Cuộc sống quanh ta

Khái quát về lịch sử phát triển kinh tế thế giới: Những yếu tố kìm hãm và thúc đẩy phát triển

Ghi chú: Phụ lục 1 gồm các niên biểu về các sự kiện lịch sử quan trọng trên thế giới nhằm giúp độc giả dễ theo dõi bài viết. Phụ lục 2 gồm các thông tin chi tiết dùng để tính các bảng tổng hợp dùng trong bài. GDP (gross domestic product hay tổng thu nhập quốc nội) được gọi đơn giản là thu nhập nhằm đo tổng thu nhập tăng lên do họat động sản xuất trong nội bộ nền kinh tế. Số thống kê trong bài đã được làm tròn lại nên độc giả không nhất thiết tính lại được đúng các tỷ lệ hoặc tốc độ phát triển trình bày trong bài. Số thống kê trong bài cũng hơi khác thống kê từ nguồn trích dẫn vì tác giả có tính lại. 

 
Giới thiệu vấn đề
Tìm hiểu về phát triển kinh tế trong bối cảnh thay đổi của lịch sử tư tưởng, chính trị và công nghệ là điều không những thú vị mà còn giúp thấy được sự ảnh hưởng qua lại giữa điều kiện phát triển kinh tế và tư tưởng. Điều này cũng không có gì mới mẻ. Tuy nhiên từ năm 1960, sau hội nghị giữa National Bureau of Economic Research và The Economic History Association ở Mỹ, việc phát triển và ứng dụng lý thuyết kinh tế và phương pháp lượng học vào nghiên cứu lịch sử được đặt ra. Chính điều này đã dẫn Douglas C. North,[1] giải nobel kinh tế năm 1993, người tự coi là bị chủ nghĩa Marx ảnh hưởng, đã đi đến kết luận là lý thuyết kinh tế tân cổ điển không thôi không giải thích nổi lý do tại sao nhiều nền kinh tế tiếp tục đình đốn hoặc không phát triển được trong một thời gian lâu dài. Phải tìm đến vai trò của tư tưởng, ý thức hệ, thói quen suy nghĩ đối với việc tồn tại lâu dài của một thể chế không hữu hiệu. Sự kết hợp giữa nghiên cứu thể chế, tư tưởng và kinh tế đòi hỏi sự lượng hoá kinh tế.
Lượng hoá lịch sử phát triển kinh tế qua một hệ thống số liệu nhất quán giúp ta cụ thể hoá việc so sánh quá trình phát triển giữa các nước và các khối nước. Lượng hoá đòi hỏi phỏng đoán. Làm sao ta biết được người sống vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên thời nhà Hán ở Trung Quốc có thu nhập là bao nhiêu? Angus Maddison dựa vào con số $400 trên đầu người một năm tính theo giá $US của năm 1990 là con số tối thiểu để có được một đời sống tối thiểu chẳng hạn như có nhà lợp rạ, có ăn đủ để làm tồn tại và duy trì cùng một số dân sống trong cùng một khu vực và một nhà nước trung ương. Với dân số được biết vào thời đó, qua điều tra dân số của triều đại Hán, ta có thể ước tính số thặng dư mà triều đại nhà Hán cần thu thuế để nuôi nổi vua quan và số binh lính lúc đó. Những con số ước lượng đầu tiên có thể nói đại khái như thế.
Tuy nhiên, lượng hoá không phải chỉ dựa vào phỏng đoán. Việc tính thu nhập đã bắt đầu từ cách đây 300 năm. Vào cuối thế kỷ 17 (1696), Gregory King của Anh đã tính thu nhập của Anh dùng thông tin về nguồn thu, chi tiêu, và sản xuất. Ông ta cũng tính thu nhập cho Pháp và Hoà Lan để tính khả năng thu thuế, để dành và nguồn tài chính cho chiến tranh. Trong thế kỷ 18 và 19, nhiều người đã cố gắng tính thu nhập nhằm so sánh kinh tế các nước. Michael Muhal (1896) đã tính GDP cho 18 nước. Vào năm 1940, Colin Clark tính cho 30 nước. Đến năm 1934, Simon Kuznets tính số liệu GDP chính thức cho nước Mỹ. Ở Anh số liệu chính thức do James Meade và Richard Stone tính. Đến năm 1944 các nhà thống kê học của Anh, Mỹ và Canada họp về hệ thống hoá các ý niệm và phương pháp tính. Năm 1954, Hệ thống Tài khoản Quốc gia của Liên Hợp Quốc chính thức ra đời nhằm tạo ra chuẩn mực quốc tế. Chuẩn mực này được sửa đổi năm 1968 và một lần nữa vào năm 1993. Có thể nói linh hồn của hệ thống này là Richard Stone, người được giải thưởng Nobel về kinh tế.
Từ lúc có chuẩn mực tính toán, rất nhiều các nhà kinh tế và thống kê các nước đã ngược dòng lịch sử tính tóan cho quá khứ, sử dụng số liệu chính thức cũng như các tiêu chí trong sản xuất, các dấu hiệu quan trọng được lượng hoá dù chỉ sơ sài nhưng cho phép phỏng đoán so sánh nhằm hoàn thành việc tính ngược dòng lịch sử này. Việc khai thác tài liệu lịch sử, nhất là dân số và kỳ vọng tuổi thọ bình quân (coi bảng 2), giúp rất nhiều trong việc tính toán này. Nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển cao, đã tính ngược lại với tài liệu và các con số đáng tin cậy đến năm 1800.
Các nước đang phát triển cũng đang đi vào quá trình tính toán này. Ở Á châu thời gian qua, Nhật Bản đã tài trợ dự án Asian Historical Statistics (Thống kê Lịch sử Á châu) của Viện Nghiên Cứu Kinh Tế thuộc Đại học Hitotsubashi kéo dài nhiều năm và chấm dứt vào năm 2000. Trong dự án này ngoài phần tính lại GDP và các thông tin kinh tế khác cho Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Nam Bắc Hàn, còn có Việt Nam [2]. Tài liệu này cũng đã được Angus Maddison sử dụng.
Maddison có thể nói là người độc nhất đã từ hơn 30 năm nay bỏ công khai thác toàn bộ những công trình tính toán GDP ngược dòng lịch sử này để viết nên lịch sử kinh tế thế giới qua số liệu này. Bài viết này là nhằm tóm tắt và khai thác thêm vấn đề mà số liệu mang lại của hai công trình của Maddison: Monitoring the World Economy 1820-1992 (1995) và The World Economy: A Millennial Perspective (2001). [3]               
Để so sánh mức sống giữa các nước qua không gian và thời gian, số liệu về GDP bằng đồng tiền các nước được tính theo cùng một giá dựa vào sức mua so sánh (purchasing power parity).[4] Nói đơn giản là với $181 một năm theo hối suất chính thức năm 1990, một người Việt Nam sẽ có sức mua trên thị trường Mỹ những hàng hoá và dịch vụ với cùng một chất lượng như ở Việt Nam tương đương $1041 theo sức mua so sánh (PPP). Như vậy vào năm 1990, người Mỹ có GDP trung bình là $22.500 thì người Mỹ trung bình có mức sống cao hơn người Việt trung bình 20 lần chứ không phải 212 lần. Về mức sống qua thời gian, có thể nói người có thu nhập $600 năm 1000 có mức sống cao hơn người có thu nhập $400 năm 0 là 50% vì mức thu nhập đo bằng cùng một giá.
Những kết luận cơ bản về phát triển kinh tế
thời kỳ trước công nguyên
 
