Góc nhìn văn hóa

Nghiên cứu về nguồn gốc, quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ qua một số nguồn sử liệu (Kỳ II)

2. Những nguồn sử liệu về nguồn gốc Nguyễn Huệ - Quang Trung qua các bộ địa chí và các nguồn sử cũ

a, Trong các bộ địa chí

     Triều Nguyễn vốn thù địch với triều đại Tây Sơn nên các nguồn sử liệu viết về Tây Sơn dưới triều Nguyễn rất hiếm hoi hoặc chỉ là những tư liệu cá nhân, gia đình, rất ít những sử liệu, văn bản mang tính chất Quốc gia viết về triều đại này. Triều đại nhà Nguyễn giành giật quyền quản lý đất nước từ tay Tây Sơn chứ không phải là từ tay nhà Lê vì thế, đối với nhà Lê và những quan lại dưới triều đại nhà Lê thường không phải là thù địch. Với tính chất đó, đọc các nguồn sử liệu ghi chép về nhà Nguyễn Tây Sơn, triều đình nhà Nguyễn thường dùng với tên gọi là “Nguỵ triều”, “Nguỵ thư”… Có lẽ chũng chính vì thế, những tư liệu ghi chép về nguồn gốc anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ lại càng trở nên hiếm hoi.

    Trường hợp ghi chép về quê hương gốc gác của Nguyễn Huệ được Bùi Dương Lịch裴陽歷 (1744 - 1814) (?), trong tác phẩm Nghệ An ký 藝安記 ghi lại là một trường hợp hy hữu. Bùi Dương Lịch tên tự là Tồn Thành và Tồn Trai, hiệu Thạch Phủ, người làng An Toàn, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là người sống cùng với với Quang Trung Nguyễn Huệ. Dưới thời Lê Cảnh Hưng, Bùi Dương Lịch từng làm quan Huấn đạo ở phủ Lý Nhân (Hà Nam), bản thân ông từng đỗ tiến sĩ dưới triều vua Lê Chiêu Thống thứ nhất (1787) - khoa thi cuối cùng dưới triều Lê. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp: “sách Nghệ An ký có thể được viết vào hồi Gia Long (đầu thế kỷ XIX) mãi đến đời Tự Đức, học trò ông mới đem xuất bản” (17).

        Nhờ việc biên chép kịp thời như thế mà ngày nay, bên cạnh nguồn tư liệu truyền miệng dân gian, chúng ta có thêm nguồn sử liệu thư tịch để tìm hiểu về quê hương của anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ.

        Có lẽ người phân tích tác phẩm Nghệ An ký và chỉ ra những thông tin quý báu về quê gốc của vua Quang Trung sớm nhất được ghi chép trong tác phẩm của Bùi Dương Lịch là học giả Trần Văn Giáp. Trong tác phẩm Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, ông viết: “Sách Nghệ An ký là một bộ sách lịch sử, địa  lý, nhưng phần quan trọng của nó là lịch sử cuối Lê sang triều Tây Sơn. Trong hầu hết các truyện các nhân vật, tác giả thường hay tả bối cảnh xã hội về thời xảy ra sự việc lịch sử có liên quan đến từng cá nhân, nhất là một số sự việc xảy ra khoảng mấy năm cuối triều Lê và triều Tây Sơn. (…). Xem câu kết luận của ông trong truyện này, ta thấy ông muốn thuật lại lịch sử thời ông được sống: “Khủng tục sử giả vô khảo, nhân tường thuật chi 恐續史者旡考因詳述之 (Sợ người chép sử sau này không khảo được vào đâu được, nên nhân đây xin thuật rõ). Thí dụ, khi chép về núi Đại Hải, vì có mồ mả tổ tiên triều Tây Sơn ở đấy và lời Nguyễn Nhạc tự nói ông tổ bốn đời mình đã từ Thái Lão di vào trại Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn” (18).

