Những góc nhìn Văn hoá

XU HƯỚNG TỔNG HỢP THỂ LOẠI TRONG “NGÀY XƯA” CỦA NGUYỄN NHƯỢC PHÁP[1]

1.Xuất hiện trên thi đàn với một “sự nghiệp thơ” khiêm nhường đầy vẻ nghịch lí[2], Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) là một nhà thơ tiên phong đã để lại những dấu ấn cá nhân khó phai mờ trong phong trào Thơ Mới ngay ở chặng đầu tiên (1932-1935). Chỉ với Ngày xưa – một tập thơ nhỏ, vỏn vẹn mười bài – ông đã tạo nên trong thơ Việt buổi đầu một thế giới thơ đầy không khí, tâm trạng và rất Nguyễn Nhược Pháp.

Tiếc là, dù tập Ngày xưa sớm được giới thiệu và đánh giá cao, song, cho đến nay giới nghiên cứu văn học dường như vẫn nợ nhà thơ tài hoa mà yểu mệnh này một bức vẽ chân dung đầy đủ, tương xứng, khả dĩ “đóng đinh” được sự nghiệp của ông vào lịch sử văn học. Và, một khi bức chân dung văn học này chưa hoàn thành, thì thế giới thơ Nguyễn Nhược Pháp, vẫn còn nhiều khoảng trống với không ít bí ẩn.
Nhiều câu hỏi thông thường về bản sắc thơ ông vẫn chưa được trả lời[3]. Trong đó, có câu hỏi mà tác giả bài viết này rất quan tâm: Sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình, hình thức truyện và hình thức thơ trong tập thơ này được thực hiện theo cách nào, đã tạo được hiệu quả gì đặc biệt? Những sáng tạo đó của Nguyễn Nhược Pháp có ý nghĩa thế nào đối với sự vận động phát triển của thơ hiện đại Việt Nam?
Bài viết này góp phần trả lời những câu hỏi đó trên cơ sở phân tích tương tác chuyển hóa giữa cũ và mới, giữa truyện và thơ, tự sự và trữ tình.
2.1. Là thơ hay là truyện, tự sự hay trữ tình?
Ngày xưa dĩ nhiên là một tập thơ, nhưng hầu hết các bài trong tập này đều mang dáng dấp truyện”. Bởi, đây là những tác phẩm thơ, thường trữ tình thông qua một mạch tự sự, một câu chuyện nào đó, theo hai dạng thức : hoặc là trực tiếp bộc lộ thái độ cảm thương của tác giả thông qua số phận, trạng thái tâm hồn của nhân vật ; hoặc bộc lộ cảm xúc nhà thơ thông qua “câu chuyện” do một người “thời xưa” kể lại.
Theo dạng thức thứ nhất, Nguyễn Nhược Pháp làm thơ về những cảnh ngộ bi thương, những nỗi niềm u ẩn của các nhân vật truyền thuyết, lịch sử. Ở đây, mỗi bài thơ là một tiếng khóc, nhà thơ hóa thân vào nhân vật để giãi bày thay, khóc thay cho họ. Chẳng hạn : ông giãi bày thay cho Mỵ Châu, Trọng Thủy (Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy) ; khóc thay cho nàng Mỵ Ê (Mỵ Ê), hay cựu hoàng phi Nguyễn Thị Kim (Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống) ; khóc thay cho những người phải rời quê hương xứ sở, theo mệnh vua đi cống bên nước Tàu (Đi cống) ;… Có thể gọi những bài thơ trữ tình tha thiết này là những bài thơ khóc người, như những câu thơ kì lạ của Bùi Giáng[4] và những nhạc phẩm khóc người của Trịnh Công Sơn, mà công chúng mấy chục năm sau sẽ biết đến như một thứ tuyên ngôn nghệ thuật[5]. Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp có 5 bài thuộc dạng này.
Theo dạng thức thứ hai, nhà thơ trữ tình bằng những câu chuyện, thông qua các hoạt cảnh, các chân dung. Cảnh, người và việc ở đây như đều thuộc về một thế giới khác – không phải cảnh, người, việc trước mắt mà là hồi ức. Chúng không thuộc hiện tại mà thuộc “thời trước”, “ngày xưa”. Ở đây, nhà thơ không chỉ dẫn người đọc vào thế giới cổ kính của các câu chuyện, các hoạt cảnh, mà quan trọng hơn, còn dẫn họ vào thế giới của những tâm tình, những khao khát, mộng mơ thời trước,… Đó có thể là tâm tình của một “cô bé ngày xưa” xinh tươi, hiền thục (Chùa Hương) ; là tâm tình của những chàng thư sinh văn hay chữ tốt, hiển đạt và rất mực thanh nhã (Tay ngà, Một buổi chiều xuân, Chùa Hương,…) ; là khí phách, tâm tư của các bậc “thần - nhân” vừa cao vời vừa bình dị (Sơn Tinh, Thủy Tinh). Tâm tình, khí phách ấy có thể kể bằng lời người kể chuyện hoặc lời nhân vật chính. Chất hoạt cảnh, kí sự ở các bài thơ này rất đậm. Có thể gọi đây là những bài thơ kí sự tâm tư – những thiên tình ca hiện đại mà cổ kính. Tập thơ Ngày xưa có 5 bài thuộc dạng này.
Như vậy, các bài thơ trong tập Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp, xét về đặc trưng loại, thể (về phương thức phản ánh đời sống), mang tính tổng hợp rất rõ rệt. Đó phải chăng là bằng chứng, là kết quả của tương tác thể loại rất đáng được nghiên cứu trong sáng tác của nhà thơ này, đồng thời cũng là của Thơ Mới Việt Nam, trong chặng khởi đầu (1932-1935) của nó?.
2.2. Tương tác thể loại[6] trong Ngày xưa diễn tiến theo chiều hướng, thể thức nào ?
- Tăng cường chất văn xuôi, nới lỏng cú pháp đối ngẫu của thơ luật Đường; chuyển thơ thất ngôn điệu ngâm sang thơ bảy chữ điệu nói.
Chất “văn xuôi”  trong các bài “thơ khóc người” của Nguyễn Nhược Pháp chủ yếu xuất phát và toát ra từ cách nhìn sự kiện, nhân vật[7]; bộc lộ cảm xúc một cách dân chủ, suồng sã, phóng túng, thường gặp trong văn tiểu thuyết hiện đại. Các nhân vật lịch sử hay truyền thuyết trong thơ ông đều được nhìn như những con người cá nhân nhỏ bé. Nhà thơ gọi tên họ hay dùng các đại từ, danh từ nhắc đến họ một cách gần gũi, thân mật theo cách nói của người đứng trên hay ngang hàng với nhân vật : “Mỵ” [8] (Mỵ Ê), “Trọng Thủy” [9],“Mỵ-Châu”[10], “em” [11] (Giếng Trọng Thủy, Mỵ Châu), “Nguyễn Thị Kim” , “Lê Chiêu Thống”  (Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống).
Các bài thơ thất ngôn bát cú hay thơ thất ngôn nói chung của Nguyễn Nhược Pháp, thường ít đối, chỉ khi thật cần, thì mới đối, mà cũng chỉ đối ý một cách thanh thoát, phóng khoáng[12]. Ông từ bỏ câu thơ ẩn chủ thể, tỉnh lược với quan hệ cú pháp nhòe mờ trong thơ trung đại Việt Nam, và sử dụng cấu trúc câu thơ hiện đại có chủ thể xác định, rành mạch về quan hệ ngữ pháp. Câu thơ thường đầy đủ thành phần trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ như câu mô hình câu đơn hay câu ghép trong văn xuôi[13] hiện đại. Ông thể nghiệm lối ngắt câu giữa dòng, mạnh dạn phá vỡ tính đơn điệu do sự trùng khít khuôn phép giữa dòng và câu trong thơ thất ngôn bát cú truyền thống[14]. Dòng thơ bảy chữ điệu nói của ông có dáng dấp phóng túng kiểu văn xuôi hoặc câu thơ tự do, trong nhiều trường hợp[15] thường là do ngắt câu đột ngột, ngắt nhịp linh hoạt như thế. Thêm vào đó là lối dùng dấu câu ngăn cách liên tiếp những thành phần cùng loại tạo tiết tấu miêu tả, kể chuyện nhanh, khỏe kiểu văn xuôi[16]. Tuy nhiên, phải đợi đến Sơn Tinh, Thủy Tinh thì lối chấm câu, ngắt nhịp trong thơ bảy chữ của Nguyễn Nhược Pháp mới gần với lối thơ vắt dòng hiện đại và thật sự mang lại hiệu quả nghệ thuật : nó thay đổi tiết tấu thơ đột ngột, tạo được những dấu lặng đầy kịch tính như các tình huống cần phải có[17].
