Những góc nhìn Văn hoá

"Thơ trắng" của Ernest Heminway và vấn đề thụ cảm thơ

I.MÊ CUNG THI CA VÀ NHỮNG LỐI VÀO

Những con số gắn liền với sự tính toán từ bao đời nay vẫn được coi là tử địa của thơ, người ta có thể dùng con số trong một vài câu thơ nhưng có lẽ trước Ernest Heminway chưa có ai làm một bài thơ bằng toàn con số. Toàn văn bài thơ đó như sau :

                        Thơ Trắng

            "     30     "                                          

7     !    11    :      14    ,     13      .

            3,         3,          ,              .

            ,       15          ;            22         !

                                                ,

                        Oak Park,  1916

                        Trapeze (Tháng Mười Một  1916)                                                                                     

Chất  thơ của những con số

Phẳi chăng, gọi là ‘Thơ Trắng’ vì dùng những con số không hề có chất thơ để làm thơ chẳng khác gì dùng màu trắng để vẽ trên nền trắng? Ý nghĩa của nó giống như sự hiển thị màu trắng trên nền trắng, làm cho cái không có hình tướng hiện diện trong hình tướng, làm cho cái không thơ hiện ra trong dáng vẻ thơ? Ấn tượng đầu tiên khi đọc ‘Thơ Trắng’ là: một bài thơ không có chất thơ. Nói đúng hơn, một sự thiếu vắng thơ hiện hình trên mặt giấy.

Sao ở đây sự thiếu vắng thơ không phải là một khoảng giấy bỏ không mà lại là những con số? Ở đây, dường như nhà thơ không muốn chỉ dừng lại ở  thông tin về sự thiếu vắng, mà còn muốn cắt nghĩa căn nguyên của sự thiếu vắng này. Khi ta bước chân vào một ngôi nhà trống vắng, lạnh lẽo, không có chủ nhân, ta chỉ thoáng lo âu về một rủi ro nào đó có thể đã ập đến với con người xa vắng ấy. Nhưng nếu như trong căn nhà trống vắng kia lại chất ngổn ngang hung khí còn vấy máu thì ta không thể không kinh hoàng nghĩ về một vụ tự sát hay một án mạng đã xảy ra. Tương tự vậy, khi nhìn vào bài thơ  lố nhố những con số thù địch với thơ ta không thể không nghĩ đến một tai hoạ  của thơ in vết trong cái hiện - trường - Thơ - trắng ấy. Nếu sự gắn bó với thơ, nỗi chờ mong thơ chưa đủ máu thịt khiến ta bàng hoàng ngơ ngác và hụt hẫng trước sự thay thế những tín hiệu gần gũi thân thương bằng những tín hiệu xa lạ, lạnh lùng, y như khi bước vào nhà người thân gặp toàn kẻ địch, thì lý trí ta không thể không băn khăn tự hỏi: Sao đến nông nỗi này? Thơ đã tự sát hay ai đã giết thơ? Và, tiếng kêu cứu của thơ trong thời đại thực dụng, thời đại của kỹ thuật số  nếu lâu nay bị ta thờ ơ, thì giờ đây hẳn sẽ vang vọng lại, như một dày vò, một oán trách, một cật vấn, một suy tưởng không cùng và một lo âu bất tận.

 Lưỡi gươm khoa học kỹ thuật sắc bén như lưỡi gươm trong một truyện ngắn của Tagore, nó sắc đến mức có thể chém xả đôi một người nào đó mà người bị chém không hề hay biết, chỉ đến khi anh ta rùng mình thì hai nửa con người mới bị bửa đôi ra. Lâu nay ta chỉ mơ hồ cảm nhận có một sự sát hại thơ, thoán đoạt thơ và có cái gì đó thật mỏng manh lên lỏi vào trong cấu trúc chiều sâu của con người thi sĩ trong ta. Đọc "‘Thơ Trắng’", ta  thoáng rùng mình về một ấn tượng tinh tế về cái chết của thơ, và cái rùng mình đó đã làm hai nửa thi nhân trong ta tách đôi ra, để lộ ra vết chém mạnh mẽ đến mơ hồ bí ẩn.

