Những góc nhìn Văn hoá

Số phận một ý tưởng

Làm thế nào để cho cái khái niệm trừu tượng con người phổ quát trở nên sống động? Những nguyên lý về tự do và bình đẳng, tuyên bố năm 1789, đã không ngừng vấp phải tình hình thực tế. Tuy nhiên, hai trăm năm sau, chúng lại mang tính thời sự hơn bao giờ hết. Trong một cuộc nói chuyện dài dành cho NGƯỜI ĐƯA TIN UNESCO, François Furet, nhà sử học lớn của Pháp mà tác phẩm vạch những tuyến mới tiếp cận Cách mạng 1789, đã xem xét số phận trong phạm vi toàn cầu của một ý tưởng chủ lực.

Cách mạng Pháp là một cố gắng lập pháp nhân danh tính phổ quát toàn cầu. Nó muốn giải phóng không chỉ riêng của người Pháp, mà cả nhân loại. Ở tầm mức ấy, đó là một sự kiện không phải chỉ có quy mô quốc gia mà là quốc tế, không phải chỉ có tính chất chính trị mà còn có tính triết học nữa. Giải phóng nhân loại! Một trong những mập mờ của dự định này là do chỗ, thời ấy, cách nhìn thế giới còn mang đậm màu sắc của thuyết coi châu Âu là trung tâm. Khi người Pháp nói toàn cầu, họ thường muốn chỉ châu Âu cùng với khúc ruột thừa của nó là những thuộc địa Anh ở châu Mỹ vừa mới tự giải phóng. Chân trời dừng lại ở đó.

Vả chăng cả thế kỷ 19 vẫn hằn ảnh hưởng của thuyết Âu châu trung tâm, kể cả những người như Marx, ông nói thế giới mà nghĩ châu Âu. Mọi sự chỉ quanh quẩn giữa Anh, Đứcc và Pháp là hết. Ngay cả bên trong châu Âu, cũng không nên đi quá xuống phía nam hoặc sang phía đông để khỏi làm hỏng các khái niệm phổ quát toàn cầu. Vậy, rõ ràng Cách mạng Pháp lập pháp nhân danh châu Âu.

Con người phổ quát: một tham vọng gần như điên cuồng

Nhưng ta nên hiểu khái niệm phổ quát theo một nghĩa khác nghĩa trừu tượng. Không làm gì có tính phổ quát cụ thể: tính phổ quát là một hình thái trừu tượng và con người phổ quát thế tất phải là một con người trừu tượng. Cách mạng tuyên bố rằng con người chỉ có lý do để nhập vào xã hội khi xã hội ấy bảo đảm cho anh hoặc chị ta có trước khi ký khế ước xã hội. Nói cách khác, đối với Cách mạng tính chất con người là tự chủ, là tự do, là không chấp nhận luật nào khác ngoài của bản thân mình. Xã hội phải bảo đảm cho mỗi người tất cả các quyền thuộc về anh hoặc chị ta do bởi phận vị con người của anh hoặc chị ta. Đó là một tham vọng phi thường hoàn toàn trừu tượng.

 

Trồng cây Tự do trước mặt Thị trưởng, đội cận vệ quốc gia, trong tiếng kèn đồng. Tranh bột màu của trường phái Pháp thế kỷ 18

 

Như vậy, các quyền là có tính chất hình thức, trừu tượng và có thể nói là được suy ra từ trạng thái bản chất con người. Tham vọng của cách mạng, như ta thấy, gần như là điên cuồng, bởi vì nó mâu thuẫn với thực trạng của xã hội và của con người. Điều gây nên phần lớn bi kịch của nó là cái mâu thuẫn to lớn giữa những quyền phổ biến mà nó tuyên bố là thuộc về bản chất con người và tình trạng xã hội cụ thể - với những người giàu và những người nghèo, những người thống trị và những người bị thống trị.

Bình đẳng: mơ ước hay hiện thực?

