Góc nhìn văn hóa

Phim rạp ở Vinh: Xưa và nay

Trung tâm Điện ảnh đa chức năng (Rạp 12-9 cũ)

Phim ảnh một thời từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo quần chúng Nhân dân ở Vinh nói riêng, cả nước nói chung. Xưa, người dân đã từng chen chúc đi xem phim, những bãi chiếu phim, rạp phim gần như đêm nào cũng kín chỗ. Nhưng đến nay, hoạt động chiếu phim cũng như thị hiếu xem phim của người dân đã có nhiều thay đổi. Phim rạp vẫn hoạt động với những điều kiện tốt hơn về trang thiết bị, bãi chiếu… nhưng lại phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức để tồn tại.

Một thời hoàng kim

Nói về lịch sử ra đời và phát triển của phim rạp Nghệ An, nhà nghiên cứu điện ảnh Lê Lân cho biết: Năm 1956, Ty Văn hóa Nghệ An thành lập Phòng nghiệp vụ chiếu bóng do ông Nguyễn Xuân Lịch làm Trưởng phòng. Hai năm sau, Ủy ban Hành chính Nghệ An ra Quyết định số 58/QĐ-UB ngày 10/4/1958 thành lập Quốc doanh Chiếu bóng Nghệ An do ông Nguyễn Sinh Hiểu làm Chủ nhiệm. Hoạt động chiếu phim Nghệ An chính thức bắt đầu ra đời từ năm 1958.

Quốc doanh Chiếu bóng Nghệ An bấy giờ có 11 đơn vị, gồm 02 rạp, 09 đội lưu động. Đến năm 1965 phát triển lên đến 30 đơn vị.

Sau ngày thống nhất đất nước, hoạt động chiếu bóng ở Nghệ An thuận lợi hơn. Vào những năm 1976 - 1980, sau khi sáp nhập tỉnh, Công ty Điện ảnh Nghệ Tĩnh có một lực lượng hùng hậu với 86 đơn vị, gồm 22 rạp và 66 đội, gần 800 người. Đây là thời kỳ hoàng kim của hoạt động chiếu phim Nghệ Tĩnh nói chung, thành phố Vinh nói riêng.

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, anh chị em công nhân chiếu bóng đã dũng cảm, kiên trì cõng máy, cõng phim đến những vùng trọng điểm ác liệt nhất để phục vụ bộ đội và Nhân dân. Những nơi đặt máy chiếu có thể là các trận địa pháo cao xạ, hầm địa đạo, dưới những vòm cây cổ thụ hoặc trong các nhà kho. Rồi hòa bình lập lại, bà con khắp các vùng miền ai ai cũng đón chờ phim, ở quê thì xem tại bãi, ở phố thì xem ở rạp, đêm nào cũng kín chỗ. Các đội chiếu bóng lưu động đã hòa cùng đời sống Nhân dân, ăn ở cùng dân để phục vụ.

 

Xem phim bãi ngày xưa

Nhà nghiên cứu Lê Lân, một cựu cán bộ ngành chiếu bóng Nghệ An kể lại một kỷ niệm mà suốt đời ông không thể nào quên: Năm 1997, đúng vào dịp Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, bộ phim truyện nhựa “Ngã ba Đồng Lộc” ra đời và bắt đầu được công chiếu. Buổi ra mắt đầu tiên là khi Hãng phim truyện Việt Nam đưa vào giới thiệu để cảm ơn Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã giúp đỡ hoàn thành bộ phim. Lịch chiếu được bố trí vào ngày 24/7 tại Rạp 26/3, thị xã Hà Tĩnh và vào tối 25/7 tại Rạp 12/9, thành phố Vinh. Khi buổi chiếu tại thị xã Hà Tĩnh kết thúc thì Nhân dân xã Đồng Lộc huyện Can Lộc hay tin đã cử cán bộ đến đề nghị phim được chiếu vào tối 25/7 tại khu Tượng đài Ngã ba Đồng Lộc cho Nhân dân địa phương xem. Trong lúc ấy, giấy mời ở Rạp 12/9 đã phát, không thể trì hoãn được nữa. Trước sự tha thiết quá mức của người dân Đồng Lộc, Đội chiếu phim đã không quản khó khăn vất vả thực hiện phương án “chiếu chạy, xoay vòng”, trong một đêm chiếu hai địa điểm, giờ chiếu giữa 02 điểm cách nhau khoảng 30 phút.

