Đất Nghệ

Ví Phường Vải [1]

VÍ phường vải là một điệu ví của phường quay xa dệt vải; nói chính xác hơn là điệu ví của những người kéo sợi. Công việc của phường vải bao gồm từ cung cán  bông, xe con cúi, kéo sợi, đạp vải, đập vải và cuối cùng là lên khung dệt vải. Cung cán bông là công việc nặng nhọc, riêng tiếng bình bung của nó đã khá ồn ào, không thể vừa làm vừa hát được. Có một chuyện vui dân gian nói về một thiếu phụ góa chồng, mỗi lần nghe anh hàng xóm gẩy đàn thì nàng đều khóc.

 Anh hàng xóm nhầm tưởng là tiếng đàn của mình khêu gợi được lòng trắc ẩn của góa phụ, mới mạnh dạn hỏi rằng: “Tại sao mỗi khi tôi đánh đàn thì chị lại khóc như thế?”. Thiếu phụ trả lời: “Khi nghe tiếng đàn của anh, tôi lại nhớ đến người chồng quá cố tội nghiệp của tôi”. Anh hàng xóm lại hỏi: “Thế anh nhà cũng hay đánh đàn à?”. - Không, chồng tôi làm nghề cung cán bông, suốt ngày chỉ nghe tiếng bình bung, tiếng đàn của anh cũng giống như tiếng cung bông của chồng tôi! Anh hàng xóm xấu hổ, và từ đó không dám đánh đàn nữa. Dệt vải lại là một công đoạn hết sức phức tạp, hai tay, hai chân, mắt phải theo dõi. Người dệt vải có tay nghề cao còn nghe được tiếng ác thoi đưa mà biết có sợi vải nào đứt không nữa:

Lắng tai nghe tiếng ác truyền

Đượng dầu cuốn trục, tấm phiền đổ hoa…

Nghĩa là người dệt vải phải tập trung cao độ, sử dụng toàn thân, không thể vừa dệt vải vừa hát ví được. Khi gặp phường bạn đến hát, có những câu đố, câu đối hay, người thợ dệt muốn đối đáp thì phải ngừng dệt mới có thể tham gia:

Thẹn thùng đường cưởi đi về

Chân ngừng bàn đạp, tay e thoi thuyền.

Công việc nhẹ nhàng thoải mái để có thể vừa làm vừa hát ví là công đoạn quay xa kéo sợi. Công việc này khá đơn giản, từ trẻ em đến người già đều có thể tham gia. Làng Thịnh Xá quê tôi hồi trước, có cô gái mắt bị mù mà kéo sợi giỏi nhất làng, vừa kéo nhanh, vừa làm được sợi nhỏ, đều và có những súc vải đẹp, ai cũng tranh mua, vừa kéo sợi vừa hát là chuyện thường tình, vì vậy phường kéo sợi nào cũng có hát ví, và kề sông cận giếng để đạp vải, đập vải nên nước da thường trắng mịn hơn những nơi chân lấm tay bùn. Người đẹp hay hát, hát hay, gần sông, gần chợ nên phường vải là nơi đi về của các văn nhân tài tử. Có người khác huyện, nghe tiếng tìm đến như ấm Kỷ ở Vĩnh Lại tìm đến o Nhẫn Đan Du chỉ để mà hát ví:

Quê tui ở Vĩnh Lại

Quán tui ở Gia Dù

Một đầu khiếu một đầu cu

Một đầu nhạ một đầu bù

Nghe đồn O Nhẫn ở Đan Du

Giỏi hát ví, giỏi têm trù

Tui bỏ khiếu bỏ cu

Tui quẳng cha hắn vô trong bụi

Tui vạt tùa vô trong bụi

Một giai thoại kể rằng, thủa còn thanh niên, Nguyễn Du thường vượt truông Hống, đò Cài từ Tiên Điền sang Trường Lưu đi hát phường vải. Ở đó Nguyễn có một người vừa là cháu rể, vừa là bạn đồng trang tên là Nguyễn Huy Quýnh cũng là một bậc tài danh; ở đó cũng có 3 người con gái hát ví hay và cũng là những trang sắc nước hương trời là O Uy, Ả Sạ và O Cúc. Cũng có người cho rằng có thể O Uy, Ả Sạ chỉ là nhân vật huyền thoại, nhưng các cụ già ở Trường Lưu nói là nhân vật có thật. Thật hay thoại, đến bây giờ chưa ai dám khẳng định. Chỉ biết rằng đây là những cô gái hát hay, cũng tài bẻ ví. Và chỉ biết rằng chuyện Nguyễn đi hát ở Trường Lưu cũng là có thật và sự việc đã ghi lại bằng những câu ví rõ ràng: Lần ấy Nguyễn vừa vượt truông Trẹm xong vừa đến đò Cài thì đang lúc mưa to gió lớn. Gọi mãi không thấy đò thưa, tưởng đã lỡ mất đêm phường vải, Nguyễn buồn rầu ngao ngán. Bỗng từ bên bờ kia một con đò nhỏ xuất hiện, và một câu ví cất lên:

