Cuộc sống quanh ta

Giữa một rừng nghịch lý

Vì sao ta viết văn? Có lẽ mỗi chúng ta đều có câu trả lời riêng cho câu hỏi giản dị này. Mỗi người một khuynh hướng, một môi trường, một hoàn cảnh. Và cả những khiếm khuyết nữa. Khi ta cầm bút viết, ấy là ta không hành động. Ấy là ta đang thấy mình gặp khó khi mặt đối mặt với thực tại, và vì thế mà ta chọn một cách khác để phản ứng, chọn một con đường giao tiếp khác, chọn một khoảng cách nhất định, chọn một thời gian để phản tư.

Xem xét lại hoàn cảnh đã gợi cảm hứng viết văn cho mình – làm điều này hoàn toàn không phải để tự ve vuốt mình, mà vì muốn hiểu mình cho kỹ – tôi nhận thấy rõ ràng chiến tranh là điểm khởi đầu cho tất cả. Không phải chiến tranh theo nghĩa cái thời khắc đảo lộn đặc biệt, như chiến dịch quân Pháp mở trên chiến trường Valmy mà Goethe đã kể lại từ phía quân Đức và ông tổ François của tôi kể từ phía quân đội cách mạng. Chiến tranh như thế hẳn là đầy hứng khởi và bi tráng. Không, chiến tranh với tôi là những trải nghiệm của thường dân, mà đầu tiên và trên tất cả là trẻ em. Đối với tôi chiến tranh dường như chưa từng là một mô-men lịch sử. Chúng tôi đói, chúng tôi sợ, chúng tôi rét, chỉ thế thôi. Tôi nhớ cảnh những đoàn lính Đức của Nguyên soái Rommel hành quân ngang qua dưới cửa sổ nhà tôi đi về hướng dãy núi Alps, tìm đường tới miền Bắc Italia và Áo. Tôi không nhớ chút gì sâu đậm về sự kiện chiến tranh đó. Nhưng tôi nhớ kỹ những năm tháng thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là sách và mọi thứ để đọc, sau khi chiến tranh xảy ra. Giấy bút chẳng có, tôi đã dùng cây bút chì thợ mộc xanh đỏ vẽ những bức đầu tiên và viết những bài đầu tiên lên mặt sau các trang sổ lương thực. Điều này về sau khiến đôi khi tôi ưng thích dùng loại giấy thô nháp và những cây bút chì loại thường. Sách cho trẻ em chẳng có, tôi đành đọc những cuốn từ điển của bà. Đó như thể một cái cổng kỳ diệu đưa tôi dấn thân đi khám phá thế giới, lang thang và mơ mộng nhìn những hình minh hoạ, những bức bản đồ, hay những bảng từ ngữ xa lạ. Ngoài ra còn có cuốn sách đầu tiên tôi “viết” lúc sáu bảy tuổi gì đó tên Sách nấu ăn Le Globe.Đó là một thời sống ru rú xó nhà. Trẻ con khi đó hiếm khi được phép chạy chơi bên ngoài, bởi vì đồng ruộng và vườn tược gần nhà bà tôi đều gài mìn. Tôi nhớ có một ngày dạo bên bờ biển, tôi đi ngang một khu vực rào dây thép gai: trên rào có một bảng cảnh báo cấm vượt viết bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Đức, lại có cả hình cái đầu lâu để thông điệp được hoàn toàn rõ. Hết cuốn này, liền sang ngay cuốn tiểu sử một ông vua hoang đường tên là Daniel III – có lẽ ông là người Thuỵ Điển nhỉ? – và một câu chuyện do một chú hải âu kể lại.
Trong bối cảnh ấy, thật dễ hiểu sự thúc bách phải chạy trốn – và từ đó chỉ còn mơ mộng và đặt mọi mộng mơ lên trang giấy. Chưa hết, bà ngoại tôi còn là một người kể chuyện tuyệt vời, bà thường kể cho tôi vô số chuyện trong những buổi chiều dài dặc. Những câu chuyện nào cũng đầy sức tưởng tượng và thường xảy ra ở một khu rừng – có lẽ là ở Châu Phi hoặc trong rừng Macchabée trên quần đảo Mauritius – nhân vật chính là một chú khỉ có biệt tài chơi khăm, bao giờ cũng thoát khỏi hiểm nguy trong những tình huống nguy hiểm nhất hạng. Sau này, tôi thường đến và ở lại Châu Phi, khám phá thứ rừng cây thật sự của châu Phi nơi hầu như chẳng có con thú nào. Nhưng một quan chức cấp quận tại làng Obudu gần biên giới Cameroon đã dạy tôi cách lắng nghe tiếng đấm ngực thì thụp của loài khỉ đột trên ngọn đồi gần đó. Từ cuộc hành trình này và quãng thời gian ở đó (bố tôi là bác sĩ làm trong đoàn phục hồi rừng ở Nigeria) tôi không chỉ đem về những chất liệu quan trọng cho những tiểu thuyết sau này tôi viết, mà còn mang về cho tôi một kiểu nhân cách thứ hai, một kẻ vừa mơ mộng vừa say mê thực tại, và cái nhân cách này còn ở lại với tôi suốt đời, tạo nên trong tôi một kích tấc mâu thuẫn, một sự xa lạ ngay trong bản thân tôi và nhiều khi trở thành nguồn đớn đau cho tôi. Cuộc sống vốn chậm chạp, và tôi phải mất một phần lớn cuộc đời mình để hiểu ý nghĩa sâu xa của mâu thuẫn ấy.
 Sau đó, sách đi vào cuộc đời tôi. Khi gia sản thừa kế của cha tôi bị phân chia lúc ông bị xua đuổi khỏi ngôi nhà tổ phụ ở Moka trên quần đảo Mauritius, ông đã tìm cách gom lại những cuốn sách còn sót từ nhiều tủ sách. Đến lúc đó tôi mới hiểu một chân lý không hiển hiện tức thời với trẻ con, rằng sách là kho báu quý giá hơn đất đai thổ địa hay tài khoản ngân hàng. Trong những tập sách mà hầu hết đều cổ, đóng bìa cẩn thận, tôi đã kiếm được những tác phẩm vĩ đại của văn chương thế giới: Don Kihote do Tony Johannot minh họa, Cuộc đời của Lazarillo de Tormes,  Truyền thuyết Ingoldsby, Gulliver du ký; những tiểu thuyết lớn đầy xúc động của Victor Hugo như Chín mươi ba, Những người lao động ở biển, Thằng cười. Cả Những chuyện giải sầu của Balzac nữa. Nhưng những tập sách có tác động lớn nhất đến tôi là chuyện kể của các nhà lữ hành, hầu hết đều kể về Ấn Độ, châu Phi, quần đảo Mascarene, hoặc những câu chuyện thám hiểm kì vĩ của Dumont d'Urville, của Abbé Rochon, cũng như của Bougainville, Cook và tất nhiên là có cả Những chuyến du hành của  Marco Polo. Sau nhiều năm sống làng nhàng ở một thị trấn nhỏ bé mơ màng dưới ánh mặt trời, sau nhiều năm sống trong tự do ở châu Phi, những cuốn sách này đem đến cho tôi lòng ham thích phiêu lưu, cho tôi một ý thức về sự bao la mênh mông của thế giới bên ngoài, đem lại cho tôi một phương tiện khám phá nó bằng bản năng và cảm giác hơn là bằng kiến thức. Trong chừng mức nào đó, những cuốn sách này cũng ngay lập tức đem lại cho tôi thấy rõ cái bản tính mâu thuẫn trong cuộc đời một đứa trẻ: nó sẽ bám víu vào một thánh địa, nơi để nó quên đi bạo lực, đua chen, và cũng để thanh thản nhìn thế giới bên ngoài trôi qua ô kính cửa sổ.
