Đất Nghệ

Bia Kiên nghĩa ở đền thờ hai quận công Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng (xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An)

Vào thế kỷ 17, dưới sự thống trị của nhà Hậu Lê, đất nước ta bị phân chia bởi hai tập đoàn phong kiến có thế lực đối đầu nhau là Trịnh và Nguyễn. Cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” kéo dài suốt mấy chục năm (1612-1672) đã gây cho nhân dân cả hai miền Nam Bắc biết bao đau thương tang tóc. Đặc biệt là ở vùng miền Trung (Nghệ An – Hã Tĩnh) – ranh giới của cuộc phân tranh - cuộc chiến tranh lại ngày càng khốc liệt, nghiêm trọng. Cũng chính ở nơi đó, đã có những người anh hùng mang nặng tư tưởng “trung quân, ái quốc” đã cống hiến công sức của mình để phò giúp vua Lê, góp phần ổn định tình hình đem lại cuộc sống hòa bình cho nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh.

 Thời ấy, ở xã Bích Triều(1), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có hai anh em ruột là Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng có công phò giúp vua Lê chống lại nhà Nguyễn, lại có công trong việc đánh đuổi nhà Mạc ở vùng biên giới phía Bắc, từng được phong giữ nhiều chức trong triều đình nhà Lê. Sau khi hai ông mất, đều được truy tặng tước Quận công và được nhân dân ở các xã sở tại lập đền thờ cúng tế hàng năm.

Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng được sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục và võ nghệ. Thân phụ của hai ông là cụ Trần Văn Cảnh - từng giữ chức Cẩm vệ y, Đô đốc chỉ huy sứ đời vua Lê Thần Tôn (1623). Cụ Trần Văn Cảnh là người tài năng đức độ. Sau khi cụ mất, được nhân dân ở 4 xã và 2 giáp của tổng Bích Triều tôn làm Thành hoàng, được thờ cúng ở đình làng và khắc tên vào bia đá để ghi nhớ và lưu truyền công đức. Trần Hưng Học là con cả, sinh năm Tân Mùi (1631); Trần Hưng Nhượng là con thứ, sinh năm Ất Hợi (1635).

Sinh ra ở vùng đất miền Trung – là nơi tranh chấp của chúa Nguyễn và chúa Trịnh được tận mắt chứng kiến cảnh binh đao chết chóc đau lòng, lại trực tiếp phải chịu một cuộc sống vô cùng khốn khó do cuộc chiến tranh “nồi da nấu thịt” gây nên, Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng nuôi chí quyết tâm phò vua giúp nước. Được sự dạy bảo kèm cặp của người cha, cả hai ông đều tinh thông văn chương, võ nghệ và binh thư. Hai ông đã tập hợp được hơn một trăm trai tráng trong vòng cùng nhau lao động sản xuất, tích trữ lương thảo và luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ đuổi giặc giúp nước, cứu dân.

Năm Ất Mùi (1655), khi cuộc chiến Trịnh - Nguyễn ở vào giai đoạn quyết liệt: Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Tần mới lên ngôi, mưu đồ bành trướng ra đất Bắc; Đàng Ngoài, quân Trịnh đang cố gắng tăng cường tấn công, thu hồi lại những vùng đất đã bị chúa Nguyễn lấn chiếm từ trước. Cuộc sống của người dân ở vùng đất tranh chấp, vì vậy, càng thêm khốn khó muôn phần. Được sự bao bọc ủng hộ của nhân dân, đội quân của Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng với cách đánh du kích đã tiêu diệt được nhiều trại quân đóng lẻ của chúa Nguyễn trên đất Bắc. Nhà Nguyễn nhiều lần đem quân truy lùng nhằm tiêu diệt họ nhưng không được, mua chuộc dụ dỗ họ cũng chẳng xong. Chiến công và thanh thế của hai viên tướng trẻ và đội quân của họ ngày một vang xa, đến tận dinh luỹ của chúa Trịnh. Lúc bấy giờ, Tả đô đốc Đương Quận công Đào Quang Nhiêu - tướng của chúa Trịnh (Trịnh Tráng) đang trấn giữ vùng Nghệ An đã nhiều lần mời hai ông về tiếp kiến.

Nhận lời mời của Tả đô đốc Quận công Đào Quang Nhiêu, Trần Hưng Học và Trần Hưng Nhượng đem quân về với nhà Trịnh và được Tả đô đốc coi như người tâm phúc, giao cho chỉ huy đội quân “Tiền đội” trong các cánh quân tiên phong của ông. Hai ông đã có công lớn trong việc góp phần cùng với quân Trịnh giải phóng huyện Thanh Chương, sau đó là giải phóng 7 huyện ở mặt Nam sống Lam vùng Nghệ An (theo: Việt sử thông giám cương mục chính biên - Tập XV – Nxb Văn Sử Địa – 1962).

