Nhìn ra thế giới

Có phải Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành siêu cường - cùng cặp với Mỹ

Muốn trả lời câu hỏi ấy, phải nhìn lại lịch sử. Vậy thì, chúng ta đã biết những siêu cường nào ở thế kỷ XX? Có những quốc gia nào mà chẳng hề một ai bợn chút hoài nghi về tính siêu cường của nó, ngay cả trong linh cảm của mình?

Ở nửa sau thế kỉ XX, đó là Mỹ và Liên Xô. Ở nửa đầu thế kỷ XX, đó là Anh và Đức. Chúng ta thấy, các siêu cường, giống như một chàng trai nào đó cùng với cô Tamara, họ "đi thành cặp". Nhìn vào lịch sử thế kỷ XX, có vẻ như không hy vọng nước Mỹ giữ được vị thế siêu cường trong một thời gian dài. Hoàn toàn chắc chắn là sự hiện diện của hai siêu cường, chứ không phải là một, có nguyên nhân ở kinh tế. Các siêu cường vừa chia nhau kiểm soát thế giới (Mỹ - Liên Xô), vừa phải trải rộng khắp hành tinh, chấp nhận một mình gánh vác những khoản chi rất lớn mà ngay cả những nền kinh tế khổng lồ chắn chắn cũng không kham nổi.
Xin nhấn mạnh rằng trước Thế chiến thứ II, cả Mỹ lẫn Liên Xô đều chưa thể đứng vào hàng siêu cường. Mỹ có một nền kinh tế hùng mạnh, nhưng lại chưa xây dựng được quân đội đủ lớn và một nền công nghiệp quốc phòng dẫu là chỉ tính toán theo mức độ của Thế chiến I. Liên Xô đã kịp chuẩn bị cho chiến tranh với một nền kinh tế lớn mạnh, một nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh nhất và có một trong số hai quân đội lớn nhất thế giới. Nhưng sự bành trướng của Liên Xô bị hệ tư tưởng ngáng trở quyết liệt - đất nước Xô Viết bị bao vây bởi các quốc gia có hệ tư tưởng xa lạ, thế mà, đã là siêu cường thì không chỉ cần có tiềm năng, mà còn cần phải có một sự vận động nào đó ra bên ngoài, và đây lại đúng là chỗ bị hạn chế của Liên Xô.
Chính cái kết cục của Thế chiến II và tiếp theo đó là sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa đã dẫn tới sự thay đổi của các siêu cường: Anh và Đức không còn là những quốc gia như thế và đành phải nhường vị trí siêu cường cho Liên Xô và Mỹ.
Kết luận: trong quan niệm của thế kỷ XX, nhân tố hàng đầu biến một quốc gia thành siêu cường là sức mạnh quân sự.
Bây giờ xin bàn về lịch sử ở thời điểm hiện nay. Ấn Độ có dân cư khổng lồ. Nhật Bản có nền kinh tế siêu khổng lồ. Canada có lãnh thổ bao la. Pháp có nền văn hoá vỹ đại và sức ảnh hưởng của nó rất rộng lớn. Nga là một trong những nước có quân đội mạnh nhất thế giới. Anh có vũ khí hạt nhân. Nhưng một nước nào đó trong số ấy liệu có thể trở thành siêu cường? Chẳng có nước nào cả! Và ngay cả Trung Quốc, dẫu nó có vẻ đã hội đủ các dấu hiệu: một lãnh thổ bao la, một nền văn hoá phát triển và có sức ảnh hưởng, một nền kinh tế siêu khổng lồ, dân cư đông nhất thế giới, quân đội lớn nhất và có cả vũ khí hạt nhân. Thế tức là không một dấu hiệu riêng lẻ nào trong số các dấu hiệu ấy có thể làm cho một quốc gia trở thành siêu cường. Ngay cả việc sở hữu một lãnh thổ bao la, một quân đội khổng lồ, một kho vũ khí hạt nhân, một nền kinh tế vào hàng lớn nhất thế giới và kiểm soát được một phần ba nguồn nhiên liệu thiên nhiên toàn cầu cũng không thể làm cho nước Nga trở thành siêu cường. Tức là ngay cả khi đã có cả một loạt dấu hiệu, cũng chưa nhằm nhò gì.
