Những góc nhìn Văn hoá

Nữ sĩ Ngân Giang giữa nền thơ Đường luật Việt Nam của thế kỷ XX

I. Cuộc đời Ngân Giang: một tình huống của thơ

Tôi vẫn nghĩ với bất cứ thi nhân nào, để có thơ hay, ngoài yếu tố năng khiếu trời cho, còn có tình huống thơ. Tình huống thơ là thuộc cả cuộc đời và cũng là thuộc từng cảnh ngộ sáng tác của từng bài thơ, chùm thơ cụ thể của thi nhân. Nghĩ đến tình huống thơ, tôi tự hỏi: nhân loại trong cuộc sống đều có buồn, vui và thơ. Và thơ thì nói đủ thất tình (mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn) nhưng so buồn với vui, thơ bén duyên với bên nào hơn? ắt hẳn là buồn.

Bởi lẽ thơ hay trước hết phải chân thực. Mà theo quy luật tự nhiên trong cuộc sống con người, buồn bao giờ cũng thật hơn vui. Nguyễn Du viết: “vui là vui gượng kẻo mà” chứ không viết: “ buồn là buồn gượng kẻo mà”. Vui thì tự nó đã được giải thoát, phát tỏa ra ngoài. Còn buồn thì cứ nặng trĩu, muốn nhả ra không chịu ra cho. Bởi thế mà nó cần đến, nó bén duyên với thơ, với văn chương nói chung hơn là vui. Chẳng phải vì thế mà Viên Mai của Trung Hoa xưa khi định nghĩa về văn chương mà thơ là một thành phần tiêu biểu, chỉ nói: “Khi trong lòng có điều uất, phát ra thành lời thì ấy là văn chương vậy”. ở Việt Nam ta, về sau, Phan Kế Bính cũng nói vậy. ở phương Tây, Etgapô cũng nói: “giọng điệu buồn là giọng điệu thích hợp với thơ ca”. Musset tuy nói về tiếng hát nhưng cũng như nói về thơ: “tuyệt vọng nhất là những tiếng hát đẹp nhất”... Quy luật muôn đời này rõ ràng đã được thực tiễn thơ ca nhân loại tự cổ chí kim trong đó có thơ ca Việt Nam ta chứng minh. Với lịch sử thơ ca Việt Nam, không phải thế sao? Thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương (Ba thi hào dân tộc – Xuân Diệu), rồi Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ... kể cả Thơ mới trong phần chủ đạo của nó, không đủ chứng minh quy luật đó sao? Lịch sử văn học Việt Nam cho đến nay đã có mấy kiệt tác đích thực cỡ Bình Ngô đại cáo - bản “thiên cổ hùng văn” này - niềm vui chẳng đã phải đi qua nỗi đau: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.

