Nhìn ra thế giới

Câu chuyện phát triển đô thị – Nhìn từ một khu phố London

Bên cạnh những thành công, London cũng có những thất bại trong phát triển và các vấn đề cần giải quyết, mà tất cả đều có thể là bài học kinh nghiệm cho phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị thủ đô tại Việt Nam. Bài viết này nhằm điểm qua một vài vấn đề trong số đó.



Tổng quan

Luân Đôn là thủ đô Vương quốc Anh (United Kingdom) và là thành phố đông dân nhất của Liên hiệp châu Âu, với trên 7,5 triệu dân[1] sống trong khu vực Great London (rộng 1.572km2) và tổng cộng khoảng 12-14 triệu người nếu tính cả vùng phụ cận từ các tỉnh lân cận, hàng ngày đi vào làm việc ở khu trung tâm. Thành phố có 5 sân bay mà Heathrow là cảng hàng không có lưu lượng lớn nhất thế giới[2]. Thành phố có nền móng từ thời La Mã cổ đại, 2000 năm trước, trải qua nhiều thời kỳ phát triển[3] mà nổi bật nhất gần đây là giai đoạn vàng son thời Trung Cổ, cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 19, và nay là quá trình tiếp tục mở rộng và phát triển hướng đến Olympic 2012. Tạp chí NewYork Magazine đánh giá đây là thủ đô của thế giới trong thế kỷ 21 (theo Tom Teodorczuk, Evenning Standard 21.3.2007).

Phương pháp và trình bày

Với thời gian sống và tham gia các hoạt động của London từ năm 2002, tác giả tìm hiểu khu vực này bằng phương pháp quan sát tham gia (participant observation), trao đổi (conversation) và tìm hiểu (understand) liên chủ quan (inter-subjective), kết hợp với tài liệu nguồn để trình bày câu chuyện phát triển đô thị của thủ đô London từ góc cạnh địa phương (community studies) – phường Roehampton thuộc quận Wandsworth, nơi tác giả cư ngụ liên tục từ năm 2004 đến nay. Đây cũng là lối tiếp cận thường gặp trong các khảo sát nhân học văn hóa và xã hội kết hợp (socio-cultural anthropology).

Cuộc sống của tác giả ở London có thể coi là “bình thường” (ordinary commuter), mỗi ngày đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng, mà người Anh hay gọi là “2 busses and 1 train”, tức là đi xe buýt ra bến xe lửa hoặc tàu điện ngầm, vào trung tâm thành phố rồi dùng một xe buýt khác đến chỗ làm việc. Người ta thường tính
[4] thời gian từ lúc ra khỏi cửa nhà đến cổng cơ quan, gọi là door-to-door, với tôi là 35-50’, trong khi có nhiều người chỉ riêng thời gian ngồi trên xe lửa đã là 1h30 đến 2h. London chia thành 6 vùng cơ bản mà nhà tôi là ở vành đai số 3, còn nhiều đồng nghiệp ở tận các tỉnh khác như Kent, Surrey, hay thậm chí thành phố biển như Brighton, cách London khoảng 80km. Chỉ cần có khoảng 2.000USD là có thể mua xe ô-tô, nhưng hầu như không ai dùng để đi làm vì bên cạnh tiền xăng và tắc đường còn phí giao thông ở khu trung tâm 15USD (8 bảng) một ngày và đỗ xe khoảng 4USD (2 bảng) một giờ nếu tìm được chỗ. Nhiều người đi mô-tô và xe đạp, kể cả loại có thể gấp nhỏ đem theo lên xe lửa.

Chỗ ở của tôi thì không thuộc nhóm “bình thường” vì là nhà chung cư, một dạng nhà ở xã hội mà chính quyền xây để cho người nghèo thuê hoặc cấp cho người tị nạn, sau đó bán rẻ cho những ai có khả năng vay tiền ngân hàng (mortgage). Người Anh trung lưu thích ở kiểu nhà phố - tức là mặt tiền hướng ra đường, phía sau có mảnh vườn nhỏ - mặc dù rằng khá nhiều ngôi nhà chia thành nhiều tầng (flat), mỗi tầng là một chủ sở hữu riêng, dù ngăn cách giữa các tầng có thể chỉ là là gác gỗ. Các khu chung cư được xây chủ yếu trong thập niên 1970s-1980s, và thường gắn liền với tiếng xấu về an ninh trật tự. Nhiều ngân hàng từ chối cho vay mua nhà trong chung cư cao quá 6 tầng. Chung cư tôi đang ở cao 10 tầng, nhưng mỗi căn hộ là một kiến trúc nhà hai tầng, nằm trong địa bàn có hàng chục tòa nhà cao, bao quanh là rất nhiều khu dân cư giàu có và rừng công viên.