Ít lâu trước khi nhận được cái tin – rất đỗi kinh ngạc với tôi – Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho tôi niềm vinh hạnh này, tôi đã ngồi đọc lại cuốn sách nhỏ của tác gia Thụy Điển Stig Dagerman mà tôi đặc biệt thích thú: một tập tiểu luận chính trị có tênEssäer och texter. Không phải vô cớ mà tôi lại đắm mình trong cuốn sách cay đắng, nhức nhối này. Khi ấy tôi chuẩn bị đến Thụy Điển nhận giải thưởng do Hội những người Bạn của Stig Dagerman tặng tôi mùa hè năm ngoái, để tới thăm nơi ông từng sống khi còn bé. Tôi bao giờ cũng đặc biệt thích tác phẩm của Dagerman, trong cái cách ông kết hợp cái vẻ mềm mại như trẻ thơ với sự hồn nhiên và mỉa mai chua chát. Với chủ nghĩa lý tưởng của ông nữa. Cả với sự sáng suốt khi ông phê phán thời đoạn hậu chiến rối ren – đó là những năm thanh xuân của ông và thơ ấu của tôi. Tôi đặc biệt chú ý đến một câu và dường như câu đó được gửi cho tôi vào đúng khoảnh khắc đó khi tôi vừa xuất bản tiểu thuyết Ritournelle de la faim (Đói khát khôn thôi). Câu ấy, hoặc chính xác hơn là đoạn văn ấy, như thế này: “Làm sao có thể, ví dụ, một mặt thì hành xử như thể trên trái đất này chẳng có gì hơn được văn chương, và mặt khác không nhận ra nổi rằng nhìn vào bất cứ nơi đâu cũng thấy nhan nhản người đang vật lộn với đói khát, và tất nhiên họ phải quan tâm đến chút gì họ kiếm được vào cuối tháng? Bởi vì chính nơi đây, anh ta (nhà văn) phải đối mặt với một nghịch lý mới: toàn bộ nguyện vọng viết lách của nhà văn là viết cho những kẻ đói khát, nhưng giờ đây anh ta lại thấy rằng chỉ những người no cơm ấm áo mới rảnh rang để ý đến sự tồn tại của nhà văn.(The Writer and Consciousness – Nhà văn và lương tâm).
“Rừng nghịch lý” này, theo cách nói của Stig Dagerman, đích thực là vương quốc của chữ nghĩa, là nơi người nghệ sĩ không được phép tìm cách đào thoát: ngược lại, họ phải “cắm dùi” ở đó để quan sát từng chi tiết, để khám phá từng con đường, để gọi tên từng cái cây. Cắm dùi ở đó chẳng dễ chịu gì. Nhà văn nghĩ mình đã tìm thấy nơi nương náu, anh ta trút tâm sự vào trang giấy như thể đó là một người bạn thân thiết và bao dung; nhưng rồi các nhà văn này đều phải đối mặt với thực tại, không đơn thuần như những nhà quan sát, mà như những tác nhân. Các nhà văn phải chọn đứng vào bên nào và xác lập khoảng cách với các bên đó. Các nhà văn Cicero, Rabelais, Condorcet, Rousseau, Madame de Staël, và gần đây hơn là Solzhenitsyn hay Hwang Sok-yong, Abdelatif Laâbi, hoặc Milan Kundera: tất cả đều bị buộc phải theo con đường lưu vong. Đối với người như tôi – ngoại trừ thời kỳ chiến tranh ngắn – vẫn luôn luôn tận hưởng sự tự do hoạt động, thì việc thấy một người bị cấm sinh sống ở nơi người đó chọn lựa là điều không thể chấp nhận được hệt như việc bị tước mất tự do vậy. 
Nhưng cái đặc quyền được hoạt động tự do lại đang dẫn tới nghịch lý. Hãy để ý đến cái cây đầy gai sắc nhọn nằm sâu tít trong rừng nơi nhà văn sống: nam văn sĩ và nữ văn sĩ đều đang cắm cúi viết, đang sáng tạo ra những giấc mơ của họ – phải chăng họ chỉ là mộtthiểu số đặc biệt may mắn? Hãy tạm dừng và tưởng tượng một tình cảnh cực kỳ hãi hùng – tình cảnh đại đa số con người trên hành tinh chúng ta đều thấy có mình trong đó. Một tình cảnh đã lâu lắm từ thời Aristotle hay Tolstoy, của những người không có địa vị gì như nông nô, tôi tớ, nô lệ ở châu Âu Trung cổ, hoặc những người giữa thời Khai sáng vẫn bị bắt đi từ bờ biển châu Phi rồi bị đem bán ở đảo Gorée, ở El Mina, hay Zanzibar. Và tới tận hôm nay, khi tôi đang nói với qúy vị đây, vẫn có rất nhiều người không được tự do ngôn luận, họ đang nằm ở phía lặng câm của ngôn ngữ. Tôi đã vượt qua mọi điều nhờ những tư tưởng bi quan của Dagerman, hơn là nhờ vào tính chiến đấu của Gramsci hoặc nhờ cuộc cá cược đã lụi tàn ảo tưởng của Sartre. Quan niệm rằng văn chương là một thứ xa xỉ của tầng lớp trên, với những ý tưởng và hình tượng xa lạ với đại đa số: đó là nguyên nhân của trạng thái bất ổn mà mỗi chúng ta đều cảm thấy – khi tôi đang hướng tới người đọc và người viết. Lẽ tất nhiên ai cũng muốn trải rộng ngôn từ tới tất cả những người bị tước đoạt mọi thứ quyền, trân trọng mời họ vào bữa đại tiệc văn hóa. Song vì sao chuyện này lại khó khăn đến thế? Những dân tộc không có văn bản viết, nói theo cách của các nhà nhân chủng học, vẫn có thành tựu trong việc sáng tạo ra một hình thức giao tiếp tổng hợp qua bài ca và thần thoại. Vì sao lại không làm được những thứ này trong xã hội công nghiệp hóa hiện thời? Chúng ta phải tạo lại một thứ văn hóa khác chăng? Chúng ta phải quay trở lại dạng giao tiếp trực tiếp tức thời chăng? Ta vẫn cố tin rằng rạp chiếu phim đã làm tròn vai trò như thế trong thời đại này, nếu không thì cũng là vai trò của nhạc pop với âm giai và nhịp điệu, với những vang vọng vũ đạo của nó. Hay là nhạc jazz, và ở một vài vùng khác, đó là các điệu calypso, maloya, sega.
