâm sở dục bất du củ" để thực thi châm ngôn "lão giả an chi", không để cho "ngoại vật" thao túng mình thêm mãi.
Ông là một số thành, đã là một số thành. Dẫu cả bây giờ, lũ học trò cũ chúng tôi và con cháu ông vẫn còn coi ông là một tài khoản.
Võng Thị, tháng 9 - 2007
(Theo Bùi Duy Tân tuyển tập.
NXB Giáo dục, H., 2007)
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114553074

Hôm nay

2211

Hôm qua

2265

Tuần này

2770

Tháng này

220617

Tháng qua

122920

Tất cả

114553074