Những góc nhìn Văn hoá

Những vấn đề về hòa hợp dân tộc sau cuộc chiến tranh Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị, nhưng lại giàu tính triết lý, gói trọn cả niềm tự hào, tựcường dân tộc của bao người dân đất Việt. Chiến tranh đã lùi xa trên đất nước Việt Nam kể từ thời khắc lịch sử 30/04/1975. Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, non sông thu về một mối. Bất luận ai thắng, ai thua trong cuộc chiến ấy thì cũng đều thấm thía nỗi đau, những mất mát hy sinh, sự chia rẽ dân tộc và sự tàn phá ghê gớm mà cuộc chiến tranh đã để lại trên dải đất hình chữ S.

Những người Việt Nam, sinh ra và lớn lên sau năm 1975, khi hòa bình được lập lại, có lẽ ai cũng cảm nhận về sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh, để đất nước được hòa bình, để cuộc sống được thanh bình như ngày hôm nay. Tuy nhiên, 40 năm sau chiến tranh, lằn ranh ngăn cách giữa người Việt Nam ở 2 bên bờ chiến tuyến, sau hàng chục năm vẫn còn đó… một bộ phận người Việt Nam vẫn còn ngăn cách về tình cảm, suy nghĩ, thậm chí vẫn còn lưu giữ hận thù…Vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn đang là nỗi niềm không chỉ của riêng những ai từng tham gia cuộc chiến ở mỗi phía mà còn đến từ những người Việt Nam sinh ra sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

“Không ai lựa cửa để sinh ra!”;“Không để quá khứ ràng buộc tương lai”... là những câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khái quát về tinh thần đại đoàn kết và hòa hợp hòa giải dân tộc, câu nói ấy đã đánh động đến suy nghĩ của nhiều người, không chỉ đối với người dân trong nước mà cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, khép lại quá khứ, hướng đến tương lai là trách nhiệm của tất cả những ai mang trong mình dòng máu Việt Nam. Hòa hợp, hòa giải dân tộc là khát vọng để đi đến sự đoàn kết thống nhất, tạo nên cội nguồn sức mạnh Việt Nam.

 

1. Đặt vấn đề

40 năm trôi qua kể từ ngày 30/04/1975, câu chuyện hòa hợp dân tộc cứ đeo đẳng trong tâm thức nhiều người và hầu như mỗi ngày mỗi gay gắt hơn. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao thì hiện nay có hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Quốc gia có nhiều người Việt nhất là Hoa Kỳ với trên 1,8 triệu người. Tất nhiên, trong số họ không phải tất cả đều liên quan đến vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, bởi vì lý do ra đi, định cư của họ khác nhau. Có thể thấy rằng dòng người Việt ra đi, định cư ở nước ngoài có mấy lý do chính: Di tản sau sự kiện 30/04/1975, “thuyền nhân”, ra đi có trật tự và xuất khẩu lao động. Trong số đó, hầu như chỉ có những người di tản sau chiến tranh Việt Nam mới đặt ra vấn đề hòa hợp dân tộc.

Thực tình mà nói, câu chuyện hòa hợp dân tộc không phải bây giờ mới nhắc đến. Ngay từ năm 1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương ở Vĩnh Linh, Quảng Trị đã đặt câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”… và ông đã trả lời: Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc[1].

Như vậy, hòa hợp dân tộc là một vấn đề có thể nói rằng không mới, đã được bàn đến rất nhiều kể từ sau năm 1975 tới nay. Nhưng những tiến triển của quá trình này vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hường, thậm chí là gây trở ngại, nhưng không có nghĩa là không thể, hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn đang diễn ra, và Tổ Quốc Việt Nam thân yêu vẫn giang rộng vòng tay đón chào những người con đã xa quê lâu ngày trở về. Đồng bào trong nước chưa bao giờ từ bỏ họ nếu họ thực sự muốn gắn kết.

Chúng ta biết rằng những biến cố trong quá khứ, những vấn đề do lịch sử để lại đã tác động tình hình chính trị xã hội nước ta. Với nhiều lý do khác nhau nên hiện nay chúng ta còn có một bộ phận đông đảo kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Có một bộ phận chưa thực sự hiểu biết rõ về chính sách về Đảng, Nhà nước, phần vì thiếu thông tin, vì bị những kẻ có thù hận, dã tâm chính trị, các thế lực thù địch lợi dụng để chống Việt Nam…nên việc hòa hợp dân tộc đang bị ảnh hưởng.

