Giáo dục của Việt Nam bấy lâu nay vẫn luôn là một bài toán khó, tuy đã có nhiều lời giải song chưa thỏa đáng. Có khi khó khăn này mới được khắc phục thì đã xuất hiện khó khăn khác, cứ như thế, các vấn đề bất cập lại chồng chất lên nhau.
Giáo dục của Việt Nam bấy lâu nay vẫn luôn là một bài toán khó, tuy đã có nhiều lời giải song chưa thỏa đáng. Có khi khó khăn này mới được khắc phục thì đã xuất hiện khó khăn khác, cứ như thế, các vấn đề bất cập lại chồng chất lên nhau.
Nói như vậy không có nghĩa là nền giáo dục của chúng ta từ năm này qua năm khác, sẽ chỉ lo khắc phục khó khăn. Cần nhìn nhận những thành tựu vượt bậc mà giáo dục nước nhà đã đạt được kể từ sau Đổi mới đến nay. Bên cạnh đó, cũng cần chỉ ra những thách thức, bất cập, nguyên nhân và giải pháp cho những bất cập đó.*
Về thực trạng giáo dục ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đã có một số công trình khảo sát, tìm hiểu; trước hết là các bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Thanh như: Khảo sát việc thực hiện chính sách giáo dục, y tế đối với trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; Thực hiện chính sách giáo dục đối với học sinh miền núi dân tộc thiểu số ; Kết quả thực hiện chính sách giáo dục đối với giáo viên miền núi, dân tộc thiểu số; Nguyễn Hữu Chí: Thực hiện tăng cường đội ngũ giáo viên dân tộc thiểu số nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Các bài viết này đã ít nhiều đề cập đến một số vấn đề giáo dục ở miền Tây Thanh - Nghệ. Tuy nhiên, số liệu được sử dụng trong đó đã không còn sát với tình hình hiện nay. Xuất phát từ thực tế đó, bài viết của chúng tôi mong muốn cung cấp những thông tin tổng quát và cập nhật về thực trạng giáo dục miền Tây Thanh - Nghệ những năm gần đây.
Nhìn chung, nền giáo dục ở khu vực này có nhiều điểm tương đồng với giáo dục của các khu vực miền núi khác trên cả nước, đồng thời cũng có những điểm khác biệt. Căn cứ vào những điểm khác biệt đó, chúng tôi sẽ đề xuất các phương hướng phát triển giáo dục phù hợp với đặc trưng kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng.
1. Thực trạng giáo dục phổ thông
1.1. Quy mô trường lớp
Hệ thống giáo dục ở vùng Tây Thanh Hoá - Nghệ An hiện nay chủ yếu là hệ thống của Nhà nước với 4 cấp học: Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT).
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, tại hai tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An đều có hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) ở cấp huyện và cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có các trường bán trú dân nuôi ở cấp xã. Mô hình trường dân lập hầu như chưa có.
Ở Thanh Hóa, năm học 2009 - 2010, về quy mô trường, lớp nội trú có1 trường THPT DTNT tỉnh, 11 trường THCS DTNT huyện. Những năm qua, các trường này được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Riêng hệ thống trường bán trú dân nuôi, tính đến tháng 5 - 2009, tỉnh có 46 trường. Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 0,7% nhu cầu. Tỉnh Thanh Hóa đang xúc tiến nhiều dự án xây dựng trường bán trú nhằm tạo điều kiện học tập thuận lợi cho con em đồng bào miền núi.
Còn tại Nghệ An, cũng trong năm học 2009 - 2010, quy mô trường, lớp nội trú như sau: 1 trường THPT DTNT tỉnh, 9 trường THPT DTNT huyện, 4 trường THCS nội trú. Ngoài ra, có 570 trường Tiểu học, 427 trường THCS, 89 trường THPT.
Hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An có nhiều xã thuộc vùng núi cao, địa bàn phức tạp, với nhiều dân tộc cùng cư trú, do vậy trong giáo dục, mô hình trường bán trú dân nuôi vẫn tồn tại lâu dài. Hệ thống trường bán trú dân nuôi có thể huy động tối đa số lượng học sinh đến trường, góp phần tích cực xóa nạn mù chữ, phổ cập tiểu học, THCS đúng kế hoạch, nâng cao dân trí, do vậy được tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là: gia đình học sinh phải tự làm lán, nhà tạm cho học sinh ăn, ở trong khi hầu hết họ đều thuộc diện nghèo; giáo viên các trường bán trú rất vất vả (vừa dạy vừa chăm sóc học sinh), song Nhà nước và địa phương chưa có chính sách hỗ trợ.
1.2. Cơ sở vật chất
Ngành giáo dục đã đề ra mục tiêu: Thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học trong cả nước từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông để đến cuối năm 2003 xóa bỏ tình trạng học 3 ca và đến năm 2005 không còn lớp học tạm thời tranh, tre, nứa, lá. Nhờ chương trình này, đến nay cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học ở các trường thuộc khu vực miền Tây Thanh - Nghệ đã được đầu tư, xây dựng đáng kể, phần lớn các xã đã có trường học xây kiên cố. Tuy nhiên, ở các thôn bản vẫn còn nhiều phòng học tranh tre, tạm bợ.
Theo kết quả khảo sát, ở huyện Quế Phong (Nghệ An) tính đến hết năm 2009 – 2010, đã xây được 578/723 phòng học kiên cố, đạt 79,94% tổng số phòng học hiện có. Ở huyện Quan Hóa (Thanh Hoá), ngành mầm non đã được đầu tư kiên cố hóa 93/185 phòng học, tiểu học 216/313 phòng, THCS 126/156 phòng. Ở huyện Mường Lát (Thanh Hoá), ngành mầm non đã đầu tư kiên cố được 3 phòng học và đang xây 53 phòng học; bậc tiểu học kiên cố hoá được 12 phòng và đang xây 8 phòng; bậc THCS kiên cố hóa được 28 phòng. Như vậy, số phòng học chưa được kiên cố hóa ở khu vực miền núi Thanh - Nghệ còn khá nhiều và cần một số vốn đầu tư không nhỏ để kiên cố hóa toàn bộ. Bên cạnh đó, phải kể đến nạn lũ quét hằng năm khiến cho trường lớp, cơ sở vật chất ở các khu vực miền núi vốn đã tạm bợ lại càng hư hỏng nặng, thậm chí bị cuốn trôi. Việc khôi phục lại cũng tiêu tốn không ít công sức, tiền của.
