Nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng thời Minh mạt Lí Ngư được xem là người đầu tiên đề xuất danh xưng “tứ đại kì thư” dành để gọi chung nhóm bốn tiểu thuyết trường thiên chương hồi kể theo thứ tự thời gian sáng tác: Thủy hử truyện, Tam Quốc diễn nghĩa, Tây du kí, Kim Bình Mai.Các học giả kiểm thấy trong các lời tựa, lời bạt cho các bộ tiểu thuyết được coi là “sách bán chạy” trong quãng thời gian từ Minh Thiên Khởi cho đến Minh Sùng Trinh như Tam Toại bình yêu truyện, Hàn Tương Tử toàn truyện, Thiền Chân dật sử vẫn chưa thấy xuất hiện mấy chữ “tứ đại kì thư”. Nếu điều này là đúng thì ta có thể khẳng định rằng trước lúc có cách nói “tứ đại kì thư” đã từng xuất hiện cụm từ “tứ đại thư”. Khảo cứu cho rằng cách nói “tứ đại thư” xuất hiện lần đầu trong Tựa (của Tiếu Hoa Chủ Nhân) cho tập Kim cổ kì quan: “Thi Nại Am và La Quán Trung đời Nguyên khởi xướng lối viết tiểu thuyết chương hồi. Thủy Hử, Tam Quốc kì vĩ sừng sững, (……) Người luận bàn này cho hai sách đó cùng Tì Bà kì và Tây Sương kí là vật truyền kì, gọi là “tứ đại thư”,…” (Chu Nhất Huyền, Minh Thanh tiểu thuyết tư liệu tuyển, Tề Lỗ thư xã xuất bản, tr.1056). Bài Tựa này được viết đời Sùng Trinh. Qua thời Minh mạt đến đầu thời Thanh, Tây Hồ Câu Tẩu trong tựa cho Tục Kim Bình Mai bắt đầu dùng cách nói “tam đại kì thư”: “Ngày nay tiểu thuyết trong thiên hạ như rừng, duy chỉ có Thủy hử, Tây du, Kim Bình Mai là tam đại kì thư. Vì sao gọi được như vậy? Tây du viết chuyện quỷ quái nhưng giảng rõ tâm để chứng đạo lớn, Thủy hử kể chuyện trộm cướp nhưng răn kẻ hiệp để tôn nghĩa, Kim Bình Mai nói chuyện sắc nhưng gột cái dâm để nêu cái tình” (Chu Nhất Huyền, Kim Bình Mai tư liệu hội biên, Nam Khai Đại học xuất bản xã, tr.690). Bài tựa được viết dưới thời Thanh Thuận Trị.
Cách nói của Tây Hồ Câu Tẩu được xem là đã trực tiếp gợi ý cho Lý Lạp Ông (1611-1680) đề xuất chính thức cụm từ “tứ đại kì thư”. Lý Lạp Ông ngay trong phần đầu bài tựa cho Tam Quốc chí diễn nghĩa bản khắc in của nhà sách Lưỡng Hằng Đường viết: “Thường nghe Phùng Mộng Long tiên sinh khen đời có tứ đại kì thư gồm Tam Quốc, Thủy hử, Tây du kí và Kim Bình Mai. Tôi cũng vui mà cho rằng ông gọi như vậy là đúng”. Tuy vậy cho đến nay không còn tài liệu nào khả dĩ có thể chứng minh chuyện chính Phùng Mộng Long nêu danh sách tứ đại kì thư. Thành thử các học giả cho rằng cũng có thể đương thời Lý Lạp Ông quả có đọc thấy hoặc nghe nói đâu đó việc Phùng Mộng Long nêu cách nói tứ đại kì thư hoặc đơn giản hơn, Lý Lạp Ông chỉ là mượn uy tín họ Phùng để thác chuyện tứ đại kì thư. Thế nhưng Phùng Mộng Long dù nổi tiếng thì vẫn là đại biểu của “tục văn học”. Danh sĩ cao quý không không thích ngồi cùng chiếu với tác giả của những tiểu thuyết, hí khúc hạ lưu. Thành ra cho rằng Lý Ngư thác danh họ Phùng nói chuyện “tứ đại kì thư” cũng không phải là chuyện thuyết phục cho lắm. Đại bộ phận vẫn tin chính bản thân Lý Ngư chứ không phải ai khác nêu vấn đề “tứ đại kì thư”. Một trong những chuyên gia hàng đầu về tiểu thuyết Minh Thanh của Trung Quốc - Tôn Khải Đệ vẫn cho chính Lý Ngư là tác giả của cách nói “tứ đại kì thư”. Tôn Khải Đệ nói trong Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục: “Gọi Tam Quốc, Thủy hử, Kim Bình Mai, Tây du kí là “tứ đại kì thư” bắt đầu từ bài Tựa Tam Quốc chí của Lí Ngư” (Tôn Khải Đệ, Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục, Tác gia xuất bản xã, Bắc Kinh, bản in 1958, tr.221)
Từ sau Lý Ngư, cách nói “tứ đại kì thư” đã thực sự định hình và được chấp nhận phổ biến cho dù cách hiểu và cắt nghĩa cụm từ này không phải lúc nào cũng như nhau.
Sau cách gọi “Tứ đại kì thư” lại xuất hiện cách nói “Tứ đại danh tác”. “Tứ đại danh tác” chỉ ba bộ tiểu thuyết vốn đã được nhắc đến trong “Tứ đại kì thư” Tam Quốc diễn nghĩa, Tây du kí, Thủy hử kèm thêm Hồng lâu mộng. Có người tìm nguyên nhân hiện tượng này ở việc ra đời của Hồng lâu mộng. Đúng sai chưa bàn chỉ biết cách nói “Tứ đại danh tác” dần dà thay thế cho cụm từ “Tứ đại kì thư” trong trường hợp người nói muốn bao hàm cả tác phẩm của Tào Tuyết Cần.
Đến đầu thế kỉ XX, các đại biểu của phong trào Tân văn hóa Ngũ Tứ khi phát động cuộc vận động văn bạch thoại đã tìm thấy dẫn chứng hùng hồn từ tứ đại kì thư. Các nhà tân học thay thế mấy chữ “tứ đại kì thư” nặng mùi văn ngôn bằng cụm từ có màu sắc “tân văn”: “tứ đại kinh điển danh tác”. Vậy mà không hiểu sao những kẻ sĩ thời đại mới này lại bỏ Kim Bình Mai trong tứ đại kì thư để thay bằng Hồng lâu mộng? Riêng Trịnh Chấn Đạc chẳng hạn – cũng thay Tam Quốc diễn nghĩa bằng Hồng lâu mộng và dùng cụm từ “tứ đại kiệt tác”. Họ Trịnh viết: “Hồng lâu mộng cả thảy 120 hồi, cùng với Thủy hử, Tây du, Kim Bình Mai gộp gọi là tứ đại kiệt tác của tiểu thuyết Trung Quốc”[1] Riêng chủ soái của phong trào văn hóa mới Ngũ Tứ Hồ Thích còn đặc biệt chú ý Nho lâm ngoại sử. Ông gọi đó là “danh tác thứ năm” (đệ ngũ danh tác). Nếu chấp nhận quan điểm họ Hồ, chúng ta đã có thể nói đến “ngũ đại kinh điển danh tác” trong tiểu thuyết cổ Trung Quốc. Công trình The Classic Chinese Novel: A Critical Introduction của Hạ Chí Thanh[2] trên thực tế chính là cuốn sách giới thiệu “ngũ đại kinh điển danh tác” của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Trong đó Thủy hử truyện, Tam Quốc diễn nghĩa, Tây du kí, Kim Bình Mai được Hạ Chí Thanh gọi là “Minh đại tứ đại tiểu thuyết”. Đôi khi ông cũng gọi đây là “Tứ bộ cự tác”.
