Nhìn ra thế giới

"Văn học hiện đại" trong "Thời đại lớn"(1)

Mùa đông năm1927, Lỗ Tấn (Lu Xun) đã khái quát tình trạng xã hội Trung quốc : “Xã hội Trung Quốc đang tiến đến một thời đại lớn. Nhưng cái gọi là “Lớn” đó không nhất định đem lại cho Trung Quốc sự sống, mà rất có thể đó là cái chết”[2]. Cũng theo cách nói –về sau này – của Lỗ Tấn, “Thời đại lớn” đó “là giống như giai đoạn nguy kịch của căn bệnh, sống và chết chỉ cách nhau trong gang tấc, rất có thể chết mà cũng rất có thể được hồi phục”[3]

Từ thời Cung Tự Trân (Gong Zi Zhen), Tăng Quốc Phiên (Zeng Guo Fan) là những người ý thức được cái bức bách của thời thế suy đồi, cho đến ngày hôm nay - cả xã hội đang nóng lòng “hội nhập với thế giới”- Trung Quốc đã bị động lảo đảo đi trên con đường “hiện đại hóa” được 150 năm. Từ những tiêu chí nào đó – như GDP hay kỹ thuật không gian – để xem xét, ngày nay Trung Quốc là một nước “hiện đại”, nhưng từ hiện trạng của những phương diện quan trọng hơn như : chế độ xã hội, “nhân tâm”, viễn cảnh tương lai, quan hệ với phần còn lại của thế giới v.v. lại rỏ ràng cho thấy xã hội Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được vấn đề “Hiện đại như thế nào?”, hay nói một cách chính xác hơn là “Hiện đại theo dạng thức nào?”. Giống như người đang leo núi cao nhiều lần lạc đường, ngập ngừng cất bước, Trung Quốc luôn thấy mình vẫn cứ như phải đứng giữa con đường “hiện đại”, con đường vất vả, đầy hy vọng và cũng chứa nhiều nguy hiểm để dẫn đến cửa núi vẫn còn phía trước mặt. Thế nhưng, từ một cách nhìn khác, cửa núi đó không còn xa nữa, những xung đột có nguyên nhân sâu xa tích lũy lâu dài trong lòng xã hội, những xung đột đó làm nổi rõ những mâu thuẫn nội tại của “hiện đại hóa” trên toàn thế giới : xã hội loài người đã hình thành một xu thế lớn khiến mọi người phải đi theo một con đường “hiện đại hóa” duy nhất, nhưng sự việc thế giới không thể kham chịu được cái lối “hiện đại hóa” chỉ có một con đường đó đã bắt đầu hiện ra và ngày càng kịch hóa. Nếu như lạc quan một chút – hay bi quan – thì có thể nói rằng, Trung Quốc đang vào thời kỳ đứng ở đoạn cuối của con đường “tiến đến thời đại lớn” như Lỗ Tấn (Lu Xun) nói, thậm chí đã bắt đầu tiến vào “thời đại lớn” rồi.

“Văn học hiện đại” Trung Quốc được sản sinh ra trong khi Trung Quốc tiến tới hay bắt đầu tiến vào “thời đại lớn”, và vì đó hình thành nên đặc điểm có ý nghĩa thế giới của nó. Đương nhiên, ý nghĩa thế giới nói đến ở đây không chỉ là nói đến sự cống hiến những tác phẩm ưu tú, mà còn nói đến việc thể hiện những vấn đề khiến ta phải trầm tư, thậm chí đó là bài học đau lòng.

