Những góc nhìn Văn hoá

Hà Nội giai đoạn giao thời qua những trang du ký

1. Dấu tích những đổi thay của một Hà Nội giai đoạn giao thời cho đến nay vẫn còn lẩn quất đâu đó. Hình ảnh những công trình kiến trúc ở Hà Nội do người Pháp xây dựng được nhìn thấy ở nhà hát lớn thành phố, ở cây cầu Long Biên cổ tích, ở tuyến đường sắt kéo dài từ Bắc chí Nam, ở toà thị chính…

Những hình ảnh ấy đến nay vẫn chưa hề xoá nhoà. Nó là chứng tích của một giai đoạn lịch sử mà người dân Việt Nam đã phải gánh chịu biết bao mất mát đau thương, là giai đoạn mà người Pháp là chủ nhân còn người dân An Nam chỉ là thân phận nô lệ.

Hà Nội trước khi người Pháp đến là một đô thị thuần phác với văn minh lúa nước là chủ yếu, công thương nghiệp phát triển chậm, mang tín chất nhỏ lẻ. Khi người Pháp xuất hiện và bắt tay vào công cuộc chỉnh trang đô thị, trước tiên để phục vụ cho nhu cầu của người Pháp sinh sống trên đất Hà Nội, phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa tiến triển nhanh chóng, thì bộ mặt đô thị Hà Nội dần đổi khác. Có lẽ không nơi đâu ghi lại một cách sinh động những thay đổi ấy của Hà Nội bằng những trang du ký của người Việt và của người Pháp viết về Hà Nội giai đoạn giao thời.
 