Có thể nói, giang sơn thu về một mối cách đây 40 năm, nhưng lòng người thu về một mối vẫn chưa trọn vẹn. Thế mới hay thành trì đất đai mới chỉ là một phần của giang sơn, phần còn lại là lòng người. Hòa hợp hòa giải dân tộc không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng mà còn tạo nên sức mạnh để xây dựng và phát triển đất nước.

2. Cuộc chiến tranh 21 năm (1954-1975)

2.1. Người Mỹ dựng lên chế độ Việt Nam Cộng Hòa

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ (1954-1975) là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất thế kỷ 20. Xét về quy mô lực lượng tham gia, phương tiện chiến tranh hiện đại được huy động và tính chất ác liệt theo chiều hướng ngày càng tăng suốt 21 năm, thì đây là cuộc đụng đầu lịch sử giữa đế quốc Mỹ với nhân dân Việt Nam - một cuộc đụng đầu, xét về nhiều mặt, là không cân sức.

Hiệp định Genève về Đông Dương vừa được ký kết (20-07-1954), thì Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thông qua “kế hoạch Menxphin”. Tinh thần và nội dung cơ bản của kế hoạch này là “biến vĩ tuyến 17 thành một phòng tuyến ngăn chặn (chủ nghĩa cộng sản) không thể xoá bỏ được”, chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Để lập được phòng tuyến đó cần có một tổ chức liên minh quân sự do Mỹ nắm quyền điều hành. 

Ngày 13/12/1954, Mỹ và Pháp ký kết văn kiện cho phép các cố vấn quân sự Mỹ tham gia huấn luyện quân đội Sài Gòn. Mỹ thực sự từng bước thay chân Pháp ở miền Nam Việt Nam. Tháng 01/1955, Mỹ chính thức viện trợ quân sự trực tiếp cho quân Sài Gòn. Tháng 8/1955, Mỹ và Ngô Đình Diệm công khai bác bỏ tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam theo quy định của Hiệp định Genève. Để hoàn toàn xoá bỏ ảnh hưởng của Pháp, ngày 23/10/1955, Ngô Đình Diệm tổ chức ra cuộc “trưng cầu dân ý” để phế bỏ Bảo Đại, lên làm Tổng thống. Ngày 26/04/1956, Pháp đã rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Từ ngày 28/04/1956 phái đoàn MAAG của Mỹ chính thức thay Pháp nắm và huấn luyện quân đội Sài Gòn.

Để xoá bỏ hoàn toàn Hiệp định Genève về Đông Dương và hợp pháp hoá việc xoá bỏ đó, đầu năm 1957, Mỹ đưa ra Hội đồng bảo an Liên hợp quốc xem xét đề nghị của Mỹ cho chính quyền Sài Gòn (do Ngô Đình Diệm làm tổng thống) vào Liên hợp quốc để vĩnh viễn chia cắt nước Việt Nam, tuy nhiên Liên Xô đã dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn điều này.

Trong những năm 1955-1956, Mỹ đã bỏ ra 414 triệu USD xây dựng các lực lượng thường trực quân đội Sài Gòn, gồm 170.000 tên và lực lượng cảnh sát 75.000 tên; 80% ngân sách quân sự của chế độ Ngô Đình Diệm do Mỹ đài thọ. Từ năm 1955 đến 1960, có tất cả 800 chuyến tàu chờ vũ khí và phương tiện quân sự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Mỹ bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự quan trọng như các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Vũng Tàu. Đến giữa năm 1956, Mỹ đã đặt ở Sài Gòn bốn phái đoàn: MAAG, TRIM, CATO, TERM và đến năm 1960 thêm hai phái đoàn: MSU và USOM. Riêng phái đoàn quân sự MAAG, năm 1954 có 200 cố vấn và nhân viên, đến năm 1960, con số đó đã lên đến gần 2.000 trong đó có 800 cố vấn quân sự.

Trong 21 năm chiến tranh (1954-1975), theo thống kê chưa đầy đủ, Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh Việt Nam tới 676 tỉ USD, so với 341 tỉ USD trong Chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỉ trong chiến tranh Triều Tiên, và nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỉ USD.[2] Những chi phí khổng lồ này tính theo thời giá hiện nay đủ sức vực cả các nước thế giới thứ ba vượt qua đói nghèo, lạc hậu để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước thuộc “câu lạc bộ nhà giàu” như các nhóm G7, OECD...

