Đất Nghệ

Các trung tâm truyền thuyết tiêu biểu trên đất Nghệ

I - Thế nào là trung tâm truyền thuyết

Truyền thuyết là thể loại tương đối đặc biệt so với các thể loại văn học dân gian khác ở chất lịch sử bàng bạc trong mỗi câu chuyện. Chính cái lõi lịch sử đặc trưng ấy của thể loại, bằng năng lượng phi thường của niềm tin dân gian đã tạo nên những cơn lốc xoáy sáng tạo.

Những cơn lốc xoáy sáng tạo xoay quanh điểm trung tâm là những chi tiết mang tính lịch sử đã hình thành nên những “vùng trũng” độc đáo trên địa hạt thể loại truyền thuyết - quần tụ ở đó những mảnh truyền thuyết có liên quan đến nhau. Chúng tôi gọi những “vùng trũng” ấy là các trung tâm truyền thuyết. Trong điều kiện các cơn lốc sáng tạo đã thuộc về quá vãng, các “vùng trũng” cũng đã trở nên nhạt nhòa bởi sự san lấp của thời gian, chúng tôi buộc phải men theo các mảnh vỡ truyền thuyết và các mối cố kết của truyền thuyết với địa phương để phục dựng lại các trung tâm truyền thuyết. Thông qua quá trình thu thập các truyền thuyết và quá trình tìm hiểu những vết tích của truyền thuyết còn lưu lại ở những di tích văn hóa vật thể như đền, miếu..., chúng tôi sẽ xác định được những vùng truyền thuyết tiêu biểu ở Nghệ An. Những địa phương còn lưu giữ lại được nhiều truyền thuyết và nhiều di tích, lễ hội liên quan chính là những vùng tiêu biểu.

II. Điều kiện hình thành và phát triển các trung tâm truyền thuyết tiêu biểu

1. Các truyền thuyết dạng chuỗi

Các truyền thuyết dạng chuỗi chính là sản phẩm của cơn lốc xoáy sáng tạo mà tâm điểm là các chi tiết lịch sử có thật. Lấy cảm hứng từ một chi tiết lịch sử (nhân vật hoặc sự kiện lịch sử) nào đó, dân gian dốc sức sáng tạo nên vô số truyền thuyết có mối liên thông với nhau qua cái gốc cội chung. Từ những chuỗi truyền thuyết mang tính hệ thống phi vật thể, một hệ thống mang tính vật thể - các đền miếu được dựng nên góp phần củng cố không gian truyền thuyết cá biệt, đậm đặc địa phương tính. Đó là con đường hình thành nên các trung tâm truyền thuyết - một con đường độc đạo được khai mở bằng chính những đặc trưng thể loại. Nói cách khác, chính bản chất thể loại đã mở ra cho truyền thuyết cơ hội độc chiếm con đường hình thành nên các vùng truyền thuyết độc đáo.

Qua phác họa con đường hình thành nên các vùng truyền thuyết trên đây, chúng ta có thể thấy rõ vai trò quan trọng, mang tính quyết định của các truyền thuyết dạng chuỗi đối với sự tồn tại của các trung tâm truyền thuyết. Vậy, yếu tố đầu tiên cần xét đến trong quá trình phục dựng lại các trung tâm truyền thuyết chính là các truyền thuyết dạng chuỗi. Ngày nay, dưới áp lực của kiểu lưu truyền bằng miệng qua thời gian và không gian cùng với vô số các yếu tố xã hội khác, các truyền thuyết dạng chuỗi đã bị vỡ ra thành nhiều mảnh và mất mát phần nào. Song, men theo các chi tiết lịch sử trong từng mẩu truyện nhỏ, chúng tôi sẽ tìm ra những truyền thuyết có mối liên hệ với nhau. Từ đó, chúng tôi có thể kết chuỗi các mẩu truyền thuyết có mối liên thông, tái tạo lại dạng chuỗi nguyên bản. Với một phạm vi tư liệu không quá rộng, chúng tôi tin cách làm tỉ mẩn này sẽ đem lại kết quả.