2.1. Hà Nội vận động đổi thay từ một đô thị cũ sang đô thị kiểu mới
 
Người Pháp có mặt ở Hà Nội từ rất sớm. Những người đầu tiên có mặt ở xứ Bắc kỳ là những thương nhân, nhà truyền đạo sau đó là đội quân viễn chinh hùng hậu của thực dân Pháp. Tuy nhiên, sự có mặt của người Pháp để dẫn đến những đổi thay về nhiều mặt của Hà Nội phải đến giai đoạn giao thời. Sự đổi thay ấy đã được nhiều nhà nghiên cứu sử học tìm hiểu. Để có cái nhìn toàn diện hơn về Hà Nội giai đoạn này có lẽ ta nên tiếp cận những tài liệu du ký do người Pháp ghi chép lại. Những tác phẩm du ký của người Pháp viết về Hà Nội giai đoạn giao thời đã được xuất bản không phải nhiều nhưng đã cung cấp cho người đọc những cứ liệu quý giá về một Hà Nội dưới nhãn quan của những người đại diện cho đội quân xâm lược. Đó cũng là một góc nhìn đáng để chúng ta quan tâm tìm hiểu.
Trước khi người Pháp đến, Hà Nội chưa phải là một đô thị theo đúng định nghĩa của nó mà theo người Pháp: “Nói đúng ra, Hà Nội 1873 không phải là một thành phố mà là một điểm dân cư hỗn hợp, trong đó khu hành chính, khu buôn bán và nhiều làng được đặt bên cạnh nhau trong một khu vực kín” (1; 20). Hà Nội giai đoạn này chưa phải là một đô thị thuần nhất mà chẳng qua là nơi hội tụ buôn bán của các làng hay nói cách khác đó là một đô thị kiểu nông thôn.
Sự đổi thay của Hà Nội bắt đầu bằng việc người Pháp xâm lược, chiếm đóng Hà Nội. Họ tiến hành phá bỏ những kiến trúc cũ của đô thị Hà Nội để xây dựng kiến trúc mới. Bất kỳ một quốc gia đi xâm lược nào khi đặt nền thống trị của mình lên quốc gia khác cũng muốn biến quốc gia đó trở thành một đứa con do mình đẻ ra. Người Pháp cũng vậy, họ muốn biến Hà Nội thành một đứa con lai căng của nước Pháp (Pháp tự xưng mình là “mẫu quốc” còn An Nam là nước “bảo hộ”). Vì vậy, ngay khi bình định xong miền Bắc, thực dân Pháp tiến hành ngay công cuộc cải biến quốc gia An Nam nói chung, Hà Nội nói riêng thành “cái vú sữa” phục vụ cho chính người Pháp. Do đó, những thay đổi của đô thị Hà Nội trước tiên là do nhu cầu của chính quốc chứ không phải nhu cầu bức thiết của người dân An Nam trên đường phát triển của mình.
Vậy người Pháp đã làm thay đổi những gì ở Hà Nội?
Ngay từ khi bước chân người Pháp đặt lên đất Hà thành đã kéo theo những thay đổi lớn lao của đất kinh đô ngàn năm văn hiến. Người Pháp đánh chiếm Hà Nội hai lần, lần thứ nhất vào năm 1873, kéo dài thời kỳ lãnh sự, tức người Pháp chỉ đặt trú sứ ở đất kinh kỳ chứ chưa hề can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc kỳ. Thời kỳ này kéo dài đến khoảng năm 1882. Sau đó, Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ hai và đặt nền bảo hộ của thực dân lên toàn bộ lãnh thổ Bắc kỳ.
Nơi người Pháp đặt chân đến đầu tiên đó là Trường Thi. Đây là địa điểm mà triều đình phong kiến tổ chức những kỳ thi quan trọng của quốc gia nhằm tuyển chọn nhân tài phục vụ cho đất nước. Khi xâm chiếm được Hà Nội lần thứ nhất, Francis Garnier đã ký cùng với triều đình nhà Nguyễn bản thoả thuận cho phép người Pháp tạm thời đóng quân ở Trường Thi cho đến năm 1876. Vì khi đó diễn ra kỳ thi hương, quy tụ hàng chục ngàn người ở khắp nơi đổ về. Sự có mặt của người Pháp ở nơi đây đã làm biến đổi nghiêm trọng bộ mặt cũng như ý nghĩa của Trường Thi. Đây là nơi diễn ra những kỳ thi long trọng bậc nhất của Bắc kỳ tức là một nơi tôn nghiêm, kính cẩn lại diễn ra những cảnh tượng trái tai gai mắt: “Những trận mưa như thác vào tháng chín biến Trường Thi thành một bãi lầy mênh mông. Nước trong nhà nhiều đến nỗi binh linh giặt quần áo ngay trước cửa”. (36, Massan). Như vậy, khi bắt đầu đặt bước chân đầu tiên vào thành Hà Nội, thực dân Pháp đã có mặt ở một nơi mà triều đình phong kiến hết sức coi trọng, biến nó thành một trại lính ô hợp. Tính chất nghiêm cẩn của Trường Thi đã giảm đi nhiều lần. Kéo theo đó, tất cả những kỳ thi diễn ra sau này với sự có mặt của người Pháp cũng mất đi rất nhiều giá trị và ý nghĩa.
