Non nước Việt Nam

Festival Huế 2002 - Từ một góc nhìn

[Đăng lại nhân Festival Huế 2014].

“Huế là một thành phố đã biết sống nhờ hương hoả”, câu nói đầy ý vị và sâu xa đó là của anh Nguyễn Văn Tâm, một giáo viên người Quảng Trị công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên, hiện đang theo học cao học tại trường Đại học Sư phạm Huế, nói với tôi trong lúc cùng ngồi nhàn đàm tại quán cóc bán nước mía ở Huế, chờ thành phố sáng đèn để trẩy hội vào Ngọ Môn đón giờ Festival Huế 2002 khai mạc và đăng quang. Hơn lúc nào hết, lòng chúng tôi lúc này dâng lên thấm thía vô bờ niềm cảm ơn ông cha đã để lại một di sản vang bóng, một hương hoả nồng đượm cho người Huế thay mặt cả nước giữ gìn, gánh vác, khai thác, tạo sức lan toả và phát sáng của vẻ đẹp di sản Huế.

“Đêm thấy ta là thác đổ”

Giờ Festival Huế 2002 đăng quang đã điểm. Từ Ngọ Môn, những chùm tia sáng màu xanh huyền ảo đã phóng chiếu lên bầu trời đêm biếc của Huế, khiến cho cả trời Huế lung linh như có phép màu. Nếu không như thế sao có nhiều em nhỏ chen chúc quanh tôi trên đường đến Ngọ Môn cứ mê mải trầm trồ trước những chùm sáng lung linh: “Ồ! Tia la-ze”. Tôi chợt tức cười và không nỡ cãi các em, dù chỉ là cãi thầm, vì sợ làm tan đi cái ý nghĩ thơ ngộ của các em. Tia la-ze, tia huyền ảo, nhiệm màu nào thì cũng thế, cùng giống nhau ở chỗ: đều là những tia không thấy được vào những lúc bình thường. Hoá ra, các em cũng có lý đấy chứ. Cả thành phố, người đi bộ đông hơn người đi xe, do vậy xe cộ phải chạy chậm hơn, vì còn nhường đường cho người đi bộ. Lâu lắm rồi, kể cũng đã mười bốn năm rồi, tôi mới lại “được đi bộ” trên đường phố Huế một quãng dài như vậy, từ bờ Nam sang bờ Bắc sông Hương, vào Ngọ Môn, đi bộ như cái thời còn là sinh viên khó nghèo ở Huế, tôi đã từng bươn bả, tất tả đi. Cái cảm giác thích thú, làm vơi đi mệt nhọc bộ hành mà tôi hằng có thuở sinh viên, những lúc cuốc bộ trông cho chóng đến thư viện trường đại học để được lần giở những bộ sách quý, cái cảm giác phấn hứng đó tôi đã thấy lại được khi đêm Ngọ Môn mở ra những trang đầu của một Festival hấp dẫn. Trên không gian quảng trường Ngọ Môn, từ đền đài đến cỏ cây đều phát sáng, làm thức dậy hồn xưa di tích trong hào quang hiện đại của Huế thời đổi mới. Trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật hoành tráng trước Ngọ Môn, có trống hội Thăng Long ngàn năm văn vật vang vọng hào sảng, có tiếng đàn tơ-rưng Tây Nguyên trong trẻo, trữ tình, có những cánh diều chở đầy ước mơ cổ tích của các em thơ bé bỏng đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Xâu chuỗi các lớp diễn nghệ thuật, tôi đọc ra một thông điệp nói về tính kế tục, tiếp nối giữa các thế hệ. Có lớp người cây cao bóng cả nâng đỡ cho những cánh diều tuổi thơ. Tôi chỉ thầm ước một điều rằng, giá mà đêm khai mạc hội tụ thêm nhiều lớp diễn các lễ hội đặc sắc của ba miền Bắc-Trung-Nam để làm nổi rõ hơn nữa cái bản sắc văn hoá dân tộc đậm đà. Và tôi còn ước thêm một điều rằng trên quảng trường Ngọ Môn rộng rãi, bên những người ngồi trên khán đài và những người ngồi trên các dãy ghế nhựa, có nhiều lớp người phải đứng sát sạt bên nhau toát mồ hôi cùng kiễng chân ngước cổ mới dõi theo được các màn diễn ngoạn mục trên sân khấu, giá mà những lớp người này cũng có chỗ ngồi, hẳn là không gian Ngọ Môn sẽ thoáng đãng hơn, bớt cảnh chen chúc chật chội. Dĩ nhiên, những người đứng không xem trực tiếp trên sân khấu được thì xem qua những màn hình lớn truyền trực tiếp được dựng trên sân bãi, nhưng đêm Ngọ Môn sáng loá đã làm vơi nhạt đi ít nhiều những hình ảnh trên màn hình. Nhưng tôi lại thầm nghĩ, những Festival đầu tiên chưa thể quá cầu toàn.