Nền dân chủ hiện đại, sinh ra từ Cách mạng, từ hai thế kỷ nay, có đặc điểm là tình trạng căng thẳng thường xuyên giữa việc khẳng định các quyền phổ biến trừu tượng và việc nghiệm sinh các quyền được thực hiện dở dang trong thực tế. Chẳng hạn như ý niệm bình đẳng. Tất nhiên, đó cũng là một ý niệm trừu tượng vì mọi người đâu có bình đẳng: tự nhiên cũng như xã hội đều sản sinh ra những con người không bình đẳng, trong khi tham vọng của xã hội là tạo ra những cá nhân bình đẳng. Phải chăng họ không bình đẳng với tư cách là công dân?

Vậy mà bình đẳng tuyệt đối, cả về chính trị lẫn xã hội, lại chính là chuyên quyền tuyệt đối. Giả thuyết duy nhất trong đó ta có những người bình đẳng triệt để là khi nào chỉ có một người đứng trên  mọi người để duy trì cho họ được bình đẳng. Một tình huống chẳng đáng mong muốn chút nào. Tự do bao giờ cũng sản sinh ra bất bình đẳng. Vì thế, càng ngày người ta càng đi đến chỗ coi Nhà nước như một cơ chế bù trừ, bổ khuyết một số bất bình đẳng. Tôi thấy hình như đặc điểm nổi bật nhất của xã hội tự do là việc duy trì một sự cân bằng khó khăn, lao động giữa sự tăng trưởng của Nhà nước và tự do của cá nhân.

Từ hai trăm năm nay, trên thế giới chưa hề có một thí dụ nào về một Nhà nước suy giảm, kể cả ở những xã hội tự do nhất. Hãy xem như Hoa kỳ, hoặc Pháp, hoặc Anh. Tất cả những Nhà nước đó đều đang tăng trưởng. Tại sao? Nhân danh quyền bình đẳng? Bởi vì mỗi lần một quyền mới được ban bố cho một bộ phận công dân nào đó, lại phải lập một cơ quan Nhà nước để bảo đảm những quyền đó. Tiến triển của bình đẳng nhất thiết phải gắn liền với độ tăng trưởng của Nhà nước. Cùng với tất cả những gì phát sinh từ đó thành những mâu thuẫn có thể có giữa khu vực can thiệp của vai trò Nhà nước và khu vực triển khai của tính chủ động cá nhân.

Các quyền công dân hay nội chiến?

Theo đà thế giới trở nên phổ quát hơn, đặc biệt qua quá trình thực dân hóa rồi phi thực dân hóa, ta lại thấy nổi lên ở khắp nơi sự căng thẳng lập hiến của Cách mạng Pháp, giữa cái hình thức và cái thực tại, giữa cái phổ quát và cái riêng biệt. Phong trào dân chủ lẫn với những cuộc đấu tranh nhằm giảm bớt sự căng thẳng đó. Tuyên bố về quyền con người và quyền công dân có phải là cái gì khác một cuộc nội chiến thường trực để cho mọi người có được cái điều họ chưa có, nghĩa là trở nên bình đẳng? Cái năng động của những xã hội dân chủ chủ yếu là hòa nhập dần những người bị mất quyền bình đẳng. Mà mỗi lần như vậy đều gây ra những căng thẳng mới.

Chẳng hạn như ở Pháp năm 1848, người ta đặt vấn đề quyền làm việc; người ta nêu câu hỏi sở hữu có phải là một quyền hay không và nó có dung hòa với quyền bình đẳng đến mức nào. Đó là những mâu thuẫn có thực. Tất nhiên, sở hữu là một quyền. Không có sở hữu, con người sẽ thành nạn nhân được chỉ định sẵn cho Nhà nước. Nhưng nếu sở hữu được phân phối quá chênh lệch, nó sẽ tạo ra một bất bình đẳng xã hội tới mức khiến một số lớn mất khả năng thực hiện quyền đó. Đó là một thí dụ rõ ràng về những mâu thuẫn nẩy sinh từ Tuyên ngôn 1789.

