1. Rồng Thăng Long - sự hiện diện rạng rỡ của vương quyền
a. Khảo sát những truyền thuyết về Rồng trên đất Thăng Long
Tự bao giờ, cái tên kinh thành Thăng Long luôn gợi nhắc đến hình ảnh rồng vàng bay lên trên một dải đất đồng bằng màu mỡ.
1. Rồng Thăng Long - sự hiện diện rạng rỡ của vương quyền
a. Khảo sát những truyền thuyết về Rồng trên đất Thăng Long
Tự bao giờ, cái tên kinh thành Thăng Long luôn gợi nhắc đến hình ảnh rồng vàng bay lên trên một dải đất đồng bằng màu mỡ.
Chính truyền thuyết về sự xuất hiện đầy uy nghi, rực rỡ của rồng vàng trên đất Thăng Long từ thuở dời đô của Lý Công Uẩn đã gắn kết sự ra đời của Thăng Long thành với biểu tượng rồng, khắc sâu mối quan hệ ấy trong tâm thức người Việt dưới sự thôi thúc của quán tính văn hóa qua nhiều thế hệ. Có lẽ, bởi sự trì níu của quán tính văn hóa mà ít ai thử ngẫm lại, liệu biểu tượng rồng xuất hiện trong truyền thuyết dựng kinh thành Thăng Long có xuất phát điểm từ dân gian như lẽ thông thường? Khảo sát lại những truyền thuyết về rồng trên mảnh đất kinh kỳ là một cách chúng tôi thử đánh giá lại vấn đề này.
Trước hết, nguồn tư liệu mà chúng tôi lựa chọn để khảo sát truyền thuyết rồng Thăng Long là sách sử và truyện dân gian. Những mầu chuyện ít nhiều mang màu sắc huyền hoặc còn rơi rớt lại trong những cuốn sách chép sử xưa đều được chúng tôi coi là truyền thuyết, bởi lẽ bản chất của thể loại này chính là sự xâu chuỗi những mẩu nhỏ, vụn vặt của các sự kiện lịch sử trong ánh sáng hoang đường. Lần theo nguồn tư liệu đã xác định, những mẩu truyền thuyết về rồng trên đất Thăng Long mà chúng tôi tìm thấy tương đối ít ỏi. Trong số các truyền thuyết này, rồng thường chỉ là một hình ảnh đột xuất chứ chưa phải là nhân vật chính. Bắt đầu từ những mẩu truyền thuyết về việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra đất Long Biên – nơi “có thế rồng cuộn hổ ngồi”, là “thượng đô của kinh sư muôn đời”, hình ảnh rồng vàng luôn chỉ xuất hiện một cách đột ngột: “Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long”[1]. Hoặc trong truyện Hồ tinh: “Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên, đời thượng cổ chưa có người ở. Đến đời vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở sông Nhị Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, nhân đó mới đặt tên là Thăng Long và đóng đô ở đấy, tức là kinh thành ngày nay vậy”[2].
Khảo xét thêm những truyền thuyết khác của đất Thăng Long, chúng ta càng thấy rõ rồng vàng chỉ là hình ảnh bổ trợ, gia tăng uy lực cho vương quyền và thần quyền. Rồng là linh vật của vua chúa và thần linh. Thần Long Đỗ xuất hiện trong hình ảnh của “một người Tiên cỡi rồng vàng, đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất”[3]. Để đánh giá một cách chính xác hơn về mối quan hệ của biểu tượng rồng với vương quyền các triều đại phong kiến, chúng tôi đã thử khảo sát sự xuất hiện của rồng trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Kết quả khá bất ngờ, trong bộ sử mà các yếu tố hoang đường vẫn còn cài lẫn với các sự kiện lịch sử có thật này, hình ảnh rồng xuất hiện 20 lần ở hầu khắp các triều đại (trừ thời nhà Trần), quy tụ chủ yếu ở vương triều Lý với mật độ xuất hiện dày đặc (13 lần). Rồng thường xuất hiện cùng với sự xuất hiện của vua trong những sự kiện đặc biệt, khác thường (dời đô, đi chinh phạt, xa giá…) hoặc trong những dịp hội hè của kinh đô; rồng cũng có khi xuất hiện trong cung vua như là điềm báo… Với những chi tiết trên đây, chúng ta có thể xác nhận rằng, rồng trên đất Thăng Long là hình ảnh đại diện cho quyền uy tối thượng của các vị vua và dường như, Lý Thái Tổ chọn được đất Thăng Long làm kinh đô cũng đồng thời với việc con rồng tìm được nơi đắc địa để phô diễn sức mạnh vương quyền. Trước đời Lý, hình ảnh rồng cũng xuất hiện nhưng rất thảng hoặc, ít tập trung. Nói khác đi, triều đại nhà Lý có thể coi là triều đại của rồng – những con rồng tràn đầy sinh khí quyền lực đế vương.
b. Rồng Thăng Long – hồn vía và tính cách
Thật khó để có thể đặt ra vấn đề tính cách rồng trong truyền thuyết với tình trạng hầu như “bất động” của rồng Thăng Long trong những mẩu truyền thuyết hiếm hoi chúng tôi đã tìm thấy. Như đã xác nhận ở trên, con rồng Thăng Long là con rồng của vương quyền và nó chỉ xuất hiện như một hình ảnh tượng trưng cho các vị vua. Chính điều này đã đóng đinh rồng Thăng Long trong một nét tính cách cố định, đó là sự uy nghi, ngạo nghễ đậm chất dương tính - được hun đúc trong ánh sáng quyền lực của các vương triều phong kiến. Vì vậy, để khám phá biểu tượng rồng ở vẻ đẹp sống động, đa sắc của nó, chúng tôi không thể chỉ dừng lại ở bộ phận truyền thuyết rồng Thăng Long mà sẽ mở rộng phạm vi tư liệu là các truyền thuyết dân gian nói chung. Qua đó, chúng ta cũng sẽ phần nào hình dung được nguồn gốc và các lớp văn hóa đã được bao phủ lên biểu tượng rồng Thăng Long, hay nói khác đi, rồng Thăng Long sẽ lộ diện hoàn toàn từ gốc rễ phát sinh cho đến hình ảnh hoàn thiện.
