Đất Nghệ

Vinh - Thành phố tuổi thơ tôi (4)

THẰNG TRỜI ƠI

Mỗi khi nhớ tới mấy thằng bạn chơi với nhau hồi ở Vinh, không hiểu sao người đầu tiên tôi nhớ bao giờ cũng là thằng Nghĩa, mặc dù nó không phải là bạn thân, càng không phải là đứa bạn thân nhất của tôi. Nó hơn chúng tôi đến ba bốn tuổi, nghĩa là đã khác lứa rồi. Thằng Nghĩa là con bác Chánh người Quảng Ngãi tập kết. Vợ chồng bác Chánh rất hiền lành, ăn ở với bà con lối phố đầy đủ lắm, còn thằng Nghĩa thì thôi, là thằng trời ơi đất hỡi. Nó theo cha ra Bắc thành ra học hành rất trễ. Lứa tuổi nó ở Vinh người ta đã học lớp sáu lớp bảy còn nó chỉ học lớp bốn, nó hơn tôi ba tuổi nhưng chỉ học hơn tôi một lớp. Học trễ, cùng lứa không ai với nó nên nó đành chơi với chúng tôi. Cũng nói thêm là hồi ấy mới hoà bình nên chuyện đi học trễ như thằng Nghĩa là chuyên khá thường. Còn nhớ hồi lớp một, lớp tôi có o Dung, học xong lớp một o nghỉ ở nhà lấy chồng luôn. Tôi cũng đến chín tuổi mới vào lớp một.

Thằng này có một cái tật rất xấu là lớn người rồi nhưng hay ăn dỗ của trẻ con. Thấy đứa nào có miếng gì ngon là thế nào nó cũng sà sà lại: nịnh, dụ dỗ, hứa hẹn, doạ dẫm… kỳ sao cho ăn được của đứa bé một miếng mới thôi. Thậm chí có lần có đứa nhỏ đang bưng bát cơm có khúc cá ngon, thằng Nghĩa dỗ mãi mà không được liền bẻ nửa khúc và bỏ vào mồm. Thàng bé khóc oà, nó liền nhả miếng cá trong mồm trả lại bát : “Thôi tau trả lại cho mi!”, thằng nhỏ vẫn khóc: “Mi bỏ vô mồm rồi, không ăn nữa mô…”. Nó liền nhón lấy miếng cá, vừa bỏ trở lại vào miệng vừa nói: “ Mi không ăn thì để tau ăn cho…”. Nói xong liền bỏ đi.

Tuy nó có tật xấu như vây nhưng bọn tôi cứ suốt ngày lẵng nhẵng bám theo nó vì nó là đứa giỏi bày ra những trò ngịch ngợm tinh ma. Có thể nói nó là thủ lĩnh của bọn con nít xóm tôi ngày ấy. Nhà ai có ổi chín, ổi chua có thể ăn được, nhà ai có bưởi non có thể dùng để làm bóng được nó đều biết hết và dù cho chủ nhà có giữ gìn đến mấy nó cũng tìm cách hái trộm được. Kể một chuyện để biết thằng này quỷ quái ranh ma đến chừng nào:

Nhà thằng Khôi ở gần nhà tôi có cây ổi to, trái ngon lắm mà bố mẹ nó thì rất khó, giữ cây ổi chằng chằng (cũng đúng thôi, ở thành phố mà có cây ổi như thế đâu phải dễ). Hôm ấy biết nhà thằng Khôi đi vắng cả chỉ có thằng Nguyên ở nhà, thằng Nghĩa kéo ba, bốn đứa chúng tôi tới. Thằng Nguyên đang tha thẩn chơi trước nhà (ngày ấy vì công việc làm ăn hay bận bịu gì đó mà chỉ để một đứa nhỏ ở nhà trông nhà là chuyện thường). Đầu tiên chúng tôi bày trò chơi bi và cho thằng Nguyên cùng chơi, được một lúc thằng Nghĩa bảo:

- Nguyên, anh cho em năm xu lên nhà ông Thu mà mua bánh khảo.

Thằng Nguyên ngần ngừ:

- Em còn phải coi nhà…

- Có bọn anh chơi ở trước nhà đây, mất chi mà sợ.

Thằng bé lon ton chạy đi, bọn tôi ở nhà tha hồ “tàn sát” cây ổi. Xong tụi tôi rút, chỉ mình thằng Nghĩa ở lại. Khi thằng Nguyên về nói với nó:

- Nhà ông Thu không có bánh khảo anh ạ!