Bên cạnh đó, nước Mỹ đã huy động tới 550.000 quân viễn chinh Mỹ và lôi kéo hơn 70.000 quân của 5 nước bao gồm: Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, làm nòng cốt cho hơn 1.000.000 quân của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tất cả đã vượt qua ngoài sức tưởng tượng của người Mỹ, cũng như trong suy nghĩa của các nước trên thế giới.

2.2. Chiến dịch bí mật của CIA và sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn

2.2.1. Chiến dịch mang mật danh “Gió cuốn” và cuộc di tản năm 1975

Sau khi hiệp định Paris về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/01/1973, Mỹ rút quân về nước để lại hơn 1 triệu quân của chế độ Sài Gòn, hơn 2 năm sau đó đội quân này đã nhanh chóng tan rã cùng với đà tiến công mãnh liệt của quân đội Bắc Việt Nam.

Đầu tháng 04/1975, các tướng Mỹ bắt đầu thảo luận phương án thứ tư mang mật danh “Gió cuốn” (Frequent Wind) nhằm di tản người Mỹ bằng máy bay trực thăng rời khỏi Sài Gòn. Giữa tháng 04/1975, CIA nhận định khả năng quân đội Bắc Việt Nam đánh chiếm Sài Gòn là điều không thể ngăn cản được nữa. Chiến dịch của Hà Nội thực sự bắt đầu vào ngày 06/01/1975, Tỉnh Phước Long cách Sài Gòn 120 km rơi vào tay quân đội Bắc Việt Nam. Cú đấm tiếp theo xảy ra vào ngày 10/03/1975 ở cao nguyên Buôn Mê Thuột, hai sư đoàn Bắc Việt Nam được xe tăng yểm trợ đã đánh tơi tả một sư đoàn quân đội Sài Gòn. Tiếp đó từ ngày 21 đến ngày 29/03/1975 Huế và Đà Nẵng thất thủ, cuộc tháo chạy trên đường số 7 của quân đội Việt Nam Cộng hòa diễn ra trong hỗn loạn.

Ngày 25/04/1975, 15 sư đoàn Bắc Việt Nam đã bao vây khu vực Sài Gòn. Tình hình trên buộc chính phủ của Tổng thống G. Ford phải nhanh chóng tiến hành một cuộc di tản công dân Mỹ và cả những người Việt Nam làm việc cho phía Mỹ rời khỏi Sài Gòn.

Thời điểm ấy, Đại sứ quán Mỹ đã thông báo tới các trưởng văn phòng báo chí rằng khi đến giờ di tản khỏi Sài Gòn, Đài phát thanh Quân đội sẽ phát đi bản tin thời tiết đặc biệt, việc sơ tán sẽ lên đến cao điểm khi Đài phát thanh Quân đội phát bài “Giáng sinh trắng” của Irving Berlin do Bing Crosby trình bày.Trong chiến dịch này, hãng hàng không Air America sẽ đóng vai trò quan trọng bởi lẽ chỉ có trực thăng hạng nhẹ Bell UH-1 Huey của Air America mới đáp được xuống các nóc nhà ở trung tâm Sài Gòn, còn trực thăng hạng nặng của thủy quân lục chiến Mỹ thì không thể. 

Rạng sáng 29/04/1975, căn cứ không quân Tân Sơn Nhất bị dội pháo. Nhận thấy tình hình ngày càng xấu, đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam Graham Martin buộc phải chấp nhận kế hoạch di tản khẩn cấp. Chiến dịch “Gió cuốn” diễn ra trong bối cảnh hỗn loạn.

Trong chiến dịch di tản khỏi Sài Gòn, máy bay trực thăng của thủy quân lục chiến Mỹ, không lực Mỹ và hãng hàng không Air America đã đưa tổng cộng 1.373 công dân Mỹ, 5.595 người Việt Nam và các nước khác rời khỏi Sài Gòn[3].

2.2.2. Chế độ Sài Gòn sụp đổ

Những ngày cuối tháng 3 năm 1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “Một ngày bằng 20 năm”. Bộ chính trị xác định : “Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu”.

Ngày 14/04/1975, Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối.

