Những góc nhìn Văn hoá

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển tinh thần yêu nước

T inh thần yêu nước (Lòng yêu nước, thương nòi)  là một nhân tố cực kỳ quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên sức mạnh dựng nước và giữ nước của các dân tộc trên thế giới. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh rất chăm lo nhen nhóm và phát triển tinh thần yêu nước để giải phóng dân tộc và đem lại hạnh phúc cho đồng bào mình.

Với bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển tinh thần yêu nước và những nỗ lực của Người trong cuộc đấu tranh để “truyền bá” tư tưởng đó.
1. Yêu nước, thương nòi, đấu tranh cho các quyền cơ bản của dân tộc của con người là lý tưởng cao quý nhất của nhân loại
Đọc các tác phẩm, các văn kiện do Nguyễn ái Quốc-Hồ Chí Minh viết, ta thấy: 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu lịch sử - Văn hoá của các nước trên thế giới, nhất là các dân tộc đã đấu tranh giành độc lập, tự do dân chủ và ấm no hạnh phúc cho đồng bào. Các cuộc cách mạng điển hình như Cách mạng Mỹ (1776), Cách mạng Pháp (1789), Cách mạng Nga (1917) và các tổ chức quốc tế đang hoạt động lúc bấy giờ là các nhân tố quan trọng giúp cho tư duy lý luận - tư duy cách mạng của Người phát triển phù hợp với cuộc vận động giải phóng dân tộc và quy luật tiến hoá của nhân loại.
 Nhưng năm 20 của thế kỷ XX, thực trạng của dân bản xứ, xét trên các lĩnh vực tâm lý, hành chính, pháp lý và kinh tế là “cả một vực thẳm cách biệt người Âu” như một “trật tự vĩnh cửu” mà những kẻ thực dân đã tạo ra tại các thuộc địa. Với lòng yêu nước nồng nàn, Người xót xa trước cảnh đồng bào mình bị chủ nghĩa đế quốc Pháp chà đạp.
Bằng “cơ sở pháp lý” của ba cuộc cách mạng Mỹ, Pháp, Nga (những giá trị tư tưởng tiến bộ của các cuộc cách mạng ấy) vận dụng vào bối cảnh chính trị - xã hội của thế giới sau đại chiến 1914-1918, Các nhà ái quốc Việt Nam (Nguyễn ái Quốc, Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường lúc bấy giờ đang hoạt động ở Pari) đưa Yêu sách của nhân dân An Nam đến diễn đàn quốc tế, mở đầu cho cuộc đấu tranh hòa bình và “hợp pháp”.
 Nhưng những kẻ bồi bút thực dân đã phản ứng dữ dội. Chúng lồng lộn chỉ trích bản yêu sách. Trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6 có một bài nhan đề Giờ phút nghiêm trọng, viết rằng: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Thật là quá quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”(1).
 Cuộc “bút chiến” của Nguyễn ái Quốc cho sự nghiệp giải phóng những người bản xứ bắt đầu. Lí lẽ về “Tinh thần yêu nước” như một chân lý vĩnh cửu được Người viện dẫn ngay từ “chủ nghĩa yêu nước, chân lý và lợi ích chung của nước Pháp” chân chính; nhằm mục đích trước hết và để ít nhất những người bản xứ không “bị khoá mồm bịt miệng”, và không “bị xỏ mũi”. Những nhà ái quốc An Nam đòi những “quyền tự do” để tránh cho số phận của con người khỏi bị bọn thực dân biến thành những “tên nô lệ khốn khổ”. Người viết: “Rất ôn hoà cả về nội dung lẫn về hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả(2).
Người khẳng định “Lòng yêu nước thương nòi” là nhu cầu sống, “là lý tưởng cao quý nhất của loài người”(3).
Từ bài học lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mấy nghìn năm để lại, từ bài học rút ra từ cuộc khảo nghiệm lịch sử các cuộc cách mạng thế giới thời kỳ cận - hiện đại, Nguyễn ái Quốc hăng hái đấu tranh cho lý tưởng cao quý nhất của loài người (Lòng yêu nước thương nòi) và rất sáng tạo trong quá trình phát triển tinh thần yêu nước; làm cho tinh thần yêu nước nhanh chóng trở thành một động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự biến đổi xã hội theo quy luật tất yếu của lịch sử.