Nghịch lý không phải là thứ gì mới mẻ. François Rabelais, nhà văn Pháp ngữ vĩ đại nhất từ rất lâu trước đây đã đấu tranh chống lại tính giáo điều của các học giả Sorbonne bằng cách ném vào mặt họ những ngôn từ lấy trong lời ăn tiếng nói bình dân. Phải chăng ông đã nói thay cho những người đói khát? Ông đã tả sự ăn uống thái qúa, sự say sưa vô độ, những cuộc tiệc tùng liên miên. Ông đặt vào ngôn từ cái háu ăn kì lạ của những kẻ ních căng bụng trên cái đói rạc của nông dân và thợ thuyền, một thế giới đảo điên lộn ngược như một hội hóa trang dài.Nghịch lý của cách mạng tồn tại trong ý thức nhà văn như tiếng vó ngựa hào hùng của chàng hiệp sĩ [Don Kihote – ND thêm] có gương mặt buồn. Nếu cần có một thứ đạo đức mà ngòi bút của nhà văn luôn luôn phải có, thì đó là ngòi bút ấy không bao giờ được tán dương kẻ quyền thế, thậm chí cả trong những nét viết nháp nhằng nhịt nhất. Và khi một nghệ sỹ thực hiện hành vi đạo đức này, điều đó không có nghĩa anh ta có thể cảm thấy thoát khỏi mọi nghi ngờ. Anh ta nổi loạn, anh ta phủ nhận và những lời anh ta nguyền rủa nằm lại ở bên này rào chắn – ở phía ngôn ngữ của quyền lực. Một vài từ, một vài ngữ có thể đã lọt đi. Nhưng còn lại là những gì? Chỉ còn là một văn bản dài, một nỗi chần chừ thanh nhã và xa vời. Và đôi khi còn có cả sự hài hước u-mặc, không phải là cái lịch sự của nỗi thất vọng, mà chính là nỗi thất vọng của những người cầm bút biết quá rõ sự không hoàn hảo của mình; tính hài hước u-mặc là cái bờ biển nơi dòng cuồng lưu bất công đã để họ giạt vào.
Thế thì, sao lại cứ viết văn? Giờ đây, nhà văn đã không quá tự phụ nữa khi tin rằng họ có thể đổi thay thế giới, rằng họ có thể bằng những truyện ngắn và tiểu thuyết đưa ra những kiểu mẫu cuộc đời tươi đẹp. Một cách đơn giản, nhà văn muốn làm nhân chứng. Họ xem xét cái cây khác giữa một rừng nghịch lý. Nhà văn vẫn muốn làm kẻ chứng nhân, khi trong thực tế hầu hết thời gian anh ta chẳng là gì hơn một kẻ nhòm trộm.
Đã có nhiều nghệ sỹ chính họ trở thành nhân chứng: Dante trong La Divina Commedia (Thần khúc), Shakespeare trong kịch The Tempest (Bão tố) - và Aimé Césaire trong tác phẩm phóng tác từ vở kịch nói trên có tên Une Tempête (Một cơn bão), trong đó nhân vật Caliban ngồi dạng chân trên một thùng thuốc nổ, đe dọa tự làm nổ và nổ tung theo cả đám chủ nhân anh ta khinh bỉ. Cũng có những nhân chứng khác nữa không thể luận tội họ được, như nhà văn Brazil Euclides da Cunha vớicuốn Os SertõesWilliam Faulkner, hay trong First Snow (Tuyết đầu mùa) của Lão Xá. Và có cái ấu thơ mong manh trong Ormen (Rắn) của Dagerman. (Nổi loạn)haynhà văn Do Thái Primo Levi. Chúng ta thấy một thế giới phi lý trong Der Prozess (Vụ án) (hoặc trong những bộ phim của vua hề Charlie Chaplin); một thế giới phi hoàn hảo trong La Naissance du jour (Ngày rạng) của Colette, một thế giới huyễn hoặc trong bản ballad Ailen mà Joyce tạo ra trong tiểu thuyết Finnegans Wake. Còn có cả vẻ đẹp long lanh, rực rỡ, không cưỡng lại nổi trong The Snow Leopard (Báo tuyết) của Peter Matthiessen hoặc trong A Sand County Almanac (Niên giám hạt Sand) của Aldo Leopold's. Có cả sự đồi bại trong Sanctuary (Thánh đường) của
Nhà văn là nhân chứng xuất sắc nhất khi vô tình, không cố ý mà thành nhân chứng. Nghịch lý ở đây là anh ta không làm chứng cho những gì anh ta đã thấy, thậm chí những gì anh ra tạo ra. Cay đắng, thậm chí tuyệt vọng có thể nảy sinh bởi anh ta không thể hiện diện trong cáo trạng. Tolstoy có thể chỉ cho chúng ta thấy sự đau đớn khi quân đội Napoleon đã giáng đòn lên nước Nga, song tiến trình lịch sử vẫn chẳng có gì thay đổi. Claire de Duras viết Ourika, và Harriet Beecher Stowe viết Túp lều bác Tôm, nhưng chính những người bị nô dịch đã tự thay đổi số phận họ, đã vùng dậy chống lại bất công bằng cuộc đề kháng của nô lệ da đen ở Brazil, ở Guiana thuộc Pháp và ở các quốc đảo vùng Tây Ấn, và trong việc thành lập nước cộng hòa da đen đầu tiên ở Haiti.
Hành động: đó là những gì nhà văn mong muốn làm được hơn cả. Hành động, hơn là làm một chứng nhân. Viết, tưởng tượng, và mơ mộng theo cách ấy khiến ngôn từ cùng những bịa đặt và ước mơ của nhà văn sẽ có tác động lên thực tại, sẽ làm thay đổi suy nghĩ và tình cảm của con người, sẽ chuẩn bị con đường tới một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng chính trong lúc ấy, vẫn có một tiếng thì thầm với nhà văn rằng điều đó là bất khả, rằng từ ngữ chỉ là từ ngữ và sẽ bị cuốn đi theo những trận gió xoáy của xã hội, và mộng mơ chỉ trần trụi là ảo tưởng mà thôi. Nhà văn mong ước quyền năng gì để mình mạnh mẽ hơn? Và thực sự có cần nhà văn phải đi tìm giải pháp? Phải chăng nhà văn cũng như người gác rừng trong vở kịch Knock ou Le Triomphe de la médecine (Knock hay Chiến thắng của y học) muốn ngăn chặn động đất? Nhà văn có thể làm gì, khi tất cả những gì anh ta biết là làm cách gì để ghi nhớ cho đầy đủ?
Cô đơn trong đời sẽ là thân phận nhà văn. Xưa nay đều thế. Thưở ấu thơ, đó là một bé trai yếu ớt, hay âu lo, và vô cùng nhạy cảm, hoặc đó là cô bé được Colette miêu tả, đôi mắt đen mở to chăm chăm đau đớn nhìn cha mẹ cào xé nhau mà chẳng làm được gì. Nhà văn âu yếm nỗi cô đơn, và đồng hành với cô đơn họ tìm ra bản chất của hạnh phúc. Đấy là một hạnh phúc đầy mâu thuẫn, một hỗn hợp của nỗi đau và niềm vui sướng, một chiến thắng hão huyền, một sự dày vò câm lặng thường trực, chẳng chút gì giống một giai điệu êm đềm. Nhà văn, hơn ai hết, biết cách nuôi dưỡng thứ cây độc đầy sức sống vốn chỉ mọc trên mảnh đất phi quyền lực của chính anh ta. Nhà văn muốn bộc bạch với tất cả mọi người và với mọi thời đại: tôi đây, cô đơn một mình trong phòng, đối mặt với trang giấy như tấm gương quá trắng, dưới tán đèn đang chắt ra ánh sáng bí mật. Hoặc đang ngồi bên màn hình máy tính chói gắt, lắng nghe âm thanh những ngón tay gõ vào bàn phím. Đó chính là khu rừng của nhà văn vậy. Và mỗi nhà văn đều biết rất rõ mọi con đường mòn trong khu rừng. Nếu có khi nào có cái gì thoát ra, chặng hạn một con chim vỗ cánh bay lên vì tiếng chó sủa lúc bình minh, khi ấy nhà văn sẽ há hốc ra mà nhìn – điều này xảy ra hoàn toàn tình cờ, chẳng phụ thuộc vào ai hết.
