Chúng ta không thể không quan tâm đến những con số được lặp đi lặp lại nhiều lần, đừng cho đó là những gặp gỡ ngẫu nhiên, những ấn tượng thoáng qua, đừng thờ ơ với chúng. Hãy nắm bắt những con số khi chúng xuất hiện hơn ba lần, có thể nó đang truyền lại thông tin nào đó, hãy đi theo chúng, nắm bắt cho được những ý nghĩa ẩn náu đằng sau chúng, tìm cho được mối liên hệ nhân quả đồng nhất giữa chúng với nhau. Trong tinh thần đó mời bạn hãy đến thăm vương quốc những con số ở vùng đất Tổ với những cư dân chọn lọc 1, 2, 3 và những bội số của chúng 4, 6, 8, 12, 16, 32, 36…Đây là những con số quen mà lạ, vì chúng chỉ xuất hiện trong không gian chọn lọc, trong thời gian hết sức đặc biệt: không gian thời gian lễ hội. Chúng tồn tại một cách kiên trì để nói về một quá khứ kéo dài trên hai ngàn năm mà điểm cuối của thời đại đó cáh ta ít nhất cũng trên hai ngàn năm: Thời đại Hùng Vương, sợi dây quán thông chúng vào nhau là Kinh Dịch.
Theo truyền thuyết có 18 đời Hùng Vương, nhưng sao khi kể chuyện ta chỉ nhắc đến đời Hùng Vương thứ 6 hay đời Hùng Vương thứ 18. Hai con số này ẩn dấu điều gì?
Trên trống đồng di chỉ thời Hùng Vương, mặt trống thường có ngôi sao
( Mặt trời) 8, 12, 14 hoặc 16 cánh. Chim thường có 4 hoặc 6 hoặc 8 con, thuyền thường có 6 chiếc, sinh hoạt lễ hội của người thường được khắc ở vành số 6. Những con số đó hàm ý gì?
Những con số được sử dụng một cách ý thức ở thời cổ đại có mối liên hệ thống nhất nào với những con số được lặp lại ở các thời trung đại, cận đại, đương đại không? Chúng hoàn toàn có mối nhất quán chỉ trong không gian vùng đất Tổ, cái nôi của Kinh Dịch. Cứ nhìn trò chơi đánh đáo đá ở xã Báo Văn (Vĩnh Lạc) vào ngày hội mồng 6 tháng giêng âm lịch ta không thể không suy tư về con số 6 xuất hiện ở đây. “Tại sân đình người ta đào một cái hào, rồi lý trưởng đem 2 cái cọc cắm xuống hào, đầu cọc cao hơn bờ khoảng 20cm. Làng chuẩn gị sẵn 12 hòn đá tròn và dẹt như đồng tiền để bên hào.
Hàng năm đều có sáu cụ từ 50 tuổi trở lên không cứ chức dịch hay bạch đinh miễn là đông con cháu và không có tang được cử ra ném đá để chọn người chủ tế”
Mỗi lần ném đá là hai người, mỗi người được ném 6 hòn đá vào cái cọc trước mặt, cụ nào ném đúng giữa thân cọc vào dưới tờ giấy điều sẽ được làm chủ tế (những tư liệu về lễ hội trong bài này đều trích từ sách Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng của Ngô văn Phú, NXB Hội nhà Văn, tr 127)
Làng Phú Phong xã Cao Xá (Phong Châu) mở hội vật lệ có bốn giáp dự, có sáu cặp vật (tr 132)
Hội chọi trâu ở một số làng (tỉnh Vĩnh Phú) thường có tám cặp, chọi trâu cả ba tuổi, cứ ba năm có hai hội chính và một hội phụ (tr 124)
Tục đánh quân ở làng Tuân Lộ và Phù Chính (Vĩnh Lạc) kéo dài suốt sáu ngày (tr 140)
Hội tế trận ở xã Khai Quang (Vĩnh Yên) mở vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Các giáp thôn Mậu Lâm cử sáu trai đinh cởi trần đóng khố đứng trước thượng cung từ chập tối cho tới gà gáy sáng…( khi lễ) mỗi con lợn được cắt lấy tám miếng vuông ở hai bên sườn, mỗi miếng bằng bàn tay, sau khi cạo sạch lông được xiên nướng để múa dâng lên bàn thờ (tr 176)
Hát Xoan tiết mục văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ thịnh hành ở khu vực ngã ba sông Hồng, sông Lô, sông Đà, có từ thời Hùng Vương. Đội Xoan thường có sáu nam mười hai nữ (tr 396)
Cứ 36 năm dân xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) lại mở hội ca múa gọi là hội hát Dô, để ghi nhớ công ơn Đức Thánh Tản đã dạy dân làm ruộng và ca hát ( tr 99)
Muốn xác định bản chất đích thực của những con số này ta cần liên tưởng chúng với những con số của Dịch.