Nước Nga là một ví dụ tuyệt vời. Bởi vì muốn hiểu Trung Quốc có phải là siêu cường hay không, chúng ta phải xem, để có được vị thế ấy, nước Nga còn thiếu những gì. Tưởng như chỉ cần một câu trả lời đã đủ rõ: dân số ít. Dẫu sao thì nước Nga, tất tật cũng chỉ bằng một nửa Liên Xô cũ. Nhưng trong thực tế, tính theo dân số, Nhật Bản bằng nước Nga, nhưng quy mô nền kinh tế của họ lại lớn hơn gần gấp đôi nước Nga. Một đất nước với một trăm triệu dân và một nền kinh tế hùng mạnh có thể xây xựng một quân đội cực lớn. Nhưng dân số của Mỹ, một siêu cường đã được thừa nhận, chỉ hơn nước Nga già hai lần, và ít hơn Trung Quốc đến mấy lần.
Vấn đề là ở chỗ nước Nga còn thiếu những phẩm chất của một siêu cường: phẩm chất của nền kinh tế và của quân đội. Riêng về kinh tế, hòn đá thử vàng của nó là đặc tính nguyên liệu phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài mà nước Nga khó có thể kiểm soát được. Nền kinh tế nguyên liệu có thể cho phép quốc gia xây dựng một quân đội lớn và một tổ hợp công nghiệp quốc phòng hùng mạnh bằng cách hạ thấp mức sống của cư dân. Mà trong thế giới hiện đại, mức sống thấp kém của dân cư lại nói lên sự yếu ớt trong cấu trúc nội tại của quốc gia, khiến cho cấu trúc ấy không thể tồn tại lâu bền. Và nói chung, làm gì có thứ siêu cường mà lúc nào cũng lệ thuộc vào việc lãnh đạo ngân hàng "Goldman Sachs"[1] quyết định ra sao và vua Ả Rập Xê Út sẽ đứng bằng chân nào.
Về chuyện Trung Quốc, điều nói ở trên có nghĩa như sau: nền kinh tế của một siêu cường không thể lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài. Tức là với nó, việc xuất khẩu không thể có ý nghĩa phê phán. Nói dễ hiểu hơn, nền kinh tế này không được phép dựa vào xuất khẩu, mà phải dựa vào nhu cầu nội tại, mà điều đó thì hiện chưa nhìn thấy ở Trung Quốc, dẫu chỉ là dưới dạng những ý đồ có thật (xin nhấn mạnh - có thật). Bởi vì nếu đúng là Trung Quốc đã sẵn sàng chuyển nền kinh tế vào quỹ đạo của những nhu cầu nội tại, thì cứ mỗi sáu tháng, họ đã không phải cho vay tín dụng 1,1 nghìn tỉ đô la, mà tiến tới một cách hệ thống: xây dựng trên phạm vi toàn quốc một hệ thống công hội có thật - một hệ thống như thế sẽ đẩy ngược, làm tăng vọt khoản chi trả tiền lương, cũng như hạ thấp mức độ dự trữ - để rồi hoàn thiện hệ thống trợ cấp hưu trí trên tổng thể. Chưa có bất kì một thứ gì na ná như vậy, tức là Trung Quốc vẫn đang chờ cho hết khủng hoảng để tiếp tục đẩy sự tăng trưởng theo sơ đồ xuất khẩu như cũ. Nhân thể xin nói, trong nền kinh tế của Mỹ, xuất khẩu chỉ chiếm dưới 10% GDP .
Cũng như vậy, một quân đội mà các sỹ quan đem binh lính bán làm nô lệ, đem đạn dược, vũ khí bán cho kẻ thù, một quân đội mà nạn trộm cắp trong giới tướng lĩnh trở thành nhân tố của chính sách nhà nước; một quân đội lấy hoả tiễn làm vũ khí phòng bị, thế mà mang 12 quả đem bắn thử, đã có đến 11 quả tịt ngòi, một quân đội mà đã một phần tư thế kỉ vẫn chưa được trang bị lại, một quân đội mà những quân nhân chẳng được chút thể diện hay kính trọng gì - một quân đội như thế thực ra là quân đội không có chất lượng (mà tôi chỉ mới kể một chút xíu các vấn đề của quân đội).
