Những góc nhìn Văn hoá

Văn khắc Hán Nôm và quá trình phát triển văn hóa văn học Thăng Long

Hà Nội trước khi mở rộng có khoảng 6 nghìn đơn vị văn khắc Hán Nôm.Đây là những bài minh văn khắc trên bia đá, chuông đồng, số hoành phi, câu đối không nằm trong nguồn tư liệu này.

Các thác bản văn khắc của Hà Nội được in rập, sưu tầm về qua hai đợt sưu tập cách nhau ngót một thế kỷ. Đợt sưu tập lần thứ nhất do Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp tiến hành đầu thế kỷ XX, đợt sưu tập lần thứ hai do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành trong các năm 2004, 2005, 2006, 2007. Giá trị của nguồn tư liệu này rất lớn, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội của Thăng Long xưa. Chúng tôi xin điểm qua một số nét chính sau đây.

1. Cung cấp thông tin về địa danh hành chính

Giá trị dễ nhận thấy trong tư liệu văn khắc Hán Nôm là cung cấp thông tin về những thay đổi địa danh hành chính. Đáng tiếc là văn khắc Hán Nôm của Hà Nội còn lại nhiều nhất chỉ tập trung trong ba thế kỷ XVII, XVIII, XIX và nửa đầu thế kỷ XX nên những địa danh hành chính được phản ánh nhiều nhất cũng chỉ có trong khoảng thời gian đó. Nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng thực sự quý để chúng ta nghiên cứu địa danh và các vấn đề xã hội khác của Hà Nội. Bởi các bộ sách địa chí ghi chép về Hà Nội hiện còn chỉ là nguồn tài liệu thời Nguyễn nhưng cũng là Nguyễn muộn. Chỉ một dòng địa danh được ghi trong minh văn chuông Nhật Tảo thế kỷ X “Giao Chỉ huyện Hạ Từ Liêm thôn” đã góp phần xác nhận quả chuông đó đích thực là của người Việt ở vùng Hà Nội ngày nay. Cũng qua bài minh văn này lần đầu tiên chúng ta được biết đến địa danh Hạ Từ Liêm thôn, chúng ta mới chỉ biết đến tên huyện Từ Liêm, thôn Từ Liêm còn địa danh thôn Hạ Từ Liêm thì chỉ xuất hiện trong bài minh văn cách chúng ta hơn 10 thế kỷ và ngày nay không còn địa danh này. Tên huyện Giao Chỉ vốn là vùng đất huyện Long Biên thời Hán [1] được đặt từ năm 590 (đời Tùy Khai Hoàng năm thứ 10) nhưng đến năm 948 là năm có bài minh văn trên chuông, tức sau gần 400 năm thì tên huyện Giao Chỉ vẫn giữ nguyên.
Hoặc trên minh văn chùa Nga My được khắc năm Hồng Đức 28(1497) đã ghi lại địa danh hành chính của huyện Thanh Trì ngày nay là huyện Thanh Đàm và xã Hoàng Mai thuộc huyện ấy “Thanh Đàm huyện Hoàng Mai xã Nga My tự...” Ngày nay tên xã Hoàng Mai trước kia đã đổi thành tên quận, chùa Nga My vẫn giữ nguyên tên cũ nhưng đã thuộc phường Hoàng Văn Thụ quận Hoàng Mai. Đây là tư liệu niên đại Lê sơ duy nhất còn lại của Hà Nội ghi lại địa danh huyện Thanh Đàm. Cũng như vậy,chúng ta sẽ biết các địa danh hành chính từ cấp phủ, quận, huyện đến tổng, xã, phường, trại, sở, giáp...thông qua các bài minh văn. Chẳng hạn, phường Nhật Tân ngày nay xưa kia được gọi là phường Nhật Chiêu thuộc huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên. Chúng tôi chưa xác định thời gian chính xác phường Nhật Chiêu có từ bao giờ, nhưng trên văn bia niên đại Hoằng Định 13(1612), tên địa danh hành chính Nhật Chiêu phường thuộc địa phận huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên đã được khẳng định. Địa danh này được giữ nguyên từ phường, huyện, phủ và kéo dài từ năm Hoằng Định 13(1612) đến năm Quang Trung 4(1871), tức là hơn 250 năm. Đến năm Gia Long 16(1817) tên phường vẫn giữ là Nhật Chiêu nhưng tên huyện và phủ đã thay đổi. Không còn huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên nữa mà thay vào đó là huyện Vĩnh Thuận phủ Hoài Đức, địa danh này được phản ánh trên bia cho tới năm Đồng Khánh 3(1888). Đến năm Thành Thái 3 (1892), thay vì đơn vị hành chính là phường thì đã đổi thành xã và xã Nhật Tân đã thay thế cho tên gọi phường Nhật Chiêu trước đây, xã Nhật Tân thuộc tổng Thượng huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông. Lúc này có thêm đơn vị tổng, tên phường, huyện đã thay đổi.Xã Nhật Tân lại thuộc huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông.Một năm sau đó, Thành Thái 4(1892) lại có tên là phường Nhật Tân thuộc tổng Thượng huyện Vĩnh Thuận phủ Hoài Đức. Năm Thành Thái 8 (1897) và Thành Thái 13(1902) lại chuyển thành xã Nhật Tân tổng Thượng huyện Hoàn Long thuộc Hà Thành. Năm Duy Tân Mậu Thân (1908) lại gọi là phường Nhật Tân tổng Thượng huyện Hoàn Long. Năm Khải Định 3(1918) ngoài tên phường Nhật Tân tổng Thượng huyện Hoàn Long thì địa danh hành chính cấp tỉnh lại có sự thay đổi, thay vì thuộc Hà Thành, nó lại thuộc tỉnh Hà Đông. Địa danh phường Nhật Tân tổng Thượng huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông được ghi lại đến năm Khải Định 8 (1923). Năm Khải Định 10(1925) vẫn là phường Nhật Tân tổng Thượng huyện Hoàn Long nhưng lại thuộc Hà Thành. Năm Bảo Đại 2(1927) đến năm Bảo Đại 8 phường Nhật Tân vẫn thuộc tổng Thượng huyện Hoàn Long nhưng đơn vị cấp tỉnh lại là tỉnh Hà Đông.
Như vậy, tên các đơn vị hành chính từ phường xã đến huyện tỉnh đã thay đổi khá nhiều, đặc biệt dưới triều Nguyễn . Sự tách ra nhập vào đó có lẽ chỉ văn bia mới phản ánh kịp thời, bởi lẽ bia đá hoặc chuông đồng được dựng lên trong các thời điểm khác nhau nên đã phản ánh trung thực những biến đổi của xã hội đương thời. Đó là những trang sử được viết trên đá ở các thôn, trại, phường xã... Đây là những cứ liệu xác thực nhất giúp các nhà khoa học có thể đối chiếu so sánh với các tài liệu viết tay để kiểm chứng. Căn cứ vào tên gọi các phủ huyện xã phường... chúng ta có thể xác định niên đại tương đối cho văn bản.
Những tên gọi khác tuy không phải là địa danh hành chính như đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao, chùa Đại Bi, chùa Thanh Nhàn, chùa Càn An...được ghi lại trong văn bia đã giúp cho chúng ta có thể định vị được vị trí cũ của những di tích ấy. Cách đây vài năm, Hà Nội từng xôn xao vì phát hiện ra nền móng của đàn Xã Tắc và người ta cũng bán tín bán nghi không biết di chỉ đó liệu có đúng là nền móng thật của đàn Xã Tắc hay không? Các nhà chuyên môn đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này nhưng chưa tìm thấy những cứ liệu thuyết phục vì không có tư liệu nào ghi rõ ràng. Tuy nhiên, trong quá trình khảo cứu tư liệu văn khắc Hán Nôm của Hà Nội, chúng tôi thấy có hai văn bia nhắc đến địa điểm của đàn Xã Tắc.
