Những góc nhìn Văn hoá
Một cách tiếp cận sử thi Tây Nguyên
Từ trước đến nay, sử thi đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người Tây Nguyên. Việc sưu tầm và nghiên cứu sử thi Tây Nguyên trong nhiều thập kỷ qua vẫn không ngừng được tiến hành và phát triển. Sử thi Tây Nguyên đã là đối tượng quan tâm của nhiều thế hệ các nhà khoa học và các thành tựu đạt được về lĩnh vực nghiên cứu này rất đáng ghi nhận. Các nhà nghiên cứu và giảng dạy sử thi Tây Nguyên đã không chỉ đơn thuần tập trung nhìn nhận yếu tố ngôn từ của tác phẩm mà chú ý tới các yếu tố phi ngôn từ khác, các điều kiện tồn tại, diễn xướng trong đời sống văn hoá của nó, đặt tác phẩm sử thi trong quan hệ với văn hoá dân gian. Hướng tiếp cận các tác phẩm sử thi Tây Nguyên từ các phương diện như ngữ văn dân gian, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian, tín ngưỡng, phong tục và lễ hội đã được đặt ra, song hầu như chưa được tiến hành đồng bộ và chuyên sâu, trong đó nhiều vấn đề mới chỉ là những bước gợi mở ban đầu.
Ở bài viết này, chúng tôi xin có đôi điều trao đổi khi tiếp cận một tác phẩm sử thi Tây Nguyên cụ thể: cần nhìn nhận sử thi trong mối quan hệ khăng khít với xã hội – lịch sử, với đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên.
Như nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định, sử thi Tây Nguyên là “sử thi sống”, nghĩa là nó không chỉ là hiện tượng văn học đã qua, nó còn là một hiện tượng văn hóa đương đại. Vùng sử thi Tây Nguyên đã được xác định trùng khớp hoàn toàn với vùng văn hóa Tây Nguyên. Mỗi tác phẩm sử thi Tây Nguyên tổng hòa trong nội dung và hình thức của nó cả phương diện nhận thức thẩm mĩ của nhân dân về thực tại, cả các phương diện khác bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội Tây Nguyên như lịch sử, tín ngưỡng, tâm lý, triết lý, những kiến thức địa lý, kiến thức về thiên nhiên, những kiến thức về ứng xử trong gia đình, công đồng,… Và điều khó khăn hơn cả đối với việc tiếp cận tác phẩm sử thi Tây Nguyên là những vấn đề về thực tại khách quan của xã hội, lịch sử, tự nhiên ấy không được phản ánh theo kiểu sao chụp nguyên xi mà thảy đều bị khúc xạ, biến dạng đi bởi quan điểm thẩm mỹ của người Tây Nguyên. Thế giới hình tượng, sự kiện, tình tiết trong tác phẩm sử thi đương nhiên bắt nguồn từ thực tại núi rừng, làng buôn Tây Nguyên nhưng khác hẳn về chất so với nguyên hình của nó tồn tại ngoài thế giới khách quan. Có như vậy thì sử thi Tây Nguyên mới trở nên là công trình nghệ thuật với tất cả giá trị độc đáo của nó. Chính cái đặc điểm độc đáo ấy của sử thi Tây Nguyên đòi hỏi người tiếp cận phải đặt nó trong cái nhìn văn hóa. Cùng với cách tiếp cận tác phẩm nghệ thuật ngôn từ nói chung, cái nhìn văn hóa sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị của sử thi Tây Nguyên. Hãy thử phân tích một vài trường hợp cụ thể.