Có 3 loại Dịch: Hà Đồ, Lạc Thư và Dịch Đồ.
Hà Đồ , Lạc Thư đi từ số đến tượng. Dịch đồ đi từ tượng về số.
Hà Đồ là tượng những con số từ 1 đến 10 có tổng số 55.
Lạc Thư là tượng những con số từ 1 đến 9 nên có tổng số là 45.
Cộng tổng của Hà Đồ và Lạc Thư sẽ được toàn số 100. Âu Cơ đẻ ra 100 trứng là lấy nghĩa từ toàn số này để nói lên ý nghĩa đoàn kết, các dân tộc trên cùng lãnh thổ đều đều là anh em một nhà, cùng là đồng bào cả.
Dịch Đồ có tổng số từ 1 đến 8 là 36 do 8 quẻ đơn 3 vạch tạo thành. Quẻ kép có 6 vạch. Dịch từ Thái cực đi ra, Thái cực là 1, sinh lưỡng nghi là 2, lưỡng nghi sinh Tứ tượng là 4, Tứ Tượng sinh Bát Quái là 8. Trong bài “Trung thiên đồ với truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ” tôi đã chứng minh truyền thuyết này là mã hóa của Trung Thiên Đồ, thế nên khi Lạc Long Quân chia tay với Âu Cơ mỗi người chia nhau 50 con nghĩa là chia hai Dịch Đồ, tổng số 36 chia 2 là 18, do đó 18 đời Hùng Vương có thể chỉ là tượng trưng cho con số 18 của Dịch Đồ để ám chỉ một thời đại đã sản sinh ra Dịch. Những con số này đã vượt thời gian tồn tại đến ngày nay chứng tỏ tâm thức của nhân dân vùng gốc Tổ còn tàng ẩn những kỷ niệm về Dịch.
Ta hãy theo Lê Ngọc Canh về Vạn Vĩ, một làng chài ven sông Hồng vùng Đan Phượng tham dự hội Đình trên sông , đang làm sống lại không khí lễ hội kỷ niệm sâu sắc của thời mở nước.
Đình được xây dựng trên chiếc thuyền rồng rộng lớn nhất vùng.
Thuyền đình được cấu tạo theo hình rồng bay, rồng phục. Thuyền dài 12m, rộng 5m, cao 3.5m. Thuyền chia thành 3 khoang:
Khoang 1 (phía đầu rồng) là Đình
Khoang 2 để đại bái
Khoang 3 để hương án
Đình gồm bốn cột gỗ, bốn xà lớn, bốn xà nhỏ tạo thành tám mái đình uốn cong, tầng mái đình trên nhỏ hơn mái dưới, tám mái đình phên ép lá cọ hoặc nứa khô và mái uốn cong. Cũng có trường hợp mái đình phên ép lá ở giữa uốn thành một mái, 4 phía là những tấm ván gỗ liên kết lại với nhau tạo thành 3 mặt cửa Đình (mặt tiền, hữu, tả). Đình được cắm cột buộc neo giữa dòng sông.
Sân đình là từ 3 đến 5 thuyền hoặc nhiều hơn liên kết ghép lại với nhau. Sân đình muốn rộng thì ghép nhiều thuyền, tạo thành sân lớn.
Khi mở hội làng chài thường có 21 đến 23 loại thuyền lớn để tạo thành không gian hội. Thường cứ ba thuyền ghép lại thành một can (1). Hội rước thường có khoảng 7 đến 8 can thuyền chính…Các thuyền đến dự hội đều (quay) thành vòng tròn giữa sông Hồng hướng vào các con thuyền mà thuyền đình là trung tâm (tr 111).