Ngặt nỗi, khoảng cách từ Đồng Lộc đến Vinh cách nhau khoảng 30km, đường xá đi lại rất khó khăn. Bằng sự cố gắng, cán bộ chiếu bóng phải dùng xe máy luân phiên vận chuyển phim để kịp thời từ cuốn 01 cho đến cuốn 10 trong đêm. Rạp 12/9 hôm ấy chật cứng người, có nhiều cựu thanh niên xung phong cách xa hàng chục cây số cũng đạp xe đến xem, gần 12 giờ đêm buổi chiếu mới kết thúc. Khán giả vây kín đoàn phim và các nghệ sĩ hỏi han chia sẻ rất xúc động. Điểm Ngã ba Đồng Lộc cũng đông nghịt bà con tới xem. Dù rất mệt nhưng cả đội chiếu bóng ai cũng hồ hởi trong lòng, vì cùng lúc đã giúp Nhân dân ở cả hai địa phương được thỏa lòng đón chờ xem phim.

Những thách thức mới

Từ năm 2013, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh, Trung tâm Điện ảnh Nghệ An chuyển thành Công ty Cổ phần Điện ảnh 12/9. Công ty đã xây dựng Trung tâm Điện ảnh đa chức năng với trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi, giới thiệu tới công chúng những bộ phim mới nhất của Việt Nam và thế giới. Hoạt động chiếu phim ở Nghệ An bước sang thời kỳ mới với nhiều thuận lợi và không ít thách thức. Hiện nay, phim rạp ở Vinh vẫn hoạt động có lúc khá sôi nổi, có lúc khó khăn. Thành phố Vinh hiện có 05 đơn vị chiếu phim gồm: Lotte Cinema Vinh; Rạp chiếu trong trung tâm VRC Vinh Recreation Cente; Galaxy Vinh; CGV Vinh Center và Công ty Cổ phần Rạp 12/9.

Trước đây hoạt động chiếu phim nói chung, phim rạp nói riêng là hoạt động của Nhà nước. Kinh phí hoạt động được Nhà nước cung cấp từ lương nhân viên đến trang thiết bị, rạp phim… Hiện nay, các rạp phim đều phải tự trang trải chi phí hoạt động cho mình.

Thách thức đầu tiên của phim rạp hiện nay là trong thời đại công nghệ số với nhiều hình thức xem phim giải trí. Để xem phim, người ta có nhiều cách chọn lựa như xem qua youtube, qua các phần mềm xem phim như Netflix, iQIYI, ZingTV, IMDb Movies & TV, xem qua mạng xã hội... Thậm chí, nếu muốn xem phim có chất lượng cao, người ta có thể mua máy chiếu phim để chiếu tại nhà. Giá mỗi chiếc máy chiếu phim thông thường là 3 triệu đồng, máy tốt cũng chỉ 5 đến 7 triệu đồng với hình ảnh được phóng to, sắc nét, âm thanh sinh động. Xu thế của nhiều gia đình có điều kiện hiện nay là cả gia đình cùng xem phim tại gia. Bên cạnh đó, xã hội hiện nay có nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn, có nhiều kênh phim hay trên truyền hình cũng chiếm đi một lượng khán giả lớn của phim rạp.

Thách thức tiếp theo của phim rạp là doanh thu để trang trải hoạt động chiếu phim như trang thiết bị, lương nhân viên, điện nước.... Muốn có doanh thu cao, các đơn vị chiếu phim phải thu hút được nhiều khán giả bằng bán vé và các dịch vụ đi kèm. Đối với các tập đoàn chiếu phim quốc gia, quốc tế như VRC Vinh Recreation Cente; Galaxy Vinh; CGV Vinh Center thì các dịch vụ đi kèm rất phong phú. Họ có những trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm, khu ăn uống bên cạnh để vừa thu hút khán giả xem phim vừa bán hàng tạo doanh thu. Với tinh thần phục vụ Nhân dân về đời sống văn hóa tinh thần, Rạp 12/9 chỉ chú trọng đến chiếu phim phục vụ khán giả nên mặc dù máy móc trang thiết bị hiện đại, nhà chiếu phim rộng rãi, to đẹp nhưng các dịch vụ đi kèm còn hạn chế nên doanh thu ngoài bán vé của Rạp còn thấp. Nhiều khi chưa đủ trang trải cho hoạt động chiếu phim.

