Những góc nhìn Văn hoá

Vấn đề ngôn ngữ trong quan niệm và thực hành nghiên cứu của Gs Trần Đình Sử

Nhắc đến GS. Trần Đình Sử, người ta lập tức nghĩ đến cái danh xưng: nhà thi pháp học. Trong giới nghiên cứu ngữ văn ở nước ta, còn có một số người vận dụng thi pháp học vào việc tìm hiểu, đánh giá văn học, nhưng có lẽ không ai phù hợp với danh xưng ấy hơn Trần Đình Sử. Và, một khi đã gắn bó với thi pháp học sâu nặng đến thế, nhà nghiên cứu tất phải đối mặt trực tiếp với những vấn đề của ngôn ngữ nghệ thuật.

 

 

 

 

 

Với những công trình đã có, GS. Trần Đình Sử giúp người đọc hình dung những đóng góp của ông ở lĩnh vực thi pháp học. Trong những cuốn sách của mình, rất nhiều lần ông nhắc đến khái niệm "thế giới nghệ thuật". Mỗi tác phẩm văn học là một "vũ trụ", một "thế giới" nhân tạo, ở đó, mỗi thành tố đều là kết quả sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Cũng vì thế, hai phạm trù "nội dung" và "hình thức" không hề tồn tại tách bạch ở thế nhị nguyên, ngược lại, chúng xuyên thấm lẫn nhau. Không thể phát hiện nội dung tư tưởng độc đáo của mỗi tác phẩm nếu không cảm thụ được hình thức mang tính đơn nhất của nó. Nói đến hình thức của tác phẩm, GS Trần Đình Sử đã định danh bằng một cụm từ đích đáng: "hình thức mang tính quan niệm". Không chú ý đến ý nghĩa của cụm từ này, khó mà hiểu hết tư tưởng của ông về các khía cạnh của hình thức, trong đó có vấn đề ngôn ngữ tác phẩm.

 

 

Khi nêu quan điểm của mình về bản chất của ngôn ngữ nghệ thuật, dĩ nhiên GS. Trần Đình Sử phải quan tâm xem xét những ý kiến, những quan niệm từng ngự trị trong đời sống học thuật nước nhà. Vấn đề ngôn ngữ trong tác phẩm văn học đâu phải là chuyện mới mẻ gì. Các nhà tu từ học, phong cách học nhận diện đặc trưng của nó và đề xuất hàng loạt tính chất: tính hình tượng, tính cấu trúc, tính biểu cảm, tính thẩm mĩ, tính cụ thể, tính cá thể… Các giáo trình lý luận văn học bao giờ cũng có chương bàn về ngôn ngữ nghệ thuật. Tuy nhiên, có một thực tế như GS. Đỗ Hữu Châu nhận thấy, đó là sự "chủng chẳng giữa các nhà nghiên cứu văn học và các nhà ngôn ngữ học trong sự hợp tác giải quyết các vấn đề của văn học(1), mà nguyên nhân sâu xa là do "tính hạn hẹp của cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học" (2). Không rõ GS. Trần Đình Sử có khi nào bộc lộ thái độ "chủng chẳng" hay không, chỉ biết rằng, khi nghe nói đến những tính này tính nọ của ngôn ngữ nghệ thuật, ông đã có những phản ứng nhiều khi không kém phần gay gắt. "Những xác định về đặc điểm của ngôn ngữ nghệ thuật (văn chương) - ông viết - thấy lặp đi lặp lại trong sách lý luận văn học, phong cách học, ngôn ngữ học như tính hình tượng, tính biểu cảm, tính chính xác, tính hàm súc, tính cụ thể, cảm tính chỉ gợi được các thuộc tính bề ngoài của ngôn từ văn học mà không hề phân biệt được với ngôn ngữ thực dụng. Lẽ nào các lời giao tiếp thông thường thiếu tính hình tượng, thiếu chính xác, thiếu hàm súc… hay sao?"(3).

Trong nhiều công trình thi pháp học, khi bàn về ngôn ngữ nghệ thuật, GS. Trần Đình Sử luôn nhất quán trong quan điểm của mình. Ông khẳng định: "Văn học sử dụng ngôn ngữ nhưng văn học và ngôn ngữ là hai loại hình kí hiệu khác nhau, do đó, không thể suy trực tiếp đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật từ đặc điểm của ngôn ngữ. Đây lại là điều nhầm lẫn rất phổ biến"(4). Ông dẫn quan điểm của M.Bakhtin với thái độ tán đồng: thật ngây thơ nếu cho rằng nghệ sĩ chỉ cần một ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học (bởi vì chỉ nhà ngôn ngữ học mới nghiên cứu ngôn ngữ như là ngôn ngữ). Thực ra, nghệ sĩ gia công ngôn ngữ, nhưng không như ngôn ngữ, bởi vì anh ta sẽ khắc phục ngôn ngữ như là ngôn ngữ để biến nó thành phương tiện nghệ thuật (5).