Sau khi quân Trịnh đại thắng, anh em Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng, đều được xét công thăng thưởng. Trần Hưng Học được giữ chức Thự vệ; Trần Hưng Nhượng được thăng Tả hiệu điểm.

Khi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn tạm thời lắng xuống, nhân dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh được trở lại yên ổn làm ăn, sinh sống. Anh em Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng được Trấn thủ Nghệ An là Đào Quang Nhiêu giao cho trấn giữ nơi giáp tuyến tranh chấp của hai bên Trịnh - Nguyễn. Đội quân của hai ông bấy giờ lên tới ba bốn trăm người, là lực lượng quan trọng của triều đình nhà Lê trong việc trấn giữ đất đai và tiến đánh quân nhà Nguyễn. Năm Canh Tuất (1670), trong đợt xét công “kiên nghĩa”, Trần Hưng Học được thăng chức Tham đốc; Trần Hưng Nhượng được thăng chức Thự vệ.

Năm 1672, vua Lê (Lê Gia Tông) dẫn đại quân tiến đánh phía Nam, quyết tâm thu hồi lại toàn bộ đất đai đã bị quân Nguyễn chiếm trước đây. Trong trận này, Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng được lệnh làm Quản thống đội quân tiên phong đánh địch. Quân Nguyễn do tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy chống cự lại quyết liệt, tuy bị thiệt hại nặng nề, song vẫn giữ được phần đất đai phía Nam của nhà Nguyễn. Đây là cuộc chiến cuối cùng giữa hai miền Nam - Bắc. Từ đó trở về sau, hai phe Trịnh - Nguyễn đình chiến, lấy sông Giang làm biên giới chia cắt giữa hai miền.

Phía Bắc, nhà Trịnh giao cho anh em Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng cầm quân phòng thủ. Bằng tài năng và đức độ của mình, hai ông đã đem lại cho nhân dân cuộc sống no ấm thanh bình, được nhân dân hết lời ca ngợi. Năm Quý Sửu (1673), Trần Hưng Học bị bệnh mất, thọ 43 tuổi. Ông được vua Lê truy tặng tước Nhuận Quận công. Tháng giêng năm Giáp Dần (1674), Trần Hưng Nhượng được gọi về kinh, phong chức Phó cai đội, cai quản đội quân Ưu tiền thuộc vệ quân Thị hậu của triều đình.

Lúc bấy giờ, ở biên giới phía Bắc – nơi giáp ranh vồi Vân Nam (Trung Quốc) có Khoan Quận công Vũ Công Tuấn làm phản. Trần Hưng Nhượng được triều đình cử đi dẹp loạn, dưới quyền chỉ huy của hai tướng là Đốc suất Lê Hải và Đốc thị Đặng Đình Tướng. Trong cuộc chinh phạt dẹp loạn lần này, Trần Hưng Nhượng cũng lập được công lớn, góp phần dẹp yên một vùng biên giới phía Bắc của đất nước. Sau đó, ông lại được triều đình cử đi phối hợp với tướng của nhà Thanh (Trung Quốc) lùng diệt giặc cướp biển ở vùng biển miền Đông bắc nước ta.

Tháng 10 năm Ất Hợi (1695), Trần Hưng Nhượng được thăng chức Tham đốc, tước Quận công.

Những năm cuối đời, khi an trí ở địa phương, Trần Hưng Nhượng vẫn đóng góp công sức của mình vào việc mở mang kinh tế, bảo vệ quê hương. Năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) ông mất, thọ 76 tuổi.

Do công lao to lớn của hai ông đối với quê hương, đất nước, sau khi hai ông qua đời, nhân dân trong vùng và con cháu trong dòng họ đã lập đền thờ phụng. Trải qua 300 năm lịch sử, ngày nay, đền thờ của Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật lịch sử quý giá.

Một trong những di vật lịch sử có giá trị ở hai đền thờ Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng là tấm bia có tên là Bia kiên nghĩa được xây dựng ở sân sau của đền thờ Trần Hưng Nhượng (thôn Xuân Hoà, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Đây là một tấm bia đá 4 mặt hình vuông, cả 4 mặt đều có hoa văn trang trí và có khắc chữ. Bia gồm 3 phần: đế, thân và đỉnh bia.

Đế bia là một khối hộp hình vuông, làm bằng gạch, xây theo kiểu giật cấp.

Thân bia là một khối hộp hình chữ nhật, làm bằng đá cẩm thạch. Kích thước mỗi mặt là: 0,80 x 0,50m. Bốn mặt của bia được trang trí giống nhau: ở đường diềm dưới chạm nổi hình hai con sư tử nằm phủ phục chầu vào giữa, ở giữa là cảnh núi rừng trùng điệp. Đường diềm hai bên cạnh bia là họa tiết dây leo hoa cúc.

