Nhìn ra thế giới

Tolstoi ở Nhật Bản

Chủ đề “Tolstoi ở Nhật Bản” vừa đơn giản đồng thời vừa phức tạp. Đơn giản theo cái nghĩa sự hiện diện của Tolstoi trong lĩnh vực văn học Nhật Bản cũng tự nhiên y như trong văn học của mọi đất nước, Tolstoi xuất hiện chỉ chậm hơn một chút so với ở Phương Tây. Chủ đề này lại phức tạp bởi lẽ đề cập đến Tolstoi ở Nhật Bản cũng như ở mọi nơi, hoàn toàn không chỉ động đến mỗi văn học với nhiều khía cạnh khác nhau của cá nhân sáng tạo, Tolstoi đã đi vào đời sống tinh thần của xã hội Nhật Bản, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống này, ở Nhật Bản, trong một số quan hệ thậm chí còn lớn hơn ở Phương Tây.

Cũng cần nói trước ngay với bạn đọc điều này: về các bản dịch tác phẩm Tolstoi ra tiếng Nhật tôi sẽ nói rất ngắn gọn, ở mức tối giản thì tình hình là như thế này: tất cả những cái được viết ra bởi ngòi bút của nhà văn Nga vĩ đại thì độc giả Nhật Bản đã biết rõ và biết từ lâu. Các bản dịch Tolstoi bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào những năm 80 của thế kỷ XIX và từ thời điểm ấy, cái này nối tiếp cái kia liên tục được xuất bản. Đã có một số lượng khổng lồ những ấn bản các tác phẩm riêng lẻ; đã nhiều lần và đang còn xuất bản các vựng tập với dung lượng khác nhau; thậm chí đã xuất bản (cái gọi là) “toàn tập”. Đã xuất hiện những dịch giả chuyên về Tolstoi. Chẳng hạn Ionekawa Masao đã dịch nhiều sáng tác văn học của ông. Hara Kiuichiro với Toàn tập Tolstoi; giờ đây đang ấn hành các tập nối tiếp nhau của toàn tập trọn vẹn tác phẩm Tolstoi trong bản dịch của Nakamura Hakujo. Ấn phẩm sau cùng này chứng tỏ hứng thú đối với Tolstoi vẫn còn được gìn giữ ngay cả trong thời đại chúng ta.
Sự ham thích nồng nhiệt này của xã hội với Tolstoi đáng được chú ý đặc biệt: đối với người Nhật, Tolstoi không bao giờ chỉ là một nhà văn nghệ; nhiều người được ông dạy cho cần phải sống như thế nào. Vì thế họ gọi ông là “Thầy”.
Năm 1895, ở số Tháng tám của tạp chí Kokumin-notomo (Bạn dân), một tạp chí có tính tiên phong xã hội rất được phổ biến, trong những năm này xuất hiện tác phẩm Bản xonat Kreiserov, bản dịch được kí bởi hai tên: Konishi Masutaro và Ojaki Koyo. Cái tên thứ nhất khi đó còn chưa được ai biết đến; ngược lại, cái tên sau thì đã lẫy lừng: đó là tên một trong những nhà văn nổi tiếng nhất - lãnh tụ của nền văn học mới. Thế nhưng, lẽ dĩ nhiên là người thứ nhất dịch vì Ojaki không biết tiếng Nga. Còn Konishi thì không chỉ biết tiếng Nga, ông học nó trong chủngviện chính thống giáo ở Tokyo do giáo đoàn Nga lập ra cho người Nhật, mà lúc đó đã bắt đầu say mê các quan niệm đạo đức của nhà văn Nga, kết quả là ông, như ta đã biết, một thời gian dài đã có liên hệ cá nhân với Tolstoi và thậm chí còn dịch cho Tolstoi tác phẩm của Lão Tử - một trong những nhà minh triết cổ Trung Quốc được Tolstoi đặc biệt tôn kính. Rõ ràng, Ojaki Koyo, nhà văn học lão luyện từng đọc Bản xonat Kreiserov qua bản dịch Anh ngữ chỉ làm cái việc là đánh bóng về phương diện văn học cho công trình của một dịch giả khi ấy còn chưa nhiều kinh nghiệm, nhưng sự tham gia của ông trong công việc này tự nó cho thấy: Ojaki luôn mong muốn với những đòi hỏi của toàn bộ thế kỷ thì ông cho rằng cái chủ đề mà ông đã nỗ lực khai thác trong Bản xonat Kreiserov chính là sự đáp ứng cho các đòi hỏi của xã hội Nhật Bản trong những năm này.
Trong thực tế tình hình là như vậy. Những năm 80-90, đó là thời kỳ cải biến toàn bộ đời sống xã hội Nhật Bản. Đất nước chuyển sang con đường tư bản chủ nghĩa. Sự chuyển đổi diễn ra không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả về xã hội. Về xã hội cũng không chỉ theo nghĩa cải tổ giai cấp mà theo quan điểm xem xét lại nền tảng cơ bản nhất của đời sống xã hội, đặc biệt là cơ sở đạo đức. Có lẽ một trong những đòi hỏi mãnh liệt đặt ra trước xã hội Nhật Bản, chí ít thì cũng trước giới trí thức tiến bộ của nó là vấn đề tình yêu - nhục thể và tinh thần, về hôn nhân và gia đình. Những nguyên lí đạo đức trước đó vốn được duy trì qua nhiều thế kỷ, hình thành trong những điều kiện của chế độ phong kiến không thể làm thỏa mãn thế hệ lớn lên trong một chế độ xã hội đã thay đổi. Dễ hiểu là Bản xonat Kreiserov sẽ có ảnh hưởng cực mạnh tới số đông người Nhật vốn có sự nhạy cảm đối với các vấn đề đạo đức. Sự xuất hiện tác phẩm này của nhà văn Nga tại Nhật Bản vẫn còn được lưu dấu trong luận văn Kindainorenaikan (Luyến ái thời hiện đại). Tác giả của nó là Kurijagawa Hakuson, giáo sư trường Đại học Kyoto, chuyên gia văn học Anh, một trong những nhà văn học uyên bác của Nhật Bản. Những người truyền bá trên đất nước mình văn học của thế giới phương Tây, đồng thời là những người phát ngôn về các vấn đề “tư tưởng thời đại” như cách nói khi ấy, nghĩa là các vấn đề thời sự của đời sống xã hội. Về tâm tư của nhà văn Nhật Bản này thì ta có thể phán đoán căn cứ vào việc ông đã đặt tên cho một bài báo rất nổi tiếng bấy giờ của mình: Giã từ ngôi lầu son (nguyên văn: Ngôi lầu bằng ngà voi). Tác phẩm Bản xonat Kreiserov đã giới thiệu nhà văn Nga với độc giả đông đảo, trong số những người có khả năng theo sát