Xứ Nghệ ngày nay

Cận cảnh dự án Innov Green (Kỳ I)

LTS: Có lẽ, từ trước đến nay chưa một dự án kinh tế nào ở Nghệ An lại gây ra những luồng ý kiến trái chiều như Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH Innov Green.

Thể hiện rõ nhất là tại kỳ họp 18 HĐND tỉnh khóa XV, những vấn đề xung quanh Dự án InnovGreen “được” các đại biểu chất vấn gay gắt, đến độ ông Trần Hồng Châu – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh đã kết luận: HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh dừng không mở rộng diện tích trồng rừng của Dự án InnovGreen. Để có được sự đánh giá chính xác về Dự án InnovGreen, nhóm phóng viên Báo Lao Động Nghệ An đã về xã Cắm Muộn – huyện Quế Phong, nơi Dự án này đang triển khai.

 
Đêm Cắm Nọc
Đặt chân đến Quế Phong, nơi chúng tôi tìm đến đầu tiên là Trụ sở Công an huyện. Tại đây, Thượng tá Lương Văn Châu – Phó Trưởng công an huyện và thượng úy Lô Xuân Phong - Đội phó an ninh cho biết phải đi xe ôm về xã Cắm Muộn, sau đó đi bộ mất 4 – 5 giờ mới tới được nơi khu vựcDự án InnovGreen trồng rừng. Thượng úy Phong ái ngại khi thấy trong đoàn chúng tôi có một thành viên đã trên 60 tuổi, anh nói: “Như bác đây có lẽ không thể đi bộ vào đó”. Anh khuyên: “Hãy đi vào buổi chiều, tối nghỉ lại Cắm Muộn rồi sáng sớm hôm sau hẵng đi vào nơi InnovGreen trồng rừng. Quan trọng nhất là phải có người dẫn đường…”. Nghe lời hướng dẫn của anh Châu, anh Phong, chúng tôi tìm về và ngủ lại một đêm ở bản Cắm Nọc, xã Cắm Muộn. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi lưu lại Cắm Nọc, chúng tôi được nghe khá nhiều điều về Dự án của Công ty InnovGreen Nghệ An.
Người ta nói dối dân Cắm Muộn!
“Người ta” ở đây là người của Dự án InnovGreen, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Vinh đã khẳng định như thế. Lô Văn Vinh cho biết, thời điểm Dự án InnovGreen tiến hành khảo sát, anh đang làm Phó Chủ tịch UBND xã. Anh kể: “Khi gặp dân lần đầu tiên, người của Dự án InnovGreen bảo sẽ tiến hành trồng rừng, lấy người của các bản trong xã, trả lương 90.000 đồng/người/ngày. Sẽ chia từng khoảnh để giao cho dân trồng rừng, sau này thu hoạch sẽ thu mua cho dân. Nhân dân nghe nói thì mừng lắm, 90.000 đồng một ngày, vị chi mỗi tháng được 2.700.000 đồng. Thế thì đi Nam, đi Bắc cũng không bằng nên ai nấy đều nhất trí. Có ai biết đây là một dự án của người nước ngoài đâu. Cũng có ai biết họ thuê đất bao nhiêu năm, thuê bao nhiêu héc ta đâu. Họ chỉ nói nhà anh có bao nhiêu người thì đăng ký làm cho dự án. Trình độ hiểu biết của dân có hạn nên không hiểu trước, sau sẽ như thế nào nên cứ thế đăng ký. Sau đó Công ty InnovGreen lại không thực hiện đúng lời hứa ban đầu…”
Cắm Muộn có 1.001 hộ, 5.786 khẩu. Các bản của Cắm Muộn hầu hết nằm bên khe Cắm, hai bên đều là lèn đá cao chót vót. Bởi vậy, khu đất sinh sống của nhân dân các bản Pà Pạt, Đôn Phạt, Tùng Chảy, Phiếng Đống, Phiếng Món, Cắm Cáng, Cắm Nọc, Cắm Póm, Na Chò, Phiếng Cắm, Mòng, Huôi Máy… đều liên quan đến khu vực đất Dự án InnovGreen thuê. Nhân dân các bản này sinh sống bằng nghề chăn nuôi, trồng lúa nước, làm nương rẫy và đào đãi vàng thủ công. Trước đây chính quyền các cấp động viên nhân dân tìm đất bằng làm nương, rẫy. Khai phá hai bên bờ khe trồng lúa