Đất Nghệ

Bước đầu tìm hiểu Nghệ An tỉnh khai sách (Qua bản khai của một số làng, xã tỉnh Nghệ An)

Nghệ An tỉnh khai sách(1) là tập hợp các sách do các chức sắc ở các làng, xã thuộc tỉnh Nghệ An soạn năm Duy Tân thứ 5 (1911) theo các câu hỏi điều tra sưu tầm điền dã của Phó sứ Nghệ An người Pháp tên là Ogeier. Hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 40 bản viết, khổ 29,5x16,5cm, chia làm hai loại ký hiệu: VNv. và VHv(2). Đây là bộ sách sưu tầm văn nghệ dân gian đồ sộ nhất được viết bằng chữ Nôm. Nội dung của sách gồm các câu hỏi và trả lời(3) xoay quanh các vấn đề chủ yếu như sau:

- Các hiện tượng tự nhiên như trời đất, trăng sao, mưa gió, sấm sét, sông suối, gò đống....

- Sự tích về các loại chim muông.

- Sự tích về các loại cây cối, sự vật.

- Sự tích về các loại ma quỷ.

Trong phần trả lời có dẫn nhiều ca dao, tục ngữ hoặc lời hát để thuyết minh.

Chúng ta đã biết, ở Việt Nam, truyền thống sưu tầm, chỉ chép truyện dân gian được khởi đầu từ thời Bắc thuộc, với một số ghi chép truyện cổ trong Giao Châu ký của Triệu Công và Tăng Cổn. Sang thời Lý - Trần, thời kỳ độc lập tự chủ, ý thức sưu tầm ghi chép truyện dân gian càng được phát huy mạnh mẽ. Sự ra đời của các tác phẩm ghi chép truyện dân gian như Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Nam ông mộng lục là nhằm khẳng định những giá trị của dân tộc và cộng đồng, đáp ứng yêu cầu cấp bách bảo vệ đất nước, chống sự đồng hóa từ phương Bắc. Sang thời Lê, bên cạnh xu hướng sưu tầm văn nghệ dân gian lưu hành trong dân chúng như Liệt nữ Nam Xương, truyện Từ Thức, còn có xu hướng dùng chất liệu dân gian để sáng tác như Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo, Hoa quốc kỳ duyên ...và đặc biệt là Truyền kỳ mạn lục, với ngòi bút tài hoa, Nguyễn Dữ đã tạo ra cho tác phẩm một sự hấp dẫn đặc biệt, được coi là "thiên cổ kỳ bút". Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể truyện văn học dân gian và văn học chữ Hán đã cho thấy khả năng chinh phục mọi đối tượng của văn học truyền miệng dân gian của các nhà văn thời bấy giờ. Cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, phong trào ghi chép truyện dân gian viết bằng chữ Hán đặc biệt nở rộ như Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Lan trì kiến văn lục của Vũ Trinh, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích. Từ nửa thế kỷ XIX, sang đầu thế kỷ XX, việc sưu tầm vẫn được tiếp tục với Hát đông thư dị của Nguyễn Thượng Hiền, Vân nang tiêu sử của Phạm Đình Dực, Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính... Các tác phẩm trên đã được các nhà văn lấy từ chất liệu của văn học truyện miệng, bên cạnh cốt lõi sự thực, những tình tiết hoang đường kỳ ảo vẫn được sử dụng như một bút pháp nghệ thuật. Tuy nhiên, do được ghi chép và sáng tác bằng chữ Hán nên không khỏi bỏ đi phần tinh túy trong cách diễn đạt sinh động của đời sống thường ngày. Từ năm 1901, khi Học viện Viễn đông bác cổ chính thức được thành lập ở Việt Nam, việc sưu tầm ghi chép truyện dân gian đã được các nhà Đông phương học Pháp tiến hành theo một phương pháp ghi chép tương đối trung thực. Trong số đó phải kể đến công trình của Lăng-đờ (A.Landes), người Pháp, trong tập san Du lãm và quan sát (Excursi et reconnaissances) năm 1885-1886(4). Ngoài ra, các bản khai báo của chức dịch một số làng xã trả lời những câu hỏi điều tra về phong tục Việt Nam do học giả Pháp tổ chức vào năm 1911, 1938...cũng là những tư liệu điều tra văn nghệ dân gian hết sức phong phú, nhưng cho nên đến nay những tư liệu này hầu như vẫn chưa được khai thác.

Bài viết này của chúng tôi là sự cố gắng kế tục những thành tựu của người đi trước trong việc công bố và khai thác những giá trị trong kho di sản Hán Nôm, nhằm đem đến cho độc giả những thông tin mới về tư liệu văn nghệ dân gian qua bộ sưu tập sách Nghệ An tỉnh khai sách mà chúng tôi xin được giới thiệu dưới đây.

1. Về tư liệu Nghệ An tỉnh khai sách.

Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nghệ An tỉnh khai sách gồm 41 bản (thực chỉ có 40 bản, một bản đã mất). Cụ thể:

Ký hiệu VNv. gồm:

1. VNv.19: Bản khai của xã Thanh Tân, tổng Bạch Hà, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, 115 tr.

2. VNv.20: Bản khai của thôn Phúc Hải, xã Nghĩa Liệt, tổng Phù Lộng, phủ Hưng Nguyên, 234 tr (5).

3. VNv.21: Bản khai của thôn Chính Đích, xã Mỹ Lợi, tổng Đô An, Phủ Hưng Nguyên(6), 234 tr.

4. VNv.22: Bản khai của thôn Kì Ngãi Trung, xã Hoàng Trương, tổng Hoàng Trường, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, 362 tr.