Theo cách đó, các bài thơ trữ tình của Nguyễn Nhược Pháp đã thoát khỏi âm điệu thơ thất ngôn điệu ngâm quen thuộc, chuyển sang thơ bảy chữ điệu nói diễn đạt tình ý mạch lạc đầy chất phóng túng, mới mẻ.
Mang vào thơ lối tự sự theo vai, điểm nhìn và cách di chuyển điểm nhìn của tiểu thuyết
Phần nhiều các chuyện “ngày xưa” của Nguyễn Nhược Pháp đều do nhân vật kể lại. Các bài thơ có xu hướng kí hóa, để trở thành những thiên “kí sự” của nhân chính vật: Một buổi chiều xuân“Thiên kí sự của một chàng thư sinh đời trước”; Chùa Hương là “Thiên kí sự của một cô bé ngày xưa”; Tay ngà là giấc mơ ngọt ngào tươi đẹp của một chàng sĩ tử “ngày xưa” cũng được ghi lại theo hình thức “kí sự”. Và, tất cả các mẩu tự sự, hồi ức trong các bài thơ này đều được kể lại, không phải theo điểm nhìn của tác giả mà của nhân vật chính, đối tượng trữ tình của các bài thơ. 
Tuy nhiên, các “câu chuyện” ở đây không kể khách quan theo nhịp phát triển tự nhiên thông thường của sự việc mà thường nương theo cảm xúc, nhịp đập trái tim của người đang yêu, bằng tiếng khóc và nước mắt của người đã, đang lạc mất “một nửa” của chính mình.
Điều này làm cho sự việc, con người, trạng thái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp như thuộc về một cõi riêng, chất chứa bao nhiêu là bâng khuâng, yêu mến, thương cảm.
Cõi riêng ấy, dù trong sáng, tươi vui[18] (như nhịp đập trẻ trung của trái tim); dù đục, trầm, u ẩn[19] (như nước mắt của người bất hạnh lạc mất “một nửa”  của chính mình); hay là sự hòa trộn giữa các sắc điệu đối lập vừa nêu, thì tất cả, thực chất vẫn chỉ là cảnh tượng, cảm xúc xuất ra từ một nguồn duy nhất mà thôi. Đó chính là sự phản chiếu các trạng thái khác nhau của một tâm hồn – tâm hồn của người đang yêu, đang nhớ thương mộng tưởng, đau đớn và cả giận hờn nữa. (Phải chăng vì trái tim yêu thương và khổ đau của con người luôn nhạy cảm và biến đổi bất thường, mà trái tim nhà thơ trẻ Nguyễn Nhược Pháp thì lại dễ rung động hòa điệu với buồn vui của họ, nên cảm xúc và khung cảnh trong thơ ông cũng phong phú về cung bậc, sắc điệu ?).
Thật thế, nếu như những rung động đầu đời cùng mộng ước thanh xuân của nhân vật trữ tình đã mang lại cho bức tranh “thời xưa” màu sắc, đường nét trong sáng, tươi vui, ngộ nghĩnh khó quêntrong các bài Một buổi chiều xuân, Tay ngà, Chùa Hương, Sơn Tinh Thủy Tinh,… thì sự cách biệt, mất mát, sự vô vọng ngóng trông kiếm tìm, những thảm kịch của con người cá nhân trước sóng gió oan nghiệt của lịch sử lại mang đến cho bức tranh “thời xưa” một sắc xám tịch mịch, u trầm thật ám ảnh trong các bài Mây, Đi cống, Mỵ Ê, Giếng Trọng Thủy, Mỵ Châu, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống.
Nói chung, khi làm thơ khóc người , Nguyễn Nhược Pháp thường tìm đến với thể bát cú luật Đường. Ở đây, hình thức truyền thống của thơ cũ giúp nhà thơ truyền tải được niềm cảm khái, cảm thương mới đối với người thời xưa của chàng thư sinh thời nay.
Mặt khác, để cho thơ bát cú của mình thoát khỏi lối thơ nói chí, tỏ lòng hay vịnh cảnh, Nguyễn Nhược Pháp đã pha mới vào cũ. Ông pha cú pháp, chính tả mới vào thơ luật Đường. Ông mang lại cho đề tài cũ, nhân vật, sự kiện cũ cảm hứng mới, quan niệm mới, lập trường mới. Thơ bát cú của Nguyễn Nhược Pháp rất gần với thơ trữ tình hiện đại. Ở đó, tiếng nói của cái “tôi” tác giả nhân danh cái “tôi” của người đang yêu, người đang bị tước đoạt mất hạnh phúc trong tình yêu mà khẳng định phẩm hạnh, tình nghĩa thủy chung bất diệt ở họ.
Hơn nữa, cái nhìn sự kiện, con người của ông luôn mang đậm tinh thần thời đại. Không khí dân chủ của thời đại mới cho phép ông nhìn nhận sự kiện, nhân vật truyền thuyết, lịch sử theo cái nhìn của riêng mình. Nhà thơ không nhân danh lịch sử, cộng đồng; ông nhân danh con người mà nhìn nhận, suy cảm, đánh giá về các sự kiện, các số phận. Chẳng hạn: Ở đâu đó người ta có thể coi Trọng Thủy là giặc, Mị Châu là kẻ nối giáo cho giặc (“nỏ thần vô ý trao tay giặc – Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”[20]), trong thơ Nguyễn Nhược Pháp thì không. Với ông, cái “giếng Trọng Thủy” vẫn còn đó như một chứng tích bi thương của số phận, một vết bầm tím của tâm hồn. Trọng Thủy được nhìn như một người chồng lạc mất người vợ thương yêu, chàng sẵn sàng giã từ cuộc sống, sang tận thế giới bên kia để tìm kiếm và đoàn tụ với nàng. Cái chết của chàng thật lạnh lẽo, bơ vơ, nhưng lại rất chung tình, khiến người đời phải thương, phải trọng (Giếng Trọng Thủy).
Lấy hai câu thơ đầy cảm thương của thi sĩ Tản Đà làm đề tựa cho bài Mỵ Châu (Lẫy thần chàng đổi móng,/ Lông ngỗng thiếp đưa đường), Nguyễn Nhược Pháp đem hình hài Mị Châu – chết rồi vẫn phấp phỏng chờ đợi Trọng Thủy: Thân ngà tóc rủ vờn man mác,/ Thiêm thiếp em chờ ai bên đường? – đặt giữa trời biển bao la dạt dào sóng vỗ (Mỵ Châu, I); đem bóng dáng của Trọng Thủy – chết rồi vẫn miệt mài tìm kiếm Mỵ Châu: Lông ngỗng cầm tay nhòa ánh lệ,/ Chàng đi man mác buồn, đêm thâu – đặt giữa âm u núi rừng mù mịt trời đêm (Mỵ Châu, II). Rồi ông kết thúc bài thơ của mình như một niềm an ủi: câu chuyện và số phận bi thảm nghiệt ngã thật, nhưng nơi xa tắp ở cõi bên kia, nàngchàng đã gặp lại và nhận ra nhau. Hồn Mỵ Châu đã “ngậm cười” (Mỵ Châu, III). Bài Mỵ Châu có ba phần, mỗi phần là một bức tranh lặng lẽ, một bức họa tâm hồn.
Nguyễn Nhược Pháp viết về “ngày xưa” vừa như mộng ước, vừa như cảm thương, chia sẻ. Nhà thơ hẳn tìm thấy những cảnh ngộ những tương đồng gần gũi giữa “ngày xưa” với ngày nay.