Báo Thanh niên, số 9, ngày 23-8-1925, Nguyễn ái Quốc kêu gọi: “Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết”, bởiTừ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi”; Người đặt ra một câu hỏi lớn: “Chúng ta phải làm sao đoàn kết?”; và Người chỉ rõ sự liên kết phải chặt chẽ như các bộ phận trong cơ thể của một con người:Ngũ quan cùng với tay chân dính liền”, “Tách rời nhau thời không thể sống”, “Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi”.
Không chỉ trong một bài thơ, một văn kiện, mà Người thường xuyên nhắc nhở chúng ta thương yêu nhau - chính là yêu nước thương nòi, tránh xa mọi cám dỗ của bọn thực dân. Người chỉ rõ:Nghĩa vụ một người dân là phải yêu Tổ quốc”, “Mau cải thiện tâm, tài, lực cho dân”. Vì sự nghiệp chung “hãy học sống và học chết”, “Hãy kết đoàn tương trợ lẫn nhau”, “Tựa tứ chi kết lại ta sẽ thành công”, “Đất nước ta, ta xây một thiên đường” (4).
Tháng 8-1945, lý tưởng cao quý đó đã được hiện thực hoá một phần - phần thiết yếu nhất để tạo dựng một chế độ mới. Người nô lệ dưới chế độ thực dân Pháp đã chuyển thành người chủ đất nước của nền Dân chủ Cộng hoà Việt Nam.
Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, với cương vị là Chủ tịch Chính phủ, trong Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương, Hồ Chí Minh ân cần bày tỏ: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do. Lòng yêu nước thương nòi này làm vẻ vang các bạn vì nó là lý tưởng cao quý nhất của loài người”. Rồi Người khẳng định: “Nhưng chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”(5).
 2. Dùng khoan đãi để chuyển hoá các lực lượng đối lập sang lập trường yêu nước chân chính.
Để bảo vệ nền Dân chủ Cộng hoà còn non trẻ trước sự tấn công của nhiều kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển tinh thần yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân không bỏ sót một người nào. Người kêu gọi những người có tài đức không phân biệt đảng phái, thành phần giai cấp, địa vị xã hội đoàn kết để xây dựng chính quyền dân chủ của nhân dân, đoàn kết để kháng chiến kiến quốc.
Trong buổi đầu tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhiều nhân sĩ trí thức được Chính phủ mời tham gia bộ máy hành chính và các cơ quan chuyên môn ở các cấp nhất là Trung ương. Chủ trương “mở rộng và phát triển Việt Minh hơn nữa” được nhanh chóng thực hiện. Một số đoàn thể quần chúng và đảng phái tiến bộ lần lượt ra đời, như Công thương cứu quốc, Sinh viên cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Hướng đạo cứu quốc, Viên chức cứu quốc, Cựu binh sĩ cứu quốc, vv. Đặc biệt cuộc vận động phát triển tinh thần yêu nước đã dẫn tới sự ra đời của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (29-5-1946) - một mặt trận yêu nước rộng lớn có sức sống “Trường Xuân, bất lão”.
 Thời kỳ 1945-1946, giữa muôn vàn khó khăn (đói kém, thù trong giặc ngoài, trước sự nhận thức khác nhau của các phe nhóm về độc lập dân tộc, về tương lai nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo những người cộng sản Việt Nam tìm ra sự đồng thuận để giữ vững nền độc lập. Đó là việc đoàn kết với các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các đảng, vừa là để tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được, vừa là ngăn cản ảnh hưởng xấu của những kẻ mưu toan dựa vào các thế lực phản động quốc tế để trục lợi cá nhân; đồng thời tranh thủ các tầng lớp trung gian, kéo họ ngả về phía cách mạng nhằm cô lập kẻ thù cao độ.
- Đối với triều đình Huế