5. VNv.23: Bản khai của thôn Điển Lễ, tổng Lý Tề, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, 358 tr.

6. VNv.24: Bản khai của 3 xã Thanh Xuyên, Thi Phổ, Vinh Phúc, tổng Thanh Xuyên, phủ Quỳ Châu, 142 tr.

7. VNv.25: Bản khai của tổng Quý Dương, phủ Quỳ Châu, 118 trang.

8. VNv.27/1-2: Bản khai của các sách Hữu Lập, Vĩnh Lại, tổng Nhiêu Hợp, huyện Nghĩa Đàn, 584 tr.

9. VNv.28: Bản khai của thôn An Trạch, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, 169 tr.

10. VNv.29: Bản khai của huyện Nam Đàn, tổng Xuân Thịnh, 138 tr.

11. VNv.30: Bản khai của xã Hữu Biệt, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, 54 tr.

12. VNv. 31: Bản khai của làng Đồng Xuân, tổng Phú Hậu, huyện Quỳnh Lưu, 194 tr.

13. VNv.32: Bản khai của thôn Thanh Đoài, huyện Quỳnh Lưu, 336 tr.

14. VNv.33: Bản khai của làng Vĩnh Anh, tổng Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, 86 tr.

15. VNv.34: Bản khai của xã Xuân Lĩnh, tổng Quan Hóa, huyện Yên Thành, 92 trang.

16. VNv.35: Bản khai của làng Đồng Giai, tổng Quỳ Trạch, huyện Yên Thành soạn, 134 tr

17. VNv.36: Bản khai của làng An Trạch, xã Giang Triều, tổng Quan Trung, huyện Yên Thành, 100 tr.

18. VNv.38. Bản khai của làng Xuân Sơn, xã Thọ Sơn, tổng Quan Trung, huyện Yên Thành, 56 tr.

19. VNv.39: Bản khai của làng Trúc Thương, xã Thanh Đà, tổng Quỳ Trạch, huyện Yên Thành, 112 tr.

20. VNv.40: Bản khai của làng Kim Chi, xã Gia Hội, tổng Quỳ Trạch, huyện Yên Thành, 112 tr.

21. VNv.41: Bản khai của thôn Xuân Lai, xã Gia Hội, tổng Quỳ Trạch, huyện Yên Thành, 178 tr.

22. VNv.42: Bản khai của xã Vũ Liệt, 102 tr.

23. VNv.43: Bản khai của xã Lỗ Điền, 102 tr.

24. VNv.44: Bản khai của xã Ân Hậu, tổng Yên Trường, huyện Nghi Lộc, 146 tr.

25. VNv.45: Bản khai của thôn Ngọc Sơn, xã Xuân Lâm, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, 108 tr.

26. VNv.46: Bản khai của thôn Văn Lâm, xã Thịnh Lạc, tổng Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, 108 tr.

27. VNv.47: Bản khai của thôn Dương Liêu, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương.

28. VNv.48: Bản khai của thôn Xuân Lộc.

29. VNv.49: Bản khai của thôn Sơn Lý, 112 tr.

30. VNv.50: Bản khai của thôn Đông Xương, 262 tr.

31. VNv.51/1-2: Bản khai của Giáp Lập Thạch, 386 tr.

32. VNv.52: Bản khai của xã Xuân Hồ, 326 tr.

33. VNv.53: Bản khai của xã Chi Lê, 168 tr.

34. VNv.54: Bản khai của xã Phúc Sơn.

35. VNv.55: Bản khai của xã Mĩ Quan, 350 tr.

Ký hiệu VHv. gồm:

36. VHv.1826: Bản khai của thôn Tiên Long, xã Cao Xá, tổng Cao Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, 220 tr.

37. VHv. 1827: Bản khai của thôn Kim Ổ, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, 171 tr.

38. VHv.1828: Bản khai của xã Thái Lão, tổng Đô An, phủ Hưng Nguyên, 282 tr.

39. VHv.1829: Bản khai của thôn Văn Lâm, xã Bạch Hà, tổng Bạch Hà, huyện Lương Sơn, phủ anh Sơn, 258 tr.

40. VHv.1830: Bản khai của làng Bùi, làng Thượng, xã Bùi Khổng, tổng Hải Đô, phủ Hưng Nguyên, 245 tr.

2. Nội dung của Nghệ An tỉnh khai sách (qua một số bản khai của các làng xã thuộc tỉnh Nghệ An).

Về cách đặt câu hỏi

Như trên đã trình bày, nội dung của sách là các câu hỏi về các hiện tượng tự nhiên như trời đất, trăng sao, mưa gió, sấm sét, sông suối, gò đống... và sự tích về các loại chim muông, cây cỏ, sự vật, ma quỷ... được trả lời theo hình thức kể lại bằng sự tích đang được lưu hành lúc bấy giờ tại các địa phương tỉnh Nghệ An. Các câu hỏi được đặt ra tương đối thống nhất cho các chức sắc ở các làng xã thuộc tỉnh Nghệ An, tuy có xê xích về câu chữ, nhưng nội dung các câu hỏi và câu trả lời vẫn không nằm ngoài các vấn đề mà chúng tôi vừa nêu trên. Có thể lấy ví dụ về cách hỏi và cách trả lời ở bản khai của hai sách (thôn) Hữu Lập, Vĩnh Lại, tổng Nhiêu Hợp, huyện Nghĩa Đàn (ký hiệu VNv.17/1-2), và xã Nghĩa Liệt, tổng Phù Long, phủ Hưng Nguyên (ký hiệu VNv.20) để tìm hiểu các vấn đề mà Phó sứ Nghệ An Ogeier đặt ra.

Cụ thể như sau: bản khai của hai sách Hữu Lập, Vĩnh Lại được chia làm ba khoản:

A. Khoản thứ nhất

Các hiện tượng tự nhiên

Các câu hỏi cụ thể như sau (chúng tôi ghi theo nguyên văn)(7)

1- Người ta có ý tứ (chú ý, để ý) gì lắm với các sao không ?

2- Người ta gọi các sao là tên gì ?

3- Người ta có việc tin tưởng và lưu truyền lại thuộc về các sao ấy là thế nào?