Chẳng hạn sử thi Đam Săn (Sử thi Êđê). Cứ như lời hát kể thì rõ ràng Mtao Mxây chẳng kém cạnh gì Đam Săn, nhưng rút cuộc Đam Săn vẫn chiến thắng và trở thành “tù trưởng của mọi tù trưởng”. Tương tự, nhân vật Tre Vắt, trong sử thi TreVắt ghen ghét Giông, là một chàng trai không hề thua kém Giông về diện mạo và tài năng. Mặc dù vậy, đối thủ của người anh hùng Giông không bao giờ giành được thắng lợi. Tại sao lại vậy ? Hẳn các bạn sẽ trả lời ngay rằng: do nhân dân thiên vị. Nói thế tất nhiên không sai. Nhưng thử hỏi: tại sao nhân dân lại thiên vị Đam Săn, Giông,… chứ không thiên vị Mtao Mxây, TreVắt,… ? Sự thiên vị ấy có liên quan gì đến lịch sử - văn hóa – xã hội Tây Nguyên ? Như chúng ta biết làng buôn Tây Nguyên nhìn chung tồn tại cô lập giữa núi rừng, một bên là sự vây bọc của thiên nhiên hoang sơ và dữ dội với một bên là các cộng đồng thù địch. Cả kẻ thù thiên nhiên và xã hội luôn rình rập đe dọa cuộc sống hạnh phúc, thanh bình của cộng đồng. Cuộc sống của người Tây Nguyên ở trình độ tổ chức chưa cao nên con người phải tập hợp lại thành một khối thống nhất về quyền lợi và nghĩa vụ. Người anh hùng không phải là “cái tôi cá nhân” tách ra khỏi cộng đồng. Ngược lại, cộng đồng làng buôn là chỗ dựa vững chắc cho người tù trưởng. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định chiến tranh trong sử thi Tây Nguyên là cuộc chiến đem lại hạnh phúc, ấm no cho cộng đồng. Chính vì thế, người anh hùng cộng đồng vào sử thi Tây Nguyên với biết bao sự kỳ vĩ hóa, biết bao niềm tự hào, biết bao ước mơ mà nhân dân gửi gắm. Con người đó luôn hiện lên với sự toàn diện đến mức lý tưởng. Các cuộc giao đấu quyết liệt giữa người anh hùng với các Mtao thù địch chính là sự ghi nhận “một cách nghệ thuật và bằng nghệ thuật” cuộc đấu tranh sinh tồn của con ngừoi giữa núi rừng Tây Nguyên. Những kẻ thù Mtao là “hung thần” của làng buôn. Chiến thắng của kẻ thù chỉ mang tính chất tạm thời. Mtao Mxây có lúc đẩy Đam Săn vào thế bế tắc nhưng kết quả hắn cũng bị cắt đầu đem bêu ngoài đường. Đó là chiến thắng của một tập thể cộng đồng có sức sống bền bỉ, có sức mạnh hòa hợp. Cuộc chiến của người anh hùng là sự phản ánh bắng hình tượng nghệ thuật cuộc chiến của lịch sử. Ở đó “một thành viên trong làng là của tập thể làng, làng có trách nhiệm bảo vệ danh dự, uy tín, tính mệnh, chống lại sự xúc phạm của làng khác. Nếu một người bị xúc phạm hoặc bị đe dọa thì cả làng vào can thiệp, nếu cần thì đổ máu để bảo vệ một thành viên” [1, 8]. Trong các cuộc chiến tranh của người anh hùng với các tù trưởng độc ác, với thiên nhiên…đều luôn luôn có mặt nhân dân (các dũng sĩ anh hùng, các tớ trai, tớ gái,…) cùng tham gia”. Sự gắn bó hài hòa giữa số phận người anh hùng với số phận cộng đồng chính là sức mạnh làm nên chiến thắng kẻ thù. Giữa cộng đồng làng buôn với người anh hùng luôn có quan hệ tốt đẹp. Trong chiến tranh giữa các buôn làng Tây Nguyên, cư dân hai bên không phải là đối tượng để tiêu diệt mà là đối tượng để thu phục. Khi người thủ lĩnh chết, những cư dân trở thành thành viên mới của cộng đồng chiến thắng. Họ cố kết với nhau để đem đến sự thịnh vượng chung. Và thế là, sử thi Tây Nguyên chính là thực tại lịch sử được in dấu một cách độc đáo.
