Văn hóa và đời sống

Một nền văn hóa mới

Nền văn hóa mới là nền văn hóa tiếp thu và phát huy giá trị trước đây nhưng được nâng lên trình độ mới về chất. Nước Việt Nam mới, bắt đầu hiện hữu từ khi kết thúc thắng lợi Cách mạng Tháng Tám lập nên chế độ chính trị mới, cũng là thời điểm bắt đầu xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, đó là nền văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Đầu Xuân năm 2024, bài viết này lẩy ra mấy ý có tính khái quát về nền văn hóa mới của nước Việt Nam.

 

Hội diễn Đàn và Hát dân ca 3 miền tại Nghệ An năm 2023. (Trong ảnh: Tiết mục chào mừng của Đoàn NTQC tỉnh Nghệ An. Ảnh: Ngọc Mai)

 

Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô từ giữa năm 1923 để hoạt động trong bộ máy của Quốc tế Cộng sản. Cuối năm đó, nhà báo Liên Xô, tên là Osip Emilyevich Mandelshtam (О́сип Эми́льевич Мандельшта́м), gặp gỡ trò chuyện với Người, rồi sau đó viết một bài đăng trên báo ОГОНЁК (Ngọn lửa nhỏ), số 39, ngày 23-12-1923. Nhà báo viết thật ấn tượng về người Việt Nam và cá nhân Nguyễn Ái Quốc như sau: “Dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của một con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị... Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”[1].

Từ tháng 12-1923 đến tháng 12-2023, trái đất đã quay chẵn 100 năm. Nói nền văn hóa tương lai, thì đến nay, đã trải qua gần 80 năm của chế độ chính trị mới từ khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), chúng ta có thể gọi đó là nền văn hóa mới - nền văn hóa thời đại Hồ Chí Minh. Tôi gọi như thế vì bản thân Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu nhất cho các giá trị văn hóa dân tộc.

“Nền văn hóa tương lai” mà nhà báo Osip Emilyevich Mandelshtam đặt tên từ năm 1923 ứng với nền văn hóa mới thời đại Hồ Chí Minh có những đặc trưng gì? Xin nêu 5 đặc trưng chủ yếu nhất sau đây:

1) Nền văn hóa mới tôn dày thêm và đậm thêm chủ nghĩa yêu nước

Giá trị chủ nghĩa yêu nước là giá trị văn hóa lớn nhất, xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bắt đầu là lòng yêu nước, càng về sau càng được phát huy mạnh lên thành chủ nghĩa yêu nước. Hiểu “chủ nghĩa” ở đây là sự đúc kết thành giá trị bất diệt chỉ đạo tư duy và hành động của con người Việt Nam yêu nước, thương nòi, có lương tri. Hai yếu tố hun đúc cho nó vẫn là sự cố kết cộng đồng dân tộc và cộng đồng quốc gia đoàn kết lại thành một khối vững chắc chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Nay, dưới chế độ mới, con người Việt Nam yêu nước còn có thêm một yếu tố nữa là khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Giá trị chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trở thành “linh đơn” văn hóa để hóa giải những yêu cầu tồn tại và phát triển vững bền của dân tộc - quốc gia qua bao thử thách nghiệt ngã trước các thế lực xâm lược ngoại bang và trước “giặc nội xâm”, trước nghèo nàn lạc hậu, trước vô vàn lực cản trên con đường phát triển. Giá trị văn hóa mới thời đại Hồ Chí Minh là giá trị quy tụ toàn bộ con người Việt Nam, dù giai tầng nào, đàn ông hay đàn bà, ấu hay lão, thuộc bất cứ tôn giáo, tín ngưỡng nào, người đang sinh sống trong nước cũng như đang ở ngoài nước, hướng lực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đến đây, xin nói thêm rằng, trong trăm triệu người Việt Nam hiện thời, như “năm ngón tay cũng có ngón dài hay vắn”, “cũng có thế này hay thế khác” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946), tức là còn có chính kiến khác, không tán thành chế độ xã hội chủ nghĩa, rồi thậm chí có những biểu hiện của hành động chống đối chế độ, thì đó là sự lạc điệu về văn hóa, không thể nói khác đi được, không thể tự biện hộ với lý lẽ rằng, họ cũng là người yêu nước, chỉ không yêu chế độ xã hội chủ nghĩa mà thôi. Chế độ chính trị này do chính lịch sử Việt Nam đã chọn lựa và đã được trải qua bao nhiêu năm khảo nghiệm, vẫn là một chế độ duy nhất phù hợp cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Chế độ này, vì thế, hà cớ gì mà phải bỏ đi để xây nên chế độ khác. Còn có những tiêu cực này tiêu cực nọ, tức là những lực cản, thì là chuyện bình thường, chúng ta đang tích cực gạt những trở lực; không vì những tiêu cực đó mà phủ nhận cả một chế độ chính trị. Những tiêu cực, lực cản đó đích thị là những thứ phản văn hóa, không bao giờ phản ánh bản chất của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

