Đất Nghệ

Văn phái Hồng Sơn và thời điểm Bích Câu

VHNA: Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Pgs Vũ Ngọc Khánh quê ở làng Hội Thống [Xuân hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh] sinh năm 1926 [Bính Dần], từng học ở Vinh, tham gia hoạt động cách mạng và lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện nhà [năm 1945], dạy học ở Hà Tĩnh, Thanh hóa. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và văn học cổ nổi tiếng trong cả nước. Mặc dù từ sau kháng chiến chống Pháp, chuyển ra Thanh Hóa rồi Hà nội công tác nhưng ông rất gắn bó với quê Nghệ Tĩnh. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa công phu về vùng văn hóa Hồng Lam. Ông mất ngày 26.6.2012 tại Hà Nội. Nhớ ông, chúng tôi đăng lại bài viết này của ông như một nén tâm hương...

Cả hai nhóm từ “Văn phái Hồng Sơn” và “Thời điểm Bích Câu” có lẽ chưa được quen thuộc mấy.“Văn phái Hồng Sơn” do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt ra (1940) được hoan nghênh, song cũng thấy ít người sử dụng. Chữ Bích Câu đã có từ lâu, nhưng chính thức được xem như là một sự kiện (một thời đại) thì có lẽ phải tính từ năm 1788, năm mà nhà học giả Bùi Huy Bích (1744 - 1848) chính thức cho ra đời cuốn Bích Câu thi tập. Có thể nói với cuốn sách này, Bùi Huy Bích chính thức thừa nhận phường Bích Câu ở Hà Nội là một địa chỉ văn hóa Việt Nam, hơn nữa có thể xem như một thời đại.

Do đó, tôi xin được phép ghi sơ qua đôi điều để giới thiệu tình hình. Có lẽ đây cũng là những điều giúp cho chúng ta được gần gũi hơn với Truyện Kiều mà chúng ta đang tiến hành kỷ niệm (2010)(1).

* * *

Hình như văn hóa Thăng Long có một sự kiện đẹp, mà lại ít được chú ý, đó là hiện tượng Bích Câu. Bích Câu là một vị trí đẹp của Hà Nội đã từng có chùa, có quán. Quán ấy là quán đạo giáo thuộc thôn An Thạch, phường Bích Câu (nay là phố Cát Linh - Hà Nội). Xưa kia ở đây có con ngòi (cũng như một con sông, một dòng khe, thuyền đi lại được). Các ông vua chúa đời Lê Trịnh, thường đi thuyền ra đây chơi câu cá, nên cũng có tên là Ngự câu. Chuyện còn kể rằng vua Lê Thánh Tông đã gặp tiên nữ ở đây, cùng làm thơ xướng họa. Vua đã đưa nàng về cung, nhưng kiệu đi đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho lập ở đây một cái lầu, gọi là Vọng Tiên Lâu. Nhưng các bằng chứng này hiện nay không còn nữa, chỉ còn sót lại một bài thơ, trong đó có mấy chữ hay nhất, đẹp nhất mà sau này, Khái Hưng sẽ dùng để đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình: Hồn bướm mơ tiên.

Nhưng câu chuyện còn nhiều tình tiết. Quán vốn có tên là Bích Câu đạo quán, là nơi mà người tu luyện có tên là Trần Tú Uyên mua được bức tranh ở hội Vô Già (chùa Ngọc Hồ). Tranh vẽ hình ảnh một người đẹp mặc áo đỏ. Ngày ngày, cứ đến bữa ăn, nàng không cho Tú Uyên gặp mà vẫn hiện ra soạn cơm nước cho Tú Uyên. Anh đã tìm cách giữ nàng lại không cho biến vào tranh nữa, để gắn bó với nàng. Nàng là một tiên nữ có hiệu là Giáng Kiều. Hai người kết duyên với nhau. Tú Uyên rời bỏ đạo Nho để học đạo Tiên, cùng Giáng Kiều sinh được người con trai. Tú Uyên đắc đạo, người ta thường gọi ông là Trần Chân Nhân. Một hôm có hai con hạc trắng ngậm thư từ trên trời bay xuống. Hai vợ chồng cùng con, cỡi hạc bay về trời. Dân làng An Thạch dựng đền thờ, sau chuyển thành đạo quán. Hàng năm bà con Thăng Long cùng với người theo đạo, mở hội tế vào ngày 4 tháng 2 (là ngày chân nhân bay về trời). Đến dự tế, phải có phẩm phục riêng: áo thụng xanh, đi hài xanh, đội mũ thư sinh, vì theo chữ: Bích Câu là dòng nước biếc. Tài liệu này căn cứ theo Thăng Long cổ tích khảo (Sách của thư viện Hán Nôm, ký hiệu VHv 2471).

