Những góc nhìn Văn hoá

Cội nguồn sức mạnh Việt nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước

35 năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc sum họp một nhà, nhưng cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ đã, đang và chắc chắn sẽ còn là một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm trong giới nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Một trong số những câu hỏi lớn là nhân tố cơ bản nào tạo ra và nhân lên sức mạnh đảm bảo cho Việt Nam - một nước mà tiềm lực kinh tế, quân sự thua kém Mỹ nhiều lần, lại đã đương đầu và đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ?

Thời gian trôi qua, chúng ta càng hiểu sâu sắc rằng, để đi tới và làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975, yếu tố quyết định thắng lợi là chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, hay nói cách khác là toàn thể nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, bền tâm vững chí, quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược vì nền tự do, độc lập và vẹn toàn sông núi, bờ cõi, biên cương..., đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trong sự nghiệp thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước, trải qua muôn nghìn gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã lập nên những chiến công vô cùng oanh liệt. Dân tộc ta có thể tự hào là một dân tộc anh hùng, trước hết là do toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược[1]. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố.

Trước hết, sức mạnh đại đoàn kết được tạo nên bởi tinh thần yêu nước nồng nàn của con người Việt Nam. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên thế giới đều được hình thành trên cơ sở sự cố kết cộng đồng, tạo nên cho mình một tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước. Song, đứng trước những thách thức của thiên nhiên, của lịch sử, tinh thần yêu nước - chủ nghĩa dân tộc của họ lại có những sắc thái biểu hiện khác nhau. Nằm ở phía Đông của bán đảo Đông Dương, nơi có sự “tàn phá” khắc nghiệt của thiên nhiên, cũng là nơi có vị trí địa chiến lược quan trọng, nên trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, ngàn đời cha ông ta phải chiến đấu chống lại những kẻ thù ngoại bang xâm lược: cự Tần, dẹp Hán, phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, diệt Thanh... Điều kiện địa lý và hoàn cảnh lịch sử từ bao đời đã buộc các thế hệ người Việt Nam phải cố kết, bền lòng, kiên gan và mưu trí tạo nên sức mạnh đương đầu chống chọi với giặc giã, thiên nhiên. Trên dặm dài lịch sử nhọc nhằn đó, qua bao thăng trầm, đã hình thành và bồi đắp lòng yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết bền chặt của cộng đồng cư dân sinh sống, làm ăn trên dải đất Việt Nam. Đó là một hằng số và nhân tố cơ bản, nền tảng tạo ra sức mạnh của dân tộc Việt Nam ta. Nói cách khác, tinh thần yêu nước - chủ nghĩa dân tộc là mẫu số chung cho sự đoàn kết, đồng lòng của mọi người dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc suốt chiều dài lịch sử.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh với lòng nhiệt thành yêu nước, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin đã sớm nhận thức sâu sắc rằng: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc là nhân tố nền tảng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cho thắng lợi của cách mạng. Ngay từ những năm 20 của thế kỉ XX, trong Báo cáo về tình hình Việt Nam gửi Quốc tế cộng sản, Nguyễn ái Quốc đã nêu rõ: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước” và “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ[2]. Trong báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. 

Với những nhận thức, kinh nghiệm tích luỹ được trước đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển chủ nghĩa yêu nước, tinh thần yêu nước lên một tầm cao mới - chủ nghĩa anh hùng cách mạng: đó là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp công nhân. Điều đó làm tăng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Bởi sự đoàn kết toàn Đảng, toàn quân và toàn dân không chỉ vì mục tiêu chung là đấu tranh cho độc lập dân tộc theo chủ nghĩa yêu nước, mà giờ đây sự đoàn kết đó còn vì một lí tưởng cách mạng chung: giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà sử học Mỹ đã nhận xét rằng: “Lịch sử phải đánh giá họ (người Việt Nam - miền Nam cũng như miền Bắc) cao nhất về sức chiến đấu ngoan cường và dũng cảm của con người[3]. Như vậy, truyền thống yêu nước đã được phát huy cao độ thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của nhân dân Việt Nam đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara - một người có những ảnh hưởng l?nđến cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam trong Hồi ký của ông ta cũng phải thừa nhận rằng, nước Mỹ thua trận trong đó có nguyên nhân là họ (Mỹ) đã “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy Việt Nam đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó[4]. Thứ hai, nhân tố tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là nhờ có đường lối tập hợp, đoàn kết nhân dân của Đảng Lao động Việt Nam, mà đối phương thường gọi là “chiến lược đoàn kết của Cộng sản”. Nói đến sự đoàn kết, đồng lòng thường chúng ta đề cập đến những cá nhân, tổ chức mà những cá nhân hay tổ chức ấy phải có năng lực, có đủ uy tín để tập hợp nhân dân, tập hợp mọi người. Nhìn lại cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong lịch sử dân tộc chúng ta sẽ nhận thấy rất rõ điều ấy[5].

Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc là động lực to lớn tạo nên sức mạnh đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù hung hãn. Nhưng để khơi dậy và nhân lên sức mạnh đó, chính đảng cầm quyền phải đề ra và tổ chức thực hiện được một đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ. Trên vấn đề này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã xác định rõ: tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng trên hai miền Nam - Bắc nhằm mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đó có sức hiệu triệu to lớn muôn triệu người Việt Nam yêu nước. Và để tập hợp, động viên các lực lượng yêu nước, Đảng ta đã đề ra đường lối tổ chức, xây dựng khối đoàn kết toàn dân theo tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới. Đối với miền Bắc, thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp mọi người dân miền Bắc củng cố khối thống nhất nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực sự phát huy được sức mạnh mới của nhân dân, cả dân tộc - sức mạnh của những con người được giải phóng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, phát huy vai trò quyết định của miền Bắc đối với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”[6]. Nhận xét về công tác tổ chức, động viên đoàn kết trên miền Bắc, nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko đã viết: Đường lối quần chúng và sự động viên của Việt Nam dân chủ cộng hòa tỏ ra là một phương pháp rất có hiệu quả và nếu không làm được như vậy thì sự sống còn của Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ bị nguy hại hay ít ra sẽ không đủ khả năng để duy trì cuộc chiến tranh ở miền Nam[7].

Tại miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra vô cùng ác liệt. Từ phong trào đấu tranh của quần chúng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20-12-1960 với chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sỹ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà. Ngay sau khi thành lập, Mặt trận ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm[8]. Ngoài ra, những hình thức ngoài Mặt trận cũng được Đảng chỉ đạo xây dựng để thu hút mọi người dân có cảm tình với cách mạng, các tầng lớp trung lập, những người có khuynh hướng hòa bình... như việc thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, các hội, nhóm độc lập... Những bước đệm như tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình trung lập.. là những mục tiêu phù hợp thực sự thu hút các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, ngoại kiều, tư sản dân tộc, lớp dưới trong bộ máy quân đội và ngụy quyền... vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó thực sự là một sáng tạo của đường lối đại đoàn kết toàn dân, như một học giả nước ngoài nhận xét: Ngoài những chiều cạnh về thể chất và về quân sự rất đặc biệt của Việt Nam, kẻ thù đó của Mỹ còn có những vốn quý về chính trị và về tri thức rất nguy hiểm cho Mỹ bởi vì phương pháp luận sáng tạo của cách mạng có thể áp dụng không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi khác nữa. Mỹ đã chọn nhầm một nước để thử lòng tin của mình[9].

Như vậy, mặt trận dân tộc thống nhất ở mỗi miền Nam - Bắc tuy mục tiêu, cương lĩnh cụ thể không giống nhau, hình thức tổ chức cũng như cơ cấu, thành phần có nhiều điểm khác nhau nhưng đều nhằm thực hiện nhiệm vụ chung, mục tiêu chung là đấu tranh chống xâm lược Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc. Phản ánh về “chiến lược đoàn kết” đó, kẻ thù đã phải thừa nhận rằng: Việt Nam dân chủ cộng hòa đã nắm được các ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, do đó chính phủ Việt Nam cộng hòa chỉ còn lại có độc ngọn cờ chống cộng[10].

Nhờ có tinh thần yêu nước nồng nàn và đường lối tập hợp, đoàn kết toàn dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam đã tạo nên sức mạnh to lớn, góp phần quyết định đánh thắng quân thù. Tự hào về thắng lợi, về lòng yêu nước và đường lối đúng đắn của Đảng, Đại tướng Văn Tiến Dũng khẳng định với các nhà báo và học giả phương Tây rằng: “Một lần nữa tôi muốn nói rõ rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo chúng tôi biết khai thác, biết phát huy tất cả những sức mạnh đó để chiến thắng[11].