Sự căng thẳng đó, vốn chứa đựng tất cả những gì làm nên giá trị lịch sử của Cách mạng, rút cục lại đẻ ra một sự phê phán Cách mạng. Nổi lên một trào lưu bãi bỏ hệ tư tưởng về quyền con người và quyền công dân, coi nó là trừu tượng, là giả dối, là sự trá hình của một xã hội bất công, là chiếc mặt nạ của chủ nghĩa cá nhân tư sản mà thôi.

Năm 1917, ở Nga nổ ra một cuộc cách mạng muốn vượt lên những mâu thuẫn đó. Dựa trên sự phê phán các quyền con người, cuộc cách mạng này muốn lấy cái cụ thể thay cái trừu tượng, lấy Chuyên chính vô sản thay Dân chủ hình thức, nó muốn giải quyết vấn đề bất bình đẳng bằng cách hủy bỏ quy luật trị trường và các quyền tự do cá nhân.

Một thỏa hiệp kỳ lạ và cần thiết

Và đây, ba mươi năm sau, thế giới lâm vào một tình huống hoàn toàn quái dị. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hai quan niệm mâu thuẫn của năm 1789 và 1917 buộc phải dung hòa với nhau.

Phe thắng trận trong chiến tranh bao gồm một bên là những nước dân chủ Tây Âu và Mỹ, sau khi đánh bại chủ nghĩa quốc xã, càng thêm gắn bó với lý tưởng về quyền con người, và bên kia là Liên Xô được tạo nên trên định đề ngược lại. Và hai bên phải đi đến hòa hợp với nhau.

Họ cùng nhau thành lập hệ thống Liên Hợp Quốc. Họ cần phải tìm một điểm tương đồng. Đó là bản Tuyên ngôn toàn cầu về quyền con người được thông qua năm 1948. Bản Tuyên ngôn này là kết quả của một sự thỏa hiệp kỳ lạ và cần thiết. Một bên là Cassin, bên kia là Vychinsky. Hiển nhiên là kết quả phản ánh đúng cuộc đối thoại đó: một trò chơi căng thẳng giữa hai quan niệm trái ngược nhau. Nhưng quả thật là trên cơ sở một lý tưởng nhân văn chủ nghĩa và dân chủ vì Liên Hợp Quốc được xây dựng trên sự phủ nhận chủ nghĩa quốc xã, nghĩa là trên ý tưởng tự do và luật pháp.

Để đạt đến thỏa thuận, các luật gia phương Tây phải chấp nhận đưa vào những quyền gọi là thực tồn. Chẳng hạn, Tuyên ngôn 1948 có nêu ý niệm về một mức tối thiểu để sinh tồn. Dĩ nhiên, đó là một ý hết sức khó thực hiện ở những nước nghèo. Việc nêu mức tối thiểu để sinh tồn thành một trong những quyền con người chỉ làm rõ thêm tính chất mong manh của những quyền này.

Và theo đề nghị của bên Liên Xô, còn có một cuộc tranh cãi gay go về việc có nên loại trừ sở hữu khỏi các quyền con người hay không. Hiển nhiên điều đó là không thể chấp nhận được theo quan điểm phương Tây. Chung cục, Tuyên ngôn 1948 mang dấu vết của những mâu thuẫn đã chủ trì sự ra đời của nó. Nó muốn là một văn bản vừa có tính chất định chuẩn vừa cụ thể, vừa phổ quát vừa riêng biệt. Vậy mà, càng đưa nhiều định nghĩa cụ thể bào ý niệm về tính phổ quát, phạm vi của nó càng hẹp lại. Từ khi công bố Tuyên ngôn đó, bốn thập kỷ đã trôi qua. Và cuộc tranh luận vẫn tồn tại, thậm chí còn tiếp tục phát triển trên những ý niệm mâu thuẫn đã dệt nên nó.