Trước khi sử dụng số liệu của Maddison để phân tích lịch sử từ sau công nguyên, có lẽ cũng cần tóm tắt sơ lược quá trình phát triển kinh tế thời hoang sơ của các dân tộc và thời cổ đại Hy Lạp để hiểu thêm về lịch sử phát triển sau công nguyên.
1. Những vùng mở đầu phát triển là sự đãi ngộ tình cờ của thiên
         nhiên
Tại sao có khu vực phát triển và có khu vực vẫn tiếp tục sống đời hoang sơ cho đến khi bị dân tộc có đời sống cao hơn chiếm đóng? Phải chăng dân tộc những vùng này kém thông minh hơn? Jared Diamond là một giáo sư về sinh lý học (physiology) đã kiếm cách trả lời trong quyển sách gây nhiều chú ý và được giải thưởng Pulitzer năm 1998 [5]. Câu trả lời có ý nghĩa lớn trong việc hiểu biết về lịch sử phát triển kinh tế của loài người.
Loài người chỉ sinh sôi nảy nở và phát triển khi nông nghiệp phát triển, nhờ đó có thể định cư định canh thay vì làm người săn bắn lang thang từ vùng này sang vùng khác. Và có thặng dư lương thực mới tạo cơ hội cho sự ra đời của vua chúa, quân đội. Nông nghiệp phát triển trước tiên từ ít nhất 12.000 năm trước ở vùng lưỡi liềm mầu mỡ (fertile crescent) hay còn gọi là khu vực Lưỡng Hà, hiện nay bao trùm Iraq, Iran và Syria. Đây là khu vực có nhiều giống cây và loài vật hoang sơ có thể thuần hoá như lúa mì, lúa mạch, đậu Hà Lan, đậu lăng... và bò, cừu, dê, heo, và ngựa. So với vùng mầu mỡ này, Úc châu không có loại cây cỏ hoặc động vật nào có thể thuần hoá, ngoài trừ hạt macadamia. Thặng dư và nền văn minh không thể phát triển từ hạt macadamia, do đó thổ dân Úc châu tiếp tục đời sống săn bắn cho đến khi người Tây phương đặt chân tới. Văn minh Lưỡng Hà từ vùng lưỡi liềm mầu mỡ đã từ từ phát triển dần sang các vùng khác. Văn minh ở các vùng khác của châu Á cũng phát triển tương tự vì thiên nhiên cung ứng những giống cây và loài vật có thể thuần hoá. Theo Diamond, trong 56 loài cây thân cỏ có hạt thì 32 là ở châu Á (kể cả vùng Lưỡng Hà), 11 loài ở châu Mỹ và chỉ có 4 loài hiện diện ở Nam châu Phi, trong đó thiếu loài giống cỏ sinh sôi nhanh và cho nhiều hạt như là lúa mì, lúa mạch và lúa gạo.
Người châu Á đã vượt eo biển Bering qua vùng đất mới Mỹ châu, vươn tới thành lập các vương quốc như Incas. Năm 1531, Francisco Pizarro với 169 lính Tây Ban Nha, không được ai hỗ trợ, đã tiêu diệt đội quân 80.000 người của hoàng đế Atathuallpa, người cầm đầu một đế quốc hùng mạnh ở Peru, chỉ vì lính Tây Ban Nha tấn công bằng ngựa nhảy chồm tới và quân Incas không biết cách đối phó với ngựa và súng (lần đầu tiên nhìn thấy). Chỉ một thời gian ngắn sau, 95% dân bản địa Nam và Bắc Mỹ bị tiêu diệt vì vi trùng bệnh đậu mùa và bệnh sởi do lính Tây Ban Nha mang đến từ châu Âu ; đây là những loại vi trùng truyền sang người từ thú vật được thuần hoá mà người châu Âu đã có kháng thể phát sinh trong người sau các trận đại dịch trước đây. Thiếu những con vật có khả năng kéo xe cho nên Mỹ châu cũng không tạo ra được các phương tiện giao thông hữu hiệu mặc dù phát minh ra bánh xe. Vùng Sub-Sahara và Nam châu Phi cũng thế, không có con vật và cây cỏ nào có thể thuần hoá do đó đời sống con người chỉ có thể dựa vào hái lượm và săn bắn. Văn minh các vùng khác không thể tràn xuống dễ dàng vì sự ngăn cách của sa mạc Sahara.
2. Tư tưởng và khoa học không phải là sự phát triển tình cờ, ngay từ thời cổ đại đã có một sự tương tác lớn giữa phát triển kinh tế và phát triển tư tưởng dân chủ, tự do kinh doanh và khoa học, thậm chí có thể nói, phát triển kinh tế đã tạo tiền đề cho phát triển tư tưởng và tinh thần khoa học chứ không phải ngược lại. 
Athens của Hy Lạp thời cổ đại tình cờ ở vào gần vùng phát triển đầu tiên của nhân lọai là vùng Lưỡng Hà, và lại sát biển nên trở thành trung tâm thương mại của khu vực, do đó kinh tế phát triển, dân Athens có đời sống rất cao. Chính đời sống kinh tế cao đã tạo cơ hội cho người dân tự do (không phải là nô lệ) ở đây có đời sống kinh tế độc lập, cho phép tự do suy nghĩ và do đó đưa đến đòi hỏi và sự phát triển về quyền tự do, tư tưởng dân chủ, cũng như những câu hỏi triết học về vũ trụ và cuối cùng khoa học, điển hình nhất là tư tưởng của Socrates, Plato, và đặc biệt là Aristotle, người đặt nền móng cho khoa học về nhiều ngành khác nhau bằng cách dùng phương pháp qui nạp, qua quan sát, xếp loại, lý luận và tổng hợp. Tư tưởng khoa học của Aristotle phổ biến từ 500 năm trước công nguyên đã bị đế quốc La Mã xoá sạch cho đến tận thế kỷ thứ 13 mới được tìm lại. Những kết luận này đã được phân tích trước đây trong một bài khác [6].
    
Những kết luận cơ bản về phát triển kinh tế thế giới
sau công nguyên
Ngoại trừ Úc châu và vùng Sub-Sahara và Nam châu Phi, là những vùng được ánh sáng văn minh đem đến muộn, các vùng khác trên trái đất đều nhanh chóng tiếp thu phát triển của nông nghiệp, xây dựng đế quốc. Nhưng tại sao có vùng phát triển cao có vùng phát triển thấp? Câu trả lời chỉ có thể tìm trong phân tích thể chế xã hội ; có loại tạo ra động lực phát triển và có loại đã ngăn cản sự phát triển hoặc ngăn cản sự tiếp thu nhanh chóng phát triển.
3. Thế giới không mấy khác nhau về kinh tế trong 1000 năm sau công nguyên trừ vùng châu Úc và Nam châu Phi.
Các nước hiện nay được coi là đang phát triển, vào năm 0 [7] có số dân bằng 87% dân số thế giới và làm ra 88% GDP thế giới; các nước hiện nay được xếp vào phát triển cao, vào năm 0 có số dân bằng 13% dân số thế giới và làm ra 12% GDP thế giới. Sự khác biệt về thu nhập này không đáng kể. Đây cũng là thời kỳ mở mang nhanh chóng của Thiên chúa giáo khi Hoàng đế La Mã chính thức công nhận giáo hội vào năm 313 và đến năm 378 ra luật công nhận vai trò cao hơn của giám mục (bishop) ở Rome so với giám mục các nơi khác, mở đầu cho vai trò của giáo hoàng. Đế quốc này gồm 20 triệu người ở Tây Âu, 20 triệu ở Tây Á và 8 triệu ở Bắc phi. Năm 476, đế quốc La Mã suy tàn, rồi tan rã do chủ yếu sống xa xỉ, và bằng bóc lột các thuộc địa. Kinh tế Tây Âu giảm. Thu nhập trên đầu người giảm từ $450 xuống $400. $400 là mức tối thiểu để bảo tồn dân số, $450 là mức có dư để nuôi dưỡng giai cấp thống trị. Ở Tây Âu, dân thành thị giảm từ 5% dân số đầu công nguyên xuống 0% năm 1000. Thời kỳ này gọi là thời kỳ đen tối. Ngược lại với Tây Âu, kinh tế Trung Quốc thời kỳ này ít nhất dẫm chân tại chỗ. Có thể nói, trong 1000 năm sau công nguyên, kinh tế thế giới gần như không có tăng trưởng. Thu nhập trên đầu người chỉ đủ ăn để tự bảo tồn nòi giống. Dân số tăng không đáng kể, trừ những vùng có thiên nhiên ưu đãi cho phép tăng dân số ở mức độ rất thấp. Trong một ngàn năm dân số thế giới tăng từ 129 lên 143 triệu người. (Coi bảng 1 và Phụ lục 2).
Bảng 1. Chỉ tiêu cơ bản về tỷ trọng dân số, GDP và GDP
bình quân đầu người