Tổ chức hành chính

Khoảng 20 tòa chung cư cao tầng với chừng 3.000 cư dân là một trong 5 khu phố – mà cũng là khu vực bầu cử địa phương thuộc phường (ward) Roehampton, trong quận (borough, council) Wandsworth
[5], là một trong 33 đơn vị hành chính của thủ đô London.. Phường của tôi có 12.000 dân cư, được cử ra 3 nghị viên (councillor) đại diện mình trong tổng số 60 nghị viên trong hội đồng quận, mà một người sẽ được cử ra làm chủ tịch, điều hành và đại diện mọi hoạt động của địa phương. Mỗi hộ gia đình sống trên địa bàn quận sẽ phải đóng một khoản thuế gọi là Council Tax mà văn phòng quận sẽ trực tiếp ban hành và sử dụng để duy trì hệ thống giao thông, vệ sinh và các công trình công cộng như thư viện, nhà trẻ và y tế cộng đồng. Khoản tiền thuế đó sẽ được trích một phần để nuôi hoạt động của chính quyền thủ đô London, mà mỗi tháng mỗi căn hộ còn phải góp thêm 20 bảng cho quĩ xây dựng Olympic 2012.

Người nước ngoài sống trên địa bàn quận trên 3 năm sẽ có quyền bỏ phiếu chọn nghị viên, là người sống hoặc làm việc trong khu ít nhất là 6 tháng. Ứng viên tự do cần 10 người ký giấy giới thiệu là chính thức được in tên trên danh sách tranh cử. Hàng tuần nghị viên có giờ trực ở thư viện để người dân có thể gặp mặt. Nghị sĩ quốc hội cũng như vậy, với lịch hàng tháng, kể cả những người đã kiêm thêm nhiệm vụ trong chính phủ như thủ tướng và bộ trưởng. Ranh giới giữa các khu vực bầu cử Council, Great London và quốc hội không đồng nhất cho nên các nhóm chính trị vùng thường phải kết nối với nhau, ví dụ quận Wandsworth có 3 khu vực bỏ phiếu cho 3 nghị sĩ quốc hội khác nhau, liên kết với các vùng lân cận phía đông, còn đại diện ở London thì lại kết nối với Merton, văn phòng đảng Bảo thủ kết hợp với quận Wimbledon
[6]. Các tổ chức xã hội, văn hóa, kinh tế và giáo dục cũng có những liên kết riêng, sẽ được trình bày trong các phần tiếp theo, lồng trong những hoạt động cụ thể, ví dụ như bắt đầu từ hoạt động bảo tồn rừng.