Chẳng phải trong ‘Thơ Trắng’ đã có sự lắp ghép của hai nửa thân thể thi ca bị lưỡi gươm của thời đại xả đôi  đó sao? Chẳng phải những con số, những thủ phạm thời đại gây hấn với thơ, và sát hại thơ, giờ đây lại xúng xính trong những đồ lề của ngôn ngữ để hiện diện như là ngôn ngữ, như là thơ? Ernest Heminway  không biết vô tình hay cố ý đã trộn những con số vào những gia vị của ngôn ngữ: những dấu ngoặc kép, những chấm than, chấm phảy, hai chấm... Sự pha trộn này có vẻ mang một ý nghĩa thâm trầm rằng, giờ đây, chủ thể của thơ là cái phi thơ - ngôn ngữ, chất thơ, những dấu hiệu biểu cảm tinh tế ngày xưa giờ đây chỉ còn là gia vị của những con số? Con số đã tước đoạt ngôn ngữ làm phương tiện đi kèm nó, phục vụ nó! Mặt khác, sự pha trộn ấy  gợi nên cái ngạo mạn đến khinh xuất của thơ khi mở toang cửa dung nạp những đối thủ của mình, trao cho nó những công cụ để làm nên thông điệp. Cuối cùng sự pha trộn ấy cũng  gợi về cái ảo tưởng hào phóng của thi nhân khi muốn thâu nạp cộng sinh đồng hoá tất cả thế gian để biến thành thơ. Trước mặt ta, bài ‘Thơ Trắng’ của Ernest Heminway y hệt món cháo rìu trong truyện dân gian Nga, ta phải húp những gia vị thơ tẩm vào những con số phi thơ cằn cỗi và hiểm hóc!

Con số đánh bạt ngôn từ và cướp đoạt tất cả những hồn vía, những liên hệ của ngôn từ để xưng danh là thơ. Sự giả trang này có vẻ thật trắng trợn và thô bỉ. Nhưng nhìn kỹ vào trong từng con số cụ thể với từng loại dấu đi kèm con số đó, ta lại thấy dường như có sự toan tính và lựa chọn trong kết hợp, không phải tình cờ con số này lại đứng cạnh dấu chấm than kia. Tại sao số 30 lại nằm trong ngoặc kép? Tác giả muốn ngụ ý về số ngày trong một tháng chăng? Và tại sao sau số 7 lại là dấu chấm than? Số 7 là số ngày của tuần chăng? Sau số 11 là dấu hai chấm, đó là một phép chia lửng lơ không thành hay một đối thoại còn bỏ ngỏ?  Nếu sau số 30 ta dùng dấu chấm than thay dấu ngoặc kép, sau số 7 ta dùng dấu chấm hỏi thay dấu chấm than thì nội dung liên tưởng sẽ thay đổi theo hướng khác chăng ?

Dấu chấm than đặt sau số 11 chỉ giống như một cái bắt tay, cái nụ cười xã giao, con số 11 không gần ta hơn, bởi vì dấu "!" kia không ăn nhập với nó, không phát lộ cái bản ngã trữ tình của nó. Nhưng nếu dấu chấm than đặt sau con số "3", con số "7" hay con số "30" thì con số bỗng như vang lên những hồi âm của cuộc sống, với những quan hệ tay ba trong tình yêu và với nhịp đi của thời gian xốn xang trong tuần và trong tháng. Rõ ràng, con số cũng có những cá tính văn hoá khác nhau không thể tuỳ tiện lai ghép với những ký hiệu trong ngôn ngữ.

Càng đọc kỹ và suy ngẫm, ta thấy rõ rằng  mỗi con số có một trường liên tưởng, khi được kết nối với những ký hiệu ngôn ngữ chúng trở nên phập phồng hơi thở của cuộc sống. Bởi lẽ, sự gán ghép se duyên có vẻ như tuỳ tiện của nhà thơ hoá ra lại là  sáng tạo cơ chế liên hệ nhằm phát lộ cái bản ngã văn hoá tiềm ẩn trong những ký hiệu, những con số lạnh lùng kia! Những dấu chấm, phảy, chấm than...vừa làm nên nội dung cảm xúc của con số, mở ra bình diện cuộc đời của từng con số, lại vừa làm nên mối liên hệ giữa các con số, làm nên tiết tấu luân phiên giữa chúng với những đoạn ngừng, đoạn nghỉ, đoạn lặng, đoạn nhấn, đoạn phân vân. Rõ ràng, có một thông điệp thơ trong chuỗi con số kia ta cần khám phá và giải mã.