Trong những tư liệu mà chúng tôi tiếp cận, một đôi khi, rồng hiện ra trong tư thế hoạt động. Ví dụ, kể về chuyện Đinh Bộ Lĩnh đánh nhau với người chú, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi ấy vua còn ít tuổi, binh thế chưa mạnh, thua chạy, khi qua cầu Đàm Gia Loan, cầu gãy bị sa xuống bùn, người chú muốn lấy giáo đâm, thấy có hai con rồng vàng che đỡ, sợ lùi lại”[4]. Hành động che chở cho vua từ thuở còn chưa lên ngôi dù đã ít nhiều thể hiện tính cách của rồng, song thực ra, hành động ấy cũng chỉ là một hành động phụ trong câu chuyện, mang tính dấu hiệu hơn là tính bộc lộ. Hình ảnh hai con rồng che chắn cho Đinh Bộ Lĩnh chính là điềm báo về sự ra đời của một vương triều mới dưới sự trị vì của một ông vua mới. Hai con rồng ấy cũng là tiền đề cho sự xuất hiện của rồng Thăng Long ở cùng một mẫu tính cách.
Như vậy, có thể gói gọn lại, con rồng xuất hiện trong truyền thuyết Thăng Long là con rồng tiêu biểu của hình ảnh một linh vật đồng hành cùng các vương triều phong kiến. Nó xuất hiện trong một dáng vẻ uy nghiêm, rạng rỡ và phô trương dương tính. Sở dĩ chúng tôi cho rằng rồng Thăng Long đậm tính dương là bởi lẽ, nó luôn luôn xuất hiện trong không gian khoát hoạt, rộng lớn; với tư thế phô diễn quyền uy; với màu sắc mạnh, mang tính hướng dương (vàng, đỏ). Rồng Thăng Long lại luôn tượng trưng cho sức mạnh và cái Thiện, không có tính cách hai mặt mâu thuẫn. Do đó, rồng Thăng Long chính là đại diện đặc biệt cho con vật linh thiêng của mọi vương triều phong kiến. Hồn vía của nó toát ra từ cái khí vị vương quyền.
Như đã nói ở trên, để bóc tách các lớp văn hóa của biểu tượng rồng Thăng Long, chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá biểu tượng rồng trong kho tàng truyền thuyết dân gian từ cái nhìn đối sánh. Đến với kho tàng truyện dân gian, chúng ta sẽ thấy rồng hiện lên với nhiều màu vẻ hơn chứ không còn bị đóng chặt trong khuôn mẫu cố định của vương quyền. Rồng đã thoát xác từ hình ảnh lẫm liệt, đầy uy lực nhưng gần như bất động để trở thành biểu tượng sống động với nhiều nét tính cách bình dân hơn và người hơn. Từ hình ảnh một linh vật của triều đình phong kiến, rồng thoắt biến thành hình ảnh của một thần nhân trong truyền thuyết dân gian với xu hướng gắn bó chặt chẽ hơn với con người. Rồng và người đã trở nên là một trong truyền thuyết Chuyện vị thần ở Lân Đàm[5]. Ở truyền thuyết này, rồng xuất hiện linh hoạt dưới lốt người, hành động dũng cảm, chí tình chí nghĩa để cứu dân thoát khỏi nạn hạn hán. Quay về với truyền thuyết cổ xưa hơn Lạc Long Quân và Âu Cơ, rồng không chỉ mượn lốt người mà còn chính là hiện thân của nguồn gốc tộc người. Dân gian cho rằng sự kết hợp của bố Rồng và mẹ Tiên đã tạo nên dân tộc Việt.
Đồng thời với xu hướng gần gũi hơn với con người, rồng trong truyền thuyết dân gian còn có xu hướng phô diễn nhiều hơn những phép mầu linh thiêng. Nếu con rồng của vương triều phong kiến, mà tiêu biểu là rồng Thăng Long chỉ hiện diện như những điềm báo thì rồng trong truyền thuyết dân gian nói chung lại cụ thể hóa những điềm báo ấy bằng hành động cụ thể. Rồng có phép làm mưa (truyện Chuyện vị thần ở Lân Đàm) và rồng xuất hiện trong vai trò cụ thể là vị vua dưới nước - Long quân, có quyền phép điều khiển các loài vật ở thủy phủ (truyện Sự tích hồ Gươm[6]). Chính dân gian với trí tưởng tượng phong phú đã “cấp” cho biểu tượng rồng những nét tính cách sống động, vừa gần gũi, vừa xa lạ, vừa là vị thần tối linh, vừa là giống loài cội rễ của con người.
Một nét đặc biệt nữa phân biệt con rồng của vương quyền với con rồng của dân gian là sự phân định giới tính. Trong khi con rồng của các triều đại phong kiến chỉ xuất hiện với hình hài lẫm liệt mà không được định tính thì con rồng của dân gian lại bước đầu được xác định rõ giới tính, hệ quả của sự gắn bó, hòa quyện với con người. Con rồng mang tính đực của dân gian rất phù hợp với con rồng mang tính dương – biểu tượng của các vương triều phong kiến. Vẫn nằm trong luồng dương khí, con rồng của dân gian luôn hiện thân cho cái đẹp và cái thiện.