Sóng to thuyền nhỏ khó sang

Thiếp nguyền thiên địa giúp chàng một phen.

Cô lái đò ấy, người ta nói là cô Cúc, biết trời mưa gió, bạn tri âm có thể không sang được nên đã từ Trường Lưu  đi đón Nguyễn. Và không có thật sao được, khi nghe tin O Uy, Ả Sạ đi lấy chồng, Nguyễn Du đã cay đắng đến nỗi viết văn tế sống Trường Lưu nhị nữ:

Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc,

để phụ phàng ba chốn bốn nơi.

Nào ngờ tháng sáu này tệ bạc làm sao,

bỗng tống táng một tuần hai á

O sao mà quên ta được cho đành

Nói thế mà lấy chồng được ru tá!

Và Nguyễn Công Trứ cũng nổi tiếng hay đờn hay hát. Ông là người hay hát ca trù, để lại những bài thơ ca trù nổi tiếng đã đành, ông cũng là người hay hát ví, hay đi đến những nơi có phường hát ví, và là người đối đáp tài hoa. Câu hỏi của một cô gái ở một phường vải nọ, rằng:

Vấn quân hà tính hà danh

Hà châu hà quận niên canh kỷ hà?

là một câu hỏi hắc búa. Nó khó ở chỗ trong một câu ví lục bát mà hỏi tên, hỏi họ, hỏi quê quán lại hỏi tuổi tác; Mẫn tiệp như Nguyễn Công Trứ mà cũng bí không tài nào trả lời được, đành phải nói quấy nói quá cho xong:

Trước Lam thủy, sau Hồng sơn

Nhà ai hay hát hay đờn là anh.

Nghe cách trả lời của Nguyễn Công Trứ, ta liên tưởng đến câu đối của Mạc Đĩnh Chi khi bị viên quan coi ải Nam quan ra một câu hiểm hóc:

Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan

(nghĩa là qua cửa quan chậm, cửa quan đã đóng, mời khách qua đường qua cửa quan). Câu ra hiểm hóc ở chỗ có 3 chữ quá, 4 chữ quan, không tài nào đối chỉnh được. Mạc Đĩnh Chi đã khôn khéo mà đối rằng:

Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

(nghĩa là ra câu đối thì dễ, đối lại câu đối thì khó, mời tiên sinh đối trước). Thật ra câu đối lại chưa phải là đối được mà chỉ là chống chế nhưng cũng đã thật giỏi rồi.

Chuyện văn nhân tài tử tham gia hát ví có thể kể dài dài, điều đáng nói là nhờ vậy mà hát ví có thêm những câu đặc sắc.

Ví phường vải là một loại hình hát ví mà nơi nào có quay xa dệt vải đều có hát, nhưng cũng tùy địa phương mà câu hát khác nhau. So sánh điệu ví phường vải ở Can Lộc, Đức Thọ với điệu ví phường vải ở Hưng Nguyên, Nam Đàn ta thấy có những nét khác hẳn nhau. Xem bản phổ đã ghi âm, hay nghe các nghệ nhân ở hai vùng phường vải ta thấy ví phường vải Hà Tĩnh (bản phổ ghi ví phường vải I, xem trang 49) như vui hơn, nhanh hơn, trong sáng hơn,  còn ví phường vải Nam Đàn (bản phổ ghi ví phường vải II, xem trang 50) chậm rãi hơn, trầm hơn, buồn hơn. Vui buồn khác nhau không phải riêng vì tốc độ mà cơ bản là ở lối dùng quãng khác nhau. Ở ví phường vải I quãng chủ đạo là quãng 4 la - ré có thể đi qua hay trở lại nốt do rồi mới đến ré nhưng cơ bản vẫn là la - ré. Ở ví phường vải II thì quãng chủ đạo vẫn là quãng 3 thứ, có phần giống như ví đò đưa sông Lam.