 
0
1000
1500
1820
1950
1998
Tỷ trọng trong dân số của các nhóm nước trên thế giới
Đang phát triển hiện nay
 
0,87
 
0,87
 
0,83
 
0,83
 
0,78
 
0,86
Phát triển cao hiện nay
 
0,13
 
0,13
 
0,17
 
0,17
 
0,22
 
0,14
Tỷ trọng trong GDP của các nhóm nước trên thế giới
Đang phát triển hiện nay
 
0,88
 
0,88
 
0,78
 
0,71
 
0,40
 
0,47
Phát triển cao hiện nay
 
0,12
 
0,12
 
0,22
 
0,29
 
0,60
 
0,53
GDP bình quân đầu người của các nhóm nước trên thế giới
(giá 1990, PPP)
Đang phát triển hiện nay
 
444
 
440
 
535
 
573
 
1.091
 
3.102
Phát triển cao hiện nay
 
442
 
405
 
701
 
1.130
 
5.664
 
21.503

Nguồn: Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective
 Đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất, châu Âu hoàn toàn nằm trong ảnh hưởng toàn trị của thiên chúa giáo, một thời kỳ đen tối về phát triển. Năm 800 đánh dấu sự toàn thống của thiên chúa giáo đối với lãnh đạo chính trị bằng việc giáo hoàng Leo III đăng quang cho vua Charlemagne của người Franks (thuộc nước Pháp hiện nay). Cuối thiên niên này và đầu thiên niên kỷ tới giáo hoàng, trước đây chỉ là giám mục của Rome, tương đương với các giám mục nơi khác, chính thức tự coi mình là người đứng trên vua chúa, có quyền cách chức hoàng đế, có quyền bổ nhiệm và cách chức hàng giáo phẩm và tự tuyên bố là không thể sai lầm [8]. Sự toàn thống đã tạo ra những giáo hoàng mua bán chức tước và một số hoang dâm vô độ.  
4. Công giáo toàn thống ở châu Âu vào thời kỳ 1000-1500, tư tưởng khoa học không thể phát triển do đó phát triển kinh tế cũng chỉ chừng mực. 
Thời kỳ này vẫn tiếp tục là thời kỳ đỉnh cao của sự toàn thống thiên chúa giáo ở châu Âu, giáo hoàng tự giao cho mình quyền bá chủ thế giới để truyền đạo chúa và do đó liên miên có các cuộc thánh chiến chống Hồi giáo, bắt đầu từ năm 1096 và chấm dứt vào năm 1291 [9]. Rồi sau đó là cuộc chiến 100 năm giữa Anh và Pháp. Tuy nhiên thời kỳ này có sự thống nhất nhất định ở châu Âu và vai trò của giáo hội La Mã đã đưa châu Âu khỏi thời kỳ đen tối, loạn đả của các giống dân “man di” trước đó, nâng cao dần vai trò của lãnh chúa để họ đi dần tới việc lập quốc. Trong thế kỷ 13, giáo hội công giáo Rome đã ra những quyết định sau: (a) cưới xin phải làm lễ trong nhà thờ, (b) ly dị phải được giáo hội cho phép, (c) tu sĩ không được lập gia đình [10] hay buôn bán, (d) người có đạo mỗi năm phải xưng tội một lần, (e) người Do thái phải đeo băng vàng để phân biệt. Giáo lý thiên chúa giáo coi buôn bán, lợi nhuận và kinh tế tiền tệ là ma qủi [11].
Tuy vậy cao điểm của sự toàn thống công giáo cũng có dấu hiệu đi xuống của nó. Dấu hiệu thứ nhất là việc tìm lại được tư tưởng khoa học của Aristotle. Vào thế kỷ năm 1100, các lãnh chúa giầu có hơn, do đó số dân biết đọc tăng ; họ tìm trở lại sách vở thời Hy Lạp từ thế giới Hồi giáo. Giáo hội Công giáo từ năm 1200 phải thành lập các trường đại học ở Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Đức dạy bằng ngôn ngữ Latin nhằm chống lại tà đạo. Tuy nhiên, tiếng Latin đã mở ra giao lưu tư tưởng giữa các nước nói tiếng khác nhau, qua đó ngôn ngữ địa phương phát triển. Qua đại học mà tư tưởng của Aristotle của thời Hy Lạp cổ đại, người đặt nền móng cho khoa học hiện đại, có cơ hội phát triển. Lúc đầu, tư tưởng Aristotle bị giáo hoàng cấm đoán vì bị cho là đi ngược với niềm tin tôn giáo. Thomas Aquinas, người muốn kết hợp tư tưởng này với giáo lý công giáo, cho rằng có thể dùng lý luận để chứng minh sự hiện diện của thượng đế, bị giám mục Paris năm 1277 tuyên bố là tư tưởng tà đạo. Mãi sau này, tư tưởng Aristotle mới được chấp nhận và Aquinas được phong thánh năm 1323. Tuy nhiên tư tưởng phản khoa học của Thiên chúa giáo còn kéo dài mãi đến 1633 khi Galileo bị giáo hoàng áp lực tuyên bố từ bỏ niềm tin mà trước đây, qua quan sát bằng kính thiên văn, ông đã chứng minh là đúng lý thuyết của Copernicus cho rằng trái đất xoay xung quanh mặt trời. Đây chỉ là hành động tuyệt vọng cuối cùng trong một thế giới ngày càng tin vào cứu cánh của lý trí và khoa học.
Dấu hiệu đi xuống thứ hai của giáo hội xảy ra ở Anh. Năm 1215, vua nước Anh phải ký một tài liệu có tên là Magna Carta nhằm bảo đảm là giới quí tộc không bị tù tội hoặc bị tước hữu nếu không qua cuộc xử của hội thẩm gồm những người địa vị giống nhau, nhằm tránh lạm quyền của nhà vua. Giáo hoàng Innocent III phản đối và cho rằng quyền phải thuộc về người có quyền, giáo quyền thuộc về toà án giáo lý, từ đó mở đầu cho những cuộc truy lùng dị giáo (inquisition) của giáo hội Công giáo. Cuối thế kỷ 13, do cuộc chiến tranh giữa vua Anh Edward I và vua Pháp Philip IV, Pháp đòi hỏi giáo hội cũng phải đóng thuế chiến tranh ; giáo hoàng Boniface VII phản đối thì bị vua Pháp sai quân đến Ý bắt. Điều này đánh dấu một lần nữa là vai trò của giáo hội đi xuống và vai trò của nhà nước đi lên. Sự mất quyền của giáo hoàng ở Anh cũng là lý do nước Anh là nước đầu tiên ở Âu châu từ bỏ giáo hội Công giáo, hạn chế quyền của vua chúa và đặt tiền đề cho cuộc cách mạng công nghệ vào thế kỷ 18 (1750-1850).
Maddison cho rằng thời kỳ này (1000-1500) châu Âu không phải là thời kỳ đen tối như các nhà viết sử đã viết trước đây (coi bảng 1 và Phụ lục 1). Kinh tế đã có sự phát triển nhất định do sự phát triển của thương mại mà giáo hội Công giáo không khuyến khích nhưng cũng không ra lệnh ngăn cấm. Thời kỳ này các nhà buôn xin được lập phố chợ để buôn bán được vua chúa đồng ý bảo vệ an ninh vì qua đó họ được hưởng lợi thu thuế. Nhà cửa của quí tộc đã được xây bằng đá thay vì bằng gỗ. Từ đầu thế kỷ 12 đến năm 1500, Venice đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngoại thương ở Âu châu, mở mang buôn bán đến tận Trung Quốc, và đem về kỹ thuật và sách vở từ châu Á và thế giới Ả Rập. Sự phát triển của châu Âu thời kỳ này là dựa vào kỹ thuật du nhập từ châu Á và Ả Rập, đó là kỹ thuật làm giấy, dệt lụa và dệt vải bông bằng khung cửi, làm thủy tinh, trồng lúa, sản xuất đường. Kỹ thuật có tính thủ công như guồng bánh xe nước rồi sau đó là cối xay gió ra đời giúp tăng năng suất sản xuất. Kỹ thuật in được khám phá. Các nguyên tắc cơ bản về ngân hàng, kế toán, ngoại giao phát triển nhằm phục vụ ngoại thương. Vào cuối thế kỷ 15, tầu biển Bồ Đào Nha có thể vượt đại dương xa. Họ đi vòng tới châu Á qua mũi châu Phi, khám phá ra là thế giới tròn, khám phá ra châu Mỹ vào năm 1492.
 