Con người đa cảm trong Nguyễn Nhược Pháp khiến ông thường xuyên hóa thân, hay nhập vai vào nhân vật, nhìn bằng đôi mắt của họ và nói bằng tiếng nói của họ: Khóc cho nỗi đau tê tái u ẩn Lạ Đẩu[21] – Mỵ Ê[22], ông nhìn cục diện nước Chiêm Thành chiến bại bằng cái nhìn của nàng Mỵ Ê ; khóc thương cho mối tình và số phận oan nghiệt Mỵ Châu – Trọng Thủy, ông nhìn Mỵ Châu từ góc nhìn Trọng Thủy, nhìn Trọng Thủy từ góc nhìn Mỵ Châu ; cảm khái trước tình nghĩa tào khang bất diệt Nguyễn Thị Kim[23] – Lê Chiêu Thống, ông dùng lời huyết lệ của một người vợ tiết liệt gợi nhắc một người chồng xấu số (chứ không phải của một hoàng phi nhắc đến một cựu hoàng). Đó là những điểm nhìn của nhà tiểu thuyết, dân chủ và rất cận nhân tình.
Cách di chuyển điểm nhìn trong thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng khá linh hoạt, tự nhiên và luôn tạo được hiệu quả nghệ thuật. Trong Chùa Hương, ông nhìn cảnh và người du xuân vãn cảnh Chùa Hương qua rung động tinh vi của một cô bé thời xưa. Song, cái nhìn của cô bé tươi trẻ, hồn nhiên, hiền thục này thỉnh thoảng lại được bổ sung, hỗ trợ thêm bằng điểm nhìn của “thầy”, “me”, và của “chàng” giúp cô bộc lộ tình cảm một cách kín đáo, ý nhị, nhất là ở phần đầu và phần giữa của bài thơ. Đó cũng là cách ẩn giấu cái tình yêu sâu kín của nhân vật, đến cuối bài thơ mới cho lộ diện qua những lời yêu thương nồng nàn, những mộng ước cháy bỏng. Trong Sơn Tinh Thủy Tinh, Nguyễn Nhược Pháp chọn điểm nhìn của một người kể chuyện luôn giữ khoảng cách nhất định với các nhân vật. Nhưng khi cần và thỉnh thoảng, có dịch chuyển, bổ sung thêm bằng điểm nhìn của Vua Hùng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mỵ Nương. Khi khoảng cách này rút ngắn về phía nhân vật nào thì nhân vật ấy trở nên có nội tâm hơn và cũng đời thường hơn.
Việc tăng cường yếu tố tự sự và sử dụng một số thao tác kĩ thuật của tiểu thuyết trong kí sự bằng thơ như vậy rõ ràng đã tạo cho Ngày xưa cái dáng vẻ độc đáo, sinh động của bản thân đời sống[24]. Xét từ hiệu quả này, chuyện thời xưa có thể hóa thành chuyện thời nay, bởi nhà văn chỉ chọn kể trong kho tàng thời xưa những chuyện rất đời thường, rất gần gũi với người thời nay bằng kĩ thuật của thời nay. Đây phải chăng là lí do khiến đọc Ngày xưa, người ta thấy những gì mà nhà văn kể vừa rất xa, vừa rất gần, vừa kì thú, vừa thân thiết ?
2.3. Như vậy, sự tương tác thể loại trong ý thức sáng tạo của Nguyễn Nhược Pháp, xét từ góc độ thi luật, đã mang lại cho quá trình hiện đại hóa thơ Việt với mấy kết quả đáng ghi nhận:
Thứ nhất, góp phần chuyển dần thơ thất ngôn, ngũ ngôn điệu ngâm thành thơ 7 chữ , 5 chữ điệu nói. Đó là hình thức tương tác theo lối chuyển hóa, biến cải, không hẳn là tương tác thay thế.
Thứ hai, mạnh dạn dùng tự sự (kể chuyện, kí sự, du kí) như là thủ pháp trữ tình. Việt Nam có truyền thống tự sự bẳng thơ, song Nguyễn Nhược Pháp đã mang vào tự sự trong thơ cái nhìn và tư duy tiểu thuyết với chất bi kịch mới mẻ và giọng hài hước trẻ trung. Quá trình tương tác ở đây diễn ra theo lối tổng hợp thể loại.
3. Sơn Tinh, Thủy Tinh – tổng hợp thể loại theo lối đưa tiểu thuyết, sử thi[25] vào thơ và chất thơ từ “những bài thơ kể chuyện”
3.1. Tổng hợp thể loại theo lối đưa tiểu thuyếtsử thi[26] vào thơ...
Khuynh hướng “lịch sử hóa” thần thoại thường làm cho truyền thuyết dân gian Việt Nam mang nhiều yếu tố sử thi. Đến lượt mình, các nhà văn hiện đại lại tìm cách tiểu thuyết hóa sử thi, hoặc đưa tiểu thuyết vào sử thi và vào thơ.
Viết Sơn Tinh, Thủy tinh một mặt, Nguyễn Nhược Pháp giữ lại một cách chọn lọc các yếu tố sử thi để cho các nhân vật vốn đã tồn tại lâu dài và vững chãi trong kí ức cộng đồng (vua Hùng Vương thứ 18, Thủy Thần, Sơn Thần) vẫn giữ được phong cốt anh hùng lịch sử, truyền thuyết của họ. Mặt khác, ông cũng mạnh dạn tiểu thuyết hóa hành động, tính cách các nhân vật này khiến cho họ bỗng trở nên gần gũi như người thường (thần cũng “đi lấy vợ”, cũng “yêu” , cũng giận hờn, buồn vui theo kiểu con người). Hẳn vì thế mà ngay đầu tác phẩm, Sơn Tinh, Thủy Tinh được vua Hùng xem là “thần-nhân”  chứ không gọi hẳn là “thần” (Vua : … cười bảo xứng ngôi phò mã/ Trừ có ai ngang vì thần-nhân) ?
Xu hướng tiểu thuyết hóa sử thi hay tổng hợp tiểu thuyết vào sử thi và vào thơ này bộc lộ qua cách nhìn cuộc sống hoàng cung và các vị thần đậm sắc thái thế tục của tác giả ; qua sự thay đổi, điều chỉnh cảm hứng chủ đạo của tác phẩm. Viết Sơn Tinh, Thủy Tinh, hẳn là Nguyễn Nhược Pháp không chỉ ca ngợi cách “kén rể” sáng suốt, công minh của vua Hùng Vương thứ 18, hay biểu dương tài năng xuất chúng của hai vị thần, mà còn ca ngợi tình yêu, khát vọng chinh phục người đẹp, khát vọng chiến thắng trong tình yêu của hai vị trong tư cách những chàng trai cầu hôn. Nhà thơ dường như đã nắn thiên sử thi anh hùng truyền thống thành một câu chuyện tình yêu kì thú. Nói cách khác, trung tâm hứng thú nghệ thuật của tác phẩm này không còn là câu chuyện về người anh hùng trị thủy mà là chuyện “yêu” và “đi lấy vợ” cũng như những nỗ lực bảo vệ tình yêu, hạnh phúc gia đình của các vị thần.
Xu hướng tiểu thuyết hóa còn tập trung ở những độc thoại, những lời nói, ý nghĩ và các trữ tình ngoại đề. Mạch trữ tình ở đây thường được dấu kín dưới mạch tự sự, khi cần mới hiện ra qua lời nói, ý nghĩ độc thoại của các nhân vật, và những câu trữ tình ngoại đề ý nhị, hóm hỉnh, rất có duyên như: “Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”; “Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước”; “Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ”; “Mê nàng, chim ngẩn lưng trời đông”; “(Vui nhỉ mê ai xinh mới hiểu)/ thần trông kiệu nhỏ hồn thêm say; “Hay đâu thần tiên đi lấy vợ”; “Cũng bởi thần yêu nên khác thường”. Thậm chí, cả cái hành vi giận cá chém thớt này của Thần Nước nữa, cũng rất ý nhị, tươi, hóm không thể có trong sử thi, truyền thuyết:
                                     