Như vậy, từ biểu tượng rồng Thăng Long – đại diện tiêu biểu cho con rồng của vương quyền đến biểu tượng rồng của dân gian đã có những biến đổi đáng kể dẫn đến những nét khác biệt nhất định. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi tiếp tục khám phá, bóc tách các lớp văn hóa của biểu tượng rồng, bắt đầu từ rồng Thăng Long.
2. Bản nguyên Rồng trong truyền thuyết các dân tộc bản địa
a. Dân tộc Việt trong mối quan hệ với các dân tộc thiểu số trên đất Việt xưa
Bước chuyển từ rồng Thăng Long – đại diện cho con rồng của các vương triều phong kiến đến rồng dân gian – con rồng của trí tưởng tượng bình dân đã được nhận diện trên đây vẫn chỉ là khám phá trong giới hạn các truyền thuyết của dân tộc Việt. Để tìm đến cái lõi cuối cùng của biểu tượng rồng trong tâm thức dân gian, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu sang bộ phận truyền thuyết của một số dân tộc thiểu số có mối quan hệ gắn bó mật thiết từ xa xưa với dân tộc Việt như: Mường, Tày, Thái... Bởi đang lần tìm về bản nguyên của biểu tượng rồng, chúng tôi quay trở lại thời gian mà bờ cõi nước Việt, chỉ tính từ Hà Tĩnh trở ra. Điều này liên quan đến việc lựa chọn các dân tộc thiểu số phù hợp để nghiên cứu đối sánh với dân tộc Việt. Sau đây, chúng tôi sẽ gọi các dân tộc này cùng với dân tộc Việt là các dân tộc bản địa. Nắm bắt được sự kết nối văn hóa diễn ra giữa các dân tộc bản địa sẽ giúp chúng ta phần nào hình dung được những giao thoa, thay đổi, chuyển biến trong các biểu tượng văn hóa của mỗi tộc người.
Như chúng ta đã biết, dân tộc Mường là cư dân bản địa “có chung nguồn gốc với người Việt và cùng nằm trong ngôn ngữ Việt – Mường, nhưng lại ảnh hưởng của văn hóa Thái”[7], do vậy, mối quan hệ Việt – Mường – Thái đã được xác lập từ lâu và dĩ nhiên, các dân tộc này cũng đã trải qua một quá trình tiếp biến văn hóa lâu dài. Dân tộc Tày thuộc hệ ngôn ngữ Tày – Thái cũng được xác nhận là “chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt – Hán khá rõ nét”[8]. Sự gắn kết giữa các dân tộc bản địa sẽ tạo ra những giá trị văn hóa mang tính tiếp biến, giao thoa. Biểu tượng rồng – một biểu tượng đặc biệt được xây đắp không chỉ bằng sức mạnh của vương quyền mà còn bởi sức sáng tạo của dân gian dân tộc Việt chắc chắn sẽ có dấu vết nào đó trong văn hóa các dân tộc bản địa khác. Khảo sát bộ phận truyền thuyết của các dân tộc Mường, Tày, Thái, chúng tôi hy vọng tìm thấy những vết dấu còn lưu lại của biểu tượng rồng – hệ quả tất yếu của quá trình giao thoa văn hóa.
b. Rồng và những biến thân của rồng trong truyền thuyết dân tộc bản địa
Chúng tôi đã khảo sát hình tượng rồng trong truyền thuyết các dân tộc bản địa được xác định trên đây thông qua kho tư liệu quý giá là các bộ tổng tập truyện kể dân gian, đặc biệt là tổng tập truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số[9]. Kết quả khảo sát thật bất ngờ, không có một truyền thuyết nào của dân tộc Mường, Thái xuất hiện hình tượng rồng, duy chỉ có một truyền thuyết của dân tộc Tày xuất hiện hình ảnh con rồng (Truyện Nông Trí Cao)[10]. Tuy việc khảo sát không đem lại một kết quả đồng nhất hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể tạm thời kết luận rằng: truyền thuyết các dân tộc Mường, Tày, Thái về cơ bản hầu như không có biểu tượng rồng. Để kết luận này được xác nhận chính thức, chúng tôi cần thiết phải lý giải hiện tượng xuất hiện đơn lẻ của hình ảnh (chứ không phải hình tượng) con rồng trong một truyền thuyết duy nhất của dân tộc Tày.
Truyện Nông Trí Cao là truyền thuyết ca ngợi võ tướng người Tày Nông Trí Cao – người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại quân Tống vào thời nhà Lý (thế kỷ XI). Trong truyền thuyết này xuất hiện rất nhiều chi tiết lạ, mang tính điềm báo (con ngựa trắng trụi lông biết bay, mặt trời mọc ba lần một ngày…) và chi tiết “Nông Trí Cao trông thấy một đám mây đen từ trên trời cao sa xuống, ôm lấy lưng con ngựa của mình… thấy đám mây kia là con rồng”[11] cũng là một chi tiết được khoác tấm áo hoang đường, nhằm gợi lên điềm lạ về con người Nông Trí Cao. Chức năng điềm báo của hình ảnh rồng trong Truyện Nông Trí Cao rất giống với chức năng của con rồng Thăng Long mà chúng tôi đã nhận định trong phần đầu tiên. Thật trùng hợp, Nông Trí Cao cũng là một nhân vật của thời Lý – thời đại của rồng. Phải chăng, với sức mạnh vương quyền thời Lý, hình ảnh con rồng đã có khả năng lây lan đến dân tộc Tày? Cũng bởi vì Nông Trí Cao tuy là người Tày nhưng lại được nhà nước phong kiến công nhận là anh hùng cho nên các mẩu truyện về nhân vật này đã ít nhiều có sự hòa trộn văn hóa của hai tộc Việt – Tày. Cách nhìn nhận vấn đề như thế cũng phù hợp cho việc lý giải sự tồn tại đơn nhất của hình ảnh rồng trong truyền thuyết Tày – một bộ phận truyền thuyết được đánh giá là tương đối phong phú[12].