Địa điểm Bích Câu ngày xưa đã gợi cảm giác là một miền thắng cảnh. Bích Câu ở gần Văn Miếu, gần Hồ Văn, đường ra cửa Nam, cửa Bắc đều thuận lợi. Người đời sau thường dựa theo câu chuyện Lê Thánh Tông gặp tiên mà phát huy, truyền tụng thêm cái chất huyền diệu, mơ màng. Từ Thức Giáng Hương, Tú Uyên Giáng Kiều v.v... Sang đến thế kỷ 19, còn có người bắt chước văn Kiều để soạn tác phẩm Bích Câu kỳ ngộ. Tác giả Vũ Quốc Trân cũng được công nhận là một cây bút nôm đáng chú ý.

Do có những đặc điểm như vậy mà Bích Câu từ sau thế kỷ XV (sau chuyện vua Lê Thánh Tông gặp tiên nữ) đã trở thành một vùng đất tiếng tăm, tập trung được nhiều gia đình quan lại, nhiều sinh hoạt học thuật sôi nổi: chung quanh Văn Miếu phải có nhiều văn nhân sĩ tử hội họp, các nhà trường danh tiếng hồi thế kỷ 17 đã được thành lập: trường Nguyệt Áng của Nguyễn Quốc Trịnh, trường Hào Nam của Vũ Thạnh. Bên cạnh câu chuyện văn chương chữ nghĩa, chắc chắn còn có nhiều cuộc trao đổi (như ta nói bây giờ là những sinh hoạt chính trị), Nhiều nhà ngôn luận, nhà tư tưởng cũng góp tiếng nói, góp khuôn mặt rực rỡ của mình trong không khí đàm luận văn chương, chính trị này. Bích Câu vào lúc đó (thế kỷ 17, 18) chắc chắn được thành một cái tên có ý nghĩa văn hóa mà các nhà thức giả phải nhắc đến. Sau này Bùi Huy Bích đã viết hẳn một cuốn sách lấy tên là Bích Câu thi tập chuyên về chủ đề Thăng Long.

Hiện tượng Bích Câu đã rõ ràng là một hiện tượng văn hóa đáng chú ý, nhưng từ trước đến nay, các tác giả nghiên cứu văn học sử, và sưu tầm văn học thường không nhắc đến (trừ trường hợp Bùi Huy Bích (1744 - 1818) như vừa nói trên). Có lẽ gần đây nhất, vào năm 1992 mới có một tác giả mạnh dạn nêu vấn đề. Ông đã viết cuốn Lịch sử văn hóa Việt Nam, sinh hoạt trí thức, do Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Đó là ông Đào Văn Chí ở miền Nam, hình như quê ở Đà Nẵng. Ông đã mạnh dạn xác định một thời gian mà ông gọi là Bích Câu thời đại. Thời đại này ứng với thời kỳ Chính Hòa, là bắt đầu cuộc cải cách với những tờ khải của Bùi Sĩ Tiêm, với hoạt động chính sự của các ông Đặng Đình Tướng, Lê Anh Tuấn và nhất là Nguyễn Công Hãng. Bích Câu thời đại có giai đoạn đầu (từ 1715); đến giai đoạn phát triển (1735). Đàm Văn Chí đã mạnh dạn nhận định: “Ở thời Bích Câu, Thăng Long có không khí như Paris ở thế kỷ của ánh sáng với những xa lông... những tài sắc rực rỡ trong lòng danh sĩ Kinh kỳ... có những Hàn lâm viện tư gia, phóng khoáng như các câu lạc bộ... Không khí Bích Câu đã là mảnh đất quí cho những tâm hồn hướng đến sự vĩ đại, hệ thống và thực tiễn...”

