Người xứ Nghệ

Đóng góp của Nguyễn Sỹ Sách đối với quá trình thành lập Đảng

Cách đây tròn 95 năm (12/1929 - 12/2024) một người con anh dũng của quê hương Nghệ An đã ra đi trong một cuộc đấu tranh chống Pháp ở Lao Bảo - Quảng Trị. Đó là chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Sỹ Sách - một yếu nhân trong quá trình vận động thành lập Đảng.

Chân dung đồng chí Nguyễn Sỹ Sách

Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời là kết quả của một quá trình vận động lâu dài, trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt trong nước và quốc tế. Quá trình vận động thành lập Đảng có sự đóng góp và hy sinh của nhiều người, nhất là hội viên Hội Thanh niên. Lật trang sử, vùng Nghệ Tĩnh có nhiều anh hùng cách mạng có công lớn trong quá trình vận động thành lập Đảng, tiêu biểu có: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu… và Nguyễn Sỹ Sách.

Năm 1921, Nguyễn Sỹ Sách vừa bước chân vào hoạt động cách mạng thì ở Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiên đoán rằng: “Người Đông Dương dấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”[1]. Người yêu cầu “Bộ phận ưu tú phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”[2]. Sau đó không lâu, Nguyễn Sỹ Sách tham gia rồi trở thành một yếu nhân của bộ phận ưu tú này (cán bộ nòng cốt Hội Thanh niên). Nguyễn Sỹ Sách tham gia vào đạo quân chủ lực của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam giai đoạn chuẩn bị thành lập Đảng.

Bằng chính trải nghiệm thực tiễn ở Việt Nam và nhiều lần sang Trung Quốc, Nguyễn Sỹ Sách thấy rõ sự phản bội của giai cấp tư sản Trung Quốc đối với chính đồng bào họ. Vì vậy, anh tin chắc vai trò lãnh đạo của Hội Thanh niên và sức mạnh của giai cấp vô sản trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Có thể khẳng định rằng, cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Sỹ Sách cốt đạt được nguyện vọng duy nhất là: Dân tộc được độc lập, đồng bào được giải phóng. Trên cơ sở ước nguyện đó, anh dốc hết sức để đưa con đường cách mạng vô sản được xác lập và thắng thế ở Việt Nam.

Để thực hiện chiến lược này, trước hết, anh cùng các đồng chí trong Hội Thanh niên ra sức xây dựng tư tưởng, chính trị, tổ chức theo ngọn cờ vô sản chín muồi, tiến đến thành lập một Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Sỹ Sách, cơ sở Hội Thanh niên phát triển mạnh khắp các tỉnh miền Trung, “đầu năm 1929 Kỳ bộ Thanh niên ở Trung Kỳ có hơn 1.000 hội viên, trong đó có 500 hội viên chính thức, hàng trăm quần chúng tích cực”.

Nguyễn Sỹ Sách là một yếu nhân góp phần truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênincon đường cách mạng vô sản vào Việt Nam. Nguyễn Sỹ Sách có vai trò quan trọng ở cả Hội Thanh niên và Đảng Tân Việt ngay từ thời kỳ đầu. Được hai tổ chức cách mạng yêu nước này tin tưởng giao phó trọng trách vận động hợp nhất hai tổ chức để xúc tiến thành lập chính đảng ở Việt Nam. Hà Huy Tập trong cuốn Quinn - Judge nhận định: “Nguyễn Sỹ Sách, một ủy viên liên lạc của Ủy ban Trung ương Việt Nam Cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt), cũng là thành viên Kỳ bộ Trung kỳ của Hội Thanh niên”. Với ít nhất 5 lần sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, anh đã góp phần đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản truyền bá và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam. Do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đặc biệt là những khác biệt về lập trường chính trị, hạn chế về khuynh hướng tư tưởng và sự cục bộ, hẹp hòi ở một số cá nhân mà vấn đề hợp nhất không thành.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ vận động hợp nhất, Nguyễn Sỹ Sách còn tích cực xây dựng về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho Hội Thanh niên. Với vai trò, năng lực cá nhân và được sự đoàn kết giúp đỡ của các đồng chí, Anh đi các tỉnh Trung Kỳ truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê nin, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc và giác ngộ quần chúng nhân dân, nhất là thanh niên, trí thức. Vì vậy, cơ sở Hội Thanh niên ngày càng lớn mạnh, lan rộng khắp các tỉnh Trung Kỳ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nha Trang... Riêng ở Nghệ Tĩnh, cơ sở và hoạt động Hội Thanh niên rất mạnh, Trụ sở Kỳ bộ đặt tại Vinh.

