Cuộc sống quanh ta

Văn hoá soi đường cho quốc dân đi

Có người là anh hùng dân tộc nhưng không phải là nhà văn hoá. Cũng có người là nhà văn hoá nhưng không phải là anh hùng dân tộc. Hồ Chí Minh có hai trong một. Hồ Chí Minh đem văn hoá phổ vào sự phát triển.

Văn hoá hiện hữu trong tất cả mọi mặt đời sống của con người. Nó là những gì do con người và vì con người. Văn hoá Hồ Chí Minh có trong chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Văn hoá Hồ Chí Minh có trong chính trị, kinh tế, xã hội. Văn hoá Hồ Chí Minh có trong tiếng gầm đại bác của bộ đội ta nã vào trận địa quân xâm lược ở Điện Biên Phủ. Văn hoá Hồ Chí Minh có trong điệu hò của các chị, các anh dân công lội suối băng rừng rầm rập tiếp tế cho chiến trường. Văn hoá Hồ Chí Minh có trong trận tiến công chiến lược Mùa Xuân năm 1975 mang tên Người. Văn hoá Hồ Chí Minh có trong tiếng i tờ đánh vần của những em trẻ cắp sách đến trường. Văn hoá Hồ Chí Minh có trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì là cũ kỹ, hư hỏng, nghèo nàn và lạc hậu, v.v. Văn hoá Hồ Chí Minh mang những giá trị vật chất và tinh thần của lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm vào thế kỷ và thiên niên kỷ mới. Văn hoá Hồ Chí Minh mang âm hưởng hào hùng của cả nhân loại cần lao tiến bước vào sự nghiệp giải phóng con người để vươn tới cái tất yếu của tự do.

Dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển được là nhờ có sức mạnh của văn hoá. Hồ Chí Minh là người đã mở ra một nền văn hoá mới cho dân tộc Việt Nam, huy động các tiềm năng vào việc xây dựng chế độ mới. Hồ Chí Minh đã làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam bằng sự nghiệp văn hoá của chính mình. Đã có rất nhiều định nghĩa hoặc khái niệm về “văn hoá”. Có người định nghĩa theo phạm vi rộng, có người nhìn theo một góc độ hẹp. Nhưng rộng hay hẹp thì văn hoá đều là những giá trị do con người tạo ra.

Thế giới nhìn nhận văn hoá trước hết ở vai trò, chức năng nhận thức của nó. Trên thế giới hiện nay, người ta đo sự phát triển của mỗi nước không chỉ bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà còn bằng các lĩnh vực khác nữa, trong đó có sự phát triển của dân trí, số người đi học, bằng bình quân tuổi thọ, tỷ lệ người có công ăn việc làm, bằng sự ổn định chính trị, bằng môi trường tự nhiên và xã hội trong sạch, bằng việc chăm lo đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng dân cư, v.v. Điều đó cắt nghĩa tại sao một số nước có GDP rất cao, GDP trên đầu người cũng rất cao nhưng vẫn lo ngại và có sự báo động về đời sống văn hoá thấp.

Liên quan đến vai trò chức năng nhận thức là vai trò, chức năng giáo dục. Con người có xu hướng vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Đó là xu hướng vươn lên không ngừng và qua đó con người luôn luôn hoàn thiện mình, không có điểm dừng.

Các nhà nghiên cứu trên thế giới về văn hoá khẳng định vai trò, chức năng của văn hoá còn ở phương diện thẩm mỹ. Nói đến thẩm mỹ là nói đến việc nhận thức và hưởng thụ hoặc hướng con người tới cái đẹp.

Con người có nhu cầu rất phong phú, mỗi một con người lại có nhu cầu riêng trong cuộc sống. Vì vậy, vai trò, chức năng của văn hoá còn là ở phương diện giải trí. Giải trí về văn hoá chính là một quá trình nạp năng lượng cho con người, làm cho con người tráng kiện về thể xác, sáng suốt về trí tuệ.

Ngoài ra, trong xã hội hiện đại, người ta còn đề cập vai trò, chức năng dự báo của văn hoá. Chính con người luôn luôn tìm hiểu những quy luật của tự nhiên và xã hội, phát hiện những quy luật và hành động theo quy luật. Nhà văn hoá Hồ Chí Minh, trong cuộc đời của mình, đã đưa ra những dự báo rất chính xác và trong những thời điểm bước ngoặt của lịch sử, đã đưa ra những quyết định mà nhiều người chung quanh không thể ngờ tới vì Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa, có trình độ văn hoá chính trị cao, trong đó có cả trình độ dự báo vượt trội lên trên rất nhiều người trong cuộc.