Tất cả các trường đều thiếu các phòng chức năng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành và phòng lưu giữ sách, tài liệu, thiết bị giảng dạy hay sân tập thể dục. Thậm chí ở trường THCS DTNT Kỳ Sơn (Nghệ An) chưa có hội trường của giáo viên; một số thiết bị phải để ở nhà ăn của giáo viên. Mọi cuộc họp và sinh hoạt của nhà trường, giáo viên và học sinh đều phải tổ chức vào buổi tối hoặc Chủ nhật, ngày lễ, ngày nghỉ; các đợt chuẩn bị kỳ thi học sinh giỏi hoặc học sinh tốt nghiệp không có phòng để ôn tập, bồi dưỡng.
Ở một số nơi, nhà trường muốn dựng tạm các phòng học tranh, tre, nứa nhưng không được Phòng Giáo dục cho phép vì sợ không cân xứng với những dãy nhà mới xây gần đây và hơn nữa nó đi ngược lại với chương trình xoá phòng học tranh, tre, nứa lá mà ngành giáo dục đang phấn đấu hoàn thành. Trong khi đó, tất cả các trường đều phải trông chờ nguồn vốn đầu tư từ Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Phòng Giáo dục. Mâu thuẫn này khiến cho tình trạng thiếu phòng học tiếp tục kéo dài.
Ngoài sự thiếu thốn về phòng học, bàn ghế cho học sinh và giáo viên ở những trường này cũng thiếu và còn ở dạng thô sơ. Tất cả các giáo viên được phỏng vấn đều cho rằng số lượng bàn ghế thiếu tương đương với số phòng học thiếu. Thêm vào đó, các phòng học hiện tại cũng cần được bổ sung thêm bàn ghế. Vì hiện nay, bàn ghế dành cho 2 học sinh thì có tới 4 học sinh phải sử dụng, hoặc bàn ghế cho 4 học sinh thì lại có tới 7 học sinh dùng chung. Hơn nữa, nhiều bàn ghế đã quá cũ kỹ và hỏng hóc.
Thêm vào đó, nhà nội trú cho học sinh cũng là một khó khăn lớn đối với các trường. 24 em phải ở chung trong một phòng chỉ rộng khoảng 12 m2. Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn uống đến học tập đều diễn ra ở trên giường. Chưa kể đến nhu cầu bán trú dân nuôi là rất lớn nhưng cơ sở vật chất của trường không đáp ứng được. Không có nhà ở cho học sinh bán trú nên nhiều học sinh ở các bản xa thường đi bộ hoặc đạp xe đến trường trong phạm vi bán kính 10 km hoặc dựng lán tạm ở ngay cạnh trường. Nhiều em phải ở trọ tại những gia đình gần trường với giá thông thường là 50 - 60.000 đồng/tháng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với đồng bào DTTS.
Nhà ở cho giáo viên vẫn tiếp tục là một vấn đề nan giải với hầu hết các trường. Trước năm 2005, giáo viên nhiều trường không có nhà ở. Diện tích phòng ở trung bình cho tất cả các giáo viên là 3 m2/người. Thông thường, 2 hoặc 3 giáo viên phải ở chung một phòng. Những ai có gia đình thì được ở một phòng riêng, rộng chừng 6 - 9 m2. Rất ít giáo viên có nhà riêng. Ở một số trường, giáo viên đã lập gia đình và dạy lâu năm được ưu tiên mua đất, hoặc mượn đất của nhà trường làm nhà nên có thể phát triển nghề phụ gia đình như chăn nuôi, trồng trọt hoặc mở cửa hàng tạp hoá tăng thêm thu nhập.
Ngay ở cả những trường tại thị trấn, điều kiện sinh hoạt của giáo viên cũng rất khó khăn. Do nguồn nước ở xa nên việc cung cấp nước không được đầy đủ. Học sinh trường DTNT Kỳ Sơn (Nghệ An) thường phải tắm suối. Điện dùng cho sinh hoạt ở những khu vực này cũng không ổn định. Nhiều trường chưa có điện lưới, phải dùng máy nổ phát điện trong khoảng thời gian từ 6 h đến 21 h. Sau đó, giáo viên muốn soạn giáo án phải dùng đèn dầu. Nhà vệ sinh và nhà tắm cho giáo viên, học sinh ở những trường này cũng còn thiếu và chưa đảm bảo yêu cầu.
Thực trạng thiếu trường lớp vẫn tồn tại ở các xã vùng cao, xa xôi, hẻo lánh, như: Mường Lống - huyện Kỳ Sơn, Thông Thụ - huyện Quế Phong (Nghệ An). Lớp tạm nhiều, chưa xây dựng được phòng học kiên cố là tình trạng khá phổ biến. Các trường cần nguồn kinh phí khá lớn để tháo gỡ phần nào khó khăn này, trong khi có một thực tế là các xã miền núi cao đều phải chờ đợi sự hỗ trợ từ tỉnh và Nhà nước, khó có thể chủ động khắc phục.
Hiện nay, hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An đang có kế hoạch quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp, tiến tới hình thành các trường Chuẩn quốc gia miền núi. Song đây là một mục tiêu khó đạt được do các nguyên nhân: thiếu đất để xây dựng trường, số lượng học sinh ít, trình độ học sinh còn thấp.