tất cả những điều có trong văn học và đời sống xã hội của những nước tiên tiến của thế giới khi ấy - những người này ở Nhật Bản bây giờ đã có nhiều - các tác phẩm Tolstoi không chỉ được biết đến chủ yếu nhờ các dịch phẩm Anh ngữ, mà còn được đánh giá nữa. Ở những giới này, Tolstoi mặc nhiên được liệt vào số những nhà văn vĩ đại. Những nhà hoạt động của hội “Bạn dân” (Miniusia), tổ chức đã sáng lập ra tạp chí Kokumin-notomo và đăng tải Bản xonat Kreiserov, đã chọn từ các nhà hoạt động văn học của các nước và các thời đại khác nhau, 20 nhà văn học như vậy và truyền bá sáng tạo của họ bằng cách xuất bản một loạt sách khảo lược chúng. Năm 1897 trong thành phần của xeri sách này đã ra đời cuốn lược khảo về Tolstoi. Tác giả của nó là Tokutomi Kenjiro, bút danh là Roka - chính là người có những hồi ức về cuộc gặp gỡ với Tolstoi ở Iasnaia Poliana được in với bản dịch tiếng Nga trong bộ Di sản văn học tập 75 (của VHLKKH Liên Xô - ND chú). Đây là ấn phẩm thứ hai của ông dành cho nhà văn Nga. Còn ngay từ năm 1890, ở những năm đầu thời hoạt động của mình, ông đã cho đăng trên tạp chí Kokumin-notomo bài viết Tinh cầu vĩ đại của văn học Nga - Tolstoi.
Nội dung công trình mới của Tokutomi về Tolstoi, một lược khảo kỹ lưỡng về cuộc đời và hoạt động của nhà văn Nga vĩ đại đầu tiên ở Nhật Bản cho thấy thực sự là điều gì Tolstoi đã cuốn hút những người Nhật, chí ít thì cũng với những người như Tokutomi.
Ở thời điểm năm 1897, ông còn trẻ. Đây là đại diện của một trong những biến thể dân tộc của loại hình con người trẻ tuổi, có tính quốc tế thuộc thế kỷ tư bản chủ nghĩa, ở giai đoạn lịch sử đầu tiên của thế kỷ này. Đối với nước Pháp, nơi kiểu người này in dấu rất rõ trong các hình tượng văn học, là giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX, đối với Nhật Bản thì muộn hơn tới gần 50 năm trên con đường tư bản chủ nghĩa. Đó là vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tức giai đoạn mà đối với nước Pháp tư bản chủ nghĩa, đã là đoạn “kết thúc thế kỷ”. Do đó trong kiểu “Người trẻ tuổi” của Nhật Bản vốn được hình thành một mặt, dưới ảnh hưởng những đặc điểm của sự phát triển xã hội chậm chạp của nước Nhật và mặt khác là những khuynh hướng tư tưởng xuất phát từ những nước tiên tiến phương Tây, đã có sự pha trộn kỳ quặc những đặc tính lạc hậu còn chưa khắc phục được hết với sự khát khao nồng nhiệt đối với cái mới, nhất thiết phải đúng là cái mới, bất kể nó xuất phát từ đâu.
Tokutomi lớn lên trong môi trường của hội đoàn Manyusia, lãnh tụ chính của nó là người anh cả của ông - Tokutomi Soho. Vào những năm 80, tổ chức này đã thành trung tâm của giới thanh niên hăng hái, say sưa với những tư tưởng dân chủ tư sản khi đó còn mới mẻ đối với Nhật Bản, mà hình mẫu của nó người ta nhìn thấy ở chế độ xã hội Anh, Mĩ giữa thế kỷ XIX. Trên các trang tạp chí này, giới trẻ tiến hành cuộc đấu tranh với những tàn dư của trật tự phong kiến, với sự cổ hủ trong chính trị, đời sống xã hội, đạo đức, luật pháp. Về sau, với việc trật tự tư sản được củng cố, sự nhiệt tình này, một cách tự nhiên, nguội dần đi, còn khi đã ở trong những điều kiện của chế độ tư bản ấy, những mục tiêu cấp tiến trở nên không cần thiết, theo quan điểm của người tư sản đứng đắn đã bắt đầu được bộc lộ thì nhiều người trong số những nhà hoạt động của tổ chức Manyusia, trong số đó có Tokutomi Soho đã chuyển thành những người bảo vệ cho các nguyên tắc tư bản chủ nghĩa. Nhưng vào những năm 90, thuyết cấp tiến nổi tiếng vẫn còn được lưu giữ ở chính những người này, đặc biệt ở những thành viên trẻ tuổi thấp hơn. Trong số họ có Tokutomi Roka, ông về sau đã đoạn tuyệt với anh mình do xung khắc chủ yếu về các quan điểm chính trị - xã hội.
Tokutomi Roka, người vốn từ hồi trẻ đã bộc lộ sự say mê đối với các vấn đề đạo đức, tìm thấy ở Tolstoi điều gần gũi với ông: sự kêu gọi hữu ái cộng đồng, tự do tinh thần vô hạn, đạo đức cao cả, ý thức tôn giáo có tính thực tế, bất tuân chủ nghĩa giáo điều gò gẫm. Những lời kêu gọi này được ông cảm nhận đặc biệt tinh tế bởi lẽ chúng đã vang lên ở nước Nga những năm 90 khi mà ở đất nước chúng ta còn ngự trị nền chính trị phản động và chủ nghĩa giáo điều của tôn giáo chính thống, tác động tai hại đến xã hội, làm tha hóa các cơ sở đạo đức tinh thần của nó. Không hồ nghi gì rằng các phương diện này của hiện thực Nga ở những năm ấy đã thu hút sự quan tâm của Tokutomi bởi vì ông và nhiều người thuộc thế hệ ông đã nhận thấy trên đất nước của chính mình những dấu hiệu của sự phản động chính trị đang đến gần với tất cả những hậu quả xã hội của nó. Chính vì thế mà ông đã tiếp nhận được một cách tinh vi như vậy sự tố cáo của Tolstoi đến với những tệ nạn quốc gia và xã hội đồng thời hưởng ứng nhiệt tình đến như vậy với lời kêu gọi của nhà văn Nga trong việc đấu tranh với cái ác. Âm hưởng của tâm trạng này tràn đầy trong tiểu thuyết Kuroshio (còn gọi là Kokuchio), phần một của nó được in lần đầu năm 1901-1902, cảm hứng tố cáo của tác phẩm này của Tokutomi nhắm vào chế độ phản động sự bất lương và tha hóa của tầng lớp nắm quyền ở Nhật Bản các năm 80-90.