Nó liền bảo thằng Nguyên:

- Thôi, đưa 5 xu đây anh, lần khác anh cho.

Nó lấy lại 5 xu từ tay thằng Nguyên và cũng đi nốt (ấy là về sau nó khoe với chúng tôi như vậy). Sau chuyện này mỗi đứa chúng tôi đều bị mấy roi vì bố mẹ thằng Khôi đến nhà phàn nàn…

Cạnh nhà tôi có một cái sân lớn, nó vốn là sân quần vợt của người Pháp để lại, nhưng lũ trẻ chúng tôi thì chỉ đơn giản gọi nó là “sân xi măng” vì bề mặt sân được tráng bằng xi măng. Quanh sân người ta làm nhà ở chật kín cả nhưng trong đó có một ngôi nhà không dùng để ở mà vừa được dùng làm lớp học vỡ lòng vùa vừa dùng làm “hội quán” để bà con trong xóm hội họp khi cần và làm lễ chào cờ đầu năm.

Hội quán là nơi ban đêm lũ trẻ trong xóm chúng tôi tụ tập chơi bắn bàng (một trò đánh trận giả), đuổi bắt cứu, rồng rắn lên mây…còn sân xi măng là nơi chúng tôi đánh khăng, đánh đáo, đá ban… cũng là nơi dân xóm Yên Nghị đưa lúa ra trục những ngày mùa. Những ngày dân Yên Nghị đưa lúa ra trục thì vui lắm, người ta thì lo trục lúa chúng tôi thì chạy nhảy lăng xăng,giả vờ nằm lăn lộn trên sân lúa, nhưng lại dùng tay móc lấy những nắm hạt nằm dưới rơm bỏ vào túi, đầy túi chúng tôi chạy về nhà đổ ra rang lên và “cắn trắt” với nhau. Hôm nào lúa đem trục là lúa nếp thì càng vui nữa, lúa nếp đem về chúng tôi giao cho các bà chị tuổi mười lăm mười sáu (cũng đang tuổi ham vui) rang lên rồi dùng lon sữa bò và cán dao giã cho tróc vỏ trấu đi để làm cốm rồi cùng ăn, vui vẻ, hỷ hả vô cùng…

Tuy vậy trò vui nhất của bọn trẻ chúng tôi ở sân xi măng là đá bóng. Những trận quần thảo trên sân hầu như không chiều nào không có (có lẽ chỉ trừ những ngày mưa sân trơn ướt). Có khi những “trận chiến” của chúng tôi kéo dài từ khoảng bốn giờ chiều, nghĩa là còn nắng lắm đến chập choạng tối vẫn còn tiếp diễn rồi phải nhờ đến một lý do gì đó mà các bên sinh ra cãi nhau mới kết thúc được. (bây giờ tôi mới nghiệm ra rằng trẻ con chơi với nhau bất cứ trò gì cũng rất say mê, say mê đến nỗi chúng chỉ có thể giải tán khi cãi nhau mà thôi). Gọi là đá bóng nhưng hồi ấy làm gì có trái bóng đúng nghĩa mà đá như bây giờ. Khi thì một túm dẻ rách, khi thì một túm lá chuối nhồi lại thật chặt rồi quấn chằng chịt bên ngoài cũng bằng dây chuối, đem ra mà đá với nhau, sang lắm mới có được một trái bưởi non đem nướng cho mềm đi mà làm bóng. (Tôi còn nhớ có lần vì túng không có bóng, thằng Hoà “móm” con bà Hoà rượu nếp chạy về nhà lấy một cái áo đã sờn cũ nhưng chỉ mới vá một miếng đem ra cho chúng tôi làm bóng, về sau mẹ nó biết được, nó bị đánh một trận thật đau).