Một trong những học giả phương Tây đầu tiên tập trung chú ý cắt nghĩa hai chữ “kì thư” như là một cách định danh một thể loại tự sự đặc biệt của văn nhân Trung Hoa xưa chính là A. Plaks. Ông viết trong Trung Quốc tự sự học – Chinese Narative (Bắc Kinh đại học xuất bản xã, bản in 1996):
“Nói đến tiểu thuyết thể chương hồi trường thiên Minh Thanh, các dẫn chứng đại biểu mà thông thường người ta hay nêu lên không ngoài sáu tác phẩm kinh điển (lục bộ kinh điển danh tác) đã qua sàng lọc của thời gian gồm Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du kí, Kim Bình Mai, Nho lâm ngoại sử và Hồng lâu mộng. Bốn bộ trước chính là “tứ đại kì thư” thời Minh, còn hai bộ sau không ngại theo cách đó cũng gọi là “lưỡng đại kì thư” của thời Thanh. Cách gọi các tác phẩm thượng thừa trong sáu bộ tiểu thuyết thể trường thiên chương hồi là “kì thư” của trí thức Minh Thanh là khá phổ biến. Họ thậm chí còn tiến lên nhiệt tâm xếp hạng cho các kì thư. Chẳng hạn việc Mao Tôn Cương, Trương Trúc Pha xếp Kim Bình Mai là “đệ nhất kì thư” là một ví dụ rất có ý nghĩa.
Cái gọi là “kì thư”, cứ mặt chữ mà giải thích nguyên chỉ nghĩa “kì tuyệt chi thư”; nó có thể chỉ cái “kì” của nội dung tiểu thuyết, cũng có thể chỉ cái “kì” trong văn bút của tiểu thuyết. Vậy mà cá nhân tôi còn cho rằng, cổ nhân riêng gọi Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du kí, Kim Bình Mai là tứ kì thư ấy là còn có một thâm ý nữa. Thứ nhất, bản thân xưng tụng đó đã ngấm ngầm thiết định một giới hạn về mặt thể loại. Từ đó phân biệt ra một bên là bốn tác phẩm kinh điển sáng tác đỉnh cao của thời đại với một bên là những tiểu thuyết thể chương hồi trường thiên hạng hai hạng ba khác. Thứ nữa, trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi vẫn không ngừng tự hỏi vì sao lại không là “tam đại kì thư”, không phải là “ngũ đại kì thư” mà lại cứ là “tứ đại kì thư”? Dĩ nhiên, cách giải thích đơn giản nhất và cũng là hợp tình hợp lí nhất có lẽ là - nhìn trong tổng thể cả thời đại Minh, tiểu thuyết thể chương hồi trường thiên vĩ đại nhất vừa khéo cũng chỉ có bốn bộ này. Thế nhưng, tôi ngờ rằng thời Minh mạt - trong hoàn cảnh mà tư tưởng lí học Tống Minh đại diện bởi những Trình, Chu, Lục, Vương tràn ngập một thời, thấm sâu khắp xã hội thì việc vận dụng con số bốn ở đây có lẽ còn ẩn chứa một ý nghĩa đặc thù nào đó. Dựa vào một sự lí giải như vậy, chúng tôi đã phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu một điều là, bốn tác phẩm kinh điển này thực ra còn thai dưỡng một hình mẫu mĩ học độc nhất vô nhị nhìn trong suốt chiều dài lịch sử tự sự Trung Quốc. Mà hình mẫu mĩ học đợi cho đến thời Minh mạt mới thành hình hoàn toàn này lại ngưng kết thành một thể loại tự sự đặc thù. Điều không may là, trong suốt lịch sử phê bình văn học Trung Quốc thể loại tự sự đặc thù này thiếu đi một định nghĩa, giới định rõ ràng. Người ta rất khó nắm vững nó về mặt lí luận, thậm chí nó vẫn còn thiếu đi một danh xưng cố định. Nêu còn tiếp tục dùng lối nói cũ - chỉ gọi chung chung là “tiểu thuyết cổ điển” hay “tiểu thuyết chương hồi” thì vẫn còn thiếu đi một sự minh xác về phạm vi, không thể trở thành một công cụ nghiên cứu phê bình được. Cho nên, cuối cùng hết cách, chúng tôi cũng chỉ đành quay lui dùng lại hai chữ “kì thư” để giới định mấy tác phẩm văn học tự sự cùng có chung một nguyên tắc mĩ học này. Hẵng tạm gọi là “kì thư văn thể” vậy” (Trung Quốc tự sự học – Chinese Narative, tr.23-24).
Tiện đây, chúng tôi cũng xin nói thêm, trong sáu bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc dịch ra tiếng Việt, duy nhất tiểu thuyết của Ngô Kính Tử - Nho lâm ngoại sử là có đầu đề được dịch thuần Việt hoàn toàn thành “Chuyện làng nho”. Thế nhưng ít nhiều chúng ta cần phải biết rằng, Ngô Kính Tử rõ ràng có ý bộc lộ ngay từ đầu dụng ý đối thoại với truyền thống tự sự sử truyện và quan điểm văn hóa chính thống khi đặt tựa đề cho cuốn “sử của rừng nho” của mình là Nho lâm ngoại sử. Thiển ý của chúng tôi là vẫn muốn giữ cách phiên dùng tên sách “Nho lâm ngoại sử” tuy rất thầm phục đương thời các dịch giả đã dùng chữ “làng nho”.