Thử giải mã thông điệp thi ca của ‘Thơ trắng”

Thoạt tiên là số "30" đặt trong ngoặc kép, như một trích dẫn, có thể là một thông điệp của ai đó hay một ký ức chuyển tới hôm nay, như một vốn liếng ban đầu. Và điểm khởi đầu thực tại là số 7 với dấu chấm than đầy cảm xúc, nhiệt tình. Tiếp sau là số 11 chia 14 - một ngịch lý, một vấn nạn  ngay sau bước khởi đầu hăm hở. Tiếp nữa là số 13, một Tabout, một đe dọa, một điềm gở, một lo âu. Dấu chấm đặt ở đây là ký hiệu tạm dừng. Trì trệ, đợi chờ, tìm hướng mới. Sau đó là số 3, rồi lại số 3, rồi không còn số nào, chỉ còn hai khoảng không và hai dấu phảy. Đó là chặng đường mệt mỏi, ì ạch, buông trôi, tụt hậu và phá sản, hệ quả của những cấm kỵ và xui xẻo.

Sau dấu chấm ngừng nghỉ, ngắt kết giai đoạn khủng hoảng bi thảm đó là một chặng mới bắt đầu bằng khoảng trống và dấu phảy, hàm ý khởi động tiếp chặng mới từ thất bại, từ tay trắng. Nhưng như một phép lạ, chỉ sau một nhịp thôi là hành trình bỗng vọt lên con số 15, con số cao kỷ lục so với các chặng trước đây trong hiện tại, con số của những thắng lợi bất ngờ, con số của ngày giữa tháng, tượng trưng cho buổi ban trưa của cuộc đời. Dấu chấm phảy tiếp sau đó là một sự nghỉ ngơi tương đối dài, phấn khởi, xả láng sau bàn thắng lớn ngoài dự kiến để rồi khi lại trở lại vọt lên con số chẵn đẹp 22 với dâú chấm than như tiếng reo vui thắng lợi. Đây là đỉnh cao nhất của hành trình.

Nhưng thành quả này, kỷ lục này, thắng lợi này vẫn còn thua con số 30 ở cả tầm vóc và tính chất: con số 30 trong ngoặc kép với tư cách là di sản, là giao lưu vẫn là con số có giá trị lớn nhất.Và cuối cùng, kết ở dấu phảy tạo ra tính chất chưa hoàn chỉnh, bản chất của thế giới và của mỗi cuộc đời-tương tự như Kinh Dịch kết bằng quẻ Vị tế hàm nghĩa chưa xong, còn tiếp tục, bị dở dang..

Vậy là, chuỗi con số và chuỗi ký hiệu trong ‘Thơ Trắng’ của Ernest Heminway có chuyển tải một thông điệp về lôgic chung của mọi cuộc đời, có vấp váp thăng trầm và thất bại, thậm chí mất sạch, trắng tay, nhưng nếu tiếp tục nỗ lực sẽ lại giành được những thắng lợi bất ngờ có giá trị lớn hơn tất cả những gì đã mất. Nhưng, cái thắng lợi cuối cùng của ta hôm nay dù lớn đến mấy cũng vẫn thua những di sản ban đầu ta mang theo (trong ngặc kép) như là sự kế thừa của một chủ thể khác. Và cái nền tảng di sản đó, cái nền trắng có vẻ vô nghĩa của lịch sử đó, là cái đến chót đời ta mới có thể đo đạc được. Đến ngày phán xử cuối cùng ta sẽ thấy những nỗ lực của ta còn thua những gì Thượng đế "trích" cho ta. Song dù quá khứ có buồn vui và hiển hách thế nào thì ta vẫn phải luôn đối mặt với một kết cục nửa vời, nham nhở...

