Văn hóa và đời sống

Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Phát triển con người toàn diện với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo... đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ảnh: Nhật Nam

1. Vấn đề Đức - Tài trong quan điểm Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh không đưa ra một chuẩn mực cụ thể về con người Việt Nam. Tùy từng hoàn cảnh, Hồ Chí Minh nêu quan điểm về điểm này điểm nọ, về người này người nọ. Chẳng hạn, đối với thiếu nhi, Người nêu 5 điều[1]; đối với Công an nhân dân, Người nêu lên 6 điều[2]. Nghĩa là Hồ Chí Minh đề cập vấn đề con người trong nhiều trường hợp khác nhau. Quan điểm chung nhất mà Hồ Chí Minh nêu về tiêu chí con người, đó là con người vừa có đức, vừa có tài. Hay như trong Di chúc, khi nêu quan điểm “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, Hồ Chí Minh dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên””[3].

Đức - Tài; hoặc Hồng - Chuyên, hay Phẩm chất - Năng lực, những cặp đó là những chỉnh thể làm nên “hình hài” của một con người. Trong mối quan hệ Đức - Tài, Hồ Chí Minh nêu rõ rằng, “có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”[4]. Một trong những quan điểm điển hình về điều này của Hồ Chí Minh là Người nêu đức của con người như gốc của cây, như nguồn của sông, như cái căn bản của con người: “Cũng như­­ sông thì có nguồn mới có n­ước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Ngư­­ời cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo đư­­ợc Nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài ngư­­ời là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”[5].

Như vậy, tôi cho rằng, Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài trong một con ngư­­ời, nhưng xét về thứ tự ư­u tiên thì Người vẫn cho đức là cơ bản hơn cả.

Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm rằng: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[6]. Học cách nói của Hồ Chí Minh trên đây, chúng ta có thể nói rằng, muốn có xã hội phát triển công nghiệp 4.0 thì phải có con người 4.0. Điều mà Hồ Chí Minh nói rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, một số người cứ cho rằng nói như thế thì duy ý chí, nhưng thực tế thì Hồ Chí Minh đặt vấn đề như vậy là chính xác, bởi vì con người vừa là sản phẩm tự nhiên đồng thời là chủ thể để xây dựng một chế độ xã hội mới, nó vừa là kết quả khi đứng ở góc độ này mà nhìn, nó vừa là nguyên nhân khi đứng ở góc độ kia mà thấy. Nhưng, dù đứng ở góc độ nào đi chăng nữa, con người vẫn chiếm vị trí trung tâm, là nhân tố quyết định tới việc xây dựng một xã hội mới.

Nhân loại đang sống trong cảnh bất an. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng vẫn còn đó, sẽ xảy ra nhiều hơn và nặng hơn (Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng). Khủng bố quốc tế vẫn hiện hữu. Chiến tranh nổ ra, chỗ này chỗ nọ và đã bùng phát với cuộc chiến Nga - Ucraina, rồi có thể lan rộng và tăng cường mức độ. Đáng lo ngại là các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới đang “động đậy”. Nguy cơ Thế chiến III có lúc ngấp nghé. Trong sự vận động đầy hiểm nguy của thế giới, bao giờ người dân cũng là những người bị thiệt thòi nhất, lĩnh đủ những tai ương. Nghèo thì càng nghèo thêm. Dễ bị tổn thương, giờ lại càng dễ bị tổn thương thêm. Bạo lực, nóng nảy, cố chấp và cực đoan, giờ càng thâm sâu hơn, tăng nặng hơn. Con người đang tiếp tục bị tha hóa.