Rọi chiếu vào sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam, bản thân người Mỹ cũng tự rút ra cho mình được nhiều bài học quý giá, đặc biệt đó là sự chia rẽ, thiếu đoàn kết trong nội bộ nước Mỹ. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ là cuộc chiến tranh gây ra sự chia rẽ nước Mỹ mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất kể từ sau cuộc nội chiến (1861 - 1865). Tính chất của cuộc chiến tranh đã làm cho nước Mỹ tự đánh mất phần lớn sức mạnh của mình (sức mạnh đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến tranh). Nhân dân trong nước phản đối. Người lính Mỹ tham chiến có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến kết quả trên chiến trường, tuy nhiên, do phải chiến đấu trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, chứng kiến tận mắt những tội ác của đồng đội gây ra, nhiều lính Mỹ đã phản đối cuộc chiến với các hình thức khác nhau. Khi niềm tin của người dân và động cơ chiến đấu của binh lính không còn, nước Mỹ cũng không còn sức mạnh như họ vốn có nữa[12]. Đó thực sự là những khó khăn cho chính phủ Mỹ khi muốn đi tìm chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nói như tướng Mỹ Bruce Palmer, khi ông khẳng định “cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm sáng rõ một điều rằng một quốc gia không thể tiến hành một cuộc chiến tranh trong sự lạnh nhạt của dân chúng, gửi những chàng trai và cô gái đi chiến đấu trên chiến trường mà không có sự động viên của mọi người[13].

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc. Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân không chỉ là bài học lớn đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến năm xưa, mà nó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.448.

[2] Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.466-467.

[3] Mai cơn Mắc Lia: Vit Nam - cuc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.231.

[4] McNamara: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.256.

[5] Ngô Quyền đã làm nên một chiến công vang dội tại sông Bạch Đằng để chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, nhưng khi Ngô Quyền mất đi, hai con ông (Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập) không đủ uy tín, năng lực dẫn đến hiện tượng phân chia cát cứ mà chúng ta gọi là “loạn 12 sứ quân”. Phải cần đến một người có đủ uy tín và tài năng khác mới “thu phục” được nhân tâm trong thiên hạ, đó là Đinh Bộ Lĩnh. Có nhiều cuộc khởi nghĩa chống sự xâm lược, đô hộ của quân Minh, nhưng chỉ có Lê Lợi mới “làm cho nhân sĩ khắp nơi kéo về như tụ hội”, tạo sức mạnh đại đoàn kết để làm nên những chiến thắng chấm dứt cuộc “Bắc thuộc” lần hai. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp trong Phong trào Cần Vương diễn ra rộng lớn, quyết liệt đến đâu, nhưng tựu chung lại chỉ diễn ra trên địa bàn nhất định, chưa có sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân, chưa có đường lối phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc mặc dù lòng nhiệt thành yêu nước của con dân đất Việt thì không khi nào cạn. Việc đoàn kết và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm vẫn là một hạn chế rất khó vượt qua của nhiều bậc tiền bối thời kỳ này.

[6] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.191.

[7] Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.313.

[8] Mt trn dân tc gii phóng min Nam Vit Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1961, tr.9.

[9] Gabriel Kolko: Giải phu mt cuc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 204.

[10] Tóm tt Tng kết chiến tranh Vit Nam ca B Quc phòng M, Thư viện Quân đội Trung ương sao lục, 1982, Tập 2, Số ký hiệu 355V (09)/T9661, tr.15.

[11] Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch: Vì sao M tht bi trong cuc chiến tranh xâm lược Vit Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr..48.

[12] Điều đó được thể hiện qua tâm sự của nhiều lính Mỹ từng chiến đấu trên chiến trường Việt Nam, như Ray W. Stubbe - một cựu chiến binh (cha tuyên úy hải quân) trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam - ghi trong hồi ký của mình rằng: “Cui cùng tôi tht s không biết gii thích như thế nào đối vi cuc chiến tranh, cũng như cái cách mà tôi cm nhn v nó (...). Nếu tôi có mt cu con trai 17 tui và li din ra mt cuc chiến tranh khác như tính cht ca cuc chiến tranh Vit Nam, tôi mun là người đầu tiên đưa con trai ca tôi đến Canada hay bt c nơi nào khác trên thế gii để ngăn cn con mình ra chiến trường. Nhưng nếu đó là mt cuc chiến tranh chính nghĩa, tôi mun là người đầu tiên động viên con trai mình xung trn”. Xem Jonh Prados and Ray W. Stubbe: Valley of decision - The siege of Khe Sanh, New York, 1991, pages.523-524.

[13] General Bruce Palmer: The 25 - year war - American’s Military Role in Vietnam, The university Press of Kentucky, 1984, page.190.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528737

Hôm nay

2118

Hôm qua

2275

Tuần này

21010

Tháng này

215433

Tháng qua

0

Tất cả

114528737