Hồ Chí Minh nêu lên khái niệm văn hoá như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi sự sinh tồn”[1].

Như vậy, khái niệm văn hoá mà Hồ Chí Minh nêu ra bao gồm tất cả những gì do con người sáng tạo ra để phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp của con người. Chính vì thế, trong khi đề cập những điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc, Hồ Chí Minh đã nêu lên cả việc “xây dựng kinh tế” – một lĩnh vực mà không phải ai cũng hiểu là một bộ phận của văn hoá, kể cả trong cơ chế thị trường hiện nay khi người ta xây dựng kinh tế, triển khai những hợp đồng mờ ám, trái luật, “béo bở”, thu được nhiều tiền, nhưng lại giết chết những giá trị văn hoá. Đó là một sai lầm lớn làm cho việc xây dựng kinh tế trong một môi trường văn hoá đã bị biến mất.

Với khái niệm văn hoá như vậy, không nên đồng nhất “văn hoá” với “học vấn” tuy rằng hai khái niệm đó có liên quan chặt chẽ với nhau, và thậm chí trong một số trường hợp, “học vấn” lại là cái nền của “văn hoá”. Một người có trình độ học vấn cao chưa chắc đã là người có trình độ văn hoá cao. Đúng thế, có thể có trường hợp một người có trình độ học vấn cao lại thua một người nông dân có trình độ học vấn thấp, thậm chí mù chữ, về cách ứng xử tình làng, nghĩa xóm về nhận thức tình thương con người. Hồ Chí Minh coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tiến trình xã hội Việt Nam vì nó mang tính nhân văn, hướng tới những giá trị tốt đẹp của con người trong hành trình vô tận vươn tới chân, thiện, mỹ. Văn hoá đồng nghĩa với cái tốt đẹp, mọi giá trị ngược hoặc trái với nó là những giá trị phản văn hoá. Hồ Chí Minh coi trọng cái chân, thiện, mỹ và khích lệ mọi người vươn tới nó, khuyên con người ta đấu tranh loại bỏ những điều phản văn hoá.

Mỗi người có thể quan niệm vai trò, chức năng của văn hoá khác nhau nhưng cách quan niệm của Hồ Chí Minh là đi thẳng vào cái cốt lõi, cái bản chất của văn hoá là chủ nghĩa nhân văn. Cốt lõi của nhân văn là thái độ đối với con người. Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội Việt Nam bởi vì nó luôn luôn hướng tới giải phóng con người. Nhiều người đề cập tư tưởng Hồ Chí Minh, tìm ra cái cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh và cho rằng: tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội-giai cấp, giải phóng con người. Mọi con sông rồi cũng phải đổ về biển. Để cái vế “giải phóng con người” sau rốt không phải là xếp thứ tự ưu tiên của tầm quan trọng mà là biểu thị cái lôgíc tất yếu của nó: mọi sự giải phóng rồi cuối cùng đi đến giải phóng con người mà thôi. Con người hiện chưa vươn tới được tự do, có chăng mới chỉ là một phần của tự do. Vẫn còn đó bao nhiêu áp chế của xã hội và của tự nhiên. Con người đó là con người cá nhân, cá nhân càng đậm nét bao nhiêu thì con người xã hội càng nổi rõ bấy nhiêu. Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng cá nhân để coi trọng cộng đồng, cả hai đều được chú ý như nhau, chúng như là nhiều của một, của sự đúc liền một khối.

Tư tưởng Hồ Chí Minh lấy con người làm trung tâm, mọi công việc nhằm đi đến giải phóng con người đều là công việc của văn hoá. Xã hội như thế nào thì sẽ chế định quyền con người như thế ấy. Một số người muốn đổi trắng thay đen về vấn đề nhân quyền. Tự do là gì? Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu. Bao giờ con người ta chưa nhận ra cái tất yếu của những điều chung quanh, và do đó chưa thể nào hành động được theo cái tất yếu đó, thì con người chưa có được tự do. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam là sự nghiệp đấu tranh cho tự do, tự do cho mỗi người và tự do cho cả một dân tộc, tức là cho cái tất yếu. Và, đó là sự nghiệp của văn hoá. Vì vậy, trong Phiên họp lần thứ 24 (1987) tại Pari, UNESCO đã “nhắc lại Quyết định số 18C/4351 về việc tổ chức kỷ niệm những vĩ nhân và những sự kiện đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại” và ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, coi Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam.