Sự tồn tại cùng nguồn gốc (Việt – Mường) hay song hành trên một chặng đường lịch sử dài lâu (Việt – Thái – Tày) chắc chắn sẽ để lại những dấu vết văn hóa tương đối rõ trên từng bộ phận văn hóa tộc người qua quá trình tiếp biến, giao lưu, dù các bộ phận văn hóa ấy có khép kín và bảo lưu các giá trị kiên cố đến đâu. Rồng là biểu tượng văn hóa lớn của dân tộc Việt – dân tộc trung tâm song lại hầu như không lưu lại chút vết dấu nào trên các bộ phận văn hóa tộc người bản địa khác, điều này dẫn chúng tôi đến với một kết luận có tính hệ quả. Sự vắng bóng của biểu tượng rồng trong truyền thuyết các dân tộc bản địa cho thấy biểu tượng này xuất hiện muộn và có khả năng được hình thành do sự biến thân từ một biểu tượng gốc hoặc được du nhập từ các nền văn hóa ngoại lai.
Trong tâm thức dân gian Việt Nam, rồng vốn là vua nước, cai quản thủy phủ. Dựa vào vai trò đã được xác định ấy của rồng, chúng tôi mở rộng tìm kiếm tới những con vật xuất hiện trong truyền thuyết với tư cách đại diện cho sông nước, hy vọng sẽ xác minh được bản nguyên của rồng trong nền văn hóa bản địa. Truyền thuyết của các dân tộc bản địa đều có sự hiện diện những loài vật biểu trưng cho nước, cho sức mạnh thần thánh của sông nước, như: rắn, thuồng luồng, khú, giao long, mãng xà… Theo nhận định của chúng tôi, dù xuất hiện dưới nhiều tên gọi khác nhau nhưng thực chất, các loài vật hiện thân cho đời sống sông nước được nói đến trong truyền thuyết các dân tộc bản địa đều là rắn hoặc phái sinh từ rắn. Do đó, từ đây, chúng tôi mạn phép đồng nhất những loài vật được nhắc đến trên đây với rắn.
Nếu trong truyền thuyết dân gian, rồng xuất hiện rất thảng hoặc, thì rắn, giao long, thuồng luồng,... lại xuất hiện dày đặc (Rắn báo oán, Ông Dài ông Cộc hay là sự tích thần sông Kỳ Cùng, Sự tích đầm Mực, Đại vương Hai hay là truyện giết thuồng luồng; Truyện Quán Triều – Đà Quận, Thằng Cụt, Cây đa và cây lội, Họ Hà và con chim quốc…). Điều đáng lưu ý là trong một số truyện kể của dân tộc Việt, chúng tôi đã nhận thấy manh nha dấu hiện biến thân từ rắn đến rồng. Truyện Rắn cụt đuôi kể: “Một người ở làng kẻ Nhoi, xã Yên Đổ đi thuyền ra sông chài lưới, tự nhiên được một cái trứng, đưa về cho gà ấp nở ra một con rắn có mào đỏ. Người ấy mấy lần bỏ xuống sông, nó lại theo về nhà, đành phải nuôi như con. Rắn càng lớn trông như rồng”[13]. Trong mẩu chuyện này, chúng ta mới chỉ thấy một sự so sánh của dân gian giữa rắn và rồng, nhưng đến truyện Người đàn bà lấy rồng thì dân gian đã thực sự thể hiện một quá trình biến thân từ rắn đến rồng: “Một ông vua không có con nối dõi, một đêm đi dạo vườn thấy một con rắn mẹ và một ổ rắn con. Thấy vua than thở nỗi không con, một rắn con theo vua về. Từ đó hoàng hậu có mang đẻ ra một con rắn xanh, mắt sáng như ngọc. Nó lớn như thổi, chỉ ba ngày hóa thành rồng”[14].
Ở một cấp độ cao hơn – cấp độ truyện kể chứ không phải cấp độ chi tiết, chúng tôi cũng nhận thấy có sự hoán đổi giữa rắn và rồng. So sánh hai truyền thuyết Chuyện vị thần ở Lân Đàm và Sự tích đầm Mực, có thể thấy thực chất hai truyền thuyết này kể về một chuyện, hay có thể gọi chúng là những dị bản của cùng một cốt truyện. Sự khác biệt lớn nhất của hai mẩu truyện trên chính là ở nhân vật. Từ nhân vật là con thuồng luồng ở truyện Sự tích đầm Mực, đến Chuyện vị thần ở Lân Đàm đã trở thành con rồng. Việc xác định truyện nào là bản chính và truyện nào là dị bản là điều bất khả. Tuy nhiên, hiện tượng chuyển hóa nhân vật trong hai mẩu chuyện trên đây cũng đã cho chúng ta một cơ sở để bàn đến chuyện: rồng có thể là một biến thân đặc biệt của rắn.
c. Rồng có phải là tô tem và tín ngưỡng của dân gian bản địa?
