Những góc nhìn Văn hoá

Bi kịch của Trương Sinh trong "Chuyện người con gái Nam Xương" [Truyền Kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ]

1.Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ được coi là một trong những đỉnh cao mở đầu cho nền văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Tác phẩm đã đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội, trong đó nổi bật lên là vấn đề số phận con người. Lâu nay, khi nghiên cứu về Truyền kỳ mạn lục, dường như các nhà nghiên cứu chỉ quan tâm đến số phận khổ đau, chồng chéo những bi kịch của người phụ nữ, ít có công trình nghiên cứu về người đàn ông. Tuy nhiên, một sự thật không thể phủ nhận là nhân vật trong văn học Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII chủ yếu là nam giới. Trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục nói riêng, nhân vật namchiếm phần lớn so với tổng số nhân vật: 71,9%  (105/146 nhân vật). Vấn đề đặt ra là: Số phận của người đàn ông thì sao? Họ có nỗi khổ không? Phải chăng cuộc đời của họ cũng có những bi kịch? Đó là những bi kịch gì và những bi kịch ấy có giá trị như thế nào đối với văn nghiệp của Nguyễn Dữ nói riêng, đối với tiến trình phát triển của văn học trung đại nói chung? Bài viết tìm hiểu bi kịch của nhân vật Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương nhằm góp phần cung cấp thêm một góc nhìn mới để hiểu sâu hơn về giá trị nội dung của “thiên cổ kỳ bút” này.

2.Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện thứ 16 trong tổng số 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục, nguồn gốc của truyện bắt nguồn từ một truyện cổ tích dân gian có tên là Vợ chàng Trương. Tuy luôn bị lên án trong cái chết của Vũ Nương nhưng bản thân Trương Sinh cũng là nhân vật người đàn ông có nhiều bi kịch.

2.1. Bi kịch về khát vọng tề gia không thành

Từ một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc bên gia đình, bên mẹ, bên vợ, Trương Sinh đã phải thực hiện nghĩa vụ công dân của mình - phải đi lính khi đất nước có chiến tranh. Dễ thấy, Trương Sinh không phải là kiểu nhân vật “nam nhi chí lớn”: chàng không có những khát vọng lớn lao mang tầm vóc vũ trụ, không thể hiện được chân dung và tư cách của một trang nam nhi, anh hùng chí lớn. Trương Sinh thuộc tip nhân vật người đàn ông tề gia - an phận, chủ tâm trong việc xây dựng, tề chỉnh gia đình. Chàng luôn chăm chút giữ gìn cho gia đình hòa thuận. Chàng tuổi trẻ, con nhà giàu có nhưng không được học hành, phải đi lính trong lúc hương lửa đang nồng. Chàng từ biệt mẹ già, vợ trẻ để đi ra chiến trường khi tổ quốc lâm nguy... Có biết bao cuộc chia ly nhưng chia ly khi người thân ra trận để lại trong tâm trí con người nhiều suy nghĩ và lo lắng hơn bao giờ hết. Bài thơ Lương Châu từ của Vương Hàn có câu “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai về) như một chân lý khắc sâu vào tâm khảm người đọc. Đi vào nơi mũi tên, hòn đạn, chết chóc là điều không tránh khỏi. Số phận người lính trong chiến tranh thật mong manh. Người lính biết mình xung trận thì mười phần chết chỉ có một phần sống và cái cảnh “mấy ai về” như một định mệnh khắc nghiệt lâu nay.

Khi đi lính trở về, Trương Sinh tới nhà thì mẹ đã từ trần, đứa con vừa học nói. Tình mẫu tử thiêng liêng, nguồn an ủi vô bờ đối với Trương Sinh không còn nữa.Mẹ mất không được đội tang, Trương Sinh cảm thấy mình mắc tội bất hiếu - một thứ tội lớn nhất đời người. Bởi lẽ, hiếu vốn là tinh thần, là nội dung của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam hình thành từ rất xa xưa. Tư tưởng của đạo Nho là đề cao chữ “hiếu”, “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo…”(Hiếu kinh). Theo Khổng Tử, sự sống của mỗi người không phải do tạo hóa sinh ra, càng không phải do bản thân tự tạo, mà nhờ cha mẹ. Hiếu thuận được coi là nền tảng của đạo làm người. Chính vì thế, trong truyện, ngay khi trở về, Trương Sinh hỏi mồ mẹ rồi bế đứa con nhỏ ra thăm mộ mẹ trước tiên.Qua lời nói của chàng với đứa con “Con nín đi, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi” cho thấy rõ nỗi đau của người đàn ông, một người con không thể làm tròn bổn phận của mình. Nhưng dù vậy, Trương Sinh vẫn là một người con không tròn đạo hiếu. Khát vọng tề gia của Trương Sinh chẳng khác nào bọt nước chiều mưa.