Trong Cách mạng Tháng Tám -1945, ta không chủ trương diệt trừ nhà nước phong kiến theo kiểu cách của các cuộc cách mạng trên thế giới. Cuộc vận động Bảo Đại thoái vị không chỉ tạo điều kiện để ông vua này trở thành “người công dân yêu nước” mà còn đặt ông vua này vào vị trí cố vấn tối cao của Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam với mong muốn mở rộng đoàn kết, tăng cường lực lượng bảo vệ chế độ mới.
 Một Nhà nước non trẻ và đầy thiếu thốn khoan đãi Bảo Đại làm Cố vấn tối cao của Chính phủ, chăm lo tới cuộc sống gia đình của ông ta là việc làm có một không hai trong lịch sử nhân loại.
Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, ông Phạm Khắc Hòe (nguyên Ngự tiền Văn phòng Tổng lý Triều đình Huế, người có công trong cuộc vận động vua Bảo Đại thoái vị) đã kể lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần đón tiếp, thăm hỏi Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại). Ông Hòe viết: “Đúng 3 giờ chiều, (ngày 5-9-1945- ĐTD) Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, ông cố vấn cùng tất cả những người giúp việc ra tận xe đón và theo Cụ đi lên gác”; “Ông Vĩnh Thuỵ mời cụ Chủ tịch vào phòng khách. Tôi rút lui và làm dấu cho mọi người khác cùng đi ra. Nhưng con mắt những người mới được trông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đều gián chặt vào Người không sao dứt ra được, nên họ cứ đứng luôn trong phòng cho đến lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh khoác cánh tay ông cố vấn đi ra, xuống sân rồi cứ khoác tay nhau như vậy, hai người vừa đi lại vừa nói chuyện giữa sân gần nửa giờ” (6).
 Đánh giá về sự kiện này, ông Phạm Khắc Hòe viết “Một lãnh tụ cách mạng lão thành thân hình mảnh khảnh, gầy gò mặc quần áo ka ki, cổ kín đi dép cao su khoác tay một ông vua trẻ, thân thể phì nộn, hai má nung núc híp cả mắt, tóc chải trơn như mỡ, quần áo tuytxo là thẳng tắp, cổ cồn ca vát bảnh bao, giầy da láng bóng...Thật là một bức tranh đoàn kết dân tộc độc đáo chưa từng thấy trong lịch sử thế giới” (7).
 Việc Bảo Đại tự nguyện rời bỏ ngai vàng, “tự giải thể” chính quyền tay sai đội lốt tự trị dưới thời Pháp-Nhật đã làm chuyển hoá nhanh chóng “lập trường” của một số thân sĩ và nhân sĩ yêu nước đã nhiều năm “nín nhịn dưới chế độ thực dân” quyết tâm đi theo cách mạng, đi theo con đường Hồ Chí Minh, đứng về phía nhân dân “kháng chiến kiến quốc”. Sự kiện này còn góp phần không nhỏ làm suy sụp tinh thần phản kháng của các thế lực muốn lợi dụng quyền uy của ngai vàng phong kiến để chống lại dân tộc; đồng thời làm cho đại đa số các quần thần, tôn thất và những người sùng ái nhà vua biết “chỉnh sửa” tình cảm yêu nước thuộc hệ tư tưởng phong kiến thành tinh thần yêu nước mang sức sống của thời đại mới.
- Đối với anh em Bảo an binh cũ, Hồ Chủ tịch cũng đã gặp mặt đại biểu các sỹ quan tại Bắc Bộ phủ. Người động viên, thúc dục họ gắng giúp Chính phủ những cái có thể được: “Hoặc lăn lộn trong bộ đội, hoặc về tham gia giúp đỡ ở địa phương. Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của tổ quốc”(8) sẵn sàng đón nhận vào đội quân xây dựng và bảo vệ nền Dân chủ Cộng hoà.
- Đối với các tổ chức Việt Quốc và Việt Cách
Mặc dù họ dựa vào “Hoa quân nhập Việt”, lúc ngấm ngầm, lúc công khai chống phá cách mạng; nhất là khi quan hệ Việt - Pháp đang đứng trên bờ vực chiến tranh, họ ra sức khai thác triệt để tâm lý và lòng yêu nước chân thành của quần chúng, kích động quần chúng lao vào cuộc chiến đấu bất lợi, tạo cơ hội để họ lật đổ chính quyền cách mạng (Thái độ và hành vi sai trái ấy đã bị nhân dân Hà Nội phản ứng dữ dội). Nhưng Đảng và Chính phủ lâm thời một mặt kêu gọi nhân dân bình tĩnh và sẵn sàng chuẩn bị kháng chiến, mặt khác đấu tranh với Việt Quốc và Việt Cách để đi tới ký kết những thỏa thuận về biện pháp đoàn kết. Đó là sự mềm mỏng, nín nhịn, nhượng bộ và kiên quyết bảo vệ chính quyền của Việt Minh và các lực lượng yêu nước khác.