Qua quá trình xử lý, phân loại một cách có hệ thống kho truyền thuyết dân gian xứ Nghệ, chúng tôi nhận thấy có ít nhất ba chuỗi truyền thuyết, liên quan đến ba nhân vật lịch sử và ba sự kiện lịch sử gắn bó với địa phương. Đó là Mai Hắc Đế với sự kiến lập và tan rã của nước Vạn An, An Dương Vương với cái chết cùng đường ở biển Diễn Châu và Lê Lợi với công cuộc nếm mật nằm gai chống quân Minh nơi miền núi xứ Nghệ. Chùm truyền thuyết về Mai Hắc Đế gồm các truyện: Ông vua Đen với cuộc khởi nghĩa chống quân Đường, thần tích về Mai Hắc Đế, Sự ra đời kỳ lạ của Mai Hắc Đế, Đánh hổ cứu mẹ, Cướp kho thóc cho dân, Cố Bợ với Đức thánh Thái phó và Mai Hắc Đế. Trong số đó, đáng chú ý nhất là truyện Cố Bợ với Đức Thánh Thái phó và Mai Hắc Đế bởi sự khác biệt của nó với các truyện cùng chuỗi. Nếu các câu chuyện trong chuỗi truyền thuyết Mai Hắc Đế chủ yếu kể trực tiếp về vua Mai từ thân thế đến chiến tích thì truyện Cố Bợ với Đức Thánh thái phó và Mai Hắc Đế lại kể về vua Mai trong mối quan hệ với một nhân vật quen thuộc khác của dân gian xứ Nghệ - cố Bợ. Mối liên kết phi thời gian và không gian giữa cố Bợ với Mai Hắc Đế lại một lần nữa nhắc chúng ta về khả năng đưa đẩy trí tưởng tượng đến những bờ bến xa xôi nhất của dân gian. Nhìn từ góc độ tính chặt chẽ của các truyền thuyết dạng chuỗi, hiện tượng trên đây lại chứng tỏ cơn lốc sáng tạo của dân gian với năng lượng phi thường có thể đẩy những truyền thuyết thuộc cùng một chuỗi ra khỏi quỹ đạo rất xa. Các chuỗi truyền thuyết tuy có mối liên thông với nhau qua cái lõi lịch sử chung nhưng giữa chúng vẫn tồn hiện những khoảng trống rộng rãi, cho phép dân gian thỏa sức sáng tạo và chèn ghép vào đó các yếu tố tưởng tượng phóng khoáng.

Chùm truyền thuyết về An Dương Vương gồm các truyện: Sự tích đền Công, Thục An Dương Vương với đất Nghệ An (Núi Đầu Cân), Thành của Chúa Rồng, Tảng đá gạo, Tổ sư nghề rèn, Tổ sư nghề vàng vó, Cố Bợ nghịch ở hội đền Công. An Dương Vương là một nhân vật lịch sử lớn của dân tộc, cuộc đời gắn bó với nhiều mảnh đất (Cao Bằng, Đông Anh - Hà Nội, Nghệ An) và được thờ phụng ở nhiều nơi song truyền thuyết về ông trên đất Nghệ không thể lẫn với truyền thuyết các vùng đất khác bởi dấu ấn đoạn đời mà ông từng trải trên đất này. Qua chuỗi truyền thuyết về An Dương Vương, chúng tôi nhận thấy hầu hết các truyện không chú trọng vào công trạng và thành quả xây dựng nước Âu Lạc và thành Cổ Loa của vị vua này mà chủ yếu xoay xung quanh đến cái chết của ông diễn ra nơi cửa biển Nghệ An và những hệ lụy của cái chết cùng đường ấy. Nếu Núi Đầu CânTảng đá gạo là hai truyền thuyết tập trung mô tả trạng huống cuối cùng của An Dương Vương - thất trận và lâm vào bước đường cùng thì truyền thuyết Sự tích đền Công lại gợi nhắc đến anh hồn của ông nơi xứ Nghệ. Các truyền thuyết Tổ sư nghề rèn, Tổ sư nghề vàng vó là những câu chuyện mang tính hệ quả của câu chuyện trung tâm về cái chết của An Dương Vương và sự sụp đổ của nước Âu Lạc. Những truyện này không trực tiếp kể về An Dương Vương mà kể về các quân tướng của ông sau khi thất trận, ở lại trên đất Nghệ An mưu sinh thế nào. Truyền thuyết Cố Bợ nghịch ở hội đền Công lại là một minh chứng sinh động cho mối liên kết xuyên thấu thời gian và không gian của các nhân vật trong đời sống dân gian xứ Nghệ. Chính khả năng liên kết phi thời gian, không gian ấy đã tạo ra một khoảng không bất tận cho sức sáng tạo của dân gian.