Văn hoá đi đến mục tiêu giải phóng con người, giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bất công, mọi sự đè nén, ức chế của tự nhiên, xã hội, đi đến vương quốc của tự do - điều đó tạo ra sự thôi thúc mãnh liệt cho mọi người hợp lực lại, đoàn kết lại để đạt được mục tiêu đó. Sự nghiệp xây dựng xã hội mới ở nước ta cũng chính là sự nghiệp của văn hoá. Chính vì vậy, văn hoá có vai trò, chức năng dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Và, Hồ Chí Minh đưa ra một quan điểm tổng quát nhất về vai trò của văn hoá là: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Vì sao?

Trước hết, văn hoá định hướng đi cho cả một dân tộc. Bản thân Hồ Chí Minh đã khởi đầu xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc theo hướng dân tộc, khoa học và đại chúng. Việc chọn hướng đi cho cả một dân tộc là một công việc rất hệ trọng. Hồ Chí Minh đã chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đó cũng là sự lựa chọn của văn hoá. Sự định hướng đúng đắn ấy đã có tác dụng huy động toàn bộ sức mạnh của dân tộc – cả quá khứ và hiện tại – kết hợp với sức mạnh của thời đại, vào việc phát triển theo con đường đó.

Hai là, trong sự phát triển của dân tộc, văn hoá điều chỉnh sự hoạch định cương lĩnh, đường lối, chính sách của hệ thống chính trị. Tính đúng đắn của cương lĩnh, đường lối, chính sách, chủ trương của hệ thống chính trị thường là tỷ lệ thuận với trình độ văn hoá của dân tộc. Đồng thời, hành vi văn hoá của tổ chức chính trị, của con người cũng phản ánh trình độ văn hoá chính trị của tổ chức, hoặc con người đó.

Ba là, văn hoá chính là thước đo của sự phát triển xã hội. Một chỉ số phát triển chung của một dân tộc phải được coi là chỉ số phát triển của văn hoá. Do vậy, không thể lấy chỉ số phát triển của một lĩnh vực đơn lẻ để đo sự phát triển chung của một dân tộc, tuy rằng chỉ số ấy rất quan trọng.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới quan điểm văn hoá khẳng định cốt cách (bản sắc) của dân tộc, của cộng đồng dân cư. Mỗi một dân tộc, quốc gia, mỗi một cộng đồng dân cư…trong quá trình hình thành và phát triển đều hình thành nên một cốt cách, hay bản sắc văn hoá, riêng biệt. Không có dân tộc, quốc gia, cộng đồng dân cư nào là lại không có một nền văn hoá sở thuộc, và ngược lại, không có văn hoá nằm ngoài dân tộc, quốc gia, cộng đồng dân cư. Văn hoá như một cái hộ chiếu, như cái chứng minh thư, như giấy thông hành để nói lên rằng tôi là tôi chứ không phải ai khác. Với ý nghĩa như vậy, nếu đánh mất đi cái cốt cách, bản sắc văn hoá thì coi như đánh mất đi chính mình và cộng đồng dân cư, dân tộc, quốc gia sẽ bị đồng hoá.

Từ ngàn xưa đến nay và cả sau này nữa, các cộng đồng dân cư, các dân tộc, quốc gia luôn luôn có sự giao lưu về văn hoá, đương nhiên đậm nhạt mỗi thời kỳ khác nhau. Đây là một quy luật. Có thể có đóng cửa về ý muốn nhưng thực tế cho dù không muốn thì giao lưu vẫn cứ xảy ra. Nhưng không nên tuyệt đối hoá điều này. Dù có giao lưu như thế nào đi chăng nữa thì nhìn chung, cái “gen” văn hoá vẫn cứ thẩm thấu một cách tự nhiên cho các thế hệ tiếp theo. Cộng đồng dân cư nào, dân tộc, quốc gia nào còn giữ được nhiều bản sắc của mình thì càng chứng tỏ rõ sức sống của mình hơn.

Đồng thời, quá trình đó còn là quá trình nhận những yếu tố văn hoá ngoại lai, nhào nặn, chắt lọc để làm giàu văn hoá cho mình nhưng cái gốc vẫn là những yếu tố văn hoá bản địa. Xử lý vấn đề này phụ thuộc vào truyền thống và phụ thuộc vào ý thức của mỗi cộng đồng dân cư, dân tộc, quốc gia. Văn hoá bản địa, hay nói cách khác là bản sắc văn hoá dân tộc là cái nền để trên đó xử lý toàn bộ quá trình giao lưu văn hoá. Do vậy, văn hoá của mỗi quốc gia-dân tộc là yếu tố nội sinh có vai trò cực kỳ quan trọng để bảo tồn và phát triển dân tộc mình. Đó là chỗ đứng vững chắc để vừa không bài ngoại, vừa không bị lai căng.