 Nhà thằng Phùng con bà Tương ở cặp sát bên sân xi măng có một mảnh vườn nhỏ độ hơn trăm mét vuông, trong vườn có trồng một ít rau củ nhưng quan trọng nhất là có một cây bưởi khá lớn và rất sai trái. Cây bưởi này là nguồn cung cấp “bóng” cho chúng tôi mỗi mùa trái non. Thường thì thằng Phùng về lấy những trái rụng ra cho chúng tôi làm bóng. Nhưng những trái rụng thường rất nhỏ, phải quấn thêm vải vụn bên ngoài mới đá được, dẫu sao có còn hơn không. Khi trái rụng không còn nữa, chúng tôi xui nó về hái những trái cỡ bằng cái bát ăn cơm ra làm bóng. Thằng Phùng đã nhiều lần bị đòn về chuyện này nên về sau nó cũng không dám nữa. Thằng Phùng không dám lấy thì chúng tôi ăn cắp. Đã nhiều lần thằng Nghĩa bẻ hàng rào nhà bà Tương hái trộm bưởi non. Mỗi khi bà Tương biết (mà làm sao không biết được) liền lôi cả tam tứ đại “đứa nào hái trộm bưởi nhà bà” ra mà chửi. Chửi thì chửi, bà chửi thì bà nghe, ăn thua gì với chúng tôi…

Một lần không biết ai cho thằng Hùng “chột” con ông Tửu (thằng này không phải chột thật mà bị một cái “vảy cá” ở mắt phải nên chết danh như thế) một trái bóng da thật sự, tuy đã cũ nhưng còn tốt. Khỏi nói cũng biết lũ trẻ xóm tôi sung sướng biết chừng nào. Những trận đá bóng diễn ra nhiều hơn, lâu hơn, ác liệt hơn… Nhưng trái bóng thật cũng có cái “dở” của nó là nó tâng quá, nảy quá. Tất nhiên với chúng tôi thì trái bóng càng tâng, càng nảy càng tốt nhưng có điều nó làm phiền những nhà ở quanh sân không ít. Những nhà trở mặt ra sân xi măng thì chỉ thỉnh thoảng bị giật mình thót tim vì đang làm việc trong nhà đột nhiên nghe “bình” một tiếng  như “trời long đất lở” do trái bóng của chúng tôi đập vào bờ vách trước nhà. Riêng nhà bà Tương thì khác, vì vườn nhà bà nằm cặp theo sân  nên thường xuyên bị những trái bóng mà chúng tôi đá lỡ chân bay vào làm hỏng cả những luống rau trong vườn. “Của đau con xót”, mỗi lần như thế bà Tương tức lắm, bà chửi chúng tôi vô kể (bà vốn là người hơi dữ tợn lắm điều). Cũng đã nhiều lần bà Tương tịch thu trái bóng đem vào nhà cất, mỗi lần như thế chúng tôi đều nói thằng Phùng rình lấy trộm ra trả lại. Lần ấy thật không may làm sao, trái bóng cứ hướng vườn nhà bà Tương mà bay vào đến ba bốn bận. Mấy lần đầu thì không sao vì bà không có ở nhà, thằng Phùng chỉ việc chạy vảo vườn ném quả bóng qua hàng rào ra cho chúng tôi. Lần cuối cùng vừa đúng lúc bà về, có lẽ quá đau lòng vì cảnh tan hoang của vườn rau, bà ôm trái bóng vào thẳng trong nhà sau khi quay đầu lại nói vọng ra với chúng tôi (vốn đang tụ tập ngoài hàng rào): “Lần ni tau mà trả trái ban cho bọn mi, tau chết!”, và lần này thì bà làm thật. Bà cất trái bóng kỹ đến nỗi mấy lần thằng Phùng bị chúng tôi thúc ép, về tìm tòi lục lạo khắp nhà mà không thấy