Không tán thành với cách lý giải về tính hình tượng trong các giáo trình phong cách học, Trần Đình Sử nhấn mạnh khái niệm hình tượng ngôn từ. Ông cho rằng, tính hình tượng của ngôn ngữ nghệ thuật trước hết phát sinh từ tính hình tượng của chủ thể lời nói được sáng tạo bằng hình tượng. Mọi ngôn từ trong tác phẩm đều là lời của chủ thể do tác giả sáng tạo ra, cho nên ngôn từ ấy mang tính hình tượng. Ông cũng phân biệt rạch ròi tính hình tượng trong ngôn ngữ nghệ thuật và trong ngôn ngữ phi nghệ thuật. Theo ông, tính hình tượng của ngôn từ văn học không đơn giản biểu hiện qua các phương tiện tu từ như ẩn dụ, nhân hóa, bởi đây không phải là độc quyền của ngôn từ văn học. Trước đây, người ta thường khu biệt khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ giao tiếp thông thường bằng tính hình tượng. Tuy nhiên, khái niệm tính hình tượng đã được giải thích rất hời hợt và do vậy nó không còn có tác dụng khu biệt nữa. Đến Trần Đình Sử, khái niệm tính hình tượng đã được giải thích sâu hơn hẳn và phù hợp hoàn toàn với tính hệ thống của quan niệm của ông về hình thức nghệ thuật.

Khái niệm hình tượng ngôn từ theo cách lí giải của Trần Đình Sử giúp người ta tránh được những nhầm lẫn đáng tiếc. Thực tế, không ít người cho rằng lời trần thuật trong truyện là lời của tác giả, trong khi thực chất đó là lời của nhân vật kể chuyện được hư cấu; cũng vậy, lời thơ là lời của nhân vật trữ tình được sáng tạo ra, và không bao giờ được đồng nhất nhân vật trữ tình ấy với con người nhà thơ.

Sự nhất quán trong tư tưởng như vậy đã giúp GS. Trần Đình Sử nhìn nhận mọi vấn đề thuộc hình thức của tác phẩm theo một nhãn quan riêng, không giống với số đông. Chẳng hạn, người khác dùng khái niệm giọng điệu tác phẩm, ông lại gọi đó là hình tượng giọng điệu. Ngẫm kĩ, cách nói có vẻ khá lạ lùng ấy có hạt nhân hợp lí. Một giọng điệu riêng không thể nhầm lẫn của một tác phẩm thực ra là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, và bản thân giọng điệu ấy cũng có những thuộc tính cơ bản của một hình tượng ngôn từ.

Sự nhất quán trong tư tưởng cũng có tác dụng mài sắc tư duy, giúp nhà nghiên cứu rất nhạy trong thao tác phản biện. Người ta nói đến tính biểu cảm của ngôn ngữ nghệ thuật, ông lập tức chất vấn: chẳng lẽ ngôn ngữ sinh hoạt không có tính biểu cảm, vậy chỗ khác biệt về tính biểu cảm giữa ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ phi nghệ thuật là ở đâu? Những chỗ tế vi và hóc hiểm như vậy, không phải ai cũng tính đến. Trong ngữ dụng học, ngữ cảnh là khái niệm khá quen thuộc và cũng khá quan trọng. Trần Đình Sử luôn đề cập đến vai trò của ngữ cảnh trong việc tiếp nhận văn học, nhưng ông chú trọng phân biệt ngữ cảnh trực tiếp của ngôn ngữ đời sống với "sự thủ tiêu đặc trưng trực tiếp của ngữ cảnh" ở ngôn ngữ nghệ thuật. Đánh giá rất cao luận điểm về ngôn ngữ thơ của R.Jakobson, nhưng ông cũng thấy quan niệm ấy "tuy khoa học nhưng chưa đầy đủ" bởi sáu thành tố mà Jakobson đưa ra chưa có sự phân biệt đặc điểm của giao tiếp nghệ thuật với giao tiếp phi nghệ thuật(6).

Mặc dù nỗ lực thâu tóm những thuộc tính bản chất của ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng trong con mắt của nhà thi pháp học, không có một thứ ngôn ngữ nghệ thuật chung chung, mà đó phải là ngôn ngữ sử thi hay tiểu thuyết, là ngôn ngữ thơ hay kịch, kí. Ngay ở thơ, cũng phải phân biệt ngôn ngữ của thơ cổ điển hay thơ lãng mạn, tượng trưng hay siêu thực. Ấy là một ý thức thường trực về tính loại hình của ngôn ngữ nghệ thuật. Cũng từ góc độ loại hình, ông chỉ ra sự khác nhau của "câu thơ điệu ngâm" cổ điển với "câu thơ điệu nói" hiện đại. Phải nhìn như thế, mới có thể thấy và chấp nhận được những chiều kích đa dạng của ngôn ngữ nghệ thuật, chẳng hạn, ngôn ngữ văn học hậu hiện đại.

