Nhìn ra thế giới

Phá xiềng trí não

 
Đến năm 2020, số người có bằng đại học ở Trung Quốc sẽ đạt con số 200.000.000. Con số này thật đáng khâm phục, nhưng cho đến nay các cơ sở giáo dục đại học của Trung Quốc vẫn chưa trả lời được câu hỏi mà nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc Qian Xuesen đã đặt ra cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo, đó là: tại sao Trung Quốc không thể vun đắp được những tài năng xuất sắc? Hiện nay vẫn chưa có trường đại học nào ở Trung Hoa lục địa có được vị trí trong 200 thứ hạng đầu của bảng xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải. Dù đất nước này có số lượng rất lớn các sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà khoa học nào được giải thưởng Nobel.
Cuộc cải cách giáo dục đại học bắt đầu vào năm 1992 đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề mà Qian đã nêu. Đề cương Kế hoạch quốc gia trung hạn và dài hạn Cải cách và phát triển giáo dục (2010-2020) với mục đích thăm dò dư luận đã mất một năm rưỡi để dự thảo và sửa đổi, nhưng việc công bố kế hoạch này vẫn thu hút sự chú ý rộng rãi của công trong tình hình hiện nay. Làm thế nào để biến các cơ sở giáo dục đại học thành một môi trường nuôi dưỡng tài năng, câu hỏi này đã khuấy lên một mối quan tâm sâu sắc.

Máy ghi điểm
Sau khi đọc bài "Ngõ cụt của giáo dục Trung Quốc" đăng trên tờ Thời báo tài chính ấn bản tiếng Trung Quốc, Giáo sư Chen Mian, trưởng Khoa Công trình Dầu khí, trường Đại học Dầu khí Trung Quốc (CUP), đã rất háo hức chia sẻ với các đồng nghiệp của mình quan điểm được nêu trong bài viết – đó là, hầu hết sinh viên không còn thể hiện sự quan tâm đến việc ứng dụng được lĩnh vực đã lựa chọn của mình, mà đã dành phần thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời để học nhồi nhét cho những kỳ thi, y hệt như chiếc “máy ghi điểm" vậy.

"Nói thì hơi cực đoan, nhưng tôi nghĩ đó là sự thật," Chen Mian nói (nhân tiện, con gái ông cũng mới vào đại học). "Các bậc phụ huynh Trung Quốc luôn muốn sắp đặt cuộc sống của con cái mình; tuy thế, sự sắp đặt này lại không nhất thiết góp phần vào việc tạo ra những tài năng rất cần cho sự phát triển tương lai của Trung Quốc."

Năm 2009 con gái ông Chen tốt nghiệp trường trung học tốt nhất của Bắc Kinh. Một nửa số bạn học của cô vượt qua các kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, hai trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc. "Chúng em đạt điểm cao, nhưng nghĩ lại quãng đường dài vất vả ấy, tất cả bọn em đều bật khóc mà không sao kềm lại được," cô bé nhớ lại.

Lúc ấy, cô con gái của ông Chen đủ điều kiện để vào bất kỳ trường đại học nào trong nước, nhưng cô đã chọn đi học ở Mỹ. Ở đó, cô cũng có một lịch học rất chặt chẽ và thường xuyên phải học đến tận một, hai giờ sáng, nhưng cô nói rằng cô cảm thấy hạnh phúc. "Đến kỳ kiểm tra, các giảng viên để sẵn các bài thi tại văn phòng. Bọn em có thể đến nhận bài bất cứ khi nào có thời gian. Chúng em tự hoàn tất bài làm không được xem tài liệu (closed-book exam) theo đúng thời gian quy định trong ký túc xá rồi sau đó nộp lại cho giảng viên. Kiểm tra, thi cử được tiến hành như thế đấy," cô nói.

"Mỗi người một đề kiểm tra khác nhau chứ?" Chen Mian xen vào, vì ông không thể không quan tâm đến điều này với tư cách là một giảng viên đại học. "Không ạ, đề kiểm tra giống nhau cho tất cả mọi người”, cô bé trả lời.
 
"Như vậy thì chắc chắn nó sẽ không công bằng đối với các sinh viên làm bài trước, vì các sinh viên làm bài sau có thể biết trước nội dung của bài kiểm tra," Chen Mian đoán.

Nhưng câu trả lời của cô sinh viên là: "Thậm chí không có ai dám nghĩ đến điều đó vì hành vi ấy sẽ hủy hoại phẩm giá của chính các sinh viên này”.
 