Để chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định tập trung lực lượng lớn quân chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch, gồm: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc), Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232. Tổng số lực lượng là 15 sư đoàn, một lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; một trung đoàn tên lửa, hai sư đoàn ô tô vận tải, một bộ phận hải quân và không quân, cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch.

17 giờ ngày 26/04/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 11h30 phút ngày 30 tháng 04 năm 1975, lá cờ chiến thắng của quân đội ta cắm trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam, khi tổ quốc được thống nhất, non sông thu về một mối.

3. Nỗi niềm của những người Việt Nam sau chiến tranh

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, cảnh binh đao mịt mù lửa khói giữa thế lực ngoại bang với Việt Nam đã lùi xa, nhưng vẫn còn một nỗi suy tư day dứt, ngày đêm giày vò những người Việt yêu nước chân chính đang sống ở hải ngoại đó là hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Trong khi đó, những ngày tháng 4 lịch sử này, những công dân Sài Gòn lứa tuổi 40-50 khi trò chuyện với nhau, có thể sẽ nhắc lại câu nói của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Không để quá khứ ràng buộc tương lai”, tại sao lại như vậy? Vì nó liên quan đến một vấn đề còn lớn hơn chuyện cơm áo, gạo tiền của người Sài Gòn sau ngày thống nhất đất nước: “lý lịch gia đình”. Họ bước vào tương lai, dấn thân vào cuộc sống sôi động lúc này như thế nào đây khi đối diện với “chủ nghĩa lý lịch” và sự phân biệt đối xử?

21 năm chiến tranh là một thời gian rất dài với biết bao đau thương, tang tóc do cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Mỹ và đặc biệt do chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh thâm độc của chúng. Sự mất mát, đau khổ ở cả hai phía, trong nhiều gia đình Việt Nam. Có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian…

Tuy nhiên, những người bị ép cầm súng vì không trốn lính được phải mang cái án suốt đời, đó là án “ngụy quân”, còn người làm trong chính quyền cũ cũng mang cái án “ngụy quyền”. Trừ những người có nợ máu với nhân dân, có chính kiến chính trị, đa số người làm việc cho chế độ cũ chỉ vì họ phải làm và phải sống. Không phải ai cũng có cơ hội hay điều kiện để lựa chọn cho mình con đường đi theo cách mạng. Sự phân biệt đối xử kéo dài nhiều năm và khó có thể kể hết những tổn thất từ đó sinh ra. Sự tổn thất không chỉ đối với cá nhân mà đó là thiệt hại chung cho cả xã hội. Duy chỉ chủ nghĩa lý lịch thôi cũng vùi dập không biết bao nhiêu nhân tài hoặc người có năng lực. Có không ít học sinh thi đậu đại học nhưng không được học. Các em không thể “lựa cửa để sinh ra” nhưng phải chịu trách nhiệm về việc làm của cha mẹ mình.

Những người làm trong bộ máy chính quyền chế độ cũ, họ chỉ làm công việc thuần túy chuyên môn hoặc giáo sư giảng dạy đại học. Họ suy nghĩ rằng, chế độ nào họ cũng được sử dụng như một người làm công ăn lương. Nhưng sau giải phóng, không ít người trong số họ không được làm đúng với trí tuệ, chuyên môn, thậm chí có người phải làm những công việc đơn giản như đạp xích lô, chạy xe ôm… Chia rẽ không bao giờ mang ý nghĩa tích cực, nhưng đại đoàn kết vẫn chưa được đến sớm. Phải mất khá lâu để có được những chuyển biến trong nhận thức và hành động cụ thể. Phải làm sao để bà con Việt Nam ở hải ngoại là “khúc ruột ngàn dặm”, về quê hương đóng góp, xây dựng và không còn thấy có khoảng cách?