Bảo tồn rừng công viên

Một trong số những lý do khiến nhiều người chọn về sống ở khu Roehampton là lượng cây xanh bao quanh. Nhìn trên bản đồ bạn sẽ thấy mật độ thiên nhiên trong khu vực là rất lớn: cánh phía Wimbledon&Putney Commons rộng chừng 460 héc-ta với nhiều hồ nước, sân golf và giải tennis nổi tiếng, cánh bên Richmond Park gần 1.000 héc-ta với hàng trăm con hưu và nai từ thời vua Charles đệ nhất (thế kỷ 17) dành làm khu săn bắn, cùng khuôn viên đại học Roehampton và nhiều sân cỏ chơi thể thao của quận, thành phố và các khu nghỉ dưỡng, bệnh viện và ngân hàng Anh quốc. Cư dân từ các phường và quận tiếp giáp với khu rừng nai như Roehampton, Putney, Sheen, Richmond, Kingston lập hội bảo tồn thiên nhiên để cùng nhau chăm sóc di sản văn hóa và môi trường sống. Hội những người bạn
[7] của Richmond Park chỉ đơn giản là tổ chức gặp mặt và cùng nhau đi dạo trong rừng theo định kỳ, bên cạnh các buổi tìm hiểu về lịch sử, cây cối và động vật hoang dã. Họ có thể đòi quyền lợi kinh tế như vé rẻ để sử dụng sân golf, thuê ngựa, vận động chính quyền địa phương về việc không thu tiền parking, mở thêm các lối đi bộ để tiện vào rừng, liên kết với các hội viết sử địa phương[8] trong các vùng lân cận để mở rộng giáo dục, hay chỉ đơn giản là giúp các thế hệ có cơ hội gặp nhau, giúp người già đỡ bị cô đơn và cô lập trong xã hội, còn thanh niên biết quí trọng môi trường sống và các di sản lịch sử. Mối quan hệ liên hội đó còn nối sang nhiều tỉnh khác của nước Anh hoặc thậm chí tận Na-uy, vì trong công viên có loài chim Skylark, nằm trong danh sách bảo vệ của thế giới và được nhiều người dân châu Âu quan tâm. Cũng cần chú ý là những hoạt động vừa kể dù có liên kết nhưng độc lập với công việc của ban quản lý công viên[9], vốn là tài sản của hoàng gia Anh. Cánh rừng Wimbledon&Putney Commons cũng có các hội riêng như Người quan sát[10], Cư dân[11], và Di sản[12]. Các tổ chức này chính là nơi lưu trữ, kết hợp và phát triển nguồn tri thức để tham gia quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách của chính quyền địa phương lẫn trung ương.

Khu phố văn hóa

Nếu những tổ chức bảo tồn rừng và tìm hiểu lịch sử như vừa kể có thể được coi là dành cho những người nhàn rỗi có nơi tụ họp, thì trong khu dân cư còn nhiều hội khác đem lại lợi ích rất thiết thực, cùng hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng. Trong quận Wandsworth có khá nhiều khu đất cho người làm vườn thuê với giá 20 bảng (40USD) một năm, tự trồng các loại rau quả để ăn, đem cho, hoặc thậm chí đem bán. Phường Roehampton có một hội những người làm vườn
[13], đã hoạt động được trên dưới 100 năm, mà nay lại mới có thêm một hội làm vườn theo hướng tận dụng môi trường EcoGarden, liên kết những gia đình trồng rau gia vị và cả các loại cây leo trên ban công. Hội còn có hai nhà kính và một khu vườn chung. Trong những bữa tiệc trà truyền thống, người ta chia sẻ kinh nghiệm cho dưa chuột leo lên giàn gỗ bên cửa sổ, vừa làm cảnh, vừa có quả để ăn. Một người khác chỉ kinh nghiệm đấu tranh với quận để giữ quyền làm vườn trong vùng đất bị bỏ sót trong qui hoạch làm bãi cỏ và trồng cây công cộng. Hàng quí, các nhóm hội khác nhau tổ chức họp mặt trong chương trình gọi là Roehampton Partnership, có đủ đại diện từ ủy ban quận, hiệp hội các doanh nghiệp trong phường, các nhà trẻ, trường học và trường đại học Roehampton, y tế, cảnh sát và linh mục từ nhà thờ trong khu. Người dân ai có thời giờ đều có thể đến nghe và phát biểu, không khí cởi mở, địa điểm đẹp, cà phê nước ngọt miễn phí. Cuộc họp quí hai vừa rồi được tổ chức trong tòa nhà ban giám hiệu trường đại học Roehampton, nhìn ra sân bóng và thung lũng rừng Richmond Park đang vào hè. Cuộc họp sau sẽ tổ chức ở quần thể sân tennis và hệ thống thể thao giải trí của Bank of England, cũng là một đơn vị có mặt trên địa bàn phường và cùng tham gia các hoạt động của Partnership. Những cuộc họp như vậy rất phù hợp với người trưởng thành, có quan tâm và muốn đóng góp cho sự phồn vinh và phát triển của phường. Đó cũng là cầu nối cho những người hoạt động vì các vấn đề nhỏ hơn ở mức một khu phố, tổ dân phố hay một tòa chung cư. Khu nhà tôi ở có ai đó nuôi chó, đái trong thang máy không chịu dọn. Thế là một cư dân đi gõ cửa từng nhà thu thập chữ ký để yêu cầu chính quyền có biện pháp nặng tay. Một khu nhà có nhiều an-ten điện thoại di động, người dân cũng đi vận động phản đối. Nhưng có những vấn đề chỉ cần liên hệ trực tiếp. Ví dụ chuyện cửa ra vào hay bị trẻ con đập kính, tôi hỏi cụ thể với nghị viên, người này đặt câu hỏi với người phụ trách khu nhà tôi đang sống, và khi có câu trả lời thì chuyển lại cho tôi, hỏi xem như vậy đã thỏa đáng chưa. Rất nhiều cán bộ quản lý của quận khi nhận nhiệm vụ mới trong khu đều gửi thư đến từng hộ gia đình, tự giới thiệu và để lại số điện thoại và email liên lạc. Mỗi công việc, ví dụ như sửa chữa chung trong khu, đều có mẫu thư nhận xét, phản hồi về công việc vừa rồi, gửi đến từng nhà xin góp ý, phong bì có sẵn tem. Người dân cũng có thể tham gia ban quản trị một số cơ sở y tế và giáo dục như bệnh viện Kingston[14], các trường học trong quận[15], trực tiếp tham gia điều hành về mặt chính sách và thanh tra hoạt động của các đơn vị đó.