I ) Trung Quốc là một xã hội có thể nói là to lớn cả về mặt tự nhiên lẫn văn hóa. Vào thế kỷ 19, Trung Quốc có hơn 400 triệu người, truyền thống văn hóa liên tục phát triển trong suốt gần 5.000 năm không hề bị sức mạnh bên ngoài áp chế, song hành với đó là quan niệm tồn tại kéo dài cả ngàn năm cho rằng Trung Quốc là trung tâm thế giới. Cũng chính vì là một xã hội như vậy, Trung Quốc khi đi vào trào lưu “hiện đại hóa” do phương Tây phát động – vì do phương Tây phát động nên lấy phương Tây làm kiểu mẫu, kiểu mẫu này đạt đến qui mô toàn cầu, và vì thế không một nước nào có thể tự mình đứng ngoài trào lưu đó –một cách tự nhiên, trong văn hóa và trong con người Trung Quốc xuất hiện hai sự xung động cùng kéo dài như sau : 1 – Trung Quốc dùng mô thức phương Tây – gồm cả mô thức của Liên-Sô – để cải tạo xã hội, chuyển biến nó thành một “quốc gia hiện đại”, và chiếm một vị thế ưu việt trên thế giới. Trong 150 năm qua, sự xung động này đã thai nghén vô số những hoạt động tư tưởng và thực tiễn xã hội. Dùng “Tây phương”/ Liên-Sô làm kiểu mẫu, và lấy “nhân loại phổ biến”, “qui luật lich sử” để làm hai cột chống đở cho kiểu mẫu đó, sau đó đem nó so sánh với hiện thực Trung Quốc, rồi bằng một cách có hệ thống, đem những cái được cho là khiếm khuyết trong lịch sử và hiện thực Trung Quốc chuyển thành “Tây hóa” – hay “Sô-Viết hóa” – Những kịch tính trong thực tiễn xã hội Trung Quốc, đối với những người sống qua hai thế kỷ 20 và 21 như chúng tôi, chúng tôi đối với những hoạt động tư tưởng và những hình thức chính trị, kinh tế, học thuật của xã hội mình có một nhận thức rất rỏ, ở đây có lẽ không cần phải nói đến. 2 – Mặt khác, Trung Quốc muốn vượt qua Tây phương và Liên-Sô để sáng tạo một thế giới, một quốc gia lý tưởng hơn phương Tây. Ở đây có hai điểm cần đặc biệt chú ý : một là tiêu chuẩn của “lý tưởng”, tiêu chuẩn này không lấy từ phương Tây mà chủ yếu là của chính Trung Quốc, đó hoặc là những giá trị văn hóa truyền thống đã được nhận thức lại từ trước thế kỷ 20, hoặc là văn hóa cách mạng mới sản sinh trong thế kỷ 20, bất kể là nhận thức lại hay mới sản sinh đều diễn ra trong điều kiện chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây hay của Liên- Sô; hai là phạm vi thực hiện của “lý tưởng”, phạm vi này không chỉ là xã hội Trung Quốc mà còn là toàn bộ xã hội loài người, việc xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia tốt nhất thế giới là bước đầu tiên để xây dựng một thế giới lý tưởng. Vào cuối thế kỷ 19, sự xung động này đã chớm mầm, nó thai nghén những mộng tưởng nồng nhiệt về xã hội đại đồng vượt qua cả ranh giới Tây phương và Đông phương và cuối cùng trở thành toàn nhân loại, thậm chí là vượt trên nhân loại. Vào thập kỷ 20 thế kỷ 20, những nguy cơ và biến động trong nước và quốc tế đã kích thích sâu sắc mạnh mẽ hơn xung động này, làm nó phát triển ra những nổ lực tư tưởng và học thuật nhằm đưa ra giải thích mới về Trung Quốc và về những truyền thống xã hội, văn hóa phi Tây phương, với mong muốn dùng những nhận thức mới đó để giải cứu Trung Quốc và thế giới ra khỏi tình trạng bế tắc. Cũng vào đầu thế kỷ 20, những hoạt động lý luận và tư tưởng – có thể dùng danh từ “cánh tả” để gọi phong trào này – kiên quyết phủ định cấu trúc xã hội theo mô hình phương Tây và tìm kiếm một sự giải phóng có tính phổ biến cho toàn nhân loại đã từ một góc cạnh khác thể hiện sự xung động này. Từ năm 1930 về sau, những xung đột trong nước ngày càng trầm trọng và sự xâm lược từ bên ngoài đã lấn át những phương thức thể hiện khác của xung động này, vì vậy, tư tưởng cánh tả trở thành một hình thức chủ yếu của sự biểu hiện xung động này.
Đó là thời đại nghiêng trời đổ đất, thời đại cải tạo lại xã hội, thời đại mà những ý tưởng điên cuồng cơ hồ cũng có khả năng thực hiện. Ít nhất là đến năm 1950, những người hoạt động văn hóa của Trung Quốc, trên đại thể vẫn duy trì cái khao khát “lập công”, rất nhiều người vừa là người cuồng tưởng vừa là nhà chính trị, họ là người hành động và có sức ảnh hưởng xã hội. Vì vậy, cái xung động “vượt lên” - cũng giống như xung động “Tây hóa” dùng mô thức phương Tây để cải tạo xã hội - đã thai nghén vô số những thực tiễn xã hội. Từ Chương Thái Viêm (Zhang Tai Yan) chủ trương lấy “Trung Hoa dân quốc giải”(《中华民国解》) làm căn cứ xác lập văn hóa và lịch sử cho quốc gia mới, đến Tôn Trung Sơn (Sun Zhong Shan) chủ trương “ngũ quyền phân lập” để phác họa một chế độ chính trị ưu tú hơn phương Tây; từ anh em họ Chu (Zhou) in “Ngữ ti” (《语丝》) để thử phá vỡ sự bó buộc của thương nghiệp hiện đại đối với truyền thông, đến Mã Nhất Phù (Ma Yi Fu) lập thư viện “Phục sinh”, nghiên cứu sự giáo dục ở bên ngoài thể chế học đường; từ năm đầu của thập kỷ 1920, một số thanh niên học tập phong trào “Nông thôn mới” của Nhật Bản, đề xướng một sự thí nghiệm tương tự như vậy ở Trung Quốc, đến năm 1930 về sau, lấy Liên- Sô làm hình mẫu tiến hành cải tạo xã hội cách không ngừng nghỉ, với qui mô ngày càng rộng lớn hơn. Những thực tiễn nhắm đến sự “vượt lên” đó mở rộng đến các tầng diện của đời sống xã hội. Không cần phải nói, những hậu quả của nó cho đến ngày nay vẫn bằng cách này hay cách khác ảnh hưởng một cách sâu sắc đến người Trung Quốc.