Có thể đây chỉ là một cách đọc, một hướng liên tưởng có ít nhiều áp đặt và suy diễn. Nhưng, dù cho mức độ chính xác và sức  thuyết phục của những liên tưởng là khác nhau trong những cách đọc khác nhau, ta có thể thấy rõ một sự thật là những con số và những dấu chấm than, chấm phảy...kia có sức gợi của những hình tượng thơ ca. Tính đa diện của những hình tượng đó tạo cho chúng cái khả năng có thể vận động từ ấn tượng này đến ấn tượng khác, thậm chí chuyển hoá từ ấn tượng về cái phi thơ đến ấn tượng về cái có chất thơ. Hai ấn tượng có vẻ mâu thuẫn nhau, loại trừ nhau, nhưng đó chỉ là những tương quan xuất hiện trong cách đọc tuyến tính, duy lý và đơn nghĩa.

Kim la bàn định hướng cho cách đọc

Đọc ‘Thơ Trắng’ cũng tương tự như nhìn vào những bức tranh ảo ảnh. Thoạt đầu ta chưa thấy có hình thù gì, nhưng nếu ta biết tập trung  nhìn kỹ vào một điểm nào đó thì sẽ đến lúc ta chợt thấy những đường nét hình khối rời rạc kết nối thành hình nổi mà ai cũng có thể nhìn ra nếu tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về điểm nhìn và độ chăm chú của cái nhìn. Ở đây, điểm nhìn trong bài thơ để ta chăm chú xoáy sâu vào mà liên tưởng, suy tưởng chính là ý nghĩa của các con số và các ký hiệu trong tương quan với thái độ sống và ý nghĩa cuộc đời. Nếu ta chọn một điểm nhìn khác để nhìn xoáy vào thì có thể chuỗi con số và chuỗi ký hiệu sẽ hiện lên những hình tượng khác.

Dù như vậy, nhà thơ cũng không thể tuỳ tiện trong sáng tạo, không dễ dàng nhặt được bài thơ từ vô thức như nhặt được của rơi của Chúa. Có thể cảm thấy khá rõ rằng Ernest Heminway có ý thức kỹ thuật và nghệ thuật khi lập tứ cho bài thơ  bằng cách đan xen những con số với các" râu ria ngôn ngữ "và khi đặt tên cho bài thơ là ‘Thơ Trắng’ như mở một lối vào trong mê cung. Chính motip , cấu trúc và lối vào  của bài thơ là những điểm tựa và những kim là bàn định hướng cho những cách đọc khác nhau không bị trôi dạt tự do trong những nỗ lực vô bổ như đấm bị bông. Một bài thơ viết bằng con số hay sử dụng những ký hiệu ngoài ngôn ngữ như quân cờ, bưu ảnh v.v... mà không tìm ra môtip cơ bản trong cấu trúc chiều sâu của hình tượng thơ và không có lối vào qui định cho người đọc thơ, thì sẽ giống như cái bị bông, hiểu thế nào cũng được, cách hiểu này phủ định cách hiểu kia. Đó là những bài thơ không có hình tượng, không có môtip, một thứ chất liệu phi hình tượng tự nhiên chủ nghĩa dễ dãi như bột nhão không thể có khả năng biểu hình.

Sự tồn tại của hình tượng và motip trong tác phẩm là những liên hệ khách quan kết nối tất cả những thành tố của bài thơ, dù nhà thơ có ý thức hay không. Những cách đọc nào đưa ra một dự án tiếp nhận trong đó mọi thành tố vật chất của bài thơ đều được lý giải như là một yếu tố tuân thủ trật tự của motip, có vị trí và vai trò xác định trong hình tượng thì đều là những cách đọc khả thủ.Ngược lại, những cách đọc không bao quát hết các chi tiết, các yếu tố của tác phẩm thơ trong dự án tiếp nhận của mình  là cách đọc phiến diện và khiên cưỡng. Motip, hình tượng  và biểu tượng là siêu logic kết nối những yếu tố trong bài thơ với nhau và với người đọc để tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ đặc thù. Nếu hiểu hình tượng thơ như vậy thì những con số trong ‘Thơ Trắng’ của Ernest Heminway thực sự là những hình tượng có hồn, có tiết tấu, có hơi thở của cuộc sống, thậm chí có tâm linh.

Ba bản ngã của con số

Nếu nhìn từ góc độ triết học thì mỗi con số có ít nhất là 3 bản ngã: bản ngã kỹ thuật, bản ngã văn hoábản ngã tâm linh.