Bia Cao Sơn Tây Hưng miếu tạo năm Chính Hòa triều Lê (1680-1705) đặt tại đình Đông Các phường Ô Chợ Dừa đã mô tả về vị trí của ngôi đình trong sự tham chiếu với các điểm di tích xung quanh “Đình này vị trí tại huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên, nền đắp trên giáp Đông Các phường Thịnh Quang, vừa hưởng được dư khí của kinh đô Thăng Long vừa trấn giữ trường thành Đại La. Bên tả, về phiá đông dòng nước uốn quanh, đình này đứng song song với đàn Xã Tắc. Bên hữu, về phiá tây dãy núi bao bọc, đình này cao xấp xỉ chùa Thanh Nhàn”.
Bia thứ hai cũng đặt tại đình Đông Các có tên là Nghĩa Phê tạo đình bi ký, bia tạo dựng năm Chính Hòa 13(1692) cũng cho biết “ Nguyên xưa ngôi đình này nền đức rộng rãi, thềm phúc sang ngời. Bên phải đối diện chùa Thanh Nhàn, bên trái là đàn Xã Tắc đứng sừng sững...” Như vậy, qua sự mô tả về vị trí của đình Đông Các với hai điểm di tích gần đó là chùa Thanh Nhàn và đàn Xã Tắc chúng ta có thể xác định được đàn Xã Tắc nằm ở địa điểm rất gần với đình Đông Các và chùa Thanh Nhàn. Hiện chùa Thanh Nhàn vẫn còn, đình Đông Các tuy bị phá hủy và thu hẹp lại trong thời kỳ Pháp thống trị nhưng nay vẫn ở trên nền cũ, do đó để tìm lại vị trí xác thực của đàn Xã Tắc chúng ta có thể dựa trên sự mách bảo của những thông tin này. Theo chúng tôi biết, hai văn bia trên là cứ liệu duy nhất của thế kỷ XVII còn lại đã cho chúng ta biết đến cuối thế kỷ XVII đàn Xã Tắc vẫn còn rất bề thế và là một trong những điểm nhấn của kinh thành Thăng Long.
2. Phản ánh tính chân xác của sự kiện, sự việc
Văn khắc nói chung, văn khắc Hán Nôm nói riêng có một giá trị mà không loại hình tư liệu nào có thể có được. Đó là tính chân xác của sự kiện, sự việc nêu trong văn bản. Trên chất liệu cứng như đá và đồng người ta không dễ dàng có thể tẩy xóa, viết thêm thông tin. Khi định hình văn bản văn khắc phải tuân thủ các bước nghiêm ngặt. Đó là phải có người soạn văn, chọn người chữ đẹp để viết lấy mẫu và cuối cùng là mời thợ khắc theo mẫu chữ đã viết để khắc lên đá, lên đồng. Do có đặc điểm như vậy nên loại hình văn khắc Hán Nôm luôn được coi là những tư liệu quý, đáng tin cậy và không thể ngụy tạo. Đó là sản phẩm có tính bền vững rất cao, chịu được sự thử thách của thời gian. Trong khi các loại thư tịch trên giấy có thể bị cháy hoặc ẩm mục thì minh văn trên đá, trên đồng đã có thể “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Thăng Long - Hà Nội là vùng địa linh nhân kiệt, Thăng Long là nơi định đô của quốc gia Đại Việt trong suốt bảy thế kỷ, bắt đầu khi Lý Công Uẩn dời đô từ Trường Yên, Hoa Lư ra thành Đại La năm 1010 và tên gọi Thăng Long bắt đầu xuất hiện từ đó. Từ khi nhà Nguyễn nắm quyền điều hành đất nước, Thăng Long không còn là kinh đô nữa mà đã chuyển sang là một đơn vị tỉnh thành. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với một vị trí địa lý lịch sử đặc biệt như vậy, những di sản văn hóa thành văn nói chung, tư liệu văn khắc Hán Nôm nói riêng của Hà Nội đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, về văn hóa tín ngưỡng, về hoạt động chung của cộng đồng. Đó là những giá trị đặc sắc của Thăng Long Hà Nội trong cả thiên niên kỷ.
Thăng Long đã có lịch sử ngàn năm tuổi với những di tích gợi nhớ về một thời dựng đô kiến quốc như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, tháp Báo Thiên... nhưng Thăng Long cũng từng là chiến địa trong các cuộc chiến tranh do ngoại xâm hoặc nội chiến trong cả chặng đường phát triển đi lên của mình. Do đó Thăng Long đã bị tàn phá rất nhiều, những di sản văn hóa của cha ông để lại đã bị cướp phá, hủy diệt. Một trong những ảnh hưởng nặng nề nhất là sau 20 năm giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, tất cả thư tịch cổ, hiện vật quý hiếm trong đó có bia đá chuông đồng đã bị chúng đập phá, tiêu hủy và cướp mang về nước. Vì thế những bia, chuông và thư tịch còn lại đến ngày nay của Hà Nội đều chỉ có niên đại chủ yếu từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Quả chuông Nhật Tảo với bài minh văn niên hiệu Càn Hòa nhà Nam Hán là một sản phẩm văn hóa hiếm hoi của Hà Nội trước thời kỳ độc lập tự chủ còn sót lại. Ngoại trừ minh văn trên chuông Nhật Tảo có niên đại hơn 1000 năm, số minh văn còn lại có niên đại từ thế kỷ XV trở về sau [2]. Trong cả hai đợt sưu tầm cách nhau một thế kỷ, Hà Nội không có văn khắc Hán Nôm thời Lý – Trần, chỉ có bắt đầu từ thời Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn đến triều Nguyễn. Điều này đã chứng minh phần nào sự khốc liệt của chiến tranh ngoại xâm đầu thế kỷ XV, vì thế những hiện vật thư tịch trước thế kỷ XV của Hà Nội gần như bị xóa sạch. Nhưng trong đợt sưu tầm lần thứ hai, tại huyện Gia Lâm có một văn bia ghi niên đại là Trần triều Quý Hợi lục nguyệt thập nhất nhật song đọc trên văn bản thì chúng tôi có thể khẳng định đây là văn bản của triều Lê. Bởi lẽ dòng địa danh thôn Kim Âu xã Lê Xá huyện Gia Lâm phủ Thuận An ghi trong văn bia không phải là địa danh hành chính thời Trần. Thời Trần, huyện Gia Lâm thuộc lộ Bắc Giang, lúc đó chưa có phủ Thuận An. Phủ Thuận An là một trong 4 phủ thuộc xứ Kinh Bắc thời Lê. Tên gọi này xuất hiện sau khi Vua Lê Thánh Tông cho định sửa lại bản đồ, lập ra 12 Thừa tuyên. Văn bia chúng tôi đang đề cập tuy không phải là minh văn thời Trần, nhưng đã khắc ghi lại nội dung của văn bia Trần và rất có thể phiến đá khắc bia vẫn là đá cũ nhưng do chữ bị mờ nên được khắc lại và vẫn giữ nguyên niên đại cũ. Nội dung văn bia đề cập đến một sự việc xảy ra vào ngày 11 tháng 6 năm Quý Hợi triều Trần (có đến 3 năm Quý Hợi