Xứ Nghệ ngày nay

Phụ nữ Nghệ An với việc xây dựng văn hoá gia đình và cộng đồng

Trong những năm qua, cùng với các tổ chức, đoàn thể trong toàn tỉnh, phụ nữ Nghệ An đã rất năng động, tích cực tham gia phong trào Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH), nhất là trong việc xây dựng văn hoá gia đình và văn hoá cộng đồng. 

Phụ nữ: Tạo dựng văn hoá gia đình.
Phụ nữ thời nay, dù ở nông thôn hay thành thị, dù là cán bộ, CNVC hay nông dân đều có ý chí vươn lên để tự khẳng định mình trong công việc cũng như giáo dục con cái. Họ là người xây dựng nền nếp gia đình. Rất nhiều loại hình CLB phụ nữ được thành lập cũng là cách để Hội phụ nữ giúp các thành viên của mình có thêm kĩ năng thực hiện chức năng này.
Chúng tôi đã có dịp được tham gia một số CLB của các chi hội phụ nữ cơ sở, từ những trao đổi, những tâm sự thấy rằng phụ nữ bây giờ rất biết cách làm cho gia đình mình tiến bộ hơn. Trước hết đó là sự tự nguyện tham gia vào các tổ chức của hội phụ nữ để được cung cấp thêm kiến thức kĩ năng cần thiết về những vấn đề cụ thể. Theo số liệu của Hội Phụ nữ tỉnh, khoảng 70% phụ nữ tỉnh ta tham gia sinh hoạt trong các tổ chức của phụ nữ ở sơ sở, với rất nhiều loại hình CLB: Phụ nữ tự chủ, Gia đình hạnh phúc, gia đình không có chồng, con nghiện ma tuý và mắc các TNXH, gia đình không có người vi phạm trật tự an toàn giao thông, gia đình không có người sinh con thứ ba...
Chị Minh ở xã Hưng Lam, Hưng Nguyên cho rằng: CLB xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của hội Phụ nữ xã đã giúp chúng tôi tự tin và biết cách để khẳng định vai trò của mình và xây dựng gia đình tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh hội nhập, rất nhiều cám dỗ bủa vây lớp trẻ, trực tiếp đe doạ đến hạnh phúc và sự bền vững của gia đình, hơn ai hết, người mẹ vẫn là người phải lo lắng và trực tiếp giải quyết các vấn đề khi nó xảy ra với gia đình mình. Xây dựng nếp sống văn hoá gia đình được nhấn mạnh trong các cuộc sinh hoạt phụ nữ, được cụ thể hoá bằng những việc làm sinh động như tên gọi của các CLB đã góp phần tích cực để 90% phụ nữ tỉnh ta hoàn thành mục tiêu xây dựng gia đình văn hoá, gia đình 4 chuẩn mực, góp phần nâng cao chất lượng phong trào TD ĐKXD ĐSVH tỉnh nhà.
"Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo... " là một phong trào lớn được chị em hưởng ứng tích cực. Rất nhiều người vừa đi làm vừa học, không chỉ để nâng cao trình độ mà còn để nêu gương cho con cái, giáo dục truyền thống hiếu học trong gia đình. Chị em phụ nữ nông thôn không có điều kiện học tập thì lao động cật lực, tạo mọi điều kiện cho con được học hành thành đạt. Không chỉ học tập mà chị em còn luôn lao động sáng tạo, tự chủ làm ra kinh tế để không là người lệ thuộc. Rất nhiều chị thực sự là người trụ cột làm kinh tế trong gia đình, mạnh dạn vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh buôn bán để có thu nhập cao. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, làm ăn rất có hiệu quả và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nữ.
 Các nét đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống, như: gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ sống hoà thuận, hạnh phúc, ông bà mẫu mực, dâu hiền, rể thảo, con cháu chăm ngoan, học giỏi, gia đình làm kinh tế giỏi... được gìn giữ, phát huy trong xây dựng gia đình văn hoá, mà người đóng vai trò quan trọng là các người bà, người mẹ, người vợ trong gia đình.
Phụ nữ: Chung xây văn hoá cộng đồng
Trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xuất hiện rất nhiều những tấm gương phụ nữ có những hành động đẹp để xây nên văn hoá cộng đồng. Bác Hường (xã Hòa Sơn, Anh Sơn đã hiến 250m2  đất để làm nhà văn hoá xóm; một chị xóm trưởng ở Hưng Lam (Hưng Nguyên) tự lặn xuống sông lấy gạch cho xóm xây nhà văn hoá; cụ bà Nguyễn Thị Vân, xóm Mĩ Thiện (xã Nam Cát, huyện Nam Đàn) gần 80 tuổi vẫn hăng say làm từ thiện, mỗi năm đóng góp trên dưới 10 triệu đồng cho các quỹ nhân đạo, từ thiện của xóm, của xã; hai vợ chồng mù làng Quang Thái xã Nam Trung, Nam Đàn dù nghèo khổ nhưng với cái tâm “mình nghèo thì góp ít hơn bà con” vẫn cố gắng góp 20.000 đồng để làng tôn tạo đình làng... Chuyện chị em phụ nữ ủng hộ tiền xây dựng các công trình văn hoá, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao... thì địa phương nào cũng có.
Trong cộng đồng, phụ nữ đã luôn có sự chung tay đùm bọc để cùng nhau tiến bộ. “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” là một hoạt động được nhiều thành phần phụ nữ hưởng ứng nhằm tạo cho nhiều chị em có điều kiện làm kinh tế giỏi, tôn vinh vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Nhiều chị em đã xây dựng thành công các mô hình trồng dâu nuôi tằm, chế biến hải sản, trồng dưa, lạc... cho thu nhập cao. Nhiều chị đã trở thành chủ các doanh nghiệp. Các chị có hoàn cảnh khó khăn được chị em đùm bọc, giúp đỡ về vốn và kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên thoát nghèo. Biết bao "mái ấm tình thương" đã được dựng lên từ tấm lòng nhân ái của phụ nữ để che chở cho số chị em nghèo, biết bao "Hũ gạo tiết kiệm", "Ống tiền tiết kiệm" được mở kịp thời giúp chị em vượt qua lúc khó khăn...
Các sinh hoạt cộng đồng: giao lưu văn nghệ, thể thao, lễ hội, hoạt động CLB... phụ nữ vẫn chiếm lực lượng đông đảo. Ở nhiều vùng nông thôn bây giờ, hầu hết các thôn, xóm đều có đội văn nghệ, đội bóng chuyền nữ. Chị em tích cực tham gia hoạt động văn nghệ thể thao, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa thoả mãn nhu cầu giao lưu, học hỏi. Sự cố gắng đó đã tạo nên một nề nếp sinh hoạt văn hoá hữu ích cho chị em cũng là động lực thúc đẩy sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các khu dân cư phát triển...
Những việc làm như thế của phụ nữ tỉnh nhà đã góp phần đắc lực làm nên thành quả của việc xây dựng GĐVH, làng văn hoá của tỉnh hôm nay. Tuy nhiên, phụ nữ Nghệ An còn cần phải tiếp tục cố gắng nhiều để chiến thắng những định kiến từ thời phong kiến, thể hiện đầy đủ hơn năng lực của mình trên nhiều lĩnh vực cả ở trong gia đình cũng như trong xã hội mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội hiện đại hôm nay.
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511658

Hôm nay

2321

Hôm qua

2336

Tuần này

22032

Tháng này

218531

Tháng qua

121356

Tất cả

114511658