Bản ngã kỹ thuậtlà lát cắt của sự phát triển văn minh vật chất với vai trò của toán, điện toán và kỹ thuật số ngày càng thông dụng. Ở phương diện này, con số có vẻ ít chất thơ, thậm chí có thể coi là phi thơ. Khi ta nói đến máy tính làm thơ với hàm ý diễu cợt là ta đề cập đến bình diện bản ngã kỹ thuật của những con số đó. Với định kiến đó, ta dễ dị ứng với những bài thơ như ‘Thơ Trắng’ từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nếu vượt qua bản ngã kỹ thuật của con số, khám phá ra bản ngã văn hoá của chúng trong sự liên tưởng tới nhịp sống, tới những chiều kích khác của đời sống liên quan xa gần đến con số, nghĩa là ta gắn con số vào chủ thể ẩn của nó trong đời thường, trong lịch sử và trong mơ ước thì ta sẽ cảm nhận được chất thơ của chúng. Ở đây, những yếu tố phụ như những dấu chấm than, dấu phảy trong bài ‘Thơ Trắng’  có tác dụng tạo môi trường cho bản ngã văn hoá của con số hiển thị. Nếu ta không dừng lại ở bản ngã văn hoá này mà tiếp tục đào sâu bản ngã triết học của những con số, ta sẽ thấy chúng hiện ra trong tư cách những biểu trưng tôn giáo, những tiết điệu vũ trụ, những mã số của tâm linh như những con số thần bí theo quan niệm của những nhà triết học cổ Phương Đông. Lúc đó con số không chỉ là tín hiệu mang tính nghi lễ, mà còn chuyển tải những thông điệp của định mệnh.

Nghi lễ và định mệnh ngay từ khoảnh khắc đầu hiện diện trong tâm tư đã mở ra những chân trời vô tận cho những ký ức thơ, những liên tưởng thơ, những xúc cảm thơ, vừa rợn ngợp, sâu sắc, vừa thần bí. Và chúng trong tư cách những mã số của Trời mà những con số trở nên có tư cách hình tượng thơ ca hơn tất cả những hình tượng thơ ca quen thuộc khác vì nó là chất thơ phổ quát nhất, sâu sắc nhất được lưu lại trong hình thức vô lý nhất. Sự hàm súc của nó, một mặt che khuất chất thơ bồng bềnh trôi dạt khắp trong trời đất mà nó xuyên thấu và bao quát, mặt khác phát lộ cái chất thơ của cái tinh tuý - cái chất thơ mà chỉ vừa rơi vãi ra trong thơ Đường, thơ Hai Ku đã làm cho nhân loại thán phục ngẩn ngơ. Thơ đến mức phi thơ đó là nghịch lý của những con số. Có tất cả nên trở thành trắng  tay - đó phải chăng chính là nghịch lý của Thượng đế lấp ló trong ‘Thơ  Trắng’?

 

II.LỄ TƯỞNG NIỆM NGÔN NGỮ

Tôi đang hào hứng với cách tiếp nhận ‘Thơ Trắng’ của mình, tưởng rằng mình đã tiếp cận Nàng Thơ che mạng trong đạo chữ linh thiêng, không những thế còn tuyển mộ thêm những con số ngỗ ngược vô đạo trở thành vệ sĩ của Nàng, thì lại nhận được bài viết  của anh Nguyễn Hoàng Nam, một bạn thơ bên Mỹ cho biết  bài ‘Thơ Trắng’ in trên Tạp chí Thơ số mùa xuân 1997 là in sai, bản gốc không có những con số. Những con số - nhân vật chính mà tôi vừa lao tâm khổ tứ giải mã tư cách thơ chỉ là sản phẩm của lỗi mo rát - đó chỉ là những thông số ghi khoảng cách để nhắc người đánh máy, nhưng cái khoảng cách ngầm định ấy lẽ ra phải giấu mặt sau cánh gà bài thơ  thì lại nhảy sổ ra nhắc vở trên sân khấu do một sơ xuất.

Tôi như người tỉnh mộng tiếc mãi ngày hội giả trang của những con số trong vũ hội thơ mình đã nhập cuộc trong chiêm bao. Đó là tâm trạng của thầy trò Đường Tăng khi phát hiện ra Phật Tổ Như Lai mình vừa quỳ lạy chỉ là con yêu tinh giả dạng.