(Sách đã dẫn, trang 460)

Vấn đề có thể còn phải bàn bạc thêm, nhưng tôi cho rằng sự nhận xét của Đàm Văn Chí là có cơ sở. Nhìn nhận ra được hiện tượng Bích Câu và gắn nó vào với cuộc cải cách thời Chính Hòa là hợp lý. Mặt khác, đây cũng là dịp chúng ta xét lại một số nhận định cũ, cho rằng vào thế kỷ 17, 18 là thời kỳ phong kiến suy tàn, loạn lạc liên miên (có nhiều cuộc nông dân khởi nghĩa). Thật ra, chính giai đoạn Chính Hòa này, chúng ta mới có nhiều tác phẩm xuất sắc. Những tấm gương của Đặng Đình Tướng, Nguyễn Quí Đức, Lê Anh Tuấn và nhất là Nguyễn Công Hãng đã khẳng định khuynh hướng chính trị tiến bộ. Rồi suốt giai đoạn thế kỷ 18, sang thế kỷ 19, chưa bao giờ văn chương Việt Nam có những thành tựu lớn lao như thế này. Các tác phẩm Chinh phụ, Cung oán, Truyện Kiều, các tài năng như Ngô Thì Nhậm, Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, rồi những Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương v.v... đều trước sau làm vinh dự cho đất nước.

Nhưng tôi còn muốn xin đưa thêm một nhận xét. Có hiện tượng Bích Câu vào giữa thế kỷ 18, nhưng tiếp theo sau đó, từ cuối thế kỷ 18 đến sang đầu thế kỷ 19, Bích Câu vẫn phát huy tác dụng, mà sự phát huy này chủ yếu là do nhiệt tình và nỗ lực của những người con xứ Nghệ đang được gắn bó cuộc đời và sự nghiệp với đất Thăng Long. Hai người xứ Nghệ tiếp tục phát huy được vinh dự của thời đại Bích Câu là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775) và Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789). Câu chuyện Hồng Sơn văn phái cũng bắt đầu từ đây.

Nguyễn Nghiễm vốn ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông đã đỗ đại khoa năm 1731 (23 tuổi) rồi làm quan dưới triều Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Sâm. Ông tài kiêm văn võ, đã làm đến chức Tham tụng (Tể tướng), Xuân quận công. Làm việc ở Kinh đô, không biết ông đã tính toán thế nào mà dựng nhà riêng bên Hồ Giám, gọi là Kim Âu đình, cũng thuộc phạm vi của phường Bích Câu. Nhà ông là một cơ ngơi lớn, hội tụ rất nhiều các chính trị gia, các văn nhân thi sĩ. Họ đến đây, học tập văn chương bàn luận chính sự, và tất nhiên đều có ý kiến hoan nghênh những tác phẩm của Nguyễn Nghiễm. Ông là một người đa tài, có trình độ học lực và văn chương rất xuất sắc. Ông có viết sách Việt sử bị lãm, nhận xét rất xác đáng về lịch sử nước nhà. Phan Huy Chú sau này phải khen là danh bút. Ông còn sở trường về địa lý, có viết bài Lạng Sơn Đoàn thành đồ(2), chứng tỏ cách nhìn xứ Lạng rất thấu đáo. Ông cũng sở trường về sáng tác, có hai cuốn Quân trung liên vịnh và Xuân Đình tạp vịnh, đều là thơ chữ Hán. Ông còn viết văn nôm... Bài phú quốc ngữ của ông là Khổng Tử mộng Chu Công, trong đó ông kín đáo ví mình như Khổng Tử, muốn tôn nhà Chu nên đã nằm mơ thấy Chu Công Đán.

Với vị trí và văn tài như vậy, chắc chắn quanh ông đã tập hợp được nhiều người: họ đến để hoan nghênh tác phẩm của ông và bàn bạc về tư tưởng của ông. Tài liệu gia đình cho biết là các danh sĩ như Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác đã thường xuyên có mặt ở nhà ông. Tinh thần Bích Câu toát ra từ đó.

