Văn hóa và đời sống

Văn hóa phải là mục tiêu và động lực của phát triển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Nguồn ảnh: VN Express

Khi ra đời, khái niệm phát triển tách rời khỏi văn hóa. Nhưng càng về sau, người ta càng thấy đó là điều không nên, không được và có thể để lại nhiều hệ quả nguy hại. Để phát triển hài hòa và bền vững, chúng ta phải xem văn hóa là mục tiêu, là động lực của sự phát triển, và cũng là một tiêu chí đánh giá quá trình phát triển.

Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ như là đã hiểu rõ hết về văn hóa và phát triển cũng như mối quan hệ giữa nó. Một mặc định hiển nhiên như vậy làm cho chúng ta không thấy hết sự biến đổi và vị thế của hai khái niệm này trong mối quan hệ với con người, và cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai lầm trong hoạch định các chính sách phát triển cả về vĩ mô lẫn vi mô. Vậy nên, trong bối cảnh mới, nhất là trong một tiến trình mà các quốc gia đang không ngừng nỗ lực tăng quyền và trao quyền phát triển cho các chủ thể văn hóa, thì nhận thức về văn hóa và phát triển cũng cần phải xem xét lại để phù hợp hơn với quá trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Khi mới xuất hiện trong kinh tế học, khái niệm phát triển gắn với kinh tế, mà trọng tâm là tăng trưởng kinh tế. Nói đến phát triển là người ta nói đến sự tăng trưởng kinh tế, cụ thể hơn là sự tăng trưởng chỉ số GDP của quốc gia. Nhưng quan niệm này ngày càng hạn chế khi mà người ta đặt ra câu hỏi rằng: Văn hóa nằm ở đâu trong quá trình phát triển? Bởi văn hóa vô cùng quan trọng. Nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, trước nhu cầu tái thiết các quốc gia sau sự tàn phá của bom đạn, nhiều vấn đề văn hóa, xã hội trở thành trọng tâm của các chiến lược khôi phục và phát triển của các quốc gia. Từ đó, khái niệm phát triển được mở rộng ra, điểm nhấn lớn nhất là đưa con người vào trọng tâm của sự phát triển. Sau đó, các mục tiêu khác cũng được đặt ra trong quá trình phát triển, hình thành khái niệm phát triển bền vững. Khác với phát triển theo nghĩa ban đầu tập trung vào tăng trưởng kinh tế thì phát triển bền vững đặt ra nhiều vấn đề hơn và dựa trên nhiều trụ cột, trong đó chủ yếu là môi trường, văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế và con người. Hay nói cách khác, phát triển từ lấy tăng trưởng kinh tế làm trung tâm chuyển sang lấy con người làm trung tâm. Nói về quá trình chuyển biến này, học giả Cuche đã tổng kết lại: Rất nhanh chóng, lối tiếp cận chỉ mang tính kinh tế đối với sự phát triển đã bộc lộ những hạn chế của nó. Một khảo cứu sâu sắc về các tiến trình phát triển và kém phát triển đã cho thấy vấn đề không chỉ là kinh tế. Kể từ đó, nhiều tác giả đã đề cao tầm quan trọng của các nhân tố xã hội trong sự phát triển (công bằng xã hội, bình đẳng, v.v…). Tiếp theo sau các nhà nghiên cứu đã tiếp tục đẩy mạnh các chỉ số để đánh giá sự phát triển một cách toàn diện hơn. Kết quả là bộ chỉ số phát triển con người (HDI) được đưa ra vào năm 1990 để bổ sung và điều chỉnh các chỉ số kinh tế. HDI được xây dựng từ ba tiêu chí cơ bản: Tuổi thọ, trình độ học vấn và sức mua thực bình quân đầu người. Gần đây hơn, vào năm 2004, trong báo cáo thường niên có nhan đề “Tự do văn hóa trong một thế giới đa dạng hóa” (La Liberté culterelle dans un monde diversifié), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã chỉ ra rằng sự phát triển cũng là một vấn đề văn hóa, theo nghĩa nhân học của từ này. Đối với các tác giả của bản báo cáo đó, không có sự phát triển hài hòa, cân bằng và công bằng khả dĩ nếu không có tự do văn hóa. Báo cáo cũng lưu ý một cách đặc biệt sự phát triển đang suy giảm ở khoảng 20 quốc gia mà ở đó, một số nhóm dân cư đang bị loại trừ về văn hóa, kèm theo mọi kiểu loại trừ khác làm nẩy sinh những căng thẳng, thậm chí là xung đột chết chóc. Do đó, việc tôn trọng các nền văn hóa thiểu số không chỉ là vấn đề công bằng, nó còn là vấn đề về việc quản trị tốt vốn thúc đẩy sự hội nhập xã hội và, cuối cùng là sự phát triển.