Mất trái bóng, cả lũ chúng tôi như người mất hồn. Những trận đá bóng bằng bóng dẻ bóng bưởi bây giờ mới trở nên nhạt nhẽo kém hấp dẫn làm sao. Chúng tôi khổ sở giống như cảm giác của một người đang giàu sang phú quý bỗng trở thành tay trắng, khố rách áo ôm. Mà lạ gì tâm lý con người, cuộc sống từ khổ sở lên sung sướng thì không sao, nhưng nếu là theo chiều ngược lại, bất ngờ từ cảnh sung sướng tụt ngay xuống cảnh gian khổ thì khổ sở càng thêm khổ sở. Người lớn đã vậy huống hồ là tâm lý lũ trẻ chúng tôi vốn vô cùng nhạy cảm. Đáng lẽ phải nghĩ ngày xưa vốn đá bằng bóng dẻ, bóng bưởi, thậm chí bằng bóng lá chuối thì bây giờ trở lại bóng dẻ bóng bưởi cũng có sao đâu. Không, chúng tôi không nghĩ thế (mà nếu nghĩ được thế thì chúng tôi đã không còn là con nít nữa rồi), chúng tôi chỉ chăm chăm làm sao để lấy lại quả bóng thật mới được. Nhưng mà vừa đá trái bóng dẻ (dù đá mạnh đến mấy cũng chỉ lăn lông lốc chừng hơn chục thước rồi nắm quay đơ ra đó, lại còn nạn mỗi trận ít ra cũng phải chằng níu lại ba bốn bận mới có thể đá tiếp) vừa nghĩ đến trái bóng thật vừa nảy vừa tâng, chỉ một cú đá không cần mạnh lắm cũng có thể bay từ đầu này sân đến đầu kia sân như chơi thì cũng buồn thật… Đã mấy lần khi thì thằng Hùng (chủ trái bóng), khi thì cả bọn chúng tôi kéo nhau vào năn nỉ với bà Tương, hứa hẹn đủ điều (tất nhiên là hứa để mà hứa), nhưng bà vẫn cương quyết không chịu trả trái bóng lại. Chúng tôi vừa thất vọng vừa khổ sở lại vừa tức. một hôm cả bọn đang ỉu xìu ngồi nhìn thằng Việt chằng trái bóng dẻ bằng một nắm dây chuối, bỗng nhiên thằng Nghĩa nói: “Thôi hôm nay không đá ban nữa, ban dẻ đá chán chết, tau phải nghĩ cách lấy lại trái ban mới được…”. Cả bọn ngạc nhiên nhưng cũng làm theo lời nó, giải tán. Hôm sau, cả bọn tập trung lại ở góc sân cạnh nhà bà Tương, thằng Việt vừa lôi trái bóng dẻ được chằng níu hôm qua ra, đột ngột thằng Nghĩa hô: “Thằng Hùng chột, thằng Phượng “mèo” mô, đè thằng Phùng xuống, lột quần hắn ra cho tau!”. Với chúng tôi hồi đó, lời thằng Nghĩa là lệnh (mà mãi đến bây giờ tôi cũng không hiểu chúng có bàn bạc với nhau trước hay không, có lẽ là có thì đúng hơn), thằng Hùng, thằng Phượng liền xông vào vật thằng Phùng xuống và lột truồng nó ra thật, trước những con mắt trợn tròn vì ngạc nhiên của cả bọn còn lại. Thằng Phùng vừa giãy giụa vừa hét: “Bọn bay làm chi rứa?...”. Thằng Nghĩa móc trong túi ra một con dao nhíp vừa sáng loáng vừa nhọn hoắt, nó bảo: “Lần ni mà mi không nói với mẹ mi không trả trái ban cho choa thì thì nhất định tau cắt cu…”, vừa nói nó vừa quẹt quẹt con dao xuống sân, nghe rất ghê. Thằng Phùng kêu trời: “Mẹ ơi, cứu con…mẹ ơi!...”. Thằng Nghĩa tiếp tục ra lệnh: “Bọn bay quây lại quanh mấy đứa bọn tau, bà Tương mà ra thì cản bà nớ lại…”. Bọn chúng tôi tuy xanh mặt nhưng vẫn nghe lời nó quây lại (một vài đứa nhát gan đã bỏ chạy về nhà). Vừa lúc đó bà Tương vừa hớt hải chạy từ trong nhà ra vừa thét: “Đứa mô… đứa mô mần chi thằng Phùng đó?...”. Thằng Nghĩa tay vẫn cầm lăm lăm con dao, hét chúng tôi giữ bà Tương lại rồi nói: “Bà mà không trả trái ban lại cho bọn tui thì tui cắt cu thằng Phùng…”. Tuy không đứa nào trong bọn chúng tôi dám giữ bà Tương lại như lời thằng Nghĩa nhưng bà vẫn đứng sững lại như trời trồng, mắt nhìn con dao trong tay thằng Nghĩa, miệng lắp bắp: “Tau… tau đố… bọn bay dám!...”. Thằng Nghĩa nói: “Ừ, để coi tui có dám không?...”, vừa nói thằng Nghĩa vừa cầm cu thằng Phùng lên, dí dí nhẹ mũi dao. Thằng Phùng kêu thét lên: “Mẹ… mẹ… trả cho bọn hắn không thằng Nghĩa cắt… cắt… mất…”. Có lẽ bà Tương sợ một thằng “bán trời” như thằng Nghĩa thì dám làm thật lắm nên bà vội vàng kêu lên: “Thôi, thôi để tau trả, tau trả…”, vừa nói bà vừa chạy vội vào nhà. Một lúc sau, bà ôm trái bóng ra dằn mạnh giữa sân, miệng hét lên giọng tức tối: “Đó, tau trả cho bọn bay…”. Thấy trái bóng, cả bọn chúng tôi reo lên chạy ùa theo, kể cả thằng Nghĩa, thằng Hùng và thằng Phượng. Bỏ mặc thằng Phùng đang lồm cồm ngồi dây và bà Tương đang đứng trơ ra đó nên chắc chẳng mấy đứa nghe được câu bà Tương hăm doạ: “Rồi bọn bay biết tay tau, tau không thua đứa mô hết…”.