“Không ai lựa cửa để sinh ra!”; “Không để quá khứ ràng buộc tương lai”... là những câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khái quát về tinh thần đại đoàn kết và hòa hợp hòa giải dân tộc. Bao năm qua, câu nói này đánh động đến suy nghĩ của nhiều người, không chỉ đối với người dân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Vẫn một niềm trăn trở về vấn đề này, trong cuốn “Võ Văn Kiệt – Đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo” ở một bài trả lời phỏng vấn, ông nói: “Yêu nước có cả trăm hình thức thể hiện. Có một thời kỳ sự hẹp hòi, thành kiến và đố kỵ đã làm tổn thương tình cảm của dân tộc, xa rời truyền thông “thương người như thể thương thân”, làm ảnh hưởng không tốt đến tính đồng thuận xã hội. Thay vì phải làm sao giảm bớt nỗi đau của những gia đình Việt Nam có người thân bị ép phải cầm súng chống lại cách mạng, vì không thể “trốn lính” được và đã tử trận, thì cho đến bây giờ vẫn còn nhiều trường hợp bị phân biệt đối xử. Không ai lựa cửa để sinh ra. Vì vậy, chúng ta không nên khoét sâu thêm vết thương trong lòng mỗi người Việt Nam. Với những nước từng đưa quân đến xâm lược và đánh thuê trên đất nước ta, chúng ta còn khép lại quá khứ, đưa tay kết bạn huống chi là người nước mình…”[4]

Vậy là tròn 40 năm ngày đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải. Không thể phủ nhận ý nghĩa vĩ đại của ngày 30/04/1975. Song sự nghiệp đặt ra sau khi thống nhất giang sơn là thống nhất lòng người dường như vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn. Bằng chứng là chúng ta vẫn phải nói về hòa hợp dân tộc. Thế nên, chúng ta phải thực hiện và thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc, đó cũng là đạo lý của người Việt Nam.

4. Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc trong giai đoạn hiện nay

Đoàn kết, hòa hợp dân tộc là điều kiện cần thiết cho sự ổn định và phát triển của mọi quốc gia. Đó cũng là truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam, được nhân dân ta xây đắp, gìn giữ từ ngàn đời và hiện nay đang được tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là xu thế không thể làm thay đổi, đảo ngược cho dù vẫn còn những người với động cơ xấu vì chính trị cố tình ngăn trở. 

Nhiều thế hệ người Việt Nam từng thấm thía nỗi đau chia rẽ, tàn phá của chiến tranh và các chính sách cai trị thâm độc của các thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc và tay sai. Đặc biệt là cuộc chiến tranh tàn bạo do đế quốc Mỹ tiến hành, với thủ đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề đối với hầu hết gia đình Việt Nam suốt mấy chục năm qua và còn kéo dài. Điều đó đã làm cho nguyện vọng về đoàn kết, hòa hợp dân tộc, đoàn tụ quê hương, gia đình trở thành khát vọng thường trực của mọi người dân. Nguyện vọng đó cũng là điều quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam; là vấn đề có ý nghĩa như một động lực, một mục tiêu của cách mạng. Lòng yêu nước và sự nhân ái luôn được lấy làm nền tảng tinh thần cho sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, trong khi phải lo đối phó với thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”[5].

Tinh thần đó được tiếp tục vận dụng thực hiện sau ngày 30/04/1975 khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, thống nhất. Bước vào thời kỳ mới, bám sát tình hình và nhu cầu thực tiễn, Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời xác định các chủ trương, chính sách mới về đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Ngay từ năm 2003, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định các nội dung cơ bản về vấn đề này. Đó là: Nghị quyết 23-NQ/TW vào ngày 12/03/2003 “Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Nghị quyết 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”, Nghị quyết 25-NQ/TW “Về công tác tôn giáo” và tiếp sau đó là Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26/03/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Trong đó khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Đó là những định hướng chiến lược làm cơ sở thống nhất về nhận thức, tư tưởng, tổ chức, chính sách để thực hiện đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Cho đến nay, những định hướng đó vẫn còn nguyên giá trị. Đại hội lần thứ XI của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”[6]. Gần đây, Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được ban hành ngày 28/11/2013 đã phản ánh tập trung ý chí, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước, trở thành đạo luật cơ bản, quan trọng nhất để thực hiện đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Trước sự tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, hiện nay, việc thực hiện đoàn kết, hòa hợp không chỉ tập trung vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo hay định kiến lịch sử, mà còn phải tích cực, chủ động giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân; tập trung vào các vấn đề lợi ích kinh tế, dân chủ, bình đẳng xã hội giữa các tầng lớp nhân dân ở các vùng, miền. Nhằm giải quyết thực tế đó, những năm gần đây, bên cạnh việc thể chế hóa các quan điểm, chính sách, Đảng, Nhà nước đã hết sức chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý mọi mặt đời sống xã hội, nhất là trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, tăng cường các thiết chế dân chủ; tích cực bài trừ tham nhũng, quan liêu…, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như: các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hỗ trợ bảo hiểm y tế trẻ em thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, dưới sáu tuổi được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh. Đặc biệt trong công tác giáo dục, đến tháng 12/2011, 100% số tỉnh miền núi có trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú dành cho trẻ em là người dân tộc thiểu số. Thông qua những việc làm đó, tình trạng bất bình đẳng, phân hóa xã hội ngày càng giảm, sự đồng thuận xã hội được nâng lên, những mặc cảm, định kiến, thù oán do lịch sử để lại được thu hẹp.