Không chỉ quan tâm tính loại hình, GS. Trần Đình Sử còn ý thức rất sâu về đặc điểm thi pháp ngôn từ trên các cấp độ ngôn ngữ. Ấy là thi pháp trong hình thức tổ chức từ và cụm từ, thi pháp trong cú pháp. Từ điểm nhìn này, ông phát hiện những cách tổ chức khác nhau về ngôn từ trong tác phẩm của một số tác giả, biểu hiện ở những cấp độ cụ thể. Hoàn toàn có thể nói đến câu văn Nguyễn Công Hoan, câu văn Ngô Tất Tố, câu văn Nam Cao… Cái gọi là "hình thức mang tính quan niệm" chính là ở những chỗ như thế.

Một quan niệm riêng, hoàn chỉnh về ngôn ngữ nghệ thuật như vậy là cơ sở để nhà thi pháp học có điều kiện đi vào khảo sát đặc điểm ngôn ngữ của tác giả và tác phẩm cụ thể. Trong hành trình nghiên cứu văn học của GS. Trần Đình Sử, những công trình như Thi pháp thơ Tố Hữu (1985), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1999), Thi pháp Truyện Kiều (2001) là những cột mốc lớn, không chỉ với sự nghiệp của cá nhân ông, mà còn đối với ngành ngữ văn nước nhà. Điều đáng nói là, những đối tượng mà GS. Trần Đình Sử chọn nghiên cứu đều đã được "cày xới" nhiều, song với sự tự tin của một người ý thức được thứ công cụ hữu hiệu trong tay, ông đã có những khám phá đầy ý nghĩa.

Nghiên cứu Truyện Kiều, Trần Đình Sử nhận thấy tầm vóc của người nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Du thể hiện ở việc "đập vỡ" cấu trúc ngôn ngữ hàng ngày để tạo thành ngôn từ nghệ thuật. "Nguyễn Du đã tránh ngôn ngữ tác giả thực dụng để sử dụng ngôn từ đa chủ thể. Ông đã trao quyền tự do cho người kể chuyện và cho nhân vật, làm cho ngôn ngữ ấy "nói" nhiều hơn lời của ông Tham tri bộ Lễ, ông Cai bạ Quảng Bình, và ông sứ thần triều Nguyễn(7). Để đánh giá thỏa đáng giá trị đích thực của ngôn ngữ nghệ thuật trong Truyện Kiều, GS. Trần Đình Sử có những "thao tác ngữ học" của riêng mình. Ông không có nhiệt hứng đi tìm những chữ đắt, câu hay, phát hiện những nhãn tự, thần cú theo lối điểm bình. Ngay cả khi buộc phải chú ý đến một "tiểu tiết" nào đó, chẳng hạn đối thoại với Xuân Diệu về ý nghĩa của từ "sẵn" trong câu Sẵn thây vô chủ bên sông, GS. Trần Đình Sử cũng cho thấy thao tác làm việc của mình(8). Trước những vấn đề khá quen thuộc như đối ngẫu, điển tích, điển cố, ẩn dụ… trong Truyện Kiều, ông vẫn có những trang viết sâu sắc, thú vị, thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng về những yếu tố hình thức của tác phẩm. Đặc biệt, ông luôn tránh cái bẫy "mĩ học chất liệu" như M.Bakhtin từng cảnh báo. Hình như GS. Trần Đình Sử đã tiếp thu được những kinh nghiệm bổ ích trong cách xử lí tư liệu của Mai Hữu Công và Cao Tổ Lân - hai tác giả cuốn Thi pháp thơ Đường mà ông có tham gia dịch sang tiếng Việt.

Đã có một quan niệm khoa học về ngôn ngữ nghệ thuật, khi đánh giá các hiện tượng văn học, GS. Trần Đình Sử thường vận dụng những thao tác còn chưa quen với giới nghiên cứu văn học trước ông, đó là rất chú ý khai thác ý nghĩa của việc lặp lại của những từ, cụm từ (tiếp đó là các hình ảnh, mô típ) trong sáng tác của nhà văn. Luận điểm của ông về chủ đề cơ bản của Truyện Kiều là thân mệnh tương đố chính được đưa ra dựa trên bảng liệt kê số lần xuất hiện của từ thân. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ. Có thể nói tới phát hiện thú vị của ông về việc xuất hiện với tần số cao của từ lòng trong Truyện Kiều nữa. Rõ ràng, trên vấn đề này, ông hướng tới một kiểu phán đoán về giá trị có sở cứ, không dựa vào cảm nhận cảm tính. Thấy ông miệt mài làm việc này, có người nghĩ rằng ông thiếu trực giác, chỉ biết liệt kê và nô lệ vào các sự kiện ngôn ngữ. Kì thực, nếu không có trực giác tốt, người ta sẽ không nhìn ra những yếu tố ngôn ngữ được lặp lại, mặc dù nó tồn tại sờ sờ ra đấy. Đến bây giờ, thao tác làm việc kiểu Trần Đình Sử đã trở thành thao tác nghiên cứu của nhiều người. Nhưng nếu chú ý tới lịch sử vấn đề, hẳn ta sẽ thấy đóng góp có tính tiên phong của ông - những đóng góp đã được định hình trong các công trình nghiên cứu có tiếng vang về Truyện Kiều, về thơ Tố Hữu ở nửa đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ XX).