Để xác minh độ bám rễ của biểu tượng văn hóa trong lòng dân gian, chúng tôi đặt ra câu hỏi, liệu rồng có hiện diện trong đời sống dân gian như một tô tem và rồng có được thờ phụng như một tín ngưỡng của người Việt? Đây cũng là một trong những lý do mà chúng tôi lựa chọn khảo sát biểu tượng rồng trong thể loại truyền thuyết, bởi lẽ, truyền thuyết là thể loại có mối quan hệ hữu cơ với lễ hội và tín ngưỡng dân gian. Một biểu tượng văn hóa chỉ thực sự xác lập được chỗ đứng vững chãi và lâu đời trong lòng dân gian khi sống bằng nguồn sinh khí được bồi tụ liên tục bằng các hoạt động tín ngưỡng với những hành động thờ phụng, cầu cúng – những hành động mang tính chất trao đổi tinh thần, tâm linh giữa người và thần, người và linh vật. Nếu rồng thực sự là biểu tượng văn hóa gốc của cư dân bản địa, chắc chắn, việc thờ phụng sẽ cực kỳ phổ biến. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này trong cái nhìn đối sánh hai biểu tượng rồng và rắn.
Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã khẳng định cư dân Việt cổ có tục thờ thủy thần như một sự bảo đảm cho nền văn minh lúa nước. Rồng và rắn đều là hiện thân cho thần nước, cho sức mạnh của nước song qua khảo sát, chúng tôi hầu như không thấy có đền thờ rồng và tục thờ thần rồng trong khi đền thờ rắn và tục thờ rắn lại xuất hiện ở khắp nơi và hầu khắp các dân tộc bản địa. Trong truyền thuyết Chuyện vị thần ở Lân Đàm, người kể chuyện cho rằng rồng được coi là thần và được thờ phụng ở đền đặt tại xã Lân Đàm, huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì). Nhưng trong truyền thuyết Sự tích đầm Mực, nhân vật được thờ tại miếu Gàn do nhân dân lập nên lại là hai con thuồng luồng. Với tình trạng bất nhất do dị bản như vậy, khả năng rồng được dân gian thờ phụng hầu như không tồn tại.
Hoàn toàn đối nghịch với biểu tượng rồng, rắn lại là linh vật quen thuộc của cư dân bản địa, được thờ phụng tại rất nhiều địa phương. Người Việt thường lập miếu, đền, đình ở gần nguồn nước như: các bến sông, cửa sông, các suối, khe để thờ rắn như một vị thủy thần. Ngay trên đất Thăng Long, “dấu tích của rắn thấy khắp mọi nơi: ở Lệ Mật phía Đông, ở Dịch Vọng phía Bắc, và ở Linh Lang, ngay chính giữa Kinh đô”[15]. Các truyền thuyết ven Hồ Tây như: Thánh Vọng Thị, Thánh Trấn Vũ, Thánh Linh Lang[16] đều có sự góp mặt của biểu tượng rắn với khả năng biến hóa khôn lường. Truyền thuyết về Mục Thận - người dân chài cứu vua Lý Thái Tông khỏi nạn hổ vồ (tương truyền là thái sư Lê Văn Thịnh hóa thành) trên hồ Dâm Đàm cũng thấp thoáng hình tượng rắn. Đền thờ ông “rất thiêng, có một con rắn ở trong hốc cột bên đền, cứ ngày rằm mống một lại ra nằm dưới chân tượng, nhân dân vào lễ, qua lại như thường, chỉ có người nào bẩn thỉu mà vào thì bị rắn cắn”[17]. Hoặc câu chuyện về vị thần ở cửa sông Thiên Mạc, hình tượng rắn cũng là hình tượng chính, gợi lên không khí huyền bí: “Tại đền cứ mỗi tháng đến ngày rằm, lại thấy có con rắn mào vàng, từ ngoài sông bò vào nằm cuộn trước bàn thờ. Dân làng bèn tôn thần là Minh chủ phúc thần”[18]. Ở Hà Nam – nơi có nhiều ao hồ hiện còn nhiều đình, đền, miếu mạo thờ thần rắn như: đền Lảnh Giang, đền Cửa Sông, đình làng Văn Xá… Mỗi ngôi đền đều gắn với một truyền thuyết về rắn[19]. Nhà dân tộc học Hoàng Lương trong bài Tín ngưỡng thờ thuồng luồng của các dân tộc nói tiếng Thái ở Việt Nam đã nhận định rằng: “trong tín ngưỡng và văn học dân gian của các cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam, hình tượng thuồng luồng (tô ngược) là một biểu tượng tiêu biểu, nổi trội mang tính đặc trưng tộc người”[20]. Cũng trong bài viết này, ông viện dẫn ra những chứng cứ minh chứng rằng, thuồng luồng được xem là thần linh hoặc tổ tiên và là một tín ngưỡng của các tộc người nói tiếng Thái ở Việt Nam. Người Thái ở nhiều vùng (Nghệ An, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang…) coi thuồng luồng là thần nước (phi nặm) và cũng là ông tổ của mình. Họ thường tổ chức các nghi lễ thờ cúng định kỳ (theo mùa, theo năm) và khi xảy ra những sự kiện bất thường (trời hạn hán, đói kém, mất mùa…).
Tại các đền miếu thờ thần rắn (thuồng luồng, giao long), nhân dân vẫn còn tiếp tục lưu giữ các tục lệ, các trò chơi dân gian liên quan đến nước như: tục rước nước (hay tục cúng thần bó nặm – mỏ nước), tục đua thuyền. Sự tồn tại của những đền, miếu thờ rắn tại nhiều địa phương và ở nhiều dân tộc khác nhau cho phép chúng ta khẳng định rắn là một biểu tượng gốc nằm trong hệ tín ngưỡng thờ thủy thần của cư dân bản địa.