2.2. Bi kịch biết trân trọng cái đẹp nhưng lại vô tình làm vỡ nó                  

Tuy không được học hành nhưng Trương Sinh là một người biết yêu, biết nâng niu và trân trọng cái đẹp. Trong tác phẩm, chi tiết Trương Sinh đem trăm lạng vàng cưới Vũ Thị Thiết - một cô gái nhà nghèo nhưng đủ công dung ngôn hạnh - về làm vợ đã chứng minh cho điều đó. Hơn nữa, trong cuộc sống, vợ chồng họ rất hạnh phúc. Lấy nhau đã lâu mà không có lúc nào có chuyện thất hòa. Đó không chỉ do cố gắng của một mình Vũ Nương. Hạnh phúc gia đình phải do tất cả các thành viên cùng vun trồng xây đắp mới trở nên tốt đẹp được, một người dù có cố gắng đến mức nào cũng không thể cứu vãn được nếu người còn lại không ủng hộ. Chàng hết lòng chăm chút và nâng niu tổ ấm của mình. Có thể nói, tình cảm của Trương Sinh dành cho Vũ Nương hoàn toàn hồn nhiên, trong sáng, và đáng trân trọng. Đặt vào hoàn cảnh của Trương Sinh vừa đi chinh chiến về, quá mệt mỏi, con người ta rất cần một chỗ dựa là gia đình, bên mẹ, bên vợ và bên con. Còn Trương Sinh thì sao? Vừa về đến nhà đã gặp bao khổ đau: chàng không có được giây phút hồi hộp, thiêng liêng đón giọt máu của mình chào đời; mẹ già đã khuất núi… Mẹ mất, niềm hạnh phúc gia đình nhỏ còn lại của Trương Sinh là vợ và con trai. Vậy nhưng, đứa con nhất định không chịu nhận mình làm cha “Ô hay! thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít” khiến chàng đau đớn. Hơn nữa, lời bé Đản rất có lý khiến chúng ta không thể không tin có “điều gì đó” mờ ám diễn ra: “Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”.

Nguyễn Dữ đã khéo léo đặt những lời nói đó vào miệng của một đứa trẻ ngây thơ. Hơn ai hết, lời của bé Đản đã kích động tính ghen tuông của Trương Sinh, khiến Trương Sinh nghi ngờ Vũ Nương thất tiết. Không thể làm chủ được bản thân, Trương Sinh đã mắng mỏ, nhiếc móc và đánh đuổi Vũ Nương đi mặc cho nàng biện bạch. Rõ ràng, Trương Sinh khao khát có gia đình hạnh phúc, ra sức vun đắp gia đình nhưng lại chính mình làm tan vỡ tổ ấm đó. Chàng trân trọng, nâng niu tình cảm với Vũ Nương thì lại lầm lẫn đến nỗi đẩy vợ yêu vào chỗ chết… Bản thân chàng phải tiếp tục sống trên cõi đời, ngày đêm đối diện với con thơ, với cái bóng oan khiên với nỗi đớn đau, dằn vặt khôn nguôi. Nhưng đó vẫn chưa phải là đỉnh điểm khổ đau của cuộc đời người đàn ông chồng chéo bi kịch này. 

 2.3. Bi kịch của sự ghen tuông

 Người đọc không khỏi xót xa, phẫn uẫn trước cái chết của Vũ Nương -một người phụ nữ thủy chung, trong trắng, đức hạnh vẹn toàn, trọn hiếu, vẹn tình… Nhiều người cho rằng cái chết của Vũ Nương trong truyện do ảnh hưởng từ hậu quả của cuộc chiến tranh phi nghĩa. Trong thế kỷ XVI, tình hình xã hội không ổn định, chiến tranh phong kiến ác liệt và kéo dài, đất nước bị các tập đoàn phong kiến chia cắt làm cho các tầng lớp trong xã hội bị phân hóa mạnh mẽ, cuộc sống của nhân dân điêu đứng, đổi thay. Biết bao gia đình phải chia ly, phân tán khi người thân của họ phải bước ra chiến trận ác liệt. Chiến tranh đã khiến con người không được hưởng trọn hạnh phúc lứa đôi. Lẽ ra, cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến không xảy ra, Trương Sinh không phải đi lính thì chàng đã có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, cùng vợ đẹp, con ngoan. Trương Sinh đã làm tròn trách nhiệm của một người con, người chồng, người cha và chàng đã không rơi vào bi kịch.