Bảng 2. Tuổi thọ trung bình của dân thế giới 1000-1999 (năm)
 

 
1000
1820
1900
1950
1999
Đang phát triển hiện nay
 
24
 
24
 
26
 
44
 
64
Phát triển cao hiện nay
 
24
 
36
 
46
 
66
 
78

Nguồn: Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective
Trong suốt thời gian này, tuổi thọ trung bình của con người ở châu Âu vẫn không quá 24 năm, và đến mãi năm 1820, cũng chỉ đạt được 26 năm. Con người bị đe doạ thường xuyên bởi bệnh tật, dịch tả, dịch hạch, và mất mùa xảy ra thường xuyên từng 7-9 năm một lần. Tuy nhiên kinh tế có tăng trưởng do vai trò của thương nghiệp ở thành phố và ảnh hưởng của nó trên sản xuất. Tây Âu vào đầu thế kỷ 16 đã được thành thị hoá nhiều hơn Trung Quốc. Đất canh tác cũng có tăng cho phép dân số tăng. Tuy vậy thặng dư chủ yếu nhằm chi tiêu xa xỉ, cạnh tranh xây dựng nhà thờ gothic. Số liệu cho thấy cho đến năm 1500, hơn 6 3% dân số sống ở thành thị ở Tây Âu (coi bảng 3). Thời gian này GDP trên đầu người ở Tây Âu tăng hàng năm 0,13% so với 0,1% của thời kỳ 0-1000, tức là chưa bằng 1/10 của thời kỳ hiện đại (1820-1998). Năm 1500, thu nhập đầu người ở Tây Âu là $770 cao hơn khá nhiều so với $600 Trung Quốc.
Bảng 3. Dân ở thành thị có dân số trên 10.000