Thế giới bao giờ cũng có hai mặt. Có âm có dương. Có mặt tốt mặt xấu. Có tối có sáng. Có người tốt thiện lương, có kẻ ác. Triết học cũng khẳng định như vậy, luôn luôn có hai mặt đối lập thống nhất nhau. Hoàn cảnh đó làm cho nhiều người muốn tìm lại và muốn hướng tới những giá trị giải phóng và phát triển. Những nhân vật nổi tiếng tiêu biểu cho các lý thuyết phát triển từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, do đó, được đưa ra nghiên cứu thêm. Hồ Chí Minh chính là một trong những nhân vật đó. Người ta nhìn thấy ở Hồ Chí Minh một khí chất giải phóng, nằm cả ở tư duy/tư tưởng và nằm ở cả hành động. Người ta tìm thấy ở Hồ Chí Minh một chuỗi liên kết tổng thể có hệ thống chặt chẽ của sự phát triển với sự nghiệp ba giải phóng của Người: 1) Giải phóng dân tộc; 2) Giải phóng xã hội (trong đó có giải phóng giai cấp); 3) Giải phóng con người. Giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để mở ra các giải phóng khác. Giải phóng xã hội và giải phóng con người là chặng neo chốt củng cố vững chắc cho giải phóng dân tộc. Và rồi, giải phóng con người chính là cái đích cuối cùng, cao nhất cho mọi học thuyết phát triển, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh (và cũng có thể gọi là “Học thuyết Hồ Chí Minh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh thuận dòng chảy văn hóa phát triển của nhân loại. Trong các tư tưởng/học thuyết giải phóng đó, Hồ Chí Minh hướng mọi véc tơ lực, hướng mọi tâm điểm vào giải phóng con người thoát khỏi mọi sự chế định bất công, làm cho con người có đức dày, tâm lành, trí sáng. Chính vì vậy, trong suốt cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã dấn thân, dành hết tâm lực, trí lực thờ phụng và thực hành sự nghiệp giải phóng con người.

2. Bối cảnh xây dựng con người Việt Nam hiện nay

Bối cảnh hiện nay là bối cảnh của thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kỳ Việt Nam sử dụng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các đại hội toàn quốc hơn 10 năm gần đây của Đảng đã nêu lên những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có xây dựng con người Việt Nam nhằm phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức cách mạng, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, v.v...

Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn của sự phát triển. Bên cạnh những mặt thuận, riêng toàn cầu hóa đặt ra cho nước ta nhiều thách thức và nguy cơ to lớn, như vấn đề sinh thái, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên, vấn đề dân số và sức khỏe cộng đồng, sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội và tội phạm. Tháng 01/1994, Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã chỉ ra bốn thách thức và đồng thời cũng là bốn nguy cơ lớn trong quá trình phát triển. Nhìn về các mối tương tác mà xét thì trong bốn nguy cơ đó, có một nguy cơ thuộc về bên ngoài và có ba nguy cơ thuộc về bên trong. Những thách thức và nguy cơ trên trong những thập niên đầu thế kỷ XXI vẫn tác động mạnh vào nước ta, vào quá trình xây dựng con người Việt Nam. Có một nguy cơ do bên ngoài có thể đưa lại là nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Những thế lực này vốn dĩ từ trước tới nay luôn luôn tìm cách chống lại sự nghiệp cách mạng ở nước ta, nay càng chú tâm lợi dụng những khó khăn, lợi dụng cả những chế định quốc tế, kể cả lợi dụng những yếu kém mà Đảng phạm phải, để đưa ra những biện pháp vừa tinh vi vừa trắng trợn, thâm hiểm để lái đất nước ta sang con đường tư bản chủ nghĩa. Có ba nguy cơ do xuất phát từ bên trong, điều mà Đảng ta đã tiếp nhận, đã tự “cảnh giới” để đưa vào Cương lĩnh năm 1991: “Phải phòng và chống được những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên”[7]. Trong các mối quan hệ đan xen như vậy thì yếu tố bên trong, phía chủ quan có tính chất quyết định. Nếu phía bên trong - tức là bản thân con người Việt Nam yêu nước - mạnh thì phía bên ngoài, sự chống phá của các thế lực thù địch, không thể nào làm chùn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ngược lại, nếu bên trong yếu kém, thì, chẳng hạn, “diễn biến hòa bình” vốn là từ phía các thế lực thù địch gây ra, lại xâm nhập vào hệ thống chính trị và rất dễ biến thành nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thời cơ, thách thức, nguy cơ quyện với nhau, chuyển hóa cho nhau trong một thời kỳ, một giai đoạn, thậm chí trong cùng một thời điểm đã làm cho bức tranh toàn cảnh của một nước Việt Nam đang trên đà phát triển rất phong phú, và do đó cũng đang đặt cho Việt Nam đứng trước một thử thách nghiệt ngã nhất trong những năm tới: hoặc là bứt lên mạnh mẽ, tiến kịp bước tiến chung của các cường quốc, “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[8] đến năm 2045 như đã ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sánh vai với nhiều nước phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới, không bị xếp vào tốp cuối trong bảng tổng sắp sự phát triển trên thế giới; hoặc là không, mãi mãi không bao giờ, nghĩa là vẫn cứ chịu cảnh nằm ở dưới cái lằn ranh, dưới cái chỉ giới vùng trũng của sự tăng tiến của thế giới.