Thủy-Tinh thúc rồng đau kêu rú,/ Vừa uất vì thương, vừa bởi kiêu./ Co hết gân nghiến răng, thần quát:/ "Giết! Giết Sơn-Tinh hả hờn ta!"

Dựa vào cái lõi sự kiện của truyền thuyết[27] dân gian – việc kén rể của vua Hùng và cơn giận lôi đình của Thủy Tinh và chiến công vang dội của Sơn Tinh – Nguyễn Nhược Pháp đã tổ chức mạch truyện thành ba phần chính, như một vở kịch 3 màn: 1. Nhà vua yêu quý con gái, cho thi tài để kén rể (44 dòng); 2. Sơn Tinh dâng lễ vật sớm rước dâu, Thủy Tinh đến muộn, mất Mỵ Nương truy đuổi đám rước (48 dòng). 3. Ác chiến xảy ra, Thủy Thần thất bại và gây hấn hằng năm (32 dòng). Mỗi màn có nhiều lớp, lớp nào cũng sinh động, tươi tắn, kì thú như một hoạt cảnh trong thế giới thần tiên, dưới cái nhìn thế tục hóa. Tuy nhiên, nhìn vào bố cục tác phẩm của Nguyễn Nhược Pháp với tương quan về độ dài giữa các màn, các lớp, dễ dàng nhận thấy rằng đúng là trung tâm hứng thú nghệ thuật đã được dịch chuyển, khác hẳn truyền thuyết. Điểm nhấn quan trọng và duy nhất của truyền thuyết, tất nhiên, là cuộc ác chiến giữa hai vị thần để giành người đẹp Mỵ Nương. Bằng điểm nhấn này, tác giả dân gian muốn tập trung vào thử thách to lớn và chiến công oanh liệt của người anh hùng Sơn Tinh, qua đó mà ca ngợi công cuộc chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống thanh bình của cộng đồng. Còn các hoạt cảnh thơ của Nguyễn Nhược Pháp thì, vẫn xem việc kể về cuộc ác chiến là quan trọng, nhưng không phải là duy nhất, càng không phải quan trọng nhất. Cảnh ác chiến (cảnh cuối : Ác chiến xảy ra, Thủy Thần thất bại và gây hấn hằng năm)chỉ được ông kể 28 dòng (chưa kể 4 dòng kết), trong lúc đó, cảnh đầu (Nhà vua yêu quý con gái, cho thi tài để kén rể) được kể đến 44 dòng, cảnh giữa (Sơn Tinh dâng lễ vật sớm rước dâu, Thủy Tinh đến muộn, mất Mỵ Nương truy đuổi đám rước) được kể 48 dòng. Bằng sự phân bố lại này, Nguyễn Nhược Pháp đã tăng cường tưởng tượng sáng tạo và nắn lại chủ đề, điều chỉnh cảm hứng chủ đạo trong Sơn Tinh Thủy Tinh.
Mở đầu, truyền thuyết dân gian dĩ nhiên không miêu tả cụ thể, tỉ mỉ tài năng hai nhân vật chính Sơn Tinh, Thủy Tinh, mà chỉ giới thiệu một cách hàm súc, khái quát nhất về “tài lạ” của họ (Sơn Tinh : tài tạo lập, dịch chuyển núi đồi ; Thủy Tinh : tài hô mưa gọi gió)[28].
Nguyễn Nhược Pháp sau khi giới thiệu các nhân vật, đã kể tỉ mỉ và dựng lên hoạt cảnh thi tài của hai chàng cầu hôn. Ông dành hẳn 8 dòng, cho Thủy Tinh khoe tài trước:
 