Tuy còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm giải quyết, thế nhưng những thành tựu quan trọng về đoàn kết, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam từ sau 30/04/1975 đến nay là điều không thể phủ nhận. Hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước là những tiền đề cơ bản cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Thế nhưng các thế lực thù địch, một số người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn mang nặng thù hận, tìm mọi cách lợi dụng các chiêu bài dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, chủ quyền để xuyên tạc, kích động nhằm chia rẽ, cô lập đất nước, gây mất ổn định chính trị - xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòng lật đổ chế độ. Mặc dù vậy, đại đa số quần chúng ngày càng nhận rõ sự đúng đắn của chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước, và thấy rõ chân tướng của những kẻ mưu toan nhằm chống phá chế độ, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Sau ngày giải phóng, quần chúng bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm của Đảng, Nhà nước về “Chiến thắng 30/04/1975 là thắng lợi lịch sử của toàn dân tộc”, là kết quả của sự đoàn kết dân tộc, của cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược của nhân dân ta, và “lấy lợi ích dân tộc làm điểm tương đồng để hòa hợp, hòa giải”. Thực tế cho thấy, không hề có sự “tắm máu” hay trả thù, đàn áp của “cộng sản” đối với những ai vì các lý do khác nhau đã từng phục vụ trong bộ máy của chính quyền Sài Gòn. Mọi người cũng thấy rõ nguyên nhân của sự kiện được gọi là “thuyền nhân” - chỉ làn sóng người vượt biên trái phép ra nước ngoài định cư sau ngày giải phóng chủ yếu là vì sợ bị trả thù theo những luận điệu xuyên tạc hoặc vì lý do mưu sinh mà không hề có bất cứ sự xua đuổi, truy bức nào. Trớ trêu thay, sự kiện này sau đó lại được quy chụp là “tội ác của cộng sản” để tiếp tục mưu đồ gieo rắc thù oán. Bất chấp sự phát triển, tiến bộ về tình hình dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ở đâu đó người ta vẫn còn đưa ra những điều bịa đặt về một Việt Nam đàn áp tôn giáo, dân tộc và những đòi hỏi vô lý về dân chủ, nhân quyền. Những ai quan tâm đều nhớ rõ, ngày 12/11/2013, trong phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất và hiện đang phát huy rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Điều đó, chắc chắn không phải là một sự “nhầm lẫn” hay “cảm tình” của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Từ chỗ bị bao vây, cấm vận.Từ sau đổi mới đến nay, đã có khoảng 90 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (FDI) với lượng vốn đăng ký khoảng 270 tỷ đô la. Hiện có trên 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển có quan hệ thương mại với Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện nay đạt trên 264 tỷ đô la... Sự tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân không những nói lên sự nỗ lực và gắn kết của cộng đồng dân tộc trong tiến trình khắc phục tàn tích nặng nề của chiến tranh, mà còn phản ánh khát vọng to lớn của nhân dân Việt Nam đối với công cuộc hòa bình, đoàn kết, hợp tác quốc tế. Phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” đã đem lại cho đất nước vị thế, vóc dáng mới. Đến nay, với các cấp độ khác nhau, Nhà nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 03 nước. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc hợp tác toàn diện Việt - Mỹ là một minh chứng thực tế trong thực hiện phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước và xu thế hội nhập quốc tế; đồng thời, góp phần thiết thực vào quá trình hòa hợp dân tộc, nhất là với một bộ phận người Việt Nam di cư sang Mỹ sau năm 1975.

