Cuộc sống quanh ta

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: Khổ nhất là có khi phải ôm cái lòng cô trung

VHNA : Ngày 20 tháng 11 năm 2000, tại Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tại buổi lễ trang trọng này, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã có diễn từ quan trọng, và xúc động,  bộc lộ tình cảm, cảm nghĩ và trách nhiệm trước vinh dự lớn. Đầu đề là do VHNA đặt.

Kính thưa các đồng chí

1. Hôm qua Ban tổ chức bảo tôi hôm nay phải phát biểu vài lời. Lúc đầu tôi có ý nghĩ chỉ cần cố gắng nói mươi mười lăm phút đúng bài, đúng bản, đúng thủ tục lễ nghi là được. Nhưng đêm về nghĩ lại, thấy làm thế thì không phải với người nghe, thì quá phụ lòng các đồng chí.
Vì vậy hôm nay tôi xin thoát sáo, nói một vài tâm tư thực của người trong cuộc: tâm tư chân thành của một nhà giáo cuối đời được giải thưởng lớn. Nếu vì chân thành mà có chỗ nào chưa được, kính mong Tổ chức thông cảm cho mà không bắt phải làm kiểm điểm.
2. Nghe tin được giải thưởng, lại được giải thưởng lớn mang tên Bác Hồ, mấy lâu nay tôi có tự thấy sống nửa như trong thực, nửa như trong hư; Ngổn ngang trăm mối bên lòng.
Quả vậy, đã có cả một tập hợp rất nhiều tình cảm, rất nhiều tâm sự xen kẽ nhau: vừa mừng, vừa cảm kích, vừa rất nhiều ưu tư trăn trở. Mừng đúng là thực sự mừng. Bản thân đã mừng rồi lại thấy vợ con mừng, bạn bè thân mừng, thì cái mừng của bản thân lại nhân lên, nhân lên nhiều lần.
Nhưng vợ con, họ hàng mừng thiên về tự hào: có ông chồng, có người bố, người bà con được như vậy.
Một số học trò và bè bạn chí thân lại mừng với lý do là cuối cùng thấy được sự công bằng của cuộc đời: “ Trời quả có mắt”! Ai cố gắng nhiều thì người ấy được.
Riêng bản thân, trong cái mừng có sự cảm kích, có lòng tri ân, nhưng cũng có những điều ưu tư, trăn trở.
3. Thưa các đồng chí! Làm khoa học có nhiều cái khó, nhiều cái oái oăm. Lắm khi phải chịu đựng hết năm này đến năm khác: chịu túng thiếu, chịu vất vả nhiều bề. Nhưng khổ nhất là có khi phải ôm cái lòng cô trung: thấy mình đúng nhưng cô đơn, không được ai hiểu cho (xin nói nhỏ: trong 3 cuốn sách vừa được giải thưởng, có 2 cuốn một thời đã gây cho tác gia bao nhiêu là rắc rối!). Những lúc như thế chỉ có thể lấy 4 chữ Nho “thiện tri địa tri” để tự an ủi; hay tự ví mình như cái máng xối trong văn học dân gian để tự khuông khoả nỗi lòng:
                           Một lòng vì nước vì nhà
                           Dẫu ai không biết, trời đà biết cho
Giới nghiên cứu, sáng tạo, trong những giờ phút cô đơn, khổ sở như vậy mà nếu được ai hiểu cho, thì thật là không hạnh phúc nào bằng! Có thể nói: đối với người trí thức cái quan trọng bậc nhất là được đời thực sự hiểu cho. Một sự thông cảm, một sự động viên chân thành còn quý hơn muôn ngàn lễ nghi hình thức, bởi vì học biết “bất thành vô vật”!