Đẹp biết bao, xúc động biết bao khi ta nhìn một Dịch Đồ bừng sáng trên sông Hồng, lung linh huyền ảo. Một can 3 thuyền phải chăng là một quẻ 3 vạch, 8 can thuyền phải chăng là 8 quẻ đơn?
Những can này xếp theo vòng tròn phải chăng là 8 quẻ đơn đang chu chuyển trên vòng Dịch? Tám can chầu về thuyền Đình phải chăng là Thái cực trung tâm? Một kỷ niệm, một huyền thoại, một tâm thức khôn nguôi nhớ về Dịch sáng tạo của Tổ Tiên.
Đã đến lúc chúng ta về Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây) nơi có đền thờ Lạc Long Quân. Bình Đà có hai ngôi đình đẹp: Đình Nội, Đình Ngoại. Lạc Long Quân được thờ ở Đình Nội, ta nhớ lại một quẻ của Dịch gồm có hai phần: quẻ Nội và quẻ Ngoại. Đặc biệt trong đình có một bức phù điêu hoành tráng dài 2,8m, rộng 2,2m, bố cục thành 5 tầng từ trên xuống. Nội dung bức phù điêu miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan đang xem hội đua thuyền, một hình thức hội truyền thống của người Việt cổ:
Tầng một miêu tả 18 thị nữ dâng hòm sớ.
Tầng hai miêu tả 20 vị quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn, tay cầm hốt.
Tầng ba miêu tả 16 quan võ, đội mũ tướng võ, tay cầm thanh long đao. Đầu tầng này có hình hổ.
Tầng Bốn miêu tả 6 người cưỡi ngựa, hai đầu có hình voi, tiếp đến một bên rồng, một bên ngựa, ở giữa có một tốp đàn ông đội mâm dang lễ hoa quả.
Tầng năm miêu tả 12 người chèo thuyền rồng, giữa 12 người có khắc hình đầu rồng .
Giữa tầng hai và tầng ba có khắc hình Lạc Long Quân khá lớn đang ngồi nhìn thẳng phía trước, đầu đội mũ bình thiên, mặc hoàng bào, đeo cân đai, đi hia, cầm hốt (tr. 373)
Những con số 6, 8, 12 là những con số chính thống của Dịch. Ở đây có một câu hỏi cần phải nêu ra, tại sao có đến 20 quan văn mà chỉ có 16 quan võ? Thường khi các quan hầu chầu bao giờ cũng có sự đối xứng, hai bên văn võ số người phải cân xứng nhau mà sao ở đây lại lệch. Độ chênh này do cố ý? Đúng thực nhà điêu khắc đã cố tình sắp xếp như thế. Vì sao? Dường như những con số quen thân 6, 8, 12 chưa đủ đưa người xem vào không khí của Dịch, tác giả đã không chia tổng số 36 làm 2 mà ngắt lệch để nhấn mạnh, để gợi mở, để bắt cái nhìn phải được đặt thành câu hỏi, để buộc người xem phải tự tính lấy 20 với 16 là bao nhiêu, khi tìm ra thành số 36 tự nhiên những con số vốn dĩ độc lập bỗng nhiên được kết dính vào nhau, hóa ra chúng cùng nằm trong một hệ thống : Dịch.
Những con số ở vùng đất Tổ, miền đất đã sản sinh ra Dịch không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên, tùy hứng, ngược lại chúng xuất hiện theo một cảm giác tâm linh bởi ý thức, bởi tiềm thức, bởi vô thức dù là có ý đồ, dù là theo tập tục, tất cả đều quy về một mối bảo tồn sinh lực Dịch cho đến một ngày ta vô tình tìm lại được di sản vô giá của tổ tiên Hùng Vươg: Kinh Dịch của người Việt Nam. Mọi sự đều nhất quán, sinh hoạt văn hóa ngày nay cũng là sinh hoạt văn hóa ngày xưa, quá khứ cũng là hiện tại, là Một. Từ lễ hội ngày nay trở về với lễ hội ngày xưa phản chiếu trên trống đồng ta cũng có thể nói nước Văn Lang là nước Dịch vì ở đâu trên con người, trên vật dụng, trong sinh hoạt thường ngày của người Văn Lang ta đều cảm thấy bàng bạc hơi thở của Dịch. Đó là Dịch Văn Lang.
Can là nối lại nhưng còn có thể đọc cách khác là Càn hay Kiền.