Chùm truyền thuyết về Lê Lợi gồm các truyện: Núi phù Lê; Sự tích làng Cẩm Bào; Truyện Tả tướng quân Võ Hầu Láng; Truyện bà Pá Thai; Cô gái bản Lè; Núi Pu Chẹ, hồ Chiết Chai. Trong số các truyền thuyết trên chỉ có hai truyện kể trực tiếp về Lê Lợi (Núi phù Lê, Sự tích làng Cẩm Bào) còn các truyện còn lại là những mẩu truyền thuyết hệ quả, văng ra từ cơn lốc sáng tạo của dân gian từ sự kiện lịch sử Lê Lợi từng kéo quân lên miền núi Nghệ An ẩn náu và tập luyện chiến đấu chống quân Minh. Sự phong phú của các truyền thuyết hệ quả chứng tỏ rằng chuỗi truyền thuyết là một tồn tại có tính hai mặt: vừa kiến thiết biên giới lại vừa phá vỡ biên giới. Các truyền thuyết cùng một chuỗi vừa liên kết, gắn bó với nhau lại vừa nới rộng khả năng liên thông, vươn cành tỏa nhánh để mở ra những chân trời sáng tạo mới.

Như vậy, thể loại truyền thuyết đã sử dụng các chuỗi truyền thuyết như một công cụ tối ưu để vừa kiến tạo nên những vùng truyền thuyết đậm đặc tính địa phương, vừa mở rộng kho tàng truyện kể ra khỏi mọi giới hạn. Với ba chuỗi truyền thuyết trên đây, chúng tôi cho rằng, xứ Nghệ có ít nhất ba trung tâm truyền thuyết: Nghi Lộc - Diễn Châu, Nam Đàn, miền Tây xứ Nghệ.

2. Các di tích vật thể và sự hình thành trung tâm truyền thuyết

Để hình thành nên một trung tâm truyền thuyết, nếu chuỗi truyền thuyết là điều kiện cần thì các di tích vật thể đi kèm lại là điều kiện đủ. Dù đa dạng đến đâu, phong phú đến đâu, các truyền thuyết cũng chỉ là những câu chuyện truyền khẩu khó đong đếm, định lượng. Dù dân gian đã tự ý thức rằng trăm năm bia miệng hãy còn trơ trơ thì chúng ta cũng phải thừa nhận một điều, sự thất thoát xảy đến một cách thường xuyên vì bia miệng. Trong khi dân gian mải chạy theo những câu chuyện mới, những câu chuyện cũ có thể lâm vào tình trạng bị biến dạng và mất mát. Đó là chuyện đương nhiên trong thế giới dân gian. Vậy, điều gì sẽ neo giữ lại các câu chuyện giữa dòng chảy cuồn cuộn của tâm thức dân gian, điều gì sẽ đủ sức thu hút và tụ hội các truyền thuyết về một mối? Đó không phải điều gì khác mà chính là những di tích vật thể - những tồn tại vật chất hiện diện ngay trên mỗi mảnh đất, mỗi quê hương. Khảo xét các địa phương tồn tại các chuỗi truyền thuyết, nếu đồng thời cũng có sự tồn tại dày đặc của các đền miếu, các địa danh liên quan thì chúng tôi khẳng định, đó là một trung tâm truyền thuyết.

