Những góc nhìn Văn hoá

Chữ "Tâm" trong phòng khách một nhà văn (Phần cuối)

Tôi rời Hà Nội và bay qua Bắc Kinh. Khi máy bay qua biên giới Việt Trung tôi được thấy tận mắt cảnh “núi liền núi, sông liền sông…”. Máy bay qua miền Nam Tống trước đây, tôi chợt nhớ đến Văn Thiên Tường.

Thời đại Văn Thiên Tường là thời đại mà “Nho sư thì không có cái thực của sự giáo hối, sinh đồ thì chỉ chìm đắm trong vòng lợi lộc nên đã làm cho dân hèn, nước mạt” thế mà còn có một số Nho sĩ như Văn Thiên Tường. Trước cảnh nước mất nhà tan, vợ con và ngay cả bản thân mình đều ở trong tay giặc nhưng Văn Thiên Tường vẫn giữ được tâm thức muôn đời của một kẻ sĩ, nên đã để lại những vần thơ yêu nước thật thống thiết:

Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ
Thân thế phù trầm vũ đả bình
(Non sông tan tác như xơ bông bị gió cuốn
Thân thế nổi chìm như cánh bèo bị mưa giập).
Trong bài Trạm Kim Lăng có hai câu kết nói lên nỗi đau xót của thân phận một kẻ sĩ yêu nước sống trong cảnh dân hèn nước mạt, đã làm rung động tâm hồn biết bao thế hệ Nho sĩ của các dân tộc sống dưới bóng mát Nho giáo:
Tòng kim biệt khước Giang Nam lộ,
Hóa tác đề quyên đái huyết quy
(Từ nay vĩnh biệt đường Giang Nam
Sẽ hóa làm chim đỗ quyên kêu đến rỏ máu mà bay về).
Nhưng cũng có những vần thơ thật khí tiết, khảng khái:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
(Đời người từ xưa ai mà không chết
Cốt sao để lại tấm lòng son sáng soi sử sách).
Văn Thiên Tường đã để lại cho nhân loại một tác phẩm nổi tiếng “Chính khí ca”. Bài ca chính khí được Văn Thiên Tường viết không bao lâu trước khi bị giặc sát hại đã cho đời biết thế nào là “chính khí”, sự thể hiện của “chính khí” trong trời đất của con người thời bình cũng như trong thời loạn; ở thời loạn là tiết tháo của những liệt sĩ đã ghi lại trong sử sách. Bài ca chính khí còn khẳng định “chính khí” là cái giềng mối để giữ gìn sự vững bền của “trụ trời” của “khuôn đất” của “tam cương” và là “cội nguồn” của “đạo nghĩa”: Đạo nghĩa Nho giáo.
Đương kỳ quán nhựt nguyệt
Tử sanh an túc lôn
Địa duy lại dĩ lập
Thiên trụ lại dĩ tôn
Tam cang thực hệ mạng
Đạo nghĩa vi chi côn
Ta dư cấu dương cừu
Lệ giã thực bất lực
 