Hơn thế nữa, Nguyễn Nghiễm có người con trai tên là Nguyễn Khản (1734 - 1786). Ông Khản cũng đỗ tiến sĩ. Ngày ông thi đỗ, Nguyễn Nghiễm đã tự mình gài hoa lên đầu con trai trước hàng trăm quan và sĩ tử. Đây là một vinh dự hiếm có, và là đặc biệt trong lịch sử khoa cử Việt Nam, gây tác dụng lớn cho không khí Bích Câu lúc bấy giờ. Nguyễn Khản cũng là học trò của Đoàn Thị Điểm (chính Nguyễn Nghiễm đưa Khản đến xin học với cô giáo). Hình như cũng do ảnh hưởng của bà Đoàn mà Nguyễn Khản sau này cũng dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra thơ nôm. Đặc biệt Nguyễn Khản chơi thân với Trịnh Sâm, hai người đã đối với nhau như bè bạn. Nguyễn Khản tham gia cả bên võ, bên văn, làm quan được tước Hồng Lĩnh hầu. Ông giỏi văn chương sành nghệ thuật, có tài đục nặn núi đá, vẽ vời hoa lá nên thường được chúa ban khen. Ông còn sành âm luật, thường đặt những bài hát nhạc phủ, làm điệu hát mới, viết xong bài nào thì những nghệ sĩ ngoài giáo phường tranh nhau truyền tụng. Có câu thơ “Án phách tân truyền lễ bộ ca” (gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan Lễ Bộ - tức Nguyễn Khản). Ông xây dựng dinh thự mình ở phường Bích Câu, thành ra một địa điểm sinh hoạt văn hóa Thăng Long lúc bấy giờ. Tại nhà Nguyễn Khản, luôn luôn tổ chức hát xướng, ngâm thơ và cả luyện tập võ nghệ. Làm cho Thăng Long và phường Bích Câu có một sinh hoạt văn hóa câu lạc bộ (theo cách nói bây giờ), rõ ràng là có công lao lớn của Nguyễn Khản. Văn phái Hồng Sơn nên được xem là cùng xuất hiện với “câu lạc bộ” này.

Còn nhiều sự kiện có ý nghĩa ở câu lạc bộ này nữa. Nguyễn Khản có rất đông anh em, con cháu. Một người em của ông là Nguyễn Du có cuộc sống thiếu thời ở đây (cả khi Nguyễn Nghiễm còn sống, khi Nguyễn Nghiễm mất thì ở với Nguyễn Khản). Không có bằng chứng gì để biết là trong thời gian này, Nguyễn Du đã biết đến tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân hay chưa, nhưng nghĩ rằng những ý tưởng và văn chương của Đoạn trường tân thanh đã có mầm mống trong thời gian này thì cũng không phải là khiên cưỡng. Cùng với Nguyễn Du, có các ông Nguyễn Nễ, Nguyễn Hành, Nguyễn Thiện v.v... xê xích nhau nhiều tuổi, song chắc chắn có được tiếp thu sự giáo dục của câu lạc bộ do Nguyễn Khản chủ trì. Trong nhóm này phải nhắc đến một người em ruột có tên là Nguyễn Nghi là tác giả tập thơ nôm Quân trung đối. Đây cũng thuộc Văn phái Hồng Sơn. Còn một sự kiện quan trọng nữa, cũng liên quan đến câu lạc bộ này. Đó là sự kiện Nguyễn Huy Tự.

Nói đến Nguyễn Huy Tự, phải nhớ đến thân sinh của ông là thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Cụ Oánh là vị tiên hiền của đất Trường Lưu, đã ở Kinh đô, làm quan, có đi sứ Trung Quốc, sau về Hà Tĩnh mở trường dạy học và lập Phúc Giang thư viện. Các con em, cháu chắt của ông là Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Phó, Nguyễn Huy Vinh rồi Nguyễn Huy Hổ, đã tạo nên văn phái Trường Lưu, giao lưu với văn phái Tiên Điền. Đặc biệt Nguyễn Huy Tự (con trai Nguyễn Huy Oánh) lại là con rể của Nguyễn Khản. Nguyễn Huy Tự đỗ Giải nguyên năm 1759, không thi đại khoa, nhưng rất nổi tiếng về văn chương học lực. Ông được vua Lê công nhận là bậc tiến triều (ngang với tiến sĩ). Được hoạt động quân sự ở nhiều nơi, nhưng ông đã thường xuyên liên lạc với nhóm Bích Câu của Nguyễn Khản, vì thế mới được kết hôn với con gái của ông này. Và điều đặc biệt là ông đã soạn ra cuốn truyện nôm Hoa Tiên, dựa theo ca bản Đệ bát tài tử hoa tiên ký của Trung Quốc để diễn ra thành thơ lục bát quốc âm. Tác phẩm này của ông sau này được em vợ ông là Nguyễn Thiện (1763 - 1818) nhuận sắc nên ngày nay ta có hai bản Hoa Tiên. Việc nhuận sắc này cho thấy Nguyễn Thiện có tiếp thu ảnh hưởng Truyện Kiều, vì thế mối quan hệ giữa Hoa Tiên và Kiều càng rõ. Không thể có tài liệu và chứng cứ chắc chắn, nhưng ta có thể đoán định mà không sợ sai lầm rằng, nhất định vào một thời gian nào đó, Nguyễn Huy Tự đã đưa bản thảo truyện Hoa Tiên về khu Bích Câu của Nguyễn Khản. Chắc chắn, khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã có biết Hoa Tiên, và khi nhuận sắc Hoa Tiên, Nguyễn Thiện đã có trong tay bản Đoạn trường tân thanh. Việc Nghiên cứu văn học sử sẽ làm sáng tỏ hơn những quan hệ ảnh hưởng này. Nhưng có một điều rõ rệt là phát huy tác dụng Bích Câu, văn học Việt Nam đã có thêm được nhiều tác phẩm lớn như Hoa Tiên, Kiều. Ảnh hưởng và công lao của Bích Câu đối với văn học Việt Nam không thể quên được.