Thủy-Tinh khoe thần có phép lạ,/ Dứt lời, tay hất chòm râu xanh,/ Bắt quyết hò mây to nước cả,/ Dậm chân rung khắp làng gần quanh./ Ào ào mưa đổ xuống như thác,/ Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo,/ Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc,/ Bò, lợn, và cột nhà trôi theo.
 
Và, khoảng 5 dòng kể về việc Sơn Tinh trổ tài – chàng rất bình tĩnh, tự tin (vẫn cười), không nhằm thi thố, khoe khoang mà nhằm trấn an đức vua và người đẹp (bảo họ đừng lo):
 
Mỵ-Nương ôm Hùng-Vương kinh hãi./ Sơn-Tinh cười, xin nàng đừng lo,/ Vung tay niệm chú: Núi từng dải,/ Nhà lớn, đồi con lổm-ngổm bò/ Chạy mưa. Vua tùy con kén chọn.
 
Truyền thuyết xem việc dâng lễ, rước dâu là tình tiết phụ, các bản kể thường chỉ thuật ngắn trong một vài câu gọn ghẽ, súc tích rồi chuyển nhanh sang sự việc khác, cho là quan trọng hơn, chẳng hạn :
 
Hôm sau, mới tờ mờ sáng, Sơn Tinh đã đem đầy đủ lễ vật đến rước Mỵ Nương về núi[29]
 
Nguyễn Nhược Pháp viết thành một hoạt cảnh đầy trìu mến, dài 32 dòng, vừa hoành tráng vừa giàu không khí và tâm trạng, vui mà cũng thật cảm động lòng người. Trước khi Sơn Tinh đến, tác giả cho người đọc được ngắm bình minh, ngắm vua Hùng uy nghi ngự giá, Mỵ Nương tựa cửalầu son, xinh đẹp đến mức loài vật cũng mê hồn – mê nàng, chim ngẩn lưng trời đông . Rồi, chàng rể của vua Hùng tươi vui xuất hiện, tỏa ánh hào quang khắp thành Phong Châu, làm đẹp lòng vua cha:
 
Rừng xanh thả mây đào man mác,/ Sơn-Tinh ngồi bạch hổ đi đầu/ Mình phủ áo bào hồng ngọc dát,/ Tay ghì cương hổ, tay cầm lau./ Theo sau năm chục con voi xám/ Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều,/ Tải bạc, kim-cương, vàng lấp loáng,/ Sừng tê, ngà voi và sừng hươu./ Hùng-Vương trên mặt thành liễu rủ,/ Hớn hở thần trông, thoáng nụ cười./ Thần suốt đêm sao dài không ngủ,/ Mày ngài, mắt phượng vẫn còn tươi./ Sơn-Tinh đến lạy chào bên cửa,/ Vua thân ngự đón nàng Mỵ-Nương.
 