Và như vậy, chúng tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi được đặt ra ở phần đầu tiểu mục. Dù xuất hiện như một linh vật tỏa sáng quyền năng của các triều đại phong kiến, rồng lại hầu như không được thờ phụng trong dân gian, do đó, chúng tôi khó lòng có thể xác nhận đây là biểu tượng gốc của cư dân bản địa, biểu trưng cho thần nước. Thay vào đó, qua cái nhìn đối sánh với biểu tượng rắn, chúng tôi cho rằng, đây mới là biểu tượng gốc của tục thờ thần nước. Nhận định này rất tương thích với những kết luận tạm thời ở các phần trên: rồng trong tâm thức dân gian có khả năng là một biến thân từ rắn.
3. Rắn đến Rồng - biến thân và biến tính
Từ nhận định đã rút ra ở phần trên đây, chúng tôi tiếp tục phân tích quá trình hình thành nên biểu tượng rồng Thăng Long từ biểu tượng gốc – rắn, hay thực chất là quá trình biến thân và biến tính của biểu tượng rắn để tạo nên biểu tượng rồng. Những biểu hiện đa dạng, phong phú của biểu tượng rắn và rồng cũng như những nét khác biệt lớn giữa hai biểu tượng này trong hệ thống các truyền thuyết đã dẫn chúng tôi đến với con đường chuyển hóa biểu tượng rất đặc biệt, đánh dấu vai trò và sức mạnh lớn lao của văn hóa dân gian đối với quá trình thu hút văn hóa về chốn thượng kinh.
a. Xu thế đơn tính hóa
Trong truyền thuyết, nếu rồng chủ yếu xuất hiện với tư cách là nhân vật chức năng, với biểu hiện đơn nhất “là sức mạnh thần thánh, sáng tạo, xếp đặt,… là biểu tượng của đế vương”[21], thì rắn lại xuất hiện với những biểu hiện đa dạng, biến hóa, thậm chí nhiều khi còn ở trạng thái đầy đối nghịch, mâu thuẫn. Rắn là con vật có thật, rất gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp. Những nhận thức thực tế về rắn đã mang đến cho cư dân bản địa một kho chất liệu phong phú để xây đắp nên biểu tượng rắn trong tâm thức dân gian. Vẻ đa dạng, tính thiên biến vạn hóa của rắn trong truyền thuyết cũng khởi nguồn từ cơ sở ấy.
Rắn là biểu tượng đa nghĩa, đa diện trong văn hóa Việt Nam. Trong nó luôn đồng hành tồn tại các mặt đối lập như những thuộc tính bản thể tự nhiên nhất. Rắn vừa là “hiện thân cho tâm hồn hạ đẳng, cho cái tâm tăm tối”[22] với tính dữ dằn, hung hãn lại vừa là hiện thân cho cái thiện, cái đẹp với những biểu hiện nhân tính như: biết trả ơn, có tình có nghĩa. Những mặt đối lặp của biểu tượng rắn được thể hiện rất rõ trong các truyền thuyết dân gian. Hiện lên trong các truyền thuyết Rắn báo oán, Ông Dài ông Cộc hay là sự tích thần sông Kỳ Cùng, Rắn cụt đuôi, Cây đa và cây lội…là hình tượng con rắn hung tợn hoặc ác tâm, chuyên làm hại dân lành, phá phách đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta lại gặp hình tượng con rắn với bản thể thiện nhân từ, xả thân cứu dân lành, đầy tiết nghĩa trong truyền thuyết Sự tích đầm Mực, Họ Hà và con chim quốc, Bà Khó (Thằng nghèo), Sự tích lễ hội Bưa Lừa[23]…Sự song hành của bản thể thiện và bản thể ác trong biểu tượng rắn đã chứng tỏ tính đa diện của biểu tượng này từ trong bản chất.
Và đúng như các tác giả của cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã nhận định, “rắn sử dụng giới tính cũng giỏi như sử dụng mọi sự đối lập; nó là đực mà cũng là cái”[24], rắn trong tâm thức dân gian Việt Nam cũng là con vật có phân biệt giới tính rất rõ ràng. Tính đực của rắn thường biểu hiện trong truyền thuyết ở các motif: rắn đòi cống nộp con gái, rắn bắt phụ nữ (Ông Dài ông Cộc hay sự tích thần sông Kỳ Cùng), rắn giao tranh tranh chấp địa bàn sông nước (Truyện thần rắn Cuống[25]). Tính cái của rắn lại bộc lộ trong truyền thuyết ở motif: rắn mẹ xin người cứu giúp cho đàn con (Rắn báo oán). Biểu tượng rắn trở nên biến hóa với nhiều sắc diện, nhiều màu vẻ tính cách khác nhau, thể hiện qua nhiều motif khác nhau một phần nhờ vào sự phân biệt giới tính rõ ràng như vậy.