Khi viết về núi Đại Hải, sách Nghệ An ký viết nguyên văn như sau: 大海山東距魚海可五六十里其間為真祿縣地皆沙土蓋上古桑鹵變移故此山有大海之名山南下為台峰在蔡老社是西山阮岳祖貫岳自言其四世祖流寓于歸仁府符離縣西山寨 Phiên âm: “Đại Hải sơn… Đông cự Ngư Hải khả ngũ lục lý. Kỳ gian vi Chân Lộc huyện địa, giai sa thổ. Cái thượng cổ tang lỗ biến di. Cố thử sơn hữu Đại Hải chi danh. Nam sơn hạ vi Thai phong, tại Thái Lão xã, thị Tây Sơn Nguyễn Nhạc tổ quán. Nhạc tự ngôn, kỳ tứ thế tổ lưu ngụ vu Quy Nhơn phủ, Phù Ly huyện, Tây Sơn trại…”. Dịch nghĩa: “Núi Đại Hải… cách biển Ngư năm sáu mươi dặm về phía Đông. Khoảng giữa là đất huyện Nghi Lộc, toàn là do cát bồi. Ngày xưa chỗ ấy là biển mặn sau biến thành bãi. Cho nên núi có tên Đại Hải. Phía nam núi Đại Hải, thấp hơn là ngọn núi Thai tại xã Thái Lão, đó là tổ quán của Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc tự nói tổ 4 đời của mình di cư đến trại Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn…” (19).

        Theo Học giả Trần Văn Giáp, tác phẩm Nghệ An ký không được khắc ván in khi Bùi Dương Lịch đang sống mà có thể do con cháu hoặc học trò cho khắc in vào khoảng thời Tự Đức trở về sau (20).

 Bản đồ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trong sách Đồng Khánh địa dư chí, Nxb Thế giới, 2003, tập 3, tr 263.

 

Theo ghi chép của bộ sách địa lý Đồng Khánh dư địa chí thì: Huyện Hưng Nguyên là huyện thống hạt thuộc phủ Anh Sơn, huyện lỵ đặt tại thôn Chân Đích, xã Mỹ Chân, tổng Đô Yên. Huyện hạt phía Đông giáp huyện Chân Lộc, phía Tây giáp huyện Nam Đường, phía Nam giáp huyện La Sơn, Nghi Xuân, phía Bắc giáp huyện Đông Thành. Huyện có 7 tổng: 1. Tổng Đô Yên; 2. Tổng Thông Lãng; 3. Tổng Văn Viên; 4. Tổng Phù Long; 5. Tổng Hải Đô; 6. Tổng Vân Trình; 7. Tổng La Vân. Riêng tổng Đô Yên có 16 xã (X), thôn (Th) (21) như sau:

 

STT

Tên xã, thôn

STT

Tên xã, thôn

STT

Tên xã, thôn

1

Th. Chân Đích, X. Mỹ Chân

7

Th. văn Lang, X. Đô Yên

13

Th. phú Đăng, X. Mỹ Dụ

2

Th. Xuân Thịnh. X. Mỹ Chân

8

Th. Thành Công, X. Âm Công

14

X. Yên phúc

3

Th. Yên mỹ, X. Mỹ Chân

9

Th. Xuân Am, X. Âm Công

15

X. Thái Lão

4

Th. Kim mã. X. Mỹ Chân

10

Th. Cự, X. Mỹ Dụ

16

X. Yên Pháp

5

Th. Ngọc Hốt, X. Mỹ Chân

11

Th. Mỹ, X. Mỹ Dụ

 

 

6

Th. Đô Yên, X. Đô Yên

12

Th. Thượng, X. Mỹ Dụ

 

 

      Nhìn trên bản đồ huyện Hưng Nguyên thì núi Đại Hải lại gần tổng Hải Đô (22) và tổng Đô Yên thì cách xa hơn.