Đường phố Huế lúc đón giờ khai mạc Festival dẫu đông người nhưng còn dễ đi, lúc đêm khai mạc kết thúc, hàng ngàn người từ Ngọ Môn đã ùa ra chật cứng các cửa thành nội, khiến cho việc đi lại càng khó hơn. Dòng người dường như không đi nữa mà chảy dần dần, mà tuôn dần dần, trào dần dần từ Ngọ Môn ra các ngả đường phố Huế, qua cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền. Cùng chảy miên man trong dòng người bất tận đó, bất chợt từ trong tận cùng tâm cảm của tôi bỗng vẳng lên câu hát mộng mị vang ngân: “Nhiều đêm thấy ta là thác đổ, tỉnh ra có khi còn nghe”(Đêm thấy ta là thác đổ-Trịnh Công Sơn). Trên hình hài uốn lượn diễm lệ của cầu Trường Tiền những đêm hội Festival, ánh sáng phủ lên chảy tràn như thác, với nhiều sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng. Cầu Trường Tiền liên tục đổi màu như một thiếu nữ kiêu sa thay nhiều lần áo mới nhưng trong thẩm cảm vốn hạn hẹp và đầy chủ quan của tôi, tôi vẫn ước giá mà cầu Trường Tiền được pha bớt đi những màu gắt, chỉ để lại những màu dìu dịu, như thế mới hợp với nữ tính của dòng Hương, “Con sôngdùng dằng con sông không chảy” (Thu Bồn). Chẳng hạn, màu tím cần được đặc tả hơn trên hình hài cầu Trường Tiền, cần được pha sáng hơn để không bị chìm đi trong màu thẫm của đêm. Từ đó, Huế vốn đã đẹp trong những chiều tím, Huế càng điệu đàng, duyên dáng hơn trong những đêm tím. Xứ Huế chính là nơi ở tuyệt vời của “nhân loại tím” (nói theo ngôn ngữ của nhà thơ Trần Dần). Ý tưởng đưa thời trang áo dài Việt Nam ra biểu diễn trên cầu Trường Tiền là một ý tưởng đẹp và thơ, táo bạo và lãng mạn. Giá mà đêm diễn có thêm nhiều người mẫu chuyên nghiệp hơn, có thêm nhiều thiếu nữ Huế đẹp hơn, đẹp đến nhói lòng khán giả trong “nỗi đau tình cờ” mới xứng với cái ý tưởng lãng mạn đáo để đó.

Lang thang với Festival Huế 2002, cái lăng kính nhân bản cần phải luôn luôn có của một người cầm bút khiến tôi cứ trăn đi trở lại với một câu hỏi: đại đa số những người lao động, nhất là những người lao động nghèo họ thụ hưởng được gì từ Festival, khi túi tiền mỏng của họ còn “bất cập” với giá vé Festival? Có người bảo giá vé Festival lần này đắt, đắt hơn lần trước (vé xem áo dài Minh Hạnh là 70.000 đồng). Có người bảo giá vé như thế là tương ứng với giá trị phong phú của các chương trình mở ra, nào biểu diễn Kinh kịch Trung Quốc, nào múa Ea Sola (Pháp-Việt), nào vũ kịch Nhật Bản, nào Royal de Luxe (Pháp)...Tôi không luận bàn giá vé đắt rẻ, tôi chỉ mong sao càng ngày càng có nhiều người lao động mua được vé xem Festival. Trong khi chưa mua được vé Festival, những người lao động nghèo nhờ được gì ở Festival? Trong một đêm khuya ở Huế, sau khi đã cùng người Huế sống những “đêm thấy ta làthác đổ” trở về, tôi tạt vào một quán bán cơm hến, bún hến ở số 4, Trương Định, Huế. Vừa nhấm nháp cái vị cay cay, bùi bùi của bún Huế, tôi vừa tranh thủ bắt chuyện với anh chủ quán:

- Quán mình bán có đắt khách hơn ngày thường không anh và hơn thì hơn mấy lần?  