Bằng sự cống hiến hết mình, hoạt động không mệt mỏi của Nguyễn Sỹ Sách, năm 1929, nhiều chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập dưới sự triệu tập, chủ trì của Anh. Ở Thanh Chương, chi bộ Cộng sản đầu tiên là Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng làng Tú Viên (Chi bộ Quang Trung) được thành lập tháng 07/1929[3]. Nguyễn Sỹ Sách còn trực tiếp chuyển một số tiểu tổ Hội Thanh niên ở Nghệ Tĩnh thành những chi bộ Cộng sản đầu tiên như: Nhà máy Xe lửa Trường Thi; Trường Quốc học Vinh; Dương Xuân (Anh Sơn); Vạn Phần, Lý Trai (Diễn Châu); Trường Tiểu học Pháp - Việt (thị xã Hà Tĩnh)…Điều này tạo nên sự chuyển hóa trong phong trào công nhân Việt Nam từ tự phát sang tự giác và ngày càng phát triển. Riêng tại Nghệ Tĩnh, với sức ảnh hưởng của Hội Thanh niên do Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ Nguyễn Sỹ Sách lãnh đạo mà phong trào công nhân bùng nổ liên tục ở nhiều nơi như: Nhà máy Xe lửa Trường Thi, Nhà máy Cưa Bến Thủy, Nhà máy Diêm Bến Thủy… Nhiều cuộc biểu tình, khởi kiện chống sưu cao thuế nặng bùng nổ ở nông thôn. Các hủ tục lạc hậu về ma chay cưới hỏi, mê tín, dị đoan, tệ rượu chè, cờ bạc, nghiện hút nơi cộng đồng cư dân làng xã dần được bài trừ, loại bỏ. Trên cơ sở đó, ý thức về đời sống văn hóa, xã hội, chính trị của Nhân dân được nâng cao, góp phần đẩy lùi âm mưu nô dịch, ngu dân của chính quyền thực dân và phong kiến tay sai… Đây là những khởi sắc, tạo nên chất liệu mới cho điều kiện khách quan và chủ quan thành lập Đảng Cộng sản nhanh chóng chín muồi, nhất là về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Những năm cuối thập niên XX, Trần Văn Cung có vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh tư tưởng, chính trị theo chủ nghĩa Tam dân phía Việt Nam Quốc dân Đảng ở Bắc Kỳ. Còn ở Trung Kỳ, Nguyễn Sỹ Sách có vai trò, đóng góp chủ chốt trong quá trình đấu tranh tư tưởng, chính trị theo ý thức hệ tư sản, cục bộ phía Đảng Tân Việt. Từ việc tuyên truyền vận động kết hợp tổ chức các nhóm nhỏ để phát triển dần, Nguyễn Sỹ Sách cùng các đồng chí Hội Thanh niên làm cho tư tưởng, tổ chức cách mạng vô sản lấn át tư tưởng và tổ chức không cách mạng, lôi kéo họ đi theo con đường cách mạng chân chính nhất - con đường cách mạng vô sản.

Khi Nguyễn Sỹ Sách hy sinh, cảm phục và ghi nhận công lao của anh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu toàn thể hội viên Hội Thanh niên làm lễ truy điệu. Thông tri Người có khẳng định: “Đồng chí là một người trong đoàn thể, đồng chí làm cách mạng cho đến khi bị bắt, bị đày mà cũng kiên quyết làm cho đến chết mới thôi. Vậy các đồng chí ở đâu đều phải làm lễ truy điệu. Anh em ở Tàu, ngày 18/01/1930”.

Nhiều hội viên Hội Thanh niên đang hoạt động ở Xiêm như Trần Tố Chấn, Trần Bá Giao, Ngô Tuân…tưởng niệm, làm câu đối để khắc ghi công lao anh:

- “Yêu nước hỏi rằng có tội sao?/Non sông rưới lệ khóc đồng bào

Sống như chó lợn, sống thêm nhục/Chết được thành danh, có chết đâu”.

- “Khóc anh thống thiết lệ không vơi/Thân gửi bao lâu giữ cõi đời

Không đội trời chung cùng kẻ địch/Gọi dân bể oán lập đầy thôi”.

Hàng năm, vào ngày 19/12, anh em tù nhân ở Lao Bảo lại tổ chức tuyệt thực để phản đối chế độ thực dân, tưởng nhớ đến Nguyễn Sỹ Sách. Đây cũng là dịp quan trọng để họ động viên, giáo dục lẫn nhau, củng cố tinh thần đoàn kết, cùng nhau vùng dậy đấu tranh vì quyền lợi của mọi người.

