Cuộc sống quanh ta

Dân chủ Hồ Chí Minh: Một giá trị văn hoá

“Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”[1]. “...làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[2]

 
Hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ chuyên chế và mấy chục năm dưới chế độ thực dân cũng không kém phần chuyên chế, nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Ra đi tìm đường cứu nước, từ thân phận một người dân nô lệ, mất nước, cùng với yếu tố quan trọng nhất trong hành trang là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã được kích thích bởi những tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của phương Tây. Người muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau các khái niệm đó. Trong ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh có mặt ở nhiều nước, nhưng chủ yếu là ở châu Âu nên Người chịu ảnh hưởng sâu rộng của nền văn hóa dân chủ và cách mạng của phương Tây. Ra đi từ một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đã được tôi luyện những lý tưởng cách mạng, tiến bộ, tự do, dân chủ ở phương Tây, nhưng đó là một sự tiếp nhận qua lăng kính giải phóng dân tộc. Người tiếp cận Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ, tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm của các nhà khai sáng như Vonte, Rútxô, Môngtetxkiơ. Tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng qua các tác phẩm như Tinh thần pháp luật của Môngtetxkiơ, Khế ước xã hội của Rútxô, đặc biệt là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Đại cách mạng Pháp đã ảnh hưởng tới tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Hồ Chí Minh còn hấp thụ được tư tưởng dân chủ và hình thành phong cách dân chủ của mình qua cuộc sống thực tiễn. Từ cách sinh hoạt khoa học ở Câu lạc bộ Phôbua ở ngoại ô Pari, không khí tranh luận ở Đại hội Tua (tháng 2-1920), Hồ Chí Minh đã học được cách làm việc dân chủ. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng những gì Hồ Chí Minh học được từ tư tưởng và phong cách dân chủ ở phương Tây đã làm giàu cho trí ruệ của Người, để từ đó Người thâu hái, gạn đục khơi trong, tìm lấy hạt nhân hợp lý, suy nghĩ, lựa chọn, kế thừa, đổi mới, vận dụng và phát triển sáng tạo trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin, Hồ Chí Minh được tiếp thu tư tưởng dân chủ mang tính cách mạng, khoa học, nhân văn. Từ đây, tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh không chỉ phong phú thêm, mà còn mang một chất lượng mới, trình độ mới, phản ánh được trí tuệ của thời đại, mang đậm sắc thái Hồ Chí Minh.
Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp của quần chúng nhân dân, từ phong trào quần chúng trở thành người lãnh đạo và khi đã trở thành lãnh tụ vẫn kiên trì công tác quần chúng, tư tưởng và phong cách dân chủ Hồ Chí Minh hình thành từ sớm, xuyên suốt, nhất quán đến tận cuối đời. Ngay sau khi sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã kiên trì xây dựng nền dân chủ và một nhà nước thật sự dân chủ- nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mối quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước dân chủ. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Khi người dân chưa hiểu dân chủ là gì thì không thể thực hành được dân chủ. Phải làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Hiểu dân chủ tức là nhân dân có quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, dân là mạnh nhất.
Tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh thể hiện trong phong cách lãnh đạo của Người và biến thành một phẩm chất đạo đức quý giá. Hồ Chí Minh trước sau gắn bó với nhân dân, tin tưởng, quý trọng nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng nhân dân. Người không bao giờ coi mình cao hơn thiên hạ, đặt mình trên nhân dân, trên Đảng, trên Nhà nước. Theo Người, quyền lực thuộc về nhân dân và do nhân dân ủy thác. Trước sau, Người chỉ xem mình là một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận, bao giờ đồng bào cho lui thì Người vui lòng lui. Đứng ở đỉnh cao quyền lực 24 năm nhưng Hồ Chí Minh không xử sự như một người cầm quyền. Người quan tâm tới đảng cầm quyền nhưng ít khi nói đến quyền lực của Đảng đối với dân, với nước. Quyền uy của Đảng, theo Người, phụ thuộc vào tính đúng đắn, sáng suốt của đường lối chính trị và phẩm chất, nhân cách của cán bộ, đảng viên. Người thường đối thoại bình đẳng với mọi người, không thích ra lệnh, lên lớp. Người đến với mọi người bằng hợp chất lý và tình, thuyết phục bằng cảm hóa.
Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên thực hành phong cách dân chủ kiểu mới mang nội dung khoa học, cách mạng và được tiến hành như một nghệ thuật. Người đã động viên được đông đảo nhân dân, làm chuyển biến nhiều người lao động bình thường thành người yêu nước, người chiến sĩ cách mạng. Người đã gắn chặt tư tưởng dân chủ với hoạt động cách mạng và coi tư tưởng dân chủ là một nội dung đặc biệt quan trọng trong công tác cách mạng. Trong khi vun đắp tư tưởng và phong cách dân chủ, Hồ Chí Minh đã phê phán những cán bộ thoát ly quần chúng, đè đầu cưỡi cổ dân, trở thành “quan cách mạng”. Người viết: “Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”[3].
Nghiên cứu tư tưởng và phong cách dân chủ Hồ Chí Minh là đi vào thực chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, mà nòng cốt là nhân dân lao động công nhân, nông dân, trí thức về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, bao gồm lực lượng của cả cộng đồng và lực lượng của từng cá nhân. Sức mạnh này chỉ có thể có được khi họ được tổ chức chặt chẽ, được phát huy dân chủ hết cỡ. Làm cách mạng phải dựa vào dân, phát huy lực lượng của toàn dân- lực lượng vật chất, lực lượng tinh thần. Chung quy cách mạng là động viên con người để giải phóng và mang lại hạnh phúc cho con người
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện trên ba mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau là dân quyền, dân sinh, dân trí. Hồ Chí Minh đặc biệt chăm lo dân quyền. Nền chính trị mà Người hướng tới và xây dựng là chính trị dân quyền. Người càng chăm lo dân sinh và rất chăm lo dân trí. Trong suốt quá trình cách mạng, Người quyết tâm và động viên toàn dân thực hiện: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Người dạy rằng, nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Vì vậy, việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh. Hồ Chí Minh rất quan tâm và coi trọng xây dựng một nhà nước mà “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”; xây dựng một Chính phủ là công bộc của dân. “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”[4].
Là người sáng lập nhà nước dân chủ mới Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản khác dưới luật. Theo Người, trong một nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải đi đôi với nhau. Pháp luật là bà đỡ của dân chủ, bảo đảm cho quyền tự do dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế và dân chủ phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật. Trong việc xây dựng nhà nước, Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền thành những cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tẩy sạch bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và thành thạo nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ hành chính, am hiểu pháp luật, thực hành tốt văn hóa ứng xử. Xây dựng pháp luật, tăng cường một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm việc thực hiện quyền lực của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ quyền tự do dân chủ rộng rãi của nhân dân lao động là mối quan tâm suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”[5].
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đấu tranh để ngăn ngừa các tệ nạn quan liêu, chuyên quyền, tham ô, nhũng lạm, lãng phí, đặc quyền đặc lợi. Người coi đó là những thứ giặc rất nguy hiểm, làm hư hỏng cán bộ, phá vỡ kỷ luật, kỷ cương, có thể làm ruỗng nát chế độ dân chủ từ bên trong. Theo tinh thần của Lênin và Hồ Chí Minh thì không ai có thể bôi nhọ được chúng ta trừ chúng ta bôi nhọ ta; không ai đánh đổ được chúng ta trừ chúng ta tự đánh đổ ta bởi “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”, bệnh quan liêu. V.I. Lênin viết: “Chúng ta khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”[6]. Hồ Chí Minh nói: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”[7]. Hồ Chí Minh khẳng định có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn. Nói tóm lại: vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”[8].