Nhưng Tolstoi còn hấp dẫn Tokutomi bằng một khía cạnh khác, khía cạnh tự thuật trong sáng tạo của mình. Nhà văn trẻ Nhật Bản rất cần biết chàng thanh niên Tolstoi đã tiến bước bằng con đường nào: bản thân ông chỉ vừa mới trải qua thời thanh niên sôi sục, đầy những kiếm tìm đủ loại của mình và khao khát nhận thức như thế nào đó những thử thách đã qua. Ông đã làm điều này trong cuốn tiểu thuyết tự thuật trứ danh Omoide-noki (Biên niên sử những hồi ức, 1900-1901); trong tác phẩm không cho thấy dấu ấn rõ ràng về sự tiếp xúc của tác giả với các tác phẩm Thời thơ ấuThời thanh niên của nhà văn Nga.
Lúc này hứng thú nhất mực đối với Tolstoi không chỉ có ở mỗi Tokutomi. Tại Nhật Bản, trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là thời kỳ của đủ mọi tìm kiếm, “những tìm kiếm chân lý”, như cách nói bấy giờ. Một trong những “nhà tìm kiếm chân lý” ấy là Nikajawa Rinsen: Ông đã dành cho Tolstoi một công trình, trong đó ông coi cuộc đời của nhà văn Nga ấy là “biểu hiện tiếp tục của chân lý vĩ đại” và đặt Tolstoi vào hàng những nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của thời cận đại; thuộc vào số ấy có Tolstoi bên cạnh Bethoven, Rollan và Nitsơ giai đoạn giữa cuộc đời. Về sau, Nikagawa trong những quan điểm nhân văn chủ nghĩa của mình đều dựa chủ yếu vào Tolstoi, Rolland và Hugo. Vào giai đoạn cuối đời, nhà văn học Nhật Bản này thể hiện sự hứng thú lớn đối với chủ nghía Mác. Thái độ của ông với chủ nghĩa Mác đã được thể hiện qua cái tiêu đề mà ông đặt cho bộ tuyển tập các bài báo dành cho học thuyết này: Sinsiakai-nokiso (Cơ sở của xã hội mới, 1920).
Vậy đấy là Tolstoi trong cách hình dung Nhật Bản ở giai đoạn đầu thâm nhập của ông vào tâm trí giới trí thức tiên tiến Nhật Bản. Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật 1904-1905, Tolstoi hiện ra trước xã hội Nhật Bản dưới một ánh sáng khác.
Chiến tranh đặt xã hội Nhật Bản vào một ranh giới mới của lịch sử hiện đại của nó. Giai đoạn cải tạo đất nước theo các nguyên tắc tư bản chủ nghĩa đã kết thúc. Ở giai đoạn này đã xác lập được những thiết chế dân chủ tư sản cơ bản, hiến pháp, quốc hội lưỡng viện, sự tự quản xã hội của địa phương, các đẳng cấp được quản lý về pháp chế bằng luật định; quyền tự do tín ngưỡng - những niềm tin tôn giáo, được bảo đảm; việc giáo dục phổ thông cơ sở bắt buộc (sáu năm) được xác lập. Đồng thời, ở nông thôn vẫn duy trì vững chắc chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, điều này khiến cho một bộ phận đáng kể nông dân ở vào tình trạng của người lĩnh canh trong công nghiệp, vẫn bảo lưu những yếu tố của chủ nghĩa gia trưởng vốn có ảnh hưởng đến các hình thức bóc lột. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản gây nguy hại cho sự tồn tại của các chủ xí nghiệp, các thương gia hạng nhỏ và trung, các thợ thủ công nói chung. Chủ nghĩa tư bản trẻ của Nhật trút gánh nặng phí tổn cho sự lớn lên của mình lên vai người lao động và chuẩn bị xâm chiếm các lân bang - Triều Tiên và Trung Quốc. Trên mảnh đất này đã có sự gặp nhau giữa những nhu cầu của tầng lớp tư sản tư bản chủ nghĩa mới và của quý tộc phong kiến cũ đảm bảo cho chủ nghĩa tư bản lũng đoạn đang hình thành quyền lãnh đạo độc tôn lực lượng quân đội.
Những khuynh hướng đối lập nhau này không chỉ bộc lộ một cách hoàn toàn rõ ràng mà còn được tăng cường cùng với cuộc chiến tranh đang tới gần. Chính trong những năm trước chiến tranh đã bắt đầu hình thành phong trào công nhân theo kiểu hiện đại. Ta cũng thấy giiống như mọi nước tư bản trẻ khác, ở đây có sự kết hợp những yếu tố chủ nghĩa dân chủ xã hội và chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ. Chung quanh giai đoạn tích cực khởi đầu mà bấy giờ còn rất hạn chế về quy mô hoạt động này của giai cấp công nhân đã bắt đầu phát triển một phong trào dân chủ rộng lớn có tên “Phong trào bình dân”. Tham gia vào phong trào gồm nhiều thành phần thuộc tầng lớp tư sản nhỏ, một phần thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản và cả một số thành phần nông dân. Nói ngắn gọn, xã hội Nhật Bản đang trên con đường đấu tranh để mở rộng nền dân chủ. Những nhà hoạt động nhìn xa thấy rộng hơn cả của phong trào này hiểu rõ rằng chiến tranh ngoài mục đích chính là xâm chiếm thuộc địa còn giúp cho giới địa chủ tư sản phản động của chính quyền đàn áp phong trào dân chủ rộng lớn đang được bắt đầu trong đất nước. Chính vì thế, những nhà hoạt động chủ yếu của “Phong trào bình dân” đều phản đối chiến tranh và trong cuộc đấu tranh phản chiến của mình, họ đã tìm được chỗ dựa vững chắc ở Tolstoi.