4- Những lẽ mà nhất định khi các ngôi sao hiện ra, mọc lên hay là lặn xuống là những lẽ gì ?

5- Người ta có cầu nguyện và cúng tế gì các cái sao ý không ?

6- Người ta nghĩ sao Mai và sao Hôm là thế nào ?

7- Người ta cúng các sao ấy thời thế nào ?

8- Người ta có nói các sao Tuệ tinh (sao chổi), gió, mây, mống (cầu vồng) sao sa là tại thế nào ?

9- Người ta cho mặt trời mỗi năm mỗi dời đổi, mỗi ngày mỗi mọc lên, lặn xuống là tại thế nào ?

10- Người ta có cúng tế mặt trời không ?

11. Người ta có cho mặt trăng khi tròn khi khuyết là tại thế nào ?

12- Khi mặt trăng mọc lên người ta có làm lễ gì không ?

13- Người ta có cúng mặt trăng không. Như việc cúng mặt trăng, ở người ta có cúng hay là không cúng ?

14- Người ta tin rằng mặt trăng có can hệ gì không cũng những đàn bà những con trẻ và giống cỏ cây gì không ?

15- Có những công việc gì như là việc chặt cây cối, việc trồng trọt, việc gieo vãi và việc cạo đầu (cắt tóc cho trẻ em sơ sinh) mà ta lần theo tuần trăng mà làm không. Tại làm sao mà phải cứ như thế ?

16- Người ta có làm lễ gì những ngày Đông chí, Hạ chí và ngày Xuân phân, Thu phân không ?

17- Có làm cái đồ gì người ta làm ra để mà cho biết được ngày giờ như là đồng hồ nước, hay là cái cối để đo bóng mặt trời không ?

18- Có những truyện gì về sự tích người ta nói mặt trời với mặt trăng không ?

19- Có chuyện gì người đời nói mặt trăng, mặt trời mới lại vì sao khác không?

20- Người ta cho nhật thực, nguyệt thực là thế nào ?

21- Khi nhật thực, nguyệt thực, thời người ta làm thế nào ?

22- Có phải người ta coi trời cũng như một người không? Tại cớ làm sao?

23- Người ta cúng trời là lễ thế nào ?

24- Có sự tích gì người ta nói trời đất có ăn ở mới nhau không ?

25- Người ta nghĩ cái sấm cái sét là tại thế nào ?

26- Người ta có cầu nguyện và thờ cúng các cái ấy không ?

27- Người ta nghĩ cái mống (cầu vồng) là thế nào ?

28- Người ta có việc gì tin tưởng hay là lo sợ về cái ấy không ?

29. Người ta cho gió là tại thế nào ?

30- Người ta có cầu nguyện và cúng tế gì gió không ?

31- Người ta có làm lễ gì mà xin cho gió lên hay là cầu cho gió lặng đi không ?

32- Người ta tưởng cái gì sinh mưa ra ?

33- Người ta làm lễ gì để ngăn mưa hay làm lễ dăng mưa ?

B. Khoản thứ hai

Các loại cầm thú, côn trùng, thảo mộc, sự vật

Sự tích về các loại cầm thú, côn trùng, thảo mộc, sự vật không có câu hỏi như mục thứ nhất, mà có lẽ được kể lại theo danh mục mà người sưu tầm đặt ra. Cụ thể như sau:

- Sự tích về các loại cầm thú như: voi, chó, chó rừng, rùa, thỏ, dù dì, chim công, chim quy, chim rừng, chim khách, con nhện, con đóm (đom đóm), con tằm, con ngựa, con dê cái, con dê đực, con mèo, con gà mái, con bồ câu, con vẹt, con cọp, con rành rành, con giun, con cóc, con ngỗng, con châu chấu, con bích cộc, con chèo bẻo, con vạc, con cáo, con minh hô, con vàng anh, con câu kì, con cóc, con ngựa (trùng lặp), con mối, con phù du, con chuột, con cáy, con ác là, con sếu, con cò trắng, con khướu vàng mỏ, con két ma, con cú rúc, con cuốc, con chim sẻ, con cá to, con ếch, con rắn, con đỉa, con kiến, con ong, con chuột bạch, con chúc mào, con mối, con ễnh ương, con vàng anh, con bìm bịp, con bướm, con le le, con ruồi, con rắn hổ mang, con chim mỏ liếc, con két, con diêu đồng, con chèo bẻo, con da da, con chim giới, con lươn, con trạch, con kiến cánh (71 loại con).

- Sự tích các loài thảo mộc gồm: cây dâu, cây đu đủ, cây tỏi, cây đu đủ (trùng lặp), cây mía, quả ớt, thạch xương bồ, cây cau, cây trầu không, cây dừa, cây gạo, cây dừa (trùng lặp), cây gỗ hối?, cây ngô, cây mộc môn, cây thị, cây ngải cứu, cây búp măng, cây vàng tâm, cây săng lẻ, cây quất, cây lá nón, cây dâu rừng, cây gỗ di, cây rong riềng, cây ớt, cây tơ hồng, cây táo, cây đậu đen, cây hoa nhài, cây lá lốt, cây đào, cây dâu (trùng lặp), cây sài, cây thủy tiên, cây vừng, cây cải, cây tỏi (trùng lặp), cây rau cúc, cây hành, cây thạch lựu, cây chay, cây rành rành, cây hẹ, cây riềng, cây cà, cây tre lá ngà, cỏ môi, cây bồ quân, cây cỏ sữa, cây mười đại, cây tre, cây khế, cây chìa vôi, cây leo, cây bí, cây vạn tuế, cây mít, cây lim, cây chùa, cây đại, cây phù dung, cây cam, cây đại bi, cây cúc, cây câu liêm, cây chanh, cây cà chua, cây ngò, cây ngải, cây húng quế, cây sung, cây sắn, cây hoa lý (mận), cây khế (trùng lặp), cây mai, cây thông, cây thanh yên, cây bồ đề, cây mận, cây bạc hà, cây kinh giới, cây tía tô, cây cỏ gừng, cây mã đề, cây nhót, cây ngải gió, cây lan báo hỉ (86 loại).