Thời kỳ hiện nay, trong những năm 20 - 30 của thế kỷ XXI, thời cơ, thách thức, nguy cơ có những nội dung tiếp nối giai đoạn trước nhưng có những biểu hiện mới. Đó là nước ta bước vào một môi trường rộng mở hơn như con tàu từ sông đi ra đại dương, mà biểu hiện rõ nét nhất trong “sân chơi” hội nhập quốc tế khi nước ta gia nhập nhiều tổ chức quốc tế trong hoàn cảnh như cái “bình thông nhau” mà trên thế giới hễ có biến động gì là ảnh hưởng ngay lập tức tới Việt Nam. Bây giờ người ta nhìn mối quan hệ là nhìn ở địa chính trị, địa văn hóa, địa kinh tế chứ ít ai nhìn ở chiều dài địa lý. Ở môi trường rộng lớn này, mọi năng lực con người có thể được phát huy mà ở đó cuộc sống sẽ dạy bảo phải làm như thế nào. Với môi trường như thế, nước ta buộc bứt phá theo tốc độ nhanh chứ không thể xấp xửng theo những bước ù lì, nhất là khi đại dịch covid-19 qua đi, khi thế giới khắc phục được sự đứt gãy cung ứng toàn cầu do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả từ xung đột Nga - Ucraina từ đầu năm 2022.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc xây dựng cuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

3.1. Tiếp cận tiêu chí

Trong cuộc sinh tồn và phát triển, con người Việt Nam phải trải nghiệm bằng cạnh tranh nội tại, từ sự kết hợp yếu tố bên trong với bên ngoài, tìm cách biến ngoại lực thành nội lực. Để làm được những công việc vô cùng khó khăn đó, cần những con người có đủ phẩm chất và năng lực, chứ tuyệt nhiên không cần những con người ngồi cầu Trời khấn Phật kiểu như khi gặp khó thì ngồi khóc lóc kêu ca thế là Bụt hiện lên giúp cho. Không! Không có những chuyện đó như trong truyện cổ tích. Người Việt Nam phải là những người bằng bàn tay khối óc của chính mình làm nên sự nghiệp lớn, đưa dân tộc tiến vào xã hội đã được xác định: xã hội xã hội cộng sản, nơi mà ở đó con người được phát triển toàn diện, sống trong vương quốc tất yếu của tự do, theo như C.Mác và Ph.Ăngghen đã công bố trong bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[9].

Về việc vận dụng xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều tác giả đã đưa ra nhiều tiêu chí[10]. Đại hội XII của Đảng nêu nhiệm vụ trọng tâm xây dựng con người Việt Nam là trên 5 mặt: 1) Đạo đức; 2) Nhân cách; 3) Lối sống; 4) Trí tuệ; 5) Năng lực làm việc. Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người”[11]. Tôi cho rằng, từ tiếp cận này, xin gộp vào hai nhóm mà mỗi nhóm tập hợp các nội dung gần nhau: Nhóm 1: Đạo đức, nhân cách, lối sống; Nhóm 2: Trí tuệ, năng lực.

3.2. Nhóm I

3.2.1. Phải có lòng nhân ái (hoặc tính nhân văn, nhân đạo), tức là thái độ và hành động yêu thương quý trọng con người, trước hết từ những người thân thuộc, sau nữa mở rộng ra con người quốc gia, quốc tế và đặc biệt là con người lao động, con người bị áp bức, con người dễ bị tổn thương trong xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi vì con người hiện nay vẫn còn cảnh giết nhau, tuy đã đoạn tuyệt thế kỷ phi thực dân hóa.

3.2.2. Có lòng yêu nước (cũng có thể đây là yếu tố “trung với nước” theo quan điểm của Hồ Chí Minh). Yêu nước ở đây, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu: phải có “lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội”[12]. Với tình hình hiện nay còn đòi hỏi cao hơn là yêu nước đi liền với yêu chủ nghĩa xã hội, đúng như Hồ Chí Minh nói tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II, ngày 7-5-1958: “Yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội”[13].