Quả là tôi đã nghĩ về cái gọi là tình huống thơ như trên để đến với thơ Ngân Giang, nhưng trước hết là đời Ngân Giang và thấy rõ đó là một tình huống thơ trọn vẹn mang dấu ấn riêng của Ngân Giang. ông trời đã cho bà sinh ra trong một gia đình lao động, chân chất hiền lành, chuyên nghề thêu là cái nghề làm đẹp cho đời, mà lại có thêm truyền thống âm nhạc dân gian, chơi đàn bầu rất giỏi. Năm 1956, cóp dịp ở chung trong khu nhà 23 phố Lò Đúc, tại đó có gia đình cụ thân sinh và người em trai nữ sĩ mà tôi biết được điều đó. Chính nơi đây, một lần anh bạn tôi đã chỉ vào một người đàn bà rất đẹp và mách rằng: cậu xem, nữ sĩ Ngân Giang từng được bác Hồ tặng thơ: “Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” đấy. Anh bạn còn mách thêm: ấy mà mấy đời chồng rồi đấy. Ngân Giang nữ sĩ là một trường hợp được tạo hóa vừa cho vừa bắt làm người có sắc tài để rồi “hồng nhan bạc phận”, để rồi “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Với cuộc đời Ngân Giang nữ sĩ, xem ra vui là chuyện thoáng qua. Mà buồn là chuyện cứ đeo bám. Cứ tưởng tượng, một người đàn bà đi qua bốn đời chồng thì vui nhiều hay buồn nhiều? Chỉ đọc hai câu thơ của bà: “Mẹ theo chồng mới cười như mếu/ Con nhớ cha xưa khóc ngỡ đùa” đã thấy sợ. Thử tưởng tượng người mẹ vốn là một nữ sĩ quen với điệu sống phiêu diêu mà phải nai cái thân xác ra để nuôi lớn mười một người con trong cảnh nghèo nàn thì vui sao được để không buồn? Nghĩ mà cũng kính phục nhưng cũng sợ. Thử tưởng tượng một nữ sĩ tài sắc như thế, đã từng say sưa gia nhập đoàn người cách mạng, từng có công cứu sống một nhạc sĩ lớn của đất nước (Đỗ Nhuận) khỏi nguy cơ bạo tàn của bọn Tàu Tưởng, lại từng được Cụ Hồ tặng thơ... nhưng rồi cuộc đời đưa đẩy làm sao mà thành người ra rìa để sống nhếch nhác với một quán nước lèo tèo, chơi vơi nơi bến bãi sông Hồng, bao phen bão táp mưa sa giữa Thủ đô hoa lệ trong bao nhiêu năm cho tới ngày nhắm mắt thế kia thì vui sao được mà không buồn. ở thế kỷ XX, Việt Nam ta có các nữ sĩ của thơ ca: Đạm Phương, Hằng Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ... và Ngân Giang. Nhưng xem ra không ai vất vả nặng nợ như Ngân Giang. Tôi nói: Cuộc đời Ngân Giang: một tình huống của thơ là từ sự thật khắc nghiệt đó. Hơn ai hết, Ngân Giang với bốn ngàn bài thơ trước hết là chuyện mình bù lại cho mình. Bà nghèo cơm áo, nhưng bà giàu về thơ. Không phải lấy thơ để nuôi thân xác mà nhờ thơ để giải tỏa nỗi buồn bằng chính cái buồn. Đất nước và nền thơ đất nước ở thế kỷ XX từ đó mà có một Ngân Giang nữ sĩ sẽ chắc chắn được thời gian ủng hộ. Tôi tin thế.

II. Thơ Ngân Giang là thân phận Ngân Giang

Với Ngân Giang, bốn ngàn bài thơ là một thế giới thơ mênh mông, thăm thẳm. Tôi chỉ là khách qua đường, nghe đồn đại mà thành náo nức tìm đến trước cổng thơ của bà, nhìn vào đã thấy rợn ngợp và thoang thoáng thấy trong đó có nhiều cảnh, nhiều tình, nhiều nghĩa, nhiều giọng, nhiều thanh, có buồn có vui, có hướng ngoại, hướng nội ... nhưng bao trùm vẫn là một nguồn thơ hướng nội trong đó nổi cộm lên trước hết là một cảm quan nặng nề về thân phận của chính nữ sĩ giữa cõi nhân gian trong suốt một cuộc đời từ tuổi thơ đến lúc về già:

                                    Thân thế buồn như lá mặt ghềnh

                                    Cũng bởi trời già trao phận bạc

Cho nên tuổi trẻ ngán ngày xanh

(Mười bài tâm sự)

 

Con lên hai, mẹ hai mươi

Ngơ ngác buồn tênh giữa cuộc đời.

(Đường về)

                                    Đời bạc đã toan liều bạc phận

(Mười bài tâm sự)

                                    Nổi chìm đã biết tự thơ ngây

                                                                                    (Phong trần)

                                    Ngày lại ngày qua sầu cộng sầu

Mẹ con ngơ ngác lặng nhìn nhau

                                                                                    (Cùng đường)

                                    Một kiếp tài tình thật đắng cay ...

                                    Tìm khuây cũng khó khi đời bơ vơ.

                                                                                    (Vô đề)

                                    Con còn thơ dại biết đâu rằng

                                    Mẹ nín mà câm chẳng nói năng

                                                                                    (Trên đường về)

                                    Ngày qua đêm lại đâu bờ bến

Quá sáu mươi năm một kiếp trần

                                                (Quán mưa bãi vắng)

Chữ tài, chữ mệnh khó chung đôi

Mệnh bạc như tài lộng khắp nơi.

Tài ngỡ bóng trăng lồng bóng nguyệt,

Mệnh như hoa dạt vướng hoa trôi.

                                                (Tài mệnh)

Hỡi ơi tài sắc thiên thu lụy

Hãy xót thương ai vướng sắc tài.

(Tài mệnh)

                                    Hơn bảy mươi rồi vẫn khổ đau

Một kiếp là thôi một kiếp sầu

                                                (Cảm thán)

ở đây như vắng tình tri ngộ

Một kiếp hồng nhan mấy xót xa.