Khi cần thì các hoạt động dân sự như vừa kể trên có thể liên kết với hệ thống chính trị địa phương hoặc trung ương. Những người quan tâm đến di tích lịch sử là một tòa lâu đài từ thế kỷ 17 bị bỏ hoang ở Roehamton vận động chính trị gia Stuart King
[16] - đang là ứng viên nghị sĩ quốc hội của đảng Lao Động - để tìm nguồn phục chế và sử dụng cho lợi ích cộng đồng. Phân đảng Bảo thủ - đảng thắng hết cả ba ghế nghị viên của phường - thì thường gặp nhau ở Telegraph Inn, một quán rượu rất đẹp cũng là di sản văn hóa thời Tiền Công nghiệp, nằm giữa khu rừng nhỏ Putney Heath. Đại biểu quốc hội Justine Greening[17] cũng tích cực tham gia các buổi tiệc đứng và thi đấu cricket để mở rộng quan hệ trong khu vực. Với một mạng lưới các mối quan hệ dân sự, xã hội và chính trị như vậy, những dự án từ mức phường như xây dựng khách sạn, mức quận như xây dựng khu trung tâm thương mại mới, mức thành phố và trung ương như mở rộng sân bay Heathrow đều được “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Hình thức dân chủ cơ sở này không chỉ đơn giản là một mô hình chính trị mà như vừa mô tả, còn là kênh liên lạc để giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích kinh tế, chính trị và quyền lực ngay từ giai đoạn sơ khai, hoặc sẽ là phương tiện giải quyết xung đột quyền lực nếu có. Đây cũng là nét nổi bật của bản sắc văn hóa truyền thống Anh.

Giáo dục

Chính quyền địa phương cấp ngân sách cho rất nhiều hoạt động giáo dục khác nhau. Trước hết là mạng lưới thư viện. Tại một thư viện nhỏ như phường tôi ở đã có đủ các đầu sách cho sinh viên năm thứ nhất của các ngành xã hội, triết học, sử địa, sinh-lý-hóa, pháp lý, tin học, kỹ thuật, ngữ văn, kinh tế… bên cạnh tiểu thuyết, sách du lịch và các loại tạp chí, đĩa nhạc, phim video. Thư viện khu Putney có thêm các đầu sách dành cho bậc nghiên cứu sinh tiến sĩ, ví dụ như sách hướng dẫn nghiên cứu và viết luận văn, hay một kho sách nhạc cổ điển mà thư viện một vài trường nhạc ở Việt Nam có thể không nhiều và đa dạng bằng. Các thư viện ở London liên kết với nhau, cho nên hầu như bạn có thể đọc được bất kỳ quyển sách nào cần tìm. Khi truy cập, mạng điện tử sẽ chỉ cho bạn biết sách đó đang nằm ở đâu, kệ sách số bao nhiêu, đi đến thư viện đó bằng cách nào. Bạn cũng có thể điền form yêu cầu gửi sách đó về thư viện khu mình để mượn về nhà đọc thêm, kể cả các sách đang lưu trữ trong thư viện quốc gia.