- Đắt khách hơn cả ngày Tết - Chủ quán phấn khởi trò chuyện - Tính ra, tôi bán gấp 2, gấp 3 lần ngày thường và không đủ sức để phục vụ, đôi khi đành phải từ chối khách.

- Sao anh không thuê thêm người phục vụ?

- Thêm người phục vụ thì phải trả thêm tiền công. Tính ra cũng từng đó, chi bằng mình gắng sức vậy.

À ra đấy là cách tính năng nhặt chặt bị, lấy công làm lãi của hộ kinh doanh nhỏ. Trong một lần khác, lúc tôi đang dựng xe trước một hiệu ảnh trên đường Hùng Vương chờ một anh bạn người Huế tráng ảnh nhanh về Festival, có mấy anh làm nghề lái xích lô kiêm thêm việc dẹp trật tự đường sá đến hướng dẫn tôi dắt xe dựng sâu trong đường hẻm. Được tôi hỏi chuyện về những thu nhập bất thường do Festival mang lại cho cánh xe thồ, anh Hoàng Trọng Tiến, một lái xe xích lô tâm sự: “Ngày thường, chúng tôi kiếm được từ 20-25 ngàn đồng. Nhờ khách Festival đông, chúng tôi kiếm được 50 ngàn đồng/ngày”. Tôi hỏi thêm: “Các anh có đi xem Festival được không?”, anh Vĩnh Cương, một lái xe xích lô đứng cạnh cười đáp: “Giá vé Festival lần này tăng, đi xem cũng hơi bị sợ vợ...rằn. Gắng mà chạy nhiều chuyến để vợ đỡ...rằn”. Vậy là hiệu quả Festival mang lại thấy rõ nhất, ngoài việc làm vinh danh tiếng tăm văn hoá Huế trên trường quốc tế (cũng có nghĩa là làm kinh tế bằng văn hoá) còn có việc tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo thêm thị trường dịch vụ cho các nhà kinh doanh. Vào hội chợ Festival Huế 2002 mở tại công viên Thương Bạc, có cảm giác như bị vây bủa bởi cơ man các chủng loại hàng hoá, hầu như gian hàng nào cũng khuyến mãi bằng cách thưởng cho người mua nhiều hàng. Hàng Quảng Trị tham gia tại hội chợ này, món truyền thống có rượu Xika Kim Long (có chai ghi giá đến 50 nghìn đồng/chai), món đầu tư nước ngoài có nước uống tăng lực Super Horse sản xuất tại Khu thương mại Lao Bảo. Đáng chú ý, tại hội chợ có mặt hàng được tiếp thị ngay bằng cách tặng hàng mà không đòi hỏi phải mua hàng trước đã. Vừa chìa vé cho người xé vé tại cổng hội chợ, bạn sẽ được người soát vé đưa cho một tấm phiếu, mặt sau có ghi chú mấy dòng rằng hãy đến gian hàng bột giặt “Vì Dân” để nhận quà tặng. Cầm tấm phiếu này, tôi đã đến gian hàng của Công ty bột giặt và hoá mỹ phẩm Vico, Hải Phòng để được nhận tặng một gói bột giặt cao cấp nhãn hiệu “Vì Dân”, trên gói bột giặt còn ghi thêm một câu: “Phục vụ nhân dân là chính”. Vì không phải là phụ nữ nên tôi không rành lắm về chất lượng bột giặt này, duy hai chữ “Vì Dân” quả là đầy ấn tượng. Vâng, hãy Vì Dân bằng hành động thiết thực nhất. Và Festival Huế 2002 là một nghĩa cử văn hoá Vì Dân một cách cao cả và hiệu quả.