 
Nhật
Trung Quốc
Tây Âu
1000
 
3,0
0,0
1500
2,9
3,8
6,1
1820
12,3
3,8
12,3
1890
16,0
4,4
31,0

Nguồn: Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective
5. Khổng giáo và Hồi giáo toàn trị về tư tưởng trong suốt thời kỳ 1000-1500 ở các nước châu Á và khu vực Ả Rập do đó đã không tạo cơ hội cho việc phát triển khoa học và tự do kinh doanh cơ sở của phát triển kinh tế.
Trung Quốc
Nghiên cứu của Rozman (1973)[12] cho thấy là tỷ lệ thị dân ở Trung Quốc không thay đổi là bao cho tới cuối thế kỷ 19 khi so với thời nhà Đường (Coi bảng 3). Trong khi đó Tây Âu vào cuối thế kỷ 19 đã được đô thị hoá ở mức cao. Từ thế kỷ thứ 1 thời nhà Hán đến cuối thế kỷ thứ 10, thu nhập trên đầu người của dân Trung Quốc gần như không đổi và chỉ vừa đủ để tồn tại ở mức $450 một năm. Sự thay đổi lớn nhất ở Trung Quốc là sự phát triển trồng lúa nước ở miền Nam sông Dương Tử vào đầu thế kỷ thứ 10 đời nhà Tống (960-1280), do vua quan nhà Tống đề xuất bằng cách du nhập kỹ thuật và giống lúa chín nhanh từ Đông Dương (chắc là từ Chiêm Thành vì lúa chiêm cũng từ đó mà ra). Nhà Tống chọn giống lúa và cho in sách hướng dẫn canh tác. Trước đó, phần lớn miền Nam Trung Quốc chưa phát triển, còn sử dụng phương pháp du canh, chặt cây đốt rừng để làm nông nghiệp [13]. Việc trồng lúa đã làm thay đổi bộ mặt Trung Quốc mà trước kia chỉ trồng lúa mì và hạt kê ; gạo trở nên lương thực lớn nhất, nghề buôn gạo từ miền Nam sang các vùng không có gạo làm phát triển thương nghiệp nói chung. Việc dùng tiền giấy cũng góp phần vào việc phát triển thương nghiệp. Thu nhập đầu người tăng gần 50% trong giai đoạn 1000-1500. (Coi số liệu về Trung Quốc ở Phụ lục 2). Điều này được phản ánh bằng sự di dân từ phiá Bắc Trung Quốc xuống phía Nam ; dân số tăng nhanh do thu nhập đầu người tăng. Các nước châu Á khác trừ Nhật được coi là có thu nhập tương tự như Trung Quốc. Tuy nhiên tư tưởng Khổng Tử đặt vai trò của hoàng đế làm trung tâm quyết định mọi thứ, kể cả độc quyền thương nghiệp, và tập trung ca tụng việc học làm quan, đánh giá thấp vai trò người buôn bán và kinh doanh đã không tạo cơ hội cho khoa học phát triển cũng như không tạo ra một tầng lớp người có tài sản lớn, độc lập với nhà nước và đòi hỏi quyền tự do kinh doanh và dân chủ như ở Âu Châu. Vào thời Nam Tống thế kỷ 13, do bị đẩy lùi xuống Hàng Châu ở miền Nam, Trung Quốc đã phải xây dựng thủy quân vào năm 1232 để bảo vệ đường giao thông trên sông Dương Tử, do đó mở màn cho thương mại trên biển. Thủy quân vẫn tiếp tục phát triển sau khi bị Mông cổ chiếm đóng, vào năm 1431-1433, thủy quân Trung Quốc lên tới 27.500 người. Tuy nhiên, đến đầu thời nhà Minh, 1500, Trung Quốc cấm cửa thương nghiệp. Thời thịnh vượng của Trung Quốc chấm dứt. Từ sau 1500, thu nhập đầu người ở Trung Quốc tăng chậm hẳn đi. 
Thế giới Hồi giáo
Ảnh hưởng của sự toàn trị Hồi giáo về tư tưởng đối với thế giới Hồi giáo có lẽ cũng không khác gì Công giáo La Mã. Thế giới này đến thế kỷ 17 đã bao trùm khu vực Ả Rập, Bắc Phi, Ấn Độ với đế quốc Mogul, Mã Lai và Indonesia. Ở những nước bị ảnh hưởng Ả rập, qúi tộc không có tính nối dõi do đó họ có khuynh hướng hưởng thụ xa xỉ. Tư tưởng Hồi giáo xuất phát từ cùng khu vực với Thiên chúa giáo và Do thái giáo, cùng tin vào Cựu ước, nên họ chia sẻ cùng nhiều tập tục và niềm tin, trong đó niềm tin độc thần và niềm tin là chỉ có những điều sứ giả mình, do thượng đế của mình báo mộng cho, nói là đúng ; tất cả những gì khác là sai ; tư tưởng độc lập và khoa học do đó không có đất đứng.     
6. Từ 1500 đến 1820, chiều hướng phát triển chuyển hướng rõ rệt từ châu Á sang châu Âu, bắt đầu bằng cuộc giải phóng tư tưởng khỏi hệ thống toàn trị của giáo hội Công giáo và mở màn cho khoa học và cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, để từ đó lan tràn ra khắp châu Âu và vùng đất mới ở Bắc Mỹ ; do tiếp tục với tư tưởng thủ cựu, chống mở cửa giao lưu, chống khoa học, vào đầu thế kỷ 18 hầu hết các nước châu Á, châu Phi rơi vào vòng đô hộ của các nước phương Tây.
Cuối thế kỷ 15, đời sống xa xỉ và bệnh hoạn [14] của nhiều chức sắc Công giáo La Mã và lệnh cấm dịch thánh kinh ra tiếng địa phương để bảo đảm độc quyền kiến thức đã đưa đến việc các chức sắc khác tự vấn lương tâm, lên tiếng phản đối, bất tuân lệnh giáo hoàng. Họ bị đuổi khỏi giáo hội và bị săn lùng do đó tạo ra các phong trào giáo phái thiên chúa giáo khác. Phong trào ly khai Công giáo làm vững mạnh thêm vai trò của các nhà nước độc lập ở Âu châu. Martin Luther (1483-1546) ở Đức mở đầu phong trào phê phán (protestants), lập ra giáo phái mà tiếng Việt hiện nay gọi là giáo phái Tin lành. Ở Anh, năm 1529 vua Henry VIII tự tuyên bố là người đứng đầu giáo hội Anh giáo sau khi không được giáo hoàng cho phép ly dị vợ để lấy người khác vì không có con. Vua Anh với sự ủng hộ của giới quí tộc muốn độc lập khỏi La Mã dám làm vì ảnh hưởng tư tưởng Luther và đồng thời muốn nhân cơ hội xác định là giáo hội phải phản ánh tính cách và phục vụ nhu cầu của một quốc gia. Sau Luther, người thứ hai tham gia vào con đường phê phán là John Calvin (1509-1564) ở Genève. Vào cuối thế kỷ 16, suốt 30 năm (1559-1589), chiến tranh tôn giáo liên miên xảy ra giữa người Công giáo và người theo các giáo phái thiên chúa chống Công giáo khác.
Phong trào phê phán Công giáo La Mã mở màn cho tư tưởng tự do, cho triết học trên cơ sở lý trí thay thế thần học trên cơ sở niềm tin, và quan trọng nhất là tự do kinh doanh và sự phát triển của tinh thần khoa học và khoa học. Đây là thời được mệnh danh là thời kỳ ánh sáng, vai trò của khoa học được biểu dương, thay thế chủ nghĩa thần học thiên chúa giáo. Vào thế kỷ thứ 17, lần lượt ra đời những xuất bản phẩm quan trọng đặt nền móng khoa học cho hầu hết các lãnh vực về sau này: năm 1605 Francis Bacon xuất bản Advancement of Learning, năm 1637, Descartes xuất bản Discours de la Méthode, năm 1640, Thomas Hobbes xuất bản Elements of Law, năm 1687, Newton xuất bản Philosophiae Naturalis Principia Mathematica, năm 1689 John Locke xuất bản On Civil Government, năm 1723 Adam Smith xuất bản Wealth of Nations. Sang thế kỷ 18 có các tên tuổi sau: năm 1734 Montesquieu xuất bản the Spririt of Laws, năm 1762, J.J. Rousseau xuất bản Du Contrat Social. Nói tóm lại, ba thế kỷ này đã đặt nền móng cho tư duy về tự do, dân chủ, nhà nước pháp quyền, tách rời thần quyền và thế quyền, quyền con người và xã hội dân sự, đặc biệt là tự do trong nghiên cứu khoa học và tự do kinh doanh, do đó mở màn cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 19 và 20. Thế kỷ 18 kết thúc vào năm 1776 bằng sự ra đời của một chính thể dân chủ cộng hoà đầu tiên trong thời đại mới ở Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử chính thể dân chủ ra đời ; trước nó đã có nền dân chủ Athen trong thời cổ đại. Marx kết thúc thế kỷ 19 bằng bộ tư bản luận (1867) phê phán chủ nghĩa tư bản.
Về mặt kinh tế, từ cuối thế kỷ 15 và nhất là từ đầu thế kỷ 16, hàng hải phát triển mạnh mẽ. Hàng hải Hoà Lan thay dần vai trò của Bồ. Sang thế kỷ 17, năm 1609 Hoà Lan đặt chân xuống New York và đến năm 1670 thì bá chủ về biển. Nghề in, xuất bản, lọc đường trắng trở nên phổ biến. 1696 là năm mà Gregory King lần đầu tiên tính toán về thu nhập quốc dân, cho rằng thuế trên đầu người của Anh và Pháp ngang nhau, nhưng cao gấp 2 lần rưỡi ở Hoà Lan. Đến cuối thế kỷ 18, do chi phí chiến tranh với Pháp và Anh, kinh tế Hoà Lan suy sụp. Tới năm 1651 trở đi, Hoà Lan bị Anh cấm không được buôn bán với thuộc địa của Anh và Pháp. 1720 Hoà Lan mất quyền bá chủ đường biển. Và đến năm 1820 sau chiến tranh Napoleon, Hà Lan mất hoàn toàn thuộc địa ở Á châu trừ Indonesia. Thay thế Hoà Lan là Anh (Coi bảng 4).
 
Bảng 4. Sức trọng tải tầu biển của các nước Tây Âu
 thời gian 1470-1824 (tấn)
 

 
1470
1570
1670
1780
1824
Hoà Lan
60.000
232.000
568.000
450.000
140.000
Đức
60.000
110.000
104.000
155.000
 
Anh
 
51.000
260.000
1.000.000
 
Pháp
 
80.000
80.000
700.000
 
Ý
 
 
250.000
546.000
 
Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bắc Âu
 
 
 
 
 
555.000
 
Mỹ
 
 
 
450.000
 

Nguồn: Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective
Nếu Pháp là nước có nhiều người thiên về lý luận thuần lý như Descartes, hoặc từ thuần lý đến cách mạng triệt để như Montesquieu, Rousseau...thì Anh là nước có tinh thần thực tế và chấp nhận đồng thuận, điển hình là tư tưởng của John Locke, đã chấp nhận nền quân chủ lập hiến kéo dài cho đến tận ngày nay (chế độ dân chủ nhưng chấp nhận vai trò làm vì hoặc rất hạn chế của nhà vua) thay vì dân chủ cộng hòa (người lãnh đạo cao nhất phải do dân bầu). Họ cũng tạo được những nhà khoa học thiên về thực nghiệm như Bacon, người quan niệm rằng mọi kiến thức đều bắt nguồn từ thế giới tự nhiên và từ đó đề xuất phương pháp qui nạp (inductive method) trong khoa học mà Aristotle đã quan niệm từ thời cổ đại Hy Lạp, hoặc như Newton người đặt nền móng cho vật lý học. Chính vì thế Anh là nước đạt được nền dân chủ một cách từ từ trong một quá trình kéo dài từ suốt thế kỷ 13 khi tài liệu Magna Carta về quyền xử có hội thẩm ra đời và do đó trở thành nước mở đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu.
Cuộc cách mạng công nghiệp thường được sử gia coi là xảy ra từ 1750 đến 1850, nhưng thật ra phải đến đầu thế kỷ 20, tức là năm 1903 khi chuyến bay đầu tiên thành công thì các khám phá cơ bản cuộc cách mạng công nghệ cũ này mới có thể coi là hoàn tất (Coi bảng 5). Cuộc cách mạng tiếp tục hoàn thiện cho đến lúc internet ra đời, đánh dấu một chặng đường mới về khoa học và kinh tế thông tin.
Bảng 5. Các cột mốc của cuộc cách mạng kỹ nghệ, lúc đầu hầu hết là từ Anh