Khi Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai, chúng đã tiến hành những thay đổi tiếp theo. Khác với lần chiếm Hà Nội trước, lần này người Pháp muốn thay đổi toàn diện bộ mặt Hà Nội theo kiểu Pháp, phục vụ cho người Pháp. Đối tượng nhắm đến lúc này là thành Hà Nội. Người Pháp cho phá thành Hà Nội với cái tên nhà thầu được Nguyễn Khuyến nhắc đến trong câu đối của mình đó là cô Tư Hồng, cô Tây thành tư bản: “Khoảng năm 1895 nó cho đấu thầu phá thành Hà Nội. Một nhà thầu là cô Tư Hồng, cô Tây thành tư bản. Chỉ để lại cửa Bắc với 2 vết đạn để khoe rằng pháo đại bác Pháp bắn tài” (3; 15). Thành Hà Nội được xây dựng từ năm 1805 dưới thời Gia Long để nhằm bảo vệ đô thành nơi: “… Ở trung tâm đất nước, cái thế rồng cuộn, hổ ngổi. Đất bằng phẳng, dân cư đông đúc, muôn vật phong phú, tốt tươi. Tật là một chỗ hội họp bốn phương, nơi đô thành bậc nhất của muôn thuở…” (3; 35). Thành Hà Nội là chứng tích cho sự hợp tác đầu tiên giữa Pháp-Nam những năm dầu thế kỷ XIX - do sĩ quan Pháp, bạn của Bá Đa Lộc thiết kế xây dựng theo kiểu pháp đài Vauban.
Sự thay đổi này của người Pháp mang tính chất tàn phá nhiều hơn là xây dựng. Bởi lẽ nếu thành Hà Nội vẫn còn thì chẳng khác nào triều đình phong kiến vẫn ở đấy. Chính vì thế, Henri Riviere đã cho phá thành mà chỉ chừa lại bức tường thành với dấu đại bác. Việc làm đó đã khiến cho Paul Doumer, quan toàn quyền Pháp ở Đông Dương, hết sức thất vọng nhưng không thể làm gì hơn vì sự việc đã rồi: “Tôi sang quá chậm để giữ lại những chỗ cần thiết. đặc biệt là các cửa thành đáng được giữ lại. Chúng có phong cách lớn quan hệ mật thiết với lịch sử đáng cho ta phải kính nể. Giống như khải hoàn môn Ngôi sao ở Paris. Các cửa đó sẽ làm đẹp cho các khu phố mà không cản trở giao thông và quy hoạch thành phố” (1; 79). Xét về ý nghĩa, thành Hà Nội là một nơi không kém phần quan trọng của triều đình phong kiến. Nói như Massan: “ … thành Hà Nội không chỉ là một pháo đài chính của Bắc Đông Dương mà còn là lỵ sở hành chính của một tỉnh lớn và thủ đô lịch sử Đàng Ngoài; nơi đóng đô của nhiều triều đại quốc gia trong nhiều thế kỷ” (2;59). Khi người Pháp đã trở thành chủ nhân của “ngôi nhà” Hà Nội thì việc làm của họ không nằm trong sự mong muốn của người dân An Nam. Nơi đế đô ngàn năm văn hiến của An Nam đã trở thành những gì mà người Pháp muốn. Đại uý Petrowey biến hoàng cung thành một pháo đài, “thay chiếc lan can chạm khắc bằng một bức tường trổ lỗ châu mai xấu kinh người” (1;75). Những việc người Pháp làm đối với thành Hà Nội chẳng qua là muốn khẳng định vị trí của người Pháp nơi đô thành An Nam, vị trí của người làm chủ.
Những thay đổi đáng kể nhất về mặt cảnh quan đô thị phải kể đến việc hình thành khu phố người Pháp phân biệt với khu phố An Nam nghèo nàn. Đó là việc làm mà người Pháp chỉ rõ vai trò người làm chủ nơi vùng đất đô hộ. Tuy nhiên, việc đó cũng đưa lại những điều lợi nhất định đối với người dân An Nam: lối sống tư bản phương Tây từng bước xâm nhập vào vùng đất nghèo nàn, lạc hậu An Nam, tạo ra một môi trường văn hoá mới lạ, văn minh hơn so với phố phường An Nam cũ kỹ, lạc hậu. Đó là luồng gió mát làm cho những người sống trên mảnh đất này cũng cảm nhận được sự đặc biệt của nó. Juless Boissiere có lẽ đã tự hào quá đáng khi viết về khu phố này nhưng cũng hàm chứa phần nào sự thật bên trong: “Giống như cô gái An Nam bỏ dần bộ quần áo xấu xí nhuộm cu nau (củ nâu) đẫm mồ hôi lao động, dân di thực chúng ta đã chứng kiến, năm này qua năm khác…” (1;157). Cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách hai chiều, người Pháp xây dựng khu phố Pháp mục đích chính để phục vụ cho công dân Pháp, tách hẳn với khu phố của người An Nam mà cái gạch nối chính là Hồ Gươm. Sự đối nghịch về kiến trúc giữa hai bộ phận: người Việt và người Pháp trên cùng mảnh đất Hà Nội đã tạo ra sự khập khễnh trong kiến trúc đô thị Hà thành những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Điểm qua những đổi thay ở phố phường Hà Nội giai đoạn giao thời ta có thể thấy được bức tranh khái quát về đô thị này qua cái nhìn của người Pháp cũng như qua cái nhìn của một số người dân An Nam. Ở đó, có sự kết hợp nửa vời của hai người nghệ sĩ: hai phần là người nghệ sĩ An Nam với nét vẽ thô sơ, thuần phác của mình, một phần là nét vẽ nghệch ngoạc của người Pháp nhằm phục vụ cho cuộc sống riêng của kẻ cai trị, vô tình đã đi chệch với bố cục chung tổng thể. Tuy nhiên, cũng từ đó, đô thị Hà Nội dần dần biến chuyển và thay đổi theo lối kiến trúc hiện đại của người Pháp mà xoá dần những kiến trúc xưa đã hình thành bao đời. Đó cũng là tiến trình tất yếu của lịch sử phát triển xã hội.
 