*Không gian Lê Bá Đảng và những pho sách Hoàng Phủ Ngọc Tường

Ngoài không gian lễ hội cộng đồng, không gian biểu diễn nghệ thuật, không gian hội chợ thương mại, tại Festival Huế 2002, đặc biệt, tôi đã được đi về với một không gian không ồn ào, náo nhiệt nhưng đấy ấn tượng lắng sâu. Đó là không gian triển lãm các tác phẩm mỹ thuật của danh hoạ Lê Bá Đảng và không gian gặp gỡ, giao lưu với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đó là không gian của trí thức, những người làm nên cái hay, cái đẹp cho đời. Dân tộc ta vốn có truyền thống coi trọng trí thức, nên mới có câu: “Nhất sĩ, nhì nông”. Festival Huế 2002 đã theo đúng mạch nguồn truyền thống ấy.

Các tác phẩm mỹ thuật trứ danh của hoạ sĩ Lê Bá Đảng được trưng bày ở một không gian sang trọng và cao quý đặc biệt mà Ban tổ chức Festival Huế 2002 đã giành cho, đó là không gian tầng một của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế. Có thể chia các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày này theo hai mảng chính: mảng các tác phẩm lấy cảm hứng từ cội nguồn, lịch sử dân tộc, từ chiều sâu văn hoá Á Đông...và mảng các tác phẩm với chất liệu giấy vẽ rất mới, với kỹ thuật vẽ, kỹ thuật tạo hình và cách nhìn rất mới, tạo thành “không gian Lê Bá Đảng”.

Trong hàng loạt những tác phẩm về cội nguồn dân tộc, về lịch sử đất nước, về văn hoá Á Đông như: Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bấtkhuất (1973), Đất nước (1976),Hạt gạo Trường Sơn (1996),Đi tìm bước chân Giao Chỉ (1983)vàChân Giao Chỉ (2002),Thiền (2002)...tôi đặcbiệt chú ý đến một bức tranh khổ lớn, xuất hiện khá sớm từ năm 1965, đó là bức “Hậu quả chiến tranh”. Trên bức tranh bi thương này, hoạ sĩ vẽ một đoàn người toàn là phụ nữ và trẻ con bị vây bủa bởi lưới lửa của bom giặc đang thiêu đốt làng mạc quê hương. Phụ nữ và trẻ con là những nạn nhân thảm thương nhất của chiến tranh nên đã được hoạ sĩ chú ý đặc tả, dưới một cái nhìn chia sẻ đầy tính nhân đạo. Tương phản với màu lửa cháy hung tàn, hoạ sĩ vẽ lên cái màu trời xanh thắm bình yên ngày nào trên đầu bao phụ nữ và con trẻ. Và tôi đã dừng lắng lâu hơn với bức tranh này, khi được nghe hoạ sĩ xúc động tâm sự: “Bức tranh này tôi vẽ trong thời kỳ còn nghèo khó, thiếu thốn. Hồi đó, có lúc tôi không kiếm đủ màu để vẽ”. Không chỉ vẽ cái bi thương, danh hoạ Lê Bá Đảng còn vẽ nhiều về sự kiên cường của dân tộc đánh giặc. Những bức “Phongcảnh bất khuất” đã khắc hoạ về con đường huyền thoại Hồ Chí Minh rất chân thực, sống động, dù hoạ sĩ chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng (do lúc này đất nước còn chiến tranh, hoạ sĩ ở Pháp chưa có điều kiện về nước được). Bên những mảng màu tối, những đường nét khúc khuỷu, gấp gãy vẽ nên sự hiểm trở, chông gai của địa hình Trường Sơn, hoạ sĩ kẻ nên một con đường đỏ thắm đi xuyên qua, đấy là hình ảnh về “conđường máu” đánh giặc thống nhất đất nước. Trên tranh, hoạ sĩ còn tạo dáng những mái lán, trại của những người vượt Trường Sơn. Cảm hứng về Trường Sơn, về quê hương cứ cháy lên khôn nguôi trong khát vọng sáng tạo của danh hoạ, thể hiện gần đây qua một loạt tác phẩm “Hạt gạoTrường Sơn” được nặn bằng gốm, bằng đất nung. Những hạt gạo này có cái tròn, có cái méo, trên mình hạt gạo có “không gian Lê Bá Đảng”, có hình người, có dấu chân Giao Chỉ...Sự thăng hoa tuyệt vời như vậy của nghệ thuật Lê Bá Đảng, độc đáo thay được bắt nguồn từ những ký ức đau đáu về bùn đất, đồng ruộng Quảng Trị, về cây lúa quê nhà, về nguồn sống nuôi lớn sức mạnh vượt Trường Sơn của dân tộc. Dưới những hạt gạo này, danh hoạ ghi mấy lời đề tựa mà như để ngỏ một niềm mơ ước: “Có những hạt gạo cao lớn như con trâu, cái nhà, con thuyền,hòn núi vọng phu...nhưng lớn quá không đưa vào đây được, vậy sau này, xin mời lên Trường Sơn (hoặc đồi Vọng Cảnh) xem và trọ lại trong hạt gạo”. Mấy chữ“sau này xin mời” mà hoạ sĩ dùng ý nói đến nhữngdự án nghệ thuật mà hoạ sĩ hằng ôm ấp và mong muốn đưa ra thực hiện ở núi rừng Trường Sơn (Quảng Trị) hoặc đồi Vọng Cảnh (Thừa Thiên-Huế). Rất tiếc, những điều mà danh hoạ mơ ước vẫn chỉ là những mơ ước chưa thành.

