Góc nhìn văn hóa

Văn hóa chính trị thể hiện trong bản Di chúc của Bác Hồ

 

Bác Hồ viết Di chúc từ tháng 5/1965. Đó là bản thảo đầu tiên, mà là bản duy nhất đánh máy [cơ] do Bác tự làm. Các năm 1966, 1967, Bác hầu như không sửa chữa, bổ sung gì thêm. Năm 1968, Bác sửa chữa, bổ sung nhiều. Đến tháng 5/1969, Bác viết lại mấy đoạn đầu. Thành thử, bản Di chúc này được soạn thảo tới 4-5 lần. Còn nhiều điểm lý thú nữa, nhưng xin dừng lại để bình luận về mấy ý liên quan tới văn hóa chính trị của Bác sau đây:

1) Tuy sức khỏe bị giảm sút, nhưng “tinh thần vẫn sáng suốt”

Tháng 3/1968, Bác có bài thơ chữ Hán Vô đề, nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch như sau[1]: Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,/Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần./Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,/Một năm là cả bốn mùa Xuân.

Như vậy là trước đó 3 năm, tức là năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu bỏ thuốc lá theo lời khuyên của các thầy thuốc, chứng tỏ sức khỏe của Bác “có vấn đề”, nhất là bệnh liên quan tim và phổi (sau này, các bệnh này tái phát nặng vào năm 1968). Xem trong bộ sách 10 tập Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, do Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng biên soạn (Nxb CTQG, H, xuất bản lần thứ ba, 2016), chúng ta thấy rằng, Bác phải rời khỏi Hà Nội để đi  chữa bệnh khá nhiều lần. Nhưng điều đáng lưu ý nhất ở đây, như Bác viết trong Di chúc, là “tinh thần vẫn sáng suốt”[2]. Chúng ta tin vào điều này, bởi vì nhiều tài liệu, kể cả hình ảnh, phim tài liệu về thời gian sắp sửa qua đời, mọi cử chỉ, lời nói của Bác đều tỏ rõ một cách tường minh. Những lời Bác viết trong các bản thảo của Di chúc đều được viết trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt.

Đáng chú ý là trong quãng thời gian đó, tình hình đất nước và thế giới rất phức tạp. Cả nước, chứ không chỉ riêng miền Nam, chuyển sang tình trạng chiến tranh ác liệt. Trước mùa Hè năm 1965, đế quốc Mỹ chưa đưa quân đội Mỹ đến trực tiếp tham chiến, nhưng sau Hè, chúng bắt đầu đưa quân đội Mỹ và quân một số nước đánh thuê vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam đồng thời chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Hai Hội nghị Trung ương Đảng khóa III trong năm 1965 (Hội nghị 11 vào tháng 3 và Hội nghị 12 vào tháng 12) đã nhận định rằng, từ chỗ chỉ có miền Nam có chiến tranh còn miền Bắc có khoảng 10 năm sống trong hoàn cảnh tương đối hòa bình, thì từ năm 1965 cả nước là một chiến trường, với nhiệm vụ thiêng liêng nhất là chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1966, máy bay Mỹ đã ném bom xuống thủ đô Hà Nội. Chính năm 1966 này, có lần Bác đến Côn Sơn (thành phố Chí Linh, Hải Dương hiện nay) đọc bia Nguyễn Trãi rồi về nhà sàn Hà Nội viết Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” đưa ra thông điệp biểu thị mạnh mẽ Việt Nam quyết tâm đánh Mỹ. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới với mức độ cực kỳ gay go, khốc liệt. Khỏi lửa chiến tranh trùm lên cả nước. Bộ óc của Đảng, tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầu như phải dành hết cho nhiệm vụ lãnh đạo chống Mỹ, cứu nước. Những cuộc đấu trí, đấu lực diễn ra không ngừng nghỉ giữa một bên là lực lượng cách mạng ở nước ta với một bên là Mỹ có tiềm lực kinh tế, quốc phòng rất lớn. Cuộc Tổng tiến công của lực lượng cách mạng nước ta Tết Mậu Thân năm 1968 đã gây cho lực lượng địch nhiều thiệt hại, nhưng thực tế khắc nghiệt hơn nhiều so với những thắng lợi mà phía ta đã giành được vì sau đó địch phản công làm cho lực lượng cách mạng bị tổn thất. Song song với những điều đó, phong trào cộng sản quốc tế, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc, càng có sự bất đồng lớn, và đến năm 1969 đã ở vào đỉnh điểm gay gắt chưa từng có, quân đội của cả hai nước dàn quân đánh nhau lớn ở biên giới. Tình hình phức tạp này ảnh hưởng không nhỏ đến nội bộ Đảng ta. Bác buộc phải bỏ ra rất nhiều tâm sức cho việc củng cố đoàn kết nội bộ Đảng.