2.2. Những biến chuyển trong lòng đô thị Hà Nội giai đoạn giao thời
 
Đó là những thay đổi ở bề mặt ngoài của đô thị còn những biến chuyển bên trong đời sống xã hội mới nhiều điều đáng nói. Quả thực bất kỳ sự chuyển mình thay đổi nào cũng đầy trăn trở, vật vã. Giữa cái cũ và cái mới phải đối chọi, phải đấu tranh với nhau, cái nào sẽ thống lĩnh xã hội, cái nào sẽ chấp nhận diệt vong? Những biến chuyển trong lòng xã hội mới tạo ra bao điều nhức nhối. Dường như lịch sử không còn con đường lựa chọn nào khác. Bánh xe vẫn lăn và con người phải nhoài người theo để tiếp cận với cái mới. Chưa biết cái cũ và cái mới cái nào tốt hơn nhưng trước mắt người dân nơi Hà thành phải lựa chọn một hướng đi.
Người Pháp vào Việt Nam, lối sống của người Châu Âu xâm nhập một cách từ từ vào tư duy, cách nghĩ, cách sống của người dân An Nam. Bắt đầu từ sự thay đổi trật tự các tầng lớp trong xã hôi. Nguyễn Công Trứ đã từng nêu rõ sự sắp xếp thứ bậc trong xã hội phong kiến:
Tước hữu ngũ sĩ vi kỳ liệt
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên
Có giang san thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý.
(Kẻ sĩ)
Nhưng từ khi người Pháp đặt bộ máy chính quyền cai trị lên đất nước An Nam thì tầng lớp kẻ sĩ đã không còn giá trị gì nữa. Đi cùng với bộ máy hành chính của người Pháp là sự ra đời của những giai cấp, tầng lớp mới. Những quan Tây, những người phục vụ cho chính quyền Tây: thầy thông ngôn, thầy ký, thầy phán… là những người được sống sung sướng, quyền cao chức trọng. Chính vì thế họ là nhữg người được bao nhiêu người khác phải mơ ước. Những cô gái mới lớn lên đều mơ ước được lấy những người này dù tiếng chê, tiếng cười để đời: “Về xã hội, cũng có những biến chuyển. Sính đi lấy ông huyện, bấy giờ mấy cô lấy “đốc tờ”, ít ra cũng làm bà tham; bà tham ăn lương tây “mới giá trị” (3;79). Tú Xương, thi hào dòng sông Vị đã từng khái quát hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ như sau:
Nào có ra gì cái chữ Nho,
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.
(Chữ Nho)
Trật tự đảo ngược như vậy đã gây nên bao thảm cảnh đối với người dân An Nam. Tất cả mọi miền đất nước đều diễn ra những cảnh tượng như vậy. Đặc biệt, với Hà Nội, một đô thành lâu đời của An Nam thì sự đổi thay thứ bậc trong xã hội còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thương tâm đến mức nào.
Đi cùng với sự thay đổi trật tự nấc thang trong xã hội là nạn phân biệt đối xử giữa người dân An Nam và người Pháp, giữa chính người An Nam với nhau. Claude Bourrin trong “Đông dương ngày ấy 1898-1908” đã thừa nhận: “Phải thừa nhận rằng 40 năm trước đây người Châu Âu sống mà không hề có chút quan tâm nào tới người bản xứ…” (2;53). “Tại các khu dân cư An Nam, chẳng có gì ngoài chấy rận và sự bẩn thỉu; sự cao nhã chỉ thấy trong rạp, nơi mấy người thông ngôn ngồi thư giãn giữa các loại xương vãi dưới đất” (2;54). Đi cùng với việc phân biệt nơi sinh sống giữa hai sắc tộc thì sự phân biệt đối xử cũng thể hiện vô cùng rõ ràng và cay nghiệt: “Để cụ thể hoá cái hố ngăn cách người Pháp với đám dân nghèo mạt, tôi nhớ rõ lúc đó cảnh sát bắt giữ bất cứ người An Nam nào tìm trong nhà có các đồ vật làm ở Châu Âu như thìa, dĩa, đèn, khăn ăn, đồng hồ quả lắc, quần áo… Nếu cho người bồi một cái đồng hồ để đi làm đúng giờ, người chủ phải cho anh ta một giấy chứng nhận. Thậm chí một đôi giầy kiểu Châu Âu cũng là một thứ xa xỉ người An Nam không thể nào có được” (2;55).