Chỗ dựa này họ thấy ở những bài báo nổi tiếng của Tolstoi có khuynh hướng chống chiến tranh. Ngay sau khi xuất bản ở ngoài biên giới nước Nga, chúng nhanh chóng được phổ biến ở Nhật Bản. Kotoku Sgusui, một trong những nhà hoạt động của “Phong trào bình dân” lập tức dịch chúng từ tiếng Anh sang tiếng Nhật và công bố trên báo Heimin simbun - một cơ quan của phong trào này. Như vậy tầng lớp tiên tiến của xã hội Nhật Bản tiếp cận với Tolstoi trên nền tảng của phong trào chống chiến tranh. Kotoku Jenjiro bút danh là Syusui không chỉ công bố diễn từ chống chiến tranh của Tolstoi mà còn cho in bài viết của mình. Trong đó, ông nhiệt thành đánh giá phát biểu của Tolstoi và hoàn toàn đồng tình với ông nhưng không đồng ý tuyệt đối với Tolstoi trong việc cắt nghĩa nguyên nhân chiến tranh. Ông bác bỏ quan điểm của Tolstoi cho rằng chiến tranh sinh ra do sự suy thoái đạo đức và tuyên bố chiến tranh xuất hiện là do những đối kháng kinh tế của xã hội có giai cấp. Kotoku Jenjiro biết khá rõ Mac. Ông là người đầu tiên ở Nhật Bản dịch Tuyên ngôn Đảng cộng sản. Ông cũng là người đầu tiên ở Nhật Bản đưa ra một cách trình bày phổ thông bằng văn phong tuyệt vời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội trong công trình lớn có tên Bản chất của chủ nghĩa xã hội. Từ những điều này ta thấy rõ rằng Kotoku Syusui là con người có đặc tính khác với Tolstoi, con người với những quan niệm khác về chiến tranh, về dân chủ, sự tiến bộ. Chẳng hạn, ông hoàn toàn xa lạ với những tư tưởng tôn giáo của Tolstoi. Nhưng đồng thời lòng can đảm, sự sắc bén trong việc vạch trần chế độ xã hội tư sản của Tolstoi, xúc cảm nhân văn chủ nghĩa của nhà văn Nga ấy đã gợi lên ở ông lòng cảm phục. Vậy đến với Tolstoi là một thế hệ khác của bộ phận tiên tiến của xã hội Nhật Bản, thế hệ của giai đoạn thứ hai, xét về trình độ là cao hơn, trong cuộc đấu tranh vì sự dân chủ hóa tổ quốc của mình.
Chiến tranh không những không cách ly Nhật Bản với nước Nga mà ngược lại còn tạo nên một sự quan tâm xã hội lớn đối với đất nước chúng ta, đặc biệt đối với tư tưởng xã hội Nga được biểu hiện trong văn học Nga. Mối quan tâm đối với Tolstoi được tăng thêm khi đọc các bài viết chống chiến tranh của ông. Bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm của nhà văn Nga dưới dạng bản dịch, số lượng độc giả tăng mạnh.
Tokutomi còn ham thích Tolstoi hơn nữa. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, vào tháng tư năm 1906, ông đã thực hiện chuyến đi ra nước ngoài được gọi là “chuyến hành hương”, cũng như kẻ hành hương, ông hướng đến những “chốn thiêng liêng”. Đối với ông những chốn thiêng liêng đó, như ông tự nói ra, là Iaralim và Iasnaia Poliana. Chuyến đi này được ông mô tả trong cuốn sách Ghi chép của một kẻ hành hương (1906), một phần của nó, phần có liên quan đến chuyến đi tới Iasnaia Poliana được in trong tập Di sản văn học như đã nói.
Việc Tokutomi đánh giá thế nào cuộc gặp gỡ của mình với Tolstoi, độc giả có thể xét đoán qua bản dịch đã được công bố; ở đây chỉ nói thêm, năm 1918 ông đã viết tùy bút tự thuật Tin xuân. Ông hồi tưởng lại việc khi tới Iasnaia Poliana vào sáng sớm, ông đã lập tức đi dạo và tới chiếc ghế đá trong rừng như thế nào. Ông ngả mình trên đó và thiu thiu ngủ. Bỗng nhiên ông nghe thấy một tiếng gọi: chính là Tolstoi đi đến chỗ ông và bắt tay ông. Trong cái bắt tay này, tay Tolstoi đụng tay Tokutomi. Sau nhiều năm, Tokutomi mới hiểu điều này có ý nghĩa gì. Ông nhớ lại, y như trên một bức họa, Mikelanjelo mô tả người khổng lồ Adam đang nằm vô lực và với một chuyển động rất mạnh, đức cha Savaoph bay vụt qua; dường như bằng một cái động nhẹ của tay, ngài đã làm cho cái đống bất động ấy biến thành một con người. Bức tranh vì thế có tên: Sự sáng tạo con người. Tokutomi hiểu rằng: cũng diễn ra một điều tương tự như thế, cái đụng tay của Tolstoi đã biến ông thành một con người.
Về điều sự sáng tạo con người có ý nghĩa gì trong trường hợp này thì ta có thể thấy được từ những hoạt động của Tokutomi sau khi trở về từ Iasnaia Poliana: ông quyết định cắt đứt với đời sống tư sản trước đây của mình, từ bỏ lao động văn chương và sống bằng lao động chân tay. Vào tháng Giêng năm 1907 ông tậu một mảnh đất nhỏ trong một làng cách Tokyo không xa để có thể tự canh tác bằng sức lao động của mình và dọn đến đó ở trong một ngôi nhà tranh nhỏ bé của thôn quê cùng với vợ đồng thời đăng khẩu vào một ngôi làng địa phương, tức là về hình thức đã thành một nông dân. Lý tưởng của ông, đó là sự trở về với đời sống mà theo ý ông là duy nhất xứng đáng với con người - đời sống của người làm ruộng với cái cuốc, như ông viết, vung cao trên đất mẹ, lấp loáng trong ánh mặt trời, ở buổi bình minh của lịch sử loài người, sẽ lấp loáng “trên vùng bình nguyên Sakhara màu mỡ” và như vậy khi đó “London, Paris, Berlin, New York, sẽ thành những tiêu chuẩn của cáo và thỏ”. Nói ngắn gọn, trong việc thực thi những nguyên tắc của mình, ông muốn không chỉ đi theo con đường đã được vị thầy người Nga của ông chỉ ra mà còn muốn đi xa hơn. Cần biết rằng, Tokutomi không có con, vợ của ông hoàn toàn chia sẻ niềm tin của chồng và luôn là người bạn đường chung thủy trong suốt cuộc đời ông.