Điều mà Hồ Chí Minh cảnh báo phải đề phòng khi mới thiết lập chính quyền cách mạng đang là vấn đề nổi cộm trong xã hội ta hiện nay. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát động đã chỉ ra 4 điều cần kíp phải chống, đó là chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Rõ ràng 4 điều đó đã được Hồ Chí Minh nhắc nhở từ nửa sau thập kỷ bốn mươi mà hôm nay vẫn đang trở thành phổ biến và rất nghiêm trọng. Tài sản xã hội chủ nghĩa bị bòn rút. Kỷ cương, kỷ luật Đảng, Nhà nước lỏng lẻo. Ý thức trách nhiệm không được đề cao. Ý thức phục vụ nhân dân bị hạn chế. Quyền dân chủ và lợi ích của nhân dân bị xâm phạm, một số nơi khá nặng nề. Công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nghiêm trọng. Tình trạng tham nhũng , suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Tình hình đó đang “cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và giảm lòng tin trong nhân dân...; là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”[9].
Theo Hồ Chí Minh, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng, là dân chủ. Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công. Phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng. Từ trên đến dưới đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu thì sẽ giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng hội nhập sâu, đang vận hành theo quy luật của nó trong khi ta chưa kịp thích nghi và phát hiện ra quy luật. Vì vậy, nhiều vấn đề kinh tế- xã hội, đặc biệt là các vấn đề xã hội, cải cách hành chính, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang gặp những khó khăn, lúng túng. Vì sao trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, “thanh tra đụng vào dự án nào, đơn vị nào đều thấy sai phạm ở mức độ khác nhau. Sai phạm không hoàn toàn do lỗi cơ chế mà nghi ngờ có động cơ tiêu cực phía sau. Tiếc là thanh tra chưa đủ điều kiện đi sâu. Mình cũng truy nhưng họ quanh co đủ thứ. Chứng cứ để khẳng định làm vậy là có vấn đề tiêu cực là rất nan giải”(Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trao đổi với báo chí tại giờ giải lao phiên họp Quốc hội sáng 25-10, báo Tuổi trẻ, 26-10-2007). Vấn đề rõ ràng là rất phức tạp và có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng không thể bỏ qua, đó là thiếu dân chủ và bệnh quan liêu. Còn mất dân chủ, đặc biệt là trong Đảng thì không thể chống tham nhũng và tiêu cực đạt hiệu quả cao. Báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận “hầu hết các vụ việc tham nhũng là do các cơ quan chức năng và nhân dân phát hiện”. Thiếu và chưa thật sự phát huy dân chủ trong đảng, quyết tâm chống tham nhũng trong cán bộ chủ chốt chưa cao nên không có một vụ tham nhũng nào được phanh phui từ đơn vị.
Để giải quyết vấn đề trên, theo Hồ Chí Minh phải kết hợp cuộc đấu tranh chống các tệ nạn nói trên với việc chỉnh đốn đảng, làm trong sạch bộ máy quản lý nhà nước, quản lý kinh tế. Hồ Chí Minh đòi hỏi các chi bộ phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh này để xây dựng chi bộ, nâng cao sức chiến đấu của đảng viên, tăng cường mối liên hệ giữa đảng với nhân dân, giữa người lãnh đạo và cán bộ. Người đặc biệt lưu ý phải làm cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Theo Người, dân chủ thật thà trong Đảng không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh dạn đề ra ý kiến và phê bình. Ngược lại, nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản. “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”[10]. Lời căn dặn cuối cùng trong Di chúc, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Tóm lại, Hồ Chí Minh là con người của lý tưởng dân chủ. Tư tưởng dân chủ của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về giá trị của dân chủ; về địa vị và quyền lợi của người dân; về bộ máy nhà nước dân chủ; về dân chủ trong Đảng và vai trò của Đảng cùng các đoàn thể nhân dân trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ; về giải pháp thực hiện dân chủ. Tư tưởng và phong cách dân chủ Hồ Chí Minh là những bài học quý giá soi sáng trong giai đoạn hiện nay, gắn chặt với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm tăng cường mối liên hệ giữa đảng với nhân dân, thực hiện tốt đẹp đặc trưng chính trị hàng đầu của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là chế độ do nhân dân làm chủ.
 
 
 



[1] Hồ Chí Minh, Sdd, t.6, tr. 515.
[2] Hồ Chí Minh, Sdd, t.12, tr.223.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.6, tr.292-293.
[4] Hồ Chí Minh, Sdd, t.5, tr. 60.
[5] Hồ Chí Minh, Sdd, t.5, tr. 641.
[6] V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.54, tr.235.
[7] Hồ Chí Minh, Sdd, t.6, tr.490.
[8] Hồ Chí Minh, Sdd, t.6, tr.490.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, H, 2001, tr. 67 và 76.
[10] Hồ Chí Minh, Sdd, t.5, tr.281.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525851

Hôm nay

2118

Hôm qua

2283

Tuần này

2401

Tháng này

212547

Tháng qua

0

Tất cả

114525851