Thật không dễ dàng để chấp nhận những đổi thay quá nhanh chóng nơi đất Hà thành! Hoàng Đạo Thuý đã chấp bút kết luận một câu: “Cảnh tượng mới của phố, đến láo nháo” (3;79).
Sự “láo nháo” trong lòng đô thị Hà Nội không chỉ diễn ra ở những đổi thay về giai tầng trong xã hội mà ngay cả phố phường cũng nhuốm đầy hoen ố của những cặn bã văn minh. Cảnh tượng láo nháo của phố phường Hà Nội được làm rõ qua âm thanh đêm khuya thanh vắng. Bên cạnh những âm thanh của cảnh vật tự nhiên: “Thời tiếng giun tiếng dế trong bãi cỏ, tiếng sát sành nắc nẻ trong bụi cây, mà trên cành cao lại thánh thót tiếng con chim cú;…” (4;267), là âm thanh hoạt động huyên náo của con người: “lác đác tiếng xe tay trên đường đưa đến; lại tiếng chuông xe song mộ ai loong coong cùng tiếng chân ngựa lốp cốp, với tiếng ô tô ù ù kèn bóp te te; song chốc lát tại tĩnh, chỉ còn tiếng dế kêu, giun rúc, sát sành nắc nẻ vỗ cánh, đập chân, con cú nọ rên rỉ gớm ghiếc! Xa xa văng vẳng tiếng chó cắn bốn bề, tiếng gà gáy nửa đêm, thỉnh thoảng lại giật mình vì tiếng người kêu ông “cẩm”: cậu xe bị quỵt, cô đĩ mắc lừa, du côn say rượu, thầy quyền gió tẳng, đánh “oái” lên rồi lại thấy thoi ngay! Rồi tiếng đàn bầu, đàn nguyệt đằng sau lưng, tiếng reo hát cười cợt xen tiếng lóc nhóc chuyển động của những chiếc xe cao su, mà các ông lính tây ở các “ô-ten” đi về trong trại. Lời văng tục của những kẻ hạ đẳng đi khuya, tiếng chửi nhau của những phường kiếm ăn đêm tối, tiếng lũ phu thùng, tiếng xe chở uế!” (4;264). Ngay cả ban đêm cũng không thể tìm thấy phút giây yên tĩnh. Đêm khuya trở thành cái nền che chở cho những hành vi, sự việc không mấy tốt đẹp được diễn ra một cách trôi chảy. Vì vậy, không có một thói xấu xa, đồi truỵ nào không được phô bày ra trên đường phố vào lúc nửa đêm. Cả người An Nam lẫn người Tây đều đua nhau ăn chơi, hành lạc trong sự bát nháo của xã hội. Hà Nội lại là nơi tập trung, quy tụ tất cả những cái rác rưởi của một xã hội văn minh nửa vời, cả những thói rởm đời, ti tiện. Nếu công luận nghiêm thì những thói xấu không thể tồn tại lâu. Nhưng ở giai đoạn này, người ta cũng không thể xác định được đâu là cái chuẩn mực thì những cái xấu nghiễm nhiên song hành với cái tốt thậm chí cái tốt cũng chẳng còn đất sống.
Bên trong lòng xã hội như vậy, những cảnh tượng trái tai gai mắt diễn ra như thói thường: “Ôi! Đến chỗ kia là chỗ chi chi, mà trai đôi gái cặp cùng nhau trơ trẽn ra vào, cười tiền, hôn bạc, yêu dối, tình vờ; làm cho tinh thần trác táng, thân thể hao mòn, gây nên bệnh hoạn, gia đình bởi đó mà hỏng, phong hoá bởi đó mà suy, quốc gia bởi đó mà không còn nguyên khí! Thương thay! Cho cái lòng dục của con người ta vốn sẵn có từ trời cũng như con vật, thế mà không lấy cái đạo đức để hạn chếnó lại, thời người ta với thú có khác gì?” (4;266). Người ta không còn biết đến sự tốt xấu, khen chê của người đời nữa khiến Hội Nhân phải thốt lên lời than thống thiết cho sự đồi bại của xã hội đương thời: “Đau đớn thay! Cho cái thói Trịnh Vệ, nhục nhã thay! Cho kẻ lẫn ái tình. Nào cái tình nó có tội đâu, chẳng qua chỉ tội ở những đứa nó làm cho nhơ nhuốc bẩn thỉu cái tình mà thôi! Cái thói xấu ấy ở nước ta thật là mới có mấy năm nay vậy. Ai ơi! Xin nghĩ cách nào mà trừ bỏ nó đi kẻo bẩn mắt, dơ tuồng, hại cho phong hoá…” (4;267)