Vầng nhật nguyệt tràn lan rọi tỏ
Tử hay sanh sao có đủ bàn
Đất nhờ khí ấy vững vàng
Trời nhờ khí ấy lại càng tôn nghiêm
Ba giềng mối một niềm giữ chặt
Đạo nghĩa kia ấy thật căn nguyên
Tôi nay gặp hội truân chuyên
Lại vì quân lính nhát hèn phải thua
                          Khổng học đăng – Phan Bội Châu
Đứng trước cái chết gần kề nhưng Văn Thiên Tường vẫn giữ được tiết tháo của kẻ sĩ. Bởi vậy, âm điệu trong bài thơ vẫn vang vọng những hào hùng và cảm hứng chủ đạo vẫn là lòng yêu nước thiết tha. Cuộc đời và thơ văn của nho sĩ Văn Thiên Tường đã ảnh hưởng sâu đậm đến dòng học yêu nước và tinh thần xả thân vì nghĩa lớn đối với dân tộc của Trung Quốc và những quốc gia dưới bóng mát Nho giáo.
Từ đáy sâu thăm thẳm của tiềm thức tôi dấy lên lồng lộng hình ảnh một Hoàng Diệu, một Phan Thanh Giản, một Phan Đình Phùng, một Phan Bội Châu… và hàng hàng lớp lớp nho sĩ đã đứng đầu ngọn sóng gió để giữ vững một lúc hai ngọn cờ: “DÂN TỘC và NHÂN NGHĨA” trong suốt chiều dài lịch sử vinh quang cũng như tủi nhục của dân tộc ta.
Tôi đến Bắc Kinh và ở lại gần một tuần lễ. Thời gian ở lại Bắc Kinh đã đem lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về sự đổi mới tâm thức của người Trung Hoa trong tất cả mọi phương diện mà tôi đã có dịp tiếp xúc trong phạm vi nghề nghiệp cũng như thù tạc. Tôi cũng đi viếng khu được mệnh danh là “Trung Nam Hải”. Ba chữ “Trung Nam Hải” đã bị dội ra từ bản tâm tôi. Tôi rời Bắc Kinh đi Vạn Lý Trường Thành. Đến cái trường thành dài vạn lý này việc đầu tiên hấp dẫn tôi là thấy một biểu ngữ lớn viết bằng Hán tự: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Ai mà không đến Vạn Lý Trường Thành thì không phải là người hảo hán). Tôi bắt gặp chữ “hảo hán” như gặp một “hồn ma cũ mến yêu”. Xin đừng suy diễn là tôi tự cảm thấy mình là một tay hảo hán vì đã “đáo” trường thành. Tôi vui là vì mấy chục năm nay tiếp cận với sách vở và văn học nghệ thuật Trung Quốc hiện đại nhưng tôi chưa gặp lại chữ “hảo hán” trong một vị thế “tích cực” như thế. Trong cái cảnh rộng ràng của hàng trăm du khách trong ngày hội “Mùa xuân Trường Thành”, tâm trạng tôi biến chuyển từ cái đột xuất gặp một “hồn ma cũ mến yêu” sang cái thú vị nhẹ nhàng như thấy lại một người tình cũ trong một đêm “hoa đăng bừng ánh hội”. Đối với tôi, biểu ngữ này đã biểu lộ chân thành một sự thay đổi thay đổi tâm thức trên con đường trở về với truyền thống văn hóa dân tộc Trung Quốc.
Tôi rời Bắc Kinh để đi Thượng Hải trên con đường trở về “quê hương thứ hai”. Trên đường bay Bắc Kinh – Thượng Hải bất giác tôi nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ “Trung Hoa” của nhà thơ Lưu Trung Vũ (?) mà tôi được đọc trong thời gian lưu lại tại nhà khách của Bộ Ngoại giao tại Hà Nội. Bài thơ được viết ra trong thời gian “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nhưng tôi lại rất thích vì nghệ thuật thi ca trong bài thơ. Tôi có ý định làm một phó bản để mang theo nhưng nghĩ lại cái việc phải khai báo vì là sản phẩm văn hóa nên đành thôi. Có một cái ngộ là bài thơ được viết ra “bên này” lại được xuất hiện trong tờ báo Thái Bình, một nguyệt san không đúng tiêu chuẩn được ấn loát “bên kia” dưới một dạng có tính chất “phù thủy” mà tôi lại được đọc “bên này”. Chữ “bên này”, “bên kia” xin được hiểu tùy theo chỗ đứng của người “bên này” hay “bên kia” nhỡ ra có đọc bài viết bé bỏng này, một bài viết chỉ có một mục đích duy nhất là ghi lại một ít cảm xúc. Tôi còn nhớ một số câu:
Trung Hoa vinh quang
Trung Hoa đói rách!
Ngàn triệu người trải ra trên mặt đất
Ở đâu có khói!
Nét thủy mạc mệnh mông hồn vũ trụ
Có những anh gàn và những triết nhân
 