Các thư viện hầu như đều có khu riêng dành cho trẻ em. Con nít dưới một tuổi hàng tuần có các lớp nghe cô giáo hát ru, một phần để các bà mẹ trẻ học hát tiếng Anh, vì ở London có chừng 50% trẻ em gốc nước ngoài. Trẻ biết đọc truyện tranh thì hàng tuần có lớp nghe kể chuyện. Trẻ lớn hơn có các cuộc thi đọc truyện và đọc sách, với những nhóm sinh hoạt đều đặn. Hệ thống nhà trẻ cũng tổ chức các buổi cho trẻ làm quen với đồ chơi thông minh, cho mượn về nhà, kèm theo các lớp huấn luyện cho các bà mẹ về phương pháp dạy con thông minh. Tất cả đều miễn phí vì ngân sách lấy từ quận. Ngoài ra có những lớp năng khiếu mà quận tài trợ một phần: ca, múa, nhạc, thể thao, ngoại khóa… Xin lưu ý là tất cả những hoạt động vừa kể, bên cạnh cơ sở hạ tầng và vệ sinh, đều lấy từ ngân sách trực tiếp của quận là Council Tax và tiền kiếm được từ cho thuê bất động sản và phí giấy phép bán rượu, mà ủy ban quận hoạt động như một đơn vị hành chính sự nghiệp.

Trong quận Wandsworth có trường cao đẳng South Thames College chuyên về dạy nghề và tiếng Anh cho sinh viên dự bị nước ngoài, cùng đại học Roehampton nổi tiếng và trường mỹ thuật Putney Art. Chính quyền quận cũng khuyến khích các trường trên địa bàn mở các lớp buổi tối, giảm giá cho cư dân trong quận, dạy từ các khóa ngoại ngữ, văn hóa ẩm thực cho đến lịch sử và thẩm định mỹ thuật, làm phim, máy tính hay tư vấn tâm lý, y tá và giáo viên cấp cơ sở.

Dự án Olympic 2012

Ở tầm thành phố thì chính quyền thủ đô London thường hướng đầu tư và phát triển theo những dự án lớn, như hiện nay là công trình Olympic 2012. Trước đây London từng thành công khi phát triển khu cao ốc văn phòng mới ở Canary Wharf
[18]. Do khu tài chính Square Mile ở City of London[19] đã kín chỗ cho nên họ quyết định xây dựng một khu tài chính mới ở khu đất trước đây là nhà kho, bến bãi và cảng sông, nay gần như hoang phế. Đầu tiên là hệ thống đường tàu điện trên không – Docklands Light Railways[20]. Sau đó những tòa nhà kính thi nhau mọc lên, cứ sáu tháng một nhà tính từ ngày đặt móng đến ngày hoàn tất phần vỏ. Chỉ trong vòng 3 năm mà toàn bộ khu Docklands thay đổi đến không thể nhận ra. Hàng chục tòa cao ốc sáng rực về đêm với tòa tháp HSBC trở thành biểu tượng mới của London, mà ngay cửa ga tàu điện ngầm là văn phòng hãng tin Reuters, bao quanh là đủ mặt các ngân hàng và định chế tài chính thế giới.

Lần này khu Olympic Park sẽ giúp phát triển khu vực phía đông London, nặng về mục tiêu nâng cao hoạt động thể thao, văn hóa và giải trí cho dân cư trong vùng và cả thủ đô. Trước hết đó là công trình xây dựng
[21], nguồn tiền đầu tư một phần từ ngân sách và tiền thuế của dân chúng, giải quyết việc làm cho rất nhiều người. Về lâu dài thì đây sẽ là khu sinh thái qui mô nhất châu Âu trong vòng 150 năm trở lại đây, với nhiều loại cây bản địa và nơi sống cho thú hoang dã ngay giữa lòng thành phố. Ngay trong quá trình xây dựng, hàng năm dự án Olympic 2012 vẫn tổ chức nhiều sự kiện để duy trì mối quan tâm của người dân trong vùng và trên toàn nước Anh. Lễ hội năm nay diễn ra trong ba ngày 24-26.7.2009, qui tụ 700.000 người tham gia 655 sự kiện lớn nhỏ khác nhau.