Trong cảnh rước dâu, giây phút Mỵ Nương giã biệt thành Phong Châu, giã biệt vua Hùng, được tác giả kể lại với thật nhiều lưu luyến, cảm động. Cảnh vật hiện lên nhòe mờ trong sương lệ, như những thước phim quay chậm. Văn hóa và phong tục đất nước dường như đã thấm vào từng lời thơ đặc tả hành vi của cô dâu, bố vợ, hay hình ảnh chiếc kiệu hoa Việt cổ :

Lầu son nàng ngoái trông lần-lữa,/ Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương./ Quỳ lạy cha già lên kiệu bạc,/ Thương người, thương cảnh xót lòng đau./ Nhìn quanh, khói tỏa buồn man mác,/ Nàng kêu: "Phụ-Vương ôi! Phong-châu!"/ Kiệu nhỏ đưa nàng đi thoăn thoắt,/ Hùng-Vương mơ vịn tay bờ thành./ Trông bụi hồng tuôn xa, xa lắc,/ Mắt nhòa lệ ngọc ngấn đầm quanh...
 
Về việc chậm chân và cơn giận lôi đình của Thủy Tinh, truyền thuyết chỉ nhắc đến bằng một vài chi tiết như “Thủy Tinh đến sau”, “không lấy được vợ”, “đùng đùng nổi giận”,“đem quân đuổi theo đòi cướp Mỵ Nương”. Sau đó chuyển nhanh vào việc thuật lại cuộc ác chiến giữa hai vị thần. Nguyễn Nhược Pháp kể về tình tiết này (cơn giận của Thủy Tinh) bằng 16 dòng ngộ nghĩnh mà đầy kịch tính :
 
Thoảng gió vù vù như gió bể,/ Thủy-Tinh ngồi trên lưng rồng vàng./ Yên gấm tung dài bay đỏ chóe,/ Mình khoác bào xanh da trời quang./ Theo sau cua đỏ và tôm cá,
Chia đội năm mươi hòm ngọc trai,/ Khập khiễng bò lê trên đất lạ,/ Trước thành tấp tểnh đi hành hai./ Hùng-Vương mặt rồng chau ủ rũ,/ Chân trời còn phảng bóng người yêu,/ Thủy-Tinh thúc rồng đau kêu rú,/ Vừa uất vì thương, vừa bởi kiêu./ Co hết gân nghiến răng, thần quát:/ "Giết! Giết Sơn-Tinh hả hờn ta!"/ Tức thời nước sủi reo như thác,/ Tôm cá quăng ngọc trai mà hoa.
 
Cơn ác chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, vốn là điểm nhấn quan trọng trong truyền thuyết, Nguyễn Nhược Pháp cũng dành kể một đoạn thơ với độ dài (28 dòng) và dụng công tương xứng. Đây là một hoạt cảnh giàu tính tạo hình, rất có lớp lang, vừa mang âm hưởng hùng ca chiến trận, vừa mang hơi thở của cuộc sống thường nhật ; rất khốc liệt nhưng cũng vẫn có cái êm ả thanh bình của ngày xưa; nhịp điệu lúc căng lúc chùng một cách hợp lý, được tạo ra bởi kĩ thuật tự sự khá hiện đại:
 
Sơn-Tinh đang kèm theo sau kiệu,/ Áo bào phơ phất nụ cười bay./ (Vui nhỉ mê ai xinh mới hiểu)/ Thần trông kiệu nhỏ hồn thêm say./ Choàng nghe sóng vỗ reo như sấm,/ Bạch hổ dừng chân, lùi, vểnh tai./ Mỵ-Nương tung bức rèm đỏ thắm,/ Sơn-Tinh trông thấy càng dương oai./ Sóng cả gầm reo lăn như chớp,/ Thủy-Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng./ Cá voi quác mồm to muốn đớp,/ Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng./ Càng cua lởm chởm giơ như mác;/ Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao./ Sơn-Tinh hiểu thần ghen, tức khắc/ Niệm chú, đất nẩy vù lên cao./ Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo./ Đuôi quắp, nhe nanh, giơ vuốt đồng,/ Đạp long đất núi, gầm xông xáo,/ Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng./ Mây đen hăm hở bay mù mịt,/ Sấm ran, sét động nổ lòe xanh./
Tôm cá xưa nay im thin thít,/ Mở quác mồm to kêu thất thanh./ Mỵ-Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,/ Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa./ (Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,/ Nhưng thật dễ thương): "Ô! vì ta!"

Viết Sơn Tinh, Thủy Tinh nói chung, đoạn thơ này nói riêng, thực ra, Nguyễn Nhược Pháp đã sử dụng phối hợp kĩ thuật của kịch và tiểu thuyết để tạo tiết tấu, sắc điệu thẩm mĩ cho tác phẩm. Đó là kĩ thuật tạo mâu thuẫn và dẫn dắt xung đột xoay quanh một hành động trung tâm (tranh chấp mĩ nữ) ; là kĩ thuật di chuyển điểm nhìn (tác giả … Sơn Tinh – Mỵ Nương – Thủy Tinh – Sơn Tinh – Mỵ Nương … tác giả) hay kĩ thuật tạo độ căng, chùng bằng nhịp kể, cũng như thủ pháp trì hoãntrong trần thuật. Nhân vật được cá thể hóa ở một mức nhất định về hành động, tâm trạng, đối thoại. Các lời bình hay trữ tình ngoại đề của tác giả được xen vào lời kể một cách đúng chỗ và có chừng mực. Cảnh, người, việc cao cả, linh thiêng đều được nhìn qua con mắt thế tục hóa và kể bằng một giọng hí hước mang tính chất giải thiêng và đầy tinh thần dân chủ. Chẳng hạn, trong khi truyền thuyết với cái nhìn sử thi truyền thống, xem Thủy tinh là kẻ thù, là thủy tặc[30], thì Nguyễn Nhược Pháp, với cái nhìn tiểu thuyết điềm tĩnh, đầu thập niên 30 thế kỉ trước, đã mang đến cho nhân vật này những nét tâm lý thuộc về con người, đáng được cảm thông, chia sẻ. Theo đó, bên cạnh người hùng Sơn Tinh, Thủy Tinh không hiện lên như một phản diện, mà như một chàng rể hụt, một kẻ cầu hôn thất bại, hoặc một người hùng kém may mắn.
Nụ cười và giọng hí hước của tác giả đã làm cho ngay cả chuyện gây hấn hằng năm của Thủy Tinh cũng bớt vẻ thấp hèn, sách nhiễu, hay chất nghịch tặc. Thủy Tinh đem quan đánh Sơn Tinh không hẳn vì “oán nặng, thù sâu” , mà, “vừa uất vì thương, vừa bởi kiêu”. Cho nên mới có những dòng kết thật tươi hóm, nhẹ nhàng này, khép lại thiên tình sử của hai vị “thần-nhân” :
 