1750-1830: Chuyển nước Anh từ một nước nông nghiệp, dân sống ở nông thôn sang một nước công nghiệp với đa số dân sống ở thành thị.
1740: Nhà máy dệt đầu tiên ra đời. Dân anh chuyển từ mặc áo nỉ sang quần áo vải sợi cotton do phát minh máy tỉa và làm sạch hạt bông (cotton gin) năm 1793 của Eli Whitney ở Mỹ. Năm 1784, máy dệt máy của Edmund Cartwright thay thế máy dệt tay.
1763: James Watt phát triển ý tưởng của Thomas Newcomen (1705) chế tạo thành công máy hơi nước. Tầu chạy bằng hơi nước ra đời năm 1770.
1770: Máy tiện sắt của Jesse Ramsden ra đời.
1830: Đường xe lửa ra đời ở Anh.
1855: Henry Bessemer sáng chế cách sản xuất thép rẻ tiền.
1860: Động cơ nổ (internal combustion engine) do Etienne Lenoir phát minh ở Pháp.
1871: Samuel F.B. Morse cho ra đời Telegraph, tạo ra một cuộc cách mạng về thông tin qua đại dương ở Mỹ. 1876 Điện thoại do Alexander G. Bell ra đời ở Mỹ.
1873: Michael Faraday phát minh ra máy phát điện. Năm 1890, Florence có xe điện đầu tiên.
1880: Thomas Edison phát minh ra bóng đèn điện và làm nhà máy điện thắp sáng đầu tiên ở New York, Mỹ với 2.323 Bóng điện vào năm 1882. Hai năm sau, số bóng đèn lên tới 11.272.
1903: Orville và Wilbur bay chuyến thành công đầu tiên.     

Hơn ba thế kỷ, từ 1500 đến 1820, đánh giá bước tiến dài trong sản xuất do những phát minh quan trọng như máy kéo sợi, máy dệt, máy hơi nước, thép, v.v. Máy móc phát minh trong cuộc cách mạng kỹ nghệ đã phát huy tác dụng rất lớn trong những thế kỷ sau đó sau khi Frederick Winslow Taylor ở Mỹ đưa ra phương pháp sản xuất dây chuyền vào năm 1894 nhằm tối ưu năng suất bằng cách phối hợp máy móc và lao động trong nhà máy sản xuất thép.

Năm 1820 đánh dấu kết quả ban đầu của cuộc cách mạng công nghệ, mặc dù chưa phải thần kỳ như sau này nhưng là điều chưa từng thấy. Vào năm 1500, Tây Âu có thu nhập đầu người cao hơn Trung Quốc khoảng 30%, nhưng đến năm 1820, họ cao gấp đôi Trung Quốc, còn Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đông dân thì dẫm chân tại chỗ. Đó không phải là kết quả của việc hai nước này bị Tây phương bóc lột mà là do tư tưởng bảo thủ siêu hình đè nặng (Hồi giáo ở Ấn Độ và Khổng giáo ở Trung Quốc) ; lý do là mãi đến 1840 mảnh đất đầu tiên của Trung Quốc là Hồng Kông mới bị Anh chiếm trong chiến tranh nha phiến và mãi đến đầu những năm 1800 Anh mới khởi sự chiếm đóng một phần Ấn Độ sau khi Công ty Đông Ấn (thành lập từ 1600 để buôn bán với Ấn Độ) thắng quân Ấn năm 1757 ở Plassey. Hai nước này đáng lẽ đã có đủ thời giờ trước đó để cải cách, nhưng điều này không xảy ra. Ít nhất trong 250 năm từ năm 1500 đến 1750 lúc khởi đầu của cách mạng công nghiệp, Tây Âu là một xã hội vận động đấu tranh đổi mới còn Trung Quốc là một xã hội tự mãn với lý thuyết mệnh trời của Khổng phu tử, giải giới đội thuyền viễn dương hùng hậu, đóng cửa với những gì xảy ra trên thế giới vào thời nhà Minh. Cuộc cách mạng kỹ nghệ nhanh chóng tràn sang vùng đất mới là Mỹ, nhưng với các vùng khác trên thế giới ảnh hưởng vẫn không đáng kể.  

7. 1820 đến 1950, tức là từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, là thời cao trào của chủ nghĩa đế quốc. Nó là kết quả của sức mạnh kinh tế mà cuộc cách mạng công nghệ đem lại cho Tây phương và những nước sẵn sàng thay đổi thể chế chính trị và xã hội nhằm mở cửa tiếp nhận sự tiến bộ của khoa học. Cách mạng công nghệ nhanh chóng lan từ Anh sang khắp Âu châu và Nam Mỹ kể cả Đông Âu và Liên Xô cũ. Châu Phi, các nước Ả Rập, và châu Á khác, trừ Nhật Bản, tiếp tục chìm đắm trong tinh thần bảo thủ và còn bị đè bẹp thêm bởi chủ nghĩa đế quốc và thực dân. 

Thế giới đã trải qua một cuộc đảo lộn ghê gớm từ sau năm 1800. Trung tâm phát triển chuyển hẳn từ châu Á sang châu Âu và tăng tốc phát triển sau năm 1820. Thu nhập đầu người của dân chúng Tây Âu chỉ tăng gần gấp đôi sau 320 năm từ 1500 đến 1820, thế mà cuộc cách mạng công nghiệp thần kỳ đã làm tăng thu nhập đầu người của họ hơn 14 lần trong chưa đầy 178 năm, từ 1820 đến 1998. Kết quả là các nước đang được xếp vào loại đang phát triển vào năm 1998 có tỷ lệ dân số tương tự như trước đây (86%) nhưng chỉ làm ra 47% GDP thế giới. Ngược lại các nước hiện đang xếp vào các nước phát triển vẫn chiếm khoảng 13% dân số như trước đây nhưng đã tăng tỷ trọng GDP từ 12% lên 53% GDP thế giới [15].