- Sự tích về các sự vật, gồm: cái đền, cái miếu, cái bừa, cái cày, cái giếng, cái mụ đất, cái mụ nhà, cái mụ bếp, cái đồ ăn ( 9 loại)

C. Khoản thứ ba

Sự tích các loại ma quỷ

Ma quỷ, ma cỏ, văn vằn, tà ma, ma lạc, ma đậu, ma liệt, ma tà, con ma cụt đầu, ma mọi, con tinh (11 loại).

Bản VNv.20 có các câu hỏi như sau

1- Những truyện cổ thuộc về nước mưa, nước suối, nước lụt, nước sông, nước triều là những truyện gì ?

2- Người ta cho các thứ nước để sinh ra tại do thế nào ?.

3- Người ta cho đất động là thế nào mà sinh ra ?

4- Người ta có tế lễ chi để trừ các việc ấy đi không ?

5- Như có chỏm núi linh thiêng không ?

6- Tại làm sao mà linh thiêng ?

7- Người ta trèo đò có sợ không ?

8- Sợ là tại thế nào ?

9- Có suối nước nóng không ?

10- Người ta cho suối ấy là tại thế nào ?

11- Người ta có thờ phụng và có cầu nguyện chi các suối ấy không ?

12- Có phải có thứ đá linh không ?

13- Thờ phụng thứ đá ấy thế nào ?

14- Lễ tế các thứ ấy, lễ chi ?

15. Có phải viên đá nào có lửa hay là có đường vạch thì người ta có lòng tin không ?

16- Ở trên lỗ đá ấy và trên đường vạch ấy người ta làm nào (thế nào) ?

17- Mấy cây có lỗ và có đường vạch, dân sự cho là thế nào ?

18- Có phải có những đống đá gì hay là cành cây gì mà người ta đi ngang qua nơi đó thì phải bỏ thêm một cục đá, một cành cây hay là một cành lá chi không ?

19- Các đống ấy ở đâu có ?

20- Do lẽ nào mà có thói ấy ?

21- Có phải có những thứ cây linh thiêng không ?

22- Thứ cây gì linh thiêng ?

23- Tại sao mà người ta cho rằng linh thiêng ?

24- Người ta có tưởng rằng có linh hồn người chết và có hồn ma chi khác ở không ?

25- Cho được kính trọng các hồn ấy làm lễ gì ?

26- Có loại cây gốc nhỏ mà thiêng không ?

27- Làm thế nào rõ ra sự kính trọng các cây ấy ?

28- Có phải các cây ấy trồng một cách thức khác không ?

29- Đàn ông trồng hay đàn bà trồng ?

30- Người ta có lòng tin các cây bá vào cây khác không ?

31- Có lẽ gì mà đàn ông hay là đàn bà mặc áo bằng lá bằng quả bông mà làm lễ gì không ?

32- Nói các lễ ấy là làm thế nào ?

33- Tại sao mà làm lễ ấy ?

34- Trong một năm có khi nào mà người ta đeo cành cây hay là dây hoa gì bằng hột không ?

35- Người ta có tưởng rằng sông suối và hồ có linh hồn ở không ?

36- Người ta có thờ phụng chi không ?

37- Phụng thờ thế nào thì nói cho rõ mà nghe và cho hết ?

38- Khi đi ngang qua sông hồ, người ta có lòng tin chi không, hay là có làm thế nào không ?

39- Có người nào kiêng không được đi qua đò nước không ?

40- Người ta có thờ phụng chi về việc bể (biển) không ?

41- Người ta có làm lễ tế khấn lời cầu nguyện chi không về việc bể ?

42- Có phải con loài vật thiêng không ?

43- Có phải kê các con loài ấy, cần nói tại thế nào mà nó thiêng ?

44- Các thứ người ta kính trọng các con loài vật ấy là thế nào ?

45- Các con rắn với người đàn bà chết có giao thông chi không ?

47- Có lễ gì lúc mà người ta làm thịt con loại mà cúng thời có khác lúc thường chết mà ăn thịt không ?

48- Các dịp lúc ấy là dịp gì ?

49- Các lễ mà người ta có làm thịt những con vật loại ấy, người ta cho lễ gì ?

50- Các con vật loài mà người ta làm thịt...thì là làm gì, thịt gì, huyết làm gì, xương làm gì ?

51- Có phải người ta làm lễ ăn hết cả, hay là ăn một ít thì thôi?

Một số nhận xét

Nếu so sánh các câu hỏi ở hai bản khai mà chúng tôi vừa nêu trên, thì có thể nhận thấy có sự khác nhau giữa cách đặt câu hỏi ở bản VNv.27/1-2 với bản VNv.20. Ở bản VNv.27/1-2 không cho thấy rõ cuộc đối thoại giữa người hỏi và người trả lời, trong khi đó ở bản VNv.20 do các câu hỏi được đặt ra liên tục theo lối bắc cầu, làm cho cuộc đối thoại trở nên sinh động và hấp dẫn. Chúng tôi ngờ rằng, bấy giờ nếu không có phương tiện ghi âm thì Phó sứ Ogeier có thể phải chọn những người giỏi chữ Nôm để ghi nhanh câu trả lời của chức sắc các làng xã.