Một người Mỹ gốc Trung Quốc nói với Chen Mian là ông nghĩ các kỳ thi đóng một vai trò quan trọng quá mức trong việc tuyển lựa người để vào các cấp bậc học thuật tại Trung Quốc. Phải mất đến 20 năm để một người có thể trưởng thành, vậy nếu biết rằng tương lai của mình được quyết định chỉ dựa trên một kỳ thi kéo dài hai tiếng đồng hồ, thì đương nhiên người ta sẽ chỉ chăm chăm trau giồi các kỹ thuật và kỹ năng đảm bảo đạt điểm cao trong kỳ thi đó. "Nếu chúng ta thực sự muốn đánh giá học sinh đã học được gì sau 20 năm trải nghiệm cuộc sống, chúng ta cần nhìn nhận giá trị của các em bằng chính trái tim ta," người đàn ông này nói.

Chen Mian đồng tình: "Chúng ta cần hiểu đúng bản chất của giáo dục, và nỗ lực nhiều hơn để cải thiện hệ thống giáo dục của chúng ta và định hướng cho sự phát triển của nó. Trong khi đó, hiện nay chúng ta lại dành quá nhiều thời gian tranh luận về các chi tiết nhỏ nhặt như nên dạy bao nhiêu từ tiếng Anh, hoặc những hình thức kỷ luật nào có thể thúc đẩy các em học tập". Tại phiên họp thứ ba trong Hội nghị lần thứ 11 của Hội đồng Tư vấn chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC) vào tháng ba năm 2010 vừa qua, Chen đã chia sẻ những quan điểm của mình với các thành viên khác của CPPCC cũng đang làm công tác giáo dục.

Quyền lựa chọn
Tại một nhà trẻ Trung Quốc, một em bé vẽ bức tranh cỏ, nhưng cỏ trong tranh của em được tô màu đỏ. Em bị giáo viên mắng vì đã làm sai. Khi về nhà, cha mẹ em hỏi tại sao lại dùng màu đỏ. Cậu bé trả lời: "Bởi vì đám cỏ đang rất vui, nó cười vang, đến nỗi đỏ cả mặt."

"Trong giờ học vẽ ở phương Tây, cách suy nghĩ như vậy sẽ được thấu hiểu và thậm chí được giáo viên khuyến khích vì nó cho thấy trí tưởng tượng sinh động của đứa trẻ. Nhưng các giáo viên của chúng ta vẫn khư khư ôm lấy quan điểm là mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng." Chen Mian nói.
 
Trên thực tế, một số câu hỏi có thể có nhiều câu trả lời đúng. Hiện nay Trung Quốc đang áp dụng một hệ thống giáo dục tập trung, trong đó Bộ Giáo dục (MOE) kiểm soát và hướng dẫn công việc quản lý cho tất cả các trường đại học. Chen Mian cho rằng tình hình này nên được thay đổi.

Không cần che giấu những bức xúc trong lòng, Zhu Qingshi, Hiệu trưởng của Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Trung Quốc, làm rõ thêm: "Chúng tôi phải chịu nhiều hạn chế trong công tác điều hành nhà trường. Luật Giáo dục đại học Trung Quốc quy định rằng các trường đại học được quyền chọn và biên soạn tài liệu giảng dạy theo nhu cầu thực tế của mình. Nhưng mô hình đang áp dụng hiện nay là sử dụng sách giáo khoa thống nhất do một cấp có thẩm quyền duy nhất phê duyệt, và điều này đang đi ngược lại quá trình phát triển và hiện đại hoá giáo dục Trung Quốc," ông Zhu lập luận như vậy

Shao Guopei, một nhà toán học, đã trải qua gần hết cuộc đời mình để dạy toán, với 8 năm dạy ở trung học và 30 năm ở đại học. Khi nói về cuộc cải cách việc dạy toán trong các trường trung học vào năm 2004, ông tỏ ra rất buồn. "Phần thiết thực nhất của chương trình – rèn luyện kỹ năng giảng dạy – đã bị thay thế bằng một số nội dung khô khan như giải tích và thống kê xác suất. Điều này đã làm giảm khả năng toán học thực tế của học sinh một cách nghiêm trọng. Năm 2005, 90 thành viên của CPPCC đề nghị chấm dứt tình hình này, nhưng điều này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết," ông Shao nói.
 
Rõ ràng là chương trình toán học nặng nề phức tạp không hề vun đắp tài năng toán học của học sinh. Năm 2009, Đại học Thanh Hoa  đã tổ chức kỳ kiểm tra toán học cho sinh viên năm thứ nhất và điểm trung bình chung chỉ đạt 42 điểm (điểm trên 100). "Thật khó tưởng tượng một điều như vậy có thể xảy ra trong quá khứ!" Shao nhận xét. 

Bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào cũng sẽ có những điểm yếu và điểm mạnh của nó. Nếu giảng viên có quyền chọn sách giáo khoa dựa trên nhu cầu của sinh viên, lớp học của họ chắc chắn sẽ có sinh động hơn và kết quả cũng sẽ rõ ràng hơn.
 
Nếu chúng ta thấy buộc phải đưa vào một số khái niệm phức tạp và các mục tiêu phụ trong mọi khóa học, thì đấy chính là điều cần được thảo luận. Ví dụ, Giáo sư Chen Mian đã thực hiện điều tra có hệ thống trên 1.000 sinh viên tốt nghiệp đại học để biết các sinh viên này có thấy Định luật L'Hôpital trong môn Toán cao cấp có lợi ích gì trong công việc hàng ngày của họ không, và ngoài một số ít đang tham gia vào công việc nghiên cứu toán học, tất cả những người khác đều trả lời là "không".
 
"Chúng ta quá khắt khe với sinh viên trong những yêu cầu về kiến thức hàn lâm nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng hơn," Chen Mian nói. "Khía cạnh quan trọng nhất của giáo dục là giúp các thanh niên phát triển toàn diện và xây dựng một nhân cách mạnh mẽ và cương trực", ông nhấn mạnh.
 
Thẩm quyền và chuyên môn
Sau khi Đề cương Kế hoạch quốc gia trung và dài hạn Cải cách và phát triển giáo dục (2010-2020) được công bố, nhiều hoạt động hỗ trợ đã được khuấy động nhằm đẩy mạnh triển khai các biện pháp nêu trong đề cương, đó là phi hành chính hóa và bảo đảm quyền tự chủ cho các trường đại học. Sun Xiaobing, Giám đốc Sở Chính sách và Quy chế của Bộ GD, khẳng định lại những gì đã được quy định bởi pháp luật – đó là các tổ chức giáo dục đại học phải được tự quyết định trong việc sắp xếp các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, quyết định lương bổng và thù lao cho cán bộ viên chức, lập kế hoạch tuyển sinh, triển khai các tài sản và các quỹ do trường sở hữu, và tiến hành giao lưu quốc tế. Ông nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để thực hiện phi hành chính hóa các trường đại học là phải đảm bảo có được các quyền tự chủ nói trong nhà trường. 
 
Thực ra Luật Giáo dục đại học đã được ban hành từ đầu năm 1998, có nghĩa là quyền tự chủ của các trường đã được đảm bảo bằng pháp luật từ 12 năm qua, nhưng thật ra điều này lại rất khó thực hiện. Quyền tự chủ quan trọng như thế nào đối với các trường đại học? Zhu Qingshi tin rằng kinh nghiệm của trường Đại học quốc gia liên hợp Tây Nam (NSAU, 1938-1946), có thể cho ta một vài manh mối về tầm quan trọng này. 
 
Chen Lifu, lúc ấy là Bộ trưởng giáo dục của chính phủ Quốc Dân Đảng, yêu cầu có sự quản lý thống nhất và theo đúng chuẩn mực đối với các trường đại học của đất nước. Ông chỉ thị rằng mọi sách giáo khoa, bài thi, và các chương trình giảng dạy được sử dụng tại NSAU phải trải qua sự phê duyệt của Bộ GD. NSAU liền tổ chức một cuộc họp đặc biệt để thảo luận về chỉ thị này và cuối cùng đã quyết định từ chối thực hiện chỉ thị. Feng Youlan, lúc ấy là Giám học của NSAU, đã viết thư cho Bộ GD và chỉ ra rằng, Bộ GD là cơ quan hành chính cao nhất còn các trường đại học là các tổ chức có thẩm quyền cao nhất liên quan đến các kinh nghiệm thực tiễn, hai nơi này gách vác những trách nhiệm khác nhau và vì thế mỗi nơi cần tập trung vào các lĩnh vực riêng của mình.

"Bằng cách ấy, NSAU đã tạo được đặc điểm riêng biệt của nó," Zhu Qingshi nhận xét. Dù được thành lập và phát triển trong gian đoạn chiến tranh và hỗn loạn, nhưng trường đại học này đã đóng góp to lớn cho xã hội thông qua việc đào tạo được hơn 100 trí thức Trung Quốc nổi bật nhất, bao gồm Deng Jiaxian, Chen Ning Yang, Tsung Dao Lee, Huang Kun, Liu Dongsheng, Zhu Guangya, Zou Chenglu, Peng Peiyun và Wang Zengqi.
 