Không phải là lý do chính làm châu Phi và châu Á không phát triển, nhưng việc biến con người thành nô lệ của chủ nghĩa đế quốc và lại được biện minh bằng tôn giáo đã là vết nhơ của nhiều nền văn minh. Châu Phi là vùng bị ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc Ả Rập ngay từ sau công nguyên. Từ những năm 700 đến 1911, 14 triệu người Phi châu ở Bắc và Đông Phi đã bị người Ả Rập theo Hồi giáo bắt làm nô lệ và từ 1650-1900, 28 triệu người Phi châu ở trung và tây Phi bị người Tây phương bắt làm nô lệ [16]. So với số dân châu Phi vào năm 1820 là 74 triệu thì số bị bắt làm nô lệ này là một con số khổng lồ, đổ đồng cũng tới 112 ngàn người một năm. Chủ nghĩa đế quốc phương Tây chỉ ảnh hưởng đến các nước Nam Mỹ sau khi Columbus tìm ra Nam Mỹ vào năm 1492 và ảnh hưởng đến các nước Phi châu từ thế kỷ 17 trở đi. Cao điểm và có tính toàn cầu của chủ nghĩa đế quốc, đặc biệt là của Anh và Pháp là từ thế kỷ 18 và 19 [17]. 
Chủ nghĩa đế quốc bóc lột dã man các dân tộc, không những không tạo cơ hội mà còn làm thui chột sự phát triển ở rất nhiều thuộc địa nhưng khó có thể nói chủ nghĩa đế quốc của phương Tây là nguyên do đầu tiên tạo ra tình trạng chậm phát triển của tất cả các nước hiện nay được coi là chậm phát triển trên thế giới. Đối với một số nước, có thể nói ngược lại là khác. Ấn Độ dưới sự cai trị của đế quốc Mogul trước khi bị Anh chiếm, đặt nền tảng trên đạo Hồi độc thần tự coi tất cả mọi lời nói của tiên tri Muhammed là đúng, nhập vào một khối thần quyền và thế quyền, do đó không mở cho việc tiếp nhận tinh thần khoa học. Thể chế độc quyền của vua chúa ở Trung Quốc và Việt Nam được hệ tư tưởng Khổng giáo bảo kê, tự coi văn hóa và ý thức hệ sẵn có của mình là đỉnh cao, hòa lẫn ý thức hệ thần học mệnh trời với nguyên tắc và thể chế vận hành nhà nước đã cầm tù sự phát triển. Có thể nói chính yêu cầu chống chủ nghĩa đế quốc đã làm một số các nước bị đô hộ hoặc có khả năng bị đô hộ phải chấp nhận canh tân. Nhật là nước đầu tiên đi con đường này. Không thể nói giải phóng khỏi thần quyền và độc lập quốc gia tất yếu đưa đến phát triển vì phát triển còn dựa vào nhiều yếu tố nhất là chính sách kinh tế và ưu đãi của thiên nhiên nhưng chúng tạo tiền đề cho phát triển. Cũng không thể nói chủ nghĩa cai trị bằng thần quyền tất dẫn đến suy thoái hoặc chậm phát triển trong mọi trường hợp nhưng lịch sử cho thấy chủ nghĩa cai trị bằng thần quyền cản trở việc tiếp nhận khoa học và tinh thần khoa học không định kiến, cơ sở cho đổi mới xã hội.  
Lich sử kinh tế thế giới cho thấy phương pháp sản xuất luôn luôn là quá trình chuyển đổi. Chuyển biến từ nông nghiệp sang công nghiệp sẽ không dừng ở đó, kinh tế cuối thế kỷ hai mươi cho thấy kinh tế đang chuyển từ công nghiệp sang dịch vụ. Hiện nay dịch vụ chiếm trên 70% tỷ trọng GDP của nền kinh tế các nước phát triển cao (Coi bảng 6). Việc sản xuất hàng công nghiệp ngày càng mang tính chất của sản xuất nông nghiệp, tức là có thể làm đại trà, lao động sản xuất không cần chuyên môn cao và rất nhiều khâu có thể tự động hóa. Trong sản xuất, phần giá trị lớn nhất của hàng hóa bán ra không phải là chi phí sản xuất món hàng đó (ngày càng rất nhỏ, 10-40% tùy từng món hàng) mà là chi phí dịch vụ từ nghiên cứu về nhu cầu thị trường, thiết kế, tiếp thị, và lưu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu thụ.
Bảng 6. Thay đổi về cơ cấu kinh tế trong quá trình phát triển
của một số nước (Tỷ trọng theo phần trăm)
 

Năm
 
Hoà Lan
Anh
Mỹ
 
1700
Nông nghiệp
40
56
 
Công nghiệp
33
22
 
Dịch vụ
27
22
 
 
1820
Nông nghiệp
43
37
70
Công nghiệp
26
33
15
Dịch vụ
31
30
15
 
1890
Nông nghiệp
36
16
38
Công nghiệp
32
43
24
Dịch vụ
32
41
38
 
1998
Nông nghiệp
3
2
1
Công nghiệp
22
26
24
Dịch vụ
75
72
75

Nguồn: Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective
 Sơ lược về lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam từ sau công nguyên
Việc nghiên cứu lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam là điều còn đang đợi chờ trước mặt, tuy nhiên một số nghiên cứu về kinh tế ngược dòng đến đầu thế kỷ 19 (1800) đã ra đời. Phần này chỉ tóm tắt sơ lược, nhất là phần liên quan đến bài viết này. Tài liệu của dự án Asian Historical Statistics về kinh tế Việt Nam được hai nhóm kinh tế tính [18]: nhóm người Pháp phân tích để tính dân số và GDP đến 1880, còn nhóm Tổng cục Thống kê Việt Nam với sự chủ biên của anh Trần Văn Thọ thuộc Đại học Waseda ở Nhật tính lại GDP cho đến năm 1954. Nhóm Tổng cục kết hợp số liệu miền Nam đã được tính theo hệ thống Liên Hợp Quốc và số liệu miền Bắc tính theo phương pháp MPS của Liên Xô [19]. Dựa vào tính toán của nhóm chuyên gia này, tôi đã tính lại số liệu cho Việt Nam, chuyển đổi sang đồng $US theo hối suất và theo giá so sánh quốc tế của năm 1990 và cung cấp cho Maddison. Thu nhập trên đầu người của Việt Nam bằng đồng đô la theo hối suất thị trường năm 1990 là $181, được chuyển thành đồng đô la quốc tế với sức mua so sánh là $1041, cao hơn mức theo hối suất thị trường hơn 5,7 lần. Sức mua so sánh cho năm 1990 là dựa vào kết quả của việc Việt Nam hợp tác trong dự án quốc tế tính sức mua tương đương (purchasing power parity).
Số liệu trước năm 1880 về kinh tế, đặc biệt là thu nhập trên đầu người, có tính phỏng đoán dựa vào số liệu của Trung Quốc. Tuy vậy số liệu về dân số có độ tin cậy tương đối. Theo Tiền Hán Thư và Hậu Hán Thư, điều tra dân số của nhà Hán cho thấy là dân Việt Nam từ miền Bắc đến giải Hòanh Sơn vào năm 2 sau công nguyên (CN) là 981.735 người, gấp 2,5 lần số dân Quảng Đông và Quảng Tây cộng lại. Đến năm 140, đời Hậu Hán, số dân Việt Nam ước chừng là 1,2 triệu. Số dân như vậy tăng mỗi năm 0.02 của 1%, rất thấp nhưng đối với thời gian đó Tây Âu không tăng dân trong cả ngàn năm sau đó thì đây là tỷ lệ cao đó là vì có sự di dân của người Trung Quốc sang Việt Nam. Nhà Hán chủ trương là muốn giữ đất đai mới chiếm thì phải thực hiện chính sách đồn điền, dời tội nhân, dân nghèo người Hán xuống ở với người Việt, xâm chiếm và khai phá ruộng đất, lập đồn điền. Mã Viện sau khi đánh bại hai bà Trưng, lập ấp trại, để một số tướng và binh lính ở lại Giao Chỉ gọi là “Mã lưu dân.” [20]
Bảng 7. Dân số Việt Nam, Quảng, Đông Quảng Tây
thời đầu công nguyên

 
Tiền Hán thư,
2 trước CN
Hậu Hán thư,
140 sau CN
Tốc độ
tăng dân
Quảng Đông
Nam Hải
94.235
250.282
2.65
Hợp Phố
78.980
86.617
1.10
Quảng Tây
Uất Lâm
71.161
 
 
Thương Ngô
146.160
466.975
3.19
Tổng QĐ, QT
390.536
 
 
Việt Nam
Giao chỉ
746.237
 
 
Cửu Chân
166.013
209.894
1.26
Nhật Nam
69.485
100.676
1.45
Tổng VN
981.735
1.294.692*
 