                                                (Không đề)

… …

Nỗi buồn thân phận của Ngân Giang đã lan tỏa tới trời cao, trăng sao, mây gió, sông nước cỏ cây, hoa lá. Thơ Ngân Giang đầy trăng mà hầu hết là trăng buồn, trăng lạnh, trăng cỗi, trăng suông, trăng xa:

                                    Để ta với bóng trăng tròn lạnh ...

                                    Mắt buồn theo bóng trăng cô tịch.

                                                                                    (Vương Tường)

                                    Não nùng trăng ngả bóng bơ vơ

                                                                                    (Sang sông)

                                    Một trời, một nước, một trăng suông

                                                                                    (Quán lưa bãi vắng)

                                    ...

Với Ngân Giang, bóng đêm, ban đêm đã thành ám ảnh sâu đậm kèm theo cô đơn, riêng lẻ:

                                    Bồng con đêm vắng ngán bơ vơ ...

                                    Đêm sâu ngồi chép lại tình sâu.

                                                                                    (Mười bài tâm sự)

                                    Sống giữa lòng đêm tìm khối sáng

                                    Tim sầu nào biết gửi ai đây

                                                                                    (An phận)

                                    Đêm dài nghe lạnh xuống hoang liêu

                                                                                    (Nửa mảnh trăng soi)

                                    Thôi dọc ngang gì trong ngưỡng cửa

                                    Mà toan tính nữa những đêm thâu

                                                                                    (Gác hẹp)

                                    Đêm vắng khuya dần vào tịch mịch

Muôn trùng trời biển có cao sâu ...

Đêm xuống chuông rền một nẻo sương

                                                (Mưa thương nhớ)

Đêm nay rồi lại bao đêm nữa

Chả biết hoa đào rụng mấy bông.

                                                (Nguyên vận)

Ngày qua đêm lại đâu bờ bến

Quá sáu mươi năm một kiếp trần

                                                (Quán mưa bãi vắng)

....

Trong thơ Ngân Giang ít thấy lá xanh tươi tốt, chỉ thấy nhiều lá rơi mà tưởng thân phận rơi, rơi của người nữ sĩ sắc tài nhưng bạc mệnh này:

                                    Thôi rồi song vắng lá vàng rơi

                                                                                    (Đợi)

                                    Thì ngả nào không có lá rơi

                                                                                    (Khi gió heo may về)

                                    Lại ngẩn ngơ nhìn chiếc lá bay

                                                                                    (Mươi bài tâm sự)

                                    Ôi hoa rơi đóa lá rơi cành

                                                                                    (Một tuần lễ)

                                    Chim chóc bay về tiếng lá rơi

                                                                                    (Chùa Trầm)

                                    Lá nào rơi xuống lọt song thưa

                                                                                    (Cảm tác III)

                                    úa ngập bên đường bao xác lá

                                                                                    (Mùa thương nhớ)

                                    Gió giục tơi bời cây đổ lá

                                                                                    (Cảm thán)

                                    ...

Với Ngân Giang, cũng thấy một bầu khí lạnh bao phủ trong thơ:

                                    Một đêm xuân lạnh tựa bao lơn

                                                                                    (Vắng vẻ)

                                    Gió vút dương cầm dây trở lạnh ...

                                    Để đến hôm nay trăng trở lạnh ...

                                    Cố đô năm tháng lạnh lùng trôi

                                                                                    (Mười bài tâm sự)

                                    Mảnh trăng muôn dặm sao lành lạnh

                                                                                    (Mùa thương nhớ)

                                    Chiều nay không gió mà như lạnh

                                                                                    (Quán gió)

                                    Gió đông hất lạnh đôi gò má

                                    Chiều quạnh buông dài những giọt sương

                                                                                    (Nắng chếch chiều tàn)

                                    Rằng ngày xưa ấy Ngân Giang

                                    Một dòng sông lạnh muôn vàn sao rơi

                                                                                    (Người ngoài nghìn dặm)

                                    Trải lụa đề thơ bên ngọn nến

                                    Bâng khuâng nghe lạnh cả đêm dài

                                                                                    (Khuya II)

                                    ...

và nước mắt nữa cũng đã ướt đậm trong thơ Ngân Giang:

                                    Cầm bút toan đề thơ lại đặt

                                    Gối nào nước mắt có rơi rơi

                                                                                    (Đêm nay)

                                    Trong bước gian nan đến thế này

                                    Gượng cười nuốt lệ nén chua cay ...