1.3. Thực trạng học sinh phổ thông
Những năm qua, số lượng học sinh các cấp ở các huyện miền núi Tây Thanh - Nghệ đã tăng đáng kể. Tại huyện Quan Hóa, năm 2009, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non là 26,03%, tăng 3,8% so với năm học trước. Bậc mẫu giáo, toàn huyện có 125 lớp với 2.219/2.289 cháu trong độ tuổi, tỷ lệ huy động đạt 98,6%, tăng 3,9% so với năm học trước. Riêng trẻ 5 tuổi huy động ra lớp là 782/786 cháu, đạt 99,5%. Học sinh các cấp tiểu học, THCS, THPT và học viên trung tâm Giáo dục thường xuyên đều tăng về số lượng.
Vào thời điểm tháng 5 năm 2009, trên địa bàn huyện Quế Phong, theo thống kê, số cháu đi nhà trẻ là 310 cháu, số cháu đi mẫu giáo là 2.758 cháu, số cháu 5 tuổi đi học mẫu giáo đầu năm học/số cháu 5 tuổi là 1.222/1.286. Bậc tiểu học huy động theo liên bản từ lớp 1 đến lớp 3; các lớp 4 và lớp 5 về trường chính học, vì thế bậc mầm non và tiểu học huy động được tối đa số học sinh theo kế hoạch. Tuy nhiên, ở Quế Phong, mỗi xã chỉ có 01 trường THCS. Do địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nên việc huy động không đạt kế hoạch, vẫn còn hiện tượng học sinh bỏ học.
Cùng với sự gia tăng không ngừng về số lượng, chất lượng học sinh ở các cấp học cũng đã có chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được giữ vững. Số học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Số học sinh thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cũng tăng lên. Cụ thể:
Tại huyện Quế Phong - Nghệ An, do các trường thực hiện tốt chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng đổi mới, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, từng trường, nên chất lượng giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao. Ở bậc tiểu học và THCS, học sinh được tiếp cận với các môn học mới như ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học và tham gia một số hoạt động ngoại khóa như giao lưu tiếng Anh, “nói lời hay, viết chữ đẹp”... Nhờ vậy, học sinh thêm mạnh dạn, tự tin.
Tại huyện Quan Hóa - Thanh Hóa, năm học 2009 - 2010, số học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS là 100%, tốt nghiệp THPT là 99,5%, 15 em vào các trường Đại học, 17 em học Cao đẳng... Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện Quan Hóa đều có học sinh tham gia và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là trình độ của học sinh miền núi còn cách biệt rất xa so với khu vực đồng bằng. Qua điều tra thực tế tại một số trường THCS ở huyện Anh Sơn, Kỳ Sơn - Nghệ An, có những học sinh lớp 6, lớp 7 vẫn chưa đọc thông viết thạo. Trong đó chủ yếu là con em dân tộc Thái. Điều này gây cho giáo viên không ít khó khăn, vì nếu dạy theo đúng chương trình quy định thì số học sinh này không thể theo kịp; nếu dạy chậm lại cho phù hợp với trình độ thực tại của các em thì ảnh hưởng đến chương trình và các học sinh khác.
Qua khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những dấu hiệu khởi sắc của giáo dục miền núi Tây Thanh - Nghệ, những hạn chế vốn tồn tại từ lâu nay như một căn bệnh mãn tính và những bất cập mới nảy sinh vẫn còn rất nhiều, trong đó đáng chú ý nhất là tình trạng học sinh bỏ học.
Kết quả khảo sát tại huyện Quế Phong – Nghệ An cho thấy: năm học 2009, số học sinh tiểu học bỏ học là 4 em, THCS là 131 em, THPT là 106 em.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là:
- Một số học sinh bị hổng kiến thức, học lực kém.
- Do tác động của các yếu tố tộc người.
Ở đây, chúng tôi phân tích kĩ yếu tố tộc người, bởi nó không chỉ là nguyên nhân khiến nhiều học sinh bỏ học mà còn là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến thực trạng giáo dục phổ thông ở miền Tây Thanh - Nghệ.
Trước hết là yếu tố kinh tế: Khu vực phía Tây Thanh - Nghệ, phần lớn đồng bào dân tộc đều thuộc diện nghèo nên các gia đình ít có điều kiện cho con em đi học. Vì khó khăn nên nhiều em đã phải bỏ học để giúp đỡ gia đình sản xuất, đặc biệt là học sinh THCS và THPT. Một số em phải ở trọ do trường quá xa nhà, hằng tháng phải chi một khoản tiền phòng và tiền ăn tương đối lớn nên không thể theo học được.
Về nhận thức, cho đến nay, một bộ phận đồng bào DTTS vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của giáo dục. Nhiều phụ huynh không biết chữ hoặc trình độ văn hóa có hạn nên thường phó mặc con cái cho thầy, cô giáo và nhà trường.
Về trình độ tư duy, học sinh dân tộc ở cấp tiểu học thường mang tính trực quan, không linh hoạt, thậm chí nhiều khi rập khuôn, máy móc. Vì vậy, khi giáo viên cung cấp các khái niệm, quy tắc để giải toán hay viết một đoạn văn thì các em lúng túng và diễn tả không rõ nghĩa. Những đặc điểm đó dễ tạo ra lỗ hổng kiến thức, khiến các em chán nản và bỏ học. Hơn nữa, các em học sinh vùng đồng bào dân tộc vốn quen sống tự do, phóng khoáng ở làng, bản nên khi đến trường, các em thường chậm thích nghi với hoàn cảnh mới và khó hoà nhập với tập thể... Học sinh vùng này thường đi học muộn. Trong một lớp, độ tuổi của học sinh có sự khác nhau nên việc tiếp thu kiến thức rất không đồng đều. Điều này đã dẫn đến tình trạng tái mù chữ ở một số bản, nhất là bản người Hmông. Đây là thách thức không nhỏ mà các tỉnh, huyện và trực tiếp là các Phòng Giáo dục chưa giải quyết được triệt để.