"Dạo ấy điều kiện rất khắc nghiệt," Pan Jiluan, một giáo sư của Đại học Thanh Hoa nhớ lại. "Các phòng học được đặt trong toà nhà một tầng lợp tôn vách đất; ký túc xá sinh viên là cũng tương tự như vậy nhưng mái lợp bằng tranh. Ngồi trong lớp học vào mùa đông, người ta có thể cảm nhận được những ngọn gió lạnh buốt xuyên qua các tòa nhà từ mọi hướng. "
 
Tự do học thuật và quản trị dân chủ là những phương châm về quản trị của NSAU. Hiệu trưởng nhà trường và Giám đốc sinh viên vụ là do Bộ GD trực tiếp chỉ định, nhưng chủ nhiệm các khoa là do các cán bộ giảng viên trực tiếp bầu chọn. "Các chủ nhiệm khoa đóng một vai trò quan trọng trong các lĩnh vực học thuật của họ và là những con người đạo đức. Sự cống hiến của họ là yếu tố quan trọng trong những thành tựu của NSAU ", ông Pan Jiluan nói.

"Tại thời điểm đó, NSAU chống lại sự kiểm soát của Bộ GD, nhưng Bộ GD không hề cản trở sự phát triển của nó bằng cách cắt giảm nguồn kinh phí được cấp hoặc các nguồn lực khác. Ngày nay thì mọi việc đã hoàn toàn khác. Hiện nay, nếu chúng ta không tuân theo chỉ đạo của hệ thống giáo dục tập trung, chúng ta rất có thể bị mất nguồn tài trợ hoặc sự hỗ trợ. Đó là sự khác biệt lớn nhất, và cũng là điều làm ôi lo lắng nhất ", ông Chen Mian nói.
 
Quản trị theo kiểu “buông tay”
Trong năm 2010, Bộ trưởng Giáo dục Yuan Guiren cho biết Bộ GD sẽ giảm bớt sự can thiệp vào công việc nội bộ của các trường; bất cứ điều gì được coi là sự can thiệp không cần thiết sẽ được ngừng lại. Ông cũng đã nêu ý kiến về những khó khăn trong việc tiến hành cải cách giáo dục ở Trung Quốc. "Khi cải cách được thực hiện ở mức độ sâu hơn, sẽ xuất hiện những tiếng nói và tầm nhìn đa dạng hơn", ông thẳng thắn phát biểu. "Đẩy mạnh bất kỳ sự cải cách nào cũng cần sự hỗ trợ của rất nhiều cuộc cải cách bổ sung khác," ông Yuan cho biết thêm.

Các phiên họp của NPC và CPPCC được tổ chức trong buổi tháng ba 2010 có thể được coi là bước ngoặt của cải cách giáo dục đại học Trung Quốc. Trong cả hai phiên họp, Bộ GD xác định rõ vai trò của chính phủ và của các trường – tuy các trường trực thuộc chính phủ, nhưng họ là những “doanh nghiệp” riêng rẽ, vì thế cần được quyền tự vận hành theo nhu cầu riêng của mình. Đồng thời, Bộ GD cũng khuyến khích việc cải cách trong chính hệ thống quản lý của các trường đại học. 

Các quan chức cao cấp của Trung Quốc cũng lưu ý đến cơ cấu chưa hợp lý của hệ thống giáo dục đại học. Trong năm Báo cáo công tác năm 2010 của Chính phủ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra đề xuất là chính quyền trung ương nên khuyến khích các trường đại học điều chỉnh các thiết kế chương trình đào tạo của mình cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.
 
Các nỗ lực cải cách cũng chỉ ra rằng các trường cần được nới rộng quyền hạn liên quan đến các thủ tục phê duyệt hành chính. Trong những năm gần đây, số lượng các hạng mục cần phải có sự phê duyệt về mặt thủ tục của Bộ GD đã giảm đáng kể. "Thực hiện việc giảm bớt sự can thiệp của chính phủ, tôn trọng quyền tự do và trách nhiệm pháp lý của các trường là điều then chốt," viên chức chính thức Bộ GD Sun Xiaobing đã tóm tắt như vậy.

"Chúng ta nên để cho hệ thống giáo dục của Trung Quốc phát triển đa dạng theo đúng nhu cầu, tự do như một cái cây phát triển những cái nhánh vững chắc của nó. Một nền tảng học thuật vững chắc là cốt lõi cho tất cả, vì vậy chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi và linh hoạt cho các giảng viên và sinh viên của chúng ta tiến hành nghiên cứu và ứng dụng kết quả theo đúng lương tâm của họ,” ông Chen Mian kêu gọi./.
 Phương Anh dịch

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445537

Hôm nay

237

Hôm qua

2237

Tuần này

21146

Tháng này

211796

Tháng qua

120141

Tất cả

114445537