                                                                                    (Đến cửa rồi đi)

                                    Nến lạnh lùng rơi từng giọt lệ

                                    Bút âm thầm chép những vần thơ

(Mười bài tâm sự)

                                    Đâu bóng người xưa qua phố cũ

                                    Cho dòng nến trắng khóc ba canh

                                                                                    (Một tuần lễ)

                                    Buồn lắng xa xôi hồi trống trận

                                    Càng thương thân thể lệ đầy vơi

                                                                                    (Mưa thương nhớ)

                                    Còm cọm bên sông tóc úa dần

                                    Tay nâng chén nước lệ đầy khăn

                                                                                    (Quán mưa bãi vắng)

                                    Đèn giong nước mắt nhoà thơ cũ

                                    Gió giục sương khuya lạnh cửa ngoài

                                                                                    (Nhắc lại một kỷ niệm)

                                    Vàng tan đá nát đôi hàng lệ

                                    Luỹ đổ thành nghiêng một nụ cười

                                                                                    (Tài mệnh)

                                    ...

Đọc thơ Ngân Giang dù chưa được bao nhiêu mà vẫn đã thấy thấm thía biết chừng nào câu thơ Kiều của Nguyễn Du: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” và cả câu thơ vịnh Thúy Kiều của Phạm Quý Thích: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”. Ngân Giang đã bị trời đất ghen. Cái lụy ngàn đời đã trút vào một Ngân Giang. Hỡi ôi tài tình! Hỡi ôi tài sắc!

Trong thơ Ngân Giang không phải không có niềm vui, kể cả hùng khí. Có điều như trên đã nói, niềm vui chỉ loáng thoáng đôi khi mà xem ra ở đây hồn thơ Ngân Giang ít đậu. Trưng Nữ Vương là một trong những bài hay nhất, nổi tiếng nhất của Ngân Giang. ở đây quả có khí chất hùng văn, bay bổng:

                                    ... Thù hận đôi lần chau khóe hạnh,

                                    Một trời loáng thoáng bóng trăng rơi.

                                    Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

                                    Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.

                                    Ngang dọc non sông đường kiếm mã,

                                    Huy hoàng cung điện nếp cân đai.

                                    Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa,

                                    Tám nẻo mưa ngàn táp đoá mai ...

Nhưng kết lại bài thơ vẫn là nỗi niềm bơ vơ của người vợ mất chồng:

                                    ải Bắc quân thù kinh vó ngựa,

                                    Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi

                                    Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá!

                                    Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi.

Thì ra Ngân Giang đã tái hiện sự nghiệp hiển hách của Trưng Nữ Vương vừa bằng cảm hứng dân tộc lịch sử để tạo ra chất sử thi sảng khoái vừa bằng cảm quan về chính thân phận mình một người phụ nữ tài sắc mà bơ vơ cô độc giữa cõi đời để có thêm chất nhân văn trong bài thơ tuyệt tác này. Chả trách mà đã gây nên một hiện tượng có một không hai trong lịch sử, ít ra là ở Việt nam ta: Thi sĩ Đông Hồ bạn của nữ sĩ Ngân Giang trong khi bình giảng bốn câu thơ cuối cùng của bài thơ Trưng Nữ Vương xúc động quá, sung sướng quá đã chết gục ngay tại giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn (25 – 3 – 1969).