Như vậy, chúng ta có thể có thể thấy rằng sự chuyển đổi của khái niệm phát triển từ tập trung vào kinh tế sang lấy con người làm trọng tâm là một quá trình tất yếu và mặt khác, đó cũng là vấn đề văn hóa. Văn hóa giữ vai trò quan trọng trong phát triển, là mục tiêu, là động lực và cũng là một điều kiện, một tiêu chí để đánh giá sự phát triển. Sự tự do văn hóa giữ vai trò quan trọng trong phát triển mà trong đó, vai trò của chủ thể văn hóa vô cùng quan trọng. Văn hóa của các nhóm thiểu số không chỉ cần được tôn trọng mà còn phải được tìm hiểu và vận dụng vào quá trình phát triển như là một nhân tố để đảm bảo tính công bằng trong quá trình hội nhập. Hơn nữa, văn hóa cần được coi là một nguồn vốn quan trọng trong quá trình phát triển. Và nguồn lực này rất lớn, lại có thể khai thác lâu dài, và đặc biệt là đảm bảo được tính bền vững, hạn chế được sự tận diệt môi trường cũng như cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên của các nghệ nhân người Jrai (Gia Lai) trong Lễ hội đường phố “Sắc màu di sản” tổ chức tại phố đi bộ, TP. Vinh tháng 8/2023. Ảnh: Đức Anh

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, văn hóa ít khi được coi là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển. Người ta vẫn quan tâm đến nhân tố kinh tế và xem đó là tiêu chí quan trọng nhất để phát triển và cũng cho rằng phát triển kinh tế sẽ làm chìa khóa để giải quyết các vấn đề khác như chính trị, xã hội, môi trường hay văn hóa. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam phát triển chưa phải quá nhanh nhưng các nền văn hóa của các cộng đồng lại bị thay đổi, mất mát một cách nhanh chóng. Và sự thực thì dù chi ra rất nhiều tiền nhưng việc bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa của các cộng đồng vẫn chưa đạt được hiệu quả. Nó đòi hỏi người ta phải xem xét lại mục tiêu và động lực của phát triển. Đúng là trong bối cảnh đất nước còn nghèo thì việc đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao đời sống con người trở thành nhiệm vụ trung tâm và thiết thực nhất, cũng dễ đánh giá nhất. Nhưng trong một chiến lược phát triển dài hạn thì cần phải xem văn hóa là mục tiêu, là động lực của quá trình phát triển. Có thể nó không thúc đẩy sự giàu có trở nên nhanh chóng, nhưng lại tạo ra sự bền vững và hài hòa hơn trong quá trình phát triển. Điều đó giúp cho tránh được nhiều vấn đề bất cập xuất hiện sau này mà kinh tế chưa hẳn có thể giải quyết được./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 10 - tháng 8/2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444511

Hôm nay

2120

Hôm qua

2333

Tuần này

2120

Tháng này

219685

Tháng qua

112676

Tất cả

114444511