nước, tìm bãi để chăn thả trâu bò. Dân Cắm Muộn hiểu và làm theo, nhà nào ít cũng có 5-7 con trâu, nhà nhiều lên đến 30 – 40 con, chỉ có điều đất để sản xuất vẫn thiếu nhiều. Anh Vinh bức xúc: “Dự án trồng rừng của Công ty InnovGreen làm giảm sút diện tích đất sản xuất, chăn nuôi của dân. Diện tích Nhà nước cho họ thuê lớn, lại những gần 50 năm, gần 3 đời người, dân lấy đất đâu mà làm ăn sinh sống. Trước đây họ nói trồng rừng cách xa khu vực đất của dân đang sống nhưng họ có thực hiện đâu. Tại bản Huôi Máy, người ta đã trồng đến sát chân cầu thang nhà dân. Đã bắt đầu có những va chạm giữa người Công ty với nhân dân. Cách đây không lâu, trâu của dân vào khu vực trồng rừng đã bị đánh đuổi long cả móng. Tôi phải gọi điện ra cho công ty để báo cho họ biết. Ngay trong ngày hôm nay (7/8/2010), người của Công ty yêu cầu tôi ký vào văn bản “ Thông báo về công tác bảo vệ trâu bò tại khu vực trồng rừng của Dự án InnovGreen” do họ soạn sẵn. Nội dung văn bản yêu cầu người dân có trâu, bò, dê đang chăn thả trong khu vực đã trồng của Dự án phải khẩn trương di dời sang chỗ chăn thả khác, nếu vẫn tiếp tục thả họ sẽ đẩy đuổi. Tôi nói: “Tôi không ký, việc này tôi sẽ thông báo cho Đảng ủy. Không cho dân thả trâu bò những khu vực đó thì họ thả đi đâu”. Nhân dân ở khu vực Na Quyà còn cho biết, khi công nhân của Công ty này trồng rừng, họ nhúng cây giống vào thuốc chống mối đi qua khu vực nuôi cá của dân, thuốc chống mối rơi xuống ao làm cá chết rất nhiều. Trâu của dân bị chết do bệnh tụ huyết trùng, đã được đem đi chôn cẩn thận nhưng nhân công của của Công ty thuê lại đào lên để ăn gây ô nhiễm môi trường, gây dịch bệnh cho nhưng trâu bò đang khỏe mạnh…”. Để giúp chúng tôi hiểu thêm những gì đã xẩy ra, Lô Văn Vinh đưa chúng tôi đến nhà già làng Lô Văn Tường. Anh nói: Già làng Lô Văn Tường trước đây là Chủ tịch xã Cắm Muộn. Ông biết rất rõ những chuyện liên quan đến Dự án của Công ty InnovGreen”.
Bức tâm thư của dân 3 bản Cắm
Nhà của già làng Lô Văn Tường cũng ở tại bản Cắm Nọc. Khi chúng tôi đến đã hơn 9 giờ đêm, già Tường đã lên giường ngủ. Dù vậy, khi nghe anh Vinh báo có người muốn tìm hiểu về Dự án InnovGreen, ông đã thức dậy ngay để đón chúng tôi. Cũng như anh Vinh, già Tường khẳng định Công ty InnovGreen đã nói dối người dân Cắm Muộn. Ông nói: “Người của Dự án bảo sẽ lấy lao động Cắm Muộn, ngoài tiền công, còn cho một người thêm 15kg gạo mỗi tháng. Thế nhưng khi triển khai, dân bản Cắm đang vụ thu hoạch nên họ không tuyển mà lấy nhân công ở các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, thậm chí còn đưa 51 người Mông về làm”. Theo ông Tường, dân Cắm Muộn có cơm ăn, áo mặc, có xe máy… chủ yếu dựa vào chăn nuôi. Muốn chăn nuôi được trâu, bò thì phải có đất. Dân hết sức bức xúc vì trâu bò bị người của Dự án InnovGreen đánh đuổi. Đã có 30 hộ dân người Khơ Mú của Cắm Muộn đã phải bỏ sang xã Nậm Nhoóng làm rẫy vì đất của họ đã bị Dự án InnovGreen lấy trồng rừng. Ông cho biết thêm: “Vì không đồng tình với những gì đang xẩy ra, ngày 22/2/2010 đảng viên, cán bộ, nhân dân 3 bản Cắm Cáng, Cắm Nọc, Cắm Póm đã phải viết đơn kiến nghị gửi Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Dân tộc và miền núi tỉnh. Mới đây, chi bộ 3 bản Cắm đã tiến hành