- Về đường đi đến các khu vực trong huyện Hưng Nguyên thì xã Thái Lão cũng nằm trên trục giao thông huyết mạch của huyện nhưng cũng là một địa bàn có nhiều núi non (núi đồi trọc), không có cây cối, dân cấy 2 mùa Xuân Hè và Hè Thu, tuy nhiên, nơi đây chủ yếu là cấy vụ Xuân hè là chính. Sách Đồng Khánh địa dư chí viết: “Một đường thiên lý từ sông Cấm đi về phía Bắc, qua hai xã La Vân, La Nham đến giáp địa phận xã Tập Phúc huyện Đông Thành, dài 8 dặm 65 trượng, rộng 1 trượng; Một đường quan báo phía Đông từ Cầu Đích xã Mỹ Chân đến Cầu Mượu, xã Thái Lão, đi về phía Tây giáp giới xã Hữu Biệt, huyện Nam Đường, dài 3 dặm, rộng 6 thước; Một đường nhỏ từ huyện lỵ về đến phía Nam, qua các thôn Kim Mã, Xuân Thịnh, đến xã Triều Khẩu, tổng Văn Viên giáp giới huyện La Sơn, dài 10 dặm, rộng 3 thước; Một đường nhỏ từ huyện lỵ đi về phía Bắc, qua các thôn Hưng Long, Bảo Đà, đến núi Sắt (tổng Vân Trình) giáp giới huyện Đông Thành, dài 20 dặm, rộng 3 thước”(23).

      Về phong tục, sách Đồng khánh địa dư chí viết: “Dân trong huyện cần cù lao động, từ ăn mặc, nhà cửa đến các việc cưới hỏi tang tế đều không chuộng chuyện tô vẽ trang sức. Đàn ông, đàn bà đều lo học lấy một nghề nghiệp riêng. Việc cày cấy, dâu tằm, công nghệ buôn bán tuỳ theo từng nơi mà làm ăn sinh sống, mỗi người một việc khác nhau. Theo đạo Thiên Chúa chẳng qua ở các xã thôn như Bùi Châu, Thiều Xá, Thanh Phong, Sơn Lãng, Hương Lễ, Anh Tuấn, Hương Thanh mà thôi” (24).

- Về núi lớn, có đề cập đến núi Đại Hải - quê hương của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Sách Đồng Khánh địa dư chí viết: “Trong huyện có nhiều núi, thuộc loại núi đất có lẫn đá, như: núi Thống Mộng, núi Long Thủ (núi Đầu Rồng), núi ở tổng La Vân; núi Thiết Sơn (núi Sắt), núi Đại Vạc ở tổng Vân Trình, núi Băng (Băng Sơn), núi Đại Huệ, núi Đại Bàn, núi Đại Tứ, núi Đại Hải, núi Độc Lôi ở tổng Hải Đô, núi Nhuyến (Nhuyến Sơn) ở tổng Đô Yên, núi Thành ở tổng Văn Viên,v.v… đều không có cây cối gì có thể dùng được”(25).