III. Ngân Giang: “Ôi một đời thơ xót luật Đường”

Trong bốn ngàn bài thơ của Ngân Giang có hơn hai ngàn bài là Đường luật. Chúng ta nghĩ gì trước hiện tượng độc đáo này? Trong chúng ta, hẳn là nhiều người còn nhớ, bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ trước, trong đà chuyển biến của văn học từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại, một số người Tây học như Phạm Quỳnh, cựu học như Cử nhân Trịnh Đình Rư, Tú tài Phan Khôi đã lên tiếng chê bai thơ luật Đường là gò bó, “làm mất cái giọng thiên nhiên” (Phạm Quỳnh). Tiếp đó, vào đầu những năm 30, Thơ Mới xuất hiện, có thành tựu rực rỡ và như thế là thơ cũ mà chủ lực là thơ Đường luật bị coi như hết thời đáng cho vào kho đồ cổ. Đến hôm nay, không ít người vẫn tin và nghĩ đó là chân lý, Nhưng sự thật không hẳn thế. Thời gian đã cho phép nói rằng cái định kiến trên đây chỉ là chuyện có phần bốc đồng một thời. Đã có một luận án Tiến sĩ Ngữ Văn về thơ Đường luật Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX của Trần Thị Lệ Thanh làm việc nói ngược mà thành công. Sự thành công này trước hết bắt đầu từ khâu sưu tầm tập hợp tư liệu thơ Đường luật cả Hán lẫn Nôm hơn 5000 bài, chắc chắn trong đó một phần lớn thì những người từng phủ nhận thơ Đường luật thuở ấy chưa hề đọc tới. Trên cơ sở phát hiện tư liệu, luận án đã bằng nhiều lý lẽ và sự phân tích, chứng minh cho người đọc thấy một sự thật hiển nhiên rằng: ở nửa đầu thế kỷ XX, thơ Đường luật vẫn tồn tại và vẫn có những giá trị không thể coi thường. Trên Nam Phong tạp chí từ số 1 năm 1917 đến số 179 năm 1932 ở mục Văn uyển có 1896 bài thơ Đường luật của 148 tác giả. An Nam tạp chí của Tản Đà qua sáu lần chết đi sống lại cũng có 147 bài thơ Đường luật với 42 tác giả. Phụ nữ Tân văn cũng để lại 385 bài của 74 tác giả. Tản Đà chỉ riêng với Khối tình con I và II, Còn chơi, Thơ Tản Đà cũng để lại 66 bài thơ Đường luật. Trần Tuấn Khải với Duyên nợ phù sinh I, II, Bút quan hoài I, II, Với sơn hà I, II, có 108 bài. Ngay trong các nhà Thơ Mới như Bích Khê, Hằng Phương, Anh Thơ, Hàn Mặc Tử... vẫn có thơ Đường luật. Đặc biệt, Quách Tấn đã có tới một ngàn bài thơ Đường luật. Trong dòng thơ ca yêu nước và cách mạng, Phan Bội Châu trước sau đã để lại 631 bài thơ Đường luật vừa Hán vừa Nôm mà Nôm là chủ yếu. Phan Châu Trinh cũng để lại 316 bài thơ Đường luật mà Nôm là chính. Rồi nữa Nguyễn Thượng Hiền 77 bài Đường luật chữ Hán. Hồ Chí Minh 82 bài thơ Đường luật cũng chủ yếu là chữ Hán... Một khối lượng thơ Đường luật như thế mà bảo thjơ Đường luật đã hết thời sao được. Trong một khối lượng thơ Đường luật như thế chẳng lẽ không còn giá trị gì nữa? Với những bài thơ Đường luật chữ Hán thời này, như Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu, Xuất đô môn của Phan Châu Trinh, Cảm tác của Hoàng Trọng Mậu, Vọng nguyệt của Hồ Chí Minh... không xứng đáng xếp vào hàng những bài thơ Đường luật hay nhất trong lịch sử thơ Đường luật chữ Hán Việt Nam ư? Rồi những bài thơ Đường luật Nôm như Côn Lôn cảm tác của Phan Châu Trinh, Cảm tác ở nhà ngục Quảng Châu của Phan Bội Châu, Chùa Hương, Đêm thu của Tản Đà... hỏi thua bất cứ bài thơ hay nhất về Đường luật Nôm trong lịch sử? Với Quách Tấn, chỉ riêng bài Đêm thu nghe quạ kêu thì đã có người thốt lên rằng: “chỉ một bài Đêm thu nghe quạ kêu chừng nấy thôi cũng đủ cho ta thấy thi sĩ đã vượt lên trên những thi sĩ có tiếng như Bà Huyện Thanh Quan, Yên Đổ, Chu Mạnh Trinh...”. Nói thế là quá chăng? Ai thấy nói quá xin cứ trừ hao, thì bài thơ vẫn đủ sáng giá với lịch sử thơ Đường luật Việt Nam rồi. Trở lên mới là nói đến từng tác phẩm Đường luật, còn phải nói đến tác giả Đường luật. Xin hãy đến với 631 bài thơ Đường luật của Phan Bội Châu và một ngàn bài thơ Đường luật của Quách Tấn, chắc chắn chúng ta sẽ thấy rõ hơn thế nào là thơ Đường luật Việt Nam ở thế kỷ XX. Riêng ở cuối thế kỷ XX và cả mấy năm đầu thế kỷ XXI nữa, chưa thể kể đến những tập thơ in lẻ tẻ ở nơi này nơi khác, chỉ tính riêng 6 tập Bút xưa và tập Thắp sáng Đường thi do Câu lạc bộ Đường thi tại Hà Nội với người chủ trì là bác Hoài Yên, dày trên 5000 trang sách về thơ Đường luật, thử hỏi những gì trong đó vậy? Lại có thông tin cho biết tới nay đã có bốn mươi câu lạc bộ thơ Đường luật trên khắp cả nước. Thì cũng vậy, là gì trong đó? Với tôi, quả thật chưa dám có ý kiến gì nhưng tự thấy không dám coi thường hiện tượng đó. Bước đầu, chỉ có thể nói chắc rằng: không thể nói ở Việt Nam ta, thơ Đường luật đã cáo chung như một thời nông nổi trước đây.