Tổng quan thế kỷ 20, quan hệ giữa hai xung động “Tây hóa” và “Vượt lên” là rất phức tạp, có lúc hỗ tương khích lệ, thậm chí là dung hợp vào nhau, lại có lúc hỗ tương xung đột, bài trừ lẫn nhau. các biểu hiện cụ thể của hai xung động trên và thực tiễn lại càng liên hệ với nhau một cách phức tạp, trộn lẫn vào nhau, trong anh có tôi, trong tôi có anh. Dù là người coi thường phương Tây, cũng hiểu được cái hiện thực vô tình không “Tây hóa” thì không thể “cường quốc”, càng mong muốn vượt qua phương Tây, càng cần sớm “Tây hóa”. Nếu nói lý tưởng đại đồng theo kiểu mẫu của Khang Hữu Vi (Kang You Wei) là thuộc về cái biểu hiện đầu tiên của xung động “vượt lên”, thì nó lại đưa ra được một luận chứng có sức thuyết phục cho tính chính đáng của xung động “vượt lên”. Từ cuối triều Thanh đến giữa thập kỷ 1970, các phiên bản khác nhau của phương án “cường quốc” – bao gồm cả chủ trương “bốn hiện đại hóa” được tái đề xuất vào năm 1974 – trên đại thể đều rập khuôn theo cách nghĩ muốn “vượt lên” thì phải “Tây hóa”. Ở phương diện khác, vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20, “Tiểu thuyết lý tưởng” do Lương Khai Siêu (Liang Qi Chao) cầm đầu – với tác phẩm “Tân Trung Quốc vị lai ký” 《新中国未来记》- đã biểu đạt sinh động cái tình cảm cổ điển vua quan thân dân, gần dân hàm chứa trong xung động “vượt lên”, cuối thập kỷ 1960, một triệu “Hồng vệ binh” (“红卫兵”) tại quảng trường Thiên An Môn đã lớn tiếng xưng tụng Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong) là “Đại cứu tinh của nhân dân thế giới”, cảnh tượng vĩ đại đó khiến người ta không thể không nhớ lại cảnh ngày xưa nhân dân bái đầu quỳ mọp trước thiên tử. Chính sự phản cảm và hoài nghi lo lắng trước cảnh bình mới rượu cũ đã không ngừng khiến người ta chuyển sang sùng bái Tây phương, thậm chí khiến họ an tâm làm “người nước Mỹ”- không chỉ là “đêm nay” và cũng không chỉ là “chúng tôi”[4] 
Năm 1918, nhóm Trần Độc Tú (Chen Du Xiu) công kích truyền thống, lúc tiếng đề xướng Tây hóa vang lên mạnh nhất, Lý Đại Chiêu (Li Da Zhao) lại kêu gọi văn minh Đông phương và văn minh Tây phương cùng phản tỉnh , điều hòa, sáng tạo nền “văn minh mới thứ ba”[5]。Điều này phản ánh trong nội bộ giới trí thức tư tưởng cấp tiến thời kỳ Ngũ Tứ có nhiều tiếng nói khác nhau như một hòa âm có nhiều âm điệu, nhưng nhìn từ một mặt khác, cái đặc biệt đa dạng theo kiểu Li Da Zhao của tư tưởng cấp tiến lại báo trước cái xung động “vượt lên” về sau bị thâu tóm lại một cách vô ý thức, thậm chí bị tiêu tan trong cái viễn cảnh sẽ nổ ra cuộc đấu tranh “cách mạng giai cấp vô sản” mang tính ý thức hệ. Năm 1957, Trương Quân Mại (Zhang Jun Mai) trong khi đem “Tư tưởng mới của nhà Nho” để đối kháng với “Chủ nghĩa cộng sản không chính thống”, đã đồng thời chỉ ra chính sự xâm lược và hủy hoại văn hóa của chủ nghĩa đế quốc đối với Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc. Ông ta đề xướng “Tân Nho giáo” là vì muốn thực hiện sự bình đẳng về văn hóa và “thân thiện hợp tác” giữa Trung Quốc và phương Tây, điều này dường như thể hiện một sự tiếp nối khác của xung động “vượt lên” ở bên ngoài tư tưởng cánh tả, sự tinh tường của ông khi nhìn thấy những hậu quả xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây lại một lần nữa thể hiện rỏ sự tiếp nối trên có ý nghĩa đích thực đối với tư tưởng hiện đại Trung Quốc. Thế nhưng, so với cuộc đấu tranh toàn dân của Trung Quốc đại lục nhằm “mai táng chủ nghĩa đế quốc Mỹ”, sự tiếp nối ở bên ngoài đại lục của xung động “vượt lên”, lại càng thể hiện rỏ ràng hơn sự thu hẹp nhanh chóng của không gian thực tiễn lẫn không gian tưởng tượng của xung động này : hùng tâm sáng tạo một thế giới mới văn minh hơn phương tây của Khang Hữu Vi (Kang You Wei) 50 năm trước giờ đây ngày càng thu nhỏ lại, chỉ còn lại cái lo lắng về “bảo chủng” , “bảo giáo” , thậm chí trong khi bảo vệ thì không khí bi quan ngày càng tràn lan.