Như vậy là, những năm 1965 - 1969 là những năm thật sự nóng bỏng, căng thẳng cả trong và ngoài nước. Hoàn cảnh đó cũng đã thấm vào từng câu, từng chữ trăn trở của bản Di chúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người của những dự báo tài ba và con người của hành động tích cực, luôn luôn biết nhìn về phía trước. Do vậy, Người đã có những dòng viết sâu sắc, sáng suốt cho tương lai.

2) Tự sự của Nhà văn hóa Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư, chứ không đề là di chúc. Bác viết là “để sẵn mấy lời”. Gọi là Di chúc không sai. Thường ai mà viết di chúc thì chúng ta sẽ thấy người đó dặn lại việc A việc B...cho người còn sống thực hiện ý kiến của mình, và thường hay viết di chúc để lại tiền bạc, của cải cho ai đó được hưởng một cách hợp pháp sau khi mình qua đời. Còn ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều đoạn viết có tính chất tự sự, mà những đoạn này rất lý thú khi nhìn ở góc độ văn hóa chính trị.

- Đoạn mở đầu là về lý do viết thư. Gọi là “mấy lời” nhưng Bác đề cập nhiều việc, toàn là những việc đại sự, nhưng nếu khái quát nhất là ở mấy chữ:  “Đảng và Dân”. Bác cũng có viết về việc riêng, nhưng việc riêng lại đầy tính nhân văn, mang tính nhân dân và còn mang cả ý nghĩa vấn đề toàn cầu. Phần viết về Đảng thì Bác ưu tiên: “Trước hết nói về Đảng”, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Rồi Bác dặn dò 8 công việc cụ thể: đoàn kết trong Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; rèn luyện đạo đức cách mạng; tự phê bình và phê bình; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch; cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân; Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; Đảng phải góp phần vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên vai trò to lớn của Nhân dân và viết rằng: “công việc đầu tiên là đối với con người”. Bác cho rằng: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột. Từ ngày có Đảng, Nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Bác dặn dò 10 việc cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước thắng lợi: hàn gắn vết thương chiến tranh; khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa; giải quyết đời sống và học nghề cho những người đã phục vụ chiến đấu ở chiến trường, chăm lo đến những gia đình chính sách; xây dựng các công trình (vườn hoa và bia kỷ niệm) tưởng niệm người có công; giải quyết công việc làm cho những người thuộc nạn nhân của chế độ xã hội cũ; chính sách đối với phụ nữ; chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế; củng cố quốc phòng; chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc; chú trọng xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” sau chiến tranh.

Đặc biệt nhất là Bác chú ý tới nông dân. Cũng đúng thôi, vì Việt Nam là nước nông nghiệp. Bác viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miền thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”[3]. Đây có lẽ là Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn tiếp nối tư tưởng của các vị tiền nhân anh minh thời trước về an dân, khoan thư sức dân sau chiến tranh - tư tưởng đúng đắn đầy tính nhân văn sâu sắc đối với dân, một bài học quý giá muôn đời, không bao giờ cũ trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

- Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là thế, mà Người còn dành tình cảm đặc biệt, viết ở cuối bản Di chúc: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế”[4]. Tình cảm đó của Bác còn thể hiện ở nghĩa tình trước sau khi tự sự rằng, Bác có ý định đến ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sẽ “đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt Nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta”[5].