“Lục bộ kinh điển danh tác tiểu thuyết” gắn liền số phận của mình với tên tuổi một loạt các nhà lí luận phê bình kiểu cũ mà Trung Quốc quen gọi là các nhà bình điểm gia. Những văn nhân bình điểm gia này chính là Kim Thánh Thán (bình điểm Thuỷ hử), Mao Luân–Mao Tôn Cương (bình điểm Tam Quốc chí diễn nghĩa), Chi Nghiên Trai (bình điểm Hồng Lâu Mộng), Nhàn Trai Lão Nhân (bình điểm Nho Lâm Ngoại Sử), Trương Trúc Pha (bình điểm Kim Bình Mai). Trong số các danh tác tiểu thuyết vừa kể, Kim Bình Mai là bộ được bình điểm kĩ nhất. Có lời bình sau mỗi hồi, có lời bình giữa các hàng, có lời bình trên đầu trang. Ngoài việc khuyên điểm chỗ hay ra, nhà bình điểm còn viết một loạt các bài phê bình dành riêng cho tiểu thuyết này: “Trúc Pha nhàn thoại”, “Khổ hiếu thuyết”, “Kim Bình Mai ngụ ý thuyết”, “Kim Bình Mai tạp lục tiểu dẫn”, “Kim Bình Mai độc pháp”. Tổng cộng hơn mười ngàn chữ (xin xem Chu Nhất Huyền, Kim Bình Mai tư liệu hội biên). Trương Trúc Pha cũng được xem là người đầu tiên đem Kim Bình Mai xếp hạng “đệ nhất kì thư”. Khẳng định này căn cứ vào một thiên phê bình của Trương nhan đề “Đệ nhất kì thư Kim Bình Mai phi dâm thư luận”. Tuy vậy bài viết không giúp ta kết luận được dứt khoát ý nhà bình điểm đánh giá Kim Bình Mai là thiên hạ đệ nhất kì thư nói chung hay chỉ là tứ đại kì thư đệ nhất kì thư mà thôi. Phóng khoáng và cá tính như Kim Thánh Thán cũng chỉ dám liệt tiểu thuyết Thủy hử vào hàng thứ năm trong danh sách “Lục tài tử thư - Trang, Tao, Sử, Đỗ, Thuỷ Hử, Tây Sương” (triết sử thi ca vẫn hàng đầu). Thành ra không chắc Trương Trúc Pha lại dám đặt tiểu thuyết Kim Bình Mai lên trên cả “kinh sử tử tập” (phân loại của tứ khố toàn thư) của bao đời. Dẫu vậy, đánh giá Kim Binh Mai đứng hàng đầu trong tứ đại kì thư cũng là đã đủ cao lắm rồi.
2. Tên sách, văn bản và tác giả tứ đại kì thư
Thủy hử truyện (còn tên Trung nghĩa Thủy hử truyện; một số bản khắc in còn đề Giang hồ hào khách truyện) là bộ tiểu thuyết chương hồi đầu tiên của văn học Trung Quốc. Đây cũng là bộ tiểu thuyết chương hồi đầu tiên viết bằng bạch thoại của văn học Trung Quốc. Giới nghiên cứu phổ biến cho rằng tác giả của Thủy hử truyện là Thi Nại Am. Tình hình văn bản tiểu thuyết này đặc biệt phức tạp.Các nhà nghiên cứu xếp các bản văn từ thô lược, ít miêu tả chi tiết vào hệ thống gọi là “giản bản” (có bản 110 hồi, bản 115 hồi, bản 124 hồi). Những bản hành văn sinh động, miêu tả tinh tế hơn được (có bản 100 hồi, bản 120 hồi và bản 70 hồi) được xếp vào hệ thống “phồn bản”. Các bản 70 hồi, 100 hồi và 120 hồi được xem là những bản lưu hành rộng nhất. Bản có tựa của Thiên Đô Ngoại Thần (Tựa soạn năm 1589-đời Vạn Lịch) là bản 100 hồi tương đối hoàn chỉnh còn truyền được cho đến ngày nay. Bản này ngay sau chuyện sắp xếp ngôi thứ ở Lương Sơn Bạc còn kể tiếp chuyện nhận chiêu an, chinh Liêu, bình Phương Lạp. Bản 120 hồi có tựa của Dương Định Kiến xuất hiện sau đó có thêm chuyện bình Điền Hổ và Vương Khánh.[3] Kim Thánh Thán đem bản 120 hồi cắt bỏ phần sau (tức kết thúc tiểu thuyết ở chuyện xếp ngôi thứ mà không phần chuyện từ chiêu an trở về sau) tu nhuận thành bản 70 hồi. Kim đổi hồi 1 Trương Thiên Sư cầu yên ôn dịch, Hồng Thái úy lỡ sổng yêu ma (bản dịch Á Nam Trần Tuấn Khải gọi là “Khúc đệm”)[4] thành phần giáo đầu, để tiểu thuyết dừng ở tình tiết Lô Tuấn Nghĩa nằm mộng thấy cảnh toàn bộ 108 anh hùng hảo hán bị Trương Thúc Dạ bắt giết sạch. Như vậy là Thủy hử bản Kim Thánh Thán đã tái bố cục, tu nhuận bình điểm hồi 2 Vương Giáo đầu tư tẩu Diên An phủ, Cửu Vân Long náo Sử gia thôn[5] (trong bản 120 hồi) trở thành “Đệ nhất hồi – Hồi thứ nhât” còn hồi 71 Trung Nghĩa đường thạch kiệt thụ thiên văn, Lương Sơn Bạc anh hùng bài tọa thứ lại trở thành “Đệ thất thập hồi – Hồi 70”. Kim cho 49 hồi kể chuyện từ chiêu an về sau là là phần người đời sau “viết nối” vào “nguyên bản” làm hỏng chân ý của tác giả. Bản đề “Đệ ngũ tài tử thư Thi Nại Am Thuỷ Hử truyện” của Kim Thánh Thán rất phổ biến dưới thời Thanh. Hai bản thuộc hệ thống giản bản nhan đề “Tân san Kinh bản toàn tượng tháp tăng Điền Hổ Vương Khánh Trung nghĩa Thủy hử toàn truyện” và “Trung nghĩa Thủy hử chí truyện bình lâm” khắc in dưới thời Minh là những bản khắc in hiện được xem là sớm nhất còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Cả hai đều ở trong trạng thái không còn nguyên vẹn đầy đủ nữa. Giản bản 10 quyển (115 hồi) khắc in thời Thanh nhan đề “Trung nghĩa Thủy hử truyện” là bản in tương đối đầy đủ mà ngày nay còn sưu tầm được. Từ sau 1949, các nhà xuất bản ở Trung Quốc đã lần lượt chỉnh lí biên tập và xuất bản các bản Thủy hử 70 hồi, 100 hồi và bản 120 hồi thuộc hệ thống phồn bản. Một số bản khắc in ván kiểu cổ cũng được chụp in lại phục vụ cho công tác biên khảo nghiên cứu.