Tuy nhiên, mong muốn của tôi không phải là say sưa trong cái tiêu cực. Văn chương – điều tôi đã luôn hướng tới – không phải là một di tích cổ xưa nào đó có thể bị thay thế một cách hợp lô-gich bởi các tác phẩm nghe nhìn, đặc biệt là điện ảnh. Văn chương là một con đường khó khăn, phức tạp, nhưng cho tới nay tôi vẫn đinh ninh rằng nó thậm chí còn cần thiết hơn so với thời Byron hay Victor Hugo.   
 Có hai lý do vì sao văn chương lại là cần thiết. Trước hết, văn chương được làm bằng ngôn ngữ. Và thành phần chính của từ là những con chữ, thứ được viết ra. Trong tiếng Pháp, từ roman chỉ những văn bản văn xuôi lần đầu tiên từ thời Trung cổ đã sử dụng một ngôn ngữ mới được mọi người dùng, đó là tiếng Romance. Và cái từ nouvelle nghĩa là ”truyện”, cũng có nghĩa gốc là sự mới mẻ. Khoảng cùng thời gian ấy, ở Pháp, từ rimeur (là người làm ra các rime, hoặc các vần) không được dùng để gọi thơ nhà thơ nữa, mà dùng các từ poet, poète poetry, poésie bắt nguồn từ động từ poiein trong tiếng Hy Lạp. Nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu thuyết tất cả đều là những người sáng tạo. Điều này không có nghĩa là họ phát minh ra ngôn ngữ, mà có nghĩa là họ dùng ngôn ngữ để sáng tạo nên cái đẹp, các tư tưởng và hình tượng. Đó là lý do vì sao chúng ta không thể làm gì nếu không có ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một phát minh kỳ lạ nhất của lịch sử nhân loại, thứ đến trước mọi thứ, và thứ có thể chia sẻ được với mọi thứ khác. Không có ngôn ngữ sẽ không có khoa học, công nghệ, không luật pháp, không nghệ thuật, không tình yêu. Nhưng nếu không có một con người nữa để tương tác với nó, phát minh ấy sẽ chẳng là gì hết. Nó có thể bị suy biến, hao mòn và biến mất. Trong chừng mực nào đó, nhà văn là người bảo vệ ngôn ngữ. Khi họ viết tiểu thuyết, làm thơ, viết kịch, họ khiến cho ngôn ngữ được sống. Họ không chỉ sử dụng ngôn từ ngược lại, họ phục vụ ngôn ngữ. Họ ca tụng nó, mài giũa nó, cải tạo nó, bởi vì ngôn ngữ sống nhờ họ và vì có họ mà ngôn ngữ song hành được với mọi chuyển biến kinh tế xã hội thời đại nhà văn.
Thế kỷ trước, khi những lý thuyết phân biệt chủng tộc được tuyên ngôn ra, người ta đã bàn về những khác biệt cơ bản giữa các nền văn hóa. Người ta sắp xếp theo một thứ tôn ti ngu xuẩn và rút ra mối tương quan giữa sự thành công kinh tế của các cường quốc thực dân với tính ưu việt phải có về nền tảng văn hóa. Như một xung động kịch phát và bệnh hoạn, những lý thuyết như vậy lại đang có khuynh hướng trỗi dậy đó đây chỗ này chỗ nọ để biện hộ cho chủ nghĩa thực dân mới, hoặc là chủ nghĩa đế quốc mới. Họ bảo chúng ta rằng nhiều dân tộc bị rớt lại, những dân tộc này không có được những quyền và đặc ân dính dáng đến ngôn ngữ, bởi vì họ lạc hậu về kinh tế và cổ lỗ về công nghệ. Nhưng liệu những ai to mồm nói đến tính ưu việt văn hóa của họ có nhận ra rằng con người trên toàn thế giới, bất kể họ ở trình độ phát triển nào, đều dùng ngôn ngữ? Và họ có nhận ra rằng những ngôn ngữ đó, tương tự như nhau, đều mang trong lòng nó những đặc tính lô gich, phức hợp, hệ thống và mang tính phân tích đủ sức diễn tả thế giới, để nói về khoa học, hoặc tạo ra huyền thoại?
Giờ đây, sau khi đã bênh vực sự tồn tại của một tạo vật mập mờ và dường như đã thành quá khứ, nay tôi muốn quay trở lại cái lý do thứ hai vì sao văn học lại cần thiết,vì đây mới là điều có lắm chuyện để nói liên quan đến cái nghề xuất bản tuyệt vời.
 Hiện nay người ta đang bàn tán ầm ĩ về toàn cầu hóa. Người ta quên mất rằng trong thực tế hiện tượng đó đã bắt đầu ở Châu Âu suốt thời kỳ Phục Hưng, mở đầu bằng kỷ nguyên xâm chiếm thuộc địa. Bản thân toàn cầu hóa không phải là một điều tồi tệ. Truyền thông đã thúc đẩy sự tiến bộ trong y học và khoa học. Có lẽ việc phổ biến thông tin sẽ giúp đón đầu các xung đột. Biết đâu đấy, nếu Internet đã có từ thời gian đó, thì âm mưu tội ác của Hitler có thể đã không thành – khi ai ai cũng thấy rõ nó là lố bịch thì hẳn là đã có thể ngăn chặn nó chào đời.
Chúng ta sống ở thời đại của Internet và giao tiếp ảo. Điều đó thật tốt, nhưng nếu những phát minh đáng kinh ngạc ấy có giá trị, thì liệu chúng có lợi lộc gì trong việc dạy con người ngôn ngữ viết và sách vở? Định cung cấp màn hình tinh thể lỏng cho hầu như tất cả mọi người trên hành tinh là điều không tưởng. Vậy thì, chúng ta chẳng đang trong tiến trình tạo một lớp tinh hoa mới, chẳng đang vạch một đường ranh mới phân chia thế giới làm hai, một bên là những người đến được với truyền thông và tri thức, và một bên là những người bị gạt ra ngoài? Những dân tộc vĩ đại, những nền văn minh vĩ đại đã biến mất bởi không nhận ra rằng điều này có thể xảy ra. Chắc hẳn, có những nền văn hóa lớn được coi là của thiểu số, lại đã có thể cưỡng lại được cho đến tận hôm nay nhờ truyền miệng tri thức và thần thoại. Nhận rõ được sự đóng góp của những nền văn hóa này là cần thiết và có lợi. Nhưng dù sao chăng nữa, ngay nếu như chúng ta chưa tới độ chín để sống trong cái thực, thì chúng ta cũng không còn ở tuổi huyền thoại nữa. Sẽ không thể đem lại một cơ sở cho sự bình đẳng và lòng tôn trọng lẫn nhau khi mỗi đứa trẻ vẫn chưa thu nhận được lợi ích của việc viết.