thuộc triều Trần, đó là năm 1263,1323 và 1383, không rõ sự việc được nêu trong văn bia xảy ra vào năm Quý Hợi nào?). Đó là trận lụt lớn mà văn bia miêu tả là “hồng thủy” phá vỡ đê tràn vào địa phận xứ Cừ Tâm thôn Kim Âu. Cũng thời gian đó trong thôn có có cây gạo nở rất nhiều hoa, được coi là điềm lành và trong làng xuất hiện một linh vât giống như hình rồng cuộn được đặt tên là Linh Lang Vũ nổi lên trên mặt nước để trấn giữ. Dân làng đã lập miếu, ngày đêm thờ phụng để ghi nhớ công ơn che chở cho dân vượt qua thiên tai. Loại bỏ những yếu tố dị đoan, qua văn bia này cho chúng ta biết vào năm Quý Hợi triều Trần đã có một trận lụt rất lớn, tràn vào phá vỡ làng xóm của thôn Kim Âu. Để chống trả với sự tàn khốc của thiên nhiên lúc bấy giờ, con người cũng chỉ biết trông chờ vào sự may rủi ngẫu nhiên của tự nhiên. Hình ảnh một linh vật giống hình rồng nổi lên trên mặt nước để che chắn cho dân làng trước lũ lụt thật sự rất huyền ảo, nhưng có lẽ cũng phản ánh phần nào sự thật mà chúng ta chưa có điều kiện để bóc tách hiểu rõ. Đây là văn bia có nội dung phản ánh sự việc xảy ra vào thời Trần vì thế cũng là văn bia sớm của Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất của Hà Nội nhưng văn bia còn lại sớm nhất là bia Trấn Quốc tự bi ký soạn năm Dương Hòa 5(1639). Văn bia cho biết “chùa được xếp vào hàng thứ tư của nước Nam. Chùa xưa lập ở ngoài bãi giáp ven sông, người trong phường sùng mộ đạo Phật, say mến cảnh thiền. Khoảng năm Hoằng Định 16(1615) chùa được dời về phía trong đê, chiếm gò đất Kim Ngư nơi có phong cảnh đẹp. Niên hiệu Vĩnh Tộ 6(1624) quan trên cho phép phía ngoài chân đê được thành lập xóm làng, làm nhà ở, trồng trọt. Xung quanh làng thì đào hào, bên trong đắp những con đường nhỏ đi lại. Bản phường noi theo người thiện thưở xưa nên cũng là một làng có phong tục thuần hậu. Nay đắp cao nền chùa cũ, mở rộng quy mô, trước tiên xây dựng các tòa thượng điện, thiêu hương, tiền đường và cửa hậu...” Văn bia này do một vị Trạng nguyên đỗ khoa Đinh Sửu (1637) là Nguyễn Xuân Chính soạn. Qua văn bia chúng ta biết được ngôi chùa xưa ở gần bãi sông Hồng, đến đầu thế kỷ XVII mới chuyển về vị trí hiện nay và đã trải qua nhiều lần tu bổ. Chùa Trấn Quốc tương truyền là được xây dựng từ thế kỷ thứ VI dưới thời Lý Nam Đế nhưng nội dung văn bia cổ nhất của chùa không nhắc lại sự kiện này, chỉ nói chùa được xếp vào hàng thứ tư của nước Nam.
Những di tích được tạo dựng từ Vương triều Lý như chùa Một Cột, chùa Lý Quốc Sư, chùa Chiêu Thiền, đền thờ Hai Bà Trưng tuy hiện nay vẫn còn nhưng đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, xây dựng lại. Những văn bản còn lưu lại trong các di tích này cũng là những văn bản ra đời muộn nhưng vẫn còn kịp thời chuyển tải được những thông tin liên quan cho hậu thế.
Văn bia Trùng tu Tiên Thị từ ký ở chùa Lý Quốc Sư do Tiến sĩ khoa Kỷ Dậu là Nguyễn Cúc Linh soạn năm Tự Đức 8(1855) đã cho biết “ Đền chợ Tiên ở huyện Thọ Xương là đền thờ tượng Minh Không Quốc Sư. Đền xây dựng từ thời Lý. Tương truyền Quốc Sư có công chữa khỏi bệnh cho vua triều Lý nên được lập đền thờ”.
Bia Trưng Vương sự tích bi ký đặt tại đền Hai Bà Trưng do Tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm Minh Mệnh 21(1840) đã ca ngợi Hai Bà như sau:
“ Nước Đại Nam ta, từ đời Hồng Bàng đến đời Lê trong khoảng trên dưới mấy ngàn năm, lần lượt có những vị anh hùng xuất hiện giành giữ bờ cõi, còn dựng thành chính thống là bốn họ Đinh, Lý, Trần, Lê. Than ôi, đấng trượng phu đúng phải như thế. Còn trong nữ giới xứng đáng là trượng phu thì chỉ có Hai Bà Trưng”. Văn bia cũng cho biết ngôi đền thờ Hai Bà từ xưa đã được dựng ở gần bờ sông xã Đồng Nhân huyện Thanh Trì. Do gần đây bãi sông lở nên đã chuyển đến địa điểm mới ở xứ Vũ Miếu cũ thôn Hương Viên thuộc bản huyện. Sự di chuyển này đã được tâu lên triều đình và được chấp thuận cấp đất lập đền thờ phụng Hai Bà. Theo sử sách, đền Hai Bà Trưng được xây dựng dưới thời Lý Anh Tông, còn theo nội dung văn bia cho ta biết thêm ngôi đền cũ đã không còn, thay vào đó là ngôi đền mới được xây dựng vào đầu triều Nguyễn trên một vị trí mới sát kinh thành Thăng Long hơn. Như vậy tư liệu văn bia đã nối dài thêm cho lịch sử ngôi đền và nó thực sự có ý nghĩa khi chúng ta nghiên cứu những vấn đề cụ thể. Ví như văn bia Yên Thái phường Tây thôn trùng tu đình vũ bi ký do Phạm Quý Thích soạn năm Minh Mệnh 2(1821) cho biết đình Yên Thái bắt đầu thờ một vị thần từ thời Lý Nhân Tông. Tác giả không cho biết cụ thể tên vị thần đó là ai, nhưng trong nội dung văn bia có phản ánh con cháu dòng họ Vũ ở thôn Tây phường Yên Thái huyện Vĩnh Thuận đều nhận là dòng dõi của Thần, do đó có thể biết đây là một vị nhân thần. Nếu tiếp cận thêm một số minh văn tại đình Yên Thái, chắc chắn chúng ta sẽ biết đích xác tên vị Thần này. Hoặc tại đình thôn Trích Sài ven hồ Tây có bia Thần từ phụng sự điền bi được tạo dựng vào năm VĨnh Tộ 5(1623) đã ghi việc nhân dân phường Trích Sài huyện Quảng Đức lập bia ghi lại số ruộng thờ vị Thần trong đình là Mục Thận – người đã có công cứu vua Lý Anh Tông thoát họa Lê Văn Thịnh trên hồ Tây. Số ruộng để thờ cúng Thần gồm 13 mẫu 6 sào bị người ta xâm chiếm canh tác đã được Chúa Trịnh can thiệp trả lại cho bản phường. Như vậy hai văn bia này đã cung cấp thông tin về ngôi đình, về người được thờ trong đình, những người này đều có quan hệ đến triều Lý, về số ruộng đất liên quan và tư liệu này thật quý để làm bằng cứ đối chứng với các nguồn tư liệu khác.