Các nhà nghiên cứu khẳng định vấn đề bao trùm của sử thi là chiến tranh và toàn bộ những hoạt động của con người xoay quanh chiến tranh. Võ Quang Nhơn khẳng định rằng: “ Âm điệu chính nổi lên trong các sử thi anh hùng ca là ca ngợi các nhân vật anh hùng đã chiến thắng oanh liệt các loại tù trưởng thù địch, bảo vệ cuộc sống thanh bình của cả cộng đồng và bảo vệ hạnh phúc bị tước đoạt.”[2, 55]. Lí tưởng của người anh hùng sử thi Tây Nguyên đơn giản và thuần phác là đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho cộng đồng nhưng bao giờ các cuộc chiến tranh đó cũng được khoác lên một danh nghĩa khác. Đó là những cuộc chiến tự vệ, trả thù, nổi bật lên là cuộc chiến liên quan đến người phụ nữ như bảo vệ người đẹp hay giành lại vợ. Người anh hùng Đam Săn (Sử thi Đam Săn) chiến đấu với các Mtao để “giành lại vợ” (Phan Đăng Nhật). Anh em Đăm Di (Sử thi Đăm Di) phải đánh nhiều tù trưởng, những kẻ “gươm dài dai sức” như Đăm Chút, Chi Mơrê, Đăm Xăn, Đăm Bra, Đăm Đrang, Đăm Đrí, Đăm Chét để giành lại nàng Hbia Plao. Trong sử thi Bahnar, cuộc chiến giành lại người đẹp xuất hiện dưới dạng tranh chấp vợ, bảo vệ vợ. Đó là cuộc chiến tranh chấp người đẹp Jên Yươu giữa Giông với Glaih Phang trong sử thi Giông nghèo tám vợ; cuộc chiến tranh chấp nàng XemYang giữa Giông với TreVắt trong sử thi TreVắt ghen ghét Giông. Đó là cuộc chiến bảo vệ vợ của anh em Giông, Giớ trước những kẻ gây sự như Xor Mam, Pư Pưng, Reng Kheng, Giớ Ngal trong sử thi Giông, Giớ mồ côi từ thuở bé. Khác với các cuộc tranh chấp người đẹp trong sử thi thế giới, người đẹp là thành quả của một cá nhân anh hùng. Theo Phan Đăng Nhật: “Giành lại được người vợ của tù trưởng trong chế độ mẫu hệ là bảo vệ danh dự, uy tín và quyền lực của cộng đồng” [3, 110]. Còn theo Phan Thị Hồng: “Khả năng hơn người của người anh hùng, con người đầy dũng khí là lấy được nhiều vợ hơn tất cả. Đúng hơn, lấy được nhiều vợ, nghĩa là anh ta đang thắng lợi, cộng đồng anh ta đang hùng cường.” [4, 75]. Điều này có liên quan đến lịch sử - xã hội Tây Nguyên xưa. Vùng đất này luôn xảy ra tranh chấp, xung đột, người anh hùng gánh vác sứ mệnh bảo vệ cộng đồng coi hôn nhân là phương thức liên minh, là cách đơn giản mà hiệu quả nhất để tăng cường sức mạnh cho cộng đồng (Phan Thị Hồng). Chiến tranh trong sử thi Tây Nguyên là những cuộc chiến vì sự sống còn và hạnh phúc của cộng đồng. Mặt khác, xã hội Tây Nguyên xưa xã hội mẫu hệ, (theo dòng mẹ, con cái mang họ mẹ, vợ chồng cư trú phía nhà mẹ vợ). Người đàn bà là rường cột của xã hội ấy. Bà là nền tảng sự ổn định của xã hội. “Vương quốc” của bà là ở trong làng, ở ấy có cuộc sống bình yên, ngược lại với rừng – nơi người con trai thể hiện vai trò của mình. Như vậy, người đàn bà là làng buôn, thành xã hội. Cho nên ta sẽ không ngạc nhiên khi người anh hùng trong hầu hết các sử thi Tây Nguyên đều đi tìm người phụ nữ trong các cuộc chinh phục không bao giờ dứt và thiên hình vạn trạng của mình,
Vấn đề bao trùm của sử thi là chiến tranh nên người ta xem những người anh hùng là vẻ đẹp. Tìm hiểu sử thi Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy các dũng sĩ Đam Săn, Xing Nhã, Đăm Di, Giông, Lêng…đều được ca ngợi là những chàng trai đẹp, khiến ai ai vừa trông thấy đều phải ngất ngây. Ấn tượng đầu tiên về vẻ đẹp của các chàng trai này là vẻ nam tính trong vóc dáng, hình thể của người con trai sống giữa núi rừng. Hãy nhìn Xing Nhã, “một chàng trai rất đẹp, da màu nâu đồng, tóc đen như rắn than, cặp mắt óng ánh như mắt ong xây, bước đi hùng mạnh chao đều như sóng nước, khiến người Bih hay người Mnông cũng không đẹp bằng” [5, 41]. Có thể thấy vẻ đẹp của Xing Nhã là bóng dáng của những chàng trai Tây Nguyên “da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hoà”; nét tiêu biểu nhất mà ai cũng thấy khi tiếp xúc với