Cuộc đi vòng đến chính bài thơ

Bối rối ngượng ngùng, tôi muốn xoá bỏ những ấn tượng thơ mà tôi vừa cảm nhận, tước đoạt chất thơ mà mình vừa nhận diện. Nhưng không xóa được. Những con số vẫn khư khư linh hồn lạc lối mà tôi, trong tư cách kẻ đọc, đã ban cho nó! Giống như ta đang âu yếm một người thiếu nữ trong giấc mộng, khi tỉnh dậy, ta bỗng nhiên thấy con người vốn xa lạ ấy trở lên gần gũi làm ta xao xuyến. Hay đây là một định mệnh thơ? Nếu người đọc chỉ như một con đồng, nhẩy xếch lên theo vũ điệu của một linh hồn vũ nữ và tọa thiền theo linh khiển của một vị sư, thì sao mình đã về với bản thể của mình rồi mà linh hồn  những con số kia vẫn ám? Nếu đã là một định mệnh thơ, thì ắt hẳn những ám ảnh này có cội nguồn từ chính bài ‘Thơ Trắng’ .

Thử biện hộ cho lầm lẫn của mình, tôi loay hoay tìm kiếm cách  lý giải cho ngộ nhận của tôi, để lỗi lầm cả tin kia nếu không phải là từ E. Heminway thì cũng là do Nàng Thơ đỏng đảnh và bí ẩn .

Rõ ràng những con số kia không phải là ngẫu nhiên xuất hiện. Nó là chỉ số hiện hình của những khoảng cách mà bài ‘Thơ Trắng’ phải có, do người trình bày tiếp nhận những khoảng cách bỏ trống trong bản gốc của E.Heminway. E.Heminway khi sáng tác có thể không ý thức về sự khác nhau của những khoảng cách đó, nhưng khi được người trình bày tiếp nhận, khoảng cách giấy trắng giữa các ký hiệu đó đã  có  một thông điệp thơ quan trọng giống như các dấu lặng trong âm nhạc, nên người trình bày đã  truyền đạt lại ấn tượng này cho người đánh máy qua những con số - những chỉ số kỹ thuật mang hồn vía của những khoảng trống. Những con số lẽ ra phải được người đánh  máy hiện hình thành những khoảng trống trên trang in, thì lại được để nguyên. Khi đọc, độc gỉa thơ lại phải tự hình dung để tìm kiếm chất thơ trong bài thơ mà E.Heminway muốn gửi gắm qua  những khoảng giấy trắng.

Như vậy là khám phá chất thơ trong con số của tôi không hẳn là một sự ngộ nhận mà chỉ là một sự đi vòng đến chính bài thơ. Vì gọi  là "Thơ Trắng” chắc hẳn là tác giả muốn nhấn đến những khoảng trống không hề có chữ. Những khoảng trống trở thành thông điệp chính, chính vì thế, nó phải được mã hoá qua con số trong quy trình kỹ thuật để chuyển tải chất thơ kia! Nếu một bài thơ sáng tác theo thi pháp khác sẽ khó có sự lầm lẫn tương tự. Giữa các câu thơ có nghĩa có thể xen vào những  con số kỹ thuật  cách dòng, nhưng biên tập và người đánh máy dễ hồ nghi đó không phải là thơ. Trong trường hợp ‘Thơ Trắng’, rõ ràng những con số đã lẻn vào hài hoà với những ký hiệu của bài thơ, hoá thân thành bài thơ, do đó, tạo nên một chỉnh thể trọn vẹn đến mức bài thơ in sai khủng khiếp này đã qua mặt hàng loạt người trong dây chuyền in báo!

 Nghĩa là ‘Thơ Trắng’ của E.Heminway không chỉ đẻ ra những con số mà còn bao che dung nạp nó trong bản thân thi pháp và kết cấu. Như vậy, sao không thể coi cách đọc của tôi là một trong những nội dung của ‘Thơ Trắng’ mà trí tưởng tượng của E.Heminway đã gián tiếp sản sinh ra?