3.2.3. Có đạo đức cách mạng, đặc biệt là có ý thức và hành động cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Những yếu tố về đạo đức cách mạng là lấy theo nội dung cơ bản mà Hồ Chí Minh nêu lên (gồm: 1/Nhân văn; 2/Trung với nước hiếu với dân; 3/Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; 4/Có tinh thần quốc tế trong sáng). Người nói, viết và kêu gọi mọi người cũng như tự mình "xắn tay áo làm”[14] để thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư nhiều nhất chính là Hồ Chí Minh, chứ không phải mắc vào 4 căn bệnh hiện nay: nói thì nhiều nhưng làm thì ít; nói thì hay nhưng làm thì dở; nói mà không làm; nói một đằng làm một nẻo.

Con người Việt Nam hiện nay cần theo kiểu của Hồ Chí Minh, như chính Người nói từ đầu năm 1946: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như­­ một ngư­­ời lính vâng lệnh của quốc dân ra trư­ớc mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho n­ước ta đư­­ợc hoàn toàn độc lập, dân ta đư­ợc hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”[15].

3.2.4. Con người phát triển toàn diện chân - thiện - mỹ, lên án cái xấu, ủng hộ cái tốt; có lối sống giản dị, lành mạnh, thượng tôn pháp luật. Đã là con người cách mạng là phải yêu cái đẹp, ghét cái xấu; phải luôn luôn suy nghĩ và hành động vì những điều đó. Tháng 5/1948, Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Frèré D’armes, trong đó đề cập Thiện - Ác:

“- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

- Trả lời: Điều ác.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

- Trả lời: Điều thiện”[16].

Con người Việt Nam hiện nay càng phải theo như thế.

3.3. Nhóm II

3.3.1. Xây dựng con người có đủ sức khỏe. Cần nhắc tới Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 về sức khỏe con người: “sức khỏe là một trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn cả về thể chất, tinh thần”[17]. Bảo đảm sức khỏe như vậy không chỉ trách nhiệm thuộc về ngành y tế nước nhà mà còn của cả hệ thống chính trị, của từng gia đình và nhất là của từng cá nhân. Hồ Chí Minh nêu trách nhiệm người thầy thuốc là “lương y phải như từ mẫu” và Người đã có quan điểm: mỗi một người khỏe mạnh là cả dân tộc khỏe mạnh, do đó kêu gọi toàn dân tập thể dục hằng ngày và Người nói: tự tôi ngày nào cũng tập.

3.3.2. Con người có chuyên môn giỏi; được đào tạo một cách đầy đủ trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiếp cận sự tiến bộ giáo dục quốc tế, đồng thời phải tự giáo dục, tự đào tạo (tự học suốt đời). Con người trưởng thành phải có những tri thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết, phù hợp với từng đối tượng, vừa coi trọng nền tảng cơ bản, vừa coi trọng chuyên sâu. Xét cho đến cùng, những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của con người Việt Nam nói chung đều là do những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mà ra. Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục con người đọng trong bài Nửa đêm của tập thơ Nhật ký trong tù [18]:

Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên.[19]

Hoặc về mục tiêu giáo dục, Hồ Chí Minh đã nêu trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945: “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”[20]. Tôi cho rằng, đã từ lâu, người Việt Nam, đặc biệt là nhiều giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đã quên mục tiêu này mà chạy theo nhồi nhét tri thức. Việc học để đào tạo con người lãnh đạo thì phải theo quan điểm Hồ Chí Minh như trong những dòng Người ghi vào Sổ của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tháng 9/1949: “Học để làm việc,/làm người,/làm cán bộ./Học để phụng sự Đoàn thể,/phụng sự giai cấp và Nhân dân,/phụng sự Tổ quốc và nhân loại”[21]. Khoảng mãi 50 năm sau, UNESCO mới ghi trong Báo cáo Delors về tầm nhìn giáo dục thế kỷ XXI: Learning to know (Học để biết)/Learning to work (Học để làm việc)/Learning to live together (Học để chung sống với nhau)/Learning to be (Học để làm người). Giáo dục ở đây liên quan đến toàn bộ hệ thống và nhất là tự học tập. Sự tự giác của con người vẫn là điều cơ bản nhất, giá trị bền vững nhất. Hồ Chí Minh chính là gương sáng nhất về tự học. Giáo dục, do đó, liên quan trực tiếp xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam đang xây dựng hệ tiêu chí văn hóa, con người Việt Nam. Đích là nhằm tới xây dựng một đất nước theo khát vọng, mong muốn của Hồ Chí Minh: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới. Muốn thế, phải xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam đủ đức - tài để hành động đạt những tiêu chí đó. Không có con người như vậy thì không thể xây dựng đất nước như thế.