Ở phường vải I âm cao nhất là âm rế, có thêu lên nốt mí và âm thấp nhất là âm mị còn ví phường vải II âm cao nhất là âm do và thấp nhất là nốt độ. Nhưng điều quan trọng nhất không phải là cao hơn nhau một ton và thấp hơn nhau một ton như kiểu dịch giọng mà ở đây là khác nhau về bản chất giai điệu, khác nhau về cấu trúc quãng, tạo nên cái tình điệu khác hẳn nhau. Vì vậy ngày nay ví phường vải I phổ biến hơn, nhất là trong kịch hát Nghệ Tĩnh thì gần như ví phương vải II hoàn toàn vắng bóng. Sự vắng bóng của ví phường vải II không phải là vô cớ. Hãy xem bản phổ ta sẽ thấy. Riêng câu mở đầu.

Ờ ơ! Chị em phường vải ta ơi! Và đợi câu trả lời ờ ơ thưa chi ì, đã thấy một sự trì tục, trì tục đến sốt ruột và sau khi hát xong hai câu lục bát, lại điểm: hay là hay, thì không còn phù hợp với tiết tấu cuộc sống ngày nay. Còn ở câu ví phường vải I gần như đi thẳng vào câu ví, hai tiếng mở đầu gọn  gàng:

Người ơi ơ!

Thiếp thương chàng đừng cho ai biết

Chàng thương thiếp thì đừng để cho ai hay

Rồi ra mệnh thế lắt lay

Cực chàng chín ơ rưỡi, khổ thiếp đây mười phần.

Nội dung câu ví súc tích, lượng thông tin cao hơn, và nhờ thể thơ song thất lục bát, bắt buộc vấn đề được trình bày ở nhịp độ nhanh hơn, vấn đề cũng như quan trọng hơn, bí mật hơn; tóm lại là gần với cuộc sống đương đại hơn, cho nên ngày nay thường hát ví phường vải I hơn, nhất là trên sân khấu kịch hát.

Ví phường vải ngoài lối hát dân dã, gặp đâu hát đó, tiện gì hát nấy như nghệ sĩ ưu tú Đức Duy thường nói, nghĩa là có khi hát một mình gọi là “ví buông” hay “ví ngâm”

Thương người người chẳng thương cho

Diều bay cao diều liệng, sáo kêu vo vo bận lòng

Còn thì thường là hát đôi, hát phe; hát đôi thường là một nam một nữ, hát phe cũng thường là phe nam phe nữ, hoặc có khi là phe khách phe chủ. Khi có hẹn hò, có tổ chức, đặc biệt là khi có các nhà nho, các văn nhân tài tử tham gia với sự chuẩn bị chu đáo thì cũng hát theo lề lối. Ví phường vải theo lề lối cũng có những bước như hát dạo, hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đối đáp, hát đố, hát xe kết, hát tiễn v.v… Trong tài liệu này, chúng tôi sẽ giới thiệu một vài cuộc hát như thế ở phần sau. Ở đây chỉ xin nêu ví dụ. Đây là những câu hát dạo:

Ai có chồng nói chồng đừng sợ

Ai có vợ nói vợ đừng ghen

Đến đây hò hát cho quen

Rạng ngày ai về nhà nấy, há lẽ ngọn đèn hai tim.

Hay:

Ví lên ta nhởi ta chơi

Mấy khi đèn hạnh so nơi quyển vàng

Hát dăm câu chuyện qua đàng

Chuyện đối với chuyện, ai đã đòi chàng mà chàng lo

Có khi là bên nam nói thẳng vào vấn đề:

Nghe đây có giếng mới đào

Có chợ mới họp, ta vào bán mua

Còn không ta đợi ta chờ

Hay là như ruộng có bờ thì thôi!

Gọi là hát dạo nghĩa là mới lân la đến, mới dạo qua xem thử có đối tượng để hát, để thăm dò xem thế nào. Kết thì ở lại, không kết thì đi nơi khác. Khi đã dạo xong, xem chừng hợp tình hợp ý thì mới bắt đầu chào hỏi. Sau đây là một số câu hát chào:

Đến đây cất miệng muốn chào

Sợ người làm bộ làm cao không ờ!

