Cuộc sống quanh ta

Chữ Hiếu ngày nay

Tuổi già chẳng được an nhàn

Trong một lần về Tam Hợp (Quỳ Hợp), tôi đến thăm một gia đình người quen. Khi đến nhà, mọi người đều đi làm đồng vắng, chỉ có bà cụ Loan hơn 80 tuổi đang cặm cụi làm ngoài vườn.

 
Thấy có khách, cụ dựng cái cuốc vào bờ rào rồi đi vào, bước thấp bước cao. Dáng người cụ mảnh khảnh, gầy yếu, hàm răng móm mém. Cụ kể, giọng run run: “Mình thấy con cháu nó vất vả nên ngồi yên cũng không đành, còn gắng sức làm được gì giúp cho chúng thì cố làm, vả lại ngồi không cũng buồn…”. Ở vào cái tuổi ấy mà cụ còn một tay quán xuyến việc nhà, cơm nước và còn phơi phong đến mấy tạ lạc, một việc mà nhiều thanh niên trai tráng cũng cảm thấy vất vả.  
 
Trường hợp của cụ Loan không phải là cá biệt mà cũng là hoàn cảnh chung của nhiều người già ở nông thôn hiện nay. Họ không mấy có được giờ phút thanh nhàn. Ngay từ lúc đầu còn để chỏm đã phải giúp bố mẹ làm việc nhà, việc đồng áng như giữ em, chăn trâu, cắt cỏ, nhổ mạ, đi cấy, nấu ăn… Lớn lên thì phải bươn chải để nuôi sống gia đình, tham gia công tác xã hội, đoàn thể trong cuộc sống khó khăn, giặc giã…Về già, sống cùng con cháu thì cũng không lúc nào ngơi tay, từ việc quét dọn, nấu nướng, trông cháu, đan lát, chăn nuôi… đến khi sức tàn lực kiệt mới thôi. Có những cụ đã 70, 80 tuổi vẫn phải tham gia công việc đồng áng, làm những việc nặng nhọc như đi gặt, cày bừa, “dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi”. Có cụ chết trong khi đang đan lát để kiếm sống.
 
Có thể nói, đối với các cụ, lao động là lẽ sống, là lí do để tồn tại trên cõi đời. Cái ăn, cái mặc của các cụ cũng hết sức đơn giản, tùng tiệm, thậm chí còn chưa đủ no, đủ ấm, nhiều cụ còn không có cả chút tiền để mua đồng quà, tấm bánh. Việc đi du lịch, chơi thể thao… đối với các cụ là chuyện xa vời; ngay cả sách báo các cụ cũng hầu như không được đọc: một số cụ không biết chữ, và đa số là không có thời gian, không có tiền để mua sách báo, không có thói quen đọc. Ngay cả việc xem truyền hình cũng không được thoải mái. Có cụ, tiền điện mỗi tháng chỉ hết vài ngàn đồng, chưa bằng giá trị một bơ gạo.                                  
Chữ Hiếu ngày nay
 
Đáng buồn nhất đối với các cụ là cách đối xử của con cháu đôi khi còn chưa chu đáo, thậm chí có những điều sơ suất, thiếu giữ gìn lời ăn tiếng nói khiến các cụ thêm buồn tủi. Nhiều cụ không được con cháu chăm sóc chu đáo khi đau yếu, tình cảnh thật ngậm ngùi. Tôi đi thăm các cụ đau yếu, thấy nhiều cụ nằm nơi xó nhà, chân cầu thang, nghĩ mà chua xót. Báo Nông nghiệp Việt Nam có bài viết kể chuyện một kẻ người miền núi bắt bà mẹ già nua đi nhặt quả trám để bán lấy tiền, nếu ngày nào không đủ “định mức” là bắt mẹ nhịn đói.
 
Nhiều cụ đã chua chát ví cuộc đời mình như quả chanh, con cháu hè nhau vắt hết nước là lạnh lùng vứt bã! Nhiều kẻ bạc bẽo với cha mẹ khi đau yếu, nhưng lại tổ chức mừng thọ, điếu phúng linh đình, xây mồ mả “hoành tráng” để thu lợi lộc, khoe khoang. Những câu chuyện như thế không còn là cá biệt nữa, như đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ cho sự suy đồi của đạo hiếu ngày nay.
 
Một số cụ tích cóp cả đời lo cho con cháu nhưng rút cục lại lâm vào cảnh “vong gia thất thổ”. Cụ Đức ở Nam Đàn có hai người con trai đều làm ăn khá giả. Hai vợ chồng cụ chắt bóp làm được một ngôi nhà, sau khi cụ ông mất, cụ bà cho hai con thừa kế ngôi nhà đó. Người anh cả hưởng phần thừa kế rồi vào Nam làm ăn sinh sống, cụ Đức sống với người con trai thứ. Sau một thời gian, anh này đã tống khứ mẹ ra khỏi nhà! Cụ Đức đành phải ở nhờ một cái kiốt bỏ không của một người hàng xóm, một mình thui thủi, cặm cụi bên con đường quốc lộ ồn ã, bụi bặm.
 
Người Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo, coi đạo Hiếu là đạo lí cơ bản của con người, là gốc của nhân cách và là nền tảng của đạo đức xã hội. “Không trọn đạo với cha mẹ không đáng làm người” (Mạnh Tử). Trong cuộc sống đã có biết bao tấm gương hiếu thảo làm động lòng cả trời đất, song cũng có nhiều kẻ bất hiếu, vô luân làm lương tri xã hội nhức nhối. Làm gì để giữ gìn, chấn hưng đạo Hiếu và những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc trong xã hội công nghiệp hoá với sự lấn lướt của tâm lí thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và lối sống hưởng thụ đang là mối quan tâm chung của xã hội.
 
Người xưa có câu: “Kính già, già để phúc cho”. Người già là đối tượng cần được xã hội quan tâm chăm sóc, thương yêu. Xã hội và mỗi gia đình, mỗi người cần quan tâm hơn đến người già để những người đã cống hiến, hi sinh cả cuộc đời cho xã hội, cho con cháu được sống thanh thản, hạnh phúc trong buổi hoàng hôn của cuộc đời.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487789

Hôm nay

2203

Hôm qua

2337

Tuần này

22143

Tháng này

215101

Tháng qua

120271

Tất cả

114487789