Bên cạnh đó, các tập quán sinh hoạt lạc hậu, các phong tục ma chay, cưới xin, lễ hội... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ thời gian dành cho học tập của học sinh tới môi trường giáo dục của nhà trường. Đặc biệt, tập quán kết hôn sớm ở một số tộc người khiến nhiều em phải bỏ học giữa chừng (nhất là các em gái), tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông. Một số trường hợp hôn nhân cận huyết còn gây ảnh hưởng đến nòi giống, làm suy giảm chất lượng giáo dục.
Các quan hệ gia đình và xã hội (thân tộc, thích tộc, người có vị trí trong xã hội) ảnh hưởng khá rõ nét đến giáo dục phổ thông. Nơi nào phát triển vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ thì việc vận động con em đi học cũng dễ dàng hơn, đặc biệt là ở người Hmông. Những gia đình, dòng họ có một số người có vị trí xã hội thì thường giúp đỡ, tạo điều kiện để con cháu mình được học tập đầy đủ hơn.
Tập quán sản xuất cũng ảnh hưởng phần nào tới giáo dục phổ thông, điển hình là ở đồng bào Hmông. Do có tập quán sản xuất du canh, du cư nên họ thường xuyên di chuyển từ nơi này đến nơi khác khiến cho việc học tập của con em họ không được ổn định. Hơn nữa, còn có một số gia đình di cư sang Lào, sau đó lại quay về nước, trong thời gian đó, việc học của con em họ bị gián đoạn, không theo kịp chương trình. Đây là một trong những nguyên nhân làm suy giảm chất lượng giáo dục, đồng thời cũng là vấn đề bức xúc, đòi hỏi các cấp chính quyền, các ban, ngành, đặc biệt là ngành giáo dục lưu tâm.
Rất khó để thay đổi các yếu tố tộc người vì nó đã “ăn sâu bám rễ” vào đời sống của đồng bào. Do vậy, cần nhiều thời gian để vận động họ thay đổi các tập quán cũ, lạc hậu sao cho phù hợp với đời sống mới.
Một vấn đề bất cập nữa mà chúng tôi hết sức quan tâm là sắp xếp công ăn việc làm cho các em sau khi đã hoàn thành chương trình học và trở về địa phương. Thực tế là một số em học tốt, thậm chí học xong bậc cao đẳng, đại học vẫn không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không phù hợp với năng lực và chuyên ngành đã học, trong khi đó, những học sinh học theo hệ cử tuyển, sau khi ra trường lại được huyện bố trí công việc. Mặc dù các huyện cũng đã cố gắng sắp xếp các em vào làm tại các vị trí như cán bộ văn hóa xã, kế toán… nhưng vẫn chưa giải quyết hết được tất cả các trường hợp. Sở dĩ khó giải quyết vì các em thường theo nhau thi chung một nghề, chủ yếu là nông nghiệp, lâm nghiệp, sư phạm… trong khi ngành tài chính, xây dựng… đang thiếu nhân lực thì số lượng học sinh thi vào lại rất ít.
Ngoài các bất cập trên đây, tình trạng mù chữ và tái mù chữ cũng đang là trở lực lớn đối với sự phát triển của ngành giáo dục các huyện Tây Thanh - Nghệ. Theo số liệu thống kê, tổng số học viên mù chữ trong độ tuổi ở khu vực Tây Nghệ An là 5.190 người, tổng số học viên xóa mù chữ là 550 người, số học viên sau xóa mù chữ là 1.159 người, được công nhận mãn khóa là 1.140 người; tổng số học viên tái mù chữ là 442 người, trong đó 368 người dân tộc. Số liệu trên cho thấy, số người mù chữ và tái mù chữ ở các huyện miền Tây Nghệ An còn khá nhiều. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo chống mù chữ cấp tỉnh và định kỳ 6 tháng tổ chức họp một lần, các huyện cũng kịp thời thành lập Ban chỉ đạo chống mù chữ cấp huyện. Danh sách con em các gia đình dân tộc đều được tỉnh nắm rõ, nhờ vậy có thể kiểm soát tỷ lệ trẻ đến độ tuổi đi học. Kinh phí xóa mù được tỉnh cung cấp. Theo quy định của Ban chỉ đạo, học sinh nào đến độ tuổi mà vẫn không tới lớp thì chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm. Đối với hiện tượng tái mù chữ, địa phương đã kết hợp với bộ đội biên phòng liên tục bồi dưỡng xóa mù chữ và sau xóa mù chữ. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…) đều chung tay tham gia, vận động học sinh đến lớp và quay trở lại lớp. Cách thức này đã cho kết quả khá tích cực.
1.4. Chính sách đối với học sinh
Nhằm động viên con em các gia đình DTTS ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo đến trường và hoàn thành chương trình học, Nhà nước và các địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt. Học sinh trường phổ thông DTNT được bố trí ăn nghỉ tại trường, tài liệu học tập được mượn theo từng năm học, nhà trường có phòng đọc, thư viện phục vụ học sinh, hằng năm tổ chức cho các em đi tham quan học tập. Riêng ở Nghệ An, năm học 2009 - 2010 có 1.988 em được hưởng chế độ học sinh DTNT. Tỉnh đã thực hiện cấp đủ số tháng, số tiền từng tháng cho học sinh các trường phổ thông DTNT trong tỉnh, truy lĩnh đầy đủ phần chênh lệch do nâng từ mức lương tối thiểu 540.000 lên 650.000đồng. Ngoài ra, theo Quyết định 39 năm 2004 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, học sinh vùng cao đỗ Đại học chính quy được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; học sinh đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi được thưởng 200.000 đồng.