Không rỏ những nơi khác trên thế giới, trong những xã hội phi Tây phương khi bị lôi kéo vào cuộc vận động lịch sử “hiện đại hóa” có xảy ra một tình trạng tương tự như đã xảy ra tại Trung Quốc trong 150 năm qua hay không, có bộc phát ra hai dạng xung động khác nhau nhưng đều cùng mãnh liệt ? Bắt đầu từ Lương Khải Siêu (Liang Qi Chao), những người trí thức có chí hướng muốn vượt lên phương Tây đều đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất đặc biệt riêng có của Trung Quốc : lãnh thổ rộng lớn, dân số đông, lịch sử lâu đời, văn hóa trước nay chưa hề bị ngoại lực tiêu diệt . . . Những cách nói đó thường thường mang màu sắc khua trương, khiến người ta nghĩ rằng người Trung Quốc tự vỗ tay khen mình, nhưng họ  nói cũng có điểm đúng, đó là , cho đến khi quân đội Âu châu tấn công Bắc Kinh (Bei Jing) vào giữa thế kỷ 19, trong giới quan lại Trung Quốc vẫn có một niềm tin tưởng phổ biến là văn hóa Trung Quốc văn minh nhất thế giới. Từ góc độ “hiện đại” theo kiểu phương Tây mà xét, đó chính là một cái tự đại buồn cười và tự khép kín, nhưng ngày nay nhìn lại, chúng ta cần thấy được phía sau cái “tự đại” và “khép kín” đó những yếu tố ủng hộ nó : chế độ chính trị và chế độ giáo dục truyền thống, phương thức sinh hoạt nông nhiệp và trọng sách vở có gốc rể rất sâu, bước đầu hiểu được tư tưởng cổ điển và hiện đại của phương Tây, có một cảm nhận sâu sắc về tình trạng “hiện đại hóa” ở trong và ở ngoài Trung Quốc . . . Sự thực thì các yếu tố trên tổng hợp lại với nhau và cùng nuôi dưỡng cái mạnh mẽ trong trí tưởng của những thế hệ hoạt động văn hóa vào thời cuối triều Thanh đầu thời Dân Quốc : không lấy việc được phương Tây công nhận làm vinh, và cũng không chịu lấy sự thành bại có tính thực dụng để định đúng sai, không cam tâm chấp nhận qui tắc mạnh được yếu thua của cái thế giới mới, thường là không cưỡng lại được cái ý muốn xây dựng một thế giới hòa bình và văn minh hơn, họ - chẳng hạn như Chương Thái Viêm (Zhang Tai Yan) – không bằng lòng dùng “hiện đại” mệnh danh thế giới. Đương nhiên, điều này cũng làm cho họ ngay từ đầu đã có một giới tuyến phân cách rỏ ràng với những người muốn tiếp tục đóng kín cửa ngõ, cố giũ lấy chuyên chế, mù mờ không thức thời, họ đúng là những người mở to mắt để nhìn thế giới, cái họ nghĩ đến là toàn thể thế giới, bao gồm cả cái thế giới mà ngày xưa họ gọi là phiên thuộc của Trung Quốc, chứ không phải chỉ là Trung Quốc của người Hán.
Những ví dụ đã nêu ở trên không thể đại biểu cho lịch sử của 150 năm với hai dạng xung động trên cùng nhau quấy động. Chúng tôi sở dĩ không ngại thô thiển mà lược thuật như trên là vì muốn nói đến điều này : Chính vì hai xung động đó cộng sinh và song hành với nhau đã đem lại cho người Trung Quốc một khả năng lịch sử rất quí, một viễn cảnh to lớn, thâm thúy, và vì vậy mà khả năng này có một ý nghĩa hiện đại rất phong phú. Chủ yếu chính là vì sự tác động qua lại phức tạp giữa hai xung động đó, đã mở rộng và hạn định phạm vi cùng độ sâu sắc của ý thức hiện đại - không chỉ là tư tưởng hiện đại trong ý nghĩa thông thường – của người Trung Quốc, và từ đó làm hình thành những đặc điểm quan trọng của tư tưởng Trung Quốc hiện đại. Chẳng hạn như, sự khoáng đạt của một cái nhìn mà ngay từ đầu đã từ góc độ “thế giới” để nhìn “Trung Quốc”, chứ không phải chỉ là từ “Trung Quốc” nhìn “thế giới”, cái nhìn đó ngay từ đầu cũng đã hàm chứa tình cảm dào dạt và lý tưởng cải biến hiện trạng trật tự toàn cầu chứ không phải chỉ là mưu tìm một vị thế mạnh. Không cần phải nói, và cũng chính vì sự linh hoạt, mở rộng, sâu sắc hay là bị áp chế, bị phá hoại, thiếu sinh khí của những tác động qua lại đó trong một mức độ rất lớn đã quyết định toàn bộ tình trạng ý thức hiện đại Trung Quốc : có lúc phong phú và khoáng đạt, có lúc – như là hiện tại – tàn tạ và hẹp hòi.
Nếu như cần thiết phải dùng khái niệm “tính hiện đại”, thì có thể nói rằng, tại Trung Quốc, trọng tâm của vấn đề “tính hiện đại” là làm thế nào “vượt lên phương Tây”, hay là có thể hay không thể rút lui một bước. Xin được nhắc lại, ý nghĩa của “vượt lên” là làm cho toàn thế giới thêm văn minh chư không phải là khiến Trung Quốc Tây phương hơn cả Tây phương. Lịch sử loài người nhất định phải là lịch sử không ngừng làm cho mình “tốt” hơn lên – tôi mượn chữ “văn minh” để miêu tả cái “tốt” – lịch sử đó không thể vì sự xuất hiện của phương Tây hiện đại mà kết thúc.
II) Văn học hiện đại Trung Quốc được nẩy sinh cùng với hai xung động trên. Trong khoảng 150 năm đó, văn học luôn là người biểu đạt quan trọng của những xung động đó, văn học thông qua chữ nghĩa khoác cho những xung động đó những hình thức ý tưởng và những câu chuyện sinh động, làm phát khởi sự cộng hưởng tình cảm của độc giả, từ đó kích thích và truyền bá ở qui mô to lớn nhất hai xung động đó. Quan trọng hơn nữa là, trong quá trình “tạo hình” đó, văn học đã mở rộng hơn nữa nội hàm của những xung động đó, không những làm cho nó trở nên cụ thể mà còn làm cho nó nhân vì cụ thể mà trở nên phong phú. Vì đó, trong nhiều lúc, văn học trở thành người chính yếu làm phát triển các xung động đó. Khi người ta đem những xung động đó áp dụng vào thực tiễn, và vì thế mà tất yếu phải từ những góc độ khác nhau đem nó đơn giản hóa, trừu tượng hóa, thậm chí đem nó làm thành nhãn hiệu cho những khái niệm hay cho chế độ, văn học trong lãnh vực tâm lý và tinh thần lại thường đi ngược lại với những việc làm trên, trong phạm vi nội bộ và chu vi xung quanh những xung động đó văn học đã mở ra những nội dung mới và không dễ trừu tượng.
