Xứ Nghệ ngày nay

Kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh : Ấm lên từ những gương mặt trẻ

Mở đầu năm 2010, tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra ở Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã ẵm luôn hai giải cao nhất cho hai vở kịch hát dân ca: Góc khuất đời người (giải đặc biệt) và Một cây làm chẳng nên non (đạt HCV). Theo đó, “một loạt” diễn viên trẻ được đón nhận HCB, HCV, làm rạng danh người nghệ sĩ sân khấu Nghệ An và góp phần khẳng định sức sống của một thể loại sân khấu mới, non trẻ: kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.

Tôi còn nhớ năm 2007, trong một lần trò chuyện về đội ngũ nghệ sĩ của Nhà hát dân ca Nghệ An (nay là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), NSUT Hồng Lựu - Phó Giám đốc Nhà hát đã trăn trở: Để tìm được diễn viên dân ca bây giờ rất hiếm, thuyết phục được người có năng khiếu dân ca hoạt động tại Nhà hát lại càng khó, chứ chưa nói đến có được diễn viên tâm huyết với nghề”. Quả có thế thật. Lúc đó nhân lực tại nhà hát cũng suýt soát gần trăm con người trong đó khoảng một nửa là diễn viên, hầu hết
 
được ra lò từ Trường Cao đẳng văn hoá nghệ thuật Nghệ An. Nhưng những gì lớp trẻ có được sau 3 năm đào tạo tại trường chưa thể đáp ứng đòi hỏi của một người diễn viên xuất hiện trên sân khấu. Vậy là họ phải tiếp tục học từ thực tế. Nghĩa là lớp đàn anh, chị tại đoàn phải cầm tay dạy việc từ những việc nhỏ, cơ bản nhất: hát cho đúng các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, điệu bộ, giọng nói, cách diễn xuất, đi đứng trên sân khấu... Họ phải kinh qua giai đoạn diễn viên hậu trường chí ít cũng dăm bảy năm mới có thể xuất hiện trên sân khấu. Còn chiếm được cảm tình của công chúng và trở thành ngôi sao hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tài năng và sự đam mê của mỗi người. Nhưng xem ra cho đến thời điểm đó, ngoài tên tuổi đã phát sáng và thành danh là NSUT Hồng Lựu thì ở Nhà hát dân ca chưa có tên tuổi nào khiến khán giả phải nhắc tới. Kịch hát Nghệ Tĩnh cũng như các đoàn nghệ thuật sân khấu trong nước chưa vượt qua cơn bĩ cực, nên người diên viên của nhà hát “chân ngoài dài hơn chân trong” cũng là điều dễ hiểu. Niềm đam mê sân khấu chưa đủ độ để họ sống chết hết mình cho sàn diễn khi những nhu cầu của đời sống thường nhật đang thúc giục. Bên cạnh đó, do lịch sử để lại mà đội ngũ diễn viên Nhà hát dân ca là sự hợp chủng của các đoàn cải lương, chèo sáp nhập vào. Người diễn viên lại phải thêm một lần học nghề trong khi dễ bị pha tạp với cải lương, chèo vốn đã ăn vào máu. Nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã khiến cho người ta lo ngại về đội ngũ diễn viên của Nhà hát dân ca, liệu họ có đủ năng lực, có đảm đương được vai trò chiếc cầu nối thực sự để đưa sân khấu kịch hát dân ca đến với công chúng, mà trước hết là công chúng tỉnh nhà.
Là diễn viên ai chẳng mong được xuất hiện nhiều trên sân khấu, lớn hơn, được khán giả nhắc tới tên tuổi của mình. Trong bối cảnh hiện nay để dựng được một vở kịch hát dân ca, đối với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ là một sự vượt sức khi mà chưa tự lo nổi khâu đạo diễn, kịch bản. ấy vậy, nên hầu như chỉ dăm năm có hội diễn toàn quốc thì Trung tâm mới đổ công đổ của vào làm một vở kịch. Phương pháp để tồn tại, hay lấy ngắn nuôi dài là dựng các tiểu phẩm, trích đoạn, các màn sử thi vừa chủ động tăng doanh thu, vừa đỡ tốn kém kinh phí. Người diễn viên có thêm cơ hội nhiều hơn để vào vai trong các tác phẩm sân khấu nhỏ. Từ 2007 lại nay, màn sử thi Lời người lời của nước non của Trung tâm đã thực sự khơi dậy niềm hưng phấn cho đội ngũ nghệ sĩ ở đây bởi nó được chào đón ở hầu khắp cả nước. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đã có tới 400-500 buổi diễn. Dù được diễn bởi những hợp đồng lớn nhỏ, tuyên truyền cho cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng vở diễn đã đi vào lòng người bởi đã đạt đến những giá trị nghệ thuật nhất định. Anh bạn tôi, một kĩ sư giao thông, người rất yêu nghệ thuật cổ truyền nhưng lâu nay dị ứng với các vở diễn vì cho rằng không hấp dẫn, nhưng lần này cũng đã phải thốt lên “vở diễn rất đáng xem, rất xúc động”. Từ thành công của vở diễn này, Trung tâm mạnh dạn đầu tư dàn dựng tới hai vở kịch hát: Góc khuất đời người và Một cây làm chẳng nên non để tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2010 tại Đà Nẵng. Được tham gia vào các vở diễn này là một vinh dự cho người diễn viên bởi đây là những vở kịch hát, chứ không đơn thuần chỉ là màn ca, múa, nhạc tổng hợp, màn sử thi. Hai vở kịch hát này cũng là 2 trong ba vở có mặt tại hội diễn đã chuyển tải được các vấn đề của cuộc sống hôm nay, của hơi thở hiện đại. 10 vở còn lại lấy đề tài từ những năm 60-70 của thập kỉ trước. Thật bất ngờ, rất nhiều diễn viên trẻ đã giành được HCV, HCB, trong đó có 4 người lần đầu tiên tham gia sân khấu chuyên nghiệp. Cái khó hơn là họ gần như đã chiếm được cảm tình, sự mến phục của bạn diễn ở các đoàn. Đó là những tên tuổi như Thành Vinh, Mai Kiên, Duy Thanh, Thiên Huế (trong Một cây làm chẳng nên non), Thu Hương.. (trong Góc khuất đời người). Những gì họ thể hiện trên sân khấu đã chứng tỏ một ý thức trách nhiệm, một sự đam mê nghiệp diễn. Dù đó là vai chính hay vai phụ, từng người đã có sự trăn trở, tìm tòi và sáng tạo để lột tả được tính cách nhân vật. Mai Kiên, người vào vai Tùng, một thanh niên ngang tàng, nhưng đầy lí luận và có nội tâm sâu sắc. Một nhân vật có tích cách phức tạp. “Hồn cốt nhân vật đôi khi chỉ lột tả, bộc lộ hết trong một khoảnh khắc một tích tắc, mình phải thực sự nhập thân mới có được giây phút quý báu ấy”. Chính sự đam mê, gần như ăn ngủ cùng nhân vật, sự trăn trở của một nghệ sĩ nhà nòi có ba đời theo nghiệp sân khấu đã giúp Kiên sáng tạo được nhân vật của mình để giành HCB đầu đời. Còn Thiên Huế, thuộc thế hệ trẻ nhất của đoàn (sinh năm 1982) - người từng trốn cha mẹ xuống Vinh để tuyển vào Nhà hát dân ca khi còn là học sinh lớp 11, đã chững chạc trong vai Linh của vở Một cây làm chẳng nên non. Thiên Huế có gương mặt dễ thương, có giọng dân ca ngọt ngào trời phú, dù thức hay ngủ, ngồi trên xe cũng nghĩ đến vai diễn, tưởng tượng ra cảnh diễn. Đó là những tâm sự của họ. Đội ngũ diễn viên trẻ của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã bắt đầu hâm nóng niềm đam mê nghề nghiệp, đã có được sự tích luỹ vốn nghề, biết tìm tòi và học hỏi lớp người đi trước để phát huy năng khiếu của mình. Sân khấu kịch hát dân ca, hay tuồng chèo, cải lương, thời nào cũng chỉ có được một vài ngôi sao tên tuổi và rất hiếm khi có được một dàn diễn gạo cội, bởi nó đồng thời đòi hỏi rất nhiều yếu tố: hình thể, gương mặt, giọng ca, giọng nói, sự sáng tạo trong cách diễn... Đào tạo nên một diễn viên có tên tuổi quả là không dễ. Sự thành công của khá nhiều diễn viên trẻ lần này, đã làm ấm lòng những người yêu sân khấu kích hát dân ca, củng cố niềm tin rằng họ dần dần sẽ đảm nhận, thay thế vai diễn của những người đi trước. Và bây giờ NSUT Hồng Lựu đã có thể nói rằng: “Hiện giờ chúng tôi đã yên tâm giao phó trọng trách cho lớp trẻ kế cận, điều mà bấy lâu chúng tôi rất trăn trở”.
Tuy nhiên, để có được sự trưởng thành vững vàng như nghệ sĩ đàn chị Hồng Lựu, đối với họ đang còn phải học hỏi, phải lao động cật lực. Thực tế Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn trên con đường thể nghiệm và hoàn thiện kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh trở thành một sân khấu kịch chuyên nghiệp. Bởi mọi thứ từ đạo diễn, biên kịch, mĩ thuật, ánh sáng đều phải “mượn” tác giả trung ương. Cái mà Trung tâm đang làm được là tác giả chuyển thể, tác giả âm nhạc, và đạo diễn, viết kịch bản những vở diễn bình thường, chưa vươn tới được những vở diễn lớn có quy mô tầm hội diễn. Và bây giờ, đã có thể nói, Trung tâm đang xây dựng được cho mình một đội ngũ diễn viên có khả năng đảm nhận được những vai diễn có tính cách phức tạp. Sự nỗ lực của họ trong tương lai sẽ góp phần khẳng định kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh là một thể loại sân khấu kịch có bản sắc, có đủ khả năng chuyển tải tốt những vấn đề nóng hổi của cuộc sống hiện đại.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441797

Hôm nay

2197

Hôm qua

2317

Tuần này

21701

Tháng này

216971

Tháng qua

112676

Tất cả

114441797