5. Thay lời kết

Tổ Quốc Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đấy là một chân lý không bao giờ thay đổi. Dù chúng ta có nói gì đi chăng nữa thì dòng máu chảy trong huyết quản của những con người nơi quê nhà và những con người sống đâu đó bên kia đại dương, trên đất Mỹ, Pháp đều giống nhau. Đều là máu đỏ của dân tộc Việt. Kiều bào là một bộ phận khăng khít của dân tộc Việt Nam ở nước ngoài, chắc chắn một điều rằng với những con người đó cũng muốn được quay về với quê hương. Và đất nước cũng sẽ cần không những một phần công sức xây dựng đất nước của họ mà đó còn là một bộ phận tất yếu của dân tộc Việt Nam. Vì thế hòa hợp đem lại những tích cực để thúc đẩy Việt Nam phát triển.

Nhưng chúng ta chỉ hòa hợp thật sự nếu như cả hai bên biết khoan dung, độ lượng, ngồi lại với nhau và bỏ qua những gì đã xảy ra trong quá khứ, cho dù đó là lỗi của bên này hay bên kia. Chiến tranh là đau thương, mất mát, cuộc sống tiêu điều, nhân tâm lý tán, điều đó chẳng ai mong muốn cả. Nhưng chúng ta không bao giờ được phủ nhận thành quả của công cuộc thống nhất đất nước, đó là một quyết sách đúng đắn. Đất nước Việt Nam đã quá bé nhỏ để chống chọi lại với ngoại bang rồi nên không thể chia năm sẻ bảy, không ai có quyền nói rằng thống nhất đất nước là sai, không ai có quyền xét lại quá khứ cả nếu chúng ta thực sự muốn hòa hợp.

Dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước cũng đã phải chung sống với chiến tranh mười mấy thế kỷ, đánh tan biết bao đạo quân xâm lược hùng mạnh. Và ngay trong lịch sử hiện đại thì dân tộc Việt Nam cũng chỉ mới độc lập, thống nhất thực sự chỉ vỏn vẹn trong 40 năm qua. Đau thương, mất mát mà chúng ta gánh lấy là quá lớn, hậu quả mà chúng ta phải hứng chịu là quá nặng nề, mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa thể khắc phục hết được. Nếu cứ mãi chia rẽ, hận thù trong lòng dân tộc thì đó chính lại càng khoét sâu nỗi đau của dân  tộc chúng ta, và hận thù chỉ làm chúng ta toan tính và càng dễ làm đất nước suy yếu. Dân tộc Việt Nam luôn có những kẻ thù mưu mô xảo quyệt, đất nước Việt Nam luôn bị ngoại bang dòm ngó. Muốn đất nước phát triển, tránh họa ngoại xâm chỉ còn cách là đoàn kết với nhau cùng chung tay xây dựng đất nước.

Chiến tranh đã đi qua khá lâu, những ngày 30 tháng 04 lịch sử này là lúc chúng ta nên nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Bản thân những người đã đi và những người ở lại, đừng nên mang trong mình nỗi hận thù nữa. Mỗi cá nhân hãy biết khoan dung, bỏ qua những dị biệt của nhau, trước khi nhìn nhau dưới lăng kính những thứ ý thức hệ, quan điểm này hay quan điểm kia thì hãy nhìn nhau với tư cách là những con dân đất Việt, con lạc cháu hồng./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976.

4. Robert S. Mc Namara: Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và bài học Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

5. Đặng Phong: 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Hà Nội 1991.

6. Võ Văn Kiệt: Đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.

7. Nguyễn Thanh Sơn, Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, 2010.
 


[1]Xuân Linh, Trăn trở về hòa hợp dân tộc của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/104904/tran-tro-ve-hoa-hop-dan-toc-cua-cuu-bo-truong.html, truy cập ngày 29/01/2015.

[2]Tổng cục Thống kê:Việt Nam, con số và sự kiện (1945-1989), Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1990.

[3]Ngày 17/04/2009, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã công bố trên trang web hồ sơ mới giải mật về hãng hàng không Air America của CIA. Air America đã từng thực hiện nhiều điệp vụ bí mật trong chiến tranh Việt Nam, Nguồn: https://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2204%3Aphi-i-trc-thng-bi-mt-ca-cia-t-in-bien-ph-n-sai-gon&catid=1513%3Avit-nam-hin-i&Itemid=2938&lang=vi&site=71, truy cập ngày 30/01/2015.

 

[4]Võ Văn Kiệt: Đổi mới, bản lĩnh và sáng tạo, Nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2007.

[5]Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 280 – 281.

[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 239 - 240

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114529432

Hôm nay

2175

Hôm qua

2304

Tuần này

21705

Tháng này

216128

Tháng qua

0

Tất cả

114529432