Xin đưa ra một ví dụ, cho đến ngày nay, rất nhiều độc giả khi đọc “ A Q” vẫn theo một quán tính tự nhiên liên tưởng đến những từ ngữ “liệu pháp thắng lợi tinh thần”, “tính xấu của dân tộc”, “cải tạo linh hồn quốc dân” v.v.; khi nói đến “buối chiếu phim” “幻灯片事件”, trong não liền lập tức xuất hiện những phán đoán “tê liệt cảm giác”, “bỏ nghề y theo nghề văn”, “cứu trị nhân tâm”. Lý do làm phát sinh một cách phổ biến các liên tưởng đó, đương nhiên là do nguyên nhân ở nhiều phương diện khác nhau, trong đó có phần của giáo dục trong nhà trường, của lý giải văn học v.v, nhưng hai hình tượng văn học do Lỗ Tấn (Lu Xun) sáng tạo đó, khi nó biểu đạt và truyền bá ý thức về sự khai thông tư tưởng – trong suốt thế kỷ 20, ý thức về sự khai thông tư tưởng bị coi như là sản phẩm của xung động “Tây hóa” – thì cái sức thích ứng đầy thi vị của nó lại là nền tảng của toàn bộ sự việc. Hơn 100 năm qua, văn học Trung Quốc không hề gián đoạn trong việc sáng tạo những nhân vật, câu chuyện và ý tưởng như vậy : Phượng hoàng nát bàn (凤凰涅磐), nhà cao cửa rộng (高家大院), “Nửa đêm” (子夜), Trần Bạch Lộ (陈白露), Lưu Thế Ngô (刘世吾), Lương Sinh Bảo (梁生宝), “Vết thương” (伤痕), Kiều đốc công nhận chức (乔厂长上任), Lý Hướng Nam (李向南), nhóc Bính (丙崽)[6]. . . Dù rằng trong đó có nhiều cái nhanh chóng bị quên đi, nhưng trong cái ý thích khẩu vị của mỗi thời kỳ, những nhân vật, câu chuyện và ý tưởng đó đã phát huy đầy đủ cái tác dụng to lớn trong việc làm hình thành và làm nổi bật hai xung động đó, đặc biệt là xung động “Tây hóa”.
Không phải chỉ là nhân vật, câu chuyện và ý tưởng, và cũng không chỉ là phát khởi sự cộng hưởng của mọi người đối với hai xung động trên, văn học còn dùng những phương thức đa dạng tham dự vào việc vun xới mảnh đất tinh thần thâm sâu của con người. Người Trung Quốc không còn phải bái đầu trước hoàng đế, đồng thời cũng không còn ngạo mạn đối với lân bang, hiện nay người Trung Quốc muốn làm người “quốc dân” , muốn thành một “cá nhân”, muốn làm “cái bánh răng cưa và con đinh ốc” trong cỗ máy cách mạng to lớn, và cuối cùng là muốn tìm lại chính mình. Ở một phương diện khác, “triều đình” không còn là nơi người ta đặt niềm tin tưởng, mà chính là “quốc gia”, “dân tộc”, “nhân loại”, “chủ nghĩa cộng sản”, “hiện đại hóa”, “sinh hoạt của người Mỹ” luân phiên xuất hiện, thu tập lòng hoài vọng của mọi người. Trong quá trình trí não người Trung Quốc không ngừng tái “cấu trúc”, văn học luôn luôn là một người dấn thân tích cực : sự xác lập “cá nhân” trong nhân vật ngôi thứ nhất, sự hình thành những viễn cảnh nông thôn trong tầm nhìn tri thức hiện đại của “văn học nông thôn”,bút pháp trữ tình của Dương Sóc (Yang Shuo) trong việc miêu tả trạng thái bâng khuân, chao đảo trong tình cảm của thanh niên nước “Trung Quốc mới”, giọng điệu của Vương Sóc (Wang Shuo) khi quan tâm cách sâu sắc đến lợi ích của người dân trong thời “hậu cách mạng” . . . Từ một góc nhìn nào đó, chúng ta thấy rằng, ý thức của người dân là “bộ rễ” cung cấp dưỡng chất cho những thay đổi biến hóa đó, quyết định sự lên xuống suy hưng của hai xung động nói trên, và văn học hiện đại Trung Quốc trong khi dấn thân khắc họa những biến hóa đó đã có những ảnh hưởng rất nội tại và rất sâu rộng.
Chúng ta cần thiết phải đưa ra thêm vài hình tượng văn học theo dạng mẫu trên : Khổng Ất Kỷ (孔乙己), Ngụy Liên Thù (魏连殳), vũ hạng, “Biên thành”, “Ngư điếu”, “Kỳ vương”, nhạc công mù, tiểu thôn nhân (雨巷、边城、鱼钓、棋王、“命若琴弦”的盲琴师、“小村人”)[7]. . . Những hình tượng văn học này khơi gợi lên những tình cảm khác nhau trong trái tim bạn, đưa bạn vào trong một bầu khí, một ý cảm rất đặc biệt và mãnh liệt, sự cảm động của bạn thật là khó tả, nhưng có một điểm rất chung cho mọi người, đó là : Nó làm bạn hoài nghi chủ trương “hoàn toàn Tây hóa”. Những hình tượng văn học này càng thể hiện sự tham dự của văn học vào xung động “vượt lên Tây phương”, thì không chỉ tạo ra hiệu lực làm nổi bật nó lên, mà là càng thông qua những ý tưởng làm lay động lòng người để nuôi dưỡng trong tâm hồn người Trung Quốc những tình cảm và cảm nhận phi “Tây hóa”, và âm thầm lặng lẽ làm biến đổi tâm thức của người Trung Quốc. Nếu cảm nghiệm một cách sâu sắc, bạn sẽ nghĩ rằng những hình tượng văn học đó không chỉ nói với bạn về một xung động tập thể nào đó, không kể là xung động đó có hay không nhắm đến sự “vượt lên”. Trong những hình tượng đó, thậm chí có cái còn muốn nói với bạn rằng, tất cả những điều đó đều là không quan trọng, đời sống con người còn có những điều quan trọng hơn, cao thượng hơn.