Một di tích khác liên quan đến Hoàng đế Lê Thánh Tông, vị vua được xếp vào loại anh minh nhất của quốc gia Đại Việt, đó là chùa Huy Văn. Tại đây không còn bia cổ nhưng với các bia có niên đại muộn cũng cho chúng ta biết lịch sử ngôi chùa và những điều về Lê Thánh Tông. Theo bia Trùng tu Huy Văn điện bi ký dựng năm Quý Mùi Minh Mệnh 3(1823) thì sở dĩ chùa Huy Văn lại gọi là điện Huy Văn vì “Khi lên ngôi báu, Ngài đã tôn phong mẹ là Ngô thị làm Quang Thục Hoàng Thái hậu rồi đổi chùa làm điện.Đó là lý do tại sao người ta gọi là điện Huy Văn. Trong chùa có chân dung Thái hậu và một quả chuông lớn. Việc thờ cúng được chăm sóc quanh năm. Về sau bỗng gặp tai ách, chân dung và quả chuông đều mất cả”. Sau đó nhà sư trụ trì đã hô hào thập phương góp đồng, thuê thợ đúc một quả chuông mới vào năm Mậu Ngọ (1798), đến năm Kỷ Mùi (1799) lại đúc tượng Thánh mẫu, phục hồi di tích cũ. Một văn bia khác cũng tại chùa này, viết năm Tự Đức 17(1864) là Trùng tu Huy Văn điện Dục Khánh tự bi ký cho biết rõ hơn “Chân dung vua Thuần hoàng trước kia thờ ở chùa Khán Sơn, được dựng vào niên hiệu Dương Đức (1672-1675) để đánh dấu chỗ luyện tập xưa ở Ngọc Hà. Đến cuộc đổi thay thời Tây Sơn mới dời về đây...” Như vậy qua hai văn bia cách nhau 40 năm ở chùa Huy Văn đã cho biết trước đây chỉ có chân dung Hoàng Thái hậu được thờ ở ngôi chùa này, đến thời Tây Sơn do những biến cố thời cuộc mới rước chân dung vua Lê Thánh Tông về thờ cùng với mẹ ở chùa Huy Văn. Những chi tiết như thế chỉ có thể tìm thấy trong văn bia mà thôi. Do đó khi nghiên cứu về sự nghiệp của Lê Thánh Tông và các vấn đề liên quan đến triều đình Lê sơ không thể không tiếp cận nguồn tư liệu văn khắc hiện còn tại chùa Huy Văn cũng như một số ngôi chùa khác của Hà Nội như chùa Ngọc Hồ được truyền tụng là nơi xảy ra câu chuyện vua Lê Thánh Tông gặp tiên nữ và có xướng họa thơ cùng nhau…
3. Phản ánh quá trình xây dựng, trùng tu các di tích, danh thắng
Không đâu trên đất nước này có nhiều loại di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa như ở Hà Nội. Đền Cổ Loa là một di tích lâu đời nhất, có ý nghĩa quốc gia, ngôi đền này gắn với nhà nước Âu Lạc, với An Dương Vương, chuyện nỏ thần và câu chuyện tình bi thảm của Mỵ Châu – Trọng Thủy. Những tư liệu còn lại đã phần nào cho chúng ta thấy công tích của tiền nhân. Văn bia viết năm Vĩnh Thịnh 6(1710) tại đền Cổ Loa đã ghi về vị trí của ngôi đền này như sau: “Trong loại đền thờ Tứ Tiên ở nước Đại Việt ta thì đền Cổ Loa là thứ nhất...” Bên cạnh đền Cổ Loa thờ An Dương Vương, Hà Nội còn có đền Sóc thờ Thánh Gióng, đền Tản Viên thờ đức Thánh Tản Viên... những ngôi đền đó đều có lịch sử rất lâu đời. Những di tích như thế là nơi văn khắc Hán Nôm được tạo dựng và lưu giữ.
Những di tích nổi tiếng của Thăng Long xưa như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Thiên Niên, quán Trấn Vũ, điện Nam Giao, chùa điện Huy Văn, chùa Tiên Thị, chùa Chiêu Thiền, chùa Càn An, chùa Hàm Long, chùa Quán Sứ, chùa Liên Phái, xa hơn một chút là chùa Thánh Đức (chùa Hà) ở phía tây,chùa Linh Tiên (chùa Bằng ) ở phía nam hoặc xa hơn nữa là các chùa ở huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn... đều có văn khắc ghi lại quá trình xây dựng, tu sửa do nhân dân địa phương và thập phương công đức. Ba huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn thuộc xứ Kinh Bắc trước đây, khi nhập về Hà Nội đã góp cho văn hóa Hà Nội thêm đặc sắc. Huyện Thanh Trì ở phía nam vốn thuộc Sơn Nam Hạ đã mang đến cho Hà Nội đậm đặc chất làng xã ven đô thể hiện qua rất nhiều di tích và minh văn còn lại. Những di tích như Y Miếu, đàn Nam Giao tuy không còn nữa những vẫn còn lại văn bia cũng cho chúng ta biết được nguyên nhân và khoảng thời gian xây dựng.
Bia Nam Giao điện bi ký, tạo năm Vĩnh Trị 4 (1679) cho biết điện Nam Giao được tu sửa do lệnh của chúa Trịnh “Chọn góc phía nam thành xây điện Chiêu Sự đàn Nam Giao, chính là nơi muôn loài sinh trưởng... Nhưng xây dựng còn chưa thật hoàn chỉnh, chưa đủ để báo đáp ơn trời. Muốn có quy mô từ xưa chưa có, muốn làm những việc từ xưa chưa làm, ắt phải đợi đến thánh vương là bậc đại tài, làm nên những việc có khí thế hơn người... Bấy giờ, lệnh Chúa ban ra, chọn ngày tốt tập trung các thợ. Cột xà đều dùng những nguyên liệu rất tốt, mực thước theo kiểu điện Trường Sinh, dỡ bỏ những cái cũ kỹ, xây dựng công trình mới mẻ. Khởi công cuối mùa thu năm Quý Mão Cảnh Trị thứ nhất (1664) hoàn thành cuối năm thứ hai là năm Giáp Thìn (1665)...”
Ghi về việc xây dựng Y Miếu, văn bia tạo năm Cảnh Hưng 35 (1774) là bia còn lại của ngôi miếu thờ các vị danh y nước Nam đã viết “Các vua trước quốc triều ta từng sửa sang điển lễ thờ cúng, nghĩ đến những bậc tiên sư khai sáng và từng ra lệnh cho viện Thái Y chọn đất nhận lĩnh tiền công xây dựng Y miếu... Nhưng người hiền tài lúc đó đã lần lữa bỏ qua, cho là việc không gấp, không thừa hành, khiến cho ngoài dân gian không có chỗ nào cho mọi người chiêm ngưỡng, kính lễ. Những người thấy việc nghĩa dám làm như quý hầu họ Trịnh thật ít ai bì kịp...” Qua đoạn văn trên cho biết việc xây dựng Y miếu đã từng được các triều đại trước đó quan tâm, chỉ đạo, thậm chí đã cấp tiền công để xây dựng nhưng vẫn bất thành. Phải đợi đến năm Cảnh Hưng 35 (1774), toàn thể Viện Thái Y đã hiệp sức cùng với ngài họ Trịnh là quan Chưởng Viện Thái Y, kiêm trông coi Tả đội của Viện, chức Hữu Hiệu điểm, tước là Ngoạn Trung hầu đã khởi công xây dựng đền thờ ba vị tiên thánh trong ngành y. Địa điểm của Y miếu được miêu tả như sau:
“Nhận thấy ở phường Bích Câu có một khoảnh đất công giáp với phía tây Phượng thành, bên trái là Văn Miếu, lại thêm dòng nước bao quanh ven theo trường Quốc Tử Giám, cách biệt nơi bụi bặm ồn ào, có thể xây dựng cung điện được. Chỉ ngại việc đó mới là ý riêng mình, bèn mạnh dạn trình bày lên trên được Chúa khen ngợi vô cùng, chuẩn y lời thỉnh cầu, đặc biệt ban cho 10 mẫu tự điền để dùng vào việc đèn hương”. Như vậy là đến cuối thế kỷ XVIII, Y Miếu ở Việt Nam mới chính thức được xây dựng gần khu vực Văn Miếu. Công việc này đã được mẹ Chúa ban cho hai hốt bạc, các vị trong nội cung cũng hưởng ứng nhiệt tình, cùng tham gia đóng góp.
Những điều ghi lại như thế nói lên vai trò của các chúa Trịnh và các vị hoàng thân quốc thích trong triều đình Lê Trịnh đã đóng góp khá nhiều công sức, tiền của để tu bổ hoặc xây mới các di tích có ý nghĩa quốc gia như đàn Nam Giao, Y Miếu cũng như đền chùa xung quanh Thăng Long và các vùng lân cận.