“Thủy hử” từ này chỉ bến nước bãi đầm Lương Sơn Bạc - một địa danh ở tỉnh Sơn Đông. Vùng đầm phá lau lách ngút ngàn này chính là căn cứ địa của các anh hùng thảo khấu “chọc trời khuấy nước mặc dầu” – bối cảnh của câu chuyện tiểu thuyết. Đó là cách hiểu giản dị phổ biến nhất về đầu đề bộ tiểu thuyết. Tuy vậy cũng có nhà phê bình luận giải “thủy hử” trong cổ văn chỉ bến bãi, giang hồ hàm ý “ngoài tầm cai quản của chính quyền”. Kim Thánh Thán đào sâu thêm ý đó trong Tựa (bài thứ hai) cho Thủy hử truyện: “Đến như Thi Nại Am gọi là Thủy hử, nghĩa là hết đất nhà vua, thì lại có nước, ngoài nước thì có bến, tức là ở tận xa. Đã cho là ở tận xa, tức là hung vật của thiên hạ.”[6]
Tranh cãi về vấn đề ai là tác giả bộ tiểu thuyết vẫn chưa đến hồi kết thúc. Chưa một ai tra cứu ra được từ bất cứ nguồn sử liệu nào cái tên “Thi Nại Am”. Không ít học giả thậm chí từ lâu đã nghi ngờ có tồn tại hay không một người gọi là Thi Nại Am (xin xem: Tào Tấn Kiệt-Chu Bộ Lâu, Thi Nại Am tân chứng, Học Lâm xuất bản xã, 1987). Ngày nay văn học sử Trung Quốc phổ biến câu chuyện Thi Nại Am đậu tiến sĩ cùng khoa với Lưu Bá Ôn[7] nhưng không ra làm quan cho triều Minh, ẩn cư soạn Thủy hử truyện. Sách chép chuyền đến tận tay Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Hoàng đế nói sách hô hào làm loạn, cho bắt tác giả bỏ ngục. Lưu Bá Ôn vào thăm bày cách: “vào tù thế nào thì ra tù như thế đó”. Thi Nại Am hiểu ý đã vì viết sách mà bị tù thì cũng có thể nhờ viết sách mà ra tù nên thêm đoạn kết hảo hán tạo phản đồng ý chiêu an quy thuận triều đình phục vụ quốc gia để được tha. Chả trách năm 1970 khi Đại cách mạng văn hóa có dấu hiệu xuống dốc, Mao Trạch Đông nói Thủy hử tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng, chủ nghĩa xét lại. Nhà cách mạng này phê phán Tống Giang phá hoại sự nghiệp khởi nghĩa của các anh hùng nông dân.[8] Tất nhiên văn học sử Trung Quốc cũng lưu hành thuyết cho rằng La Quán Trung cũng tham gia soạn Thủy hử truyện. Những người chủ thuyết này thường viện dẫn đoạn trong Bách xuyên thư chí[9] (năm 19 đời Gia Tịnh) của Cao Nho: “Trung nghĩa Thủy hử truyện 100 quyển, sách của Thi Nại Am người Tiền Đường, La Quán Trung sắp xếp chỉnh lí”. Nhưng ngay từ thời Gia Tĩnh cũng đã thấy có người nói La Quán Trung là tác giả Thủy hử truyện: “Họ La người đất Việt… … làm sách này, tổng cộng 100 hồi” (Uông Đạo Côn[10] thác danh “Thiên Đô ngoại thần” viết trong Thủy hử truyện tự). Trong suốt hai thời Minh Thanh không ít người cho rằng La Quán Trung là tác giả Thủy hử truyện. Hai học giả Trung Quốc hiện đại là Lỗ Tấn và Du Bình Bá cũng cho Thủy hử truyện (giản bản) là sáng tác của La Quán Trung. Trịnh Chấn Đạc khái quát tình hình trên trong công trình văn học sử nổi tiếng của mình – bộ Văn học đại cương: “Bất luận cho đây là sáng tác của Thi Nại Am hay của La Quán Trung hoặc sáng tác chung của hai người cũng đều không có chứng cứ xác đáng. Chúng ta có thể nói sách này đã có bản thảo thô từ dưới thời Nguyên. Bản thảo thô này có thể là của Thi Nại Am mà cũng có thể là do người khác làm. Sau đó nó được La Quán Trung hoặc ai đó nhuận sắc. (… …) Còn như chuyện Kim Thánh Thán nói có bản 70 hồi do Thi Nại Am sáng tác sau đó được La Quán Trung tiếp tục thì đó vốn là chuyện tự ông ta dựng nên, hoàn toàn không đáng tin”.[11]
Trịnh Chấn Đạc được xem là người chủ trương thuyết La Quán Trung cùng với Thi Nại Am là đồng tác giả Thuỷ Hử. Ông cho rằng vào thời Nguyên mạt đã có Thuỷ Hử truyện, tác giả hoặc nói người soạn bộ sách là Thi Nại Am. Kế đó Nguyên mạt Minh sơ La Quán Trung tu định tác phẩm (xem Trịnh Chấn Đạc, Thủy Hử truyện đích diễn hoá). Lỗ Tấn lại cho La Quán Trung là tác giả Thuỷ Hử truyện (xem Lỗ Tấn, Trung Quốc tiểu thuyết sử lược). Ông nói rõ hơn trong Trung Quốc tiểu thuyết lịch sử đích biến thiên: “La Quán Trung tập hợp câu chuyện lẻ nhỏ, các thuyết liên quan chuyện Thuỷ Hử, thêm bớt làm nên bộ Thuỷ Hử truyện”. Hồ Thích cho rằng Thi Nại Am chỉ là một cái tên giả của một tác gia văn học giữa đời Minh. Tuy vậy ông dường như cũng cho rằng Thuỷ Hử bản xuất hiện thời Minh sơ có khả năng là của La Quán Trung (Hồ Thích, Thuỷ Hử truyện khảo chứng in trong Hồ Thích cổ điển văn học nghiên cứu luận tập, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, bản in năm 1988). Ngoài ra cũng có thuyết Thuỷ Hử truyện là “sáng tác tập thể” (Tôn Khải, Đồ thư quý san, kì 4-1941). Dù thuyết nào đi nữa ta đều thấy có nhắc đến La Quán Trung. Thuỷ hử có bản 120 hồi và bản 70 hồi. Các bản dịch tiếng Việt thường dịch theo bản 70 hồi. Gần đây có bản dịch Hậu Thuỷ Hử (49 hồi sau của bản 120 hồi-Thuỷ Hử toàn truyện) của dịch giả Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thuý Nga, Nxb.Văn Học, 2002. Sách đề tác giả Thi Nại Am-La Quán Trung.
Hơn bốn mươi năm sau, Hạ Chí Thanh trở lại câu chuyện tác giả Thủy hử truyện trong công trình Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc: “Xem xét các trang đề tên sách trong tất cả các bản khắc in còn truyền lại đến ngày nay cùng bình điểm của các văn nhân đối tiểu thuyết này, ta có thể phán đoán rằng: dưới thời Minh có hai quan điểm về tác giả “Thủy hử” - quan điểm cho rằng “Thủy hử” là tác phẩm của cá nhân La Quán Trung và quan điểm cho rằng “Thủy hử” là công trình hợp tác của Thi Nại Am và La Quán Trung. Thế nhưng những bản khắc in thừa nhận công lao của Thi nại Am chỉ nói Thi là tác giả phần tài liệu cơ bản của tiểu thuyết và La Quán Trung căn cứ vào tài liệu cơ bản đó để biên viết “Thủy hử”. Như vậy thì rất có khả năng họ La–cũng giống như khi viết nên bộ “Tam Quốc” từ tài liệu của Trần Thọ nay lại dùng tài liệu của Thi Nại Am để viết nên “Thủy hử”. Vậy thì trong tình trạng chúng ta không biết một chút gì về Thi Nại Am và “Thủy hử” (giả dụ nó quả thực từng tồn tại) đã sớm bị hòa tan vào trong bản của La Quán Trung thì khi muốn đem “Thủy hử” quy thành của một tác giả cụ thể, đầu tiên nên quy nó cho La Quán Trung là công bằng và hợp lí”.[12]