Gây ấn tượng mạnh tại gian triển lãm, gây chú ý nhiều về một lối sáng tạo độc đáo lần đầu tiên xuất hiện trong nghệ thuật mà các hoạ sĩ khác không có được, phải kể đến loạt tác phẩm “Không gian Lê Bá Đảng”. Đây là những tác phẩm không phải tranh, cũng không phải tượng, được sáng tạo trên một loại chất liệu giấy đặc biệt, mà trên đó, các đường nét hội hoạ và điêu khắc có sự giao thoa với nhau. Danh hoạ đã cách tân điểm nhìn mỹ thuật bằng cách từ bỏ lối nhìn ngang (như các tranh xưa nay vẫn nhìn) mà nhìn thẳng, bao quát từ trên xuống, theo lời danh hoạ thì đó là “cách nhìn từ trên không như loài chim bay lượn”. Trong “Không gian Lê Bá Đảng”, thiên nhiên và con người hoà hợp với nhau và tôi đặc biệt chú ý tác giả đã đặc tả hình tượng người phụ nữ với vẻ đẹp phồn thực, gợi cảm và được đặt ở một ngôi vị xứng đáng là “đấng sáng thế”, một “đấng sáng thế” có thực trong tạo hoá.

Có một điểm đáng chú ý là trong những ngày chuẩn bị cho đợt triển lãm tại Festival Huế 2002, danh hoạ Lê Bá Đảng đã sáng tạo nên những tác phẩm mới như Thiền (2002), Chân Giao Chỉ (2002) chính tại làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, quê hương của ông, với chất liệu gỗ huệng do những người thợ mộc trong làng cung cấp, kịp đưa vào Huế triển lãm.

Hôm khai mạc phòng triển lãm mỹ thuật Lê Bá Đảng, mọi người đã rất xúc động khi thấy nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người vừa qua cơn trọng bệnh thập tử nhất sinh đã ngồi xe lăn đến dự. Nhà văn vẫn béo khoẻ, cái thần thái “hiền triết” vẫn nguyên vẹn như ngày nào, duy nói năng khó khăn hơn. Tại buổi gặp gỡ, giao lưu với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường do Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế và Công ty văn hoá Phương Nam, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, nhân Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, 4 tập, do Nhà xuất bản Trẻ vừa xuất bản, mọi người lại thấy có sự xuất hiện của hoạ sĩ Lê Bá Đảng, như một sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Trong số trên 1800 trang tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà văn thuộc trong số những nhà viết ký hay vào bậc nhất của văn học Việt Nam, có nhiều áng văn tuyệt bút viết về Huế, về miền Trung và Quảng Trị. Buổi gặp gỡ, giao lưu với nhà văn đã diễn ra trong khu vực không gian hội sách Festival bên bờ sông Hương, dòng sông có điệu chảy lặng lờ mà nhà văn đã gọi đấy là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Nhiều nhà thơ, nghệ sĩ tên tuổi như Đặng Nhật Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Phú Quang...đã tấm tắc về văn nghiệp Hoàng Phủ Ngọc Tường và hát những bài hát phổ nhạc thơ anh. Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phó Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương phát biểu khen ngợi cái tầm, cái tâm của anh, nhạc sĩ còn tâm sự rằng rất quý những lời nói thẳng đầy trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà văn của anh Tường với các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo. Xúc động, phấn khích trước những tấm lòng của bạn bè, của độc giả, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói dẫu không tròn tiếng nhưng giọng đầy thiết tha: “Bệnh của tôi các bác sĩ bảo là không có thuốc để chữa. Nhưng nhiều anh em, bạn bè mong muốn cho tôi được sống, điều đó tạo thành một ý lực khiến tôi sống được”.