Trong khuôn khổ của dự án Olympic 2012, nhiều tổ chức và hội đoàn cũng đầu tư xây dựng các khu dân cư, ví dụ như dự án làng Việt Nam của hội An Việt
[22]. Thiết kế dự tính sẽ khắc họa những nét văn hóa nổi bật của Việt Nam như Quan họ Bắc Ninh và những di sản vật thể như kiến trúc nhà sàn của người Tày-Nùng, tháp chàm Chămpa, nhà rông Tây Nguyên… trong khu vực diện tích 125.000m2. Khu tổ hợp thương mại gồm 200 văn phòng, khách sạn 100 phòng, căn hộ cao cấp, trung tâm thể thao, khu kinh doanh và ẩm thực bố cục đối xứng qua một quảng trường nằm giữa. Khu tín ngưỡng chủ yếu là chùa Phật giáo. Khu văn hóa dân gian sẽ có sân khấu ngoài trời với 500 chỗ ngồi. Các cộng đồng sắc tộc ở London cũng có những dự án tương tự, ví dụ khu Hồi giáo với số vốn dự tính khoảng 300 triệu bảng Anh.

Tuy vậy, bên cạnh dự án thành công như Canary Wharf, London cũng có nhiều dự án thất bại hoặc đang gặp khó khăn, ví dụ như nguy cơ phá sản của công trình thế kỷ Millenium Dome, hay kế hoạch phát triển sân bay Heathrow. Để tiếp tục phát triển bền vững, cảng hàng không bận rộn nhất thế giới này cần xây thêm một đường băng, nhưng dân cư các phường và quận huyện xung quanh đã liên kết phản đối. Câu chuyện vượt khỏi tầm thành phố và lên đến mức trung ương. Quốc hội phải mở phiên điều trần và lập các ủy ban nghiên cứu chuyên sâu. Lợi ích kinh tế phải được cân nhắc bên cạnh các yếu tố về di sản, văn hóa, cuộc sống cộng đồng và quyền lợi cá nhân của mỗi cư dân.

Kết luận sơ bộ

Thủ đô London của Anh quốc là mô hình phát triển theo qui hoạch quận huyện. Không có cơ quan hành chính cấp phường xã. Văn phòng ủy ban quận là cơ quan hành chính sự nghiệp và chính trị cơ sở, giải quyết hầu hết tất cả mọi vấn đề có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của cư dân: từ hạ tầng, vệ sinh, giáo dục, y tế cho đến trợ cấp xã hội, giúp và phát triển các cộng đồng người nước ngoài, lễ nhập quốc tịch… Cơ quan hành chính toàn thành phố thiên nhiều về chính trị và quan hệ đối ngoại, mọi dự án phát triển đều phân cấp thực hiện về mức quận huyện. Ngay cả cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố cũng tập trung về một quận là City of Westminter
[23], hay trung tâm tài chính quốc tế có thiên hướng nằm gọn trong khu vực City of London. Người dân Anh có xu hướng sống và sinh hoạt trong khu village hay town của mình, ngăn cách gia đình và công việc bằng tuyến giao thông nội thành hoặc liên tỉnh. Quá trình phát triển và mở rộng London bước cùng nhu cầu lịch sử kinh tế và xã hội. Đây là mô hình tiêu biểu để đối chiếu với các thành phố – thủ đô được thiết kế tổng thể (grand-design) như Brasilia[24], Mátxcơva và Warszawa.

Một trong số các bí quyết “phát triển bền vững” của London là sự xuyên suốt từ địa phương ở cấp tổ dân phố, phường xã lên đến trung ương thông qua hệ thống các tổ chức xã hội, vừa lâu đời, vừa được lập mới để phù hợp với xã hội đương đại và các mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp. Trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp và các cơ sở văn hóa liên kết chặt với cộng đồng, không chỉ để giải quyết và khai thác nguồn lực lao động và quan hệ, mà còn cùng nhau xây dựng hướng phát triển. Mối liên kết này có thể mở rộng ra các vùng miền và quốc gia khác. Bản sắc London và Anh quốc qua đó cũng được đặt nền tảng trên lịch sử phát triển có đến 2.000 năm của khu đô thị này.