* * *

Nếu cần phải nói thêm thì ta nên quan niệm rộng ra rằng Bích Câu còn là một địa chỉ văn hóa rực rỡ ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ XVIII.

- Bích Câu có lẽ chứa đựng được những cái mới của thời đại Chính Hòa. Những nét đẹp của các ông Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, những tấm gương của các vị quan gương mẫu Đặng Đình Tướng, Nguyễn Quí Đức v.v... nhất định có ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của con người trong Bích Câu. Có những mẩu chuyện như chuyện Nguyễn Du được một vị tướng trong triều tặng thanh bảo kiếm, chuyện Nguyễn Hành đã hợp tác với Ngô Thì Nhậm để nghiên cứu học thuyết của phái Trúc Lâm. Do đó mà ta không thấy ngỡ ngàng khi gặp tư tưởng nhân đạo trong Truyện Kiều, Truyện Hoa Tiên (nhiều người nhắc đến).

- Bích Câu quả thực là nơi đào tạo (hoặc gây tác dụng sâu sắc đến các tài năng của hai họ Nguyễn Tiên Điền, họ Nguyễn Trường Lưu. Hai bà vợ của Nguyễn Huy Tự (là cháu của Nguyễn Du) đều có tài văn thơ. Con của bà Nguyễn Thị Đài đã sinh ra Nguyễn Huy Hổ là tác giả Mai Đình Mộng ký. Em của các bà lại cũng là danh sĩ. Nguyễn Thiện đã nhuận sắc lại cuốn Hoa Tiên. Hình như các họ Phan (của Phan Huy Ích), họ Ngô (của Ngô Thì Nhậm), họ Lê (của Lê Hữu Trác) đều lui tới khu vực Bích Câu này của Nguyễn Khản. Nguyễn Hành đã tự xưng mình là công tử Bích Câu (trong bài viết về phường Đồng Xuân). Rõ ràng ở Bích Câu có đủ những gì mà cuộc sống đài các (xã hội phong kiến) cuộc sống thị dân và cuộc sống nghệ thuật để bồi dưỡng cho một tài năng như tài năng Nguyễn Du sau này.

- Sống giữa không khí Bích Câu, nắm được cái thần của Bích Câu như vậy, mà những con người của cả hai vùng Tiên Điền, Trường Lưu lại vẫn cứ gắn bó với Non Hồng, vì Non Hồng là quê hương, là thắng địa. Ngay Bùi Huy Bích, tác giả Bích Câu thi tập đã nói trên, cũng đã phải thốt lên:

Tối ái Hồng Sơn thiên vạn điệp

(Yêu lắm non Hồng muôn vạn lớp)

Cho nên qui tụ cho tất cả các vị Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Khản, rồi Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Hành, Nguyễn Thiện, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Đề, Nguyễn Nghi... (tôi cũng không quên các bà Nguyễn Thị Bành, Nguyễn Thị Đài) và nhất là Nguyễn Du vào một văn phái, được gọi là Văn phái Hồng Sơn, chỉ là một điều hợp lý.

Chú thích

(1) Cuốn Bích Câu thi tập lâu nay ít người nhắc đến. Nó cùng loại với bộ Hoàng việt thi văn tuyển và Hoàng việt văn tuyển cũng của Bùi Huy Bích hoàn thành dịp đó (1788).

Mới đây, cuốn sách Niên giám văn hiến nghìn năm Thăng Long của tôi (Nxb VHTT - H2010) mới giới thiệu qua (trang 341).

(2) Tôi đã có dịp giới thiệu bài này trên sách Giai thoại xứ Lạng (Lạng Sơn, xuất bản năm 1989).

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443478

Hôm nay

236

Hôm qua

2333

Tuần này

21291

Tháng này

218652

Tháng qua

112676

Tất cả

114443478