Tất nhiên là điều này không đi đến đâu cả: Tokutomi nhanh chóng nhận ra tính giả tạo quá mức trong “sự hối lỗi” của mình, với việc quay về với “đời sống nhà nông chân chính” vốn luôn không khoan nhượng với sự giả tạo của đời sống, ông đã đoạn tuyệt cuộc sống gượng ép và trở lại với lao động văn học. Nhưng về điều này thì cần phải nói riêng. Còn ở đây chúng ta đang đề cập đến một đoạn đời người học trò Nhật Bản của Tolstoi để làm sáng tỏ hơn việc Tolstoi đã có ảnh hưởng lớn đến nhường nào đối với một trong những nhà văn xuất sắc nhất của Nhật Bản ở thời kỳ này. Chỉ cần nói thêm rằng văn học được lợi từ điều đó: Sự càu nhàu của con giun đất - cuốn sách này, bằng việc trình bày toàn bộ lịch sử “sự ra đi” ấy của Tokutomi khỏi thế giới tư bản, bằng sự ghi lại cuộc sống của ông ở nông thôn với sự thành thực đến tàn nhẫn, bằng việc nói rõ ông đã bị tài sản phủ đầy và khó nhận thấy như thế nào, cái cuộc sống nhà nông của ông đã chẳng đi đến đâu, đã thành một tài liệu hiếm có và là một trong những tác phẩm xuất sắc của văn học Nhật Bản. Trong đó, toàn bộ toát lên hơi thở Tolstoi, lẽ dĩ nhiên được khúc xạ qua bối cảnh Nhật Bản và cá nhân tác giả.
Sự trở lại đời sống hiện thực, trở lại hoạt động xã hội của nhà văn và cả sự duy trì lòng trung thành với tư tưởng của người thầy Nga được nói lên một cách tuyệt vời bởi tình tiết sau đây. Tháng 6 năm 1910, cảnh sát Nhật bất ngờ tiến hành một loạt vụ bắt bớ. Thông tin chính thức lí giải sự bắt bớ này là bởi đã phát hiện ra một nhóm bí mật những người cách mạng - xã hội có âm mưu ám sát vua. Lãnh đạo chính của nhóm này được quy cho Kotoku Syusui. Do coi những người bị bắt là tội phạm quốc gia nguy hiểm, nên việc xử án được tiến hành bí mật. Tháng 1 năm 1911 bản án được tuyên, theo đó 24 can án bị kết tội tử hình bằng lối treo cổ. Trong số đó chắc là có Kotoku Syusui.
Trong hoàn cảnh ấy Tokutomi, một người nhiệt thành với những tư tưởng của người thầy Nga của mình không thể im lặng. Đầu tiên, ông xin với Katsura Taro, lúc đó là thủ tướng cho thay đổi bản án tử hình. Điều này không thực hiện được, ông cho đăng trên tờ báo Asahi bức thư ngỏ gửi đến đức vua Mutsuhito với lời cầu xin cứu mạng những người bị kết án. Nhân thể nói thêm, bản thân sự việc công bố bức thư trên một trong những tờ báo phổ cập nhất ở Nhật Bản cũng cho thấy trạng thái tinh thần trong xã hội Nhật Bản mà bản án này tạo nên. Do ảnh hưởng của trạng thái xã hội ấy, hoặc do sự tính toán nào đấy mà chính phủ đã thay đổi bản án: Một nửa số người bị kết tội chết đã được thay bằng bản án khổ sai chung thân, còn mười hai người, trong số đó có Kotoku Syusui và vợ ông là Kanno Suga đã bị treo cổ. Những vụ xử tử đã tạo nên ấn tượng nặng nề cho xã hội Nhật Bản.
Tokutomi phản ứng ra sao trước những điều này? Không lâu sau sự việc ông phải giảng bài tại Trường Đại học Tokyo, sinh viên trường này thường mời các nhà văn học nổi tiếng đến thuyết trình. Tokutomi đã đọc bài giảng Muhonron (Về việc khởi nghĩa). Trong đó ông công kích chính phủ, yêu cầu tự do tư tưởng, tín ngưỡng, nói về sự cần thiết của cuộc cách mạng đối với nhận thức của con người, theo ý ông, nói chung là cuộc cách mạng tinh thần như một điều quan trọng nhất. Còn lưu giữ được các bằng chứng cho thấy bài phát biểu của ông đã tạo nên một ấn tượng rất mạnh với thính giả.
Taigiaku Jiken (Vụ án về tội đại hình), như một cách gọi chính thức đối với vụ án Kotoku về ý nghĩa không chỉ là một trong những sự kiện to lớn của lịch sử nội bộ Nhật Bản; nó còn có vai trò như hòn đá thử vàng để xác định thái độ công dân của các nhà văn Nhật. Nhiều nhà văn và dịch giả lớn đương thời đã bày tỏ sự phản đối như: Esano Tekkan, Shato Haruo, Hirade Oshamu, Ishikawa Takuboku, Akita Ujiaku và một số người khác. Nhưng họ bày tỏ phản đối trong các tác phẩm của mình - những truyện ngắn, bài thơ - nhiều khi trong một số hình thức kín đáo, mang tính ngụ ý. Narai Katu, một đại diện của nền văn học trẻ Nhật Bản có ảnh hưởng rất lớn khi ấy, biết rõ, như ông đã tự thú nhận rằng với tư cách nhà văn thì phải có nghĩa vụ chống lại bản án, đấu tranh cho sự công bằng và nhân bản, nhưng bản thân sau đấy không tiến hành phản đối theo cách thông thường mà thích, như cách diễn đạt của ông, ẩn sau “đời sống văn học siêu thoát khỏi đời sống hàng ngày”. Với tất cả những điều đó danh tiếng xã hội của các nhà văn Nhật Bản đã được cứu vãn, tuy nhiên chỉ có một người duy nhất trong giới ấy, chính là Tokutomi dám phát biểu công khai, can đảm đối với thời đại này.
Sự phản đối của Tokutomi chống lại bản án tử hình là biểu hiện rõ ràng nhất ảnh hưởng có tính cách mạng đối với ông của những tư tưởng Tolstoi ở mức độ mà ảnh hưởng này nhìn chung có thể biểu hiện trong các tầng lớp của giới tri thức tư sản. Về sau, ảnh hưởng của Tolstoi trong xã hội tư sản Nhật Bản chủ yếu đi theo con đường tư tưởng nhân văn chủ nghĩa về phương diện đạo đức xã hội của nó.
Để hiểu sự ảnh hưởng này của Tolstoi đối với tâm trí người Nhật, mà ở giai đoạn này biểu lộ rõ hơn cả nơi các nhà văn, cần tính đến việc bằng con đường nào, các tư tưởng nhân văn chủ nghĩa trong cách kiến giải phương Tây của nó, cố nhiên trong một hình thức mới không còn tái sinh nữa đã thâm nhập vào Nhật Bản.