     Trong sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng - Khuyết Danh, tác giả người Trung Hoa đời Minh đã trình bày tương đối toàn diện về tình hình địa lý, điều kiện tự nhiên, núi, sông, sản vật, nhân vật của Giao Chỉ (Việt Nam) trong đó mục viết về núi non của Phủ Nghệ An trong đó có các núi tiêu biểu như: Núi Thiên Nhẫn (huyện Thổ Du); núi Lập Thạch (huyện Chân Phúc), núi Mỏ (huyện Thổ Hoàng), núi Bia (huyện Thổ Hoàng)… Tuy Cao Hùng Trưng không dề cập đến núi Đại Hải 大海 (núi thuộc quê hương của Nguyễn Huệ) nhưng tác giả cũng miêu tả sơ qua về quang cảnh những ngọn núi ở khu vực này. Qua đó, có thể hình dung được phần nào quang cảnh nơi đây. Đặc biệt có đề cập đến: “núi Huệ惠山 (Huệ Sơn), hình núi như chiếc chuông úp. Các ngọn la liệt, phong cảnh có vẻ khả quan” (26). Phải chăng núi Huệ được đề cập đến khá sớm trong sách An Nam chí nguyên chính là núi Đại Huệ (Đại Huệ Sơn) được phản ánh trong bộ sách Đồng Khánh địa dư chí thuộc tổng Hải Đô (Tổng Hải Đô là một tổng thuộc huyện Hưng Nguyên, nằm bên tay phải của tổng Đô Yên, bên cạnh quê hương của Nguyễn Huệ). Qua quan sát cho thấy, hình dạng trái núi đúng như mô tả giống chiếc chuông úp (27). Chung quanh núi Đại Huệ Sơn cũng còn nhiều núi khác như núi Băng Sơn 冰山, Đại Bàn Sơn 大磐山, Đại Điền Sơn 大田山(28) (?); Đại Hải Sơn大海山, Độc Thư Sơn 獨書山… được ghi chú thành một dải ở phía Bắc của tổng Hải Đô và các núi Thành Sơn 城山, Khảm Sơn坎山 của tổng Văn Viên 文園 và tổng Đô Yên都安 của huyện Hưng Nguyên mà ở đây trong An Nam chí nguyên chỉ ghi vắn tắt: “Các ngọn la liệt, phong cảnh có vẻ khả quan”.

       Về lịch sử định cư ở tổng Đô Yên, (huyện Hưng Nguyên), có thể thấy, nơi đây từ rất sớm, triều đình nhà Lý đã cử những vị quan lại, chức trách đến đây trị nhậm, cai quản. Chẳng hạn như theo bản thần tích làng Xuân Am tổng Đô Yên vào thời Lê Cảnh Hưng được ban 4 sắc phong phong cho thần thành hoàng làng là Uy Minh Đại Vương 威明大王 (29) (Vị hoàng tử trưởng của Lý Công Uẩn đã đến đây trấn trị để chế ngự sự xâm lăng của quân Chiêm Thành).

       Bởi nơi đây, trong suốt một thời gian dài, có sự tranh chấp biên giới giữa Đại Việt và Chămpa. Vì thế, việc khảo sát các di tích thờ tự đặc biệt là thờ các nhân vật lịch sử ở dùng đất này có ý nghĩa rất quan trọng. Về các di tích ở khu vực các tổng thuộc huyện Hưng Nguyên, phần nhiều thờ các vị thần từ thời Tiền sử, một số vị thần là nhân thần, nhân vật lịch sử thời Lý, thời Lê như: “Đền Triều Khẩu: Thờ Vũ Mục Công Lê Khôi, con người anh thứ hai của Lê Thái Tổ. Năm Quang Thuận thứ 4 (1463), vua Lê Thánh Tông sai từ thần là Nguyễn Như Đổ soạn bài ký khắc bia dựng ở đây. Năm Dương Hòa thứ 7 (1641), quan Hữu ty (bộ Lễ) nhận thấy đền ấy ở gần bờ biển, sóng gió khôn lường, khó khăn cho việc tế tự, xin cho xây đền khác ở thôn Hưng Phúc (xã Triều Khẩu) để phụng thờ. Đền này trước có sông, sau có núi, phong cảnh tươi đẹp, điện vũ nguy nga. Dân chúng mỗi khi gặp hạn hán, bão lụt, dịch bệnh thường đến cầu đảo, đều thấy linh ứng. Từ đời Lê đến nay, thần đền Triều Khẩu nhiều lần được phong tặng” (30). Ngoài ra, ở huyện Hưng Nguyên, khu vực chung quanh xã Thái Lão, tổng Đô Yên còn thờ nhiều vị thần khác như sau (31):