2) Nền văn hóa mới đặt con người vào vị trí đặc biệt

Con người Việt Nam trong chế độ chính trị mới từ năm 1945 trở đi được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển văn hóa. Điều này được giải nghĩa qua sự nghiệp ba giải phóng mà Đảng Cộng sản Việt Nam phát động và đang soi rọi cho dân tộc tiếp tục phát triển: 1. Giải phóng dân tộc; 2. Giải phóng xã hội; 3. Giải phóng con người. Có giải phóng được dân tộc thì mới giải phóng được xã hội và giải phóng con người; do vậy, giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết trong ba giải phóng đó. Giải phóng xã hội (trong đó bao hàm cả giải phóng giai cấp) và giải phóng con người là củng cố vững chắc cho giải phóng dân tộc. Nhưng, điều tôi muốn lưu ý ở đây là ở chỗ, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội chỉ là mục tiêu tầm trung, còn ở tầm cuối cùng, cao nhất là giải phóng con người. Tất cả mọi công cuộc giải phóng trên đời này đều phải đi đến giải phóng con người, đấy cũng là cốt lõi của mọi lý thuyết phát triển, kể cả các giáo lý được chưng cất từ các tín ngưỡng, tôn giáo. Lôgic mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rằng, nếu nước ta đã giành được độc lập rồi, nhưng dân vẫn cứ đói, rét, không được tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì. Mọi véctơ lực đều phải hướng cho giải phóng con người, đó cũng là quan điểm mácxít, và đó cũng là sự kế thừa và phát triển ý kiến vàng ngọc của các bậc tiền nhân hiền tài trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Mọi trung tâm, và cũng là thước đo, để nhận định, đánh giá sự quản trị xã hội của một chế độ xã hội có đúng đắn hay không, có tiến bộ hay không là ở kết quả giải phóng con người. Con người được giải phóng là con người được bảo đảm cuộc sống về vật chất và tinh thần đủ đầy, phong phú. Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, tiến quân vào sự nghiệp dựng xây đất nước qua bao dâu bể là để bảo đảm thắng lợi của công cuộc giải phóng con người. Đó là giá trị lớn nhất của quyền con người. Vậy là, con người Việt Nam trong suốt gần 80 năm dựng xây và bảo vệ Tổ quốc ở chế độ mới là con người làm chủ về mọi mặt. Đó chính là sự nghiệp của nền văn hóa mới.