Văn học thường tự mâu thuẫn với chính mình, thậm chí còn chìm trong do dự và mờ tối. Vì vậy, văn học Trung Quốc hiện đại khi cố gắng đối diện với những vấn đề trung tâm của thời đại tuy đã không thể tránh được bị cuốn vào trong vòng xoáy của hai xung động trên, nhưng cũng đồng thời từ những khía cạnh khác như kinh nghiệm về cuộc sống đời thường, cá tính và tài năng thiên phú của tác giả, văn hóa truyền thống và văn hóa phi chủ lưu mới sản sinh v. v. đã được thật sự nuôi dưỡng, không ngừng từ trong vòng xoáy vượt thoát ra bên ngoài, sáng tạo được vô số những kinh nghiệm và ý tưởng vừa liên quan đến lại vừa vượt xa - thường thường là khác biệt và thậm chí còn rỏ ràng là xung đột - khỏi phạm vi bao quát của hai xung động trên : kinh nghiệm tuyệt vọng, phủ định và chạy trốn hai xung động trên, nhưng lại có khi kiên quyết phản hồi. . . Chính từ trong cái ràng buộc rắm rối trong mối quan hệ vừa thân cận như máu thịt lại vừa xa lạ với hai xung động trên, văn học hiện đại Trung Quốc dần dần hình thành nên đặc trưng rất riêng của mình.
Tại đây lại nêu thêm một ví dụ nữa, bước vào thế kỷ 20, văn học đụng phải một thách thức to lớn, đó là chế độ chuyên chế hiện đại. Chế độ chuyên chế này có nhiều hình thức, có thể là chế độ độc đảng chuyên chính, lại cũng có thể là một tập quyền liên kết giữa các bố già chính trị và kinh tế, có thể là thị trường hoàn toàn bị khống chế bởi chính phủ, lại cũng có thể là thị trường vô trật tự dưới sự khống chế của chính phủ, có thể là chủ nghĩa phản tư bản, lại cũng có thể là kết đồng minh với tư bản. Một chính phủ càng mang đậm – hoặc đã từng mang đậm - sắc thái cánh tả và “cách mạnh” thì ý muốn và năng lực áp chế càng mạnh. Chính dựa vào cái đặc điểm đa biến nhưng không xa rời lập trường, tôn chỉ chế độ chuyên chế không ngừng gia cố mối quan hệ giữa văn học với hai xung động trên. Vì căm ghét sự quản chế của chính phủ thì hướng về cái “cá nhân” của phương Tây, và lao vào cái “tự do” của thị trường; vì chịu không nổi sự áp bức của chủ nghĩa tư bản nên hướng theo “cách mạng” cấp tiến và mong muốn giải phóng “nhân dân” . . . Từ đây, bạn có thể thấy rỏ sức hấp dẫn mãnh liệt nhất của hai xung động trên đối với văn học, hay là nói, văn học chịu trách nhiệm đối với cái đau đớn thảm thê nhất của hai xung động trên. Chế độ nghiêm khắc đã tạo ra những hậu quả to lớn cho xã hội Trung Quốc, đó là một loại “bệnh trạng” – tôi nhất thời không tìm được từ thích hợp hơn nên tạm dùng từ này - phổ biến trong tâm linh con người. Do vậy, những đặc điểm quan trọng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại, không kể là chính diện hay phản diện, đều được - có thể nói là không có ngoại lệ. - hình thành từ trong mối quan hệ với chế độ chuyên chế.
Tôi đặc biệt muốn nói rằng, trong những đặc điểm đó tuy có những cái phản diện, nhưng bộ phận đó cũng không thể chỉ đơn giản dùng từ phản diện để khái quát, tất cả các đặc điểm đều trực tiếp liên quan với cái mà Lỗ Tấn (Lu Xun) gọi là “thời đại lớn”, hay là “thời đại tiến đến thời đại lớn”. Ý thức hiện đại phát triển xoay quanh tâm điểm của hai xung động trên, nhìn chung là một ý thức tích cực : mưu cầu thay đổi, mưu cầu cái mới, mưu cầu thành công. Thế nhưng, nó lại hết lần này đến lần khác bị mất phương hướng, cực nhọc trèo lên đỉnh núi nhưng luôn thấy trước mặt là một vách đứng, trời càng về chiều càng phải đối diện với tình cảnh hiểm nguy làm rơi nước mắt. Hết lòng mong được thành công, nhưng thường là thất bại, có thể nói rằng điều đó đã tạo thành một loại cảnh ngộ tinh thần cơ bản nhất của người Trung Quốc trong thời hiện đại.
Có những lúc, văn học hình như không chú ý đến điểm này, do đó mà có sự ra đời của những tác phẩm nồng nhiệt cổ xúy, hoan hô và ca ngợi. Nhưng nếu nhìn một cách tổng thể thì so với những hình thức hoạt động tinh thần khác của người Trung Quốc hiện đại, văn học vẫn là sự thể nghiệm sâu sắc nhất cái cảnh ngộ tinh thần đau đớn đó. Chính từ trong những thể nghiệm đó mà văn học đã hình thành những đặc trưng sau :
1.                Sự biểu đạt mang phong các riêng của Trung Quốc về các tinh cảm “tiêu cực” : bi quan, tuyệt vọng, ảo vọng, đau đớn, tự kỷ, ngạo đời, cô đơn . . . Những cái “tiêu cực” đó không chỉ trong nội dung mà cả trong các biểu đạt đều chỉ lộ ra một nửa, không chịu lộ nguyên hình.
2.                Không gì có thể làm tuyệt gốc được lòng nhiệt thành cứu đời và dấn thân vào đời sống. Lòng nhiệt thành này khiến các tác giả đi vào hiện thực xã hội để thu thập tài liệu sáng tác, và hơn nữa, khích lệ họ sáng tạo những hình thức nghệ thuật mới tương hợp với đời sống, thậm chí họ không ngần ngại định nghĩa lại thế nào là văn học.
3.                Vượt qua áp lực của xã hội và thời đại để tìm kiếm những phương hướng khác, khai mở con đường thấm đẫm ý nghĩa nhân sinh và giàu thi vị, rất có thể rằng đó là do bị bức bách bởi hoàn cảnh, nhưng vì là do bị bức bách nên đã thể nghiệm được cách sâu sắc những cái tương phản cùng hòa quyện với nhau trong đời sống tinh thần của con người : “trọng” và “khinh”, “vụn vặt” và “to lớn”, “thanh thoát” và “tục lụy”, “lãnh đạm” và “ thân ái” . . .