Bằng ý lực vượt lên cái chết, chống chọi với thời gian, với hư vô, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không chịu gác bút mà vẫn say mê viết và viết. Đến thăm anh tại nhà riêng, tôi mới thấm thía hơn về những truân chuyên trong nghề nghiệp của anh: anh phải khó nhọc “viết” bằng mồm. Anh đọc cho những “thư ký” trong gia đình chép, đó là con anh, vợ anh, chị Lâm Thị Mỹ Dạ và mẹ vợ. Tôi hỏi chị Dạ:

- Mỗi lần anh đọc cho để chép lâu nhất là mấy tiếng đồng hồ?

- Lâu nhất là một tiếng rưỡi. Người chép cho anh Tường nhiều nhất là mệ, vì mệ rỗi việc hơn - Chị Dạ kể - Chép trong một tiếng rưỡi, mệ đã mỏi tay và anh Tường cũng mệt óc, phải nghỉ đã.

Vừa kể, chị Dạ vừa vội đi tìm cuốn vở mệ chép văn anh Tường đem ra “khoe” với tôi:

- Mệ già rồi nhưng chữ viết còn rõ lắm. Với chữ nghĩa, anh Tường cẩn thận lắm. Anh chướng lắm - Chị Dạ cười ý nhị rồi xoay sang hỏi anh Tường - Cái chữ gì anh nhỉ, cái chữ gì mà vi tính họ đánh sai ấy, à cái chữ thương hải mà họ đánh thành Thượng Hải.  

- Đấy là chữ “thương hải tang điền” - Tôi nói xen vào - Chữ ấy nói về chuyện bể dâu, chuyện biển xanh biến làm ruộng dâu đấy mà.

Cũng như Huế, anh Tường đã vượt qua dâu bể, chống chọi với thời gian, với sự tàn phai. Là một linh hồn đáng yêu của Huế, của văn hoá Huế, cùng với Huế, anh Tường đã góp phần đưa ý lực Festival Huế biến thành một động lực để Huế toả sáng.  

Khúc cầu nguyện”của Ea Sola và phiên chợ“Thương nhớ đồng quê”

Có một Festival của trí thức và lại có một Festival của nông dân, do nông dân làm chủ thể. Đó là những người nông dân, những nghệ nhân dân gian có mặt trong các vở kịch múa “cao cấp”, giàu chất trí tuệ và tính tượng trưng của Ea Sola, một biên đạo múa kiêm diễn viên người Pháp gốc Việt, hay có mặt nơi chợ quê ngày hội bên cầu ngói Thanh Toàn, thôn Thanh Thuỷ Chánh, xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên-Huế.