Chuỗi truyền thuyết An Dương Vương lưu hành ở vùng Diễn Châu, Nghi Lộc và quả nhiên, chúng tôi tìm thấy ít nhất năm đền miếu trên các địa phương này thờ An Dương Vương và các tướng sĩ của ông. Đó là: miếu Đầu Cân (xã Diễn Trung, Diễn Châu), đền Công (Diễn An, Diễn Châu), đền Vua (Nghi Xá, Nghi Lộc) thờ An Dương Vương, đền Cao (xã Diễn Thọ, Diễn Châu) thờ Cao Lỗ - tướng của vua Thục, đền Thiên tướng (Nghi Xá) thờ tướng văn tướng võ của An Dương Vương. Tương tự, chuỗi truyền thuyết về Mai Hắc Đế cũng gắn chặt với rất nhiều đền, miếu trên đất Nam Đàn, gồm: đền Cả (xã Nam Thái), đền vua Mai (Vân Diên), đền Cả (Khánh Sơn), đền Khả Lãm (Nam Thượng), đền Sa Nam (Vân Diên), đền Rú Giẻ (Nam Thái) thờ Mai Hắc Đế, đền Ngọc Đái (Vân Diên) thờ Ba đội hầu - tướng đứng đầu hàng quân của Mai Hắc Đế, đền Biều Sơn (Vân Diên) thờ Nguyễn Huynh - tướng của vua Mai, đền Liêu Sơn (Vân Diên) thờ Nguyễn Đệ, em Nguyễn Huynh - tướng của vua Mai, Võ Miếu (Vân Diên) thờ những tướng sĩ của vua Mai, đền xóm Đông Bu (Vân Diên) thờ Mai Thiếu Đế - con của vua Mai, miếu thờ mẹ vua Mai (Nam Thái)… Chuỗi truyền thuyết về Lê Lợi lại chủ yếu được lưu truyền trên vùng núi Tây Nghệ. Qua tham khảo danh sách đền miếu ở các huyện miền núi, chúng tôi thu được khá nhiều đền miếu thờ phụng quân tướng của vị vua này. Đó là: đền Bản Dinh (Nghĩa Xuân), đền Chợ Bãi (Tam Hợp), đền Bản Lè (Châu Lý), đền Bản Phày (Châu Lý) ở Quỳ Hợp; đền Kẻ Tàu, đền bản Ban (xã Châu Phong), đền Cửa Troóng (mường Chủng Láng cũ), đền Bản Can (Châu Bình) ở Quỳ Châu; đền Bãi (Nghĩa Phúc) ở Tân Kỳ(1). Ngoài việc tham chiếu từ sách vở, chúng tôi cũng đã thu thập được một số tư liệu thực tế trong các chuyến điền dã địa phương được thực hiện trong quá trình nghiên cứu. Theo điều tra thực tế của chúng tôi, ở Quỳ Hợp ngày nay còn tồn tại nhiều làng bản mang những cái tên được giải thích bằng những câu chuyện liên quan đến cuộc “đứng chân” của Lê Lợi ngày trước tại địa phương. Tên Bản Ảng được giải thích như sau: Ảng nghĩa là chậu sứ ngâm gạo hông xôi. Bản có tên như vậy vì ngày xưa, khi nghĩa quân của Lê Lợi đi qua, dân bản thường ngâm gạo hông xôi phục vụ đoàn quân. Tương tự, bản Phảy là bản trồng nhiều tre để đánh giặc (phảy tiếng Thái có nghĩa là tre). Tương tự, cái tên bản Diềm được giải thích: diềm nghĩa là nhìn ra xa, thẳng mắt. Hiệu lệnh của Pù Chiêng Yến - một người Thái theo nghĩa quân Lê Lợi là đốt lửa, nhân dân xung quanh nhìn thẳng để thấy mà giúp sức. Bản Mổng: mổng nghĩa là nhìn ra xa mà phải kiễng chân. Đây là bản ở xa hơn trong trận đánh của nghĩa quân Lê Lợi. Tên bản Yên Luốm bắt nguồn từ việc nghĩa quân Lê Lợi đốt núi Pu Chẻ rồi làm cháy lan ra tất cả các núi khác (luốm nghĩa là cháy đen, cháy lớn). Tên núi Pu Chẻ cũng được cắt nghĩa từ việc ngày xưa có đồn của quân Minh đóng ở đấy, che chắn cho bản Đôn - bản giặc đóng quân vì pu trong tiếng Thái là núi, chẻ nghĩa là che chắn, bảo vệ(2).

Các địa danh sông, núi, làng bản có liên hệ với các sự kiện lịch sử chính là những di tích hiện hữu đóng vai trò chất keo dính kết các truyền thuyết dân gian với địa phương. Tương tự, các đình, đền, miếu mạo thờ phụng các nhân vật lịch sử đã được truyền thuyết hóa cũng trở thành những tâm điểm thu hút truyền thuyết dân gian tích tụ, tạo thành một chỉnh thể văn hóa có khả năng chống lại sức bào mòn của thời gian. Các trung tâm truyền thuyết đã ra đời như thế.

3. Các trung tâm truyền thuyết phát triển ra sao? (Có hay không những liên kết giữa các trung tâm truyền thuyết)

Sự tồn tại của những truyền thuyết dạng chuỗi ở các địa phương là minh chứng cho trình độ phát triển và tỏa lan của truyền thuyết ở một mức độ đặc biệt. Vậy nên chúng tôi coi đó là cơ sở căn cốt nhất để phục dựng lại các trung tâm truyền thuyết. Các trung tâm truyền thuyết đã được xác định tuy hình thành từ những tâm điểm rất đặc thù, cá biệt nhưng dường như không hoàn toàn phát triển độc lập, riêng rẽ mà ngược lại, chúng có mối liên kết qua lại, góp phần mở rộng không gian sống của thể loại truyền thuyết. Từ những mối liên kết ấy, các truyền thuyết lan tỏa rất nhanh để rồi hình thành nên những vùng ngoại vi dày đặc truyền thuyết. Qua thời gian tích lũy, các vùng ngoại vi ấy rồi cũng dần dà biến nhập vào lãnh địa các trung tâm truyền thuyết hoặc trở thành các trung tâm phát triển độc lập (nếu sẵn có cơ sở nền tảng).