Các câu hỏi đặt ra khá chi tiết, từ các hiện tượng thiên nhiên mặt trời, mặt trăng, trái đất... đến các loại thảo mộc, côn trùng, phong tục tập quán, đến thế giới thần thánh, ma quỉ, gò đống, cây cối linh thiêng... cho thấy người phỏng vấn đã có sự chuẩn bị chu đáo và có hiểu biết khá rộng về lĩnh vực mình quan tâm và nơi mình tới phỏng vấn. Sự đa dạng về đề tài chứng tỏ người sưu tầm đã bao quát được một khối lượng tư liệu truyền thuyết khá phong phú. Ở bản VNv.27/1-2, trừ 33 câu hỏi trực tiếp về các hiện tượng tự nhiên, riêng các loại vật đã có tới 176 sự tích, nếu tính cả khảo dị (tức một sự tích có nhiều cách kể) thì con số còn lớn hơn rất nhiều. Trong số loài vật mà người sưu tầm đưa ra, cũng có loài vật mà người địa phương không biết chứng tỏ Phó sứ Ogeier khi tiến hành sưu tầm, phỏng vấn đã có những điều tra sơ bộ trước về các địa phương trong tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, nếu trở lại tìm hiểu việc ghi chép truyền thuyết dân gian trong văn xuôi chữ Hán từ thế kỷ X đến thế kỷ đầu thế kỷ XX như phần đầu chúng tôi vừa mới điểm qua, cũng có thể thấy các đề tài liên quan đến con người, thần thánh, ma quỷ, nguồn gốc sông suối, gò đống, cây cối, động vật, phong tục tập quán... đã xuất hiện từ rất sớm trong Lĩnh Nam chích quái. Truyền thống này được nối tiếp và phát triển trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề. Trong tác phẩm này, tác giả đã phân chia các sự tích và truyền thuyết thành 12 mục lớn như: thế gia (các nhà dòng dõi), danh thần (bề tôi có tiếng), danh nho (nhà nho nổi tiếng), tiết nghĩa (người có khí tiết), chí khí (người có chí khí), ác báo (làm ác gặp ác), tiết phụ (đàn bà tiết hạnh), ca nữ (con gái hát), thần quái (việc thần dị, quái lạ), danh phần dương trạch (chuyện mồ mả), danh thắng (cảnh đẹp), thú loại (truyện về các loài thú) (8). Đến Lan trì kiến văn lục của Vũ Trinh, tuy không chia thành các hạng mục nhưng những đề tài về ma quỷ, từ việc trọ nhà có ma, đánh ma, bắt ma, ma cổ thụ, ma gò đống, hay chuyện về các loại động vật đã được ông kể lại khá phong phú. Tinh thần đó cũng được Phạm Đình Hổ thể hiện trong Vũ trung tùy bút; Phạm Đình Dục trong Vân nang tiêu sử; Nguyễn Thượng Hiền trong Hát đông thư dị...

Tóm lại, không phải ngẫu nhiên mà Phó sứ Ogeier đặt ra các câu hỏi chi tiết đến như vậy, bởi có thể ông cùng các cộng sự (người Việt Nam) đã có những điều tra cơ bản về truyền thống ghi chép truyện dân gian của người Việt trong quá khứ. Thêm vào đó là phương pháp sưu tầm điều tra điền dã trong môi trường diễn xướng cụ thể, chính điều này đã làm nên một mảng tư liệu ghi chép truyện dân gian vừa phong phú, vừa mang đậm phong cách dân gian, tuy không trau chuốt như ngôn ngữ viết nhưng lại giữ được tính hồn nhiên và sinh động của ngôn ngữ kể, mà nếu không có mảng tư liệu này, hẳn chúng ta đã để lọt mất một bộ phận quan trọng khi tiến hành nghiên cứu văn học dân gian của Việt Nam.

Về câu trả lời

Tuy không có những bằng chứng cụ thể, như nhật ký sưu tầm chẳng hạn, để chắc chắn cho rằng, các bản khai của các địa phương là sự ghi chép trực tiếp từ các cuộc sưu tầm của Phó sứ Ogeier, nhưng qua lời kể, chúng tôi suy đoán người ta đã thực hiện đúng những điều mà ông đã yêu cầu là ghi đúng, ghi chính xác lời kể. Nếu không phải trực tiếp ghi chép từ lời kể của các chức sắc địa phương nơi điều tra, chắc hẳn các bản khai sẽ không giữ được tính chất khẩu ngữ khi kể, mà đặc điểm dễ nhận thấy là tính lặp lại, sự giải thích, sự tỉnh lược, sự ngừng ngắt, sự đánh giá ... Có thể nêu một số ví dụ trong bản VNv.27/1-2 như sau.

Về sự tích con rắn:

"Con rắn nó cũng lắm thứ lắm. Có thứ rắn gọi bằng hổ mang, cũng có thứ gọi bằng rắn trắng, cũng có thứ gọi bằng rắn hai đầu, lại có thứ gọi bằng rắn đốm, có thứ gọi bằng rắn lửa, có thứ gọi bằng rắn vàng, cũng có thứ gọi bằng rắn mộng, cũng nhiều thứ rắn lắm lắm, không biết hết được".

Hay sự tích cây tre:

"Cây tre sự tích là thế này. Ngày trước có một người có mẹ già, phải đau yếu, thuốc gì cũng không thôi cả, chỉ thèm một bát canh măng thời bệnh mới thôi. Khi ấy mới đi kiếm khắp các xứ, chẳng ở đâu có tất cả, lại mới về đứng bên bụi tre, mới ôm lấy cây tre mà khóc, rồi chảy nước mắt ra, rồi mới thấy ở chốn gốc tre thấy măng mọc lên ba bốn chiếc, rồi đem về mới nấu canh cho mẹ ăn, rồi mới khỏi bệnh đi tất cả. Rồi mới biết rằng cây tre ấy nó cũng là giống biết con người có hiếu với mẹ mà mọc lên cho cây măng, đem về nấu cho mẹ ăn vậy. Là con có hiếu ấy thời cảm động đến trời đất cho nên ôm cây tre mà khóc rồi mới mọc măng".