Lúc bấy giờ, khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi, cảm hoá những người thuộc các thế lực đối lập cũng là một nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Tinh thần “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết” và “Đoàn kết tinh thần” (thước đo lòng yêu nước thương nòi), trở nên sôi động lan toả khắp toàn dân, cuốn hút các màu sắc yêu nước.
Ngày 19-11-1945, sau nhiều lần, bàn bạc thuyết phục, Nguyễn Hải Thần (đại diện Việt Cách), Vũ Hồng Khanh (đại diện Việt Quốc) đã cùng Hồ Chí Minh (đại diện Việt Minh) ký kết những Nguyên tắc chung tối cao:
“1) Thành lập một chính phủ nhất trí, tổ chức cơ cấu quân sự tối cao (bao quát: danh xưng, tổ chức hệ thống, sắp đặt nhân sự, quốc huy, quốc kỳ, v.v...).
“2) Định rõ chính cương, chính sách, phát biểu tuyên ngôn liên hợp (bao quát: nguyên tắc kiến quốc tối cao, ngoại giao, nội chính và chính sách đối với Hoa Kiều, v.v...).
“3) Hết thảy quân đội phải thuộc về quốc gia (bao quát: các đảng, các phái phải đem võ lực của mình ra...”. Các bên không được xây dựng quân độiriêng (“tự kiến quân riêng”).
“4) Chỉ nói đến sự sinh tồn quốc gia chớ không được nói đến những sự tranh giành của đảng phái (bao quát: hết thảy các đảng, các phái y theo quy tắc được tự do phát triển, hỗ tương bảo chứng)”. Cam đoan với nhau không được dùng thủ đoạn phi pháp để phá hoại đối phương.
“5) Triển khai hội nghị quân sự (bao quát: thương thảo việc tiến quân vào Trung Nam bộ, và vấn đề kiến quân về hết thảy mọi phương diện).
“6) Quyết không đổ máu giữa người Việt Nam với người Việt Nam.
“7) Kiên quyết hủy diệt các xí đồ (âm mưu) thực dân của đế quốc Pháp để giành lấy sự độc lập hoàn toàn của Việt Nam” (9).
 Trong Bức thư ngỏ cùng anh em Việt Nam Quốc dân Đảng trong nhóm “Việt Nam”, những người Cộng sản trong khi “bày tỏ một vài sự thật bổ ích cho việc đoàn kết” theo châm ngôn “thuốc đắng giã tật” đã nói những lời tâm huyết “Chúng ta sẽ lấy máu gắn xương thịt của chúng ta (Việt Minh và các đảng phái khác -TG) thành một bức trường thành ngăn thực dân Pháp xâm lược, thành một khối vô địch để phụng sự nước nhà. Các anh hãy cùng chúng tôi tổ chức việc ngăn ngừa nạn đói cho có hiệu quả. Đừng có nói có danh vị gì mới làm được những việc ấy. Người yêu nước, kẻ hảo tâm bình thường không làm được những việc ấy sao? Hàng vạn đồng bào hiện đang xông pha ngoài mặt trận hay lăn lộn công tác ở hậu phương, không nghĩ qua đến quyền lợi đảng phái, một lòng hy sinh cho Tổ quốc; nếu những người ấy cũng đợi cải tổ Chính phủ, tham gia nội các, rồi mới bắt tay vào việc thì thử hỏi nước nhà mất hay còn?”(10).
Ngày 24-11-1945, cuộc thảo luận giữa Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Lê Tùng Sơn, Cù Huy Cận và Phan Trâm về việc đoàn kết để cứu nước, “Hai bên” đã vui vẻ nhất trí với nhau trên ba vấn đề lớn; “đều bảo đảm không được công kích lẫn nhau bằng lời nói và bằng hành động”; “đều kêu gọi đoàn kết”; “đều kêu gọi ủng hộ kháng chiến ở Nam Bộ”(11).
Để củng cố và bảo vệ nền độc lập, chúng ta đã đấu tranh, thương lượng và nhân nhượng, Việt Quốc đã thỏa thuận hợp tác với Chính phủ và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Với sự vận động tích cực của Hồ Chủ tịch và Đảng ta, ngày 24-12-1945 Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc đã ký Bản biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, cam kết tập trung giải quyết những vấn đề “quốc gia đại sự” như độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền, tinh thần đoàn kết”.