Tháng 8 năm 2006, cả một hội thảo quốc tế với đề tài “La Quán Trung với Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện” được tổ chức ở Sơn Đông. Toàn thể bạn xem truyền hình Trung Quốc có thể theo dõi lại sự kiện 500 chuyên gia về tiểu thuyết Minh Thanh tại cuộc hội thảo đã nhất trí với luận thuyết cho rằng La Quán Trung cũng chính là tác giả Thủy hử trên kênh Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc – CCTV 4 ngày 24/8/2006 (xin xem CCTV.com). Hội thảo cho rằng Thủy hử đương thời là sách cấm, không thể khắc in đề tên thực tác giả. Truyền thống nghiên cứu từ lâu cũng đã tồn tại thuyết cho rằng La Quán Trung là người viết Thủy hử, hoặc chí ít là người hoàn tất Thủy hử. Các bản khắc in thời kì đầu đời Minh đều đề tên La Quan Trung. Trong các bản khắc in muộn hơn cũng thấy có bản bìa đề nguyên dòng “Thi Nại Am La Quán Trung”. Thảo luận của đông đảo những người tham gia hội thảo cho rằng ba chữ “Thi Nại Am” phải được đọc đảo “Yêm Nãi Thị” (như nói lái trong tiếng Việt; Hán ngữ hiện đại đọc – tạm ghi âm: “an nai sư”). Nếu vậy thì đó là một cách bỡn đời của người từng chấp bút bộ Tam Quốc chí diễn nghĩa – tác giả Thủy hử truyện “Vẫn là ta La Quán Trung”. “Vẫn là ta La Quán Trung” tác giả Thủy hử truyện. Thế nhưng La Quán Trung là ai? Khảo cứu về cuộc đời La Quán Trung hầu như giẫm chân tại chỗ trong mấy chục năm qua. Năm 1930, Trịnh Chấn Đạc, Mã Liêm và Triệu Phỉ Vân phát hiện Lục quỷ bạ tục biên của Giả Trọng Minh (1342-1423?) một tác giả thời Nguyên mạt Minh sơ. Sách có một đoạn kí tải về La Quán Trung. Tiểu truyện về La Quán Trung trong sách này được coi là ghi chép quan trọng nhất, sớm nhất về La Quán Trung nay còn có thể đọc thấy được. Đó cũng sẽ là cơ sở chủ yếu nhất cho các khảo biện về cuộc đời La Quán Trung về sau. Việc phát hiện hiện Lục quỷ bạ tục biên có thể được xem là sự kiện khơi mào công việc nghiên cứu tác giả Tam Quốc chí diễn nghĩa thời hiện đại. Liên quan La Quán Trung, sách Tục lục quỷ bạ của Giả Trọng Minh kí tải như sau: “La Quán Trung, người Thái Nguyên, hiệu Hồ Hải Tản Nhân. Ít giao thiệp với người khác. Ca hành lối nhạc phủ rất mới mẻ. Với ta là bạn vong niên. Gặp thời loạn sự, mỗi người một phương. Đến năm Giáp Thìn (1364) mới gặp lại. Xa nhau đã sáu chục năm có lẻ, không biết cuối cùng ra sao.” (Nguyên văn “La Quán Trung, Thái Nguyên nhân, hiệu Hồ Hải Tản Nhân. Dữ nhân quả hợp. Nhạc phủ ẩn ngữ cực vi thanh tân. Dữ dư vi vong niên giao. Tao thời đa cố, thiên các nhất phương (có nơi chép “các thiên nhất phương”, đồng thời có tài liệu gọi tắt sách trên là Tục Lục quỷ bạ-LTT). Chí chính Giáp Thìn phúc hội, biệt lai hựu lục thập dư niên, cánh bất tri kì sở chung.”
Theo đó có thể biết La Quán Trung là người Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây?), tính khí cô độc hoặc chí ít cũng không phải là người cởi mở hoặc dễ gần. Ức đoán La Quán Trung sinh ra trong khoảng từ 1315 đến 1318. Cũng theo đoạn kí tải trên ta biết Giả Trọng Minh gặp mặt La năm Giáp Thìn (Công lịch nhằm năm 1364). Tính ra năm đó Giả 22 tuổi, với La là bạn vong niên. Như vậy có thể đoán chừng lúc đó La tuổi chừng trên dưới 50. Cho nên có học giả áng chừng La Quán Trung sống trong quãng thời gian 1315 – 1385 (giao thời cuối Minh đầu Nguyên).
Một số học giả cho rằng La Quán Trung là học trò của nhà Lí học thời Nguyên Triệu Bảo Phong. Người ta cho rằng ông chính là La Bản - người xếp thứ 12 trong danh sách các môn nhân của Triệu Bảo Phong. Ý kiến này căn cứ vào Môn nhân tế Triệu Bảo Phong tiên sinh văn (được đem vào làm phần phụ lục cho Triệu Bảo Phong tiên sinh văn tập). Sách Tống Nguyên học án của Hoàng Tông Hy (đời Thanh) cũng có chép chuyện La Bản. Thế nhưng các nhà nghiên cứu Trung Quốc không có đủ tài liệu để khẳng định chắc chắn La Bản được nói đến trong các sách đó cũng chính là La Quán Trung. Một tài liệu khác, Bái sử hội biên-quyển 103 Văn sử môn-Tạp thư loại-Viện bản của Vương Kì (người đời Minh) có nói La có liên hệ đi lại với phong trào khởi nghĩa nông dân thời Minh mạt, và từng tham gia hoạt động chống Nguyên triều, lại nói La Quán Trung cùng với Cát Khả Cửu đều là những người “có chí bá vương” (giai hữu chí đồ vương giả). Tác giả Từ Nạp sở hội Thuỷ Hử nhất bách đơn bát tướng đồ đề bạt (Từ Vị Nhân) cũng như tác giả Bạt Thuỷ Hử đồ (Tháp ảnh nguyên tập-Cố Linh) đều nói La Quán Trung từng tham gia chính quyền Trương Sĩ Thành - lãnh tụ khởi nghĩa nông dân chống Nguyên. Có người hiểu câu La Quán Trung “có chí bá vương” (hữu chí đồ vương giả) chỉ là nói La có hoài bão lớn đường hoạn lộ, chớ không dính dáng gì đến “khởi nghĩa nông dân” “tạo phản” Nguyên triều. Lại có tư liệu nói La từng khuyên Trương Sĩ Thành đừng làm một Tống Giang thứ hai. “Khởi nghĩa nông dân” là cụm từ ngày nay được dùng có thể nói là quá lạm (khởi nghĩa dùng trong nghĩa hiện đại đương nhiên cũng khác với khởi nghĩa trong sử cũ). Thử tưởng tưởng tình thế La có thể có tham gia hoạt động (hoặc vũ trang, hoặc chính trị) chống Nguyên (dù hiểu là triều đình nhà nước hay tập đoàn thống trị ngoại tộc) trong lúc vẫn phân biệt mình với số đông trong các sự kiện tương tự như sự kiện Khăn Vàng hay sự kiện Lương Sơn Bạc mà ông từng mô tả trong tiểu thuyết. Thiển ý của chúng tôi là nên có sự phân tích cụ thể đối tình huống thực tế trong vấn đề gọi là khởi nghĩa nông dân thời phong kiến. Cho đến nay vẫn không có cách gì để kiểm chứng những ghi chép đó. Thế nhưng những thông tin đó tỏ ra rất thích hợp với một người sống trong buổi mạt thời của một triều đại ngoại tộc, bản thân lại là tác giả của những bộ tiểu thuyết viết về loạn thế anh hùng. Rốt cục thì kẻ đã ra sức cắt nghĩa lẽ hưng vong của lịch sử cuối cùng lại không để lại dòng nào về lịch sử long đong của đời mình. Cho đến nay chưa thấy bộ sử nào có ghi chép về thân thế La Quán Trung. Dường như những cuốn tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử nổi tiếng của ông đến lượt nó cùng với một vài thông tin rải rác trong mênh mang thư tịch xưa lại giúp người đời sau diễn nghĩa đời ông như cuộc đời của một người tài hoa (nhạc phủ ẩn ngữ cực vi thanh tân) lớn lên gặp cảnh loạn thế mà sớm có hoài bão chính trị; bôn tẩu giang hồ (hồ hải tản nhân) nhưng hành tàng kín đáo, không dễ hoà mình với thế tục (dữ nhân quả hợp). Sau cùng khi vương triều mới đã lên thì náu thân (bất tri kì sở chung) trong cảnh “Lão tiều lại gặp ngư ông, bên sông gió mát trăng trong kho trời; rượu vò lại rót khuyên mời, cùng nhau lại kể chuyện thời xa xưa; kể ra biết mấy cho vừa, nói cười hỉ hả say sưa quyên đời” (nửa sau bài từ đầu bộ Tam Quốc chí diễn nghĩa. Chúng tôi dẫn theo bản dịch Tử Vi Lang, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2006) để chuyên tâm trước tác. Thành ra, năm mươi sáu chữ chép chuyện La Quán Trung trong Tục Lục quỷ bạ không đủ cho ta đủ hình dung về một kẻ lúc bảo ở Sơn Đông (Thái Nguyên) lúc nói ở Sơn Tây (Đông Nguyên) lúc ở xuống tận Hàng Châu (Tiền Đường) mịt mù giữa khói sóng biển hồ - Hồ Hải Tản Nhân. Nghiên cứu về La Quán Trung vì vậy cũng là một cách diễn nghĩa đời ông mà thôi.