Ôi những triết gia Trung Hoa!
Cuối vương triều nhà Chu, chính trị suy vi, chiến tranh triền miên, dân chúng lầm than, lễ nhạc băng hoại, kỷ cương đổ nát, con giết cha, tôi thí vua là chuyện phổ biến. Sống trong thời kỳ đại loạn mà lại được ở trong bầu khí “Bách hoa tề phóng, Bách gia tranh minh” (Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng) nên các triết gia Trung Quốc nhảy lên vũ đài triết học để đưa ra những học thuyết cầu mong cứu đời thật là đông đảo. Theo sách Hán Thư, thiên Nghệ Văn Chí thì có tất cả 103 nhà. Chủ yếu là sáu nhà: Nho, Mặc, Đạo, Danh, Pháp, và Âm Dương nhưng chỉ có ba nhà có ảnh hưởng lớn nhất là Nho, Mặc, Đạo. Nhưng nhìn lại nền triết học cổ đại Trung Quốc, chúng ta thấy bình minh của nền triết học Trung Quốc chỉ thực sự xuất hiện khi Khổng Tử ung dung bước lên chính diện của vũ đài triết học với một phong thái ôn hòa, nghiêm cẩn, công bố một hệ thống triết học dựa trên căn bản NHÂN và LỄ. Khổng Tử không bôi bác ai mà cũng không chủ trương vác gạy đi đập “đèn” nhà hàng xóm để cho thiên hạ thấy “đèn” mình sáng, thủy chung chỉ lấy một chữ Nhân vì coi chữ Nhân là hoàn thiện nhất rồi chủ trương dùng Lễ nhà Chu để duy trì đẳng cấp trên, dưới, tôn, ti. Sau này, những nhà đại Nho đã từ chữ Nhân đó mà triển khai ra cả một hệ thống triết học nhân sinh, triết học chính trị, triết học lịch sử và triết học đạo lý…
Kể từ ngày hệ thống triết học được phổ biến, tư tưởng Nho gia là cội nguồn nhân đạo chủ nghĩa của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Từ đó, ảnh hưởng triết học Nho giáo đã phú cho nền văn hóa truyền thống Trung Quốc những cơ sở căn bản với tinh thần đạo lý và chủ nghĩa tự nhiên nên đã tạo cho nền văn học nghệ thuật Trung Quốc có một sắc thái đặc biệt và một sức hấp dẫn lạ thường. Trên vòm trời văn học nghệ thuật thế giới, văn học nghệ thuật Trung Quốc là những chòm sao càng nhìn càng sáng.
* **
Tôi đã lớn lên trong thời đại mà gần một phần tư nhân loại được vận dụng để đánh bật tận gốc rễ ảnh hưởng của Nho giáo. Nỗi bất hạnh lớn nhất trong tuổi hoa niên của tôi là được đọc bài phú “Ông đồ Nho” của nhà văn Đồ Phồn:
“Ở ba xứ Việt
Có một nhà Nho
Áo quần lụng thụng
Đi đứng co ro
Nước hai bữa uống bằng rượu lậu,
Cơm trọn đời ăn với tép kho
Sức yếu như sên, nói hay nói lớn
Gan nhát tựa cáy, làm muốn làm to”.
Đành rằng bài phú “Ông đồ Nho” đứng về phương diện văn học nghệ thuật mà xét thì chỉ là một “đứa con song sinh” với bài phú “Thầy đồ” của Ông Tú Vị Xuyên, nhưng về phương diện khắc họa thì tài tình nên đã để lại một dấu ấn đậm đà trong đầu óc niên thiếu của tôi, làm tôi khinh thị những nhà Nho mà thời đại còn để lại rồi tùy tiện đánh giá thấp Nho giáo.
Tôi tiếp tục lớn lên với dấu ấn đậm đà đó nhưng sau lại có một cái đại hạnh là được gặp một số nhà Nho tiêu biểu mà thời đại còn để lại. Những nhà Nho tiêu biểu mà tôi hân hạnh được diện kiến nhiều lần là cụ Nguyễn Khắc Niêm, thân phụ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và người thầy học quý mến của tôi, giáo sư triết học Nguyễn Khắc Dương, cụ Kiều Hữu Hỷ, thân phụ anh Kiều Hữu Hòa, một người bạn nhưng thuộc thế hệ đàn anh và cuối cùng là cụ Trần Xuân Đào, “một người hàng xóm”, thân phụ ông Trần Xuân Phác và nội tổ giáo sư Trần Xuân Hoài.