Ngày 26-12-1945, Báo Cứu quốc, số 126, công bố trước toàn dân “các điều ước” đoàn kết giữa Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh, thay mặt cho Việt Minh, Quốc dân đảng Cách mệnh đồng minh hội, đã được ghi nhận: “1) Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái độ thân ái, tinh thần cùng nhau thảo luận để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng ngang vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ; 2) Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội và kháng chiến; 3) Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đình chỉ hết thảy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động” (12).
 Các bên còn cam kết mở rộng Chính phủ lâm thời, thừa nhận 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội không qua bầu cử. Sau các cuộc hội nghị liên tịch đại biểu các đảng phái do Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần chủ tọa: Việt Minh, đảng Dân chủ, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, Việt Nam Quốc dân đảng đã ra nghị quyết chung thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm 10 bộ được phân nhiệm cụ thể cho các đảng phái và thành lập Quốc gia cố vấn đoàn “do cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ làm đoàn trưởng và gồm có những vị có đạo đức kinh nghiệm sẽ thành lập để giúp ý kiến cho Chính phủ” (13). Quyết nghị của cuộc Liên tịch hội nghị các chính đảng ngày 23-2-1946, nhấn mạnh “Để tỏ rõ tính cách thống nhất quốc gia của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, hai bộ giao thông công chính và Canh nông sẽ giành cho đồng bào Nam bộ. Trong khi đại biểu Nam Bộ chưa tựu chức, Bộ Giao thông công chính sẽ do Việt Minh hoặc Việt Nam Dân chủ đảng phụ trách, Bộ Canh nông sẽ do Việt Nam Quốc dân đảng hoặc Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội phụ trách”(14).
 Sau tổng tuyển cử, để chứng tỏ sự đoàn kết toàn dân, Chính phủ “xin đề nghị với Đại hội mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa: “70 người ấy là mời các đồng chí ở hải ngoại về: Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội, và như thế là Quốc hội của ta tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đoàn kết nhất trí, mà đoàn kết nhất trí thì việc gì cũng thành công”. Như vậy, lúc ấy trong Quốc hội Việt Nam “các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối”(15).
“Thắng lợi của kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khoá I là thắng lợi của sự đoàn kết đấu tranh, nhân nhượng và hoà giải nhằm tập trung lực lượng để kháng chiến kiến quốc” (16), được dư luận ví kỳ họp cấp tốc đó như một Hội nghị Diên Hồng trên 600 năm về trước để đánh tan 50 vạn quân xâm lược Mông Cổ.
 Nhưng, rất tiếc là Bảo Đại đã không giữ được lời hứa trước quốc dân đồng bào là “làm dân tự do của một nước độc lập”. Trước sự dụ dỗ của thực dân Pháp, Bảo Đại đã tìm cách trở lại làm tay sai cho kẻ thù của dân tộc. Tiếp đó Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh cũng đã quên sự chào đón nồng nhiệt của quốc dân đồng bào và phụ bạc sự ưu ái của Quốc hội và Chính phủ ta. Họ đã bỏ nhiệm sở ra đi.
Trước các sự việc trên, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội (từ 28-10 đến 9-11-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Lúc nước nhà đang gặp khó khăn, quốc dân tin ở người nào mới trao cho người ấy công việc lớn, mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải tự hỏi lương tâm mình. Những người bỏ đi kia, chứng tỏ họ không muốn gánh vác việc nước nhà, hoặc họ không đủ năng lực mà gánh nổi. Nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng các anh em ấy biết nghĩ lại mà trở về, thì chúng ta vẫn hoan nghênh”.
 Thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội cho thấy Đảng ta và dân tộc ta luôn luôn giương cao ngọn cờ yêu nước để thức tỉnh và qui tụ tất cả mọi người Việt Nam hướng về Tổ quốc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ (Cứu quốc, số 255, ngày 6-1-1946): “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” (17).
Với cách nghĩ cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đưa được nhiều “đứa con lạc bầy” về với mẹ (Tổ quốc) để kháng chiến, kiến quốc.
3. Thi đua yêu nước (Thi đua ái quốc) là giải pháp chiến lược để phát triển tinh thần yêu nước
Tinh thần yêu nước trong lịch sử Việt Nam mang bản sắc dân tộc, thấm truyền và bùng phát khi đất nước có ngoại xâm. Tại Đại hội II (2-1951), Hồ Chí Minh có nhận xét: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Lịch sử đã kiểm chứng tinh thần yêu nước của dân tộc ta qua nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại. Người nhắc nhở: “Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.
Tinh thần yêu nước đó lan tỏa mạnh mẽ trong các giới đồng bào tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ... Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ví “tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày”. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Theo Hồ Chí Minh: Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế. Người giải thích: “Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân Liên Xô đã đánh tan bọn phát xít Đức - Nhật và giữ vững Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, và do đó mà giúp đỡ giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chính vì do tinh thần yêu nước mà quân giải phóng và nhân dân Trung Quốc đã đánh tan bọn bán nước là Tưởng Giới Thạch và đuổi được bọn đế quốc Mỹ. Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân Triều Tiên cùng quân tình nguyện Trung Quốc đang đánh cho bọn đế quốc Mỹ và phe lũ chạy dài. Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới” (18).
Muốn “Phát triển tinh thần yêu nước”, phải “Thi đua ái quốc”. Hay nói cách khác: thi đua yêu nước là một giải pháp chiến lược để phát triển tinh thần yêu nước được Đảng, Nhà nước và các đoàn thể cách mạng vận dụng trong thời kỳ thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng (1954-1975) đưa đến mùa Xuân đại thắng năm 1975.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển tinh thần yêu nước trong các giới đồng bào, các cơ sở kinh tế, các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội. Các hình thức thi đua phong phú, đa dạng đã tạo thành phong trào thi đua sâu rộng nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào đó đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo nên vị thế Việt Nam trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
 


(1) (2) HCM TT, T1, tr 487, tr10
(3) HCM, T4, tr 65
(4) HCM, TT, T2, 440
(5) HCM, TT, T4, tr 65
(6), (7), Phạm Khắc Hoè -Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Hồi ký, Nxb CTQG, 2007, tr 112-113
(8) Biên niên Lịch sử Chính phủ Việt Nam T1, Nxb VH Thông tin, 2006, tr 44
(9). Hồ Chí Minh, TT, T4, Nxb CTQG, 2000, tr 516.
(10). Văn kiện Đảng, T8, Nxb CTQG, 2000, tr 38
(11), (12), (13), (14) HCM, TT, T4, sđd, tr 518, tr522, tr 524, 524
(15). HCM, TT, T4, tr 189, 190
(16). Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb CTQG, 1994, tr 81.
(17) Hồ Chí Minh toàn tập, T4, tr246
(18). HCM, TT, T 6, Nxb, CTQG, 2000, tr 171.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528935

Hôm nay

2316

Hôm qua

2275

Tuần này

21208

Tháng này

215631

Tháng qua

0

Tất cả

114528935