Tôi phải lan man đôi điều như vậy để cố quên đi hung tin Anh đã ra đi mãi mãi... Cái dáng đi hơi khập khiễng, giọng nói đậm chất Quỳnh Lưu, nụ cười vừa thâm trầm vừa hài hước... như vẫn hiển hiện. Anh đã từng nói với rất nhiều người, mình sinh ở Nghệ An nhưng sao cứ nặng lòng với Hà Tĩnh, đất và người Hà Tĩnh cứ như hút hồn mình vậy, viết ca khúc nào về Hà Tĩnh cũng đều "rút ruột". Từ "Sông Ngàn Sâu" phổ thơ năm 1982 cho đến hàng loạt ca khúc đầu những năm 2000 như "Hà Tĩnh mình thương", "Thương nhau tìm về", "Hà Tĩnh - đất Phượng Hoàng tung cánh", "Quê mình quê thơ", ca khúc nào cũng nhanh chóng lan truyền rộng rãi. Đó là chưa kể đến những tác phẩm thanh xướng kịch từng đạt huy chương vàng ở nhiều hội diễn như "Uy viễn Nguyễn Công Trứ", "Ký ức Đồng Lộc" hoặc những chương trình nghệ thuật do ông làm Tổng đạo diễn như "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" (Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Cố TBT Trần Phú, 2004), "Đôi bờ ví giặm" (Liên hoan dân ca Ví, Giặm lần thứ 2, 2012)... Một trong những đĩa nhạc đầu tiên của Hà Tĩnh (CD Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh) phát hành năm 2003 cũng được nhạc sĩ An Thuyên biên tập, giúp đỡ phối khí, ghi âm. Thời kì đó kinh phí của Sở Văn hóa Thông tin còn hết sức eo hẹp, tôi và anh Đặng Quốc Vinh (GĐ sở thời đó) đã trực tiếp đến trường VHNT Quân đội, được anh mời cùng ăn trưa tại nhà bếp, ngồi trong phòng thu nghe các ca sĩ hát để ghi âm. Anh nói với chúng tôi các bài hát về Hà Tĩnh đều rất hay, đã làm đĩa là phải đảm bảo chất lượng tốt nhất- mình biết các ông ít tiền, nhà trường phải giúp cho Sở thôi...
Cách đây hơn hai tháng, anh cùng nhà báo Ngọc Đản về Hà Tĩnh để bàn làm một chương trình nghệ thuật về Nguyễn Du trong dịp kỉ niệm 250 năm. Tôi đón anh từ Nghi Xuân về Can Lộc, mời cả anh Hà Văn Thạch (người mà anh thường nói "mình quý và trân trọng chú Thạch nhất Hà Tĩnh") cùng đưa anh đi thăm Ngã ba Đồng Lộc, làng Trường Lưu... Thắp hương cho mười cô, anh rơm rớm nước mắt như tự hứa với lòng mình - chúng mình phải làm một chương trình nghệ thuật tri ân các Cô và những người đã hy sinh tại mảnh đất này cho thật xứng đáng... Lời hứa đó anh Thuyên ơi giờ đã thành không thể!
Sau chuyến đi, anh điện thoại cho tôi: mình chưa có ca khúc nào cho Can Lộc cả, Hải có bài thơ nào về quê nhớ gửi cho mình để nghiên cứu phổ nhạc nhé. Rồi anh lại đau đáu trao đổi một tác phẩm thanh xướng kịch về Truyện Kiều và Nguyễn Du, anh nói không làm được chương trình này tại Hà Tĩnh trong dịp đại lễ thì tiếc quá, sẽ cố gắng làm tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh gửi thư điện tử cho tôi và nhờ tôi chuyển cho anh Thạch nữa để góp ý về kịch bản. Xin được trích lại mấy dòng trong thư của anh - không ngờ lại là bức thư cuối cùng của anh trước lúc đi công tác ở nước ngoài, rồi về nước và hôm nay đã vĩnh viễn vào cõi vĩnh hằng...
Mấy năm rồi đọc lại Kiều, viết về Kiều, đi tìm Kiều để hòng đến với một phần Nguyễn Du, nhưng càng biết thêm về ông tôi càng thấy mình nhỏ bé và hạn hữu. Nhân năm nay cả nước kỷ niệm lớn về ông, dù có còn hơn không, âu là tấm lòng hậu thế, tôi có nôm na cho ra một đề cương kịch bản âm nhạc với tiêu đề: Thiện căn. Tôi tạm cô đúc Kiều và Nguyễn Du trong bốn chữ mà ông đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Thiên truyện: Tài - Mệnh - Tình - Tâm. Bốn chữ tiêu biểu này như là chiếc chìa khóa để đi vào cái mênh mông, to lớn, vĩ đại. Hy vọng cái chìa khóa nhỏ bé này là một trong nhiều cách tiếp cận và có thể cùng mọi người đồng hành, dễ nhớ rồi hiểu biết thêm Kiều và Nguyễn Di, đại thi hào dân tộc. Bốn chữ tương ứng với với bốn chương trong đêm nhạc, gom góp tất cả các đoạn trường Kiều, tuy không theo trình tự của tác phẩm văn chương, nhưng sẽ cùng khán giả dễ nhớ, dễ hiểu về Truyện Kiều và một phần Nguyễn Du. Bằng một cách nhìn, một thủ pháp sân khấu ca nhạc đương đại, kết hợp với công nghệ mới, hy vọng sẽ giúp người xem hôm nay đồng cảm...
Hà Tĩnh, đêm 03/7/2015