Thăng Long vốn nổi tiếng về những ngôi chùa như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Hòe Nhai, chùa Hàm Long, chùa Càn An... nhưng không có nhiều những ngôi đình trong trung tâm Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay những ngôi đình cổ của Thăng Long gần như không còn nữa nhưng chỉ qua một vài tấm bia còn lại cũng cho hậu thế biết tại nội đô Thăng Long cuối thế kỷ`XVII có một ngôi đình thật hoành tráng, là niềm tự hào của người dân trong 36 phố phường cổ. Văn bia Cao Sơn Tây Hưng miếu ở đình Đông Các phường Ô Chợ Dừa cho hay đình này được xây dựng lại từ một ngôi đền thờ thần có từ rất lâu tại xứ Cầu Dừa. Đình do hai giáp Mỹ Phê và Nghĩa Phê phường Thịnh Quang hưng công xây dựng nhưng nền đình lại được đắp trên nền đất giáp Đông Các phường Thịnh Quang huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên, vì thế đình được đặt tên là đình Đông Các. Về vị trí chọn đất dựng đình, văn bia cho biết: “ Đình này vì sao gọi là đình Đông Các? Có lẽ vì phủ Phụng Thiên có Phượng thành là chốn đế đô tôn nghiêm, là nơi ở của vua đứng đầu 12 Thừa tuyên. Còn giáp Đông Các trong phường Thịnh Quang là nơi ứng vào các vì sao khoa giáp nơi phượng các, sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, từng được Tể tướng vời qua cửa nhỏ hướng đông và làm vẻ vang cho đất nước. Đây là nơi bậc nhất trong 36 phường. Nay giáp Mỹ Phê dựng đình ở đây, dựa vào những điều đó mà đặt tên như vậy chăng ?”. Qua văn bia, chúng ta biết Phúc thần nước nam được thờ tại đây đã từng hiển linh ban phúc khắp chốn, nhưng “ nền đắp từ xưa, mái chỉ lợp gianh. Nay muốn lễ thờ thần được đầy đủ, nơi cầu phúc được trang nghiêm, để tỏ rõ chế độ tốt đẹp cho đương thời, lập thành nền nếp rộng lớn cho mai sau, cần phải đổi cũ thành mới, lợp ngói thay cỏ gianh. Nhân đó bàn bạc với giáp Nghĩa Phê trên dưới một lòng, lớn bé nhất trí... Năm Kỷ Tỵ (1689) vào ngày tốt đắp thêm ba bậc thềm đất, xây dựng năm gian đình mới. Lựa gỗ tốt, cây to làm cột, cây nhỏ làm rui. Chỉ huy nhóm thợ, tay khéo nẩy mực, tay giỏi cầm dây. Đại thế nghiêm chỉnh như cánh vươn lên, cạnh góc ngay ngắn như mũi tên thẳng. Cột rường cao vút như chim xòe cánh, mái đao rực rỡ như trĩ tung bay”. Thế là giữa chốn đế đô, một ngôi đình với mái đao cong vút như chim trĩ xòe cánh tung bay đã hiện diện trên nền đất của nơi đứng đầu trong 36 phố phường Thăng Long thưở ấy.  
Bia Nghĩa Phê tạo đình bi ký soạn năm Chính Hòa 13 (1692) cũng nhắc lại sự kiện xây đình Đông Các: “Nguyên xưa ngôi đình này trên nền phúc phường Thịnh Quang, địa bàn rộng huyện Quảng Đức. Bên phải đối diện chùa Thanh Nhàn, bên trái là đàn Xã Tắc đứng sừng sững một mình. Mặt trước phía nam có núi đứng che, mặt sau phía bắc có sông bao bọc.Thật là nơi cảnh đẹp vào bậc nhất đế đô. Ngôi đình ấy xây dựng đã lâu năm, nhưng kiểu cách sơ sài, còn theo lối cổ. Muốn có quy mô chỉnh đốn phải đợi người sau. Nay toàn thể quan viên hương lão trên dưới giáp Nghĩa Phê hiệp đồng với toàn thể mọi người trong giáp Mỹ Phê bàn tính việc xây dựng lại, ai cũng đồng lòng. Bèn ứng xuất tiền của, tìm mua các loại gỗ tốt dựng lên năm gian đình ngói ngay trên nền cũ. Hoàn thành vào ngày tốt năm Kỷ Tỵ (1689)”. Từ nội dung văn bia, chúng ta lại vỡ lẽ trong khi ở các vùng xa xôi hơn như Kinh Bắc, Sơn Nam đã có những ngôi đình làng bề thế xây dựng từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, thì ỏ Thăng Long mãi đến cuối thế kỷ XVII mới có những ngôi đình như đình Đông Các được xây dựng mới, thoát khỏi quy mô nhỏ bé với mái lợp là cỏ gianh.
Cũng vào cuối thế kỷ XVII, các vùng ven kinh thành Thăng Long là xã Mai Động, xã Quỳnh Lôi huyện Thanh Trì cũng khởi công xây đình mới. Đình Mai Động hay còn gọi là đình Mơ Táo được xây dựng năm Chính Hòa 20 (1699), đình Quỳnh Lôi (nay thuộc phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) xây dựng năm Chính Hòa 13 (1692), hoặc xã Kính Chủ huyện Từ Liêm (nay là phường Trung Kính quận Cầu Giấy) xây đình năm Vĩnh Trị 1(1675), xã Thượng Cát huyện Gia Lâm (nay là phường Thượng Thanh quận Long Biên) xây đình làng vào năm Vĩnh Trị 3(1677). Bia Tạo xuân đình hậu thần bi ký soạn năm Chính Hòa 20, cho biết đình Mơ Táo do Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Thánh hiệu Diệu Kính đã bỏ tiền nhà, phát tâm giúp làng xây một ngôi đình để thờ Thần, cầu phúc, ca múa, cầu mong thái bình cho đất nước.
Năm Cảnh Trị thứ nhất (1663), nhân dân phường Nhật Chiêu huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên đã xây dựng đền thờ Thần (ngày nay được gọi là đình Nhật Tân, phường Nhật Tân quận Tây Hồ) với sự trợ giúp về tiền của của Chúa Tây Vương Trịnh Tạc. Vị trí của phường Nhật Chiêu được văn bia mô tả rất đẹp “Phường Nhật Chiêu huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên là nơi hình thế đẹp, gần với hoàng đô,Chu Tước phía trước ngoảnh trông phía đông Hồ Tây thủy triều nhấp nhô, Huyền Vũ phía sau dựa thành Đại La, soi bóng núi Tản Viên, bên trái là dòng Đại Hà chảy dài cuồn cuộn, bên phải là đỉnh núi xa xa...”
Sang đến giữa thế kỷ XIX, tại nội thành Hà Nội vẫn có một vài ngôi đình được xây dựng lại như đình Cổ Lương (nay là phố Nguyễn Siêu). Bia Cổ Lương hương đình bi ký dựng năm Tự Đức 32 cho biết “Thôn Cổ Lương tiếp giáp mé sông Nhị Hà, dân cư là người làng Khúc Thủy, đền thờ hai vị chính thần là Phổ Tế và Nam Hải. Công lao sự nghiệp của Thần trong tự điển có ghi chép rõ ràng. Nhưng ngôi đền lúc mới xây dựng thì lợp cỏ gianh đơn sơ. Hơn trăm năm dân cư ca mừng tụ họp ở đây mà đền thần vẫn còn như cũ...” Đến lúc đó vị lý trưởng họ Đào tên là Đằng mới tiếp nối ý cha để đứng ra hưng công xây lại đình mới, lợp ngói. Và như thế, đình làng Cổ Lương trước đây là một ngôi đền, từ ngôi đền thờ Thần đã bị cũ nát xây dựng cách đó hơn trăm năm, người ta đã xây mới một ngôi đình để thờ Thần với quy mô gồm một gian làm đền thờ chính, một tòa khám thờ và ba gian bái đường. Nếu so sánh với đình Đông Các xây dựng cuối thế kỷ XVII, thì mới thấy tiềm lực vật chất, công sức của người dân đóng góp để xây đình khi đó có quy mô hoành tráng hơn rất nhiều. Đó cũng là đặc điểm chung của thế kỷ XVII, các công trình về văn hóa, tín ngưỡng được khởi xướng xây dựng ở rất nhiều nơi trên quốc gia Đại Việt, điều này được phản ánh rất rõ nét trong các bài minh văn trên bia, chuông.