Qua so sánh và đối chiếu thử bản khai của hai sách trên với một số bản khai khác, chúng tôi nhận thấy, ở một số làng cũng có cùng câu hỏi, nhưng cũng có làng kể rất hay, nội dung phong phú với nhiều hình thức ly kì, hóm hỉnh, lôi cuốn người nghe, cũng có không ít làng xã không biết kể, hoặc kể với với nội dung sơ lược, vắn tắt, đơn điệu.

Chúng tôi xin nêu thử một số câu hỏi và trả lời như sau:

Ví dụ, trong câu hỏi: "người ta cho mặt trời mỗi năm mỗi dời đổi, mỗi ngày mỗi mọc lên lại lặn xuống là tại thế nào".

Bản VNv.27/1-2 trả lời như sau:

"Dân con ít người đi học, các điều ấy không biết được cho rõ".

Nhưng cũng cùng câu hỏi này, bản VHv.1828, bản khai của xã Thái Lão, tổng Đô An, phủ Hưng Nguyên, đã kể bằng sự tưởng tượng phong phú, không kém phần dí dỏm:

"Nghe người xưa nói rằng, trời với đất ngày xưa là một cục tối đi cả (tức cả trời đất tối đen), không biết khi nào là ngày, khi nào là đêm. Khi ấy bà đất tới lên với ông trời nói rằng:

- Xin ông làm cho một phép gì cho sáng cả lên trời, cả dưới đất, kẻo dân tối tăm không biết làm ăn răng được.

Ông trời nói rằng:

- Chừ phải làm một cái đèn, bóng cho to, ba tháng qua đi thời phải phết lại (tức làm lại). Vả ở trên ni với dưới ấy mà làm ra hai đèn thời cũng tốn dầu lắm, chi bằng chung nhau một đèn, ngày thời thắp treo trên ý, đêm thời thắp ở dưới kia, thời được tiện cả hai phía.

Rồi khi ấy sai người phết cái đèn ra, vừa tiết vụ Xuân thời phết dây xanh, nên chi cái bóng soi xuống yêm xiên (tức bóng nắng xiên xuống nhẹ nhàng, êm đềm). Đến vụ Hè thay phết sang dây vàng cho nên dõi (tức soi xuống, chiếu xuống) nồng nàn lắm. Bước sang vụ Thu, thời phết dây thắm, bóng tuy có sáng mà cũng không nồng lắm. Đến vụ Đông phết dây đen, người trông dầu có thấy bóng, nhưng mà không được sáng tỏ như các mùa. Vả cái đèn ấy trên ông trời thắp một ngày rồi lại đưa xuống cho bà đất (viết nhầm là trời) thắp dưới đất một đêm, rồi lại đưa lên cho ông trời. Cứ một ngày một đêm thời cứ giao cho nhau một lần cho nên người ta gọi "mọc lên lặn xuống" là như thế. Câu tục ngữ rằng:

"Cái bằng cái đất mà vất xuống ao,

Năm liêm tám sào mà khều không lên [được]".

Hoặc cùng sự tích về con rùa, bản VNv.27/1-2 đã kể khá chi tiết, nhân đó giải thích lý do vì sao rùa phải đội bia và hạc (trong lời kể là con âu đen) được đỗ trên phản . Lời kể như sau:

"Con rùa thế này. Ngày trước có một ông sư, đến tuần tháng ra mới làm lễ siêu độ âm hồn, mới đi sang Tây Trúc lấy kinh, mới đi qua sông mới sang nước Tây Trúc. Sông ấy thời không có đò ngang, không biết lấy gì mà sang được, mới gọi mà không thấy. Lại thấy một con rùa nó nổi lên, nó mới nói rằng:

- Ông đi đây tôi đưa sang.

Ông sư hỏi rằng:

- Mi đưa tao sang thời làm sao được.

Con rùa mới nói rằng:

- Ông đi đây thời tôi nổi lên, ông ngồi lên mai tôi, thời tôi đưa ông sang.

Khi ấy ông mới ngồi lên lưng rùa, nó lội sang đến bờ sông nó mới dặn ông sư rằng:

- Xin ông sang tâu với Phật bà cho tôi lên, kẻo mà ở xuống nước mãi mãi, khổ lắm.

Ông sư nói rằng:

- Mi cứ đưa tao sang, thời tao tâu cho.

Khi ấy ông sư qua được, mới sang Tây Trúc, lãnh được kinh rồi đến ra về lại qua sông ấy, rồi rùa lại nổi lên, lại đưa ông sư. Đưa vừa đến bờ sông, mới hỏi sư rằng:

- Ông có tâu tôi không (tức ông có tâu giúp việc của tôi không).

Ông sư nói rằng:

- Sao quên, sao quên (sao tôi lại quên mất).

Rùa tức giận lắm, nó mới lặn đi mất. Khi ấy bao nhiêu kinh kệ gì đều trôi hết tất cả. Rồi con âu đen mới xuống, nó tha kinh lên, nó phơi khô được tất cả. Cho nên con rùa thời Phật bắt đội bia, âu thời được đỗ lên phản".

Trong khi đó, cũng sự tích con rùa, bản VNv.28, bản khai của thôn An Trạch, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc kể chỉ cho biết thêm thông tin, người ta có thể dùng rùa vào việc bói toán. Lời kể như sau:

"Nó là giống linh thiêng và quí giá lắm, lại bói toán được nữa. Hễ khi nào có việc gì mà đem nó ra bói, thì thắp lửa đốt lên lưng nó, nó mà ăn khói vào da thì rõ việc tốt, nó mà không ăn khói vào da, thì rõ là việc xấu. Rồi biết mà gìn giữ được. Nên chi người ta lấy làm liêng thiêng và quí trọng hơn các giống hết cả" .

Một đặc điểm nữa dễ nhận thấy trong phần trả lời, các câu ca dao, tục ngữ, những câu hát trữ tình, hóm hỉnh... thường được sử dụng như một hình thức đan xen, hoặc kết thúc câu chuyện.