Đỉnh bia là một khối đá liền. Phần tiếp giữa trán bia với thân bia là hai đường chỉ cấp. Phần trán bia ở cả 4 mặt của bia đều chạm nổi hai con rồng ở hai bên, ở giữa là chữ Hán: mặt trước là 3 chữ: “Kiên Nghĩa bi”; mặt sau là 2 chữ: “Công danh”; mặt phải là 2 chữ: “Sự tích”; mặt trái là 2 chữ: “Lịch tự”.

Bia do cụ Thám hoa Đình nguyên năm Chính Hòa thứ 6 (1685) tên là Võ Thạnh(2) soạn thảo, ghi lại công tích của hai vị Quận công Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng. Nội dung của bia gồm mấy nét chính như sau:

Phần đầu của bia ghi rõ: Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Tham đốc thần võ tứ vệ quân vự sự, Trung Quận công Trần Hưng Nhượng vi lịch tự toàn gia kiên nghĩa công tích sự.

(Tạm dịch: Ghi chép sự tích về “công kiên nghĩa” của gia đình Trung Quận công Trần Hưng Nhượng – Tham đốc cai quản bốn vệ quân, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân.

Tiếp theo, là lời của Quận công Trần Hưng Nhượng giới thiệu về gia cảnh, xuất thân của hai anh em Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng cùng với lý do dựng bia là để con cháu sau này biết đến công lao gây dựng sự nghiệp của ông cha).

(Nguyên văn: Đường lễ chi bi, ngoạn tính linh chi cú. Thành nghiệp giả, đương tri ngộ huynh dữ ngô cần chi khổ, sáng tạo chi nan, phi dung dị đắc dã).

Bài văn bia đã ghi lại rất cụ thể các sự tích về công danh của hai ông qua các trận đánh. Ví dụ như:

Từ tháng 6 năm Đinh Dậu (1657) – là lần đầu tien hai ông vâng lệnh trên làm chức Hương, dẫn dầu hương binh phối hợp với đại quân đánh nhau với giặc tại trận Nam Hoa - đến tháng 12 năm Canh Tý (1660), bia kê ra 12 trận đánh tất cả, đó là:

- Tháng 6 năm Đinh Dậu (1657), trận Nam Hoa.

- Tháng 9 năm Đinh Dậu (1657), trận Bình Ngô.

- Tháng 8 năm Mậu Tuất (1658), trận Nam Hoa thượng.

- Tháng 9 năm Mậu Tuất (1658), trận Xuân Hoa.

- Tháng 10 năm Mậu Tuất (1658), trận Thanh Chương.

- Tháng 12 năm Mậu Tuất (1658), trận Tình Diễm (Hương Sơn).

- Tháng giêng năm Kỷ Hợi (1659), trận Mã Yên (Hương Sơn).

- Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1659), trận Cống Đá (Hương Sơn).

- Tháng 4 năm Canh Tý (1660), trận Cửa Hói (Yên Ấp, Hương Sơn).

- Tháng 9 năm Canh Tý (1660), trận Yên Ngựa.

- Tháng 11 năm Canh Tý (1660), trận Bàu Hống.

- Tháng 12 năm Canh Tý (1660), trận Hoành Sơn).

Tháng 4 năm Nhâm Dần (1662), hai anh em Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng được triệu về phủ. Trần Hưng Học được thăng chức Thự vệ; Trần Hưng Nhượng được thăng chức được Tả hiệu điểm.

Tháng 7 năm Canh Tuất (1670), trong đợt xét công kiên nghĩa, Trần Hưng Học được thăng Tham đốc, Trần Hưng Nhượng được thăng Thự vệ. Cả hai ông đều được ghi công vào quốc sử.

(Nguyên văn: Canh Tuất niên, thất nguyệt, phục luận “liên nghĩa công” hứa tiên huynh phụng chỉ thụ Tham đốc chức, dự Thự vệ sự chức, ký nhập Quốc sử biên tập).

Tháng 5 năm Nhâm Tý (1672), hai ông lại được lệnh dẫn đội tiên phong đi đánh giặc ở Bàu Táo vùng Đông Hải, lập công, được ban thưởng tiền bạc.

Ngày 13 tháng 11 năm Quý Sửu (1673), Trần Hưng Học mất, ông được truy tặng chức Quận công và ban cấp tiền điếu phúng uý lạo.

(Nguyên văn: Quý Sửu niên, thập nhất nguyệt thập tam nhật, tiên huynh từ thế, tặng Quận công tước, nhưng chức ban tiền điếu uý). v.v..