Trong du ký, qua cảnh vật người ta có thể hình dung ra sự thay đổi của bộ mặt xã hội cũng như những biến chuyển trong lòng xã hội. Chỉ một đoạn như thế này cũng đủ thấy Hà Nội giai đoạn giao thời đã dời ngôi đổi chủ như thế nào: “Để mắt về phía núi Bút Tháp, cửa Nghiên Đài thời chỉ thấy lù lù đen trông như cái đống, mà cầu Thê Húc cũng không tỏ chút nào; cố nhận ra mới biết chốn đền Ngọc Sơn thời mường tượng như một cái đình của dân nào ngày lụt ở ruộng đầu làng; mà cái tháp Báo Thiên ở giữa hồ thời chẳng khác cái miếu trên nấm đất cao giữa cánh đồng chime. Mặt nước thời long lanh song gợn coi như những cái vẩy con rồng ngày hội Chánh trung, thỉnh thoảng có con cá quẫy cùng lớp cồn to; sen thì ở bên kia, phía này không có, muốn ngửi hương mà chẳng được vừa lòng!” (265) Triều đại phong kiến đã mất đi giai đoạn huy hoàng, những chứng tích cũ ghi dấu lịch sử phong kiến ngàn năm dường như cũng lu mờ, ủ dột trong cái nhìn của người ngắm cảnh. Những nét đẹp của cảnh vật cũng đã bị những: “…thời nhà cửa lô xô, lâu đài ngan ngát, dây chằng như mắc cửi, cột dựng như cắm chông…” (266) hoàn toàn che lấp.
 Trong hoạt động giáo dục, xưa kia, xã hội phong kiến trọng người có học, coi trọng cái chữ, vì thế nhà nhà đều mong muốn con trai của mình học hành đỗ đạt để thi thố với đời, để làm rạng danh tông tổ. Thì đến giai đoạn giao thời, chữ Nho đã không còn giá trị, hệ thống trường ốc của thời phong kiến không còn là nơi tới lui của những người yêu chữ nghĩa. Bên cạnh đó, hệ thống trường học của người Pháp thì chẳng được quan tâm xây dựng. Hà Nội giai đoạn này các trường học dường như trống vắng: “Người Pháp nêu chiêu bài là “đi khai hoá”, nhưng đến Hà Nội ba mươi năm, cũng chỉ mở được một Trường tiểu học phố hàng Bông, mãi sau mới thêm một trường nữa ở hàng Đào. Người ta bảo: “học gì mà lại học “la vát” là “con bò cái”; chả là quen học một chữ đã là nghĩa lý tồi mà. Dân ta không chịu cho con em đi học. thúc ép, thì góp tiền thuê người đến ngồi ở trường cho qua chuyện. sau lại có trường Mã Mây và trường Thông ngôn ở bờ sông. Biết rằng học cũ, lúc ấy, là ổ chống đối, nó sửa dần. Ròi bỏ hẳn các kỳ thi hương. Lúc ấy thì các trường mới của thực dân mới có nhiều trò hơn” (3;32,33).
Có thể nói, những biến đổi về mặt xã hội ở Hà Nội giai đoạn giao thời diễn ra một cách mạnh mẽ và đầy khốc liệt. Những nền tảng đạo đức cũ đã mất đi, cái mới vừa hình thành chưa rõ hình khối đã bị bóp méo, lệch lạc làm cho xã hội đầy rẫy những cảnh tượng đau lòng. Người dân An Nam từ thân phận làm chủ đã trở thành nô lệ, bị phân biệt đối xử ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình. Người Pháp, chủ nhân mới của Hà Thành nhưng không muốn xây dựng mà muốn đầu độc nưgời dân bằng những thứ tệ nạn như: thuốc phiện, rượu chè, đĩ điếm… làm cho người dân sa đoạ để dễ bề cai trị, đồng hoá. Du ký quốc ngữ giai đoạn giao thời đã ghi lại một cách khách quan nhất những hiện tượng xã hội đó.
 