Thủy-Tinh năm năm dâng nước bể,/ Đục núi hò reo đòi Mỵ-Nương./ Trần gian đâu có người dai thế,/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường!
 
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý thêm rằng, sự so sánh giữa chất sử thi và chất tiểu thuyết trên đây không nhằm hạ thấp truyền thuyết, sử thi dân gian, đề cao yếu tố tự sự, tiểu thuyết trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, mà nhằm rút ra điểm khác biệt trong cách tiếp cận xử lí sự kiện, cũng như phát hiện sự vận động của các thể tài này trong đời sống văn học hiện đại. Đồng thời, sự so sánh này cũng tạo cơ sở vững chắc hơn để khẳng định đánh giá về khả năng tưởng tượng, sáng tạo và tổng hợp thể loại của tác giả Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Những phân tích, so sánh trên đây cho thấy, trong Sơn Tinh, Thủy Tinh, tưởng tượng sáng tạo và hư cấu có một vai trò khá đặc biệt. Nó giúp nhà thơ lấp đầy nhiều khoảng trống của truyền thuyết bằng một hệ thống chi tiết phong phú (dựng khung cảnh, tả hành động, phong thái, tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của nhà vua, công chúa và hai chàng cầu hôn). Nó cũng giúp ông, khi cần, điểm thêm vào dòng tự sự những nét miêu tả ngộ nghĩnh về ngoại hình phong thái lẫm liệt, kì lạ của hai vị thần-nhân: Sơn Tinh “một mắt” ở giữa trán, Thủy Tinh “râu ria xanh rì”, Sơn Tinh “phi bạch hổ”, Thủy Tinh “cưỡi lưng rồng”,… Nhân vật Hùng Vương, Mị Nương, cũng mỗi người một diện mạo, phong thái, tâm sự riêng trước, trong và sau cuộc cầu hôn. Tất cả đều là kết quả của tưởng tượng, hư cấu – bằng chứng thuyết phục về sức sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Nhược Pháp.
3.2. … và chất thơ từ những bài thơ kể chuyện
Cho dù là kể chuyện về những nhân vật lịch sử, anh hùng văn hóa hay chuyện về những con người trong cuộc sống thường nhật của đời trước, ngày xưa thì sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp trước hết vẫn là các bài thơ với đầy đủ ý nghĩa của nó. Có điều, đây thường là thơ kí sự, du kí theo kiểu Nguyễn Nhược Pháp. Trong thế giới ngày xưa của ông, chất thơ toát ra từ cái đẹp của văn hóa truyền thống. Một cuộc cầu hôn, cưới hỏi đầy tinh thần thượng võ, một cơn giận theo kiểu thần-nhân, một nghi thức xã giao hồn nhiên đi vào đời sống, những câu nói ý nhị, lịch thiệp trong giao tiếp,… đều hàm chứa chất thơ riêng của nó, qua ngòi bút của ông. Chất thơ còn toát ra từ phong vị hoài niệm quá khứ hoàng kim, và từ những rung động trong sáng, thanh xuân của tâm hồn tác giả cùng các nhân vật mà ông yêu mến. Tâm hồn trong sáng nhạy cảm, cái nhìn tươi trẻ và nụ cười duyên dáng của Nguyễn Nhược Pháp đã phổ vào tác phẩm của ông một chất thơ đằm thắm mà man mác hiếm có. Thậm chí có thể nói rằng tâm hồn ông, cái nhìn và nụ cười của ông đã thơ hóa cả thế giới ngày xưa.
                                                            TP Hồ Chí Minh, Xuân Canh Dần
                                                                                    N.T.T



[1]     Nguyễn Nhược Pháp (con trai của nhà văn, nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh) sinh ngày 12 tháng 12 năm 1914, mất ngày 19 tháng 11 năm 1938. Ông là nhà văn sinh tại Hà Nội, học tập, thành đạt tại Hà Nội và sống gắn bó với Hà Nội (tròn 24 năm, một cuộc đời). Sinh thời, khi làm báo, viết văn, ông cộng tác với nhiều tờ báo, trong đó có Hà Nội báo. Cốt cách thanh lịch Hà Nội trong con người và trong văn chương của ông rất đậm.
 
[2]     "Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều” – Hoài Thanh – Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam. Văn học. Hà Nội, 1988.
[3]     Trong “Ngày xưa”, cái chất Nguyễn Nhược Pháp bộc lộ ở đâu và như thế nào? Thơ ông, ngoài cái “trong sáng” có còn sắc điệu nào khác nữa không? Tại sao thơ ông lại được người đương thời “mến rất nhiều”? Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình trong phần lớn các bài trong tập Ngày xưa mang lại những đóng góp gì cho Thơ Mới?
[4] Thơ Bùi Giáng: “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt, khóc người một con...” (Mắt Buồn).
[5] Ca từ Trịnh Công Sơn: Còn hai con mắt khóc người một con,/ còn hai con mắt một con khóc người (Con mắt còn lại).
 