Chủ nghĩa nhân văn của thời đại mới này người Nhật của hai mươi lăm năm cuối thế kỷ XIX đã nhìn thấy ở Anh trong cái khuynh hướng tư tưởng xã hội chống chủ nghĩa duy lợi triết học và chính trị vốn rất tiêu biểu cho trí tuệ của giai cấp tư sản Anh ở nửa đầu và giữa thế kỷ XIX. Các nhà triết học và phê bình văn học như Reskin đặc biệt là Carleil, những nhà nhân văn như Dickens được người Nhật bấy giờ cảm nhận như những nhà văn chủ nghĩa - những người chống lại duy lợi luận. Người kế tục sự nghiệp của Dickens họ nhìn thấy ở Gissing với việc cho rằng ông đã làm tăng màu sắc xã hội của chủ nghĩa nhân văn Dickens và như vậy đưa ông lại gần các quan điểm và yêu cầu của người vô sản. Nhưng chủ nghĩa nhân văn mới này đạt đến mức độ cao nhất theo quan niệm của người Nhật cuối XIX - đầu XX là ở nước Nga, trong văn học Nga mà đầy đủ và rõ ràng hơn cả là ở Tolstoi và Dostoievski. Lúc đầu, không hồ nghi gì nữa trong hai nhà văn Nga vĩ đại này thì Tolstoi chiếm vị trí chủ yếu.
Có một tình tiết đáng chú ý định rõ khởi điểm làm quen của người Nhật Bản với chủ nghĩa nhân văn Nga nói chung và chủ nghĩa nhân văn Tolstoi nói riêng. Những năm 70 khi người Nhật đại thể còn chưa biết gì về Tolstoi, đối với nước Nhật Bản đấy là thời đại của chủ nghĩa duy lợi (utilitarianism) được nuôi dưỡng bởi những luồng gió đến từ Anh và Mĩ; những trật tự tư sản mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế hiện ra dưới khẩu hiệu của chính chủ nghĩa duy lợi. Thế nhưng, ngay từ bấy giờ, ở một bộ phận tầng lớp tư sản trẻ Nhật Bản đã bắt đầu nảy sinh sự phản kháng lại các làn sóng chủ nghĩa duy lợi đang tràn vào mọi lĩnh vực đời sống làm nảy sinh tập đoàn tư bản rõ ràng thuộc kiểu phiêu lưu, thứ vị lợi hoàn toàn vô nguyên tắc hầu như bàng quan một cách công khai với các yêu cầu trí tuệ và đạo đức. Trong những cuộc tìm kiếm ở giai đoạn ấy các thành phần này của xã hội Nhật Bản hướng về: một số hướng về cuộc cách mạng tư sản Pháp vĩ đại, số khác - chủ nghĩa hư vô Nga, tức là hướng về cái mà khi đó họ cảm thấy là có tính cách mạng nhất. Trên con đường thứ hai này, người Nhật tiếp xúc với S.M. Stepniak - Krapchinski[1]
Dĩ nhiên đây chỉ là quan niệm ban đầu, rất mơ hồ về phương diện này của con người cá nhân Tolstoi. Chỉ từ sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật, khi mà việc tiếp xúc với các tác phẩm của nhà văn Nga vĩ đại được thuận lợi thì chủ nghĩa nhân văn của ông mới bắt đầu được bộc lộ đầy đủ. Đóng vai trò to lớn ở đây là công việc của Kotoku - mười hai án tử hình đã làm mất đi của xã hội Nhật Bản một bộ phận những người biết tư duy, có lương tri xã hội nhạy bén.
Trong những năm này, tác phẩm chủ yếu của Tolstoi được người Nhật Bản xem là sự thể hiện chủ nghĩa nhân văn vĩ đại đấy là tiểu thuyết Phục sinh. Năm 1908 ra đời bản dịch trọn vẹn phần một tác phẩm, năm 1910 đến phần thứ hai. Dịch giả là Uchida Roan, một trong những nhà phê bình văn học, nhà chính luận xã hội, nhà văn xuất sắc của những năm này. Bản dịch được chuyển ngữ từ tiếng Anh, nhưng dịch giả có một cố vấn nắm được nguyên bản Nga ngữ là Ftabatei Shimen danh tiếng, người đặt nền móng cho tiểu thuyết mới của Nhật Bản, dịch giả đầu tiên của phương pháp hiện thực chủ nghĩa trong nền văn học mới Nhật Bản, của phương pháp hiện thực phê phán được ông lĩnh hội từ nền văn học Nga cổ điển thế kỷ XIX, nền văn học mà ông là người am hiểu và trở thành dịch giả đầu tiên ở Nhật Bản. Vì vậy, bản dịch Phục sinh vốn được thực hiện không phải từ văn bản tiếng Nga nhưng khá trung thành với nguyên gốc. Dĩ nhiên về sau, những người kế tục đã dịch trực tiếp từ tiếng Nga.
Về việc tác phẩm này của Tolstoi gây ấn tượng thế nào với người Nhật ta có thể xét đoán dựa vào sự kiện sau. Vào năm 1913, Geijutsuza (Nhà hát Nghệ Thuật) bắt đầu hoạt động. Đây là một nhóm các nghệ sĩ theo trường phái châu Âu của nghệ thuật biểu diễn và có ý đồ diễn các vở kịch mới, trước hết là kịch nghệ Âu châu. Đứng đầu nhóm là Simamura Horetsu và Matsui Sumako. Người thứ nhất là một nhà văn nổi tiếng - nhà văn xuôi và nhà viết kịch, nhà phê bình văn học, một trong những người tuyên truyền nhiệt thành cho khuynh hướng có ảnh hưởng hơn cả lúc bấy giờ ở Nhật Bản - “chủ nghĩa tự nhiên”. Lúc đầu dưới tên gọi này là sự hiện diện của loại văn học hiện thực chủ nghĩa thuần tuý, từ thập niên thứ hai của thế kỷ XX, trên thực tế nó đã bao hàm các đặc tính của chủ nghĩa tự nhiên. Matsui Sumako là nữ nghệ sĩ đã tiếp thu học vấn kịch nghệ tại những khoá giảng của Bungei Kiokai (Hiệp hội Văn học - Nghệ thuật), được thành lập năm 1906 bởi Tsubouchi Sioio, một trong những nhà hoạt động văn học lớn của nước Nhật Bản mới, nhà văn, nhà phê bình, lý luận văn học và sân khấu, người am tường Shakespeare, đã từng dâng tặng cho đất nước của mình dịch phẩm đầu tiên và mẫu mực tất cả các tác phẩm của nhà viết kịch Anh vĩ đại. Vào những năm này, Tsubouchi đã dồn toàn bộ sức lực của mình vào lĩnh vực sân khâu, đặt nhiệm vụ tạo ra sân khấu Nhật Bản mới dựa trên kịch nghệ mới và nghệ thuật biểu diễn mới. Matsui Sumakongay từ trước khi tham gia vào nhóm Nhà hát Nghệ Thuật đã thành công trong vai diễn các vở kịch do Hiệp hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức, vai Opheli trong vở Hamlet của Shakespeare, người Nauy trong vở Ngôi nhà búp bê của Ibsen, vai Mardu trong vở Tổ quốc của Zuderman. Vở đầu tiên được Nhà hát Nghệ Thuật dựng vào năm 1913 là Monna Vanna của Matsui Sumako. Chính với vở diễn ấy, bà đã đứng ở hàng đầu trong số những nghệ sĩ của tân sân khấu Nhật Bản, nhưng ý nghĩa có tính quyết định đối với vinh quang của bà là vai Katiusa Maslova trong Phục sinh của Tolstoi do chính Simamur Horetsu dựng thành kịch. Ca khúc mà Katiusa hát cùng Nekliudov trên sân khấu vào những giây phút hạnh phúc của mình đã được đưa vào vở kịch. Giai điệu rõ ràng, giản dị của bài ca này, những lời rất mực giản đơn, hồn nhiên dễ cảm nhờ sự diễn xuất rất đạt của nữ nghệ sĩ dường như là biểu tượng của chính Katiusa, chí ít thì cũng ở quãng đầu tiên của đường đời cô. Bài ca này nhanh chóng được hát trên toàn cõi Nhật Bản. Cho đến tận ngày nay người ta vẫn chưa quên nó.