Chúng ta phải nghĩ rằng chúng ta tự do và bình đẳng

Chẳng hạn, vẫn còn cuộc tranh luận sôi nổi về tính chất thực hay hư của tự do và bình đẳng. Đúng là người ta tự do và bình đẳng trong chừng mực của họ không còn bị biến thành nô lệ. Họ tự do về ý thức và thân thể, tự do theo đuổi những lợi ích cá nhân, tự do giao ước với nhau. Nhưng mặt khác, quyền tự do bình đẳng bị hạn chế, bị tổn hại chừng nào chúng che phủ những bất bình đẳng xã hội, văn hóa, cá nhân, những quan hệ bóc lột giữa một giai cấp này với một giai cấp khác.

 

Rouget de Lisle hát bài La Marseillaiselần đầu tiên (1849), tranh sơn dầu của Isidore Pils. Đại úy công binh Rouget de Lisle, năm 1792, ở Strasbourg đã soạn nhạc và lời cho bài hát sau này trở thành quốc ca Pháp.

Theo nghĩa ấy, ta thấy có những gì hư tạo trong ý niệm về tự do và bình đẳng. Nhưng từ đó, ta có thể rút ra hai kết luận khác nhau. Có thể nói – và đây là quan điểm của tôi – rằng tất cả chúng ta không phải đều tự do và bình đẳng, nhưng chúng ta buộc phải tưởng tượng rằng mình là những người tự do và bình đẳng trong xã hội. Việc buộc phải nghĩ vậy làm thay đổi kết cấu của thế giới xã hội, tạo ra sự căng thẳng mà tôi vừa nhắc tới, cái năng động vốn là thuộc tính của dân chủ.

Đối lại, ta có thể đi đến kết luận mác-xít: một khi tự do và bình đẳng chỉ là dối trá, cần phải vượt lên chúng, hủy bỏ cái hệ thống lấy chúng làm nền tảng và đi đến một xã hội căn bản khác xã hội của Cách mạng 1789. Một khi dân chủ hiện đại chỉ là cái bình phong che đậy một thể chế chuyên chính tư sản, cần phải thay thế chính quyền tư sản bằng chính quyền vô sản. Và giai cấp vô sản, vốn không phải là một giai cấp bóc lột, sẽ giải phóng xã hội và nhân loại khỏi mọi sự bóc lột.

Sự nổi lên của cá nhân

Điều tôi cho là không chính xác trong cách nhìn nhận ấy là việc quy cho dân chủ hiện đại là Chuyên chính tư sản. Về mặt lịch sử, điều đó là không đúng. Xã hội Pháp năm 1789 không phải là rất tư sản, cũng chẳng thật sự tư bản chủ nghĩa. Điều tôi đưa vào tác phẩm của mình, cụ thể là không thể quy giản Cách mạng Pháp thành sự thăng tiến của giai cấp tư sản. Cuộc Cách mạng ấy, trên hết, thể hiện sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân hiện đại, một quá trình rộng lớn hơn nhiều so với sự nổi lên của một giai cấp, bởi lẽ nó thay đổi toàn bộ kết cấu xã hội trong đó giai cấp tư sản chỉ là một thành phần trong nhiều thành phần khác – ngay cả nếu thành phần đó, dần dần bắt đầu thống trị phần còn lại.

Bằng chứng rằng chủ nghĩa cá nhân không phải là một tính chất tư sản, có thể thấy ở chỗ, trong những nước đã xóa bỏ sự chuyên chính kinh tế của giai cấp tư sản, đòi hỏi tự do cá nhân vẫn tiếp tục đặt ra. Trong những xã hội mác-xít ngày nay, những khái niệm quyền con người, trị trường, dân chủ hình thức đang trở lại địa vị danh dự. Nói cách khác, ý tưởng dựng xây xã hội trên nền tảng quyền con người hoàn toàn không phải là một sự dối trá của giai cấp tư sản, mà thực sự là một ý tưởng phổ quát, thực sự đáp ứng một hy vọng toàn cầu. Sẽ không bao giờ có bình đẳng thực sự giữa tất cả mọi người, song ở chân trời của tất cả mọi người, bao giờ cũng sẽ có ý tưởng bình đẳng. Và ta phải sống với chính sự vẫy gọi đó. Chính cái đó làm cho sự vật chuyển động.