Trong lúc Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng và Nho lâm ngoại sử được xem là những bộ tiểu thuyết thuần túy là sáng tác của cá nhân cụ thể thì bộ ba Thủy hử, Tam Quốc diễn nghĩa, Tây du kí, trước lúc được định hình thành một văn bản sách in cố định đề tên tác giả văn nhân cụ thể thì đã có cả một nền tảng tài liệu tự sự tồn tại dưới nhiều dạng thể khác nhau từ chuyện kể dân gian, kí tải sử truyện, thoại bản dùng trong nghệ thuật thuyết thư (kể từng đoạn chuyện bởi các nghệ nhân), biểu diễn khúc nghệ, hí kịch (các hình thức sân khấu truyền thống của Trung Quốc). Tuy thế sau cùng tất cả đã được hấp thu tập trung lại dưới ngòi bút của văn nhân nhất định, hình thành nên những văn bản tiểu thuyết trường thiên cụ thể. Chưa hết, các văn bản tiểu thuyết trường thiên cụ thể đó còn được một số văn nhân nhất định khác nhuận sắc hiệu chỉnh, bố cục chương hồi, viết bình điểm kèm theo để cố định hóa thành bản khắc in (thoạt đầu thường là trên ván) tốt nhất rồi được lưu hành phổ biến. Các bản khắc in đó trở thành bản gốc của các ấn phẩm dưới các tên gọi Thủy hử truyện, Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa, Tây du kí, với tên tác giả cụ thể mà độc giả Trung Quốc ngày nay đọc theo hàng ngang từ trước ra sau như đọc đại bộ phận sách in chữ rời khác.
Tam Quốc là một hiện tượng tiêu biểu cho thực tế văn hóa này. Tam Quốc - từ này dùng trong tiếng Việt khi chỉ tên một bộ sách, thường được hiểu như là một cách gọi vắn tắt tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc chí diễn nghĩa. Thế nhưng trong tiếng Trung nó dường như lại là một cách dùng để chỉ chung các bản khắc in các bộ sách có tính cách truyện kể mà đầu đề chí ít có từ “Tam Quốc”. Cả một quá trình thành sách kinh qua trên dưới nghìn năm tính từ Tam Quốc chí (Tấn Trần Thọ) qua thoại bản giảng sử Tống-Nguyên đến Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa (Minh La Quán Trung) dừng ở Tam Quốc diễn nghĩa (Thanh Mao Tôn Cương) làm cho tác phẩm này trở thành một hiện tượng văn hoá đặc sắc trong lịch sử văn học Trung Quốc. Hiện tượng đó cũng cho ta thấy những nét riêng của truyền thống văn chương tự sự Trung Hoa trong đối sánh với truyền thống văn học phương Tây chẳng hạn. Những đặc sắc trong văn học sử Trung Quốc mà ta vừa nói đến đó yêu cầu nghiên cứu phê bình phải có những chú ý thích đáng khi sử dụng một loạt các thuật ngữ như cải biên, sáng tác, sáng tác tập thể, làm sách, bản quyền…, v.v… Cần phải cố gắng hình dung lại “bản lai chân diện mục” của một truyền thống văn học chứ không thể chỉ tìm hiểu chúng chỉ với các công cụ lí luận phương Tây với một thái độ mặc nhiên. Vả chăng bản thân Trung Quốc song song với thực tiễn sáng tác cũng có một truyền thống lí luận phê bình riêng. Truyền thống văn luận (lí luận văn nghệ) đó có một bề dày chẳng kém phương Tây.
Dư luận chung xếp Thủy hử lên trên Tam Quốc diễn nghĩa. Thế nhưng sự thực không thể phủ nhận là Tam Quốc diễn nghĩa là tác phẩm lưu truyền rộng nhất, có một ảnh hưởng văn hóa sâu rộng nhất trong “Tứ đại kì thư”. Tam Quốc diễn nghĩa tên gọi đầy đủ Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa. Tên gọi đó dường như cũng đã biểu hiện phương thức viết bộ tiểu thuyết của tác giả La Quán Trung – diễn nghĩa một cách thông tục bộ sử Tam Quốc chí của sử gia đời Tấn Trần Thọ. Ta thử cắt nghĩa nhan đề “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” như sau: “Diễn nghĩa thông tục sử Tam Quốc”, tức có thể viết: Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa (trong tên sách có tên sách). Đến thời Thanh khi tiểu thuyết chương hồi đã phổ biến, diễn nghĩa đã trở thành một truyền thống của tiểu thuyết lịch sử. Mao Tôn Cương sau khi tu định nhuận sắc “Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa” có lẽ cảm thấy đã tới hồi nên bỏ đi hai chữ “thông tục” và định danh nhan đề công trình của mình là Tam Quốc chí diễn nghĩa. Đó là một cách nêu danh, chứ không còn là một cách đặt lại đầu đề hay gọi gọn, gọi tắt của một tài tử nhân đã tham gia hoàn thiện một tài tử thư (công trình của Mao đề Đệ nhất tài tử thư Tam Quốc chí diễn nghĩa). Hoàn toàn có thể nói ngắn gọn là công trình của La Quán Trung được cha con Mao Tông Cương tu nhuận, hiệu chỉnh và khắc in phổ biến rộng nhất dưới tên gọi Tam Quốc diễn nghĩa.