Thành công của Phục sinh là rất khác thường. Nhóm Nhà hát Nghệ Thuật vốn không ở một chỗ cố định mà thường xuyên lưu diễn khắp đất nước đã trình diễn kịch ở nhiều thành phố khác nhau khiến cho tác phẩm này của Tolstoi có tính phổ cập cho đến khi ấy là chưa từng có. Sau tiểu thuyết Phục sinh, những tác phẩm khác của nhà văn Nga được những người cho đến bấy giờ hoàn toàn chưa quan tâm đến Tolstoi bắt đầu đọc. Hứng thú đối với Tolstoi còn lớn hơn sau khi Nhà hát Nghệ Thuật dựng vở Thi hài sống mà Matsui Sumako đóng vai cô gái sư-gan Masa.
Những nhà viết lịch sử văn học Nhật Bản ngày nay có quan điểm khác nhau đối với những sự kiện này. Một số người cho rằng vở kịch được Nhà hát Nghệ Thuật dàn dựng đã “hạ thấp” Tolstoi do làm cho ông thích ứng với sự thưởng thức dễ dãi của khán giả bình dân. Quả thực trong vở Phục sinh, nổi bật trên hết là những nốt của tác phẩm có lẽ sâu sắc nhất này của Tolstoi có khả năng vang lên như là những âm hưởng “giàu cảm xúc”, “dễ xúc động”… Nhưng vào thời gian ấy cũng không nên bỏ quên điều là con đường chinh phục lý trí thường thông qua việc chinh phục tình cảm. Ít nhất thì những vở kịch dựa theo Tolstoi của Nhà hát Nghệ Thuật đã khiến cho số lượng độc giả của Tolstoi tăng lên rất nhiều so với trước đó.
Sự quan tâm lớn như vậy của xã hội không thể không được phản ánh trong văn học Nhật Bản. Simamura và các nhà văn thuộc khuynh hướng của ông đã tiếp thu Tolstoi theo phương diện của chủ nghĩa tự nhiên. Nhưng cùng lúc đó, ngay ở những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, một nhóm nhà văn Nhật Bản khác lại kịch liệt chống chủ nghĩa tự nhiên trong văn học. Họ tuyên bố rằng văn học tự nhiên chủ nghĩa mô tả con người dường như là cỗ máy, như loài sinh vật, làm mất đi toàn bộ cuộc sống sinh động, khiến cho nó không còn là chính mình. Họ kêu gọi các nhà văn phục hồi con người trong văn học như chính nó, trình bày sự tự do vô hạn về tư tưởng, cuộc sống, hành vi của nó; kêu gọi không nên chỉ mô tả cái trông thấy, mà phải phơi mở trong con người, trong cuộc sống cái mà mắt không nhìn thấy, cái mới, cái còn chưa biết; kêu gọi thể hiện thế giới nội tâm con người.
Chắc chắn nhiều ý nguyện trong số ấy chịu ảnh hưởng của một vài tư trào “cuối thế kỷ” châu Âu - những tư trào cũng tuyên chiến với chủ nghĩa tự nhiên. Đó căn bản là những khuynh hướng xuất hiện dưới lá cờ khi thì của chủ nghĩa lãng mạn mới, khi thì của chủ nghĩa nhân văn mới. Nhưng hơn nữa phong trào này của Nhật Bản còn chịu ơn Tolstoi, chịu ơn chính chủ nghĩa nhân văn của ông. Vì thế khuynh hướng có ý nghĩa xã hội nhất của văn học Nhật Bản trong những năm này là khuynh hướng có tên gọi “chủ nghĩa nhân văn”.
Tổ chức chủ yếu của nó là tạp chí Sirakaba (Bạch dương) được lập ra năm 1910. Tên gọi này đã thành tên gọi của cả nhóm.
Lãnh tụ của nhóm văn học là Musianokoji Saneatsu, sau này, vào khoảng năm 1910-1920 có vị trí của một trong những nhà văn Nhật Bản chủ chốt, phần nào đấy như là “chúa tể tinh thần” của thế hệ trẻ những năm này.
Ông là môn đệ trực tiếp thứ hai của Tolstoi ở Nhật Bản sau Tokutomi.
“Ngay khi mới 20 tuổi, tôi đã ngưỡng mộ Tolstoi và tôi không muốn hướng đến một người nào khác. Thay cho điều ấy, tôi nghĩ tốt hơn hết là đọc dù chỉ một trang của Tolstoi” - Musianokoji Saneatsu sau này đã viết như vậy. Có ảnh hưởng đặc biệt đến ông là các tác phẩm Xưng tộiĐức tin của tôi đặt ở điều gì? Từ đó thấy rõ cái hấp dẫn ông ở Tolstoi không phải là sự tố cáo một cách giận dữ chế độ chính trị và xã hội thời đại mình, như điều này có ở Tokutomi, mà là những tư tưởng đạo đức và cảm hứng nhân văn. Ông coi Tolstoi như người truyền bá “tình yêu nhân loại”, như người ca ngợi sự cao quý của tinh thần con người. Lôi cuốn ông là những tư tưởng của Tolstoi về sự cần thiết phải sống bằng lao động của mình, khước từ sở hữu cá nhân. Do ảnh hưởng tư tưởng này, Musianokoji Saneatsu phát động phong trào xây dựng các công xã sản xuất nông nghiệp, trong đó mỗi người phải dành một phần thời gian nhất định cho lao động đảm bảo thỏa mãn những nhu cầu chung của các thành viên công xã, phần thời gian còn lại có thể dành cho những đam mê lao động theo sở thích riêng: nhà văn viết các tác phẩm của mình, nhà khoa học tiến hành nghiên cứu… Vậy là xuất hiện những công xã sản xuất của giới trí thức dưới cái tên gọi “Atarasiki Mura” (Nông thôn mới). Một trong những công xã ấy được lập ra năm 1918. Đấy là phương án Nhật Bản của những “điền trang Tolstoi” ở Nga.