Chính vì thấy rõ vai trò của văn hoá dân tộc cho nên Hồ Chí Minh đã lưu ý mọi người khi tiếp nhận văn hoá bên ngoài. Đó là việc phải chủ động giao lưu, không nên đóng cửa, không bài ngoại mà phải hội nhập. Đó là việc phải tiếp thu những cái tốt, không được lai căng. Hồ Chí Minh cho rằng: phải mở rộng tri thức của mình về văn hoá thế giới; đồng thời phải tránh nguy cơ chúng ta trở thành những kẻ bắt chước; văn hoá của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện, chỉ có như thế mới có thể thu lại được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình.

Văn hoá dân tộc có vai trò biểu đạt sự tồn tại của chính bản thân dân tộc mình, nhưng điều đó chỉ thể hiện khi nó được nhìn trong thế so sánh với văn hoá của dân tộc khác. Nó thể hiện là nó khi đứng bên một thực thể khác. Vì thế, Hồ Chí Minh mới lưu ý rằng: mỗi một dân tộc cần chăm lo đến đặc tính của dân tộc mình trong văn học, nghệ thuật.

Trong vai trò này của văn hoá, nổi rõ nhất văn hoá của dân tộc-quốc gia (Nation), hay nói một cách khác, quốc gia là “đơn vị văn hoá” đáng lưu ý nhất. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc), nó là sự tổng hợp nền văn hoá của từng cộng đồng, dân tộc tạo ra một giá trị văn hoá chung. Biểu hiện văn hoá của dân tộc-quốc gia Việt Nam có nhiều, nhưng giá trị tinh tuý nhất, cơ bản nhất là chủ nghĩa yêu nước. Do vậy, các dân tộc trong lãnh thổ quốc gia Việt Nam đều phải có ý thức vun đắp cho yếu tố cơ bản đó. Mọi sự vi phạm nó đều là những giá trị phản văn hoá.

Nền văn hoá của mỗi một dân tộc đều có đóng góp chung vào quá trình phát triển của thế giới. Trên thế giới, có thể có dân tộc lớn, dân tộc nhỏ. Nhưng lớn hay nhỏ ở đây nên quan niệm về diện tích, dân số hoặc các chỉ số phát triển kinh tế, v.v. Quyết không có dân tộc lớn hay nhỏ về văn hoá. Một dân tộc diện tích nhỏ, dân số ít có khi lại có quá trình đóng góp rất lớn về mặt văn hoá đối với thế giới. Điều này lại hoàn toàn trái ngược với sự phân biệt chủng tộc. Không có một dân tộc nào là dân tộc thượng đẳng và dân tộc nào là dân tộc hạ đẳng.

Bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc không bao giờ là bất biến, nó là yếu tố động. Nó “động” như vậy nhưng vẫn giữ được cốt cách của một dân tộc, một cộng đồng. Ngay như chất liệu, màu sắc, kích cỡ khởi thủy của chiếc áo cà sa mà Phật Thích Ca Mầu Ni dùng cũng đã biến đổi nhiều, biến đổi dữ dội qua năm tháng, qua từng địa bàn, qua từng cộng đồng dân cư, qua từng dân tộc. Cho đến giờ đây, trên thế giới, chiếc áo cà sa huyền bí đó có màu nâu sồng, là màu gụ, là màu vàng, là màu tía, là màu đỏ…, là liền mảnh, là nhiều mảnh ghép vào, là quàng hờ qua thân vai, là thành ra áo mặc lẳn vào người, là dài trùm gót, là lưng lửng, v.v. Nó muôn hình vạn dạng, nhiều sắc màu, nó biến thiên tùy thời, tùy từng nơi, tùy từng cộng đồng dân cư theo đạo Phật. Nhưng bên trong làn áo cà sa tuy có khác nhau đó, muôn hình, muôn màu đó thì vẫn là sự bất biến muôn năm cũ, vẫn là “áo nhà Phật”, vẫn là cái tâm của Phật, vẫn là cái “cốt cách” của nhà Phật từ bi hỷ xả.

Vấn đề là ở chỗ, bản sắc ấy phải được phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy bản sắc vốn có. Quan điểm của Hồ Chí Minh là mỗi dân tộc đều phải có trách nhiệm chăm lo đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của mình và không để chịu một sức ép nô dịch về văn hoá. Một dân tộc này không thể đem những giá trị văn hoá của dân tộc mình áp đặt cho dân tộc khác phải theo. Và như vậy, chính bản sắc văn hoá là yếu tố bảo đảm cho các quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 431.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445865

Hôm nay

280

Hôm qua

2285

Tuần này

21474

Tháng này

212124

Tháng qua

120141

Tất cả

114445865