 Và bây giờ, trong kỷ nguyên tiếp theo thời kỳ phi thực dân hóa, văn chương đã trở thành một cách cho mọi người trong thời đại chúng ta bộc lộ bản sắc của họ, để dành quyền được nói và quyền được kẻ khác lắng nghe hết sức đa dạng của họ. Không có lời họ nói và tiếng họ kêu, thế giới này chỉ còn là một chốn câm lặng.
Văn hóa ở phạm vi toàn cầu là mối quan tâm của tất cả chúng ta. Nhưng trên tất cả là trách nhiệm của người đọc, nói theo cách khác, là của nhà xuất bản. Qủa vậy, thật bất công khi một người da đỏ ở miền bắc Canada xa xôi, nếu muốn được lắng nghe, lại cứ phải viết bằng thứ tiếng của kẻ xâm lược, tiếng Pháp hay tiếng Anh. Đúng là ảo tưởng nếu trông đợi ngôn ngữ lai (Creole) của nước Mauritius hoặc các đảo Tây Ấn sẽ được phổ biến dễ dàng khắp thế giới ngang với dăm sáu ngôn ngữ đang thống trị như những ông hoàng chuyên chế trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày nay. Nhưng nếu qua dịch thuật, mà người ta lắng nghe được tiếng nói của họ, thì một điều gì đó mới mẻ sẽ đến, đó sẽ là nguyên cớ cho ta có được một niềm lạc quan. Văn hóa, như tôi đã nói, thuộc về tất cả chúng ta, thuộc về toàn thể nhân loại. Nhưng để cho điều này trở thành hiện thực, mỗi người phải được tiếp cận bình đẳng đối với văn hóa. Sách, cho dù bị coi là kiểu cũ rồi, vẫn là một công cụ lý tưởng. Nó thực dụng, nó dễ sử dụng, và kinh tế. Nó không đòi hỏi bất tài hoa công nghệ đặc biệt nào, lại an toàn trong mọi khí hậu. Nó chỉ có một khiếm khuyết – và đây là điều tôi muốn nói riêng với các nhà xuất bản – ấy là nhiều nước vẫn rất khó khăn để được tiếp cận với sách. Ở nước Mauritius một cuốn tiểu thuyết hay một tập thơ ngang giá với một khẩu phần ăn khá lớn trong ngân quỹ gia đình. Ở Châu Phi, Đông Nam Á, Mexico, hay quần đảo Nam Thái Bình Dương, sách vẫn còn là một thứ xa xỉ không thể chạm tới. Có phương thuốc chữa trị được tình trạng này. Việc liên kết xuất bản với các nước phát triển, việc thiết lập các quỹ thư viện cho mượn và ô tô chở thư viện lưu động, và trên hết, chú ý nhiều hơn nữa tới đòi hỏi và những tác phẩm thuộc cái gọi là những ngôn ngữ thiểu số – thứ rành rành là đa số – để cho văn chương luôn là một công cụ tuyệt vời cho tri thức cá nhân, để khám phá kẻ khác, để lắng nghe cuộc hòa nhạc của toàn nhân loại, trong mọi chủ đề và biến điệu phong phú.  
Nghĩ rằng tôi những muốn được nói thêm đôi chút về rừng. Không nghi ngờ gì nữa vì sao câu nói ngắn gọn của Stig Dagerman lại cứ đang âm vang trong tâm trí tôi, vì thế tôi muốn đọc đi đọc lại nó, muốn lấp đầy tôi bằng nó. Trong lời lẽ của ông, có nỗi tuyệt vọng và cũng có cả chút gì hân hoan, bởi vì trong đắng cay ta có thể nhận ra một chút sự thật mỗi chúng ta tìm kiếm. Khi còn bé con, tôi đã mơ về khu rừng ấy. Nó vừa làm tôi sợ hãi, vừa làm tôi bị mê hoặc – tôi tin rằng Tom Thumb và Hansel cũng đã cảm thấy như thế, khi họ ở sâu trong rừng, bao quanh họ là hiểm nguy và những điều kỳ diệu. Rừng là một thế giới không có mốc giới hạn. Bạn có thể lạc đường trong dày đặc cây cối và bóng tối bao trùm. Cũng có thể nói như thế về sa mạc, về đại dương bao la, nơi từng đụn cát, từng ngọn đồi đều giống hệt ngọn đồi khác, nơi mỗi con sóng đều giống hoàn toàn con sóng khác. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi trải nghiệm quyền năng của văn chương – nói chính xác đó là qua cuốn Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London – ở đoạn kể về một trong các nhân vật lạc đường trong tuyết, cảm thấy cái lạnh đang dần dần xâm chiếm anh ta hệt như có đàn sói xiết dần vòng vây xung quanh anh. Anh ta nhìn bàn tay mình tê cóng, và cố gắng động đậy lần lượt từng ngón một. Khi còn nhỏ, khám phá này đối với tôi có chút gì đó thật huyền bí. Điều đó gọi là sự tự nhận thức. 
Tôi mắc nợ rừng một trong những xúc cảm văn chương lớn lao nhất của cái thưở tôi đã trưởng thành. Ấy là vào khoảng ba mươi năm trước, trong vùng rừng Trung Mỹ vẫn gọi là El Tapón del Darién, hay là Khúc đứt gẫy Darién (Darién Gap), bởi vì ở đó thời ấy (và tôi tin là cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi), có một quãng đứt đoạn giữa đường Cao tốc liên Mỹ Pan-American Highway – con đường nối liền Bắc Mỹ và Nam Mỹ từ Alaska cho tới tận Tierra del Fuego. Tại vùng eo đất Panama rừng nhiệt đới vô cùng rậm rạp, và phương tiện duy nhất đi vào đó là ngược dòng bằng thuyền độc mộc. Trong rừng có thổ dân sinh sống, chia làm hai nhóm, Emberá và Wounaans, cả hai đều thuộc ngữ hệ Ge-Pano-Carib. Tình cờ tôi đặt chân đến đây, và bị mê hoặc bởi những con người này đến mức tôi đã ở lại với họ nhiều lần trong nhiều thời kỳ khá dài, khoảng ba năm gì đó. Suốt thời gian ấy tôi không làm gì hơn là lang thang vô định nhà này sang nhà khác – lúc đó thổ dân không chịu sống thành làng – học lấy cách sống theo một nhịp điệu khác hoàn toàn những thứ tôi đã biết từ trước cho tới lúc đó. Giống như những khu rừng thật sự, khu rừng này rất khó sống. Tôi đã phải liệt kê một danh sách mọi hiểm nguy có thể xảy ra, và mọi phương cách tương ứng để có thể sống sót. Phải nói rằng người Emberá nhìn chung đều rất kiên nhẫn dạy tôi. Họ khoái chí với sự vụng về của tôi, và tôi nghĩ ở một mức độ nhất định, tôi đủ sức đáp đền họ bằng việc giải trí với những điều khôn ngoan họ chia sẻ với tôi. Tôi đã không viết được gì nhiều. Rừng nhiệt đới thực sự không phải là một hoàn cảnh lý tưởng để ngồi viết. Trang giấy của ta sẽ bị sũng nước bởi độ ẩm, còn cái nóng thì làm khô tất cả các đầu bút bi. Chẳng có cái gì chạy bằng điện lại thọ được lâu. Tôi đã đến đây, bụng đinh ninh rằng viết văn là một đặc ân, và tôi có thể luôn luôn dựa vào công việc đó để giải quyết mọi vấn đề tồn tại của tôi. Cũng có thể gọi cách đó là một sự tự vệ; một tấm cửa che chắn ảo có thể cuộn lên khi tôi cần một nơi nương náu trong bão tố.