- Bác viết về việc riêng, những đoạn này thì rất đặc sắc, cảm động, đúng nghĩa tự sự của một bức thư trước khi đi vào cõi vĩnh hằng. Riêng, nhưng lại mang ý nghĩa đại sự, là cái chung cho nhân cách, cho hậu thế. Đoạn ấy, tức là đoạn bổ sung năm 1968 như sau: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”[6]. Hối hận thì không, nhưng tiếc thì có. Trước khi qua đời 2 tháng, trong cuộc trả lời phỏng vấn của một nữ nhà báo Granma (Cuba), Bác nói “Tôi hiến dâng cuộc đời tôi cho dân tộc tôi”. Trước đó, trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác nói rằng, độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những điều tôi hiểu. Bác còn nói với nữ phóng viên Cuba rằng, những khi ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, là vì tôi muốn đấu tranh cho nước nhà được độc lập, dân ta được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc; rằng mỗi người Việt Nam đều có nỗi đau riêng của mình, gộp tất cả những nỗi đau đó lại thành nỗi đau của Bác (Lẽ nào có một phép cộng số học kỳ diệu đến vậy!). Bác còn nói với các nhà báo từ đầu năm 1946 rằng, Bác là người không ham công danh phú quý một chút nào, Bác chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Trong bản Di chúc, Bác trịnh trọng ghi “lời mong muốn cuối cùng” của mình là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[7]. Còn tiếc? Bác không phải tiếc vì mình chưa có vật chất đủ đầy cao sang, tiền của nhiều, nhà cao cửa rộng…mà tiếc là không còn sống lâu nữa để phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân (phục vụ là làm đầy tớ). Đó là sự tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, sự tiếc nuối của người “Anh hùng dân tộc vĩ đại” (do Trung ương Đảng ta “phong” cho Bác trong Điếu văn tại Lễ Truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình, sáng ngày 9/9/1969)[8], của “Nhân vật kiệt xuất”, “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất” (do UNESCO tôn vinh Bác trong một Nghị quyết năm 1987 nhân dịp tiến tới Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người)[9]. Đối với thi hài của mình, Bác yêu cầu xử lý trên tinh thần cái chung và thật sự mang tính khoa học về môi trường sinh thái, mà ngày nay chúng ta thấy rất rõ. Cả thế giới từ cuối thế kỷ XX đến nay đang gồng mình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sinh thái; như thế đủ biết rằng tầm nhìn của Bác thật xa nhằm góp phần xử lý vấn đề toàn cầu đặt ra một cách cấp thiết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn ý thức được rằng, việc thực hiện những điều đó là không hề dễ dàng một chút nào, đúng như Người viết: Đó là những việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[10]. Gọi đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ” thì thật là chính xác.

55 năm đã trải qua, kể từ tháng 9-1969 ấy. Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy có những việc toàn Đảng, toàn dân Việt Nam đã thực hiện những điều dặn dò của Bác đạt kết quả rất xuất sắc, như chống Mỹ, cứu nước và nhiều việc khác, nhưng cũng còn nhiều việc thực hiện hoặc còn chậm, hoặc chưa thật tốt, hoặc nữa là không có điều kiện thực hiện. Đó là biện chứng của cuộc sống. Nếu tất cả đều tốt đẹp cả thì không phải là cuộc sống trên trái đất này, vì ngày nay chúng vẫn xoay như bàn xoay đồ gốm và đầy các biến cố khó lường. Chắc chắn rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng thấm rõ hơn cái tính chất “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang” đó. Thấm rõ hơn để thực hiện tốt hơn Di chúc của Bác. Đó là thông điệp ngút ngàn tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mỗi con dân đất Việt chúng ta.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An Số 14 - Tháng 9/2024)



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.441. Vô đề/Tam nguyên bất ngật tửu suy yên,/Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên./Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng,/Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.615.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.617.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.613.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.618.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.615.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.624.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.627.

[9] Xem Nghị quyết 18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sách “UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”do Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Chu Đức Tính (Đồng Chủ biên), Nxb CTQG, H, 2013, tr.71-72.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.617.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520920

Hôm nay

2288

Hôm qua

2339

Tuần này

21961

Tháng này

218859

Tháng qua

121009

Tất cả

114520920