Ea Sola mang đến với Festival Huế 2002 vở kịch múa “Khúc cầu nguyện”. Có một đêm diễn, tại sân khấu Đông Điện Thái Hoà, theo lịch trình phải diễn vào lúc 8 giờ tối, nhưng do không khí rộn ràng của sàn diễn bên cạnh chưa dứt, Ea Sola đã đến sát với khán giả phía trước sân khấu, “thông cảm” khán giả đợi đến 9 giờ kém 15 phút mới diễn được. Tôi thầm cảm phục: chà, Ea Sola làm nghệ thuật nghiêm túc thật! Một vở diễn có chiều sâu chỉ diễn được trong một không gian sâu lắng. Tên tuổi Ea Sola tôi đã được nghe nói đến từ lâu. Hồi tháng 9-1996, Ea Sola đã đưa ra diễn vở “Hạn hán và cơn mưa” đầu tiên ở Thái Bình và sau đó, ở nhiều nơi khác, được báo chí gọi là một ấn tượng sân khấu của năm 1996. Vở diễn được thai nghén, hình thành sau những chuỗi ngày Ea Sola đi thực tế và đã “ba cùng” với nông dân Thái Bình. Với vở diễn lần này, “Khúc cầu nguyện”, vẫn chính là những người nông dân, những nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ca trù đồng bằng Bắc Bộ đã cùng lao động nghệ thuật với Ea Sola trên sàn diễn. Cả sân khấu lẫn khán giả như chìm sâu, như chết lặng đi, khi Ea Sola cong người múa, khắc khoải múa, quằn quại múa, múa về một khát vọng giải thoát, múa về thân phận con người. Điều đặc biệt là những “nghệ sĩ chân đất” đã phối hợp diễn với Ea Sola thật ăn ý và diễn thật tự nhiên, hoàn toàn không có chút dấu vết, nhược điểm của lối “diễn kịch nghề nghiệp”. Vở kịch của Ea Sola nói về ký ức, về sự xuất hiện và sự mất mát ở đời này. Và cuối vở kịch, cả không gian “nặng nề” trong sự chết lặng đã được phá vỡ, những khán giả “căng thẳng đầu óc” vì chất triết của vở kịch đã được giải toả, khi vở kịch vang lên một thông điệp đầy tính nhân đạo, được chuyển tải qua câu nói của hết thảy các “diễn viên chân đất”: “Tôi yêu người, làm sao tôi có thể quên người”. Và bất giác, tôi nhớ ra rằng, Ea Sola đã từng viết những dòng cảm xúc mến yêu về đất nước, con người Việt Nam: “Tại một vùngmưa, lạnh và nóng, với 80% độ ẩm, đang còn trong sự xây dựng và trong bụi, thông qua đời sống hàng ngày của Việt Nam, tôi đã gặp thấy những con người và tìm lại một dân tộc mà tôi còn phải học. Tại đấy, tôi đã tạo ra những công việc có liên quan đến chúng ta: một thời gian nghệ thuật của một văn minh cổ xưa trong ánh sáng ngày hôm nay. Tại nơi mà các ngôi sao lại gần ta đến thế, người vô danh bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nơi mà người vô danh đã không dừng kêu gọi tôi”.

Màn diễn vừa dứt, tôi đã nhờ các “nghệ sĩ chân đất” đến từ đồng bằng Bắc bộ tìm cho tôi gặp Ea Sola. Và tôi đã bất ngờ khi thấy, khác với một Ea Sola già dặn, một Ea Sola triết lý trên sân khấu là một Ea Sola trẻ trung, cởi mở giữa đời thường. Tôi vào đề ngay vì thời gian không đợi:

- Chị có thể nói một chút gì đi về bản thân được không, về ý tưởng bắt nguồn vở diễn, về thời gian xây dựng vở diễn?

- Bố tôi người Việt, mẹ tôi người Pháp. Tôi sinh ra trong rừng ở Lâm Đồng, sau đó được đưa sang Pháp. Tôi đã nhiều lần về Việt Nam và đã ở Việt Nam 12 năm nay. Vở “Khúc cầu nguyện” được bắt nguồn từ những ký ức, kinh nghiệm riêng của bản thân tôi - Ea Sola xúc động kể, trong lời kể như có niềm thao thức - Những suy nghĩ về vở này được nảy sinh từ năm 1990. Quá trình tập luyện vở diễn ra suốt 9 tháng.

- Chị cho biết, thông điệp chính mà chị gửi gắm qua vở diễn này là gì? - Tôi lái ngay câu chuyện sang phần mấu chốt.

- Thông điệp à? Tôi nói về một con người đang bị kẹt. Mà con người bị kẹt thì anh biết rồi đấy, phải tìm cách thoát ra khỏi thế kẹt - Ea Sola say sưa trong dòng triết lý - Tôi nói về sự mất mát và con người cần phải vượt lên trên sự mất mát đó.

- Thế những “nghệ sĩ chân đất” của chị có hiểu được thông điệp của chị không, khi họ lên sàn tập? - Tôi tiếp tục “căn vặn đến điều”.

- Họ hiểu được chứ - Ea Sola quả quyết - Về phía khán giả, mỗi người sẽ có một cách cảm, cách hiểu của riêng họ.