Đương nhiên chúng tôi ở đây thuần tuý chỉ là nêu một cách “thử cắt nghĩa”. Không có chứng cứ gì để đảm bảo mấy chữ “Tam Quốc chí” trong đầu đề tiểu thuyết La Quán Trung bản ý là chỉ tên sách của Trần Thọ. Do vậy cũng có thể hiểu rộng ra rằng La chính là diễn nghĩa toàn bộ những ghi chép – “chí” về đời Tam Quốc. Độc giả cũng có thể thấy phần nào tinh thần chung của câu chuyện khi đọc tên sách Tam Quốc trong một số bản dịch tiếng Việt – có bản đề Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, có bản đề Tam Quốc diễn nghĩa. Mà tên gọi Tam Quốc chí thông tục diễn nghĩa cũng từng được nhắc đến đây đó. Điều rõ ràng là hai chữ “diễn nghĩa” bắt đầu La Quán Trung vẫn được giữ lại cho đến Mao Tôn Cương. Trong Tại Viên Tạp Chí, Lưu Đình Cơ (đời Khang Hy) nhân bàn đến tứ đại kì thư có viết về từ này: “diễn nghĩa, tức vốn có việc đó, giờ bổ sung phô diễn ra; bịa đặt hoàn toàn không phải chuyện có thể so sánh được – diễn nghĩa giả, bản hữu kì sự, nhi thiêm thiết phô diễn, phi vô trung sinh hữu giả bỉ dã”.
“Tam Quốc” và “Thủy Hử” phức tạp bao nhiêu về vấn đề tác giả và văn bản thì “Tây Du” đơn giản bấy nhiêu về những chuyện đó. Phần đa các học giả xác nhận tác giả Ngô Thừa Ân (1506~1582).[13] Tây Du Kí bản khắc in sớm nhất còn lại cho đến ngày nay của bộ tiểu thuyết này chính là Thế Đức Đường bản (bìa đề “Tân khắc xuất tượng quan bản đại tự Tây du kí” 20 quyển 100 hồi, khắc in năm thứ 20 đời Vạn Lịch, công lịch 1592). Trừ vài trường hợp còn thì tất cả các bản khắc in về sau trên đại thể đều theo dùng bản của nhà Thế Đức Đường. Các bản in chữ rời thời hiện đại tại Trung Quốc cũng hiệu đính dựa trên bản Thế Đức Đường.
Nếu Tam Quốc diễn nghĩa được sáng tạo trên cơ sở câu chuyện sử Tam Quốc, Thủy hử truyện có cơ sở truyền kì về hoạt động chống đối chính quyền của nhóm hảo hán Tống Giang đời Bắc Tống thì Tây Du kí cũng có xuất phát điểm là truyền thuyết Huyền Trang lấy kinh. Chỉ đến Kim Bình Mai, tiểu thuyết Trung Quốc mới có thể dẫn chứng trường hợp nhà văn sáng tác độc lập một bộ tiểu thuyết chương hồi trường thiên. Dưới thời phong kiến, Kim Bình Mai bị liệt là dâm thư cấm thư. Tuy vậy từ góc độ văn học sử mà xét, ảnh hưởng nghệ thuật của bộ tiểu thuyết là một thực tế không thể phủ nhận. Địa vị đặc biệt của Kim Bình Mai trong lịch sử phát triển tiểu thuyết Trung Quốc được khẳng định do chỗ đây là cuốn sách mở màn cho các sáng tác tiểu thuyết văn nhân. Rũ sạch ám ảnh diễn nghĩa lịch sử, từ bỏ sự đeo đuổi lãng mạn truyền kì, Kim Bình Mai cũng là cuốn tiểu thuyết có màu sắc hiện thực chủ nghĩa đầu tiên của văn học Trung Quốc hiểu theo nghĩa hiện đại của cụm từ này. Kim Bình Mai cũng được xem là sự khởi đầu cho hai dòng phái văn xuôi gọi là tiểu thuyết thế tình (gia đình–xã hội), tiểu thuyết phúng thích (phê phán, đả kích) trong văn học Trung Quốc sau đó. Thậm chí có ý kiến cho rằng không có Kim Bình Mai thì chưa chắc đã có Hồng lâu mộng và Nho lâm ngoại sử về sau. Bản khắc in sớm nhất hiện tồn tác phẩm này là bản khắc in đời Vạn Lịch (1573-1619) nhan đề “Kim Bình Mai Từ Thoại”. Kim Bình Mai Từ Thoại bìa đề bút danh “Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh”. Cả ba bài tựa in kèm đều không đề tên thật. Truyền thống phần đông đều đồng ý cho rằng ba chữ làm đầu đề truyện lấy từ tên ba nữ nhân vật chính trong truyện - Phan Kim Liên, Lí Bình Nhi và Bàng Xuân Mai. Lỗ Tấn cũng đã giải thích như vậy trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Những cuốn tiểu thuyết ăn khách xuất hiện sau đó như Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến,… được xem là bắt chước Kim Bình Mai trong việc lấy tên các nhân vật chính đặt tựa cho sách. Tuy nhiên cũng có học giả cho rằng nên hiểu đầu đề tiểu thuyết theo nghĩa “hoa mai cắm bình vàng” để cảm nhận màu sắc huê tình của bộ tiểu thuyết. Như ta đọc thấy trong tiểu thuyết quả thực không thiếu chỗ tả cảnh bài trí hoa mai cắm bình. Thế nhưng cũng còn cách hiểu “kim” ở đây đại biểu kim tiền, “bình” nói chuyện rượu chè, “mai” chỉ nữ sắc. Các bản dịch Kim Bình Mai trong các thứ tiếng như Anh, Nga, Pháp, Đức cũng thường phiên âm ba chữ Kim Bình Mai như tên riêng các nhân vật (Chin Ping Mei).
Khuynh hướng tôn sùng bạch thoại, ca ngợi “tục văn học” (văn học bình dân) mở đầu từ Ngũ Tứ được khuếch trương một cách quá tả tại Đại lục về sau đem đến những sai lệch nhất định trong tiếp nhận và nghiên cứu văn học. Không thể vì dụng ý nhấn mạnh một chiều tầm quan trọng của bạch thoại khẩu ngữ và nguồn mạch văn học bình dân dân gian mà phủ nhận công lao quyết định của các văn nhân, tài tử - những người đã dành trọn phần thời gian quan trọng trong đời và toàn bộ văn tài để các trước tác được lưu truyền trong lúc bản thân họ có khi không cần nghĩ tới việc gắn tên tuổi mình vào bộ sách. Cho đến nay tác giả của Kim Bình Mai chẳng hạn vẫn là một câu đố thách thức cả một nền nghiên cứu vốn rất tự hào về thành tựu khảo cứu của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, danh sách của những người “ứng cử” vào vị trí tác giả Kim Bình Mai đã lên đến gần sáu mươi người. Vương Thế Trinh – danh sĩ đời Gia Tịnh được xếp lên hàng đầu tiên trong danh sách này. Thuyết này nói họ Vương vì để trả thù kẻ hãm hại bố mình là Đường Thuận Chi nên đã làm sách này. Vương viết xong đem tẩm độc từng trang rồi đem tặng Đường Thuận Chi. Họ Đường thấm nước bọt đầu ngón tay lật trang sách khi đọc trúng độc mà chết. Lỗ Tấn trước sau bác bỏ thuyết này. Ông cho đó chỉ là một truyền thuyết minh họa cho đạo hiếu mà thôi.