 Tôi đã từng biết rất rõ thế nào là cộng sản nguyên thủy qua đời sống của thổ dân da đỏ Mỹ, cũng thấy được cả việc họ ghê tởm vô cùng chính quyền và xu hướng vô chính phủ tự nhiên của họ, tôi đã đến với họ để nhận ra rằng nghệ thuật, như là một hình thức giãi bày của cá nhân, chẳng có bất kỳ vai trò nào ở trong rừng cả. Bên cạnh đó, những con người ở đây chẳng có điều gì giống với cái mà chúng ta gọi là nghệ thuật trong thế giới tiêu dùng này. Thay vì treo tranh trên tường, đàn ông đàn bà ở đây vẽ lên cơ thể họ, và nói chung, họ ngẫu nhiên tạo ra những thứ gì bền vững. Rồi tôi tiếp cận được với những thần thoại của họ. Trong sách vở của thế giới chúng ta, chúng ta nói về thần thoại như thể đang nhắc đến những thứ ở trong một thời gian và không gian xa lơ xa lắc nào đó. Tôi cũng đã tin vào khoảng cách ấy. Thế mà rồi bỗng nhiên tôi có thần thoại kề bên để được nghe thường xuyên, hầu như hàng đêm. Bên cạnh đống lửa có ba hòn đá kê xung quanh người ta đốt lên trong nhà, ở giữa vũ điệu của muỗi và bướm đêm, giọng người kể cất lên – đàn ông hoặc đàn bà đều vậy – và đó là những câu chuyện sinh động, thần thoại, cổ tích, mà lại như thể họ đang nói về cái hiện thực hàng ngày. Người kể đấm ngực mình và hát lên bằng một giọng chói tai, khuôn mặt diễn tả nỗi đam mê và sợ hãi của các nhân vật. Đó có lẽ là một điều gì đó từ tiểu thuyết, chứ không phải thần thoại. Nhưng một đêm kia, một người phụ nữ trẻ đến. Tên cô là Elvira. Tài kể chuyện của cô được khắp khu rừng này biết đến. Cô là người thích phiêu lưu, không sống với một người đàn ông nào, không có con – người ta nói cô có chút gì như người nghiện rượu, chút gì như gái điếm, nhưng tôi không tin một mảy may nào – cô đi từ nhà này sang nhà khác để hát, đổi lấy một bữa ăn, một chai rượu hay vài ba xu. Mặc dù tôi chỉ có thể tiếp nhận được những câu chuyện của cô qua lời dịch lại – tiếng Emberá có một biến thể văn chương phức tạp khác xa dạng lời nói hàng ngày – tôi nhận ra ngay rằng cô là một nghệ sĩ vĩ đại theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Chất giọng của cô, nhịp điệu tay cô vỗ nhẹ vào ngực, vào chiếc vòng cổ nặng trĩu những đồng xu bạc, và trên hết là cái vẻ nhập đồng làm rạng rỡ khuôn mặt và ánh mắt đăm đắm của cô, một kiểu thoát thần trong nhịp điệu đè mạnh lên tất cả những người có mặt xung quanh. Cùng với những cốt truyện đơn giản trong những thần thoại cô kể – sự phát hiện ra thuốc lá, cặp anh em sinh đôi đầu tiên, những câu chuyện về các vị thần và con người thuở hồng hoang – cô thêm vào những câu chuyện của chính mình, về cuộc đời lang thang của cô, những cuộc tình của cô, những bội bạc và đớn đau, niềm hoan lạc mãnh liệt của tình yêu xác thịt, về nỗi ghen tuông cay đắng, về nỗi sợ hãi tuổi già và cái chết. Cô là thơ đang được trình diễn, là nhà hát sơ khai, và cùng lúc là những tiểu thuyết cập thời nhất. Cô là tất cả những thứ đó cộng lại, cùng với lửa, với sự mãnh liệt, trong bóng đen của rừng, giữa dàn đồng ca của côn trùng, cóc nhái, và đàn dơi bay quanh, cô tạo ra một cảnh tượng không thể nói gì khác hơn là cái đẹp. Như thể trong bài hát của mình, cô mang theo sức mạnh thật sự của tự nhiên, và đây chắc chắc là một nghịch lý lớn nhất: nơi hẻo lánh này, khu rừng này, chốn xa xôi nhất hạng mà văn chương rắc rối nhất có thể tưởng tượng ra, là nơi nghệ thuật tìm thấy được cách diễn đạt mạnh mẽ nhất, và đích thực nhất. 
Rồi tôi rời vùng rừng ấy, không bao giờ gặp lại Elvira hay bất cứ người kể chuyện nào trong vùng rừng Darien đó nữa. Nhưng tôi vẫn để lại đó cái gì còn hơn cả niềm tiếc thương quá khứ – và với một niềm tin rằng văn chương có thể tồn tại, ngay cả khi nó bị mòn đi bởi những quy ước và thỏa hiệp, ngay cả khi các nhà văn bất lực trong việc đổi thay thế giới. Có điều gì đó lớn lao và mạnh mẽ, vượt lên trên họ, chờ dịp là làm họ trở nên hứng khởi, tươi mới và biến dạng họ, và phục hồi lại ở họ cái cảm quan hài hòa với tự nhiên. Một điều gì đó vừa mới mẻ vừa cổ xưa, lọt kẽ tay như gió, nhẹ bỗng như mây, vô bến bờ như biển. Như điều gì đó rung ngân trong thơ của Jalal ad-Din Rumi chẳng hạn, hay trong kiến trúc huyền ảo của Emanuel Swedenborg. Cảm giác run rẩy khi đọc những văn phẩm đẹp nhất của nhân loại, như bài diễn thuyết mà Chief Stealth đã nói vào giữa thế kỷ 19 với Tổng thống Mỹ khi bàn giao đất đai cho Liên bang Hoa Kỳ: “Rốt cuộc chúng ta đều là anh em...”.  
Có một điều thật đơn giản và chân thực tồn tại riêng trong ngôn ngữ. Một cái duyên, đôi khi là một mẹo vặt, một vũ điệu ngọn lửa lò sưởi, hay là những âm thanh dài của lặng im. Ngôn ngữ của sự giễu cợt, cảm thán, nguyền rủa, và rồi ngay sau đó, là ngôn ngữ của thiên đường.
 