2.3. Tình cảm của người viết du ký dành cho Hà Nội
 
“Chao ôi! Cái thú đi du lãm, cũng là cái thú chung của nhân loại, không phải là cái thú riêng của một mình ai; duy những người có tâm tình với non nước, có ý vị với thế đạo với nhân tâm, trong khi du lãm, sẽ có cái thú vị riêng vậy” (4;367). Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục thổ lộ quả không sai. Chỉ những người có tình cảm thiết tha với non sông, gấm vóc mới có được những cảm nhận sâu sắc về cảnh vật và những tình cảm đó không thể nào giấu giếm được khi đọc du ký mà họ đã trãi nghiệm cùng cảnh vật.
Nếu như đọc du ký của người nước ngoài viết về Hà Nội ta có thể hình dung những biến đổi về kiến trúc đô thị Hà Thành những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thì đọc những trang du ký của người Việt viết về Hà Nội giai đoạn giao thời ta có thể thấy được tình cảm thiết tha của các tác giả dành cho mảnh đất này. Tình cảm ấy được thể hiện bằng niềm tự hào về lịch sử đất cố đô qua những chứng tích lịch sử như: thành Cổ Loa, núi Tuý Vân, núi Tử Trầm, hồ Hoàn Kiếm… Bên cạnh những tàn phá mà thực dân Pháp không ngại ngần thực hiện đối với mảnh đất Hà thành thì các tác giả viết du ký vẫn tìm được những nét đẹp không dễ gì xoá được của những công trình, kiến trúc lịch sử, những kiến tạo của thiên nhiên dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến. Những nét đẹp đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt nói chung, người dân Hà Nội nói riêng.
Trong bối cảnh mà thực dân Pháp đang nỗ lực mọi cách để thực hiện chính sách đồng hoá thì những du ký viết về lịch sử có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nó có tác dụng khơi dậy hào khí dân tộc một thời đồng thời thể hiện tình cảm yêu quê hương tha thiêt của các tác giả viết du ký. Tùng Vân ca ngợi di tích Cổ Loa trong niềm tự hào của người dân đất Việt, yêu sử Việt, yêu những chứng tích lịch sử của người Việt: “Lại người bình sinh đã từng xem đọc đến quốc sử, tư tưởng đến quốc hồn, biết rằng cha ông mình không đến nỗi là ươn hèn, non sông mình không đễn nỗi là tịch mịch; đọc đến cái lịch sử công nghiệp, thì trong lòng như gợi như khơi; đọc đến cái lịch sử tâm tình, thì trong dạ như đau như thắt.” (4;492). Những cuộc lãng du trở về với nguồn cội của những văn nhân như Tùng Vân, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Háo Vĩnh, Phạm Văn Duyệt “cũng là vì chút cảm tình với lịch sử mà đi chơi vậy” (4;492). Là người đất Việt yêu lịch sử người Việt, là người Hà Thành gắn bó với chứng tích lịch sử của Hà thành, trong nguồn mạch chung vẫn chảy những mạch ngầm riêng, chính điều đó đã khiến những dòng du ký viết về lịch sử Cổ Loa của Tùng Vân trở nên có hồn và đầy trữ tình.
Trở về với cảnh đẹp quê hương cũng là một cách thể hiện tình cảm đối với mảnh đất mình chôn nhau cắt rốn của các tác giả viết du ký. Hà Nội quả thật không thiếu những cảnh đẹp. Nếu như những công trình kiến trúc nhân tạo để lại niềm kiêu hãnh về lịch sử dân tộc cho những người con đất Hà thành thì những công trình kiến tạo của thiên nhiên đem lại sự say mê vô tận cho người ngắm cảnh. Cũng cảnh vật đó, bao lần ta nhìn ngắm, bao lần ta trải nghiệm nhưng mỗi lần trở về với cảnh là mỗi lần ta thấy gắn bó không thể dứt lìa. Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục tìm thấy sự thú vị ở núi Tử Trầm với tư cách một người gắn bó tha thiết với cảnh đẹp: “Chao ôi! Núi Tử Trầm kia có xa gì đâu, nhà ta ở đối với núi Tử Trầm, chỉ cách một cánh bãi, một con sông, một phía đồng, khi sớm ngày trở dậy mở cửa, trông ra phía tây nam, đã thấy sơn sắc mông lung ở đó; mà hang Tử Trầm kia, cũng vẫn là cái hang ta mấy năm về trước ra vào thăm chơi;...” (4;365).
Cảm xúc tràn đầy về danh thắng Tuý Vân đã đưa ngòi bút của Nguyễn Bá Kỉnh tha hồ trôi chảy trên dòng sông thơ. Chỉ chưa đầy ba trang du ký mà tác giả đã phóng bút làm nên 4 bài thơ tả cảnh đẹp của Tuý Vân. Bấy nhiêu đủ thấy niềm yêu mến cảnh vật chất chứa tự nhiên trong lòng của tác giả. Nói rằng “bận việc học hành, theo đường danh lợi, cho nên cũng ít khi lãm tuý tầm u” (4;410) nhưng cảm tình đối với cảnh thì đã ngụ sẵn trong lòng. Vì vậy, khi đối diện với cảnh lòng không khỏi bồi hồi cảm xúc:
Gởi với non sông tiếng nhỏ to,
Người về nhớ cảnh mặt buồn xo.
Cuộc vui này đợi năm sau hử!
Hứng bãi thuyền lui mái gã du. (4;412)
Người về mà vẫn luyến lưu với cảnh, hẹn một ngày sẽ trở lại tương phùng. Đó là mối tình gắn bó keo sơn của người con đất Việt với thắng cảnh nơi đế đô. Tình cảm đó dường như càng mãnh liệt hơn khi mảnh đất ấy đang mỗi ngày một đổi thay bởi gót giày xâm lược của những kẻ đến từ phương trời xa lạ. 
Phố phường Hà Nội là nguồn cảm hứng vô tận của bao tao nhân, mặc khách. Có lẽ ai một lần đặt chân đến mảnh đất này cũng đọng lại trong lòng những cảm xúc riêng. Ngay cả người Pháp, những người theo chân đội quân xâm lược đến Hà Nội cũng không kiềm lòng được bởi sự thăng hoa của những tình cảm khó tả. Phải gắn bó với Hà thành thì họ mới có được nguồn cảm hứng vô tận để viết những trang du ký có giá trị về mảnh đất này như thế. Ta không mấy ngạc nhiên khi Claude Bourrin đã reo vui khi được tao ngộ với Hà Nội sau bao tháng ngày xa cách vì công việc nơi biên giới: “Hà Nội! Ôi vui sướng biết bao gặp lại nó sau một năm phải lưu đày nơi biên giới. Hà Nôi! Nơi đây cuộc sống náo nhiệt về đêm tràn ngập ánh đèn của các hiệu cà phê và các cửa hàng, phố xá tráng lệ đầy nghẹt người” (2;93). Những dòng xúc cảm như thế trong du ký của người nước ngoài viết về Hà Nội giai đoạn giao thời quả thật rất hiếm hoi bởi sự gián cách về nhiều phương diện: tình cảm, quan niệm về cái đẹp, tư tưởng của kẻ cai trị… Tuy nhiên, trong góc sâu tâm hồn của người viết vẫn ẩn chứa một mối cảm tình nhất định đối với mảnh đất mà mình cùng trãi nghiệm qua bao thời gian.
Nghiên cứu du ký viết về Hà Nội giai đoạn giao thời không thể bỏ qua khía cạnh cảm xúc của người viết đối với cảnh vật. Đó là một thoáng lắng đọng trong tâm hồn người viết khiến tác phẩm trở nên gần gũi với người đọc. Cũng là nơi người đọc và người viết tìm thấy sự giao hoà trong suy nghĩ, tình cảm.
 