Kết luận: siêu cường không chỉ là vấn đề số lượng, mà còn là vấn đề chất lượng: chất lượng của nền kinh tế và chất lượng của quân đội.
Tạm gác lại chuyện kinh tế để bàn về khía cạnh quân sự của một siêu cường. Từ góc độ quân sự, vì sao Mỹ có ảnh hưởng lớn đến vậy trên trường quốc tế? Bởi vì Mỹ có đủ khả năng tiêu diệt mọi quân đội trên thế giới, tức là có khả năng quét sạch mọi lực lượng cầm quyền tinh hoa. Ngoài ra, có thể nói, Mỹ còn có cả ý chí xâm lược, Mỹ phô bày tất cả các mặt mà họ quan tâm, điều đó chứng tỏ, Mỹ không chỉ có khả năng, mà còn có tham vọng. Tầng lớp cầm quyền tinh hoa của toàn thế giới luôn luôn phải tính tới phẩm chất ấy của Mỹ.
Từ giác độ quân sự, vấn đề còn ở chỗ khác. Mỹ có khả năng xâm chiếm lãnh thổ. Nhưng giám sát lãnh thổ thì Mỹ vẫn không đủ lực: quân đội của Mỹ chưa đủ lơn, những tổn thất quân sự chẳng nhiều nhặn gì cũng trở thành rất quan trọng với xã hội Mỹ. Hơn nữa, việc giám sát này ngày càng khó khăn hơn - đang tiềm ẩn những mất mát khôn lường bởi cuộc chạy đua sản xuất vũ khí hạt nhân, do các thế lực cầm quyền nghĩ rằng, nếu trong kho của họ có sẵn một thứ vũ khí như vậy thì sẽ ngăn chặn được sự xâm lược từ phía Mỹ. Bởi vậy, để duy trì vị trí siêu cường, chẳng chóng thì chầy, Mỹ buộc phải vướng vào xung đột quân sự công khai với quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân (nói cách khác, trong hệ hình hiện nay, một cuộc chiến tranh cục bộ bằng vũ khí hạt nhân có sự tham gia của Mỹ như một phía của nó là điều không loại trừ) - nếu không, phải tìm một ý nghĩa khác cho chữ siêu cường. Hoặc là từ chối vị thế của một siêu cường như vậy.
Trung Quốc có hai khả năng trở thành siêu cường quân sự: tự lực và liên minh với Mỹ. Nước này có khả năng đảm bảo đủ nhân lực dùng đúng vào việc giám sát lãnh thổ. Cho nên liên minh Trung Quốc và Mỹ là chuyện đặc biệt đáng quan tâm, chí ít là về phía Mỹ. Mỹ sẽ bẻ gẫy bất kỳ một phòng tuyến nào, còn Trung Quốc đảm bảo kiểm soát, giữ yên cương thổ.
Trung Quốc cũng có thể chọn con đường tự lực để đi lên - nhưng khi đó, nước này chẳng những phải tự mình đi xâm chiếm lãnh thổ, mà còn phải tự mình kiểm soát lãnh thổ chiếm giữ, bởi vì trong tình huống xẩy ra xung đột giữa hai siêu cường, những thế lực tinh hoa bị lật đổ sẽ tìm đến Mỹ để cầu viện. Tuy nhiên, ở phía Mỹ cũng sẽ nẩy sinh vấn đề tương tự như vậy. Và ở đây, việc lôi kéo siêu cường thứ hai, - siêu cường ủng hộ một bên chơi - tham gia vào xung đột sẽ tạo nên sự khác biệt của các cuộc chiến trong tương lai giữa hai siêu cường so với cuộc chiến hiện nay, khi mà trên thực tế của quân đội Mỹ (nào là chuyện ở Serbia, lại chuyện ở Irac, rồi những gì diễn ra ở Afganistan), một quốc gia dẫu có tầm quan trọng thế nào cũng không phản đối. 
Tức là dựa vào sự hỗ trợ của siêu cường thứ hai, giữa những người chơi sẽ xuất hiện cơ hội quan trọng quay ngược trở lại - và vì thế, việc kiểm soát lãnh thổ nổi lên hàng đầu.