Sự ngộ nhận chỉ điểm cái trinh nguyên

Tự biện hộ cho mình như vậy, nhưng tôi vẫn cố đọc lại bài thơ gốc của E.Heminway bằng con mắt xuyên tường, xuyên qua những ngộ nhận thơ đang ám ảnh ngự trị trong tâm trí. Đọc lại bài thơ gốc, không đơn giản chỉ là sự sửa sai, đổi mới hay sám hối, mà phải tiến hành một hành vi mang tính chất Thiền - giải trừ tri kiến, phá chấp, nỗ lực tìm đến bản lai diện mục của thế giới thơ mà E.Heminway đã sáng tạo ra. Đó là quy trình lội ngược dòng tri thức văn minh, lịch sử để về nguồn, tìm đến một vũ trụ trinh nguyên chưa bị ai chiếm lĩnh trong nhận thức. Cái trinh nguyên đó, bản thân E.Heminway không sáng tạo ra, mà chính Nàng Thơ mượn quyền Thượng đế sáng tạo ra. Cái trinh nguyên ấy cư trú sau tất cả những ký hiệu  nghệ thuật hiện diện và không hiện diện, chủ đích và ngộ nhận, nó không phải văn bản gốc, văn bản đúng, mà là  cái bản lai diện mục của văn bản gốc mà sự ngộ nhận thơ của ta đã bao phủ, đã đóng gói. Ngộ nhận, may thay, đã giúp ta địa chỉ bị che khuất của cõi trinh nguyên kia, nó chỉ điểm cái trinh nguyên qua sự tước đoạt và đóng gói, để  ta chỉ việc tái tước  đoạt và mở gói thơ.

Nghĩa là, một ngẫu nghiên mang tính định mệnh thơ đã đặt ta trước bức tường tu luyện của thiền sư, đòi ta bằng cặp mắt chăm chú xuyên thủng bức tường chân lý mà ta đã dựng lên trong hình thành nhận thức. Có nguỵ biện không khi nói rằng chính ngộ nhận về văn bản  ‘Thơ Trắng’ đã giúp tôi tiến gần hơn cốt lõi của bài thơ?

Thử đọc lại bản gốc của bài thơ, không có những con số in nhầm:

                  Thơ Trắng

            "   "

                        !            :           ,               .

                              ,               ,

               ,                    ;             !

                                          ,                                                

 Oak Park 1916

 Nếu tác giả ngụ ý ‘Thơ Trắng’ là bài thơ không có chữ, thì sao không để giấy trắng mà lại phải đưa vào những dấu chấm, phảy, ngoặc kép v.v.?

Trắng ở đây không phải là hư vô, là lớp nền tự nhiên, mà là sự vắng mặt của ngôn ngữ được trình bày qua thi pháp của bài thơ. Bài thơ là một cách nói của E.Heminway về sự vắng mặt ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một nhân vật chính quan trọng trong lễ hội thơ, ta phải tuyên bố sự vắng mặt một cách long trọng, ý tứ, không thể chỉ vào cái ghế bỏ không để bắt mọi người phải tự  hiểu là yếu nhân này vắng mặt. Vì thế không thể để giấy trắng. Sử dụng các ký hiệu để trình bày sự vắng mặt của ngôn ngữ đã là tôn vinh ngôn ngữ, tuyên bố chuyển đổi nội dung buổi lễ hội thơ thành lễ tưởng niệm ngôn ngữ thơ đã bị  tử vong trong một thời đại ngôn ngữ bất lực, ngôn ngữ bị  tiêu diệt trong cơn thác lũ  của văn hoá nghe nhìn và sự lên ngôi của con số lạnh lùng, chính xác, đầy tinh thần rạch ròi, tính toán.