Văn bia còn ghi chép lại một đoạn trong sắc phong của vua Lê ban chức Thự vệ, tước Quận công cho Trần Hưng Nhượng năm Bính Dần (1686). Sắc phong có đoạn viết:

“… Phụng, Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm Chưởng thư chính Thái uý, Khiêm Quốc công Trịnh Bách.

Cung phụng Đại nguyên soái thống quốc chính, Thượng thánh phụ sự, thịnh công nhân minh uy đức Định vương chỉ chuẩn thăng.

Thứ, hữu triều thần Thiêm nghị, ưng thăng Thự vệ chức, Quận công tước.

Khả thăng: Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ thự vệ sự. Trung Quận công, Thượng trụ quốc, thượng giai”.

(Tạm dịch: Theo lời tâu bày của Khiêm Quốc công Trịnh Bách, Khâm sai tiết chế các dinh thuỷ bộ các xứ kiêm Chưởng thứ chính Thái uý.

Đã có chỉ chuẩn thăng của Định vương, thượng công nhân minh uy đức, thượng thánh phụ sư, Thống đốc chính Đại nguyên soái.

Sau nữa, đã có thiêm nghị của triều thần trong việc xét thăng Quận công cho các chức quan Thị vệ.

Nay chuẩn thăng cho quan Thự vệ vệ Cẩm y, Đặc tiến phụ quốc tướng quân, tước Trung Quận công, hàm Thượng trụ quốc, thượng giai).

Phần cuối của bia ghi lại 6 mốc thời gian quan trọng trong quãng đời làm quan cuối đời của Trần Hưng Nhượng (1686-1698). Đó là:

- Tháng 12 năm Bính Dần (1686), vâng lệnh làm Thủ hiệu, truy quét bọn giặc Khoan ở các vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá.

- Tháng 8 năm Kỷ Tỵ (1689), được lệnh làm quản đốc các thuỷ đội đường biển gồm các “Tiền đội” và “Trung đội” với 5 chiếc thuyền lớn.

- Tháng 4 năm Canh Ngọ (1690) được sai cùng với Luân quận công, Tả đô đốc vệ Đông trực thuộc phủ đô đốc đưa toàn bộ thuỷ quân đến vùng giáp giới Yên Quảng phối hợp với thuỷ sư đô đốc đội Long môn của nhà Thanh lùng diệt bọn giặc biển ở vùng biên giới. Đến tháng 9 dẹp yên giặc mới rút quân về.

- Tháng 5 năm Nhâm Thân (1682), được lệnh làm quản thị, cai quản đội quân Thị hậu gồm Trung cơ và Hữu cơ, có 300 quân.

- Tháng 10 năm Ất Hợi (1695) được thăng Tham đốc, tước Quận công.

- Tháng 5 năm Mậu Dần (1698), phụng lệnh làm Quản cơ, cai quản quân “ưu binh” thuộc cơ “Tiền thống”, có 400 quân.

Cuối cùng là thời gian viết bia: Thời Hoàng triều Chính Hòa vạn vạn niên chi thập cửu, Mậu Dần trọng hạ, cốc nhật.

(Tạm dịch: ngày tốt, tháng trọng hạ, năm Mậu Dần, niên hiệu Chính Hòa thứ 19 (1689).

Ngoài ra, còn có ba dòng chữ khắc đã bị mờ, khó đọc, có lẽ là tên người viết chữ, khắc bia và dựng bia (?) là nguồn tư liệu quý giá để giúp các nhà sử học nghiên cứu kỹ hơn cuộc đời, sự nghiệp, của hai vị Quận công – hai anh em ruột – hai nhân vật lịch sử gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy biến cố của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 17.

Ngoài ra, bia còn có giá trị nghệ thuật, phản ánh trình độ nghệ thuật điêu kắhc của ông cha ta ở thế kỷ 17, làm cho bia đá trở thành một tác phẩm mỹ thuật đẹp, đáng trân trọng(3).

Hà Nội tháng 12 – 1998

Chú thích:

1. Xã Bích Triều nay là xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

2. Sách Lịch triều hiến chương loại chí chép:

“Võ Thạnh là người Đàn Nhân, huyện Đường An. Đỗ Thám hoa Đình nguyên khoa Ất Sửu năm Chính Hòa thứ 6 (1685) học vấn của ông rất được người đời tôn trọng. Tưng làm quan Thiêm đô ngự sử, Bồi tụng. Khi chết, được truy tặng Tham chính.

3. Bài viết có dựa theo tư liệu của Bảo tàng Nghệ An, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Nghệ An.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.125-134)

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521093

Hôm nay

2170

Hôm qua

2291

Tuần này

22134

Tháng này

219032

Tháng qua

121009

Tất cả

114521093