Trong khi biểu tượng rắn hiện lên trong truyền thuyết với tính biến hóa khôn lường giữa các mặt đối lập, các ranh giới phân biệt giá trị thì biểu tượng rồng lại có xu hướng đơn nhất giới tính, đơn nhất tính cách để tập trung khuyếch đại sức mạnh sao cho vừa vặn với chiếc áo chức năng phục vụ vương quyền. Giã biệt những biểu hiện sống động mang tính bản thể tự nhiên, giã biệt những cặp phạm trù tất yếu của đời sống thực, rồng tìm đến con đường đơn nhất hóa như một cách để đạt đến tầm cao của biểu tượng cho quyền lực đế vương. Quả vậy, từ rắn đến rồng là quá trình biến đổi ghê gớm từ một con vật sinh động với muôn mặt đối lập đến một con vật chỉ sở hữu duy nhất một tính cách; từ một con vật có thật, cụ thể đến một con vật của trí tưởng tượng, của thế giới trừu tượng.
b. Xu thế hướng dương
Nếu rồng là con vật toát lên dương tính – một đặc tính phù hợp với chức năng cơ bản của nó là phô diễn sức mạnh vương quyền của các triều đại phong kiến thì rắn lại là con vật mang âm tính. Trong bầu không khí của truyền thuyết, rắn xuất hiện như một biểu tượng của tính âm, thể hiện qua tính cách, đời sống của rắn và ngay cả cách dân gian thờ phụng rắn.
Trước tiên, rắn là con vật có đời sống dưới nước, dưới đầm lầy. Hơn thế nữa, rắn “là thần của nước khởi nguyên, nó là thần của tất cả các loại nước”[26]. Các mẩu truyền thuyết đều miêu tả những cuộc giao tranh, cuộc sinh nở hay cuộc cứu nạn của rắn gắn liền với sông nước, trong khi rồng luôn được miêu tả trong tư thế ngạo nghễ ở trên cao, giữa không gian khoáng đạt. Nếu rồng xuất hiện trong hai màu sắc vàng – đỏ (màu biểu thị dương tính) thì rắn lại được miêu tả với những màu sắc thiên về âm tính (đen, xanh). Rắn lại là biểu tượng gốc của tục thờ thủy thần của cư dân nông nghiệp bản địa – những cư dân vốn có tín ngưỡng thờ Mẫu, trọng tính âm. Chúng tôi cho rằng, tục thờ thủy thần chính là một phong tục nằm trong trường tín ngưỡng thờ Mẫu – thờ phụng những nguồn sống tự nhiên, có khả năng đem đến sự sinh sôi, nảy nở. Trong đời sống sơ khai buổi đầu, sự nhất quán của ý thức tộc người của người Việt cổ được thể hiện ra bằng sự gắn kết hữu cơ của các tập tục. Hẳn rằng, mọi phong tục, tín ngưỡng đều được phát khởi từ một cái gốc ý thức chung, vậy nên, chúng thuộc cùng một trường ý thức là điều tất yếu. Ngày nay, dấu vết của sự liên kết tín ngưỡng ấy không chỉ được lưu lại ở phương diện tinh thần mà còn được hiển hiện ra ở phương diện vật chất với hiện tượng phối tự ở các ngôi đền. Như vậy, xác nhận tính âm của biểu tượng rắn cũng chính là việc trả mẫu gốc ấy về với cội nguồn tâm thức dân gian bản địa.
Rắn là một biểu tượng phổ biến trong các nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Tuy mỗi nền văn hóa sẽ ấn định vào biểu tượng rắn một số nét đặc trưng mang tính tộc người, song về cơ bản, chúng ta sẽ tìm thấy những điểm tương đồng trong cách nhận thức biểu tượng này. Âm tính chính là một trong những biểu hiện tương đồng ấy của ý thức con người ở các nền văn hóa khác nhau khi thức nhận về rắn. Jean Chevalier và Alain Ghreerbrant trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã xác nhận rằng: “tính phổ cập của các truyền thuyết coi rắn là chúa tể của phụ nữ, vì nó là chúa tể của sự phì nhiêu, đã được chứng minh đầy đủ bởi Esliade, Krappe và nhiều nhà dân tộc học chuyên nghiên cứu về từng lục địa, như Bauman người đã nhấn mạnh rằng ở Châu Phi đó là một nét đặc thù của các xã hội mẫu hệ”[27].
Cũng như rắn, rồng là một biểu tượng lớn và đa nghĩa của nhiều quốc gia phương Đông và phương Tây. Trong sự đa dạng của nhận thức nhân loại, rồng được coi là một biểu tượng có tính hai mặt: “rồng là dương với tư cách là dấu hiệu của sấm và mùa xuân, của hoạt động của trời; nó là âm với tư cách là chúa tể các vùng nước; nó là dương ở chỗ nó đồng nhất với ngựa, với sư tử; là âm ở chỗ nó là hóa thân của một con cá hay đồng nhất với con rắn; là dương với tư cách là nguyên lý phong thủy, là âm với tư cách là nguyên lý giả kim (thủy ngân)”[28]. Biểu tượng rồng trong tâm thức dân gian Việt Nam với xu thế đơn tính hóa, trừu tượng hóa đã đánh mất đi tính hai mặt ấy. Tuy nhiên, trong quá trình biến tính từ rắn, chúng ta vẫn còn thấy le lói một sự giằng co giữa tính âm và tính dương trong biểu tượng rồng. Cuộc bứt phá khỏi mẫu gốc – rắn cũng là sự dứt bỏ đời sống dưới thấp để hướng thượng; dứt bỏ tình trạng nhập nhằng của thiện và ác để hướng đến môi trường đồng nhất của cái đẹp, cái thiện; dứt bỏ đời sống tăm tối bình dân để hướng tới ánh sáng rạng rỡ của vương quyền. Đó là cả một quá trình chuyển mình của rồng trong xu thế hướng dương.