STT

Tên xã, thôn

Tên thần

Sắc phong

Ghi chú

1

Xã Thái Lão

蔡老社

Cao Sơn, Cao Các… Đại Vương 高山高閣大王

Niên đại Vĩnh Thịnh 91 đạo); Vĩnh Khánh (1 đạo); Cảnh Hưng (1 đạo)

 

2

Xã Đô Yên 都安社

Trung Lang Bộ Lĩnh đại vương 中郎部領大王

Cảnh Trị (1 đạo); Vĩnh Thịnh 91 đạo; Vĩnh Khánh 91 đạo); Cảnh Hưng (5 đạo); Cảnh Thịnh (1 đạo)

 

3

Thôn Cự巨村, xã Mỹ Dụ 美裕社

Chàng Ất Ngô Long Vương 撞乙吳龍王大王

Chính Hòa 91 đạo), Vĩnh Thịnh (1 đạo), Vĩnh khánh (1 đạo); Cảnh Hưng (3 đạo), Cảnh Thịnh (2 đạo)

17 trang

4

Thôn Thượng上村, xã Mỹ Dụ美裕社

Cao Sơn Cao các Đại Vương 高山高閣大王

Cảnh Hưng (2 đạo); Cảnh Thịnh (1 đạo)

7 trang

5

Thôn Thành Công 成功村

Đà Bác… Đại Vương 阤博大王

Cảnh Hưng (2 đạo)

5 trang

6

Thôn Xuân Am春庵

Uy Minh Đại Vương 威明大王, Song Đồng Ngọc Nữ雙童玊女, Lộc Phong Công Đại Vương 禄豐功大王, Thái Uý Vị Quốc Công Đại Vương太尉渭國公大王; Thái Bảo Phúc Quận Công 太保福郡公大王

Cảnh Hưng (4 đạo); Cảnh Thịnh (4 đạo)

17 trang

7

Thôn Phú Văn 富文村

Cao Sơn Cao Các…Đại Vương 高山高閣大王

Cảnh Hưng (2 đạo)

5        trang

        Từ các thông tin về việc thờ tự ở huyện Hưng Nguyên nói chung và của xã Thái Lão, tổng Đô Yên nói riêng cho thấy, khu vực này hầu như là thờ các vị nhiên thần (Thần núi: Cao Sơn Cao Các Đại Vương) cùng với một số nhân vật lịch sử từ thời Lý đến thời Lê Sơ, tiêu biểu như thôn Xuân Am (tổng Đô Yên) thờ Uy Minh Vương (Lý Nhật Quang), ông là con thứ 8 của Lý Thái Tổ. Sở dĩ có việc thờ Lý nhật Quang tại đây là bởi, như trên đã nói, thời Lý, nơi đây từng là mảnh đất tranh giành giữa Champa và Đại Việt nên nhà Lý đã cử một trong những Hoàng tử của Lý Thái Tổ về đây trị nhậm, cai quản. Sách Đại Việt sử ký toàn thư,  viết về sự kiện năm Tân Tỵ (Càn Phù Hữu Đạo) năm thứ 3 (1041) như sau: “Thập nhất nguyệt, chiếu Uy Minh Hầu Nhật Quang tri Nghệ An châu 拾一月詔威明候日光知州 (Tháng 11, chiếu cho Uy Minh Hầu Nhật Quang chức Tri châu Nghệ An”)(32). Đến thời Lê sơ (thế kỷ XV), nơi đây cũng là địa bàn hoạt động của Vũ Mục Công Lê Khôi (con người anh thứ hai của Lê Thái Tổ) (33).

      Vậy, trên khu vực đất đai của Tổng Đô Yên (huyện Hưng Nguyên), quê hương của Nguyễn Huệ - Quang Trung nói riêng và Nghệ An nói chung, đầu thời Lý thuộc sự cai quản, trấn trị của Lý Nhật Quang - một trong những hoàng tử của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ). Nơi đây, đã từng diễn ra nhiều sự tranh giành lãnh thổ giữa nhà Lý (Đại Việt) và Champa. Đến thế kỷ XVII, một lần nữa chính mảnh đất này cũng bị quan quân của chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đánh lấn và bắt dân đưa vào vùng An Khê (Bình Định) sinh sống.