Tuy là bà Tương doạ thế nhưng rồi cũng chẳng có chuyện gì xảy ra, vì suy cho cùng bà là người ác khẩu chứ không ác tâm.

Về sau thằng Nghĩa nói với chúng tôi: “tau doạ rứa chứ cha tau nói tau cũng nỏ dám cắt cu thằng Phùng nữa là…”.

Còn thằng Phùng, tôi cứ nghĩ, sau chuyện này thì nó sẽ cạch mặt, không thèm chơi với chúng tôi nữa. Vậy mà không, chỉ hôm sau là nó đã lại cùng chùng tôi lao vào quần thảo trên sân với trái bóng, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hình như nó đã kịp nghĩ ra, chỉ có cách đó mới có thể  lấy lại trái bóng để mọi đứa (kể cả nó) cùng có chơi. Sau này nó là sĩ quan tên lửa, hy sinh trong chiến dịch mười hai ngày đêm Mỹ đánh vào Hà Nội năm bày hai (1972).

 

THẰNG CƯỜNG SẸO VÀ CON DẾ CHỌI

Thằng Nghĩa thì không phải nhưng thằng Cường sẹo thì đúng là đứa bạn thân nhất của tôi hồi đó. Thằng Cường là con bác Đường, trưởng xóm Mười Hai chúng tôi. Bác Đường người đâu ngoài Nam Định tản cư vào Vinh hồi đầu kháng chiến, mấy chị em thằng Cường (Diên, Cường, Hùng, Dũng) đều đẻ trong này, nên tuy vợ chồng bác vẫn nói tiếng Bắc nhưng mấy đứa bọn nó đều nói rặt giọng Nghệ như chúng tôi.

Theo tôi, có lẽ bởi tinh thần phải cùng đoàn kết để cùng tồn tại qua cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua còn lại nên người thị dân ở Vinh ngày xưa sống với nhau đầy ắp tình chòm xóm. Còn nhớ năm sáu lăm (1965), từ nơi sơ tán ở Quỳ Hợp về tìm cha mẹ (cha mẹ tôi theo cơ quan nên không thể đem chúng tôi theo được), tôi có ghé nhà bác với ý định hỏi thăm thằng Cường. Mặc dù tôi không ở xóm Mười Hai đã ba bốn năm và lúc ấy mấy đứa con bác đã sơ tán về Nam Định từ lâu nhưng bác Đường vẫn lo cho tôi ăn ngủ đàng hoàng, khi ra đi bác còn dặn dò phải cẩn thận vì lúc này Mỹ đánh phá rất ác liệt…

 Thằng Cường sẹo kém tôi một tuổi nhưng học cùng lớp với tôi, vì nó có một cái sẹo ngay cạnh thái dương nên mới có biệt danh là Cường sẹo. Hai đứa chúng tôi thân nhau lắm, đi đâu cũng có nhau từ học hành, đá ban, tắm sông đến đổ dế (nhất là đổ dế)…