Diễn từ này tôi xin gửi đến cô Elvira ấy, và vì cô ấy tôi xin dâng tặng giải thưởng Viện Hàn Lâm Thụy Điển trao cho tôi. Tới cô ấy và tới các nhà văn tôi đã sống cùng có những người hòa hợp hoặc có khi chẳng hòa hợp chút gì với tôi. Gửi tới các nhà văn Châu PhiWole Soyinka, Chinua Achebe, Ahmadou Kourouma, Mongo Beti, tới Alan Paton của ”Khóc cho quê hương thân yêu”(Cry the Beloved Country), tới Thomas Mofolo của Chaka. Tới tác giả lớn người Mauritius Malcolm de Chazal, người đã viết Judas cùng với nhiều tác phẩm khác. Tới tiểu thuyết gia người Mauritian viết tiếng Hindi Abhimanyu Unnuth với tác phẩm Lal passina (Sweating Blood Máu đổ), tới nhà văn nữ người Urdu Qurratulain Hyder với tiểu thuyết sử thi Ag ka Darya (River of Fire Sông lửa). Tới Danyèl Waro ngông nghênh của đảo Réunion với những bài ca điệu maloya; tới nữ thi sĩ người Kanak Déwé Gorodey, người đã thách thức quyền lực thực dân cho tới tận khi phải vào tù; tới nhà thơ nổi loạn Abdourahman Waberi. Tới Juan Rulfo của tiểu thuyết Pedro Paramo, tập truyện ngắn El llano en llamasi (Bình nguyên rực sáng), và những bức ảnh giản dị, bi thảm của ông về nông thôn Mexico. Tới John Reed của Insurgent Mexico(Mexico nổi dậy), tớiJean Meyer người đã làm phát ngôn viên cho các cuộc khởi nghĩa của Aurelio Acevedo và những người Cristeros ở miền trung Mexico. Tới Luis González, tác giả của Pueblo en vilo. Tới John Nichols, người viết về mảnh đất ác liệt trong The Milagro Beanfield War (Cuộc chiến cánh đồng đậu Milagro); tới Henry Roth, người láng giềng của tôi ở phố New York tại Albuquerque, New Mexico, vì tác phẩm Call it Sleep (Gọi đó là giấc ngủ). Tới Jean-Paul Sartre, vì những giọt nước mắt chan chứa trong vở kịch Morts sans sépulture (Chết không mai táng). Tới Wilfred Owen, nhà thơ chết trên bờ sông Marne năm 1914. Tới J.D. Salinger, bởi ông đã đặt được chân chúng ta vào đôi giày của cậu bé Holden Caulfield mười bốn tuổi. Tới những nhà văn thuộc các dân tộc đầu tiên ở Châu Mỹ - Sherman Alexie bộ tộc Sioux, Scott Momaday bộ tộc Navajo với tác phẩm The Names (Những cái tên). Tới Rita Mestokosho, một nhà thơ người Innu ở Mingan, thuộc tỉnh Quebec, người đưa tiếng nói tới cây cối và động vật. Tới José Maria Arguedas, Octavio Paz, Miguel Angel Asturias. Tới những nhà thơ của các ốc đảo Oualata và Chinguetti. Cho trí tưởng tượng tuyệt vời của Alphonse Allais và Raymond Queneau. Tới Georges Perec vì tác phẩm của ông Quel petit vélo à guidon chromé au fond de la cour? (Chiếc xe đạp con con ghi đông mạ kền nào đó ở cuối sân?) Tới các nhà văn vùng Tây Ấn Edouard Glissant và Patrick Chamoiseau, tới René Depestre ở đảo Haiti, tới André Schwartz-Bart vì tác phẩm Le Dernier des justes (Kẻ công minh cuối cùng). Tới nhà thơ Mexico Homero Aridjis người đã cho chúng ta hình dung thấy cuộc đời một con rùa có cái mai bằng da, gợi nhớ những dòng sông trôi màu vàng với những đàn bướm Monarch bay dọc con đường chính trong làng Contepec của ông. Tới Vénus Koury Ghata người nói đến Lebanon như về một nhân tình bi thảm và bất khả chiến bại. Tới Khalil Gibran. Tới Rimbaud. Tới Emile Nelligan. Tới Réjean Ducharme, cho mãi mãi.
 