Đó là câu chào ướm và nếu được phe chủ hưởng ứng như:

Thấy người đông thật là đông

Chào bên nam mất lòng bên nữ

Chào quân tử sợ dạ thuyền quyên

Em xin chào chung một tiếng kẻo chào riêng bạn cười

Thì phe khách có thể chào thân mật hơn:

Đến đây chào chung chào chạ

Anh xin chào tất cả chị em

Chào rồi hỏi nợ hỏi duyên

Hỏi tình hỏi ý kết nguyền được không?

Hay nếu là ít người thì có thể chào:

Đến đây mừng cảnh mừng hoa

Trước mừng lân lý sau ra mừng nàng

Bên chủ, bên nữ cũng hát chào đáp lễ:

Mừng chàng tài tử văn nhân

Đến du xuân nỏ lẹ (chả nhẽ) cứ ở ngoài sân dạo vành

Hay:

Mừng chàng nho sĩ đến chơi

Vũ môn cá nước thảnh thơi đua tài.

Bên khách khi ấy thấy chủ nhiệt tình lại tiến thêm một bước

Bấy lâu liễu bắc đào đông

Tự nhiên thiên lý tương phùng là đây

Bây giờ rồng lại gặp mây

Nhờ tay tạo hóa đó đây vuông tròn.

Cũng có những tay hát ví táo bạo, vừa mới chào đã hát những câu động trời:

Đồn rằng có gái tốt tươi

Ví hay tăm tiếng đến tai anh này

Anh nói cho dì mình hay

Dì mình hay ví ra tay ví cùng

Ví cho con gái bỏ chồng

Con trai bỏ vợ, mẹ dòng bỏ con

Ví cho nát đám cỏ non

Điếu kia long nõ kêu tròn như vo…

Hát dạo và hát chào gọi ra hai bước như thế, nhưng thật ra giới hạn không thật rõ rệt; trong hát ví nhiều khi lẫn vào nhau, trong hát dạo đã có chào, mà trong khi hát chào vẫn còn hát dạo, bởi vì dạo là thăm dò, ướm hỏi, mà lẽ đương nhiên gặp nhau đầu tiên phải chào nhau cái đã cho nên không tách bạch nhất nhất được, ví như câu:

Mấy lâu gần nước xa khơi

Tiếc công gắn bó tiếc lời giao đoan

Hôm nay thong thả thanh nhàn

Gặp người bạn cũ thở than đôi lời

thì đã có cả hai yếu tố: dạo và chào rồi. Sau hát dạo, hát chào là đến bước hát mời hát mừng. Trong sách “Hát phường vải”, giáo sư Ninh Viết Giao gộp hát chào và hát mừng vào một, bởi trong hát chào đã có hát mừng nhau, khi chào nhau mà có điều đáng mừng thì người ta cũng mừng; nhưng đó là đối với người quen, còn đối với người lạ, phường lạ thì chỉ có chào mà chưa có gì để mừng. Với phường lạ, người lạ thì xếp hát dạo và hát chào vào chung một lề lối là thuận hơn. Khi chưa biết nhau thì chỉ hát chào chứ chưa hát mừng. Những câu ví như:

Mừng chàng nấu sử sôi kinh

Học hành chín chắn, công trình dẻo dai

Hay:

Mừng chàng quý tế lâm đình

Rồi đây gặp hội ba sinh phỉ nguyền

thì rõ ràng người con gái đã hiểu, đã biết chàng trai rõ mười mươi rồi, gần như đã hò hẹn thành rể quý rồi. Ngược lại cũng có những câu hát mừng xã giao có tính chất đãi buôi, chưa có gì gắn bó:

Đến đây mừng cảnh mừng hoa

Trước mừng lân lý sau ra mừng nường

Đó là câu hát chỉ như là hát chào của người con trai; còn đây cũng là câu hát mừng có tính chất xã giao của người con gái:

Mừng chàng tài tử văn nhân

Du xuân chẳng lẽ dạo vành ngoài hiên

tính chất khác hẳn câu hát mừng tỏ ra đã biết tường tận về tài năng, học vấn, thành quả của người con trai:

Mừng chàng ngọc diệp Kim Chi

Muốn cho cây ngọc nở khi lá vàng

Hay:

Mừng chàng hai chữ công danh

Phong lưu phú quý phụ huynh một nhà v.v…

Như vậy hát mừng có thể xẩy ra ngay khi mở đầu cuộc hát, có thể hát mừng giữa cuộc, có khi hát mừng để chào hỏi, cũng có khi hát mừng vì đã biết nhau. Cho nên xếp hát mừng là một bước của lề lối là chưa thật thỏa đáng. Thật ra sau hát dạo, hát chào thì tiếp theo là hát mời thì đúng hơn. Đúng cả về thứ tự thời gian, cũng hợp lý về thứ tự không gian, vì khách khi đã vào nhà thì mời là phải lẽ:

Mời bạn vô nhà hút thuốc nghỉ chân

Cau dầm trù trại, cửa nhà mình nỏ có chi

Một ngày là nghĩa tương tri

Nước chè trâm thấp thoảng, chợ không đi vì mùa

Hay:

Bạn ơi mời bạn vô nhà

Trầu têm thuốc hút, trải chiếu hoa bạn ngồi!