Hai truyền thuyết Cố Bợ với đức Thánh Thái phó và Mai Hắc ĐếCố Bợ nghịch ở Hội đền Công là bằng chứng rõ ràng của mối liên hệ giữa các vị thần, các truyền thuyết và các trung tâm truyền thuyết với nhau. Từ những bắt nối đơn giản như thế, các truyền thuyết có cơ hội mở rộng không gian lưu truyền. Có lẽ đây cũng là một phương cách rất sáng tạo của dân gian nhằm khai thông, kéo dãn con đường lưu truyền các truyền thuyết. Theo một đường truyền khác, các truyền thuyết tỏa lan thông qua tâm lý chuộng truyền thuyết trong dân gian. Nhờ có sự gắn bó với đình đền miếu mạo và các vị thần linh, truyền thuyết dường như được “nâng giá” và trở nên “có giá” hơn so với các thể loại khác. Mỗi làng quê đều có thành hoàng làng và ít nhất một ngôi đình, ngôi miếu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Các làng lại đua tranh nhau để rước được thần “uy tín” về làng mình, rước luôn cả các truyền thuyết về vị thần đó về không gian văn hóa địa phương. Có điểm bám trụ là các đình đền miếu mạo, truyền thuyết mặc nhiên phát triển và quần tụ ở địa phương mới - không gian văn hóa mới. Bởi vậy, có thể nói, sự cạnh tranh văn hóa giữa các làng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nhân rộng các trung tâm truyền thuyết và sự phát triển vượt bậc của thể loại truyền thuyết.

Ngày nay, trên đất Nghệ, các nhà nghiên cứu tìm thấy dấu tích của các đình, đền, miếu mạo thờ An Dương Vương, Mai Hắc Đế, Lê Lợi và các tướng sĩ rải rác khắp nơi chứ không chỉ ở cái nôi địa phương tạo sinh ra chúng.

III. Nguyên tắc hình thành các trung tâm truyền thuyết

Trung tâm truyền thuyết - trong hình dung là những địa phương có mật độ truyền thuyết đậm đặc với các truyền thuyết dạng chuỗi và các di tích vật thể liên quan được kiến tạo bởi những nguyên tắc hết sức cơ bản, dưới sự ấn định bài bản của đặc trưng văn học dân gian. Qua nghiên cứu tư liệu thực tế của truyền thuyết dân gian xứ Nghệ, chúng tôi rút ra một số nguyên tắc kiến tạo các trung tâm truyền thuyết sau đây:

1. Dưới những đặc trưng của thể loại truyền thuyết

Trước hết, các trung tâm truyền thuyết được hình thành dưới sự quy định của những đặc trưng cơ bản của thể loại truyền thuyết. Đó là tính gắn bó với địa phương và các địa danh cụ thể; là sự liên thông, kết nối với tín ngưỡng dân gian; là sự hiển hiện mang tính vật chất ở dạng đình đền miếu mạo. Những nét đặc trưng trên đây đồng thời là những ưu thế của truyền thuyết so với các thể loại khác để bám rễ vào tâm thức dân gian và tạo dựng nên một không gian riêng đậm đặc chất truyền thuyết. Các địa danh cụ thể, các di tích vật thể cố định có tác dụng găm giữ những câu chuyện vốn chỉ sống sót và phát triển qua khẩu truyền bằng chính sức mạnh cố định hóa của chúng. Bên cạnh đó, mối gắn kết khăng khít của truyền thuyết với tín ngưỡng dân gian cũng mở ra một lối đi rộng rãi để truyền thuyết xâm nhập thật sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, để rồi có thể lưu lại ở nơi sâu xa nhất của tâm khảm nhân dân nơi ấy. Ngoài ra, sự gắn kết với đình đền miếu mạo của truyền thuyết cũng đồng thời là sự gắn kết vững bền với thế giới tâm linh của người địa phương, mở ra một nguồn năng lượng vô biên cho truyền thuyết quần tụ và phát triển ngay tại không gian văn hóa địa phương. Với những đặc trưng thể loại đầy tính ưu việt trong việc lưu giữ và phát triển như vậy, truyền thuyết dễ dàng kiến tạo nên những trung tâm hội tụ của nó ở các địa phương cụ thể.