Về công tác tuyển sinh, những năm qua, các trường thuộc khu vực miền Tây Thanh - Nghệ đã thực hiện rà soát chu đáo nhằm khắc phục tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Công tác tuyển sinh theo chế độ cử tuyển ở hai tỉnh được thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2008, số chỉ tiêu được phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là: Đại học có 80 chỉ tiêu, Cao đẳng có 80 chỉ tiêu, cử tuyển theo dự án của Bộ Y tế là 31 chỉ tiêu.
Trước đây, các tỉnh chủ yếu căn cứ vào sự phân bổ để cử học sinh đi học. Do vậy đã dẫn tới tình trạng nhiều học viên cử tuyển sau khi học xong về địa phương không sử dụng được do trình độ hạn chế, trong khi yêu cầu công việc ngày một cao. Kể từ khi có Quyết định 134, quy định đối với học sinh cử tuyển rõ ràng hơn. Theo đó, các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế (đang cần ngành nghề nào) để đăng ký danh sách và gửi lên tỉnh. Từ đó, một Hội đồng xét duyệt gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc, Sở Nội vụ được thành lập để xét duyệt hồ sơ. Sau khi hoàn tất thủ tục xét duyệt, Sở sẽ phân bổ về các dân tộc cụ thể và gửi học sinh đến các trường cao đẳng, đại học.
Có thể nói, công tác cử tuyển tại Thanh Hóa và Nghệ An ngày càng đi vào thực chất, phù hợp với nhu cầu thực tế. Quá trình hướng dẫn thủ tục, thu nhận hồ sơ, tổ chức xét tuyển từ huyện đến tỉnh đảm bảo nghiêm túc, công bằng, dân chủ, đúng vùng tuyển, đúng đối tượng và đúng quy chế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực trong công tác tuyển sinh theo chế độ cử tuyển, vẫn còn tồn tại một vài khó khăn như: học viên của một số dân tộc không đáp ứng đủ điều kiện để đi học, dẫn đến tình trạng địa phương thiếu cán bộ. Nếu tạo điều kiện cho số học viên đó đi học thì khó có thể đảm bảo chất lượng “đầu ra”. Khó khăn thứ hai là bố trí, sắp xếp công việc cho học viên sau khi đã hoàn thành chương trình học.
1.5. Thực trạng đội ngũ giáo viên
Đội ngũ giáo viên là vấn đề được đặc biệt quan tâm, không chỉ ở khu vực miền núi mà ở cả khu vực đồng bằng, thành thị. Bởi lẽ họ chính là lực lượng đóng vai trò quyết định đối với chất lượng đào tạo. Một nền giáo dục có đội ngũ giáo viên đồng đều với trình độ năng lực tốt, tâm huyết, trách nhiệm thì chất lượng giáo dục sẽ có điều kiện phát triển.
Qua điều tra, khảo sát, chúng tôi nhận thấy thực trạng đội ngũ giáo viên ở khu vực Tây Thanh - Nghệ có rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm, xem xét.
Về số lượng: Những năm qua, số lượng giáo viên các cấp trên toàn tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đều tăng. Cụ thể:
Ở huyện Quan Hóa, năm học 2009 - 2010, tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên là 1.171 người (Mầm non 287 người, Tiểu học 440 người, THCS 364 người, trung tâm giáo dục thường xuyên 16 người) cơ bản đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo yêu cầu dạy học hiện nay ở miền núi.
Tại huyện Mường Lát, nhìn chung, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đã đáp ứng đủ số lượng: năm học 2009 - 2010, tổng số giáo viên Mầm non là 170 người, Tiểu học là 333 người, THCS là 213 người.
Song ở Nghệ An, hiện nay đang tồn tại một nghịch lý. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, lượng giáo viên toàn tỉnh đang ở mức “dôi thừa” (đặc biệt, cấp THCS thừa trên 1.000 giáo viên), song thừa toàn thể mà lại thiếu cục bộ, nghĩa là khu vực miền núi phía Tây vẫn đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên người DTTS. Thực trạng này liên quan đến chính sách luân chuyển cán bộ mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau của bài viết.
Về chất lượng: Xét trên mặt bằng chung, trình độ giáo viên các cấp học đã được nâng cao so với trước. Đội ngũ giáo viên được trẻ hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giáo dục.
Ở Nghệ An, trước năm 1995, trình độ giáo viên được phân thành 18 loại (như 4 + 1; 4 + 2,... cao đẳng, đại học). Kể từ năm 2003, tỉnh thực hiện chủ trương đánh giá trình độ giáo viên theo chuẩn 109 nhằm hướng tới mục tiêu thống nhất trình độ giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, tình trạng “đa trình độ” trong đội ngũ giáo viên vẫn tồn tại. Cũng tại tỉnh Nghệ An, qua làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi được biết: năm 1992, theo chủ trương chung của Nhà nước, tỉnh thực hiện phổ cập xóa mù chữ; thời điểm này, do thiếu giáo viên nên Sở đã đào tạo cấp tốc hàng loạt giáo viên. Song sau khi nhiệm vụ phổ cập đã hoàn thành, tỉnh lại rơi vào tình trạng thừa giáo viên trầm trọng. Nguyên nhân là: Số lượng học sinh từ cấp Tiểu học bắt đầu bão hòa, nhờ thực hiện tốt chính sách sinh đẻ có kế hoạch và phổ cập đúng độ tuổi nên số học sinh Tiểu học giảm khá nhanh: trước năm 1992, tỉnh có 54 vạn em, đến năm 1995, chỉ còn 44 vạn và nay con số này giảm xuống còn 22 vạn.