Thăng Long – Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi đây đã hội tụ nhiều tinh hoa của cả dân tộc và có rất nhiều di tích văn hóa tiêu biểu. Văn Miếu Quốc Tử Giám là niềm tự hào của Hà Nội, của Việt Nam về sự hiếu học thành tài và sự vinh danh của cả xã hội đối với những người thực học. Khi đến thăm Văn Miếu, chúa Trịnh Căn[3] đã có một bài thơ chữ Nôm khắc trên bia nói lên sự ngưỡng mộ của ông đối với khu di tích này.
“Thánh nhân đạo cao đức trọng, khắc ở bia đá lớn để lại muôn đời. Ngày khánh thành, ta đến thăm lại, xem xét khắp xung quanh; thấy thể chế ngay ngắn nghiêm chỉnh, hình thức và nội dung đều tốt đẹp. Thật đáng trân trọng, bèn làm ra bài thơ quốc âm.
Đạo thống tường xem nhật nhật minh,
Vậy nên biểu lập trước trung đình.
Tôn nghiêm vốn có bề phương chính,
Trân trọng nào sai mực đất bằng.
Rộng chứa văn chương hằng rỡ rỡ,
Tỏ ghi đức giáo hăy rành rành.
Vừng bền sóc sóc đồng thiên địa,
Thấy đấy ai là chẳng ngưỡng thành.”
Đề cuối Mùa Đông năm Ất Hợi (1695).
 Ngoài Văn Miếu mang tính chất quốc gia đó, ở nội thành và ngoại thành của Hà Nội vẫn còn lưu giữ được những khu văn chỉ ở cấp huyện hoặc xã phường để thể hiện sự kính trọng những người có học và đỗ đạt qua các kỳ thi cử. Khu vực nội thành có văn chỉ phường Hà Khẩu, văn chỉ huyện Thọ Xương, văn chỉ thôn Thanh Hà, đặc biệt có văn chỉ của trại Vạn Bảo là một trong thập tam trại của thành Thăng Long. Bia văn chỉ do hội Tư văn trại Vạn Bảo, tổng Vạn Bảo huyện Vĩnh Thuận phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội dựng năm Tự Đức 29 (1876) cho biết nhân dân trong trại Vạn Bảo đã xây dựng từ chỉ ở núi Trúc để có nơi thờ cúng hàng năm.
Khu vực ngoại thành có văn chỉ thôn Trung xã Cổ Điển huyện Thanh Trì, văn chỉ xã Nguyệt Áng nay là thôn Nguyệt Áng xã Vĩnh Ninh huyện Thanh Trì, văn chỉ huyện Thanh Trì; văn chỉ giáp Bản Hội xã Trung Mầu huyện Gia Lâm... Sở dĩ Thanh Trì còn giữ được một số văn chỉ ở các làng xã và của huyện có lẽ bởi đây là vùng đất có nhiều nhà trí thức tiêu biểu cho học khí của Hà Nội.Đó là Chu Văn An thời Trần, là Bùi Huy Bích triều Lê, là Nguyễn Siêu triều Nguyễn và rất nhiều các bậc danh sĩ khác. Bia Thanh Trì tiên hiền miếu trùng tu bi ký do Nguyễn Văn Siêu soạn vào mùa đông năm Ất Sửu cho biết “ Văn Trinh công Chu tiên sinh là vị nho gia đầu tiên của nước Việt ta, được trăm đời ngưỡng mộ, nên làng xóm nào cũng đều thờ tự. Từ thời Trần ông đã được thờ ở văn miếu Thăng Long, riêng miếu thờ ông ở Huỳnh Cung huyện Thanh Trì ta thì không biết hương thôn thờ ông như một vị phúc thần từ bao giờ. Nhân khảo gia phả họ Nguyễn ở Linh Đường thấy ghi ông Triệu Khánh Công Nguyễn Tử Tư từng dựng từ chỉ trong bản huyện, đặt ruộng tế điền mới biết ngôi miếu này có từ thời Lê Cảnh Hưng nhưng do lâu ngày, quy mô miếu còn sơ sài,cột kèo cũ nát, trâu bò chăn thả khắp nơi. Vì thế đến năm Canh Thân các ông Trịnh Lý Đình, Hà Học ở Định Công, Định Cao, ông Hoàng Đình Chuyên ở Linh Đường khởi xướng việc quyên tiền tu sửa, ông Nguyễn Văn Siêu thân chinh trông coi việc sửa chữa ba gian miếu đường, cửa Nghi môn, khám thờ thần, chữa lại 5 gian bái đường cũ bên ngoài, ba gian giải vũ hai bên đều được dựng lại bằng gỗ tốt, tường rào bên ngoài bao quanh, đắp lũy đất”...
Trong bia văn chỉ thôn Trung xã Cổ Điển huyện Thanh Trì cho biết làng Thanh Liệt cũng xây dựng văn chỉ để thờ bốn vị Tiên hiền là: Chu Văn An, Tư nghiệp Quốc tử giám; Chu Tam Tỉnh, Ngự thí trúng tuyển khoa Tân Hợi, giữ chức Hàn Lâm viện Trực học sĩ, Tả Hình viện đại phu, là con trai Chu Văn An; Chu Đình Bảo, cháu bốn đời của Chu văn An, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, giữ chức Trung thư giám Điển thư; Lý Trần Thản, Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, giữ chức Hữu Tư giảng, được phong tặng Binh bộ Thượng thư, tước Tuy Quận công. Bia được lập năm Cảnh Hưng 18(1757).
Cũng tương tự như vậy, trong bia văn chỉ xã Phú Thị huyện Gia Lâm đã ghi lại việc xây dựng từ vũ để thờ các bậc tiên hiền như sau “Vào năm Hoàng triều Cảnh Hưng thứ 24 (1763), làng Trung Nghĩa ta mới bắt đầu dựng đền thờ. Khách Nho học tạo nên cung sở, xem ra dựng được 2 dãy 6 gian nhà thờ. Trụ cột làm bằng gỗ quí, đục khắc để cất nóc thượng lương; mái lợp ngói vẩy cá, hành lang xây bằng gạch; xung quanh bốn phía quây tường, tường phía nam che tòa Nghi môn. Mọi người cùng đồng thanh nói: Ôi ! Cái gì mà tôn nghiêm vậy? Đó là sự đồng tâm của các vị quan lại triều đình, sửa sang chính đạo vậy”.Việc xây dựng từ vũ của xã Phú Thị được những người trong hội Tư văn và đặc biệt là có rất nhiều vị Tiến sĩ của xã sau khi đăng khoa đã từng giữ nhiều chức vụ quan trong trong triều đình hưởng ứng. Đó là Tiến sĩ khoa Quí Mùi, chức Tham tụng Thượng thư bộ Hộ, Nhập thị Kinh diên Tri Quốc Tử Giám về hưu Triệu Quận công Nguyễn Huy Nhuận cùng con trai là Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, chức Giám sát Ngự sử Thự Tham chính Nguyễn Huy Dận và cháu nội là Tiến sĩ khoa Canh Thìn Nguyễn Huy Cận đã cùng 26 vị quan khác đứng ra khởi xướng. Dưới triều Lê trung hưng xã Phú Thị có nhiều người đỗ đạt và có đến 4 quan Thượng thư cùng là người trong xã. Điều này thật hiếm gặp trong các làng xã Việt Nam và đó thực sự là niềm tự hào của người dân Phú Thị. Văn bia ở đây đã kịp thời ghi lại những thế hệ đỗ đạt và làm quan của cả xã.
 