Nhưng sự tranh chấp giữa dân chủ hình thức và chuyên chính giai cấp còn lâu mới kết thúc. Dù chỉ là vì trong nhiều xã hội ngoài châu Âu, thông điệp đấu tranh giai cấp nghe xui tai hơn thông điệp dân chủ; sự phê phán nhân quyền dễ trót lọt hơn ý tưởng về nhân quyền. Và như vậy là vì những lý do lịch sử: ý tưởng về nhân quyền do bọn thực dân mang tới cho họ, áp đặt bằng nòng súng. Nhân quyền thuộc về kẻ chiến thắng, đương nhiên, trước mắt kẻ thua trận, đó là thứ ngụy trang cho sự thống trị thực dân.

Ở những nước ngoài châu Âu, có thể là thế kỷ 20 đã chứng kiến một sự tự phát mác-xít; sự phê phán mác-xít, nói cách nào đó, nằm ngay trong kinh nghiệm của các dân tộc đó. Hay đúng hơn, tính không phổ quát của nhân quyền đã ăn vào máu thịt họ. Vậy là thực dân đã cùng một lúc mang tới cho họ ý tưởng nhân quyền và sự phê phán ý tưởng đó. Và thường thường, họ thấy sự phê phán có lý hơn: nó trùng hợp trực tiếp hơn với cái thực tế họ đang sống và có thể biện minh cho sự cự tuyệt bằng bạo lực của họ.

Năng động dân chủ, năng động của những xung đột

Tất nhiên, ở đây, tôi chỉ nêu một khuynh hướng rất chung chung. Trong thực tế thì phải phân biệt sắc độ. Vào thời kỳ của cơn chấn động thực dân, những xã hội ấy chủ yếu đang ở giai đoạn tiền cá nhân chủ nghĩa – các cá nhân ở đó chưa tách khỏi gia đình, bộ lạc, cộng đồng. Nhưng thực dân đã đưa vào đó một thế giới cá nhân chủ nghĩa. Do đó, có hai thế giới chồng lên nhau, một gắn với những quan hệ đoàn kết truyền thống và một hướng về tư tưởng dân chủ hiện đại; một xã hội thống trị bởi những tư tưởng bộ lạc và xã trưởng, còn xã hội kia, chồng lên trên, đang tập dượt phổ thông đầu phiếu.

Tình hình đó sinh ra Đảng Cách mạng Thiết chế ở Mêhicô, đảng Wafd ở Ai Cập, Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc, Đảng Quốc Đại ở Ấn Độ…, những lựa chọn tự do mà thành quả thực tế vẫn còn hạn chế. Vì thế, tiếp theo giai đoạn này là một giai đoạn khác ngự trị bởi tư tưởng đấu tranh giai cấp và cách mạng. Nhưng gần đây, dường như người ta muốn trở lại ý tưởng nhân quyền và dân chủ.

 Ở những nơi người ta tưởng có thể chặn các quyền của cá nhân hiện đại, thường xảy ra một tình hình kinh tế bi đát. Sau khi đập ta những cơ cấu tiền-tư bản, rồi lại khước từ những cơ cấu thị trường tư bản chủ nghĩa, họ đã vấp phải những khó khăn ghê gớm. Thậm chí, đôi khi họ không bảo đảm được việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố hoặc sự sống còn của nông thôn. Năng suất lao động bị phá vỡ. Vậy mà – ở đây, Marx đã không lầm – năng suất lao động, khả năng gia tăng của cải là một sắc lệnh của lịch sử. Người ta không thể làm nên lịch sử mà lại bỏ qua chúng và quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Vậy là người ta bắt đầu thấy ra rằng lịch sử không thể đi tắt. Sau khi xã hội cộng đồng, cần phải qua xã hội cá nhân chủ nghĩa. Và phải chấp nhận những căng thẳng của nó; phải thừa nhậ rằng những xã hội hiện đại là những xã hội đầy xung đột; phải sống với cái đó. Năng động dân chủ là một năng động của những xung đột.