Nguồn: Lịch sử Việt Nam – Tập I, trang 241 và The Birth of Vietnam,
Keith Weller Taylor, t. 55. *Tác giả ước dựa vào tăng dân ở Cửu Chân và Nhật Nam.
Vào năm 1800, Nam Kỳ là vựa lúa, người nước ngoài quan sát cho thấy đây là khu vực có tinh thần năng nổ kinh doanh, tiêu thụ lớn các hàng hoá xa xỉ nhập từ Trung Quốc, mức uống rượu cao, thích coi hát và đánh bạc. Lúc đó dân số có khoảng nửa triệu. Sài Gòn có khoảng 100,000 dân [21]. Dựa vào dân số theo người Pháp tính năm 1880 thì Việt Nam có 10 triệu (4 triệu ở Trung kỳ và 6 triệu ở Bắc kỳ). Còn con số dân miền Nam vào năm 1800 là 0,5 triệu. Tổng số dân Việt Nam thời gian 1800-1880 được ước tính tăng từ 4,5 triệu lên 11 triệu (tốc độ tăng ước đoán dựa vào tài liệu của Lê Thành Khôi) [22].
Dân số Việt Nam những năm 1800-1880 dựa vào các số liệu trên có thể suy ra như sau:
Bảng 8. Dân số Việt Nam, 1800-1880 (Triệu người)

 
1800
1820
1880
Miền Nam
0.50
0.61
1.1
Miền Trung
1.58
2.39
6.0
Miền Bắc
2.45
3.31
4.0
Tổng
4.53
6.30
11.10

Từ ước tính của hai đầu dân số là năm 140 sau công nguyên và năm 1800, các năm giữa được ước tính. Ngoài ra ước tính cũng điều chỉnh tính đến dân số Chàm, khoảng 200.000 vào đầu thế kỷ 12 [23]. GDP chỉ được ước tính lại đến năm 1800, các ước tính khác dựa chủ yếu vào ước tính thu nhập trên đầu người dựa trên Trung Quốc.

Bảng 9. Số liệu kinh tế cơ bản về Việt Nam
và vài nước ở châu Á, 0-1998

Năm
0
1000
1500
1820
1870
          Dân số                                    (Triệu người)
Nhật
 
 
 
31
34,4
Trung Quốc
59,6
59,0
103,0
381
358
Ấn độ
 
 
 
209
253
Indonesia
 
 
 
18
29
Thái Lan
 
 
 
5
6
Việt Nam
1,0
1,6
2,8
6,3
10,1
GDP trên đầu người                  $US (PPP 1990)
Nhật
400
425
500
669
737
Trung Quốc
450
450
600
600
530
Ấn độ
 
 
 
533
533
Indonesia
 
 
 
612
654
Thái Lan
 
 
 
 
707
Việt Nam
 
 
 
546
524

 

Năm
1913
1950
1973
1998
Dân số                                              (Triệu người)
Nhật
51,7
83,6
108,7
126,5
Trung Quốc
437
547
882
1.243
Ấn độ
304
359
580
975
Indonesia
50
79
124
204
Thái Lan
9
20
40
60
Việt Nam
18,6
25,3
45,7
76,2
GDP trên đầu người                  $US (PPP 1990)
Nhật
1.387
1.926
11.439
20.410
Trung Quốc
552
439
839
3.117
Ấn độ
673
619
853
1.746
Indonesia
904
840
1504
3070
Thái Lan
835
817
1.874
6.205
Việt Nam
754
658
836
1.677

Nguồn: Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective
Nói chung, Việt Nam vào năm 1870 có thu nhập đầu người không khác Trung Quốc và Ấn Độ, và thấp hơn một chút so với Indonesia và Thái Lan. Nhật và Thái Lan lúc đó cũng trong tình trạng tương tự. Nhưng do Nhật thay đổi chính sách, mở cửa cho thương mại và cải cách nội bộ, cho nên chỉ trong vòng 120 năm Nhật đã bắt kịp các nước phát triển cao nhất trên. Trung Quốc phải đợi đến cải cách đầu những năm 1980 và Việt Nam, bản sao của Trung Quốc về ý thức hệ và thể chế nhà nước từ sau công nguyên cho đến tận ngày nay, phải đến một thập kỷ sau đó và hiện nay vẫn còn hoang mang về con đường mình đi. Nhật và sau này là Nam Hàn đã đi theo con đường cải cách về thể chế mà không cần ngoái lại, thể chế quan trọng nhất là tách bạch giữa nhà nước và ý thức hệ, dù tôn giáo hay phi tôn giáo.   
Kết luận
Kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc vào năm 1945, hầu hết các nước lạc hậu về kinh tế đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của các nước theo chủ nghĩa đế quốc và thực dân. Chủ nghĩa đế quốc và thực dân không phải là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự chậm phát triển, nhưng là nguyên nhân quan trọng làm cản trở sự phát triển. Độc lập dân tộc đã mở ra cho họ quyền tự quyết về chính sách phát triển. Ta thấy bảng thống kê sau cho thấy tốc độ phát triển của các nước hiện đang phát triển từ năm 1950 đến nay (4,24% một năm) đã cao hơn các nước phát triển cao (3,67% một năm), và quan trọng là sự phát triển của Trung Quốc nhất là sau cải cách năm 1980. Thu nhập trên đầu người ở các nước đang phát triển cũng tiếp tục tăng ở mức cao hơn trước đây (2,2% một năm) mặc dù vẫn thấp hơn các nước phát triển cao (2,82% một năm). Đó là vì dân số tăng ở mức cao hơn trước (2% một năm so với trước đây là 1,72% một năm).
Bảng 10. Tốc độ phát triển hàng năm từ sau công nguyên về dân số, GDP và GDP trên đầu người (%)
 

 
0-1000
1000-1500
1500-1820
1820-1950
1950-1998
Tốc độ tăng GDP hàng năm của các nhóm nước trên thế giới
Đang phát triển hiện nay
0.01
0.13
0.29
3.09
4.24
Phát triển cao hiện nay
0.01
0.27
0.41
5.97
3.67
Tốc độ tăng dân số hàng năm của các nhóm nước trên thế giới
Đang phát triển hiện nay
0.01
0.09
0.27
1.72
2.00
Phát triển cao hiện nay
0.02
0.16
0.26
2.47
0.82
Tốc độ tăng GDP trên đầu người hàng năm
của các nhóm nước trên thế giới
Đang phát triển hiện nay
0.00
0.04
0.02
1.35
2.20
Phát triển cao hiện nay
-0.01
0.11
0.15
3.41
2.82

Nguồn: Agus Maddison, The world Economy: A Millennial Perspective
   Nói tóm lại, trong tương lai các nước đang phát triển sẽ ngày càng chiếm một tỷ lệ GDP của thế giới lớn hơn. Họ có thể tiếp tục đói nghèo, nhưng sức mạnh về tài chính hiện nay đã lớn hơn nhiều về tỷ lệ và về số tuyệt đối so với thời huy hoàng của đế quốc Tây phương. Điều này sẽ cho phép họ đối phó lại hoặc gây vấn đề cho các nước Tây phương ở mức độ khó lường. Chiến tranh Việt Nam trước đây và chiến tranh Iraq hiện nay là ví dụ cho thấy sức mạnh bao trùm và tuyệt đối của thời đế quốc đã qua rồi. Tuy vậy, đối với các nước chậm phát triển, đối phó với đế quốc kiểu cũ hay kiểu mới chỉ là chuyện “vạn bất đắc dĩ”, vấn đề chính vẫn là hướng cải cách quốc gia trên nền tảng xã hội dân sự và tinh thần khoa học.
 
* Chuyên gia cấp cao, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia của Liên Hợp Quốc


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114446693

Hôm nay

226

Hôm qua

2305

Tuần này

2331

Tháng này

212952

Tháng qua

120141

Tất cả

114446693