Nghiên cứu thơ Tố Hữu, Trần Đình Sử nhận ra rằng, thơ của nhà thơ cách mạng này không có gì độc đáo về mặt từ ngữ. Tố Hữu không có những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, mà dường như chỉ sử dụng những gì sẵn có trong vốn ngôn ngữ toàn dân. Tuy nhiên, như thế không phải không có gì đáng nói về ngôn từ nghệ thuật trong thơ Tố Hữu. Với những trường từ vựng - ngữ nghĩa được phân xuất từ toàn bộ sáng tác của Tố Hữu, Trần Đình Sử cho thấy, thơ Tố Hữu là "tiếng hát", là "bài ca"; "hình ảnh ngôn từ trong thơ ông thể hiện một thế giới đang bừng bừng, bốc cháy, nóng bỏng"; "cảnh vật trong thơ Tố Hữu thường được miêu tả trong độ nẩy nở, xinh đẹp tột cùng"; "cùng với thế giới ấy, phẩm chất con người được mô tả trong trạng thái đầy đặn, thuần nhất, bất biến"; "trước thế giới ấy, con người luôn giữ một niềm mê say, rung động mãnh liệt" (9)… Những trường ấy không hề xuất hiện ngẫu nhiên. Nó là kết quả của một tư tưởng thẩm mĩ, một quan niệm riêng về nghệ thuật mà nhà thơ ý thức sâu sắc.

Những viện chứng ngôn từ cụ thể như vậy đã góp phần làm rõ thêm đường nét của khái niệm thế giới nghệ thuật, một trong những khái niệm then chốt của thi pháp học mang dấu ấn Trần Đình Sử.

 Công bằng mà nói, quan niệm của GS. Trần Đình Sử về ngôn ngữ nghệ thuật không phải là những tư tưởng có tính đột phá, nhất là khi đặt nó bên cạnh quan niệm của các nhà nghiên cứu ngữ văn phương Tây, trước hết là của các nhà ngữ văn học người Nga. Chính ông đã rất minh bạch, sòng phẳng về vấn đề ấy. Tuy nhiên, điều quan trọng là ông đã thấm nhuần quan niệm hiện đại, khoa học của họ và có sự vận dụng thành công. Sự chú ý vấn đề ngôn ngữ nghệ thuật của GS. Trần Đình Sử có thể gợi nhiều bài học bổ ích về việc “hợp tác nghiên cứu” giữa các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và nghiên cứu văn học.

 

 

CHÚ THÍCH

1, 2. Đỗ Hữu Châu, "Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học", Đỗ Hữu Châu tuyển tập, Nxb Giáo dục 2005, T2, tr.786.

3, 7. Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục 2003, tr.306, 308.

4, 5, 6. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Nxb Đại học Huế 2009, tr.199, 201.

8. "Xuân Diệu có lần xem chi tiết "Sẵn thây vô chủ bên sông - Đem về để đó lộn sòng ai hay" trong Truyện Kiều là sự phản ánh hiện thực của một thời loạn li cuối Lê đầu Nguyễn, ở đâu cũng gặp thây người vô chủ. Nhưng đó là một sự nhầm lẫn. "Sẵn thây" ở đây cũng như "Hiên sau treo sẵn cầm trăng", "Sẵn tay khăn gấm quạt quì", "Trên bàn sẵn bức tiên hoa", "Trên yên sẵn có con dao", "Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân"…nghĩa là các "đạo cụ" sẵn có để làm cho cốt truyện phát triển đúng hướng, không lạc vào chuyện "tìm thây", "tìm đàn" một cách không cần thiết. Như vậy, "sẵn thây" nằm trong qui tắc tổ chức truyện của tác giả". Dẫn luận thi pháp học, tr.52.

9. Thi pháp thơ Tố Hữu, tr.233-236.

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528985

Hôm nay

232

Hôm qua

2334

Tuần này

21258

Tháng này

215681

Tháng qua

0

Tất cả

114528985