4. Về lệ hát cửa đình
Một điều không thể không nhắc đến trong nội dung văn khắc Hán Nôm Hà Nội, đó là những bài văn bia ghi về sinh hoạt hát cửa đình cũng như xung quanh lệ thu tiền hát cửa đình ở một số vùng ven đô, tập trung nhiều ở huyện Từ Liêm. Bia Đình môn sự lệ bi ký, dựng năm Cảnh Hưng 29 (1768) tại xã Phú Mỹ huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Mỹ Đình, Từ Liêm) đã ghi lại những hủ tục phiền phức do Giáo phường gây ra “ hàng năm bản ấp vẫn duy trì việc thờ phụng, mọi việc làm đều bị Giáo phường tìm cách ngăn trở, nhiễu sách đủ điều khiến người đương sự khốn khổ tuân theo, học đi tập lại, tệ nạn chồng chất, vì thế rất muốn sửa đổi lại luật lệ nhưng chưa có cơ hội làm lại. Năm nay, vừa đúng dịp cũ đã quá kỳ, Giáo phường không có tiền đóng quan dịch nên đã trao đổi với bản ấp xin tỉnh giảm các lệ đồng thời cùng với các sắc mục hương lão trong ấp bàn bạc các chi phí”. Hoặc bia Đình môn bi, tạo năm Cảnh Hưng 22(1761) đặt tại đình Dịch Vọng Sở huyện Từ Liêm đã ghi rất cụ thể cho lệ hát cửa đình như sau: “ Ngày 20 tháng 2 hàng năm bản giáp có lệ rước Thánh giá vào hội, ca hát, trong giáp cắt cử hai đào nương, cô đào phù giá, khi trải chiếu hát không được vắng mặt. Theo chiếu đặt lệ 3 mạch tiền văn, một mâm xôi, một con gà. Nếu ai phế bỏ điều này thì người khác được trải chiếu, còn bản giáp thì mất tiền mâm cỗ đó. Đến ngày đặt chiếu vào hội, bản giáp cắt cử hai ca nương, hai người này cũng không được vắng mặt, nay đặt lệ.Khi có lễ vào hội ca hát thì bản giáp và bản huyện hoặc nơi có lễ đó có lệ tiền trù để phát cho các hạng, bản giáp và nơi đó tham gia thi đạt hạng ưu, hạng thứ thì phát cho mỗi người ba mạch tiền văn, nay đặt lệ.” Những đoạn văn bia như thế đã gợi nhớ về một Thăng Long hào hoa, về những làng quê ven đô với góc chiếu sân đình trong những ngày lễ hội, và chúng ta có thể cảm nhận được phần nào không khí vui vẻ, tưng bừng, có cả đào nương và ca nương về hát ca trù mừng lễ. Cũng qua đây chúng ta biết được các Giáo phường chuyên đi hát phục vụ ở các cửa đình bấy giờ thường ỷ vào thế mạnh chuyên môn để gây khó dễ cho các địa phương, tạo ra những hủ tục nặng nề. Nhưng Giáo phường cũng phải chịu các khoản tạp dịch, quan dịch từ trên bổ xuống mà nhiều khi họ không đủ kinh phí trang trải, nên đã phải bán cho nơi đến ca hát những quyền lợi thu được để có tiền nộp quan. Những vấn đề như vậy khá phổ biến trong văn bia nói chung, và ở Hà Nội còn lại không ít những bài minh văn nói về quan hệ của Giáo phường với địa phương đến trình diễn, những dẫn chứng trên chỉ là một phần rất nhỏ trong đó.
5. Về các tác giả biên soạn văn bản
Một trong những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị cho các bài minh văn khắc trên bia đá, chuông đồng của Hà Nội là các tác giả soạn văn bia. Có thể kể đến rất nhiều người nổi tiếng, văn chương và sự nghiệp lừng lẫy một thời như: nhà sử học Lê Tung, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, Thám hoa Vũ Thạnh, Thám hoa Bùi Huy Bích, Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương... hay những bậc danh sĩ nổi tiếng ở Bắc Hà như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Lý.v.v... Có nhiều vị Tiến sĩ có lẽ ta chỉ gặp tên họ trên bia đá nhưng nhiều khi họ lại cũng không ghi tên thật, chỉ ghi họ, khoa thi đỗ, chức tước, quê quán nhưng phần quê quán cũng bị tỉnh lược rất khó đoán. Chẳng hạn phần tác giả soạn văn bia Cao Sơn Tây Hưng miếu được ghi như sau: Tứ Ất Sửu khoa đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất than, Cẩn sự lang, Thanh Hoa đạo Giám sát Ngự sử, Kinh Từ Đông Hoa Đỗ Phủ soạn. Nghĩa là: Ông họ Đỗ, đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, chức Cẩn sự lang, Giám sát Ngự sử đạo Thanh Hoa, quê xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn xứ( đạo) Kinh Bắc soạn văn bia. Hay tác giả soạn văn bia Nghĩa Phê tạo đình bi ký đặt tại đình Đông Các cũng ghi khá tỉnh lược như sau: Tứ Canh Tuất khoa đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất than, Đặc tiến kim Tử Vinh Lộc đại phu, Bồi tụng Binh bộ Tả Thị lang, Thọ Giang tử, Cẩm Giang Nghĩa Phú Nguyễn độn soạn. Nghĩa là: Ông họ Nguyễn dốt nát, người xã Nghĩa Phú huyện Cẩm Giang, tước là Thọ Giang tử, giữ chức Bồi tụng Binh bộ Tả Thị lang, Đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, đỗ đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất soạn. Những nhà khoa bảng mà chúng ta không rõ sự nghiệp của họ nhưng do họ là tác giả soạn văn bia mà chúng ta may mắn biết đến họ. Ví như Tiến sĩ Nguyễn Giản giữ chức Cẩn sự lang, Quốc Tử Giám Lễ ký, kiêm chức Tự Thừa ở Thái Thường tự đã soạn văn bia chùa Nga My năm Hồng Đức 28(1497). Nguyên văn: Tứ Tiến sĩ Cẩn sự lang Quốc Tử Giám Lễ ký kiêm Thái Thường tự Tự Thừa Nguyễn Giản soạn 
Ở dòng ghi chức vụ của vị Tiến sĩ này chúng ta biết thêm một chức danh mới là Quốc Tử Giám Lễ ký và chức Tự Thừa, trên các bia niên đại Lê trung hưng, ta thường bắt gặp chức Thái Thường tự khanh mà ít gặp chức Tự Thừa. Có nhiều chức danh chỉ xuất hiện trên văn bia, đó là những tư liệu thật quý để nghiên cứu về chức danh, nhân danh.
     