Ví dụ, sự tích cây lim:

"Cây lim ấy trước nó cũng là người. Nguyên ngày trước có một người làm tướng giặc tàn bạo lắm, ai làm sao cũng không địch được cả, đến khi rồi mắc phải mưu người ta lừa, mắc phải giặc vây lấy, chẳng làm thế nào mà giải vậy được, khi ấy tức mình lắm rồi chết đứng đi, hóa ra làm cây lim tỏa đứng giữa trời, ai đến vẫn không đổi dời, cũng không động. Nên chi có câu hát rằng:

"Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời". (Bản VNv.27/1-2)

Hoặc trong câu hỏi: "Có những truyện gì về sự tích người ta nói mặt trời với lại mặt trăng không", bản VNv.27/1-2 kể:

"Con có nghe sự tích thế ni. Ngày trước ông trời thấy mặt trăng đẹp lắm, mới nói cùng bà trăng rằng:

- Tôi là có quyền thế lắm, làm sáng cũng được, làm tối cũng được. Vả người nào có tội, sai sấm sét đánh cũng được. Mụ mà lấy tôi, thời uy quyền lắm lắm.

Khi ấy mụ trăng mới bằng lòng xin lấy. Khi ấy ông trời làm một lễ to cưới to lắm. Có câu hát làm lễ cưới thế này:

"Mụ trăng mà lấy ông trời,

Mồng năm đi cưới mồng mười đi cheo.

Ông làm một lợn bằng mèo,

Làng ăn không hết làng treo cột đình.

Ông xã đánh trống thình thình,

Quan viên các chức ra đình thu cheo".

Chúng tôi chưa có điều kiện để thống kê so sánh tất cả các bản khai mà chúng tôi tiếp cận, nhưng có thể thấy Nghệ An tỉnh khai sách sẽ cung cấp cho chúng ta thêm dị bản mới về các truyền thuyết, ca dao vốn đã quen thuộc với người Việt Nam, hoặc các dị bản chịu ảnh hưởng từ tiểu thuyết truyền kỳ, chí quái của Trung Quốc. Chúng cho thấy những tác động và ảnh hưởng nhất định từ văn học bác học tới văn học dân gian, và ngược lại.

Ví dụ, trong câu hỏi vì sao có lụt, bản VNv.20 (tờ 14-15) kể rằng:

"Lụt sinh ra là thế này. Xưa vua Hùng có một người con gái đẹp lắm, trong trần gian chẳng có ai mà bằng cả. Khi ấy, ông Sơn Tinh ở trên núi cho người đến để hỏi làm vợ, ông Thủy Tinh ở dưới nước cũng cho người đến nói để làm vợ, mà ông [Sơn] Tinh thì hay chữ, Thủy Tinh thì có của. Vua Hùng Vương khi ấy lưỡng lự chẳng định nơi nào, mới nói cùng nàng con gái rằng:

- Cha mẹ sinh một con là phận gái, bây giờ hai người đến nói, bên có tài, bên có chữ, con lưỡng lự bên nào.

Nàng con gái thưa rằng:

"Chẳng ham ruộng mẫu ao liền,

Ham người chữ nghĩa bút nghiên học hành".

Mà ông Hùng Vương thì ham Thủy Tinh có của, mà phán rằng:

- "Sáng ngày mai thì đưa lễ vào, mà ai lanh (nhanh) chân đến trước thì gả cho.

Rồi khi ấy Sơn Tinh canh khuya đã đưa lễ đến ở ngoài cửa, đứng đến khi sáng ngày thì vào trước. Vua Hùng Vương mới gả con cho, mà Thủy Tinh trách ông Hùng Vương. Ông Hùng Vương nói lại rằng:

"Trách chàng đem mảnh khoan chân (đem ít lại đến chậm)

Ta đây có dám bất nhân với chàng".

Lại nói rằng:

"Duyên dù, dù đã thôi dù vậy,

Phận thế, thế thì biết thế thôi".

Thủy Tinh khi ấy lấy làm giận, trở về nhà rồi vua Hùng Vương đưa con gái về cho Sơn Tinh kết làm vợ chồng, Thủy Tinh mới gửi thư gièm Sơn Tinh rằng:

"Ngàn vạn trừ lấy học trò,

Dài quần tốn áo, ăn no lại nằm".

Nàng vợ Sơn Tinh đáp lời rằng:

"Đất nước nọ ai yêu vì,

Phải vầy phải ruổi tìm đi đất người.

Đất ta đã quyết một lời,

Dù rằng gió nước chẳng rời duyên ra".

Thủy Tinh xem thư nổi giận đùng đùng, mới đưa nước lên để bắt nàng vợ Sơn Tinh. Sơn Tinh cùng nàng biết sự thế, mới lên núi cao mà ngồi. Thủy Tinh đưa nước lên bằng hà bằng hải, mà đến ba, bốn ngày cũng không bắt được. Cho nên sinh ra lụt. Rồi đến nay năm nào cũng có nước lụt, người ta cho tại thế".

Hay bài ca dao về chú Cuội:

"Chú Cuội ngồi gốc cây đa,

Thả trâu ăn lúa van cha đi đòi.

Cha thì cuốc cỏ trên trời,

Mẹ thời mắc võng đương ngồi ru con". (BảnVNv.23)(9)

Trong các bản khai còn có không ít tục ngữ nói về hiện tượng thời tiết, thể hiện khả năng quan sát, chiêm nghiệm các hiện tượng tự nhiên mỗi khi thời tiết thay đổi, từ đó đúc kết thành kinh nghiệm, cố định hóa bằng tục ngữ, lời ca, câu vần để truyền lại, có tác dụng nhất định trong việc cảnh báo phòng ngừa thiên tai, bảo đảm sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, bản khai của thôn Chính Ước, xã Mỹ Lợi, tổng Đô An, phủ Hưng Nguyên, ký hiệu VNv.21 (10), có các câu: "Vàng trời thì gió, đỏ trời thì mưa"; "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa"; "Kiến cánh bay ra thì trời mưa"; "Gà đi ăn về tối thì trời mưa". Thậm chí có tục ngữ về thời tiết còn gắn với địa danh, như núi Quyết thuộc làng Yên Dũng, huyện Nghi Lộc:

"Khi nào núi Quyết có mây,

Cửa Lò có chớp ngày rày hẳn mưa".