Tuy vậy, nguyên nhân chính và sâu xa dẫn đến bi kịch của Trương Sinh là do bản tính “hay ghen” của chàng. Bởi, giả sử Trương Sinh không phải đi lính ba năm mà là đi du học thì khi trở về, với tính hay ghen - một thuộc tính bản năng của con người, lại có điều kiện là câu nói ngây thơ của đứa con về sự ngoại tình của vợ, Trương Sinh vẫn sẽ rơi vào bi kịch đau lòng vì gây ra cái chết cho vợ mình. Như vậy, việc ghen tuông của Trương Sinh là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết đau lòng của Vũ Nương.

Hay ghen là một hiện tượng tâm lý có liên quan đến sinh lý, đến giới tính thuộc phạm vi tính người mà tạo hóa đã phát riêng cho nhân loại. Ghen tuông còn là một thuộc tính của con người, khi có điều kiện thuộc tính này sẽ bùng phát lên nhanh chóng và hậu quả của những cơn ghen thường rất ghê gớm và khó lường. Còn yêu là còn ghen. Sự ra đi của Vũ Nương là một hậu quả nghiêm trọng nhất cho việc ghen tuông nông nổi của Trương Sinh.

Trong tình yêu, ghen tuông là điều khó tránh khỏi. Cơn ghen khiến con người ta mất khả năng kiểm soát hành vi của bản thân. Khi ghen tuông, không đủ tỉnh táo tất sẽ dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ. Nhà tâm lí Hauch cho rằng “Biểu hiện chung của đàn ông ghen tuông là sẵn sàng lớn tiếng, quát nạt đối phương, bàng quan với mọi thứ xung quanh. Có một số người thì đập phá đồ đạc hoặc trút giận bằng cách đấm vào tường”. Hơn nữa mẹ vừa mất, vợ lại ngoại tình còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau ấy. Do vậy, việc Trương Sinh đánh đuổi Vũ Nương đi là hoàn toàn có thể giải thích được.

Khi Vũ Nương quyên sinh, Trương Sinh vẫn động lòng thương xót“tìm vớt thây nàng”. Đó là một hành động đáng trân trọng, nó thể hiện tình cảm của chàng với người vợ bất hạnh. Sau khi Vũ Nương chết, một mình chàng lầm lũi nuôi con. Chính từ cái bóng của chàng và qua câu nói của đứa con thơ, mà hiểu ra mình đã lầm mà gây tội ác với vợ, con mồ côi mẹ, chồng mất vợ, chàng dằn vặt, hối hận, nhưng đã quá muộn màng. Trương Sinh đã lập đàn tràng giải oan cho Vũ Nương tại bến Hoàng Giang. Đây là cố gắng cuối cùng của chàng để níu kéo hạnh phúc đã mất. Vũ Nương đã trở về trong niềm mơ ước của Trương Sinh và của người đời nhưng chỉ là chốc lát rồi lại tan biến vào khói mây. Mái ấm gia đình của chàng đã mãi mãi không còn nữa. Có lẽ nỗi cô đơn, ân hận về hành động của mình sẽ theo chàng đến hết cuộc đời. Đây chính là một vấn đề lớn của bi kịch gia đình.

Có thể thấy, bi kịch của Trương Sinh là do nguyên nhân chủ quan, bắt nguồn từ những tình tiết đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Điểm mấu chốt trong bi kịch này đó chính là những mâu thuẫn, giằng xé diễn ra ngay trong chính bản thân con người chàng, đó là sự hối hận, dằn vặt vì đã gây ra cái chết của vợ dưới dòng nước lạnh. Trong những truyện Nôm sau này, có kiểu kết cấu: Gặp gỡ - Tai biến - Lưu lạc - Đoàn viên, có nghĩa là chia ly, từ biệt rồi sẽ gặp lại, là gương vỡ có thể lành. Trước thời điểm đó, Nguyễn Dữ đã nhận thức được vấn đề rằng thực tế cuộc sống không phải như vậy, không phải mọi chuyện diễn ra có “tai biến”, “lưu lạc” rồi sẽ lại được “đoàn tụ”. Điều đó thể hiện tầm nhìn sâu rộng của Nguyễn Dữ về cuộc sống. Qua bi kịch của Trương Sinh, Nguyễn Dữ muốn nói rằng gương vỡ không thể lành, bát nước đổ đi không thể lấy lại được. Người ta cứ đi tìm hạnh phúc nhưng không biết hạnh phúc ở trong tay mình, để khi mất đi rồi, mới biết đó là hạnh phúc.