2. Hệ quả của tính lan tỏa của văn học dân gian

Yếu tố thứ hai cần được tính đến trong số các nguyên tắc kiến tạo trung tâm truyền thuyết là tính lan tỏa của văn học dân gian. Đặc trưng dễ tỏa lan bằng con đường truyền khẩu của văn học dân gian đã mang lại cho truyền thuyết khả năng lưu chuyển liên tục, tái tạo liên tục cho đến khi neo đậu lại di tích vật thể cố định nào đó rồi lại tiếp tục hành trình lưu truyền của nó. Dù sự kết nối với một địa phương nào đó rất quan trọng đối với quá trình hình thành nên một trung tâm truyền thuyết song tính lưu động của truyền thuyết cũng cực kỳ cần thiết trong việc thiết lập nên một bầu không khí cho thể loại này tiếp tục sống và phát triển. Bởi vậy, có thể nói các trung tâm truyền thuyết là hệ quả của tính lan tỏa của văn học dân gian. Hay nói khác đi, tính lan tỏa của văn học dân gian chính là một nguyên tắc tạo nên trung tâm truyền thuyết.

3. Dựa trên cơ sở chủ quan của địa phương

Là những câu chuyện được sáng tạo nên từ những sự kiện, nhân vật lịch sử có thật, truyền thuyết là thể loại đòi hỏi phải có chất liệu phù hợp để sáng tạo. Bởi vậy, truyền thuyết có phong phú, đa dạng hay không phụ thuộc rất nhiều ở độ phong phú của chất liệu thực tế. Các trung tâm truyền thuyết chỉ có thể hình thành trên các vùng đất tồn tại các nhân vật, sự kiện lịch sử đáng kể để làm chất liệu cho dân gian sáng tạo. Xứ Nghệ là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với “núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu…”(3), trải qua một quá trình lịch sử lâu dài với vô số di chỉ được các nhà khảo cổ học tìm thấy có niên đại từ thời cánh tân (cách nay 3 triệu năm), thời hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới, hậu kỳ đá mới, tiền Đông Sơn, Đông Sơn… Với địa thế và lịch sử phát triển lâu đời, xứ Nghệ trở thành một mảnh đất quan trọng trong lịch sử dân tộc, từ thời Bắc thuộc cho đến thời phong kiến tự chủ và thời cận - hiện đại sau này. Lịch sử ghi nhận xứ Nghệ bằng nhiều sự kiện, nhân vật có ảnh hưởng không nhỏ đến trang sử chung của dân tộc. Đó chính là chất liệu quan trọng để hình thành nên kho tàng văn hóa dân gian nói chung, kho truyền thuyết dân gian xứ Nghệ nói riêng. Nếu các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc như: An Dương Vương chạy trốn khỏi vó ngựa săn đuổi của cha con Triệu Đà rồi cùng đường tự vẫn ở biển Diễn Châu; cuộc khởi nghĩa và lập quốc của vua Mai Hắc Đế ở Nam Đàn; công cuộc “nếm mật nằm gai” chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn ở miền Tây xứ Nghệ… không xảy ra trên đất Nghệ thì đâu thể có những chuỗi truyền thuyết dằng dặc, quần tụ ở các địa phương xứ Nghệ.

Như vậy, có thể nói, truyền thuyết cũng là một tấm gương lớn để chúng ta soi lại gương mặt văn hóa xứ sở. Việc xác định các trung tâm truyền thuyết và những điều kiện hình thành, phát triển các trung tâm này trên đất Nghệ là một cách để những người làm công tác văn hóa có hướng bảo lưu, giữ gìn kho tàng truyền thuyết - tấm gương văn hóa quý giá của xứ Nghệ.  

(1) Phần này được thống kê theo Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, NXB Nghệ An, Vinh, 2000.
(2) Ghi chép theo lời kể của ông Lương Viết Thoại, ngày 1.9.08, bản Còn, Quỳ Hợp.
(3) Phan Huy Chú, dẫn theo Vũ Tố Hảo, “Vài ghi nhận về con người và bản sắc văn hóa Nghệ Tĩnh”, Văn hóa dân gian, số 3, 1990, tr. 69
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521237

Hôm nay

211

Hôm qua

2303

Tuần này

211

Tháng này

219176

Tháng qua

121009

Tất cả

114521237