Hay câu:

"Mây kéo xuống bể trời nắng chang chang,

Mây kéo lên ngàn trời mưa xồng xộc".

Trong phần trả lời, ngoài sự tích, truyền thuyết, một số bản khai còn ghi lại cả cách thức cúng tế và các bài văn tế các kỳ trong năm. Ví dụ trong câu hỏi vì sao phải làm lễ cầu an vào đầu năm, người dân ở thôn Phúc Hải, xã Nghĩa Liệt, tổng Phù Long, phủ Hưng Nguyên đã giải thích kèm theo bài văn khấn như sau:

"Như khi đồng dân (tức toàn dân) làm lễ hội, là tại vì người ta đầu năm làm lễ ấy thì cầu an cho đồng dân mạnh khỏe. Trên thì cầu nguyện trời đất Phật thánh, người cứu dân được thịnh lợi, dưới thì lễ các linh hồn không có kẻ tế tự, là sợ các hồn ấy không nơi nương tựa, rồi quỉ ấy làm tội trong dân, mà kẻ già hờn kẻ bé nhỏ, hay là giống súc vật không được bình yên, mà phải làm lễ hội để lễ các hồn ấy cho nó yên ở xứ này xứ kia, rồi dân được bình yên. Cho nên có lời khuyên các linh hồn rằng:

"Hỡi các linh hồn lẳng lặng mà nghe, lời đồng dân cầu nguyện, làm người ở cõi trần gian có sinh có hóa, đến ngày chết dưới âm phủ không có tế có cầu, kẻ sa cầu sa quán, xấu số xấu duyên, mấy theo lâu không có người thờ phụng, hồn phảng phất núi đỏ núi xanh. Bây giờ dân có lễ hội chay, hồn lai láng cây hương ngọn khói, vật lễ bao nhiêu vàng áo xin các hồn thu lấy mà tiêu. Đồng dân gọi chút kính thành, một lễ dâng lên đã đủ, bảo hộ đồng dân ai nấy cùng được bình an, tìm nơi cây cối nương nhờ, xin đừng làm hại, để cho nhân vật vui mừng, cũng đội linh hồn sinh phúc".

*

* *

Tóm lại, tuy chưa có điều kiện phiên Nôm toàn bộ sưu tập Nghệ An tỉnh khai sách, song qua tìm hiểu một số bản khai của các làng xã trong bộ sưu tập này, chúng tôi nhận thấy Nghệ An tỉnh khai sách không chỉ cung cấp cho người đọc nguồn tư liệu văn nghệ dân gian phong phú của tỉnh Nghệ An, bao gồm truyền thuyết, ca dao, dân ca, tục ngữ... mà còn là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu chữ Nôm và tiếng Việt đầu thế kỷ XX. Hy vọng trong tương lai không xa, Nghệ An tỉnh khai sách sẽ ra mắt bạn đọc, đáp ứng phần nào yêu cầu nghiên cứu ngày càng cao trong giới nghiên cứu về khoa học xã hội hiện nay.

Chú thích và tài liệu tham khảo

1. Nghệ An tỉnh khai sách là tên sách do người làm thư mục sách Hán Nôm đặt ra, không phải là tên của bộ sưu tập.

2. Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, (Nxb. KHXH. H. 1993) ký hiệu VHv thuộc kho sách chữ Hán, gồm các ký hiệu A, VHb, VHv, và VHt (tr.23). Tuy nhiên, Nghệ An tỉnh khai sách lại được viết chủ yếu bằng chữ Nôm, nên chúng tôi ngờ rằng, một số sách mang ký hiệu VHv chỉ là sự ghi nhầm từ ký hiệu VNv.

3. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu ghi nội dung của sách là "100 câu hỏi về các hiện tượng tự nhiên như trời đất, trăng sao, mưa gió...", song theo thống kê của chúng tôi, số lượng câu hỏi ước khoảng trên 200 câu (có xê xích chút ít tùy theo từng bản khai).

4- Dẫn theo Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, 2000, tr.91.

5. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu nhầm số ký hiệu thành VHv.

6. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu nhầm thành: "Thôn Chính Bích, ... huyện Nguyên Hưng" (Sđd, tr.365)

7. Phần trong ngoặc đơn là do chúng tôi giải thích thêm.

8. Theo Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, T.1, tr.347.

9. Bản VNv.20, VNv.23 do ThS. Nguyễn Thị Hoàng Quý, Viện Nghiên cứu Hán Nôm phiên.

10. Bản VNv.21, do TS. Hoàng Thị Hồng Cẩm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm phiên.

11. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên - Võ Quang Nhơn: Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 1997.

12. Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Nxb. Giáo dục. 1997.

13. Trần Thị An: Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. 2000.

14. Kiều Thu Hoạch: Văn học dân gian người Việt - góc nhìn thể loại, Nxb. KHXH. H. 2006.

15. Nguyễn Thị Oanh: Setsuwa (Thuyết thoại) dưới góc nhìn của văn học so sánh. trong Văn hóa Phương đông, truyền thống và hội nhập, Nxb. Đại học Quốc gia, H. 2006, tr.433-456.

16. Nguyễn Thị Oanh: Từ điển truyện cổ tích Nhật Bản. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 10 (428) tháng 10, năm 2007, tr.73-93./.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm năm 2007

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521162

Hôm nay

2239

Hôm qua

2291

Tuần này

22203

Tháng này

219101

Tháng qua

121009

Tất cả

114521162