Báo Thân ái, cơ quan ngôn luận của Hội Thân ái, chi hội Hội Thanh niên Việt kiều ở Thái Lan, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập từ năm 1928. Số báo 35, phát hành tháng 03/1930 giành phần lớn nội dung để trình bày sự hy sinh oai hùng của Nguyễn Sỹ Sách. Mục Tin tức của báo viết: “Ngày 19/12/1929, đồng chí Nguyễn Sỹ Sách tại trường hình Lao Bảo mưu đồ bạo động, nhưng việc không thành mà đồng chí bị Tây giết. Tiếc thay từ đây chúng ta mất một đồng chí tốt”[4]. Tiếp đó, báo viết một bài về thân thế và đóng góp của Nguyễn Sỹ Sách đối vơi sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Phấn cuối bài viết, các tác giả kết luận: “Than ôi! Mạng người kề miệng hùm mà vẫn kứ tháo lồng bể kũi; Thân kề rìu búa mà kòn zương zạ sắt gan vàng. Việc tuy không thành nhưng vẫn đủ cho quân Pháp kinh hồn khiếp vía… Nguyễn Sỹ Sách đương khi bị zam kùm mà kòn hăng hái như thế, huống chi ta kòn ở ngoài vòng mà đành chịu thụt lùi sao? Ai là kẻ kó tâm huyết đứng lên! Đứng lên!”[5].

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), Nguyễn Thiệu thay mặt anh em tù làm câu đối tưởng nhớ, ngợi ca công lao và khí phách của Nguyễn Sỹ Sách:

“Sung sướng gì thân trâu ngựa mà vợ con, mà nhà cửa, chi bằng phấn đấu với quân thù, đắp móng xây nền cho cách mạng

Hãi hùng chi cuộc đọa đày, cứ tổ chức, cứ tuyên truyền, cho đến liều thân cùng súng đạn, bền gan vững chí với công nông”.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 khẳng định các phong trào cách mạng, yêu nước ở Việt Nam được thống nhất theo lập trường vô sản. Sự thắng lợi nền tảng mang tính bước đầu này có công lao của Nguyễn Sỹ Sách. Nhiều học trò, cán bộ, hội viên Hội Thanh niên, Đảng Tân Việt được Nguyễn Sỹ Sách đào tạo, bồi dưỡng đã trở thành những hạt nhân quan trọng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) và sự nghiệp cách mạng Việt Nam sau này, tiêu biểu có: Thiếu tướng Lê Nam Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng, Đại tá Nguyễn Đình Tùng, Nguyễn Sỹ Tâm, Nguyễn Sỹ Diệu… Đây thực sự là từ “quả trứng Thanh niên” Nguyễn Sỹ Sách đã tạo ra đàn chim những người cộng sản sau đó.

Những năm tháng hoạt động cách mạng của Nguyễn Sỹ Sách khắp 3 kỳ Bắc, Trung, Nam và bên kia Trung Quốc là những viên gạch nền móng góp phần dựng nên thành trì kiên cố Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Là những bước đệm quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và vững mạnh, đủ sức đề kháng để chống lại chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Tiếp bước hoài bão, chí hướng của Nguyễn Sỹ Sách, Nhân dân Thanh Chương nói chung, làng Tú Viên nói riêng vùng dậy mạnh mẽ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Khí thế đấu tranh của người dân quê anh còn vang vọng đến nay mai với câu ca: “voi Ngàn Hống, trống Tú Viên”[6]. Tri ân công lao người chiến sỹ cộng sản Nguyễn Sỹ Sách, sau ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất, Đảng, Nhà nước và Nhân dân nhiều nơi dành nhiều hình thức tôn vinh, tưởng niệm anh: Truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công Liệt sỹ Nguyễn Sỹ Sách. Tên Nguyễn Sỹ Sách được đặt cho nhiều tuyến đường lớn ở thành phố Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn và 2 ngôi trường tại quê hương là Trường Tiểu học Nguyễn Sỹ Sách, Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách. Nhà thờ dòng họ Nguyễn Sỹ được nhận Bằng công nhận “Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia”. Tượng đài Nguyễn Sỹ Sách được xây dựng tại nhà lưu niệm anh và Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách.

 

Nguyễn Tài

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Đại học Duy Tân, Khoa Lý luận Chính trị, Tài liệu học tập: Chí sĩ cách mạng Nguyễn Sỹ Sách.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1998.

3. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H. 1970.

4. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, H. 1975.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011.

6. Nguyễn Thị Hồng, Hồi ký về cuộc đời hoạt động của Nguyễn Sỹ Sách, Lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, 1984.

7. Sở Văn hoá Thông tin Nghệ An, Bảo tàng xô Viết Nghệ Tĩnh, Hồ sơ di tích nhà thờ họ Nguyễn Sỹ.



[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, Tr. 40.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, Tr. 40.

[3]. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh Lương, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Lương (1930 - 2017), Nxb, Nghệ An, 2017, Tr. 24.

[4]. Báo Thân Ái, số 35, 1930, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, số đăng ký 6658/Gy.5017.

[5]. Báo Thân Ái, số 35, 1930, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, số đăng ký 6658/Gy.5017.

[6]. Xem thêm: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh Lương, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Lương (1930 - 2017), Nxb, Nghệ An, 2017, Tr. 26 - 34.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520940

Hôm nay

217

Hôm qua

2291

Tuần này

21981

Tháng này

218879

Tháng qua

121009

Tất cả

114520940