Qua đây, có thể thấy: chúng ta mới chỉ có sách lược đào tạo mà chưa có chiến lược sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, lâu dài và hiệu quả. Việc đào tạo kiểu “thời vụ” hàng loạt giáo viên có tính hai mặt: tích cực vì nó đáp ứng được nhiệm vụ cấp thiết trước mắt là xóa nạn mù chữ, song cũng để lại không ít hệ quả. Hai hệ quả thấy rõ nhất là: nhiều giáo viên do được đào tạo cấp tốc nên khi yêu cầu chất lượng giáo dục tăng cao, họ không đủ khả năng đáp ứng và đứng trước nguy cơ mất việc làm. Một số người đã nhiều tuổi đành phải chờ nghỉ hưu (hưởng nguyên lương), một bộ phận trẻ tuổi được chuyển sang công tác khác (văn thư...) hoặc được cử đi đào tạo thêm. Nguồn ngân sách để giải quyết cả hai trường hợp trên không nhỏ.
Nhìn chung, những năm qua, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngành giáo dục tại các địa phương mà chúng tôi khảo sát đã cơ bản đáp ứng đủ số lượng. Tại các trường, giáo viên đã chủ động tìm tòi, tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tích cực năng lực của học sinh, đồng thời giáo viên được tiếp xúc với một số phương tiện hiện đại như Internet để cập nhật thông tin, phục vụ giảng dạy. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Giáo viên dù đã được tạo điều kiện tham gia các lớp nâng cao trình độ, chuẩn về bằng cấp nhưng năng lực giảng dạy thực chất vẫn còn nhiều hạn chế, ý thức trách nhiệm, sự nhiệt tình của một số giáo viên chưa cao, thiếu tâm huyết với nghề. Các biện pháp chế tài nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên chưa được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí, trong năm học qua, tuy chưa có báo cáo chính thức nhưng đã xuất hiện dư luận về hiện tượng cán bộ, giáo viên tham gia cho vay lãi, dẫn đến vỡ nợ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà giáo đối với nhân dân và học sinh.
1.6. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên
Chính sách, chế độ đối với giáo viên thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với nền giáo dục. Những năm qua, các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên trên cả nước đã thường xuyên thay đổi và có hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao mức sống của giáo viên, giúp họ an tâm theo đuổi nghề nghiệp và nâng cao trách nhiệm với nghề. Với giáo viên ở các khu vực miền núi, hải đảo, từ cấp Trung ương đến cơ sở đều có sự ưu tiên và quan tâm đặc biệt.
1.6.1. Chính sách tiền lương, phụ cấp
Các chế độ tiền lương và phụ cấp cho giáo viên được thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Cụ thể: đội ngũ giáo viên ngành giáo dục đã và đang được hưởng hệ số lương và phụ cấp đứng lớp theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06-10-2005 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20-6-2006 của Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường công lập.
Những chính sách nói trên vừa hỗ trợ về mặt vật chất vừa có tác dụng động viên tinh thần đối với đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục. Song qua điều tra thực tế tại các huyện miền núi Tây Thanh - Nghệ, chúng tôi nhận thấy, đời sống của đại đa số giáo viên vẫn hết sức khó khăn. Mức lương của một giáo viên hợp đồng ở một trường THCS tại huyện Anh Sơn - Nghệ An là 1,2 triệu đồng/tháng, khó có thể trang trải đủ các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, chưa kể khoản tiền phải đóng góp hàng tháng của mỗi giáo viên cho các loại quỹ, các tổ chức (quỹ của Hội Chữ thập đỏ, quỹ miền núi hải đảo, quỹ khuyến học của xã...). Mức tiền thưởng cho giáo viên trong các đợt bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi và các dịp lễ tết hết sức khiêm tốn. Giáo viên có công đào tạo một học sinh đạt thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi huyện chỉ nhận được 30.000 đồng tiền thưởng từ nhà trường, còn huyện không có bất cứ sự hỗ trợ nào. Nếu làm một phép so sánh đơn giản giữa thu nhập của một giáo viên cấp Tiểu học, cấp THCS ở các trường thuộc miền núi Tây Thanh - Nghệ với các giáo viên ở thành phố, chúng ta sẽ không khỏi giật mình bởi mức chênh lệch quá lớn. Không khó để lí giải nguyên nhân của sự chênh lệch này, song hoàn toàn không dễ để thu hẹp được khoảng cách đó.
1.6.2. Chính sách đào tạo cán bộ, giáo viên
Song song với các chính sách nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống của cán bộ giáo viên, hai tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa cũng rất chú trọng khâu bồi dưỡng, đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho Hiệu trưởng và giáo viên trường bán trú hoặc có khu bán trú được tổ chức khá thường xuyên. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đã từng bước cải thiện.
Như đã nói ở trên, để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nhiều giáo viên ở khu vực miền núi Tây Thanh - Nghệ đã được cử đi đào tạo thêm. Từ đây cũng nảy sinh một thực tế là những giáo viên không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu mới khó tránh khỏi sự “đào thải” (phải chờ nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác). Đội ngũ giáo viên có thuận lợi là được nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy, song họ cũng luôn đứng trước áp lực phải không ngừng nâng cao năng lực để “bám trụ” được với nghề. Áp lực nghề nghiệp cộng với áp lực về đời sống - kinh tế khiến không ít giáo viên chán nản, muốn bỏ nghề. Đây không chỉ là thực trạng của riêng khu vực Tây Thanh - Nghệ mà là thực trạng chung của ngành giáo dục ở các khu vực miền núi trên cả nước.
1.6.3. Chính sách luân chuyển cán bộ
Có thể nói, chính sách luân chuyển cán bộ là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Cả hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đều thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên cho các huyện vùng cao. Tỉnh và huyện đều phân định rõ các xã thuộc vùng kinh tế - xã hội thuận lợi và các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hay đặc biệt khó khăn. Đối tượng luân chuyển là tất cả đội ngũ giáo viên, trừ những người thuộc diện ưu tiên như con liệt sĩ, con độc nhất của thương binh 1/4, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chẳng hạn: Con độc nhất trong gia đình có bố mẹ đau ốm thường xuyên hoặc tàn tật.