       Có thể nói rằng, việc nhận thức về quê hương của Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đất Hưng Nguyên (Nghệ An) đã được các nhà sử học xác nhận từ lâu. Trước khi bị bắt đi “bất đắc dĩ” phải vào đất An Khê (Bình Định), sinh sống, lập nghiệp, dòng họ Hồ trên mảnh đất xã Thái Lão, (tổng Đô Yên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), đã bao đời coi đây là nơi chôn rau, cát rốn của mình. Có lẽ việc thay tên đổi họ từ họ Hồ sang họ Nguyễn mới chỉ bắt đầu từ khi chuyển vào vùng đất mới Bình Đình (Đàng Trong), từ sau khi bị Chúa Nguyễn bắt đi vào khai hoang miền đất mới (?).

      Qua các miêu tả trong các bộ thư tịch, trong sử cũ, trong các bộ địa lý hay những miêu tả trong An Nam chí nguyên của tác giả người Trung Hoa (Cao Hùng Trưng)… Đặc biệt, quan sát trên bản đồ Đồng Khánh địa dư chí (in mầu), được biên soạn vào cuối thế kỷ XIX, cho biết mảnh đất xã Thái Lão, tổng Đô Yên là một làng quê nghèo, đất đai bạc màu, cằn cỗi, có nhiều đồi núi thấp, ít cây cối nhưng cảnh đẹp nên thơ, ưa nhìn “Các ngọn la liệt, phong cảnh có vẻ khả quan”(Lời ghi nhận trong An Nam chí nguyên).

       Xã Thái Lão nằm trên một trục giao thông huyết mạch trong huyện. Từ đây, có thể đi đến các nơi thuộc huyện Nam Đàn, huyện Đông Thành (Diễn Châu). Đi về phía Đông đến cầu Đích (xã Mỹ Chân) và đi về phía Tây đến xã Hữu Biệt (huyện Nam Đàn). Thái Lão là một trong 16 xã, thôn của tổng Đô Yên. Người dân ở đây có cuộc sống chất phác, hồn hậu, lấy nghề nông làm chính, ngoài ra có thêm nghề trồng dâu nuôi tằm và kết hợp buôn bán.

          Qua những chỉ dẫn quý báu trong sách Nghệ An ký của nhà sử học Bùi Dương Lịch, kết hợp các với nguồn sử liệu liên quan… đã giúp hậu thế xác định được quê hương bản quán của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ một cách chắc chắn. Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý giá và tin cậy để tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn, để tự hào về nơi phát tích, cố hương của người anh hùng “áo vải cờ đào” cách đây mấy thế kỷ./.

N.Q.H

*Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội

 

Tài liệu trích dẫn

 (17). Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Thư viện Quốc gia xuất bản, tr. 379;

(18). Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Thư viện Quốc gia xuất bản, tr. 378;

(19). Bùi Dương Lịch (2004), Nghệ An ký, Nxb Khoa học xã hội, Phần chữ Hán, tr. 93,94;

(20). Học giả Trần văn Giáp nhận xét như sau: Sách Nghệ An ký xuất bản từ bao giờ và ai xuất bản?. Điều này thấy rõ hơn hết là sách này chỉ mới được xuất bản vào khoảng từ đời Tự Đức (1848 - 1883) trở về sau. Một số chữ kiêng cấm về thời Tự Đức đều được tôn trọng; Chữ Nhiệm viết bớt nét ngang, chữ Hoa viết thêm ba nháy trên đầu, v.v… Cũng do đó mà ta lại thấy sách Nghệ An ký không phải chính tác giả cho khắc ván đem in mà do người sau, hoặc do học trò hay con cháu tác giả xuất bản, cho nên theo tục xưa không viết rõ tên Bùi Dương Lịch mà chỉ viết Bùi Tồn Am là tên hiệu, còn thêm danh từ tiên sinh để tỏ lòng tôn kính” (Trần Văn Giáp (1970), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, đã dẫn, trang 378;