Vậy, từ rắn đến rồng là một quá trình biến tính rất mạnh mẽ và rõ rệt, đi từ cực này đến cực kia, từ tính âm đến tính dương. Xu thế hướng dương trong quá trình biến chuyển này rõ ràng mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo nên sự thay đổi bản chất của biểu tượng.
c. Rồng là sự biến thân một cách có ý thức từ Rắn
Quá trình biến tính đã được chúng tôi phân tích ở trên hiển nhiên dẫn đến sự biến thân hợp lý của biểu tượng rồng từ mẫu gốc rắn. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao biểu tượng rồng lại xuất hiện bằng con đường biến tính và biến thân từ rắn như vậy? Quá trình này hẳn nhiên là một quá trình có ý thức, được thực hiện dưới áp lực của một thứ quyền lực tinh thần đặc biệt, trong một quãng đoạn thời gian lâu dài và dưới một cơ chế văn hóa đặc thù. Chúng tôi đã bắt đầu hành trình khám phá biểu tượng rồng từ con rồng Thăng Long thời Lý Thái Tổ về đất Long Biên dựng nghiệp, vậy nên, để nắm bắt được cơ chế văn hóa đã tạo ra con đường biến thân từ rắn đến rồng, có lẽ ta cũng nên quay trở về với điểm xuất phát đầy ý nghĩa này.
Như chúng ta đều biết, một vị vua quyết định dời đô không phải chỉ đơn giản vì tìm thấy mảnh đất mới hội đủ các điều kiện địa – văn hóa tuyệt vời cho vương triều mình. Quan trọng hơn, vị vua ấy muốn đánh dấu cho cơ nghiệp của gia tộc mình bằng một nơi chốn mới – nơi có thể khiến nhân gian quên đi triều đại cũ và tưởng như triều đại của ông ta là khởi nguyên. Đồng thời với việc dời đô, các vị vua thường khẳng định quyền lực của mình bằng cách quy tụ các giá trị văn hóa về dưới ngai vàng của mình, về với đất thượng kinh. Dù với phương thức nào (cưỡng áp hay thu phục), sức mạnh vương quyền của các triều đại phong kiến đủ tạo ra một cơn lốc xoáy, cuốn hút vào trung tâm của nó (chính là ngôi vua và đất kinh đô) muôn vàn giá trị văn hóa của các tầng lớp khác nhau, của những tộc người bản địa khác nhau. Chúng ta không xa lạ gì với những cuộc chinh phạt vùng đất mới đi kèm với hành động cưỡng áp hay thu phục văn hóa trên đất ấy của các vị vua chúa ngày xưa. Các vị vua của vương triều Lý (như Lý Thánh Tôn, Lý Cao Tôn…) đều sùng mộ các khúc nhạc và điệu trống của Chiêm Thành, từng ban chiếu chỉ sai nhạc công chế các khúc nhạc Chiêm Thành để thưởng thức[29]. Cũng chính các triều đại phong kiến đã thu phục các vị thần của dân gian bằng hành động ban sắc phong, gia phong nhiều mỹ hiệu khác nhau qua từng thời đại. Thực chất, đó là việc thu phục thần quyền nhằm mục đích biến những vị thánh thần của dân gian thành thế lực bảo hộ cho vương quyền, phục vụ đắc lực cho việc củng cố quyền lực của ngôi vua và thuần hóa dân chúng.
Cơ chế thu hút giá trị văn hóa ấy của các triều đại phong kiến đã mở đường cho các biểu tượng dân gian biến hóa để trở thành biểu tượng của chốn cung đình. Con rồng Thăng Long đã trải qua nhiều lần lột xác để có được cái vẻ lộng lẫy, uy nghi như thế mà biểu dương lực lượng, phô diễn sức mạnh cho nhà nước phong kiến. Cởi lớp áo thứ nhất, con rồng ấy là con rồng của dân gian còn lưu lại vẻ sống động, hiện thân cho vị thần sông nước. Cởi lớp áo thứ hai, con rồng ấy đích thực là hiện thân của rắn với trùng điệp lớp nghĩa trong tâm thức dân gian. Quá trình lột xác của biểu tượng rồng Thăng Long chính là quá trình biến thân và biến tính từ biểu tượng rắn dưới cơ chế thu hút các giá trị văn hóa phục vụ cho vương triều phong kiến.
Việc lựa chọn rồng làm biểu tượng cho vương quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam là nguyên nhân trực tiếp tạo nên quá trình biến thân một cách có ý thức của biểu tượng rồng từ biểu tượng rắn. Tại sao các vị vua lại chọn con rồng trong số nhiều linh vật của cư dân bản địa (chim, rùa, cóc…) để làm con vật tượng trưng? Lý giải điều này, chúng tôi chưa tìm thấy lý do nào khác ngoài việc dân tộc Việt chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Hán qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Rồng Trung Hoa đã được khẳng định là một biểu tượng lớn của văn hóa thế giới, là đại diện tiêu biểu cho biểu tượng rồng của phương Đông. Chắc chắn, quá trình tiếp biến văn hóa giữa hai dân tộc Việt – Hán đã mở ra cánh cửa để biểu tượng rồng Trung Hoa hòa nhập vào dòng chảy của tín ngưỡng thờ rắn, thờ thủy thần có từ lâu đời trong đời sống tâm linh của người Việt.
Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin dừng lại ở việc khám phá con đường, cách thức và cơ chế văn hóa của quá trình biến thân từ rắn đến rồng. Những khám phá sâu xa hơn (về nguồn gốc của biểu tượng rồng trong văn hóa Việt Nam; về khả năng tiếp nhận biểu tượng rồng từ văn hóa Trung Hoa hay Ấn Độ…), chúng tôi tự thấy chưa đủ tư liệu để đưa ra kết luận cụ thể. Đó vẫn là những vấn đề còn bỏ ngỏ để giới nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu.
247
2304
21577
216000
0
114529304