3. Tìm về những trang du ký xưa viết về đất Hà thành những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX chúng ta không khỏi bồi hồi trước những biến cố lớn lao mà mảnh đất đế đô trải qua. “Ôn cũ, biết mới. Xây dựng một xã hội mới, cũng nên biết cái nền trên đó mình xây, nó như thế nào. Biết những cái vẻ vang, cũng biết cả những nỗi nhọc nhằn của ông cha ta thì mới rõ đời ta bây giờ là quý làm sao, mới hiểu cái giá trị của đất hương hoả nay trao đến tay ta”. (3;7) Lời mở đầu cho tập du ký Phố phường Hà Nội xưa của Hoàng Đạo Thuý đã khẳng định giá trị của những chứng tích lịch sử trong quá trình phát triển xã hội. Hà Nội ngày nay đã ào ạt phát triển cũng với nhịp điệu phát triển của đất nước nhưng giai đoạn đau thương thời Pháp thuộc vẫn không xoá nhoà được trong ký ức của dân tộc. Giai đoạn lịch sử ấy đã ghi dấu sâu đậm trên những trang du ký và vẫn còn mãi với thời gian.
 
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Audré Massan (2009), Hà Nội giai đoạn 1873-1888, NXB Hà Nội, Hà Nội.
2. Claude Bourrin (2008), Đông Dương ngày ấy 1898-1908, NXB Lao động, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
3. Hoàng Đạo Thuý (1998), Phố phường Hà Nội xưa, NXB Hà Nội, Hà Nội.
4. Nhiều tác giả (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu) (2007), Du ký Việt nam (Tạp chí Nam Phong 1917-1934), Tập I, NXB Trẻ, TP.HCM.
5. Nguyễn Hữu Sơn (1998), “Phác thảo Hà Nội qua những du ký xưa”, Tạp chí Thế giới mới. số 357, trang 27-29.
6. Nguyễn Khắc Đạm (1999), Thành luỹ phố phường và con người Hà Nội trong lịch sử, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
7. Nguyễn Quang Ngọc (2006), Tiến trình Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục. Hà Nội.
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529019

Hôm nay

266

Hôm qua

2334

Tuần này

21292

Tháng này

215715

Tháng qua

0

Tất cả

114529019