Và Ngân Giang là gì giữa nền thơ Đường luật của thế kỷ XX? Là “Nữ hoàng của thơ Đường luật thế kỷ XX” như có người đã phong tặng? Ai thích thú đến đâu, xin cứ nói đến đó. Riêng tôi vẫn là buổi đầu đứng trước cổng thơ của nữ sĩ thì có đôi điều sơ kiến như sau:

            - Trong thế kỷ XX, đây là thi sĩ có tâm huyết nhất đối với thơ luật Đường. Câu thơ của nữ sĩ cho thấy điều đó: “Ôi một đời thơ xót luật Đường”. Hơn hai nghìn bài thơ Đường luật của nữ sĩ chứng minh cho tâm huyết đó và đã là kỷ lục sáng tác thơ Đường luật không của riêng thế kỷ XX mà còn là lịch sử thơ ca dân tộc. Từ kỷ lục này mà tặng Ngân Giang nữ sĩ là “nữ hoàng thơ Đường luật của thế kỷ XX” cũng là điều có lý mặc dù còn phải tính đến những căn cứ khác.

            - Tâm huyết và thành tựu sáng tác thơ Đường luật của nữ sĩ Ngân Giang chính là bản lĩnh tâm hồn và thi ca của bà vốn gắn kết sâu nặng, keo sơn với nguồn thơ, hồn thơ dân tộc đã đành mà còn ít nhiều là nguồn thơ, hồn thơ của Đông Bắc á thuộc phương Đông cổ truyền từng sáng danh nhất trong lịch sử thơ ca nhân loại cổ kim Đông Tây với thơ Đường. Mặc cho thời thế có đổi thay, cảm quan thẩm mỹ có biến đổi và nhất thời, thể thơ Đường luật có bị rẻ rúng do nhận thức chung quanh vấn đề cũ mới trong nghệ thuật do quá đơn giản dễ dãi gây nên, nó vẫn là nó.

            - Tâm huyết và thành tựu thơ Đường luật của nữ sĩ Ngân Giang cũng là một trường hợp thử thách lớn đối với tài năng của bà. Bởi như có lần tôi đã thưa với bạn đọc rằng thể thơ luật Đường không chỉ là thể thơ đòi hỏi súc tích nhất mà còn là thể thơ khó làm nhất. Tôi đã từng gọi nó là thể thơ “vượt hiểm” (Xem: Thử tìm nguyên nhân tồn tại của thơ Đường luật ở thế kỷ XX - Nguyễn Đình Chú, Trần Thị Lệ Thanh NXB Văn hoá Dân tộc – 2003), bắt buộc tài thơ phải đi qua cửa hiểm là sự gò bó, khắc nghiệt của niêm luật, của thi pháp để tỏa sáng mà thực tế đã toả sáng trong lịch sử Trung Hoa, Việt Nam. ý niệm cho rằng thơ luật Đường gò bó “làm mất cái giọng thiên nhiên” thực ra chỉ là cách nghĩ đơn giản, do chưa thấy hết cái huyền diệu, kể cả cái bí ẩn trong sự sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo thơ ca. Đề cao thì đúng nhưng xin đừng tuyệt đối hóa cái gọi là giải phóng cảm xúc để sáng tạo thơ ca, từ đó có thể thơ tự do như lâu nay nhiều người vẫn đơn giản mà nghĩ. Với hai ngàn bài thơ Đường luật của Ngân Giang nữ sĩ, dù chưa thể chiếm lĩnh được nó là bao, tôi vẫn muốn coi đó là một sự thử thách tài thơ của bà ở cái thể thơ “vượt hiểm” này.

Xin cầu nguyện cho hồn thơ, tài thơ, thành quả thơ, đặc biệt là thơ luật Đường mà một đời thơ bà đã xót với nó, xót cho nó, sẽ được thời gian ủng hộ nhiều hơn, nhanh hơn, vui hơn nữa./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528736

Hôm nay

2117

Hôm qua

2275

Tuần này

21009

Tháng này

215432

Tháng qua

0

Tất cả

114528736