Cuộc sống quanh ta

Văn công Nghệ An một thời “Tiếng hát át tiếng bom”…

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc cách đây 40 năm nhưng ký ức về một thời hoạt động với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom” vẫn còn tươi mới trong mỗi người nghệ sỹ  - chiến sỹ văn công Nghệ An.

Chim Sơn ca hót trên tuyến lửa

Nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, nơi trung chuyển bộ đội, vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm,…từ Bắc vào các chiến trường miền Nam, Nghệ An là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mĩ. Các nghệ sĩ - diễn viên của các đoàn văn công Nghệ An cũng là những chiến sĩ trên chiến trường đánh Mĩ. Vũ khí của họ không phải là súng, đạn mà là lời ca, tiếng hát, là trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước, yêu nghệ thuật. Trong ký ức của vợ chồng nghệ sĩ Trần Văn Hoan - Nguyễn Thị Vân Quế, hoạt động văn công thời ấy vô cùng nguy hiểm, khó khăn, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng sao mà lạc quan, lãng mạn đến thế. Vợ ở Đoàn Văn công miền xuôi, chồng ở Đoàn Văn công miền núi, cứ “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”. Lưng đeo ba lô quần áo, tư trang, phục trang, vai mang ruột tượng gạo, nam thì còn phải mang thêm nồi niêu xoong chảo và hành trình đến mọi điểm diễn là quốc bộ, vẫn hừng hực khí thế, chân đi không biết mỏi, bom đạn không biết sợ. Và, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù nguy hiểm đến đâu, anh chị em diễn viên vẫn hát, vẫn ngâm thơ, diễn kịch một cách say mê đến lạ.

Ôn lại những năm tháng hoạt động tràn đầy nhiệt huyết ấy, NSUT Kim Tân vẫn rạo rực một tinh thần lạc quan cách mạng của người nghệ sỹ - chiến sỹ: “Ban ngày hát, ban đêm hát. Trang phục, đạo cụ chỉ một cái phông hậu để thay quần áo (diễn ban đêm thì có thêm 2 cái đèn mang xông), phục trang thì chủ yếu là quần áo bà ba do mọi người tự may, vậy là các tổ đi biểu diễn phục vụ khắp nơi, ở trận địa, trên mâm pháo, sân kho hợp tác xã, trong rừng cao su các nông, lâm trường, rặng phi lao các xã ven biển. Nhiều lần đang diễn ở các trận địa pháo, máy bay địch ào đến, rút xuống hầm, máy bay đi lại diễn tiếp. Nhớ một lần, đang biểu diễn ở trận địa pháo bảo vệ ba ra Đô Lương thì máy bay đến, mọi người liền chia ra các mâm pháo, vận chuyển đạn phục vụ bộ đội chiến đấu, một mâm pháo bị trúng rốc két bốc cháy, cả tổ lại lao vào dập lửa cùng các chiến sĩ. Lại có lần đang trên đường đến xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn để biểu diễn thì gặp máy bay, tất cả lăn xuống ruộng lúa, ai cũng bê bết bùn đất. Đi biểu diễn ở xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, đêm ngủ phải chui dưới gầm phản để tránh bom,… vậy mà ai cũng lạc quan, yêu đời.

NSUT Song Thao còn nhớ như in một đêm diễn ở ven biển Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, đang diễn thì máy bay nhào đến, đèn mang xông vội vùi trong cát, anh chị em vẫn say sưa hát trong đêm tối, nhân dân vẫn xem, cổ vũ rất đông. Rồi ròng rã 3 tháng trời diễn ở TP Vinh, khi nghe kẻng báo hiệu máy bay đến gần, tất cả rút vào hầm, nghe hiệu lệnh máy bay đi xa, lại ra diễn tiếp. Cứ đêm diễn trong thành phố, ngày rút ra xã Nghi Phú, cái chết luôn rình rập và lơ lửng trên đầu, vẫn hát vang và không ai lo sợ.