Nếu là khách đã quen thì có khi chưa mời mà chàng trai đã hỏi ngay:

Có trù cho miếng mự mồ

Gọi là quen biết khi mô đến dừ

Hay:

Có trù cho miếng đỏ mui

Có rượu cho chén cho vui sự tình

Với khách lạ thì có khi bên nữ phải mời thêm lần nữa:

Dao vàng rọc lá trầu vàng

Rọc ngang cánh phượng bỏ ngang mâm đồng

Người con trai còn khiêm tốn:

Cơi trầu ai dạm em đây

Hay là của mẹ của thầy gả em?

Và đợi cô gái trả lời:

Trầu này thực của em têm

Trầu phú trầu quý bọc khăn tơ hồng

Trầu chờ kết bạn tương phùng

Trầu duyên trầu ngãi xin đừng ngại chi

mới dám nhận trầu, và vẫn còn e ngại:

Miếng trầu là nụ hoa tiên

Ăn rồi có phải trả tiền hay không?

và cô gái lại vỗ về:

Miếng trầu là nụ hoa hồng

Mời chàng ăn nhởi, thiếp không lấy tiền

và khi chủ khách đã cùng ăn trầu, đã mặn vôi thắm cốt thì chàng trai mạnh dạn khen:

Trầu têm cánh dán cánh dơi

Trầu têm cánh phượng bỏ cơi xà cừ

Trầu quế với cau liên phòng

Chưa qua khỏi miệng mà lòng đã say.

Mời nhau thông thường chỉ là mời trầu, mời thuốc, mà thuốc ngày xưa là thuốc lào hút bằng điếu nõ, mà đã hút thì hút cho say đứ đừ mới thôi: Ví cho nát đám cỏ non/Điếu kia long nõ kêu tròn như võ

Sau trầu và thuốc, người ta mời chè. Có khi là chè xanh, nấu bằng lá và nhánh chè như ở vùng Hương Sơn, Đức Thọ, Đô Lương, Nam Đàn.

Ai về Hà Tịnh thì về

Mặc lụa xứ Hạ uống chè Hương Sơn…

Cũng có nơi mời nhau bằng chén trà như ở vùng Diễn Châu, Nghi Lộc.

Hỡi ai ngoài ngõ mời vào

Ấm trà lan đang ngọt, chén trà tàu đang thơm.

Cũng có nơi ít chè, hiếm trà như những vùng Nghi Xuân, Thạch Hà thì người ta mời nhau bằng chè trâm, chè vối:

Một ngày là nghĩa tương tri

Nước chè trâm thấp thoảng chợ không đi vì mùa

Chuyện hát mời, có lẽ đôi bên chỉ mời nhau, miếng trầu điếu thuốc, chén thuốc mà thôi; còn mời ăn, mời ở thì cũng có nhưng thật hiếm hoi. Chỉ khi nào duyên đã bén, thành ngãi thành nhân, người con gái không muốn chàng trai về nữa:

Chàng ơi ở lại mà chơi

Về chi đường ngái xa xôi bận lòng

Và chàng trai hỏi:

Ở đây ai cho anh ăn

Áo đâu anh mặc, ai nằm cùng anh

thì cô gái trả lời quyết liệt:

Ở đây em cho anh ăn

Em may cho anh mặc, em mượn người nằm cùng anh.

“Mượn người nằm” là rất khéo, em không nằm mà em mượn người nằm, tất nhiên là mượn một người con trai nằm cho có bạn chứ không phải mượn một cô gái khác, mà biết đâu cái sự “em mượn người” lại chả là… em vì dân gian có câu: “bắn không nên đền đạn”,  hay “muốn cho chắc thì nhắc cho người”.

Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521158

Hôm nay

2235

Hôm qua

2291

Tuần này

22199

Tháng này

219097

Tháng qua

121009

Tất cả

114521158