3. Việc xây dựng những bi kịch của Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương đã góp phần phản ánh và tô đậm hiện thực xã hội Việt Nam thế kỷ XVI - một thời kỳ lịch sử đầy biến động. Là một nhà văn nhân đạo, Nguyễn Dữ đã bày tỏ lời chia sẻ, đồng cảm lớn lao và lòng cảm thông sâu sắc trước số phận con người, trước nỗi khổ của nhân dân. Thông qua việc thể hiện số phận bi kịch của người đọc có thể hình dung ra nhiều loại bi kịch với những hậu quả nghiêm trọng của nó. Bi kịch của Trương Sinh chính là những mâu thuẫn, giằng xé “chủ quan” diễn ra ngay trong chính bản thân con người, do thuộc tính nội tại của con người vì nhầm lẫn, thiếu hiểu biết, ghen tuông để rồi tự chuốc lấy sự ân hận, dằn vặt suốt cuộc đời. Quan trọng hơn, dù có rất nhiều nguyên nhân lớn nhỏ khác nhau, khách quan hay chủ quan, nhưng tất cả bi kịch đều gây ra nỗi đớn đau cho con người. Thông qua đó, người đọc không chỉ có thêm một góc nhìn mới về “thiên cổ kỳ bút”, về tác giả Nguyễn Dữ mà còn có thể chia sẻ, cảm thông với nỗi khổ của những người đàn ông trong chính chế độ xã hội nam quyền của họ. Mỗi con người có một nỗi đau riêng nhưng nỗi đau chung nhất vẫn là những bất hạnh trong cuộc sống tình duyên. Hạnh phúc gia đình là niềm mơ ước, là chỗ dựa vững chắc cho cả người đàn ông và người phụ nữ.

Bên cạnh việc phản ánh hiện thực xã hội, Nguyễn Dữ muốn tìm những giải pháp cho con người nói chung và người đàn ông nói riêng. Ông đã đề xuất quan niệm về hạnh phúc: Hạnh phúc thực sự là gì? Hạnh phúc tồn tại ở đâu: trên trần gian này hay miền tiên giới, cõi thiên tào hay nơi thủy cung?  Vấn đề đặt ra là con người phải sống làm sao, sống thế nào mới có hạnh phúc, hạnh phúc tìm thấy ở nơi đâu và dành cho ai? Đối với người đàn ông, hạnh phúc là gì và đối với người phụ nữ như thế nào là hạnh phúc? Hạnh phúc có lúc ở ngay trước mắt, có lúc phải kiếm tìm, điều quan trọng là con người phải dám ước mơ, khao khát và nhận ra được hạnh phúc đó. Hạnh phúc thuộc về tinh thần. Tiền bạc và giàu sang chỉ mang lại cho con người một phần nào hạnh phúc, không thể có hạnh phúc trọn vẹn. Qua đó, Nguyễn Dữ khuyên con người cần phải biết trân trọng những niềm vui, hạnh phúc mà mình đang có vì nó một đi không trở lại. Rộng ra là hãy biết trân trọng những giá trị của cuộc sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb, Văn hóa thông tin, Hà Nội

2.       Bùi Duy Tân (chủ biên) - Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Đức Duật, Nguyễn Tuấn Cường (2007), Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam (Thế kỷ X – thế kỷ XIX), tập II, Văn học (thế kỷ XVI – XVII), Nxb Giáo dục, Hà Nội

3.        Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội

4.       Lê Thu Yến (chủ biên) - Đoàn Thị Thu Vân - Lê Văn Lực - Phạm Văn Nhu (2003), Văn học Việt Nam - văn học trung đại - những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529295

Hôm nay

238

Hôm qua

2304

Tuần này

21568

Tháng này

215991

Tháng qua

0

Tất cả

114529295