Nhìn từ góc độ duy trì sự kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn, một trong những cuộc chiến thu được thắng lợi mỹ mãn là cuộc chiến giữa người Anh và người Boer[2] ở giai đoạn kết thúc của nó, khi mà người Anh lập ra một hệ thống cứ điểm để kiểm soát lãnh thổ, theo sử liệu, bằng phương pháp ô vuông - tổ chim, họ đã rào kín toàn bộ lãnh thổ của hai nước cộng hoà Nam Phi, khiến du kích quân Boer mất hết khả năng hoạt động cơ động. Thật ra, để làm được như thế, nước Anh đã phải tăng quân lực ở Nam Phi từ 12 000 lên 45 000 người, đảm bảo quân số của mình nhiều hơn đối thủ gấp 10 lần. Tức là muốn thiết lập sự kiểm soát trên 1 km vuông lãnh thổ, quân Anh buộc phải sử 1 người. Nói như thế để chúng ta hình dung, việc kiểm soát lãnh thổ đòi hỏi phải tăng cường lực lượng như thế nào.
Ở thời điểm này, Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới, ước tính 2,25 triệu người. Nếu quả là Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường, họ buộc phải tăng mạnh mẽ chi phí quân sự để xây dựng các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc, tạo ra một lực lượng hải quân và không quân hùng mạnh làm chỗ dựa. Mà trước hết là phải xây dựng được một nền công nghiệp quốc phòng siêu mạnh. Ngoài ra, Trung Quốc còn phải thay đổi các nguyên tắc huấn luyện cơ động hoá và, trước mắt, phải tăng thêm một cách đáng kể quân số của quân đội. Nhưng đó là trường hợp Trung Quốc có ý đồ độc lập trở thành siêu cường, mà không cần đi cùng cặp với Mỹ. Còn nếu Trung Quốc có ý định đi cùng cặp với Mỹ, họ đủ khả năng huấn luyện cơ động, tăng thêm quân số và các phương tiện thông tin liên lạc.
Kết luận: các hoạt động có ý nghĩa của Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng và kinh tế sẽ trở thành những điểm tham chiếu để: 1. xác định xem Trung Quốc đã bắt đầu bước vào quá trình xây dựng vị thế của một siêu cường hay chưa; 2. Tìm hiểu xem Trung Quốc muốn độc lập trở thành siêu cường, hay chuẩn bị liên minh, đi cùng cặp với Mỹ.
Dẫu là ở trường hợp nào, nhìn vào khối lượng đồ sộ của những nhiệm vụ đã mô tả ở trên, ta thấy, việc Trung Quốc độc lập trở thành siêu cường - đó là chuyện cực kỳ xa vời.
Kết luận chung: ở thời điểm hiện nay, Trung Quốc không phải là siêu cường. Nhưng Trung Quốc có triển vọng trở thành siêu cường, nếu họ liên minh quân sự với Mỹ và bằng cách ấy, dùng liên minh quân sự bổ sung cho liên minh kinh tế. Hoặc là họ sẽ bắt đầu bước vào con đường dài lâu với rất nhiều phí tổn để tiến tới vị thế của một siêu cường độc lập.
                               Người dịch Lã Nguyên
Nguồn:"ЕврейскаяГазета"("DoTháiNhậtbáo")     http://www.jig.ru/index4.php/2009/08/12/kitai-bystro-stanet-sverxderzhavoi-v-pare-s-ssha.html


[1] Goldman Sachs: thành lập 1869, trụ sở chính đặt tại New York, đến 2008 là một trong số những Ngân hàng thương mại lớn nhất thế giới.- ND
 
[2] Boer: Người gốc Hà Lan cư trú ở miền Nam châu Phi. Giữa Anh và người Boer đã xẩy ra hai cuộc chiến tranh, cuộc chiến lần thứ nhất: 1880 - 1881, người Boer giành được thắng lợi; cuộc chiến thứ hai: 1899 - 1902, người Anh giành thắng lợi. Khi nói "chiến tranh Anh - Boer", người ta nhằm chỉ cuộc chiến lần thứ hai này.- ND.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445562

Hôm nay

262

Hôm qua

2237

Tuần này

21171

Tháng này

211821

Tháng qua

120141

Tất cả

114445562