3) Nền văn hóa mới là nền văn hóa yêu chính nghĩa, ghét gian tà

Chúng ta đang sống trong một thế giới bất an. Nó bất an bởi tính xấu con người trỗi lên ở thời khúc nào đó, ở những thế lực nào đó. Nó cũng bất an bởi thiên tai, dịch bệnh dày hơn, bất ngờ, không theo một chu kỳ nào cả mà nó đến hầu như thường xuyên và với mức độ khủng hơn. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, El Nino, La Lina đảo chiều chóng mặt. Động đất dữ dội sục sôi vỏ trái đất. Dịch này chưa qua, dịch khác trờ tới. Những cái đó, nói là thiên tai nhưng xét về thực chất, xét cho đến cùng, là nhân tai, tức là do chính bản thân con người gây ra. Nhiều người, nhiều quốc gia, nhiều thế lực vẫn “nói chuyện” với nhau bằng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, làm cho cái gọi là “công nghiệp quốc phòng” có được lợi nhuận kếch sù, làm cho những tay lái súng hưởng lợi béo bở trên những khổ đau của con người, nhất là những người yếu thế, đặc biệt là người già, phụ nữ, trẻ em.

Dân tộc Việt Nam không may bị mấy cuộc binh đao thời đương đại. Thực dân Pháp tái xâm lược. Đế quốc Mỹ đưa quân vào Việt Nam để hòng “đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”. Rồi một số thế lực đen tối cũng không để cho Việt Nam chúng ta yên. Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. Những điều đó làm cho dân tộc Việt Nam thấy rõ ràng hơn để phân biệt một cách đúng đắn thế nào là chính nghĩa, thế nào là phi nghĩa, ai là bạn, ai là thù, thế nào chân thành, thủy chung, thế nào là gian tà; thậm chí tuy không quên nhưng biết gác lại quá khứ để sống chung với nhau trong tình bè bạn, là đối tác, hợp tác cùng phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế. Đấy là giá trị của văn hóa hướng thiện, tôn thờ cái tốt, cái đẹp, ghét bỏ cái ác, cái xấu (cả ở trong nước và quốc tế). Toàn bộ chính sách đối ngoại của Việt Nam từ gần 80 năm nay, và chắc chắn từ nay về sau nữa, đã minh chứng rất rõ ràng cho điều đó. Một Việt Nam đầy lòng vị tha, nhân hậu, thủy chung với bè bạn, trung thực, thật lòng, lúc cương lúc nhu, uyển chuyển trên một gốc rễ chắc chắn của các nguyên tắc quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm hướng tới mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc, hoặc diễn đạt cách khác thì là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

4) Nền văn hóa mới bao hàm cả giá trị văn hóa chính trị của chế độ mới được thiết lập và thăng hoa

Gần 80 năm của chế độ xã hội chủ nghĩa cũng là 80 năm dựng xây và phát triển nền văn hóa mới thời đại Hồ Chí Minh đã hình thành và phát triển văn hóa chính trị mới. Đó là giá trị văn hóa phục vụ, dấn thân tất cả vì ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân; là Đảng, Nhà nước, nói chung là các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như con người của bộ máy đó (cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...), trở thành đày tớ, công bộc thực sự trung thành của Nhân dân, là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc như lạc”; là Đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị không có mục đích nào khác ngoài mục đích độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi tất cả lợi ích chính đáng của Nhân dân là lợi ích của chính mình. Trên rừng cây xanh văn hóa chính trị đó, tuy có một số con sâu, thậm chí có cả một bầy sâu, nhưng đó chỉ là một bộ phận, không làm suy xuyển bản chất của giá trị văn hóa chính trị của chế độ chính trị Việt Nam. Không ai, không một tổ chức nào bênh vực cho những giá trị phản văn hóa của những tiêu cực, tham nhũng. Đó chính là “xây” và “chống”, xây không tách rời chống, chống để xây; xây là tạo ra nhân tố mới và tôn tạo giá trị văn hóa chính trị của chế độ chính trị; chống là chống những biểu hiện phản văn hóa như tham nhũng, tiêu cực, hoặc nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là chống “giặc nội xâm”: tham ô, lãng phí, quan liêu.