Chúng tôi được biết, khi các rạp chiếu phim do Nhà nước sản xuất thì không được hưởng doanh thu bán vé mà chỉ được hưởng doanh thu dịch vụ đi kèm. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước để tái đầu tư, sản xuất các bộ phim mới. Nếu các rạp chiếu phim tư nhân, phim nước ngoài thì doanh thu được tính theo thời gian chiếu phim: tuần đầu: đơn vị chiếu phim hưởng 35% - hãng 65%; tuần 2: đơn vị chiếu phim hưởng 40% - hãng 60%; tuần 3: đơn vị chiếu phim hưởng 45% - hãng 55%; từ tuần 4 về sau thì tỷ lệ là 50/50 nên doanh thu của các đơn vị chiếu phim không thể trông chờ vào tiền bán vé. Trước tình hình đó, Công ty Cổ phần Rạp 12/9 cũng có kế hoạch xây dựng khu dịch vụ phục vụ chiếu phim để thu hút khán giả - khách hàng tới xem. Đây vừa là kế hoạch hội nhập với xu thế chung của hoạt động chiếu phim hiện nay vừa tháo gỡ những khó khăn về kinh phí hoạt động cho Rạp.

Anh Nguyễn Vĩnh Nam, cán bộ quản lý Rạp 12/9 cho biết: hiện nay chỉ các phim bom tấn và phim Việt Nam được truyền thông tốt, có độ hót trên mạng xã hội mới thu hút khách đến xem. Chẳng hạn, vừa qua, những bộ phim Việt được truyền thông tốt như “Mai”; “Đào, phở và piano” vẫn thu hút đông đảo công chúng đến rạp xem trong một thời gian dài. Ngoài ra, các phim đã từng ăn khách ở Vinh có thể kể đến “Kong: Đảo đầu lâu”, “Bố già”; “Em chưa 18”… Nói vậy có nghĩa là khán giả thành phố Vinh vẫn không hoàn toàn quay lưng với phim rạp. Vấn đề đặt ra là trước hết phải có phim hay, sau là công tác truyền thông phải tốt đồng thời các dịch vụ đi kèm phải phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu xem phim của Nhân dân thời hiện đại.

 

Rất đông khán giả chờ xem phim “Đào, phở và piano” ở Rạp 12-9

Phim rạp ở Vinh hiện nay cũng diễn ra theo “thời vụ”. Từ dịp tết Nguyên đán đến 30 tháng Tư bao giờ cũng đông khách bởi có nhiều phim hay, sau 30 tháng Tư thì khán giả giảm dần. Đến tháng 8 thì các phim bom tấn trên thế giới và trong nước phát hành nên khán giả trở lại đông hơn. Khán giả đến xem phim cũng rất đa dạng, có học sinh, sinh viên, người cao tuổi. Đặc biệt nhiều người dân từ các huyện cũng về Vinh chơi và xem phim. Khán giả hiện nay có xu thế lựa chọn những địa chỉ chiếu phim có dịch vụ đi kèm hấp dẫn để vừa xem phim vừa tận hưởng cuộc sống chứ không đơn thuần chỉ là xem phim.

Mỗi thời mỗi khác, hoạt động chiếu phim có những cách tồn tại riêng phù hợp với mỗi điều kiện xã hội. Hoạt động chiếu phim có lúc thăng, lúc trầm song xem phim vẫn luôn là món ăn tinh thần của đông đảo quần chúng Nhân dân. Xem phim không đơn giản chỉ là xem một câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn mà mỗi bộ phim còn truyền tải những giá trị văn hóa - nhân văn có ý nghĩa giáo dục cao. Chính vì vậy, hoạt động chiếu phim rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng Nhà nước, của Nhân dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần hướng con cháu vào hoạt động văn hóa thuần khiết này./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 13 - Tháng 6/2024)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520878

Hôm nay

2246

Hôm qua

2339

Tuần này

21919

Tháng này

218817

Tháng qua

121009

Tất cả

114520878