Những đặc trưng trên lúc gián đoạn, lúc liên tục nhưng bao quát cả tiến trình lịch sử của văn học hiện đại. Cho đến khi xã hội chưa bước ra khỏi được “thời đại lớn” thì những đặc trưng đó vẫn tiếp tục tồn tại.
III)
“Đi đến với văn học thế giới” là một phán đoán cơ bản nhất về văn học hiện đại Trung Quốc được giới nghiên cứu – tôi là một người trong số đó – đưa ra vào thập kỷ 1980. Hiện tại, nhận thức về vấn đề này đương nhiên là chính xác hơn : không phải là “đi đến” mà là bị bắt buộc phải gia nhập, cái gia nhập lại không phải là “văn học thế giới” mà là cái “thế giới” do phương Tây qui hoạch. Chính sự “gia nhập” như vậy đã tạo ra “văn học hiện đại” Trung Quốc. Như thế là có ý nói rằng, sự việc chủ yếu không phát sinh từ tầng diện văn học, mà phát sinh từ tầng diện xã hội và ý thức thông thường, vậy thì, “thế giới” không phải là một tiêu chuẩn, lại càng không phải là nơi để nương tựa, nó vỏn vẹn chỉ là nguyên nhân . Nếu nhìn như vậy, một nền “văn học thế giới” chân chính, đúng nghĩa, không phải do một bộ phận nào đó của thế giới qui hoạch, cho đến hôm nay cũng vẫn còn là một việc xa vời, và vì vậy, văn học Trung Quốc đi đến với nó, gia nhập vào nó, thành một bộ phận của nó chỉ có thể là một khả năng, hoặc là – lạc quan một chút – thì đây chỉ mới bắt đầu mà thôi, và chắn chắn là một quá trình rất dài. Thế nhưng, chính vì cái đích hãy còn xa, văn học Trung Quốc có được cái khả năng tạo ra được những cống hiến có ý nghĩa thế giới. Không chỉ là cung cấp cho thế giới “ngụ ngôn” của chính mình, và cũng không chỉ là cái vấn đề “bệnh trạng” mang ý nghĩa phản diện, văn học Trung Quốc trình bày những suy tư về sự cùng khốn trong đời sống con người cùng những ý vị của đời sống đó, trong đó có nhiều cái thất bại và gian khó mà người thời nay không dễ dàng thể nghiệm được. Vẫn còn rất nhiều thứ phong phú mà chúng ta có thể thu hoạch, đương nhiên, thu hoạch đó nhất định vượt khỏi phạm vi văn học nghĩa hẹp.
Nói đến “thu hoạch”, nên cần nói thêm một vài câu. Chúng ta đang sống vào trong cái thế giới do Tây phương qui hoạch, đó là thế giới phân công cao độ, không chỉ phân công trong kinh tế và chính trị, mà còn trong cả văn hóa và tư tưởng nữa. Người ở một vài “nước lớn” suy tư về những vấn đề toàn cầu, vần đề có tính phổ biến, trừu tượng, siêu việt, Utopia, siêu hình và thẩm mỹ v.v. ; người ở những “nước nhỏ” còn lại suy tư về những vấn đề có tính cách địa phương, cụ thể, thiết thân, lợi ích v.v. Đó là phân công về văn hóa. Đương nhiên, nước gọi là to hay nhỏ chủ yếu không phải từ lý do lãnh thổ, dân số, lịch sử và văn hóa, mà là từ vị trí trong trật tự đẳng cấp toàn cầu : nước Pháp 50 triệu người “lớn” hơn Indonesia 200 triệu người, nước Mỹ 300 triệu người “lớn” hơn Trung Quốc 1,4 tỷ người. Một khi thời gian phân công đã lâu dài, những người hoạt động văn hóa ở những nước nhỏ khi phát biểu về những vấn đề phổ biến và ở tầm mức thế giới, thì không chỉ những học giả ở “nước lớn” mà ngay cả đồng bào của họ cũng cho là hoang đường : Anh mà suy nghĩ những chuyện đó? suy nghĩ thật viễn vông! Rất may là, thái độ phủ định và tự coi thường mình đó không phù hợp với lịch sử thế giới hiện đại, không phù hợp với ký ức của người dân các nước. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, văn học trong mối quan hệ ràng buộc phiền phức với hai xung động trên đã có những cống hiến cho nhân sinh và thế giới, cống hiến đó không chỉ là thể nghiệm và tưởng tượng của riêng người Trung Quốc ! Điều này không có nghĩa là văn học hiện đại Trung Quốc đã thật là vĩ đại, ngược lại, trong nhiều lúc, sự biểu hiện của văn học ấy thật là tồi tệ. Thế nhưng, do vì trong một thế giới mà tình cảm của con người ngày một “Tây hóa”[8] cách nặng nề, và cũng do vì do sự mất đi của ý chí và năng lực biểu đạt chính mình , chúng ta ngược lại phải đặc biệt quý trọng việc văn học hiện đại Trung Quốc chống đối tình cảm “Tây hóa”, quý trọng sự từ chối chấp nhận phân công văn hóa trên thế giới để tranh đấu cho một ý lực “mộng tưởng” mạnh mẽ . Trong ý nghĩa đó, tôi muốn mượn lời của Chương Thái Viêm (Zhang Tai Yan) “ Muốn diệt một nước, trước diệt lịch sử, muốn diệt lịch sử, trước diệt văn học” để nói rằng : muốn diệt người, trước diệt văn học, muốn diệt văn học, trước diệt lòng “mộng tưởng”.
Khi toàn thế giới bắt đầu ý thức rằng đối diện với trạng thái sinh tồn hiện đại ngày càng phức tạp và biến hóa khôn lường, con người không thể chỉ có loại tư duy và cảm giác theo mô thức phương Tây, khi chúng ta cuối cùng hiểu ra rằng nền “văn học thế giới” chân chính phải được hình thành cùng với một “ý thức thế giới” chân chính, vậy thì, bình tâm để thể nghiệm, phát hiện, làm mới lại những miêu tả và giải thích, không những đem lại cho nền văn học hiện đại Trung Quốc những thành quả chính đáng, mà còn thiết thực làm cho mọi người biết đến những thành quả đó. Đó chính là nhiệm vụ cấp thiết của chúng ta ngày nay.