5) Sau cùng, nói đến nền văn hóa mới thời đại Hồ Chí Minh là phải nói đến đặc trưng giá trị của chính nó, tức là văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

 

Đêm hội sắc xuân miền Tây Nghệ An được tổ chức hàng năm nhằm tạo cơ hội cho đồng bào các dân tộc tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Ảnh: Ngọc Mai

Việt Nam đã thoát sự đồng hóa hơn ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc một cách ngoạn mục là nhờ có sức mạnh của văn hóa, mà nói theo thuật ngữ đương đại nhiều người hay dùng đó là “sức mạnh mềm”, chứ về vũ khí thì không, về tiềm lực kinh tế, quốc phòng cũng không. Việt Nam thắng giặc ngoại xâm tuyệt nhiên không phải vì có súng to tàu lớn, có tên lửa, máy bay, đại bác, xe tăng hiện đại. Nhỏ yếu mà thắng được giặc ngoại xâm hùng mạnh nhất nhì thế giới thì chỉ do “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn”, “lấy chí nhân để thay cường bạo”, tức là đề cập sức mạnh tinh thần, sức mạnh của văn hóa. Nền văn hóa đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kích hoạt và hướng tất cả mọi tổ chức, mọi con người đằm vào. Người đã đặt nền móng và tổ chức xây dựng nền văn hóa như thế. Trong suốt gần 80 năm của chế độ chính trị mới, Đảng đã phát triển nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa càng ngày càng chuyển hóa lên mức độ cao hơn, với trình độ tiên tiến, giữ vững và phát huy cốt cách dân tộc. Thế mới có tổng kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện giờ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Màn xòe Thái trong Đêm hội sắc xuân miền Tây Nghệ An tại huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Hoàng Nguyên

Gần 80 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, Việt Nam đã có được cơ ngơi thiết chế văn hóa quý báu, đã giữ gìn và phát huy được những vốn văn hóa cổ; đã nhận và cho từ và vào kho tàng tinh hoa văn hóa nhân loại. Không thể tách rời mọi thắng lợi của công cuộc xây dựng đất nước khỏi sự đóng góp tích cực từ văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Như cái ý đã viết ở bên trên, vẫn còn đó những giá trị lệch chuẩn hoặc non kém về cái này hay cái kia của văn hóa dân tộc, nhất là trong sự tác động như bão táp ùa vào của văn hóa nước ngoài thời mở cửa, thời cơ chế thị trường, nhưng đó chỉ là một mặt nhỏ mà thôi. Chúng không thể lấp nổi sự hưng thịnh của văn hóa nước nhà - văn hóa chế độ mới thời đại Hồ Chí Minh. Đã và đang có sự lo lắng, thậm chí lo đến “mất ăn mất ngủ” về sự tha hóa của văn hóa dân tộc, nhưng cũng chưa đến nỗi thái quá. Việt Nam đã giữ được và chắc chắn còn sẽ giữ được cái lõi của sự phát triển văn hóa, nhất là từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986. Vấn đề là ở chỗ, sự nghiệp phát triển văn hóa phải mạnh hơn nữa, vững chắc hơn nữa như sức sống xuân thì.

Xuân Giáp Thìn - mùa xuân của con Rồng Việt Nam đang bay lên. Đó cũng là sự hiện linh nền văn hóa mới đang ngập tràn xứ sở dẫn dân tộc bước vào chặng mới đầy thử thách nhưng chắc chắn sẽ có nhiều thành công mới. Khen cho con mắt tinh đời của Nhà báo Liên Xô Osip Emilyevich Mandelshtam cách đây 100 năm khi dự báo về “một nền văn hóa tương lai” qua cuộc trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc./

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số Tết Giáp Thìn, tháng 01/2024)



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, t.1, tr.462.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114506600

Hôm nay

259

Hôm qua

2296

Tuần này

21687

Tháng này

213473

Tháng qua

121356

Tất cả

114506600