Sau này được lui tới trong khung cửa Đại học, tôi có dịp tiếp xúc và gần gũi một số vị đại khoa của thời đại mới, tiếng tăm lừng lẫy, tôi thử đối chiếu thì thấy có một sự khác biệt. Những nhà Nho họ có phong thái của một bậc quý phái mà lại mang dáng dấp bình dân, họ có nếp sống nghiêm trang nhưng ở ăn thì bình dị, họ giữ vững đạo lý nhưng tâm hồn lại nghệ sĩ, họ có lối lập ngôn như một triết nhân mà xử thế thì lễ nghĩa. Trong cuộc đời họ, lúc xuất, khi xử, lúc trị dân, khi dạy học, lúc làm thơ, khi bốc thuốc và cũng có khi phải nắm cả cái “trốc cày” mà cày lấy ruộng nữa nhưng họ vẫn luôn luôn giữ được thế quân bình. Quân bình giữ vật chất và tinh thần, giữa nghĩa và lợi, giữa sinh và tử. Yếu tố căn bản để họ giữ được thế quân bình đó là vì họ theo chữ TRUNG trong sách Trung Dung của Nho giáo hay nói cho rốt ráo là họ giữ được chữ TÂM.
Nho giáo xiển dương thuyết Trung Dung vì cho rằng giữa “thiên nhiên và con người” và giữa “con người và con người” có một mối liên hệ gắn bó với nhau, cần giữ thái độ cân bằng, hài hòa. Đó là quy luật trong vũ trụ vì TRUNG là cái gốc lớn của thiên hạ, HÒA là cái đạt đạo của thiên hạ. Cùng cực cả TRUNG và HÒA thì trời đất định vị, vạn vật hóa dục (14). Đó là một chân lý sáng tỏ. Những tinh hoa trí tuệ của nhâ loại sau khi suy ngẫm về thuyết “thiên nhân hợp nhất” cũng nhất trí rằng chủ trương giữ vững sự hài hòa trong “hệ thống tự nhiên” và “hệ thống xã hội” là một sự đóng góp quan trọng và là một di sản cực kỳ quý báu mà Nho giáo đã để lại cho nhân loại.
Từ hình ảnh những nhà Nho tiêu biểu gợi ý cho tôi tìm về “bóng mát Nho giáo”. Tôi đã tìm về “bóng mát Nho giáo” qua truyện cổ tích, thi ca, cổ văn, rồi qua những ấn phẩm văn học, triết học, và cuối cùng đến kinh điển Nho giáo thì thấy Nho giáo là một truyền thống văn hóa vĩ đại của một dân tộc vĩ đại, một truyền thống “giáo dục nhân bản” nhằm đào tạo những con người có đủ Nhân, Trí, Dũng và một truyền thống chính trị xây dựng trên “đạo đức và lương tri”. Cuộc hành trình về “bóng mát Nho giáo” của tôi như một kẻ “đi trong ngõ hẻm không đèn”. Ngày nay tôi mới được ra “đầu ngõ”. Đã từ lâu tôi có ý làm một cái sơ kết “HÀNH TRÌNH VỀ NHO GIÁO” cho tôi – cho chính bản thân tôi – nhưng rồi cứ nhẩn nha mãi. Cũng đã đến lúc tôi phải chấm dứt sự nhản nha đó.
Nho giáo là một triết lý chính trị, một triết lý giáo dục, một triết lý nhân sinh lý tưởng. Nhưng những ai muốn thực hiện TẤT CẢ những ý tưởng mà Nho giáo đưa ra là một HOANG TƯỞNG (15) và những ai muốn bôi bác Nho giáo cũng là một HOANG TƯỞNG luôn. Trí tuệ nhân loại đã đánh giá lại Nho giáo thì thấy tuyệt đại đa số những điều mà Nho giáo xiển dương là chân lý. MỘT CHÂN LÝ CHƯA HỀ LUNG LAY MÀ CŨNG CHƯA CÓ AI VƯƠN TỚI.
Trên đường trở về “quê hương thứ hai” lòng tôi dâng lên một nỗi nhớ thương vời vợi. Nhớ thương tất cả. Tất cả những người muôn năm cũ.
Ôi những người muôn năm cũ!
Những người muôn năm cũ
Hồn bây giờ ở đâu?
(Thơ Vũ Đình Liên)
 
                                                       Hương thất “Phương Phương”
                                                          Cựu Kim Sơn, Trùng Dương tiết
                                                                                       1994

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528813

Hôm nay

2194

Hôm qua

2275

Tuần này

21086

Tháng này

215509

Tháng qua

0

Tất cả

114528813