các chàng trai Tây Nguyên là đẹp một cách khoẻ mạnh. Ở Đam Săn đó là điệu đi, dáng đứng vừa mềm mại, ung dung vừa nhanh nhẹn, dữ tợn: “ Chàng bước ung dung, giữ từng bước thật ung dung. Chàng đi khoan thai, hai tay đánh xa đến là đẹp. Trên đường cái, chàng lướt đi như con rắn mây. Trong rừng cây, lúc chàng vọt cao, lúc chàng nhảy dài, trông như con rắn roi đang quất tới.” [6, 151]. Đó là vẻ đẹp rất riêng của một chàng dũng sĩ sinh trưởng trong cuộc sống lao động, chiến đấu ở vùng đất Tây Nguyên. Sự phi thường, năng lực tiềm ẩn phát lộ rõ trong mỗi bước chân của Đam Săn, cho thấy chàng ý thức rất rõ vai trò tù trưởng của mình trong cộng đồng. Với nhân vật anh hùng, những chàng trai của làng buôn mẫu hệ sống giữa núi rừng đại ngàn, quen với công việc nương rẫy, săn bắn, luôn phải chiến đấu với kẻ thù thì vẻ đẹp của cơ thể khoẻ mạnh, rắn chắc luôn là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá. Cũng như những Thánh Dóng, Thạch Sanh hay những chàng trai trong sử thi Ấn Độ, các chàng trai Tây Nguyên luôn gây ấn tượng cho người đối diện một vẻ đẹp nam tính đặc trưng, một cơ thể cường tráng với bắp chân rắn chắc, tấm lưng rộng, bộ ngực nở, cánh tay to. Người anh hùng của mỗi dân tộc có những vẻ đẹp diện mạo khác nhau nhưng đều hiện lên như một tượng đài hoàng tráng, đẹp đẽ nhất. Tượng đài người anh hùng được dựng lên trong sử thi Tây Nguyên bởi nhiều chi tiết thực của đời sống buôn làng xa xưa và trí tưởng tượng dân gian nên đầy màu sắc mĩ lệ, kì ảo. Tượng đài đó kết tinh những gì là ưu tú nhất của tập thể cộng đồng. Đúng như nhận xét của Phan Thị Hồng: “Người anh hùng sử thi Tây Nguyên, những pho tượng sừng sững, sống động, hiên ngang, con người hiển hách luôn sát cánh với cộng đồng.”[4, 77]. Người anh hùng sử thi Tây Nguyên là tưọng đài chứ không phải là người “khổng lồ” xa lạ với cộng đồng, như anh hùng sử thi Hy Lạp. Nhân vật anh hùng luôn hiện lên trong vẻ đẹp của sự thăng hoa viễn tưởng, sự ngoa dụ cực đại, kì vĩ nên nhiều khi mang bóng dáng của một vị thần. Phan Đăng Nhật khẳng định: “Chính tín ngưỡng thần linh tạo nên một đặc điểm cơ bản của nghệ thuật sử thi Tây Nguyên là tính kì vĩ, phi thường.”[7, 22]. Người Tây Nguyên có một “niềm tin thiêng liêng và tươi mát về thần linh”(G.W.F.Hegel), có quan niệm về sự tồn tại một thế giới hồn vía của vạn vật. Chịu ảnh hưởng của tư duy thần thoại, họ sống với nhân vật sử thi trong cảm quan về thế giới thần linh mà không coi đó là tưởng tượng, hư cấu văn chương. Người ta “nhìn Đam Săn như nhìn một thần linh mà danh tiếng đã vượt qua núi rừng tới thần ánh sáng.” [6, 359]. Còn bóng dáng của Lêng trong sử thi M’nông là bóng dáng của một vị thần: “Bước chân của Lêng ầm ầm như gió thổi. Giọng nói của chàng ầm ầm như thác chảy. Lêng khoẻ mạnh, tài giỏi danh vang đến tận trời.”[8, 318]. Vẻ đẹp của người anh hùng nhiều khi không toát lên từ những biểu hiện cụ thể mà từ những cảm nhận chung bởi chàng là hiện thân của lí tưởng, ước mơ ngàn đời của cả cộng đồng. Nơi nào xuất hiện các anh hùng nơi đó có những vầng hào quang “sáng như ánh mặt trời”. Thứ vẻ đẹp đưa người ta vào thế giới diệu kì, huyền bí, “siêu thực”. Những “con người chung”, “con người khái quát” được nhìn nhận đối diện, trực diện, cái nhìn thẳng nên không thấy bất kì một khiếm khuyết nào kiểu “gót chân Achilles”. Vẻ đẹp của người anh hùng sử thi Tây Nguyên là vẻ đẹp trong niềm tự hào của cộng đồng, của thời đại. Không chỉ miêu tả tỉ mỉ vẻ đẹp của cơ thể, người nghệ nhân còn chú trọng đến phong thái của người anh hùng. Họ là những người có thể làm chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng. Vì thế vẻ đẹp của các anh hùng luôn nhanh chóng chinh phục trái tim những người đẹp sử thi. Trông thấy chàng tất thảy họ đều “nao nao muốn ôm, muốn hôn muốn được ngủ chung giường”.