Đó là hai kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu và tận dụng từ bài học phát triển của London. Đây có thể là đề tài khảo sát cho sinh viên cao học, chuyên gia và cán bộ kết hợp đi công tác, thăm thân, hay học tiếng Anh ở London để tiếp xúc và thu lượm số liệu, quan sát, phỏng vấn và nghiên cứu trong khoảng thời gian từ một tuần đến ba tháng, tùy yêu cầu và điều kiện tài chính của đề tài. Các lĩnh vực nghiên cứu cũng rất đa dạng và liên ngành: qui hoạch, kinh tế, tài chính, doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội, lịch sử, địa lý, môi trường, di dân, hành chính, luật pháp và bản sắc dân tộc, hội nhập, bảo tồn và phát triển…

[1] Con số thống kê quốc gia theo Office for National Statistics, tháng 2.2009, có thể truy cập từ trang mạng của Ủy ban hành chính London Government Office for London http://www.gos.gov.uk/
[2] Ví dụ theo ghi nhận từ Văn phòng các cảng hàng không quốc tế http://www.aci.aero/
[3] Nhiều chi tiết và câu chuyện nổi bật được ghi nhận ở Bảo tàng London http://www.museumoflondon.org.uk/
[4] Trang mạng của hệ thống giao thông công cộng London http://www.tfl.gov.uk/ có thể giúp hướng dẫn đường đi và ước tính số thời gian cần thiết.
[5] Trang dịch vụ điện tử ở địa chỉ http://www.wandsworth.gov.uk/. Cần chú ý rằng City of London cũng là một đơn vị như vậy, nằm ngay trung tâm, trang dịch vụ điện tử ở địa chỉ http://www.cityoflondon.gov.uk/
[6] Chi tiết từ cuộc bầu cử nghị viện châu Âu năm 2008 cũng được tác giả mô tả trong một số bài viết:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/aboutuk/2009/06/090605_eu_election.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/aboutuk/2009/06/090604_eu_election_grassroot.shtml
[7] Friends of Richmond Park http://www.frp.org.uk/
[8] Viết sử địa phương là hoạt động phổ biến ở nước Anh, có thể tìm hiểu thêm qua trang mạng http://www.bbc.co.uk/history/trail/local_history/, hoặc loạt chương trình do tác giả từng biên soạn cho chương trình BBC tiếng Việt http://www.bbc.co.uk/vietnamese/programmes/story/2004/12/history_skill.shtml
[9] Liên lạc qua trang mạng ở địa chỉ www.royalparks.org.uk/parks/richmond_park
[10] http://www.wpcc.org.uk/
[11] http://www.wimbledonpark.com/
[12] http://www.wphg.demon.co.uk/
[13] Roehampton Garden Society: http://www.roehamptonallotments.co.uk/
[14] http://www.kingstonhospital.nhs.uk/
[15] Hội đồng “phụ huynh” trong trường được gọi là Governor, cho phép một số người dân bình thường tham gia, không nhất thiết phải là phụ huynh học sinh trong trường, xem thêm ở trang hướng dẫn của chính phủ http://www.governornet.co.uk/
[16] Văn phòng mạng ở địa chỉ http://www.stuartking.net/
[17] Văn phòng mạng ở địa chỉ http://www.justinegreening.co.uk/
[18] Chi tiết có thể đọc thêm trên trang http://www.canarywharf.com/
[19] http://www.cityoflondon.gov.uk/
[20] Trang mạng ở địa chỉ www.tfl.gov.uk/dlr
[21] Các thông tin cập nhật mới nhất về dự án ở văn phòng ảo http://www.london2012.com/
[22] Có văn phòng trên mạng Internet ở địa chỉ http://www.anvietuk.org/
[23] Văn phòng ảo ở địa chỉ http://www.westminster.gov.uk/
[24] Một số ảnh chụp kiến trúc qui hoạch của Brasilia của tác giả được giới thiệu trên trang BBC tiếng Việt tại địa chỉ
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/inpictures/story/2008/05/080507_brasiliagallery.shtml

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114521166

Hôm nay

2243

Hôm qua

2291

Tuần này

22207

Tháng này

219105

Tháng qua

121009

Tất cả

114521166