Trước đây, theo Quyết định 93, giáo viên công tác ở miền núi: nam sau 5 năm, nữ sau 3 năm thì được chuyển về miền xuôi. Tuy nhiên vài năm gần đây, chính sách luân chuyển này đang tạm thời chững lại. Nhiều giáo viên công tác ở miền núi quá thời gian quy định trong Quyết định 93 vẫn chưa có cơ hội về xuôi. Rõ ràng, chính sách luân chuyển cán bộ chưa được thực hiện triệt để, gây thiệt thòi cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên miền núi. Việc họ nảy sinh tâm lý chán nản là hoàn toàn dễ hiểu.
Bên cạnh đó, một thực tế khá phổ biến là một số giáo viên không có ý định hoặc có ý định nhưng không thể về xuôi, do: đã ổn định gia đình ngay tại địa phương công tác hoặc do giáo viên ở miền xuôi có trình độ cao hơn, nếu họ về xuôi sẽ ít được đứng lớp và phải chịu nhiều áp lực hơn.
Trong quá trình chúng tôi làm việc tại Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phản ánh một vấn đề bất cập sau: trong khi các giáo viên ở khu vực miền Tây của tỉnh được hưởng chế độ ưu đãi của Trung ương và địa phương thì những người làm công tác quản lý giáo dục tại đây lại chưa được hưởng chế độ đó. Điều này cho thấy phần nào hạn chế của cả Trung ương và địa phương trong khi xây dựng chính sách, chưa có sự chú ý toàn diện, đúng mức đến mọi đối tượng đáng được hưởng ưu tiên.
Nhìn chung, giáo dục ở khu vực Tây Thanh - Nghệ thời gian qua có những chuyển biến đáng khích lệ: hệ thống giáo dục được hoàn thiện, quy mô trường lớp ngày một mở rộng. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tăng cường nhờ chính sách đầu tư của Nhà nước qua các chương trình cụ thể như Chương trình kiên cố hóa trường lớp, Chương trình 135. Số lượng học sinh các cấp tăng dần qua các năm. Cùng đó, chất lượng giáo dục cũng từng bước được cải thiện. Đội ngũ giáo viên cũng phát triển về số lượng và ngày càng được chuẩn hóa về trình độ. Một trong những thành tựu quan trọng của ngành giáo dục các huyện miền núi Tây Thanh - Nghệ những năm qua là đã giảm thiểu được tình trạng mù chữ; huy động được tối đa số trẻ trong độ tuổi đến trường, tiến tới phổ cập đúng độ tuổi; số học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Có được những thành tựu này là do các địa phương đã thực hiện đầy đủ và tương đối có hiệu quả các chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan và thẳng thắn những khó khăn và hạn chế mà ngành giáo dục vùng Tây Thanh - Nghệ đã và đang gặp phải. Trong đó đáng kể nhất là tình trạng mù chữ, tái mù chữ, bỏ học và các mô hình lớp ghép, lớp nhô vẫn còn tồn tại; cơ sở vật chất phục vụ giáo dục chưa đồng bộ; tình trạng thiếu lớp học, thiếu trang thiết bị dạy học, thiếu nhà ở cho học sinh và giáo viên còn phổ biến ở nhiều trường thuộc vùng sâu vùng xa; chất lượng dạy và học còn chênh lệch khá xa so với khu vực đồng bằng; việc thực hiện các chính sách giáo dục của Nhà nước tại các địa phương còn nhiều bất cập... Để thay đổi bức tranh giáo dục vùng Tây Thanh - Nghệ, phải tháo gỡ từng khó khăn một trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa việc thực hiện đúng và đầy đủ chính sách ưu tiên cho giáo dục miền núi của Nhà nước với việc phát huy vai trò của các yếu tố truyền thống của mỗi địa phương đối với hoạt động văn hóa - giáo dục.
2. Kiến nghị - giải pháp
Căn cứ vào thực trạng nêu trên và dựa vào những đặc điểm riêng biệt của khu vực về tự nhiên - kinh tế - văn hóa - xã hội, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị và giải pháp, nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống giáo dục miền Tây Thanh - Nghệ nói riêng, giáo dục cả nước nói chung. Chúng tôi tạm thời chia ra các nhóm giải pháp sau đây:
2.1. Nhóm giải pháp về kinh tế
Để phát triển văn hóa - giáo dục, trước hết, đời sống của người dân phải được đảm bảo. Việc Chính phủ, địa phương “rót” vốn hỗ trợ cho người dân chỉ có thể tạm thời làm giảm bớt khó khăn, muốn để người dân chủ động trong kinh tế thì bên cạnh việc trợ giúp vốn, công cụ sản xuất, quan trọng hơn là phải hướng dẫn cho họ cách thức sản xuất sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ khi đời sống ổn định, sản xuất phát triển, người dân mới có thể nghĩ đến việc đầu tư cho con cái học hành. Đồng thời, tình trạng trẻ em bỏ học theo bố mẹ lên nương rẫy làm ăn cũng từ đó mà giảm bớt.
2.2. Nhóm giải pháp về nhận thức
Một trong những nhân tố hàng đầu để thay đổi được những hạn chế đang tồn tại trong ngành giáo dục khu vực Tây Thanh - Nghệ (và chung cho cả nước) chính là sự thay đổi về mặt nhận thức của người dân, đặc biệt là của đồng bào DTTS đối với giáo dục. Địa phương cần thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào hiểu tác dụng của việc học thông qua những ví dụ thực tế (chẳng hạn: được học hành đầy đủ, sẽ có nhiều cơ hội làm các công việc có thu nhập tốt).