Sau đêm diễn, ngoài việc suy ngẫm về những thông điệp triết lý của Ea Sola, một nỗi niềm rưng rưng “thương nhớ đồng quê” đã thức dậy trong tôi khi nghĩ về những “nghệ sĩ chân đất”, nghĩ về cách làm độc đáo đưa “nghệ sĩ chân đất” ra đóng kịch múa hiện đại của Ea Sola. Sáng hôm sau, từ Huế, tôi đã vượt 8 km để về sớm với cầu ngói Thanh Toàn, được đi chợ sớm. “Ai về cầu ngói Thanh Toàn, Cho em về với một đoàn chovui”, cái rộn ràng của chợ quê cầu ngói Thanh Toàn ngày hội Festival đã vượt xa hơn trong câu ca dao kia nhiều lắm. Cầu ngói Thanh Toàn được xếp hạng di tích quốc gia, được xây dựng từ năm 1776 với kết cấu khá đặc biệt, phía trên cầu được lợp mái ngói cổ kính, điệu đàng, mặt cầu lát ván. Bên chiếc cầu xưa độc đáo và duyên dáng, một phiên chợ “thương nhớ đồng quê” mở ra với phong phú trò chơi, đa dạng mặt hàng. Bên này là hội đánh bài chòi, có chòi lá, kê chõng tre cho người ngồi đánh như thuở xưa. Bên kia là hội chơi bịt mắt đập niêu đất. Phong vị ẩm thực truyền thống có bát cháo bánh canh cá lóc ngọt thơm mùi ruốc, có bát cơm hến cay nồng, có bát chè xanh đứng đũa. Và thú vị thay, tại một gian nhà chính phía trước chợ, người ta đặt vào đó một cái cối xay xay lúa. Các bà, các chị, người thì vươn vai khoan khoái kéo giàng xay, người thì cao hứng ngân nga giọng hò, làm thức dậy cái “phần hồn nghề nông”, “phần hồn đồng áng” của ngày xưa đã chìm khuất. Chợt nhớ về những ngày tuổi nhỏ chưa xa, mẹ tôi giao cho anh em tôi cái việc kéo giàng xay xay lúa. Phần thì dỗi mẹ, phần thì ham chơi, lẽ ra phải kéo giàng xay quay cho tròn, cho đều, anh em tôi lại kéo nhát gừng, kéo giật cục một cách nặng nhọc và bực dọc. Mẹ tôi giật lấy giàng xay, la lên đuổi cổ chúng tôi: “Xay như thế thì tan cối nát gạo”. Giờ đây biết ân hận thì đã muộn, mẹ đã già yếu, gối mỏi, chân quỵ, sau dằng dặc nhiều năm gánh gồng đồng áng. Đang miên man nghĩ suy như thế, quay ra ngoài hiên gian nhà chính trước chợ, tôi đã bắt gặp một sạp hàng bán toàn những đồ chơi về vật dụng nghề nông như: con trâu kéo cày, kéo bừa, cái cối xay (dĩ nhiên là cối xay mi-ni), cái cào, cái oi đựng cá...Ông Phạm Văn Bút, chủ sạp hàng này đắc ý nói với tôi, vừa nói vừa cười rung cả chòm râu bạc: 

- Vợ tôi nói rằng, xưa nay tôi không hề rượu chè, cờ bạc, can cớ chi mà đem trâu, đem bò, đem cày bừa bán tuốt hết cả. Hì, hì, hì, những thứ tôi đã làm ra này, lớp sau tôi sẽ không có ai làm ra được nữa.

Một thoáng bâng khuâng chợt phảng phất trên gương mặt quắc thước, hồn hậu chân quê của ông Bút. Mới đó chưa xa, những cái cối xay “nặng nề nghìn đời nay xay nắm thóc” (Thép Mới-Cây tre Việt Nam), những hình ảnh con trâu đi trước, cái cày đi sau nhọc nhằn đã làm cho người nông dân bị kẹt sau luỹ tre (xin mượn chữ “kẹt” của Ea Sola), bị kẹt trong bùn lầy, bị kẹt trong đói nghèo. Nhờ công cuộc đối mới, người nông dân của đất nước thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã dần thoát hẳn ra ngoài thế kẹt đó, vươn lên no ấm, mạnh giàu. Và những chiếc cối xay, những con trâu kéo cày chỉ còn trong ký ức, trong những món đồ chơi rất nên thơ của ông Bút, ghi dấu về một thời văn minh lúa nước xưa kia. Và như chị Ea Sola, như hàng ngàn người khác, tôi đi Festival Huế 2002 là để đến với “một thời gian nghệ thuật của một văn minh cổxưa trong ánh sáng ngày hôm nay”.      

                                                                    Huế-Đông Hà, tháng 5-2002

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434673

Hôm nay

2293

Hôm qua

2310

Tuần này

21323

Tháng này

211721

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434673