họp, trong đó có kiến nghị nên đưa vấn đề của Dự án InnovGreen ra Trung ương giải quyết. Tôi đang giữ đơn kiến nghị, còn biên bản họp chi bộ 3 bản đồng chí Hát – Bí thư chi bộ bản Cắm Pỏm giữ”. Già làng Lô Văn Tường đưa cho chúng tôi xem bản kiến nghị gốc. Nội dung và cách hành văn của bản kiến nghị hết sức mộc mạc, chân thành: “Chúng tôi là đảng viên, cán bộ, nhân dân 3 bản Cắm Cáng, Cắm Nọc, Cắm Póm xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ngày 26/8/2009, đoàn cán bộ của Công ty InnovGreen đến họp tại Hội trường bản Cắm Cáng. Thành phần: Ban quản lý 3 thôn; Đại diện UBND xã có Lô Văn Vinh – Phó Chủ tịch, Lô Văn Long - Chủ tịch cựu chiến binh, Lô Văn Khuê – Chủ tịch Hội nông dân; Công ty InnovGreen có ông Nguyễn Văn Sửu. Nội dung họp: Công ty thông qua chủ trương kế hoạch thực hiện trồng rừng, sau khi triển khai sẽ họp dân và khoanh vùng cho nhân dân sử dụng, ngoài ra công ty quản lý với diện tích là 780 ha, thời gian sử dụng 55 năm. Sau khi họp xong cách 3 tháng không có cuộc họp nào nữa để nhân dân 3 thôn để thống nhất. Trong thời gian nhân dân đang bận vào vụ thu hoạch ruộng và rẫy, Công ty lấy lao động huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp về tập trung phát rừng khiến nhân dân 3 bản rất hoang mang và lúng túng, nhất là đảng viên và cán bộ, không biết làm thế nào để ổn định nhân dân.
Ngày 4/12/2009 có một cuộc họp tại trường tiểu học 1 xã Cắm Muộn. Đảng ủy, UBND xã và Công ty chủ trì cùng cán bộ 3 thôn để thống nhất chủ trương và thông qua quyết định thành lập Ban tư vấn của xã. 10 ngày sau cuộc họp, Công ty và ban tư vấn tổ chức đi thực địa để xem xét phần đất cho nhân dân.
Sáng ngày 15/12/2009, UBND tổ chức họp nhân dân 3 thôn. Chủ trì có Lô Văn Cầu -  Phó ban tư vấn, trong cuộc họp nhân dân không nhất trí cho Công ty trồng phát. Buổi tối ngày 15/12/2009 lại tổ chức họp tiếp. Trong cuộc họp này nhân dân quyết tâm không nhất trí. Từ ngày 4/12/2009 đến ngày 22/2/2010, bên Công ty tránh mặt không gặp 3 Ban quản lý lần nào.
Qua quá trình công ty triển khai thực hiện đến nay, giữa Công ty và nhân dân không thống nhất quan điểm, nhân dân 3 bản rất băn khoăn và bức xúc trước 2 vấn đề: trồng trọt và chăn nuôi. Hiện nay các nương sắn của nhân dân ở vùng quản lý của Công ty đang thu hoạch thì bên công ty lại đào hố để trồng rừng, không ai đứng ra giải quyết. Bức xúc trên đây chúng tôi, nhân dân 3 bản xin kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giúp để nhân dân 3 bản an tâm sản xuất. Xin cảm ơn quý các ngài, càng sớm càng tốt”.
                                                        *
*     *
 Cuộc nói chuyện của chúng tôi với già làng Cắm Muộn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, khi chia tay, ông Tường nói: “Đã đến đây rồi, các anh hãy gắng vào nơi Dự án InnovGreen trồng rừng để thấy chúng tôi nói những lời nói thật”. Nghe những câu chuyện của anh Lô Văn Vinh, già làng Lô Văn Tường kể lại, chúng tôi không sao ngủ được, đêm Cắm Nọc hôm đó thật dài.
Kỳ sau:  Cắm Muộn - vùng đất vàng
Nguồn: Báo Lao động Nghệ An
 
 
 
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511660

Hôm nay

2323

Hôm qua

2336

Tuần này

22034

Tháng này

218533

Tháng qua

121356

Tất cả

114511660