Bấy lâu nay, người dân vẫn quen “chờ đợi”, thậm chí ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là một thói quen tiêu cực, đã ăn sâu vào ý thức của người dân. Để thay đổi thói quen này, cần một thời gian lâu dài, trước hết phải hướng người dân đến sự chủ động trong mọi lĩnh vực đời sống. Ngay cả với giáo dục, không thể cứ trông chờ vào các chính sách của Nhà nước mà chính mỗi gia đình, mỗi người dân cũng phải có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển của giáo dục thông qua các hoạt động như: góp sức để xây dựng trường lớp, động viên con em đi học ...
2.3. Nhóm giải pháp về chính sách
- Tập trung đào tạo nguồn lực cán bộ, giáo viên cả về trình độ chuyên môn, phương pháp làm việc lẫn đạo đức nghề nghiệp bằng nhiều hình thức mềm dẻo, linh hoạt. Đặc biệt, tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS, để vừa góp phần nâng cao trình độ chung của đồng bào dân tộc vừa thuận lợi trong việc tiếp cận và giúp đỡ các học sinh thuộc khu vực DTTS. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch rà soát, kiểm tra lại toàn bộ số giáo viên hiện đang trong biên chế về trình độ đã được đào tạo. Những giáo viên chưa tới 40 tuổi có trình độ đào tạo dưới chuẩn nhưng phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề và có nhu cầu gắn bó lâu dài với nghề, có năng lực thì nên bố trí đào tạo lại cho họ đạt chuẩn.
Ngoài ra, Nhà nước và địa phương cần có sự hỗ trợ thích đáng và có chính sách luân chuyển cán bộ hợp lí để đời sống giáo viên được đảm bảo, giúp họ an tâm công tác và nhiệt tâm với nghề.
- Như đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học ở khu vực Tây Thanh - Nghệ là do tập quán di cư của người Hmông. Do vậy, một chính sách hướng tới mục tiêu hạn chế hiện tượng di cư, giúp đồng bào ổn định đời sống tại địa phương sẽ là hết sức cần thiết. Chính sách này không những có tác dụng tích cực đối với giáo dục (ổn định số lượng học sinh) mà còn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh biên giới.
- Kêu gọi các hoạt động ủng hộ, đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan ban, ngành, các địa phương đối với giáo dục vùng dân tộc và miền núi. Tích cực khuyến khích phong trào tình nguyện của các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Bộ đội biên phòng để góp phần xóa bỏ khoảng cách về mọi mặt (trong đó có giáo dục) giữa miền núi và đồng bằng, nông thôn và thành thị. Vì các hoạt động này trong những năm qua đã phát huy hiệu quả thực sự.
3. Kết luận
Ngành giáo dục Việt Nam, kể từ sau ngày thống nhất đến nay đã đi một quãng đường dài và đạt được những bước tiến xa. Một trong những thành tựu quan trọng nhất là chúng ta đã đẩy lùi được “giặc dốt” - loại giặc nguy hiểm nhất cản trở sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, giáo dục ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo đã có nhiều khởi sắc. Riêng trong phạm vi khảo sát của bài viết này (khu vực Tây Thanh - Nghệ), chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu thay đổi đáng mừng: hệ thống giáo dục được hoàn thiện, quy mô trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, số lượng và chất lượng học sinh, giáo viên đều được nâng cao. Đạt được những kết quả trên đây là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của địa phương, và sự tích cực của các cá nhân (học sinh, giáo viên, cán bộ) cũng như sự hỗ trợ, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân về cả vật chất lẫn tinh thần.
Có thể nói, sự ra đời và thực thi kịp thời các chính sách của Nhà nước trong thời gian qua đã đem lại những thay đổi đáng ghi nhận trong đời sống văn hóa cũng như sự nghiệp phát triển giáo dục, nâng cao dân trí ở khu vực miền Tây Thanh - Nghệ. Tuy nhiên, do rất nhiều nguyên nhân (chủ quan và khách quan), những thành quả mà chúng ta đạt được vẫn chưa thực sự như mong đợi. Những khó khăn, bất cập vẫn còn tồn tại, đòi hỏi sự “chung tay” của cả Nhà nước, địa phương và cộng đồng để khắc phục. Một trong những mục tiêu, cũng là biện pháp thiết thực để phát triển giáo dục hiện nay chính là “xã hội hóa” giáo dục. Một khi giáo dục được xã hội hóa, trách nhiệm sẽ không đổ dồn lên vai Nhà nước mà được san sẻ cho cả địa phương và nhân dân. Chẳng hạn, cách làm của người Thái, Khơ Mú ở khu vực Tây Nghệ An theo chúng tôi là hết sức hiệu quả. Họ giao trách nhiệm, nghĩa vụ trong mọi công việc đến từng gia đình, mỗi gia đình phải cố gắng thực hiện tốt trách nhiệm đó vì nó gắn với quyền lợi của chính họ. Và khi mỗi gia đình làm tốt sẽ có sức lan tỏa đến cả cộng đồng. Đây không chỉ là kinh nghiệm quý báu cho ngành giáo dục mà cho tất cả các lĩnh vực khác.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hữu Chí (2005), Thực hiện tăng cường đội ngũ giáo viên dân tộc thiểu số nước ta trong thời kỳ đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Trong sách: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa - Luận cứ, giải pháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Nguyễn Ngọc Thanh (2002), Khảo sát việc thực hiện chính sách giáo dục, y tế đối với trẻ em và phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, Báo cáo đề tài cấp Bộ, Ủy ban Dân tộc - UNICEF, Hà Nội.
3. Nguyễn Ngọc Thanh (2003), Thực hiện chính sách giáo dục đối với học sinh miền núi dân tộc thiểu số, Tạp chí nghiên cứu Giáo dục, (6), Hà Nội.
4. Nguyễn Ngọc Thanh (2004), Kết quả thực hiện chính sách giáo dục đối với giáo viên miền núi, dân tộc thiểu số, Kỷ yếu Hội nghị Thông báo Dân tộc học, Hà Nội.
2245
2291
22209
219107
121009
114521168