(21). Tổng hợp từ sách: Đồng Khánh dư địa chí (2003), Nxb Thế giới, tr. 1242;

(22). Tổng Hải Đô gồm 24 xã, thôn bao gồm: 1. Thôn Đa Phúc, xã Hải Đô; 2. Thôn Lư Tường, (xã Hải Đô); 3. Thôn Truyền (xã Hải Đô); 4. Thôn Hương Lại (xã Hải Đô); 5. Xã Nguyệt Tỉnh; 6. Xã Thiều Xá;

7. Xã Thanh Phong; 8. Thôn Đông, xã Bùi Ngõa; 9. Thôn Bùi Châu, xã Bùi Ngõa; 10. Thôn Đông, (xã Bùi Khổng); 11. Thôn Bùi, (xã Bùi Khổng); 12. Thôn Tùng, (xã Bùi Khổng); 13. Thôn Thượng, (xã Bùi Khổng); 14. Thôn Hương Long, (xã Hương Cái); 15. Thôn Bảo Đà, (xã Hương Cái); 16. Thôn Anh Tuấn (xã Hương) Cái; 17 Thôn Lỗ Điền, (xã Hương Cái); 18. Thôn Hạ Khê, (xã Hương Cái); 19. Thôn Thượng Khê, (xã Hương Cái); 20. Thôn Hương Thịnh, (xã Hương Cái); 21. Thôn Thạch Tiền, (xã Lạp Cầu); 22. Thôn Sơn Lãng, (xã Lạp Cầu); 23. Thôn Trường Lãng, (xã Lạp Cầu); 24. Thôn Hương Lễ, (xã Lạp Cầu)” (Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế giới, tập 2, tr. 1243);

(23). Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế gới, tập 2, tr. 1245;

(24). Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế gới, tập 2, tr. 1243;

(25). Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế giới, tập 2, tr. 1244;

(26). Cao Hùng Trưng - Khuyết Danh (2017), An Nam chí nguyên, Nxb Đại học Sư phạm, tr 159, 160;

(27). Xem chú trong bản đồ Đồng Khánh địa dư chí, đã dẫn, tr. 263;

(28). Chữ mờ, in nhỏ khó đọc;

(29). Bản thần tích có 1 bản viết, 81 trang, khổ sách 32 x 22,5 cm, chữ Hán, AD. B1/5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm;

(30). Đồng Khánh địa dư chí, (2003), Nxb Thế giới, tập 2, tr. 1244;

(31). Bản thần tích có 1 bản viết, 81 trang, khổ sách 32 x 22,5 cm, chữ Hán, AD. B1/5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Trong bài viết này, chúng tôi chỉ phân tích bản thần tích thuộc tổng Đô Yên - Nơi cư trú trước kia của dòng họ Hồ của Nguyễn Huệ. Còn các địa phương khác, chúng tôi không trình bày ở đây, xem: Trần Nghĩa (Cb), (2002), Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (Bổ di I), Quyển thượng, Nxb Khxh, tr. 213- 224);

(32). Đại Việt sử ký toàn thư (1998), BK, Q2, tờ 29b, bản dịch, tập I, Nxb KHXH, HN, tr. 362;

(33). Tức là con của Lê Học 黎學 (Lê Thái Tổ có 3 anh em: Trưởng là Lê Trừ 黎除, thứ là Lê Học, út là Lê Lợi 黎利, tức Lê Thái Tổ. Vậy Lê Khôi gọi Lê Lợi bằng bác ruột);

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528630

Hôm nay

211

Hôm qua

2275

Tuần này

2903

Tháng này

215326

Tháng qua

0

Tất cả

114528630