5 cái chết của ngôn ngữ thơ truyền thống

Trước quyền lực gớm ghê của hình ảnh và con số, ngôn ngữ thơ cũng đã từng lẽo đẽo thích nghi, đổi dạng, học theo cách hiện diện múa may của các thế lực này để tiếp tục tồn tại. Thơ cần đến sự trình bày, cần đến những khoảng cách trên giấy nơi những con số luôn luôn chực sẵn để nhảy tót vào như Mã Giám Sinh "Ghế trên ngồi tót sỗ sàng". Nhưng, "Trong trật tự ngày nay đang định hình lời hụt hơi hút chạy theo đời sống. Như cái bóng của chàng cao bồi hý hoạ Lucky Luke ("Người rút súng nhanh hơn bóng của mình").Không còn phản ánh kịp hình, thơ truyền thống bắn chậm...thì chết" (Đỗ Kh.). Ngôn ngữ bị chết mà E.Heminway đang tưởng niệm là ngôn ngữ thơ truyền thống. Nó chết nhưng chỉ có linh hồn của nó và những dáng điệu của nó chầu trời, cái xác của nó còn kia, cái xác không toàn vẹn nhưng vẫn còn đủ để nhận ra  cái đó là những mảnh xác ngôn ngữ: Những dấu chấm phảy, ngoặc kép, chấm than chấm lửng v.v...Những mảnh xác vụn đó cũng đủ để cho một hồn vía khác nhập vào đấy vì những dấu ngoặc kép, chấm phảy... kia không đủ sức chống cự khi người ta tuỳ ý điền vào trong chúng, đặt cạnh chúng những ngôn ngữ khác.

Trong thời đại của số đông này, có hàng tỷ kẻ  mượn danh thi nhân có thể dùng những dấu vết phụ, những mảnh vụn sót lại của ngôn ngữ thơ để bọc lót cho ngôn ngữ của mình, giả mạo ngôn ngữ thơ. Trò giả mạo này này có nhiều thủ đoạn mà E.Heminway đã kín đáo chỉ ra trong các dấu vết cái chết của ngôn ngữ thơ truyền thống .

1.Đảo lộn chủ thể: Dấu ngoặc kép đưa lên dòng đầu biểu thị rằng ngôn ngữ thơ ngày nay lấy tha nhân làm cứu cánh. Dấu ngoặc kép là tượng trưng cho sự trích dẫn, dựa dẫm hay hay tháu cáy những lời lẽ khác. Đó là cái chết thứ nhất của ngôn ngữ thơ .

2.Đảo lộn ngữ pháp: Dòng thơ thứ hai mã hoá sự đảo lộn cú pháp trong ngôn ngữ thơ hiện đại. Dấu chấm than lẽ ra ở cuối lại đưa lên đầu. Dấu hai chấm lẽ ra ở cuối câu thì ra lại len vào giữa - đó là cú pháp văn nói, vừa kể ý mình vừa pha lời kẻ  khác trong câu cú  lòng thòng. Dấu phảy và  chấm có giá trị như  chuẩn vị trí  từ ngữ trong câu - nếu không có dấu phảy  và chấm này thì không có ý niệm về sự đảo lộn trước sau.

3.Khúc giữa lên ngôi:Hai  dấu phảy chơ vơ ở dòng ba biểu hiện  một thứ  hành ngôn cắt đoạn, lửng lơ, không đầu không cuối ngụ ý  tính không kết thúc (non - finite) trong ngôn ngữ thơ hiện đại.

4.Giả cổ điển: Câu thứ tư biểu thị một hành ngôn vừa phức hợp vừa cổ điển. Dấu chấm than đặt cuối biểu trưng  một chủ nghĩa  trữ tình truyềng thống, một  cú pháp kinh điển.  Đây là khúc thi thể khá nguyên vẹn của ngôn ngữ thơ  truyền thống mà ta có thể nhận ra qua dáng vẻ thân quen. Nhưng nó là giả cổ điển vì vắng mặt thông điệp dưới dạng truyền thống, cái thứ yếu - những dấu chấm phảy - lên ngôi trong một trật tự có vẻ cổ điển.

5.Giao thoa:Dấu phảy đặt ở kết bài thơ  như nhân vật quan trọng nhất của câu biểu trưng một hành ngôn gián cách mà không phân đôi, giống như cái mành mành - một đặc trưng của ngôn ngữ thơ hiện đại.

Vậy là bài ‘Thơ Trắng’ lại được giải mã theo hướng khác, khác với cách giải mã khi còn  những con số. Như thế sao có thể gọi là có một nội dung nhất quán giữa hai văn bản ‘Thơ Trắng’ được phân tích trên đây?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529448

Hôm nay

2191

Hôm qua

2304

Tuần này

21721

Tháng này

216144

Tháng qua

0

Tất cả

114529448