4. Được giải thưởng là vượt qua được 4 cửa ải: 4 lần bình bầu đánh giá. Được cả 4 hội đồng gồm toàn đồng nghiệp nhất trí hiểu cho, bỏ phiếu cho: đó thật là một điều đáng cảm kích. Mà cái sức mạnh của lòng tri ân, cảm kích là một cái sức mạnh ghê gớm lắm. Gương bao nhiêu hiệp khách thời xưa đã cho thấy rõ điều đó. Có người có thể làm được những việc động trời chỉ vì cảm kích trước một kẻ tri âm, có người có thể hy sinh cả tính mạng để trả một cái ơn tri ngộ. Kinh Kha ra đi là vì thế:
Phong liêu liêu hề, Dịch thuỷ hàn
Phong liêu liêu hề, Dịch thủy hoàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, Dịch thủy hoàn.
(gió đưa sông Dịch lạnh lùng, Ra đi tráng sĩ quyết không thở về!) mà đó là mới chỉ nói đến việc trả cái ơn tri ngộ đối với một ân nhân. Huống hồ là việc phải trả cái ơn tri ngộ trước Đảng, Nhà nước, tập thể các bạn đồng nghiệp, trả cái ơn tri ngộ trước xã hôi!
5. Nhưng vui, cảm kích lại xen lẫn bao ưu tư, trăn trở! Trong hai mâm, 8 vị được ngồi vào chiếc chiếu “giải thưởng khoa học xã hội”, đã có 6 vị là người thiên cổ: các cụ Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giáp. Nghe được giải thưởng chắc vong linh 6 cụ cũng ngậm cười nơi chín suối. Nhưng dầu 6 cụ có cảm kích, các cụ cũng có còn làm được điều gì nữa đâu, để trả ơn tri ngộ!
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!
Tôi may mắn được thấy giải thưởng lúc còn sống, nhưng cũng 75 tuổi rồi! Anh Hà Văn Tấn trẻ hơn tôi, nhưng cũng ngoài 60 rồi! Thật là oái oăm! Đứng trước ơn tri ngộ của Đảng, Nhà nước, đồng nghiệp, xã hội, tôi rất cảm kích, muốn làm một cái gì đó để tỏ lòng tri ân. Nhưng già rồi, điếc rồi, mắt mờ rồi, trí nhớ kém rồi. Thật là buồn! Có lúc đành phải tự than thân như con hổ của Thế Lữ:
          Ôi thời oanh liệt nay còn đâu
          Nay ta ôm mối hận ngàn thâu…
6. Tất nhiên, giải thưởng nhằm kích thích lòng hưng phấn không phải chỉ của người trong cuộc. Nó còn nhằm tác dụng kích thích toàn xã hội: kích thích những nhà nghiên cứu trẻ, những nghiên cứu sinh, những sinh viên…
Nhưng dẫu thế, thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cũng nên cân nhắc thêm, cải tiến cách trao giải thưởng: Phải tiến hành đều đặn hơn, bình thường không rầm rộ, nhưng chính xác và công bằng, và nhất là gắng để giải thưởng đến được ngay người được thưởng ở tuổi sớm hơn. Giải thưởng trao cho một người đang sung sức sáng tạo thì nhất định là tốt hơn giải thưởng trao cho người đã xuống mồ hay sắp xuống mồ.
7. Cuối cùng là vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ: được giải thưởng rồi thì phải làm gì để xứng đáng với giải thưởng đó? Tôi đã suy nghĩ nhiều, tính tóan nhiều…với tư cách là một người đã được giải thưởng, tôi xin hứa với các đồng chí một điều: sẽ gắng hết sức vượt trở lực cảu tuổi gìa, cho ra được cuốn sách thứ 9: còn cuốn thứ 10, nếu không ra kịp thì ít nhất cũng gắng ra được một phần đầu, tạo cái đã cho thế hệ sau viết tiếp.
Xin cảm ơn các đồng chí./.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114525850

Hôm nay

2117

Hôm qua

2283

Tuần này

2400

Tháng này

212546

Tháng qua

0

Tất cả

114525850