Tới đứa trẻ không quen tình cờ tôi gặp trên bờ sông Tuira, trong rừng Darién. Ban đêm, ngồi trên sàn cửa hàng thắp chiếc đèn dầu, cậu đọc một cuốn sách và viết, gò lưng về phía trước, không mảy may chú ý đến mọi thứ xung quanh, quên hẳn sự khó chịu, tiếng ồn, hay cuộc sống hỗn tạp dữ dội và khắc nghiệt ở ngay bên cạnh mình. Đứa trẻ ấy ngồi đan chân trên sàn nhà, sâu thẳm trong rừng, cô đơn đọc tất cả trong ánh sáng đèn, đó không phải là một sự tình cờ. Cậu trông giống như anh em với một cậu trai lớn tuổi hơn mà tôi đã nói ở phần đầu, người cố gắng viết với một cây bút chì thợ mộc lên mặt sau những tờ giấy trong cuốn sổ lương thực trong những năm tháng tối tăm sau khi chiến tranh vừa xảy ra. Đứa trẻ gợi cho tôi nhớ lại chúng ta có hai nhiệm vụ khẩn cấp đối với lịch sử nhân loại, những trách nhiệm mà hỡi ôi chúng ta còn xa mới thực hiện được. Đó là đẩy lùi cái đói, và xóa bỏ nạn mù chữ.
Vốn bi quan hết mực, câu nói của Stig Dagerman về nghịch lý cơ bản của nhà văn vẫn chưa nói hết mọi điều, vì ông không thể nói được tới những người đang đói – đói dinh dưỡng hoặc đói tri thức – nhưng điều ông nói lại chạm tới cái chân lý lớn lao nhất. Làm cho mọi người biết đọc biết viết và tranh đấu chống đói nghèo đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Cái này không thể thành công nếu thiếu cái kia. Cả hai điều ấy đều đòi hỏi chúng ta phải hành động hết sức khẩn trương. Làm sao để trong thiên niên kỷ thứ ba vừa mới bắt đầu này sẽ không đứa trẻ nào trên hành tinh chung của chúng ta, bất kể trai gái, ngôn ngữ, tôn giáo, còn bị bỏ đói, bị bỏ quên, hoặc là bị xua khỏi bữa tiệc. Đứa trẻ mang trong nó tương lai của toàn nhân loại. Nói như Heraclitus, nhà triết học Hy Lạp cổ đại, vương quốc này thuộc về đứa trẻ.
 
, Brittany, 4/11/2008
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy dịch
(theo bản tiếng Anh của Alison Anderson)
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528465

Hôm nay

2121

Hôm qua

2291

Tuần này

2738

Tháng này

215161

Tháng qua

0

Tất cả

114528465