Vậy là, cho dù bạn tin hay không câu chuyện truyền tụng một người viết bộ sách tẩm độc vào từng trang để sát hại người giết bố mình hay chuyện một người để ra khỏi nhà ngục nên đã thêm chuyện “thôi làm giặc quay lại phục vụ hoàng đế” làm phần kết cho cuốn tiểu thuyết thì đằng sau mấy chữ “Tiếu Tiếu Sinh” hay “Vẫn Là Ta” kia mãi vẫn thấp thoáng một nụ cười bí ẩn trêu ngươi các chuyên gia khảo cứu muốn tìm cho ra ai là tác giả các bộ “sách khiêu dâm” “sách xúi làm giặc” này. Rất có khả năng những cái tên tác giả đề trên trang bìa các danh tác kia có thể rồi phải thay đổi nếu một ngày kia các nhà khảo cứu tìm được bằng chứng đích xác. Thế nhưng cho dù là ai đi nữa thì giờ đây điều có thể thống nhất với nhau là, không có các kì nhân thì làm sao mà có được các kì thư? Tác giả tiểu thuyết Trung Hoa cổ mua vui cho đời lúc trà dư tửu hậu bằng với đủ loại tràng thiên cố sự trong lúc bản thân mình náu mình ngõ vắng. Tô Đông Pha lấy ý Âu Dương Tu nói đại ý, văn nhân càng cùng quẫn thì thơ văn viết ra càng hay – “cùng nhi hậu công”. Trong trường hợp các tác giả tứ đại kì thư ta không ngại nói thêm họ không những là “cùng nhi hậu công” mà còn là “tàng nhi hậu công”[14] vậy. Những kẻ viết mà chẳng để in bán cầu danh trong đời mà nhắm dành thiên thu hậu thế người biết đọc ấy mãi còn khiến người đời bội phần cám cảnh “lập thân tối hạ thị văn chương”. Xem ra phân chia thứ bậc “lập đức lập công lập ngôn” cũng chỉ là một cách nói mà thôi!
Hà Nội 9/9/09
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thọ, Tam Quốc chí (Bùi Tùng Linh chú), Trung Hoa thư cục, 1959.
2. La Quán Trung, Tam Quốc diễn nghĩa (thượng, hạ quyển), Nhân dân xuất bản xã, 2004.
3. La Quán Trung, Tam Quốc diễn nghĩa (ba tập), Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỉ-Lê Huy Tiêu hiệu đính, Nxb.Văn Học, 2004.
4. La Quán Trung, Tam Quốc chí diễn nghĩa (2 tập), lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Tử Vi Lang, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2006.
5. La Quán Trung, Tam Quốc chí diễn nghĩa (hai tập), lời bình Mao Tôn Cương, dịch thuật Mộng Bình Sơn, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2006.
6. Ngô Kính Tử, Nho lâm ngoại sử, Tân Thế giới xuất bản xã, 2000.
7. Thi Nại Am soạn, La Quán Trung toản tu, Thuỷ Hử toàn truyện, Hoa Hạ xuất bản xã, 1998.
8. Thi Nại Am-La Quán Trung, Thủy Hử toàn truyện, Bắc kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1954.
9. Tào Tuyết Cần-Cao Ngạc, Hồng lâu mộng, Hoa Hạ xuất bản xã, 1998.
10. Thi Nại Am, Thuỷ Hử, Á Nam Trần Tuấn Khải dịch, Nxb. Văn Học, 2005.
11. Thi Nại Am-La Quán Trung, Hậu Thuỷ hử, Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thuý Nga dịch, Nxb. Văn Học, 2002.
12. Trịnh Chấn Đạc, Văn học đại cương-Literature compendium, Trung Hoa thư cục xuất bản lần đầu 1926, Quảng Tây sư phạm đại học xuất bản xã tái bản, 2003.
13. Trịnh Chấn Đạc, Trung Quốc tục văn học sử, Bắc Kinh, Văn học cổ tịch san hàng xã, 1964.
[1] Trịnh Chấn Đạc, Văn học đại cương-Literature compendium, Trung Hoa thư cục xuất bản lần đầu 1926, Quảng Tây sư phạm đại học xuất bản xã tái bản, 2003, tập thượng, tr.180.
[2] Bản dịch tiếng Trung Trung Quốc tiểu thuyết sử luận, Hồ Ích Dân, Thạch Hiểu Lâm, Đơn Khôn Cầm dịch, Giang Tây Nhân dân xuất bản xã, 2001.
[3] Các dịch giả Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga đã dịch từ hồi 72 đến hồi 120 Thủy hử toàn truyện và xuất bản thành sách nhan đề “Hậu Thủy hử” (Nhà xuất bản văn học, 2002. Dịch giả chú rõ “dịch từ nguyên bản Thủy hử toàn truyện, 120 hồi, do Trung Hoa thư cục xuất bản”). Bạn đọc có thể tạm đọc theo kiểu “ghép nối” bản dịch Á Nam Trần Tuấn Khải và bản dịch Ngô Đức Thọ-Nguyễn Thúy Nga để có được hình dung chung về cái gọi là “Câu chuyện Thủy hử” cũng như trình bày dài dòng của chúng tôi về tình hình văn bản tiểu thuyết này.
[4] Thủy hử, bản dịch Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb.Văn học, 2005, tr.51. Thủy hử, bản dịch Mộng Bình Sơn (Nxb.Văn hóa Thông tin, 2003) không có hồi này.
[5] Bản dịch Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb.Văn học, 2005 và bản dịch Mộng Bình Sơn Nxb.Văn hóa Thông tin, 2003 không hiểu sao đều phiên in là “phủ Duyên”.
[6] Dẫn theo bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải, Nxb.Văn học, 2005, tập 1, tr.17.
[7] Tức Lưu Cơ (1311-1375), mưu sĩ của Chu Nguyên Chương, khai quốc công thần của triều Minh.
[8] Xin xem: Trung cộng Trung ương Văn hiến nghiên cứu thất biên tác, Mao Trạch Đông truyện (1949-1976), Trung ương văn hiến xuất bản xã xuất bản.
[9] Gồm 20 quyển. Đây chính là thư mục sách trong tủ sách của Cao Nho, tàng thư gia nổi tiếng thời Gia Tịnh.
[10] Uông Đạo Côn, tuần phủ Phúc Kiến dưới thời Gia Tịnh.
[11]Trịnh Chấn Đạc, Văn học đại cương-Literature compendium, Trung Hoa thư cục xuất bản lần đầu 1926, Quảng Tây sư phạm đại học xuất bản xã tái bản, 2003, tập thượng, tr.469.
[12] Trung Quốc tiểu thuyết sử luận, Hồ Ích Dân, Thạch Hiểu Lâm, Đơn Khôn Cầm dịch, Giang Tây Nhân dân xuất bản xã, 2001, tr.78. Đây chính là bản dịch tiếng Trung cuốn The Classic Chinese Novel: A Critical Introduction của Hạ Chí Thanh (Hsia Chih-tsing) xuất bản 1968.
[13] Hồ Thích và Lỗ Tấn là hai học giả tiên phong khẳng định tác giả Ngô Thừa Ân là tác giả Tây Du Kí. Cho đến nay các quan điểm phản bác vẫn chưa tìm được bằng chứng trực tiếp nào.
[14] Ở đây chúng tôi mạo muội phỏng Tô Đông Pha nói thác thành “tàng nhi hậu công”. Cổ nhân còn câu “tàng nhi danh sơn, ... truyền chi kì nhân”.