NS Thanh Lưu, nguyên Trưởng đoàn Văn công miền xuôi cho biết: Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, các đoàn văn công phải chuyển hướng hoạt động biểu diễn, đi về các vùng nông thôn, đến các đơn vị bộ đội chiến đấu và công nhân giao thông vận tải, theo phương châm phân tán từng nhóm nhỏ, bám các địa bàn trọng điểm, như: Trận địa phòng không, bến phà, cầu cống, xưởng máy, sân kho, đập nước, các cơ quan đơn vị nơi sơ tán,… phục vụ theo tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, kịp thời cổ vũ, động viên quân dân ta hăng hái dũng cảm trong chiến đấu và sản xuất; khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù, sẵn sàng vượt qua mọi hy sinh gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược. Các tiết mục: Đường về trận địa, Chống lầy, Người chị, Hạt thóc quê ta (chèo); Đâu có giặc là ta cứ đi, Sáu phát trung liên, Niềm vui chiến thắng, Tiếng trống xô viết (kịch nói), Hỏi ai quan trọng, trước lúc lên đường, Không phải tôi, Khi ban đội đi vắng (dân ca) và nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, ngợi ca tinh thần chiến đấu và lao động sản xuất của quân, dân ta được các đội nghệ thuật dã chiến biểu diễn với tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhiều cuộc biểu diễn dưới mưa bom, lửa đạn, tuy gian khổ ác liệt nhưng cũng rất hứng khởi, hào hùng, để lại những ấn tượng không thể nào quên. Giọng hát Song Thao qua bài “Trông cây lại nhớ đến người” và giọng hát Thanh Xuân qua bài “Tiếng đàn Ta lư”, giọng ngâm thơ của Vân Quế,… rung động lòng người. Những nghệ sĩ - chiến sĩ ấy là những chim sơn ca hót trên tuyến lửa, đã tiếp thêm một nguồn lực tinh thần vô giá cho mỗi người chiến sĩ, khiến họ coi cái chết nhẹ tênh

Sự hy sinh thầm lặng:

Các chiến sĩ văn công trên mặt trận văn hóa, văn nghệ phải vượt qua bao gian khó, chịu đựng hy sinh, mất mát dưới bom đạn ác liệt của quân thù không khác gì các chiến sĩ lực lượng vũ trang. Họ không chỉ đối mặt với chiến trường khốc liệt mà còn đối mặt với nhiều mối hiểm nguy khác. Nghệ sỹ Vân Quế nhớ lại, có lần từ Thanh Chương đi ra Yên Thành, Quỳnh Lưu, trời mưa lụt, mọi người phải chống gậy, mò mẫm trong đêm tối. Trên đầu máy bay, dưới chân nước lũ, cái chết luôn rình rập, đe dọa nhưng không ai một lời phàn nàn kêu ca. Đi biểu diễn ở miền núi thì khó tránh sốt rét rừng. Thời ấy, tình yêu nghệ thuật và trên hết là tình yêu nước, tinh thần lạc quan cách mạng như là lẽ tự nhiên sẵn có trong mỗi người nghệ sỹ. Bởi vậy mà các diễn viên nữ, mang bầu sáu, bảy tháng vẫn hăng hái quấn khăn, nịt bụng để diễn. Kỷ niệm đáng nhớ, đáng tự hào của cả 2 nghệ sỹ Kim Tân và Song Thao là đều được kết nạp Đảng năm 1967 khi đang biểu diễn ở Yên Thành và đều mang bầu ở tháng thứ 7. Tình cảm gia đình nhiều khi cũng phải gác lại để phục vụ kháng chiến. Con sinh ra, còn quá nhỏ, người thì gửi về quê, người thì để cho chồng chăm.“Đi biểu diễn phục vụ hết ngày này qua đêm khác, con nhỏ để lại cho chồng chăm, những lần về thăm chồng con vội vã, con chưa kịp nhận ra mẹ, lại vội vã ra đi…” - NSUT Kim Tân chia sẻ. Có khi Tết Nguyên đán cổ truyền cũng không được về sum họp cùng gia đình. Nhưng không phải vì thế mà buồn, mọi người vẫn vui vẻ, hào hứng đi phục vụ. Tết Mậu Thân năm 1968, đi biểu diễn phục vụ nhân dân nơi sơ tán của cơ quan Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn tại các xã Thượng Sơn và Thái Sơn, huyện Đô Lương, được ăn tết cùng Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng và Chủ tịch UBND tỉnh Chu Mạnh, ai cũng thấy xúc động, ấm áp như ở nhà vậy - NSUT Song Thao chia sẻ.

Xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

Kháng chiến chống Mĩ là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Văn hóa nghệ thuật Nghệ An tham gia kháng chiến bắng cách tuyên truyền, cổ vũ nhân dân, là vận động các phong trào cách mạng ở hậu phương: Thanh niên 3 sẵn sàng, Phụ nữ 3 đảm đang, Giỏi tay cày, chắc tay súng, Vì miền nam ruột thịt. Các nghệ sỹ, diễn viên các đoàn văn công ở Nghệ An đã hướng về cơ sở mà phục vụ, vừa biểu diễn phục vụ vừa hướng dẫn, bồi dưỡng hoạt động văn hóa quần chúng ở các địa phương, chú trọng những nơi trực tiếp chiến đấu chống địch, chú trọng miền núi, vùng có đồng bào thiên chúa giáo. Ở vùng giáo dân Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), các nghệ sỹ, diễn viên kiêm luôn cả công tác dân vận, 3 cùng với dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với dân, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ trong nhân dân - NSUT Song Thao cho biết. Các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Mỹ Lý, Keng Đu, Mường Lống, Huồi Tụ (Kỳ Sơn), …đều in đậm dấu chân các nghệ sỹ Đoàn Văn công miền núi Nghệ An. Với phương châm “Lấy hoạt động văn nghệ quần chúng làm cơ sở, lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp làm nòng cốt”, văn công đi tới đâu, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng” lan tỏa tới đó. Các phong trào này “Đi hai chân” vừa hát mới, vừa hát dân ca địa phương đã tạo được một nguồn sinh hoạt tinh thần lành mạnh, một cái nền quần chúng rộng rãi, vững chắc để từ đó hình thành nên một phong trào biểu diễn NTQC với một quy mô rộng lớn trong toàn tỉnh. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhiều địa phương có đội VNQC mạnh, như: Cửa hàng ăn Bến Thủy, Nhà máy Điện Vinh, Nhà máy Cơ khí Vinh, các xã Diễn Hồng, Diễn Bình, Diễn Minh (Diễn Châu), Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu), Nghi Hương (Nghi Lộc), Lục Dạ (Con Cuông), Lăng Thành (Yên Thành), Mỹ Lỹ (Kỳ Sơn), Nam Liên (Nam Đàn), Thạch Giám (Tương Dương), Châu Quang (Quỳ Hợp), Châu hạnh (Quỳ Châu)… Huyện Diễn Châu dẫn đầu phong trào văn hóa toàn miền Bắc thời ấy.

Với nhiều loại hình nghệ thuật: Dân ca, chèo, kịch nói, tuồng, các đoàn văn công Nghệ An thời ấy đã tích cực tập luyện, đa dạng hóa các tiết mục, sáng tác mới, bám sát thực tiễn chiến đấu, sản xuất của địa phương. Nhiều tiết mục ra đời phục vụ trong thời gian này được đánh giá cao, như bài hát “Cô gái đốt lò vôi” của NS Hoàng Thọ đã đạt giải HCV trong hội diễn toàn quốc. Lời ca tiếng hát của những nghệ sĩ - chiến sĩ văn công ngày ấy đã góp phần nâng sức mạnh tinh thần cho quân và dân tỉnh nhà, gieo vào lòng người một niềm tin tất thắng, giục dã lớp lớp thanh niên tòng quân cứu nước. Lời ca, tiếng hát ấy cũng đã góp phần xây dựng một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Đó là, đóng góp và chuyển tải lương thực, vũ khí ra mặt trận; cổ vũ toàn dân sản xuất, chống giặc giữ làng, bảo vệ quê hương. Do có nhiều thành tích trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, Đoàn Văn công miền xuôi Nghệ An đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434984

Hôm nay

2255

Hôm qua

2349

Tuần này

21634

Tháng này

212032

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434984