Về điều này có lẽ chỉ cần bổ sung thêm rằng ở Nhật Bản, các điền trang không bền vững như ở Nga. Chúng tan rã do những xích mích nội bộ, do sự giả ngụy vốn có của các tổ chức sản xuất tương tự trong các điều kiện của xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng chúng không chỉ biểu hiện rõ ràng là Tolstoi đã có ảnh hưởng lớn trong những tầng lớp nhất định của giới trí thức, mà còn góp phần làm tăng sự quan tâm đối với các tác phẩm và tư tưởng của thiên tài Nga trong các tầng lớp quần chúng của xã hội Nhật Bản.
Ảnh hưởng của các tư tưởng nhân văn Tolstoi trên sáng tác và hoạt động không chỉ có đối với một Musianokoji Saneatsu, mà còn có với những thành viên khác của nhóm “Sirakaba”, đặc biệt là đối với nhà văn xuôi Arishima Takeo, và nhà viết kịch Kurata Momojo. Ảnh hưởng của Tolstoi thể hiện một cách khác nhau: Musianokoji Saneatsu giới hạn trong phạm vi chủ nghĩa nhân văn đạo đức, Kurata Momojo trong lĩnh vực chủ nghĩa nhân văn có tính tôn giáo, Arishima Takeo cuối đời đến với chủ nghĩa nhân văn xã hội chủ nghĩa. Nhưng tất cả những điều này đòi hỏi một sự trình bày riêng mà ở đây cũng không thể giải thích cặn kẽ hơn. Chỉ có thể nói thêm rằng việc lớn mạnh của quan tâm xã hội đối với Tolstoi được minh chứng bằng sự xuất hiện vào năm 1916 tờ tạp chí chuyên môn Torustoi Kenkiu (Nghiên cứu Tolstoi) mà chủ biên là Kato Takeo - nằm ngoài phạm vi hoạt động của “Sirakaba”.
Để kết luận, cần thiết phải nói về môi trường xã hội trong đó diễn ra sự hướng đến Tolstoi của giai đoạn thứ hai như đã nói trong “lịch sử Tolstoi” tại Nhật Bản.
Quá trình Kotoku Syushui và những người khác bị lôi cuốn vào việc mưu hại đức vua là dấu hiệu của một bước ngoặt trong lịch sử đối nội của Nhật Bản. Sự rẽ ngoặt này liên quan đến hai mâu thuẫn đối kháng nhau cùng với những tình huống phụ thuộc lẫn nhau: với sự mở rộng của cuộc đấu tranh xã hội và việc dân chủ hóa tiếp theo của chế độ chính trị, xã hội và với sự tăng cường chống lại phong trào này của các tầng lớp quý tộc. Vai trò chủ yếu trong cuộc đấu tranh xã hội ngày càng thuộc về giai cấp công nhân cùng các tầng lớp trí thức tư sản gần gũi với nó và sự hỗ trợ của bộ phận nông dân tích cực nhất; trụ cột chính của sự phản kháng xã hội là vô số tổ chức chính trị của tư bản Nhật đang lớn mạnh bắt phụ thuộc vào mình bộ máy quan liêu chấp chính và những tổ chức quyền lực chính trị và xã hội. Ở bối cảnh như vậy, trong giới tư sản, chiếm vị trí quan trọng nhất là quan niệm nhân văn đạo đức của Tolstoi; cơ sở của chủ nghĩa nhân văn mang tinh thần phê phán và tranh đấu đã thành vũ khí của một giai cấp mới để tiến hành cuộc đấu tranh không chỉ cho sự cải tạo dân chủ tư sản của đất nước mình mà còn cho sự chuyển đổi của nó sang trình độ xã hội cao của nền dân chủ có tính xã hội chủ nghĩa. Sự phản ánh những tư tưởng cách mạng đó của Tolstoi lúc này cần tìm trong nền văn học được gọi là văn học vô sản một khuynh hướng có ý nghĩa xã hội hơn cả của văn học Nhật Bản những năm 20, có tính dân chủ - cách mạng xét về nội dung của nó.
Mọi sự cứ tiếp diễn như thế cho tới những năm 30 khi mà những cuộc đàn áp của chính quyền giáng vào Đảng cộng sản Nhật Bản và toàn bộ phong trào cánh tả, đẩy những nhà hoạt động còn sống sót sang hoạt động bí mật.
Tuy nhiên sức mạnh cách mạng của chủ nghĩa nhân văn Tolstoi đã được hiểu rõ bởi những nhà văn thông tuệ và tinh tế nhất, những người về hình thức, đứng xa văn học vô sản. Một trong những nhà văn như vậy ở trên đã nhắc đến, đấy là Arishima Takeo, một người khác là Akaitagawa Riunoske.
Nhà văn thứ hai có truyện Kiji (Chim dẽ giun), mà cốt truyện là một tình tiết trong cuộc đời Tolstoi ở Iasnaia Poliana: chuyến đi tới đó của Turghênhep và cuộc đi săn cùng nhau của họ. Truyện này có thể coi là bằng chứng tuyệt vời về sự nổi tiếng của Tolstoi trong các tầng lớp đông đảo của xã hội Nhật Bản, ít nhất cũng trong giới nhà văn. Truyện được viết bởi một người biết rất rõ các tác phẩm của Tolstoi và cả một số lượng văn phẩm lớn viết về ông, trong đó có hồi ký. Nhưng một điều khác còn quan trọng hơn: Akutagawa Riunoska ngưỡng mộ Tolstoi như một nhà văn - nghệ sĩ và hoàn toàn không tiếp thu học thuyết tôn giáo đạo đức của Tolstoi. Dẫu sao ông cũng đã nói: Xưng tội và Đức tin của tôi đặt ở điều gì của Tolstoi là sự bịa đặt. Nhưng không có trái tim nào đau khổ như trái tim Tolstoi khi kể về nó. Sự bịa đặt của ông rỉ máu hơn rất nhiều so với những sự thật khác.
                                                                                                             
                                           Trịnh Bá Đĩnh dịch
                                từ sách Văn học Nhật Bản từ Kojiki đến Tokutomi. M.1972

 


[1] Bản dịch Nước Nga bí ẩn của Stepniak - Krapchinski xuất hiện ở Nhật năm 1884 với tên gọi Quỷ khóc.
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114451237

Hôm nay

2253

Hôm qua

2417

Tuần này

2670

Tháng này

217496

Tháng qua

120141

Tất cả

114451237