 Kết luận
Như vậy, với tư liệu văn khắc Hán Nôm của Hà Nội, chúng ta có thể tìm thấy trong đó rất nhiều giá trị về nội dung. Chúng ta có thể tìm hiểu về địa danh, nhân danh, chức danh, có thể tìm hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng, về các danh thắng, về tình hình ruộng đất và việc giao thương buôn bán, về sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân Thăng Long trong 10 thế kỷ xây dựng và phát triển. Đó là nguồn tư liệu tổng hợp của Hà Nội từ nhiều thời kỳ khác nhau cùng viết về Thăng Long – Hà Nội. Đó còn là nguồn tư liệu có giá trị về nghệ thật với hình thức biểu hiện rất phong phú và đa dạng. Những cảnh trí thiên nhiên cùng cỏ cây, hoa lá, chim thú đều được các nghệ sĩ dân gian đưa lên trang trí trên bia khá sinh động. Hoa văn trang trí trên văn bia Hà Nội nói riêng, văn bia Việt Nam nói chung có sức biểu cảm cao, đặc sắc, khác hẳn với trang trí hoa văn trên văn bia của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước đồng văn với chúng ta trong quá khứ.
 
 
 


[1] Xem Nhật Tảo cổ chung minh trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam từ bắc thuộc đến thời Lý, trang 47
[2] Ở đây chúng tôi chưa đề cập đến các minh văn trên đất Hà Tây cũ và huyện Mê Linh.
[3]. Trên bản văn khắc không ghi tên tác giả cũng không ghi tên bài thơ, chỉ ghi năm đề thơ là cuối mùa đông năm Ất Hợi. Nhưng trong sách Khâm định thăng bình bách vịnh, ký hiệu AB. 587 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm), có chép toàn bộ bài thơ này cùng tiểu dẫn như trong văn khắc nhưng có ghi tên bài thơ là Vịnh Văn Miếu thi kiêm dẫn. Ở trang cuối cùng của tập sách có ghi tác giả của toàn bộ tập Khâm định thăng bình bách vịnh đó là Bình An Vương ngự đề. Bình An Vương là chúa Trịnh Tùng, nhưng chúng tôi cho rằng ghi như vậy có sự nhầm lẫn. Lấy năm Ất Hợi ghi trên bản văn khắc để tìm hiểu niên đại,chúng tôi cho ràng văn bản này xuất hiện trong cuối thế kỷ XVII với những lý do sau:
-          Nếu là năm Ât Hợi 1635 thì lúc đó Trịnh Tùng đã mất mà Trịnh Căn mói sinh được 2 tuổi, khả năng này không thể xảy ra.
-    Nếu ngược lên trước nữa, năm Ất Hợi 1575 thì lúc đó chính quyền chưa thuộc về tập đoàn Lê Trịnh, lúc này nhà Mạc đang cai trị ở Thăng Long, không thể có vị chúa Trịnh nào đến Văn Miếu để vịnh thơ. Nếu lại lấy năm Ất Hợi 1755 về sau là niên đại khắc bài thơ thì khả năng đó cũng khó xảy ra vì đây là khoảng thời gian liên tiếp có các cuộc khởi nghĩa nông dân. Lúc này chúa Trịnh Doanh cầm quyền phải lo đánh dẹp các thế lực phản nghịch, tuy ông cũng là một nhà chính trị văn võ kiêm toàn nhưng xét về mặt điều hành chính sự và phẩm chất của một nhà thơ thì chúa Trịnh Căn là người nổi trội hơn nhiều so với Trịnh Doanh. Hơn thê, vào thời chúa Trịnh Căn cai trị (1682-1709) đất nước rất phát triển. Năm 1693, Trịnh Căn đã từng cho chỉnh sửa lại chức quan quản lĩnh Văn Miếu, đặt lại chế độ thi cử ở các khoa...ông lại là người rất am tường quốc âm.Vì vậy chúng tôi cho rằng tác giả bài thơ Vịnh Văn Miếu thi là Trịnh Căn và năm Ất Hợi ghi trong bản văn khắc là năm 1695
-                      Một điều nữa góp phần xác định niên đại bài thơ là chữ viết trên bản văn khắc là kiểu chữ phổ biến trên văn bia thế kỷ XVII. Đó là kiểu chữ chân nhưng có những nét cách điệu ở đường nét khiến cho các chữ trông mềm mại, đẹp hơn các giai đoạn về sau.
    Với tất cả lý do trên, chúng tôi xác định tác giả bài thơ là Trịnh Căn và niên đại khắc văn bản là năm Ất Hợi (1695).
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529300

Hôm nay

243

Hôm qua

2304

Tuần này

21573

Tháng này

215996

Tháng qua

0

Tất cả

114529300