Tôi xa Vinh đúng ba mươi năm mới có dịp trở lại (năm bảy tám (1978), học xong đại học tôi vào Nam, mãi tới năm 2008 mới về lại). Thật ngỡ ngàng khi thấy dấu tích thành cổ Vinh còn lại chỉ là  ba cổng thành trơ trọi. Đâu rồi, toà thành sừng sững trong ký ức năm xưa của tôi, đâu rồi những nương lạc, nương ngô của những người dân trong thành mà chúng tôi hay bẻ trộm, nhổ trộm. (Hồi mới hoà bình, hầu như toàn bộ các cơ quan hành chính của tỉnh đều ở trong phạm vi thành cổ, quanh phía trong bờ thành chỉ có lác đác một vài nhà dân. Về sau, các cơ quan chuyển dần ra ngoài, dân trong thành tăng dần lên. Họ sống  chủ yếu bằng nghề canh tác các loại rau, củ quả để tiêu thụ ở chợ Vinh). Đâu rồi nơi chăn bò của dân xóm Yên Nghị mà tôi đã phải nộp hai lon sữa bò gạo mới được bọn chúng cho cưỡi lên lưng bò một lần (lần đầu và cũng là lần cuối của tôi, cho đến bây giờ).. Đâu rồi nơi tôi và thằng Cường thường trèo lên trèo xuống để đổ dế, bắt dế… Dẫu biết sự phát triển và thay đổi là tất yếu, nhưng lòng tôi vẫn thấy buồn thê thiết…

Thằng Cường có biệt tài trong việc đổ dế, bắt dế, mỗi chuyến đi đổ dế với nó chắc chắn sẽ có vài con đưa về. Nó có khả năng phát hiện ra trong một bãi cỏ rộng chỗ nào có dế, chỗ nào không, hang nào dế đã bỏ đi, hang nào dế còn ở… Chọn được hang có dế rồi, nó lần mò tìm những cửa hang phụ (là lối thoát thân của con dế khi bị tấn công ở cửa hang chính, mỗi hang dế đều có một hay hai cửa hang phụ như thế) rồi lấy đất đắp lại. Thích nhất và hồi hộp nhất là khi con dế sặc nước bò dần ra, thấp thoáng hai cái râu ở cửa hang. Mỗi lần như thế, thằng Cường miệng thì giục tôi rối rít: “Thêm nước… thêm nước…mau lên…”, tay thì cầm lon nước đã gần cạn tiếp tục đổ vào hang dế. Tôi vội vàng hai tay hai lon sữa bò chạy như bay xuống hồ thành múc nước, thường mỗi khi lên đến nơi, trao cho thằng Cường hai lon nước xong tôi phải đứng thở hào hển mất một lúc, (từ hồ thành lên đến trên mặt thành phải cao đến bốn, năm mét chứ có phải chơi đâu).

Một lần chúng tôi bắt được con dế thật to: từ đầu đến chót đuôi của nó phải dài đến hai đốt ngón tay của tôi lúc ấy. Đầu đen bóng, trán của nó gồ lên trong “ác chiến” lắm . Cánh nó cũng màu đen nhưng phần cuối ngả sang màu nâu sẫm. Nhưng thích nhất là cặp càng của nó, to dài và khoẻ nhìn sướng vô cùng. Con dế của chúng tôi quả là con dế chọi bẩm sinh. Thi đấu hàng chục trận nó chưa bao giờ chiến bại, dế của bọn trẻ trong xóm chưa con nào chịu được nó lâu lâu, thậm chí có con vừa thấy mặt nó đã chạy. Chúng tôi cưng nó lắm. Nhưng được chừng hơn mươi hôm, không hiểu sao con dế trở nên lờ đờ, uể oải, bỏ ăn. Chúng tôi đã tận tình chăm sóc nó bằng nhiều cách: cho ăn bằng những lá cỏ, đọt tre non nhất, hứng sương cho nó uống, thả hẳn ra ngoài vào ban đêm… nhưng rồi nó vẫn chết. Bỏ con dế vào trong một cái vỏ bao diêm, chúng tôi đem chôn nó ở góc miếng đất bé tý trồng rau cải của nhà thằng Cường, ngay cạnh đường cái sát mé hồ thành. Từ sau khi con dế ấy chết, thằng Cường không đi đổ dế và chọi dế nữa. Tôi biết nó buồn vì con dế nhưng nghĩ, chỉ ít lâu nguôi đi rồi nó sẽ chơi trở lại. Nhưng không, có đến vài tháng sau, nó cũng không đả động gì đến chuyện dế cả. Sốt ruột, có lần tôi hỏi nó; “Răng, mi không chơi dế nữa à?”. Thằng Cường thở dài như người lớn, buồn rầu trả lời: “Tau thương bọn hắn quá!..”!

Năm đó chúng tôi đang học lớp bốn…

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114450358

Hôm nay

298

Hôm qua

2292

Tuần này

21903

Tháng này

216617

Tháng qua

120141

Tất cả

114450358