Tóm lại, người tiếp cận sử thi Tây Nguyên phải xuất phát từ nhiều góc độ, nhiều điểm nhìn. Bởi vì bất cứ một sáng tác dân gian nào cũng có mối quan hệ khăng khít, gắn bó với đời sống phong phú, đa dạng của nhân dân, của dân tộc. Sự hiểu biết đầy đủ về đời sống văn hóa, xã hội Tây Nguyên sẽ giúp ta cảm thụ tác phẩm sử thi sâu sắc hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Đăng Nhật (2003), “Thuộc tính cơ bản của sử thi”, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 5, tr. 3 – 21.
2. Võ Quang Nhơn (1997), Sử thi anh hùng Tây Nguyên, Nxb Giáo dục.
3. Phan Đăng Nhật (1991), Sử thi Êđê, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Phan Thị Hồng(2006), Nhóm sử thi dân tộc Bahnar, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Y Điêng, Ngọc Anh (1963), Trường ca Tây Nguyên, Nxb Văn học, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Hoàn (chủ biên) (1982), Đam Săn sử thi Êđê, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Phan Đăng Nhật (1996), “Tín ngưỡng dân gian Êđê và nghệ thuật sử thi Êđê”, Tạp chí Văn học , số 4, tr. 18 – 22.
8. Đỗ Hồng Kỳ (1993), Sử thi cổ sơ M’nông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
AN METHODOLOGICAL THE EPIC OF TAY NGUYEN
Masters. Pham Van Hoa
Ever, epic played a very important in the cultural life of the Tay Nguyen. To collect and study in the Tay Nguyen epic decades has continuously conducted and developed. Epic of Tay Nguyen was the object of attention for many generations of scientists and achievements in the field of study is worth noting. Researchers and teaching epic of Tay Nguyen was not simply looking to receive elements concentrated language of the work that attention to factors other non-words, the conditions exist, took initiative in the life culture of it, put the work of implementation in relation to folklore. Approach works epic of Tay Nguyen from aspects such as language folk literature, folk art, folk knowledge, beliefs, customs and festivals have been put out, but virtually no conducted synchronous and depth, in which many problems are only initial steps recommended open….
Masters. Pham Van Hoa
Ever, epic played a very important in the cultural life of the Tay Nguyen. To collect and study in the Tay Nguyen epic decades has continuously conducted and developed. Epic of Tay Nguyen was the object of attention for many generations of scientists and achievements in the field of study is worth noting. Researchers and teaching epic of Tay Nguyen was not simply looking to receive elements concentrated language of the work that attention to factors other non-words, the conditions exist, took initiative in the life culture of it, put the work of implementation in relation to folklore. Approach works epic of Tay Nguyen from aspects such as language folk literature, folk art, folk knowledge, beliefs, customs and festivals have been put out, but virtually no conducted synchronous and depth, in which many problems are only initial steps recommended open….
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528676
Hôm nay
257
Hôm qua
2275
Tuần này
2949
Tháng này
215372
Tháng qua
0
Tất cả
114528676