 

(Bài đã đăng trên VHTT Nghệ An số 9 tháng 5/2023)

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích:

[1]  Đó là: 1/Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; 2/Học tập tốt, lao động tốt; 3/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; 4/Giữ gìn vệ sinh thật tốt; 5/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Nhiều người có thắc mắc về 5 điều Hồ Chí Minh dạy trên đây, cho rằng, trong 5 điều đó, tại sao lại không có điều phải yêu kính cha mẹ? Tùy từng hoàn cảnh mà Hồ Chí Minh đề cập các nội dung cụ thể. Hơn nữa, tôi thấy rằng, trong điều “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” thì đã bao hàm yêu cha mẹ rồi. Sau này, tôi không rõ tổ chức Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam “tỉa” từng vấn đề ở đâu để nêu ra “Năm điều Bác Hồ dạy”. Trước đó, năm 1946, sau khi đi Pháp về, Hồ Chí Minh gửi thư cho các cháu thiếu nhi, trong đó nêu: 1/Phải siêng học; 2/Phải giữ sạch sẽ; 3/Phải giữ kỷ luật; 4/Phải làm theo đời sống mới; 5/Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em (Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.4, tr.472).

[2] Trong Thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII, ngày 11/3/1948, Hồ Chí Minh viêt: 1/Đối với tự mình phải: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; 2/Đối với đồng sự phải: Thân ái giúp đỡ; 3/Đối với Chính phủ phải: Tuyệt đối trung thành; 4/Đối với Nhân dân phải: Kính trọng lễ phép; 5/Đối với công việc phải: Tận tụy; 6/Đối với địch phải: Cương quyết, khôn khéo.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.612.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, t.11, 2011, tr.399.

[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, t.5, 2011, tr.292 - 293.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.13, 2011, tr.66.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.6.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.112.

[9] Karl Marx, Fridrich Engels: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Song ngữ Anh - Việt), Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1918, tr.129. Tiếng Anh: “In place of the old bourgeois society, with its classes and class antagonisms, we shall have an assoociation, in which the free development of each is the condition for the free development of all”.

[10] Xem thêm tổng thuật Hội thảo khoa học chủ đề “Định hướng xây dựng hệ giá trị con người - giá trị văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tháng 2/2015 tại Hà Nội; các tham luận tại Hội thảo ngày 20/3/2014 tại Hà Nội về “Giáo dục trong phát triển văn hóa và xây dựng con người trong tình hình mới” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức; kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Đổi mới tư duy giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Tp.Nha Trang ngày 14/5/2012; một loạt các tác phẩm của các chuyên gia về văn hóa - con người như: Nguyễn Trần Bạt, Hồ Sĩ Quý, Phạm Minh Hạc, Phạm Duy Đức, Trần Ngọc Thêm, v.v…

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.143.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.143.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.401.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.77.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, 2011, tr.187.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội in lại năm 2011, t.5, trang 522.

[17] https://medinet.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tuyen-ngon-alma-ata-ve-cham-soc-suc-khoe-ban-dau-van-con-nguyen-gia-tri-sau-40-c1780-9748.aspx. Alma-Ata là thành phố lớn nhất của Kazakhstan, nơi đã diễn ra Hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu với sự tham dự của 134 nước, trong đó có Việt Nam, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức từ ngày 6 đến ngày 12/09/1978. Tại Hội nghị, tất cả các đại biểu các nước đã thống nhất với bản Tuyên ngôn Alma - Ata gồm 10 nội dung về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, và kêu gọi chính phủ tất cả các nước, nhân viên y tế và cộng đồng trên toàn thế giới cùng bảo vệ và thúc đẩy sức khỏe cho mọi người.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.413.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.413.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.34.

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.208.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443263

Hôm nay

2154

Hôm qua

2305

Tuần này

21076

Tháng này

218437

Tháng qua

112676

Tất cả

114443263