[6] Tương tác thể loại được hiểu là hiện tượng hai hay nhiều thể loại của một giai đoạn, một thời kì, một nền văn học, thuộc về một hay nhiều hệ thống thể loại, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, xâm nhập vào nhau, mô phỏng nhau,…để cùng biến đổi hoặc hình thành thể loại mới (với một cấu trúc ít nhiều thay đổi về “tố chất thẩm mĩ chủ đạo”, “giọng điệu”,dung lượng và cấu trúc chung của tác phẩm”).
[7] Chẳng hạn: cách nhìn các nhân vật truyền thuyết, lịch sử như Mỵ Ê, Mỵ Nương, Nguyễn Thị Kim, đặc biệt, Lê Chiêu Thống của Nguyễn Nhược Pháp là rất nhân bản, dân chủ.
[8] “…Mỵ mơ màng”, “Mỵ vờn theo sóng…”
[9] “Trọng-Thủy nằm trên làn nước sủi”
[10] “Hiu hắt Mỵ-Châu nằm, trăng phủ.”
[11] “Thiêm thiếp em chờ ai bên đường?”, “Phơn phớt hồn em bay, ngậm cười...”
[12] Ví dụ, hai dòng 3,4 (thực) trong bài Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống:
Chậm bước đành nương mình bóng Phật;
Màng tin trông ngóng nhạn chân trời.
Hoặc, bốn dòng (thực, luận) sau trong bài Mỵ Ê:
Thân liễu gieo đưa chìm vực biếc,
Lời thương bay lảnh động rừng vang.
Hoa trôi. Thành cũ vườn mây lửa,
Lau gợn. Chùa cao giỏ tiếng vàng.
[13] Ví dụ:
Buồm nhô rẽ sóng, Mỵ mơ màng,
Tay cuốn mền hoa, khóc gọi chàng.
[14] Xem hai dòng thất ngôn cuối chú thích số 8.
[15] Ví dụ, trong Giếng Trọng Thủy:
-          Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe.
Cú rúc. Đàn dơi bay tứ bề.
-          Mưa đâp. Tù-và rên văng vẳng
Hiệu lính tuần kêu trên mặt thành.
[16] Ví dụ, mấy câu sau trong bài Đi cống:
Thầy nho, thầy thuốc bên thầy bói,
Thợ thêu, thợ chạm cùng thợ nề,
Mỗi người đeo một cái khăn gói
Đỏ, buông cương ngựa theo gần xe.
Hoặc mấy câu sau trong Sơn Tinh, Thủy Tinh:
Ào ào mưa đổ xuống như thác,
Cây xiêu, cầu gẫy, nước hò reo,
Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc,
Bò, lợn, và cột nhà trôi theo.
[17] Ví dụ, đoạn tả Sơn Tinh thi tài, vô hiệu hóa sức phá hoại ghê gớm của Thủy Tinh:
Vung tay niệm chú: Núi từng dải,
Nhà lớn, đồi con lổm-ngổm bò
Chạy mưa. Vua tùy con kén chọn.
[18] Hoài Thanh – Hoài Chân, trong Thi nhân Việt Nam dường như khẳng định Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp chỉ “gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh”, và xem đây là nét đặc trưng cho thơ Nguyễn Nhược Pháp (trong sự phân biệt với thời xưa trong lịch sử và trong thơ Huy Thông).
[19] Hoài Nam, trong Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp và nụ cười Mona Lisa, Cann.com, 05/11/2009 cho rằng khái quát của Hoài Thanh chỉ “đúng một phần”, đã phản chứng: thế giới Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp còn có những hình ảnh màu sắc không hẳn vui tươi trong sáng. Song, rốt cuộc, Hoài Nam lại khẳng định cảm nhận của tác giả Thi nhân Việt Nam căn bản là đúng, nhất là khi đọc các bài thơ hay của Nguyễn Nhược Pháp.
Thực ra, cái thời xưa trong thơ Nguyễn Nhược Pháp có âm hưởng, sắc màu phong phú, nhiều khi đối lập tương phản mà thống nhất.
 
[20] Tâm sự – Tố Hữu.
[21] Vua Chiêm Thành.
[22] Cựu hoàng phi của Lạ Đẩu, vua Chiêm Thành.
[23] Bà phi của vua Lê Chiêu Thống.
[24] Xem thêm: Chùa Hương và Sơn Tinh Thủy Tinh cúa Nguyễn Nhược Pháp – những bài thơ kể chuyện “mini”, Nguyễn Thành Thi, Tạp chí Văn hóa dân gian Việt Nam số 2 (128), 2010.
[25] Khái niệm Sử thi/ tiểu thuyết ở đây được dùng để chỉ những tác phẩm văn học mang dáng dấp hay yếu tố sử thi/ tiểu thuyết.
[26] Khái niệm Sử thi/ tiểu thuyết ở đây được dùng để chỉ những tác phẩm văn học mang dáng dấp hay yếu tố sử thi/ tiểu thuyết.
[27] Theo một số nhà nghiên cứu, Sơn Tinh, Thủy Tinh bắt nguồn từ thần thoại cổ về núi Tản Viên nhưng đã được lịch sử hóa thành truyền thuyết. Truyện được gắn vào một thời đại lịch sử, trở thành một truyện quan trọng trong chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng. Nhiều chi tiết tưởng tượng, hoang đường trong truyện liên quan đến công cuộc dựng nước thời cổ đại, thể hiện thái độ của người Việt cổ trước thực tế đó. Sơn Tinh đã thành người anh hùng văn hóa trong nhận thức dân gian.
[28] Truyền thuyết: “Một hôm có hai chàng đến cầu hôn. Một người ở vùng núi Tản Viên có tài lạ : vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi ; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Người ta gọi chàng là Sơn Tinh. Một người ở miền biển, tài năng cũng không kém : gọi gió, gió đến ; hô mưa, mưa về. Người ta gọi chàng là Thủy Tinh.” (Theo bản kể của Huỳnh Lý, có chỉnh sửa để đưa vào Ngữ Văn 6, NXB GD).
 
[29] Bản kể của Huỳnh Lý, Sđd.
[30] Sau này, với cái nhìn sử thi, một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam 1945-1975 cũng viết: Thế này chăng thuở xưa hoang dã/ Chàng Sơn Tinh thắng giặc Thủy Tinh/ Càng dâng nước càng cao ngọn núi/ Chân Trường Sơn đạp sóng Thái Bình (Việt Nam máu và hoa – Tố Hữu).

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529020

Hôm nay

267

Hôm qua

2334

Tuần này

21293

Tháng này

215716

Tháng qua

0

Tất cả

114529020