Tới một độ nào đó, điều đó đặt ra vấn đề khả năng cai quản những xã hội hiện đại. Lấy thí dụ xã hội Pháp chẳng hạn, nó đâu dễ cai quản. Hễ có một sự căng thẳng mới xuất hiện là tất cả mọi người xuống đường. Tự do là như thế đó. Xã hội hiện đại phải học sống với cái đó. Có lẽ đó là một trong những khó khăn lớn nhất phải vượt qua, trong toàn thể xã hội: từ bỏ thói quen bám lấy những điều chắc chắn, chấp nhận cái bấp bênh, cái bất ngờ, sự bất trắc của tương lai.

Cái giá của tự do

Vậy thì, để kết luận, ta có thể nói gì về số phận các ý tưởng của Cách mạng Pháp, hai trăm năm sau? Xem ra những ý tưởng đó đã lan rộng. Nhưng những khó khăn vấp phải trên con đường trở thành hiện thực, còn nhiều vô kể?

Một mặt, trong những xã hội phương Tây, nơi những ý tưởng đó đã phát triển từ lâu, đang xuất hiện những hiện tượng tiêu cực. Đành rằng đó là những nước đã sống dễ chịu vì đã tìm ra được sự phân định liều lượng khả dĩ chấp nhận được, giữa tự do cá nhân và can thiệp Nhà nước. Nhưng liều lượng đó đã phải trả bằng một giá rất đắt. Nhân dân các nước này quay lưng lại công việc của cộng đồng, ngày càng ít quan tâm đến chuyện công cộng và những vấn đề của người khác, càng ngày họ càng kém đoàn kết. Đó là điều rất tiêu cực. Mỗi người đều quen thói chạy theo lợi ích riêng, người ta có cảm giá cái đó để lại một khoảng trống lớn, rằng cuộc sống thiếu đi một cái gì đó.

Mặc khác, ở phần còn lại của thế giới, khát vọng tự do cá nhân, ý tưởng vể quyền con người lại trở nên mạnh mẽ và tiến triển ở hầu khắp mọi nơi. Nhưng rồi đây họ làm thế nào để cùng một lúc vừa giải quyết những mắc míu tiến thoái lưỡng nan, đặc thù của các xã hội cộng đồng, vừa tìm ra những giải pháp cho vấn đề năng suất lao động? Đó là những câu hỏi còn đang chờ họ trả lời.

Tôi muốn kết luận bằng niềm hy vọng rằng việc kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp năm nay sẽ là một cơ hội lớn đem lại những bài học, làm cho khắp nơi nhận thức được những vấn đề sống còn thật sự và những căng thẳng thật sự liên quan đến sự kiện này. Mong rằng, bất kể mọi khó khăn, mọi mâu thuẫn của thế giới ngày nay, nó vẫn góp phần làm tiến triển ý tưởng về tính phổ quát của con người và của quyền con người.

 


*FRANÇOIS FURET, nhà sử học và nhà văn Pháp, giám đốc Viện Raymond Aron (Paris). Tác giả của Penser la Révolution française / Suy nghĩ về cách mạng Pháp(Gallimard, 1978), La Révolution 1770-1880 / Cách mạng 1770-1880(Hachette, 1988) và nhiều cuốn khác. Soạn chung với Mona Ozouf Dictionaire critique de la Révolution française / Từ điển bình giải về Cách mạng Pháp(Flammarion, 1988) 


Nguồn: Người đưa tin Unesco. Số chuyên đề: “1789 – Một ý tưởng đã làm thay đổi thế giới”, tháng 6 năm 1989, tr. 51-7./triethoc.edu.vn 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114530366

Hôm nay

2238

Hôm qua

2297

Tuần này

2535

Tháng này

217062

Tháng qua

0

Tất cả

114530366