[1] Từ “hiện đại”trong “Văn học hiện đại” không phải là một khái niệm thời gian, ví dụ như không chỉ giai đoạn từ 1917-1949, nhưng đây là khái niệm liên quan đến “ý nghĩa” hay “tính chất”, nó nói đến văn học trong mối liên quan với những vấn đề xã hội cùng đồng thời phát sinh và ảnh hưởng đến văn học như “hiện đại hay không hiện đại”, “hiện đại như thế nào?”, “hiện đại theo dạng thức nào?” v.v. Vì thế, thuật ngữ “Văn học hiện đại” dùng trong bài viết này là chỉ văn học từ cuối triều Thanh cho đến ngày nay, và hơn nữa, rất có thể còn kéo dài trong tương lai.
* GS. Đại học Thượng hải, TQ
[2] Lu Xun : Đề từ “Trần ảnh”, “Nhi Dĩ tập”, Bắc Kinh, nxb Văn học nhân dân, 1958, trang 107.(《〈尘影〉题辞》,《而已集》,北京,人民文学出版社1958年版,107页)
[3] Lu Xun : “Khủng hoảng tiểu phẩm”, “Điệu Nam giọng Bắc tập”, Bắc Kinh, nxb Văn học nhân dân, 1958, trang133 (《小品文的危机》,《南腔北调集》,北京,人民文学出版社1958年版,133页)
[4] ở đây sử dụng câu “Đêm nay chúng tôi là người nước Mỹ” , là câu những người hoạt động văn hóa theo khuynh hướng chủ nghĩa tự do lấy làm tiêu đề cho phat biểu của họ trên mạng internet vào tối ngày 11thang09 năm 2001.
[5]Li Da Zhao: “Nhũng di biệt căn bản giữa hai nền văn minh Đông Tây”, Bắc Kinh, Quý san “Ngôn trị” tập 3 (01-07-1918) (《东西文明根本之异点》,北京,《言治》季刊第3册(1918年7月1日))
[6] Những nhân vật, câu chuyện và ý tưởng liệt kê ở đây theo thứ tụ được dẫn từ : “Nữ thần” (1921), thi tập của Quách Mạt Nhược, “Nhà” (1931) trường thiên tiểu thuyết của Ba Kim, “Nửa đêm” (1933) trường thiên tiểu thuyết của Mao Thuẫn, “Nhật Xuất” (1936) kịch bản của Tào Ngu, “Người thanh niên mới đến” (1956) đoản thiên tiểu thuyết của Vương Mông, “Sáng nghiệp sử” (1959) trường thiên tiểu thuyết của Liễu Thanh, “Vết thương” (1978) đoản thiên tiểu thuyết của Lư Tân Hoa, “Tân tinh” (1984) trường thiên tiểu thuyết của Kha Vân Lộ, “Tía tía tía” (1985) trung thiên tiểu thuyết của Hàn Thiểu Công (这里列出的“人物、故事和意象”依次取自郭沫若的诗集《女神》(1921)、巴金的长篇小说《家》(1931)、茅盾的长篇小说《子夜》(1933)、曹禺的剧本《日出》(1936)、王蒙的短篇小说《组织部新来的年轻人》(1956)、柳青的长篇小说《创业史》(1959)、卢新华的短篇小说《伤痕》(1978)、蒋子龙的中篇小说《乔厂长上任记》(1979)、柯云路的长篇小说《新星》(1984)和韩少功的中篇小说《爸爸爸》(1985))
[7] Những hình thượng văn học này theo thứ tự được dẫn từ “Khổng Ất kỷ” (1919) và “Người cô độc” (1926) hai đoản thiên tiểu thuyết của Lỗ Tấn, “ Đáy cùng ký ức” (1929) thi tập của Đái Vong Thư, “Biên thành” (1934) trung thiên tiểu thuyết của Thẩm Tùng Văn, “Ngư điếu”(1981)đoản thiên tiểu thuyết của Cao Hiểu Thanh, “Kỳ vương” (1984) trung thiên tiểu thuyết của A Thành, “Mệnh bạc như tơ” (1985) đoản thiên tiểu thuyết của Sử Thiết Sinh, “Ngụ ngôn tháng chín” (1993) trường thiên tiểu thuyết của Trương vĩ. ( “这里列出的“文学形象”依次取自鲁迅的短篇小说《孔乙己》(1919)和《孤独者》(1926)、戴忘舒的诗集《我底记忆》(1929)、沈从文的中篇小说《边城》(1934)、高晓声的短篇小说《鱼钓》(1981)、阿城的中篇小说《棋王》(1984)、史铁生的短篇小说《命若琴弦》(1985)和张炜的长篇小说《九月寓言》(1993))
[8] Ở đây ý muốn nói đến : sinh hoạt thường ngày của con người ở các nơi trên thế giới bị cải tạo lại theo cách thức sinh hoạt của phương Tây hiện đại, đồng thời thông qua giáo dục truyền bá quan niệm, tư tưởng hiện đại của phương Tây, khiến cho người ta tự giác hay không tự giác dựa vào những tư tưởng, quan niệm đó để lý giải các cảm nhận của chính mình. Và từ đó mà âm thầm lặng lẽ tạo thành một loại tình cảm đơn nhất. Nói ra điều này không có nghĩa là từ chối “tự do”, “dân chủ”, những quan niệm được cho là từ bên ngoài đưa tới. Đương nhiên, cần nói thêm là, lòng mong muốn sự bình đẳng và sự giải phóng là môt truyền thống lâu đời mà các dân tộc đều cùng có, chứ không phải chỉ có ở phương Tây hiện đại.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521168

Hôm nay

2245

Hôm qua

2291

Tuần này

22209

Tháng này

219107

Tháng qua

121009

Tất cả

114521168